Thứ ba, 03/12/2024

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 09.2018

Cập nhật lúc 09:31 11/09/2018
Lời Chủ Chăn Tháng 09.2018
NÊN THÁNH TRONG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Thưa cộng đoàn dân Chúa giáo phận,
Ngày 19 tháng 3 năm nay, ĐTC Phanxicô đã ban hành Tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan” (Gaudete et Exsultate) về ơn gọi nên thánh trong  thế giới hôm nay. Trong thư mục vụ tháng này, chúng tôi muốn đề cập với anh chị em về việc nên thánh trong đời sống hôn nhân và gia đình, hợp với đối tượng mục vụ của năm nay là năm đồng hành cùng các gia đình trẻ.
  1. Các thánh đông hay ít và các ngài là ai ? ĐTC Phanxicô dựa vào Lời Chúa để nói rằng các thánh đông lắm, “không  tài nào đếm nổi” (Kh    7,9), nhiều như mây trời (x. Dt 12,1). Các ngài không xa lạ nhưng rất gần gũi với chúng ta, đó “có thể là mẹ, là bà, hay những người thân thiết khác của chúng ta (x. 2Tm 1,5). Đời sống của các ngài không phải luôn luôn hoàn hảo, nhưng giữa những lỗi lầm và thiếu sót của mình, các ngài luôn tiến tới và sống đẹp lòng Chúa” (số 3). Sự kiện các thánh đông đảo chính là sự khích lệ chúng ta cố gắng nên thánh. Có một câu nói rất lạc quan: “Không thánh nhân nào mà không có quá khứ, cũng không tội nhân nào mà không có tương lai”. Nghĩa là ai ai, thậm chí ngụp lặn trong tội, vẫn có thể nên thánh. Các ông, bà, anh, chị, em, và tôi nữa, tất cả chúng ta đều có thể là thánh. Thánh Augustinô khích lệ: “Tại sao ông kia bà nọ nên thánh được, mà tôi thì không ?”.
  2. Có lẽ anh chị em không dám nghĩ tới việc làm thánh vì cho rằng khó lắm, “trầy da tróc vảy”, không dễ gì. Điều đó có đúng không ? ĐTC Phanxicô chia sẻ như sau: “Làm thánh không đòi hỏi phải là một giám mục, linh mục hay tu sĩ. Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể xa lánh các công việc bình thường để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Không phải thế. Tất cả chúng ta được mời gọi nên thánh bằng cách sống cuộc đời mình với tình yêu thương và nêu chứng tá trong mọi việc mình làm, bất kể trong hoàn cảnh nào… (số 14).
  1. Nên thánh là khát vọng chính yếu nhất trong các khát vọng chân chính của con người. Người ta thích tên mình đi kèm một tước hiệu hay một học vị trong đạo ngoài đời, như Hồng y, Giám đốc, Bề Trên, Tổng Phụ Trách, hoặc Giáo sư, Thạc sĩ, Kiến trúc sư, Nghệ sĩ…, nhưng chắc chắn không gì sánh được với tước hiệu Thánh, như chúng ta vẫn gọi Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Thánh Gioan Bosco, Thánh Phêrô Truật, Thánh Anê Thành…
  2. Nên thánh lại là nghĩa vụ căn bản của người kitô hữu. Trong Cựu Ước, Chúa phán: “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (Lv 11,44) ; trong Tân Ước, Chúa Giêsu kêu mời: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nếu thế thì chắc chắn Chúa phải ban ơn trợ giúp chúng ta trên con đường thánh thiện, như Ngài cam kết với thánh Phaolô: “Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9), còn thánh nhân thì quả quyết: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13). Xin anh chị em vững tin rằng tất cả và mỗi người có sứ mạng làm thánh và đều có thể nên thánh.
  3. Anh chị em nghĩ rằng nên thánh đòi phải làm việc gì đó vĩ đại, phi thường, nhưng không phải vậy. ĐTC Phanxicô dạy chỉ cần làm những  việc bình thường một cách không tầm thường là nên thánh rồi. “Thánh thiện không gì khác hơn là sống trọn vẹn đức ái” (số 21). “Thiên Chúa là Tình Yêu, ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa” (1Ga 4,16). Vậy cứ sống yêu thương, làm mọi việc vì yêu thương, ở trong yêu thương thì là thánh rồi. Sống yêu thương không khó lắm phải không anh chị em ?
  4. Anh chị em có thể nên thánh trong cuộc sống hôn nhân và gia đình của mình. Gần đây, Giáo Hội đã vinh danh một số vị thánh sống đời gia đình. ĐTC Phanxicô viết trong Tông huấn: “Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi những bậc cha mẹ nuôi nấng con cái họ bằng tình yêu bao la, nơi những người đàn ông đàn bà làm việc cực nhọc để nuôi sống gia đình, nơi những người yếu đau bệnh tật… Trong sự kiên trì hàng ngày của họ, tôi nhìn thấy sự thánh thiện của Hội Thánh chiến đấu. Rất thường xuyên đó là sự thánh thiện được thấy nơi những người hàng xóm của chúng ta, những người đang sống giữa chúng ta, họ phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa. Ta có thể gọi là “hạng bình dân của sự thánh thiện” (số 7).
    “Anh chị em đã kết hôn ư ? Hãy nên thánh bằng việc yêu thương và chăm sóc vợ hay chồng của anh chị em, như Đức Kitô đã làm cho Hội Thánh. Anh chị em đang lao động để kiếm sống ư ? Hãy nên thánh bằng cách làm việc một cách lương thiện và giỏi giang để phục vụ anh chị em mình. Anh chị em là các bậc ông bà, cha mẹ ư ? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu mình biết theo chân Chúa Giêsu…” (số 14).
    Vậy, xin anh chị em nỗ lực sống thánh thiện hôn nhân và gia đình của mình. Mỗi gia đình hãy nêu gương sống đạo đức, yêu thương, chăm sóc nhau, tránh những kẻ thù của hạnh phúc gia đình như ngoại tình, bạo lực, cờ bạc, rượu chè, không tôn trọng nhau, không quan tâm đến nhau, nói những lời thiếu văn hóa, không nhận khuyết điểm để sửa chữa, vô ơn đối với nhau. Trong các kẻ thù đó, cho phép tôi vạch mặt một thủ phạm có tên là Rượu. Tôi thấy trong các bữa cơm, người ta uống rượu nhiều quá, mà rượu rẻ tiền thì chắc chắn là có hại. Rượu là kẻ thù của sức khỏe, của hạnh phúc gia đình, và cũng là kẻ thù của sự thánh thiện. Không có vị thánh nào nát rượu cả. Thánh Phaolô khuyên rất chí lý: “Anh chị em hãy say Thần Khí chứ đừng say rượu, vì rượu chè đưa tới trụy lạc!” (Ep 5,18).
    Giáo Hội đề cao gương mẫu của Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria  và Thánh Giuse cho chúng ta. Xin anh chị em học gương nhân đức của ba Đấng mà nên thánh: các người chồng, người cha biết sống như Thánh Giuse; các người vợ, người mẹ biết sống như Đức Maria; và các người  con biết sống như Chúa Giêsu. Chớ gì mỗi gia đình trong giáo phận đều là một Thánh Gia.
    Để kết thúc, xin mời anh chị em hiệp ý dâng kinh nguyện cho các gia đình công giáo trong giáo phận Hưng Hóa chúng ta
    + Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận
    + Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá
 
  1. CHIA SẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN
Is 50, 5-9; Gc 2, 14-18; Mc 8, 27-35
Bài Tin Mừng hôm nay nói về lời tuyên xưng đức tin của ông Phêrô, loan báo cuộc thương khó và phục sinh lần thứ nhất, và điều kiện để theo Đức Giêsu. Trong các chủ đề này, còn có nhiều ý tưởng khác phong phú được lồng vào đó, giúp chúng ta có thể dừng lại và suy niệm. Bởi vậy bài chia sẻ hôm nay xin được dừng lại ở chủ đề: VỊ TRÍ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ, qua câu nói của Chúa Giêsu: “Satan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8, 33). Đọc lại các trang Tin Mừng, chúng ta thấy Phêrô thuộc trong nhóm các môn đệ thân tín của Đức Giêsu, hầu như trong mọi biến cố quan trọng của Chúa đều có sự hiện diện của ông như: biến cố biến hình của Chúa Giêsu (Mt 17, 1- 8), cầu nguyện tại vườn Ghết sê mani (Mt 26, 36 - 44) Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, trước câu hỏi mang tính quyết định về đức tin, ông Phêrô đã trả lời cách xác tín: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29). Thánh sử Matthêu còn thêm: “Thầy là Đấng, con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16).
Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó thì ông Phêrô đã kéo Ngài riêng ra và trách móc. Như vậy, cho dầu là môn đệ Đức Giêsu, người đóng vai trò quan trọng trong các môn đệ, ông Phêrô vẫn không thoát ra khỏi não trạng của người Do thái thời bấy giờ về Đấng Mêssia: Đấng ấy phải là người đầy tài năng và uy quyền để giải phóng Israel khỏi ách đô hộ của Rôma và đưa đất nước lên làm bá chủ hoàn cầu. Hơn nữa, nói về cái chết trên thập giá là một điều ô nhục  và không thể chấp nhận đối với người Do thái (1Cr 1, 23). Với não trạng này, ông Phêrô đã quyên đi vị trí của mình khi theo Đức Giêsu. Ông muốn thầy mình thực hiện những điều vĩ đại, chứ không phải là chấp nhận một cái chết bi đát. Cho nên, Đức Giêsu đã quay lại và trách mắng Phêrô: “Satan! Hãy lui lại đằng sau Thầy!” (Mc 8, 33). Theo chú thích của nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ: “Khi kéo riêng Đức Giêsu ra mà trách, ông Phêrô đang đóng vai trò Satan, kẻ cám dỗ Đức Kitô đi vào con đường khác với ý muốn của Thiên Chúa. Chỗ của môn đệ là ở đằng sau Đức Giêsu, nhiệm vụ của người môn đệ là đi theo Người. Ông Phêrô đã rời chỗ đó, nghĩa là đã không đi theo Người, đã không cùng đi trên con đường thương khó và phục sinh.” Như thế, vị trí của người môn đệ là đi sau và thụ huấn, chứ không phải đi trước và bắt thầy theo ý mình. Não trạng thích “cầm đèn chạy trước ôtô” là não 
trạng tiêm nhiễm tinh thần thế tục, vụ lợi và chỉ biết nghĩ về mình. Chúa Giêsu muốn các ông đi vào con đường thập giá của mầu nhiệm tự hủy, sẵn sàng chết đi cho bản thân, cho tính ích kỷ để sống cho Chúa và tha nhân. Ngài nói: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi” (Mc 8, 34). Ngài không đặt ra điều kiện theo Ngài phải có bằng cấp, tài giỏi và khôn ngoan hơn người mà chỉ có việc từ bỏ bản thân mình. Có thế, người môn đệ mới có thể tẩy rửa tâm hồn mình khỏi bợn nhơ thế tục, để sẵn sàng mặc lấy tâm tình và ý muốn của Chúa.
Qua câu nói của Chúa Giêsu dành cho Phêrô: “Hãy lui lại đằng sau thầy”, cho ta nhiều suy nghĩ trong chính cuộc sống hôm nay. Chắc hẳn, là Kitô hữu, chúng ta biết được mình đã trở nên môn đệ của Chúa, trở thành những chứng nhân Tin Mừng của Ngài giữa trần gian. Vậy mà trong thực hành, chúng ta nhiều khi điều khiển, lèo lái ý Thiên Chúa theo chủ đích của mình. Chúng ta nghĩ làm như thế sẽ tốt hơn cho mình và sứ điệp Tin Mừng cũng được người khác dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên, nó lại tiềm ẩn một nguy cơ là chú tâm nhiều quá vào những cái thứ yếu mà đánh mất hay làm lu mờ cái cốt lõi của Tin Mừng. Những điều thứ yếu có vẻ hấp dẫn nhưng chưa hẳn đã nói lên được trung tâm sứ điệp Tin Mừng. Trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, Đức Phanxicô đã nói: “Vấn đề lớn nhất là sứ điệp Tin Mừng chúng ta rao giảng dường như bị đồng hóa vào những khía cạnh thứ yếu, cho dù có quan trọng, nhưng tự chúng không trình bày trung tâm sứ điệp của Đức Giêsu Kitô” (EG. 34).
Những gì chúng ta nghĩ là đúng và quan trọng, chưa hẳn đã giúp mình đi đúng hướng và sống đúng căn tính Kitô hữu của mình. Những thứ đó nằm ở khía cạnh cảm quan nên có thể là một cái vỏ bọc vắng bóng Tin Mừng. Do đó, bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy bước theo và thụ huấn nơi Ngài để có một sự khôn ngoan đích thực. Nhờ đó, người môn đệ có đủ sáng suốt để biện phân đâu là điều thiện hảo mà Thiên Chúa muốn tôi làm; đồng thời nhận ra vai trò, chỗ đứng của mình trong Giáo hội để mỗi người  tích  cực  góp  phần  xây dựng Giáo hội và hăng say bước theo Đức Kitô trong hành trình chứng nhân.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Đâu là những hiểu sai lầm về người môn đệ của Chúa?
  2. Có bao giờ anh chị điều khiển, lèo lái ý Thiên Chúa theo chủ đích của mình hay không?
 
II.HỌC HỎI TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Năm mục vụ 2018, chúng ta sẽ có mười hai đề tại của HĐGMVN về Đồng Hành với các Gia Đình Trẻ. Khôi Bình Hưng Hóa trong tháng 09 này sẽ cùng trao đổi về chủ đề: Tự do ưng thuận trong hôn nhân.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1625 dạy: “Hôn ước được ký kết giữa người nam và người nữ, cả hai được Rửa tội và tự do để kết hôn, và tự nguyện bày tỏ sự ưng thuận của mình.” Tự do nghĩa là không bị ép buộc, không bị ngăn trở theo luật tự nhiên hay Giáo luật. “Theo truyền thống của Giáo hội, các thừa tác viên của Bí tích Hôn phối là chính người nam và người nữ đang kết hôn, qua việc bày tỏ sự ưng thuận và diễn tả nó qua việc trao hiến cho nhau, nhờ đó họ nhận được một quà tặng lớn lao. Sự ưng thuận và kết hợp thân xác là phương tiện để Thiên Chúa hành động nhờ đó họ trở nên „một xương một thịt‟[…]. Giáo hội có thể đòi hỏi cuộc kết hôn phải được cử hành công khai, với sự hiện diện của những người làm chứng, và những điều kiện khác, vốn thay đổi theo dòng thời gian của lịch sử, những điều này không hề tước khỏi đôi bạn đặc tính là thừa tác viên của Bí tích, nó cũng không làm giảm đi giá trị cốt lõi của sự ưng thuận được diễn tả bởi người nam và người nữ, sự ưng thuận này tự nó thiết lập mối ràng buộc Bí tích” (NVTY. 75).
Công thức của trao đổi sự ưng thuận không phải là câu: “Anh yêu em phải không?” nhưng là “Anh nhận em làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy  với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày ngày suốt đời anh.” Và người vợ cũng nói lời tương tự với chồng mình. Công thức này nói lên sự trao đổi của một ước muốn tự do. Ở đây, không phải là vấn đề của tình cảm nhất thời chóng qua, nhưng là vấn đề của lý trí.
Sự tự do không phải là sự chọn lựa bộc phát của người phối ngẫu mà còn nằm trong sự chọn lựa dấn thân một cách dứt khoát suốt đời trong hôn nhân. Sự tự do bao hàm một sự trưởng thành tâm lý và luân lý để có thể đảm nhận tự do này. Sự tự do này là sự tự do chọn lựa đời sống hôn nhân dưới ánh sáng Tin Mừng và trong Giáo hội. Sự tự do này không bao giờ đạt một lần cho tất cả, nhưng là một lời mời gọi, một con đường chọn lựa. Chính vì thế, đôi vợ chồng cần phải cầu nguyện, chuyên chăm lãnh nhận các Bí tích; đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Hòa giải. Hai Bí tích này sẽ 
làm mới lại Bí tích Hôn phối. Và chính nhờ sự làm mới lại Bí tích Hôn phối mà đôi vợ chồng sẽ cảm nhận được sự tự do trong những thử thách và làm phát triển sự tự do.
Đôi lúc, cặp kết hôn không nắm được tầm quan trọng về thần học và tâm linh của các lời tỏ ưng thuận, là những lời vốn soi sáng ý nghĩa của mọi dấu hiệu tiếp theo. Ta cần nhấn mạnh rằng những lời này không thể bị giản lược vào hiện tại; chúng bao hàm một toàn diện tính bao trùm cả tương lai: “cho tới lúc cái chết phân rẽ chúng ta” (phụng vụ tiếng Việt: mọi ngày suốt đời tôi). Nội dung các lời tỏ ưng thuận minh xác rằng, “tự do và trung thành không chống chọi nhau; đúng hơn, chúng nâng đỡ nhau, trong cả các liên hệ liên bản ngã lẫn các liên hệ xã hội nữa. Thực thế, trong nền văn hóa truyền thông hoàn cầu, ta hãy xem xét sự tai hại gây ra bởi việc leo thang của những hứa hẹn không được tuân giữ... Tôn trọng lời nói của mình, trung thành với các lời hứa của mình: đó là những điều không thể mua hay bán được. Chúng không thể nào bị cưỡng bức bằng vũ lực hay được duy trì bất cần hy sinh” (NVTY. 214).
Tự do ưng thuận để chọn đời sống hôn nhân là một trong những trụ cột của Bí tích Hôn phối. Ưng thuận tự do chứ không bị một áp lực nào bên ngoài ép buộc. Muốn có sự tự do ưng thuận thật sự, những người sắp kết hôn được mời gọi phải cầu nguyện để có ơn soi sáng hướng dẫn, từ đó biết biện phân đúng đắn; nhờ đó, đời sống hôn nhân gia đình sau này mới được hạnh phúc. Xin Chúa chúc lành cho những đôi vợ chồng nào có sự tự do ưng thuận để giao kết với nhau thành vợ chồng.
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
 
III.KỶ NIỆM 30 NĂM PHONG THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Tình nghĩa gia đình theo gương tiền nhân
Trong năm thánh vinh danh các thánh Tử Đạo tại Việt Nam cũng là năm đồng hành với các Gia đình trẻ. Xin đề cập đến mẫu gương các vị tiền bối về tình nghĩa gia đình.
Gia đình và đức tin
Trong danh sách 117, trừ một số theo đạo khi đã trưởng thành, còn những ai sinh ra trong gia đình Công giáo đều được rửa tội và giáo dục đức tin ngay từ bé. Thầy Bùi Văn Úy mạnh dạn tuyên bố, giữ vững niềm tin là giữ đạo hiếu với cha mẹ: “Nếu tôi cả gan bước lên thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với mẹ cha. Vì song thân sinh ra tôi đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết.”
Cô Maria Mến nói về cha mình ông trùm Nguyễn Đích như sau: “Bố tôi luôn quan tâm đến đời sống đạo đức của mười người con và của những gia nhân giúp việc. Mỗi ngày, ông chỉ định một hay hai người coi nhà, còn những người khác đi lễ. Tôi thấy bố tôi làm tròn các nghĩa vụ trong đạo. Ông rất chăm sóc việc giáo dục con cái, mời thày đồ đến nhà dạy chữ Nho cho con trai, từ chối gả con gái cho những thanh niên gia đình giàu có mà không giữ đạo sốt sắng."
Gia đình và Thiên Chúa
Nói chung các vị tử đạo khi bị bắt không thoát khỏi tình cảm quyến luyến với người thân, có điều các vị đã chọn lựa Thiên Chúa và tin tưởng phó thác người thân cho Ngài.
Ông trùm Nguyễn Văn Lựu tâm sự với một linh mục bị giam chung rằng: “Con sắp phải đi đày, con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con, con bằng lòng dâng cho Ngài hy sinh lớn lao hơn hết là gia đình vợ con, chính Chúa sẽ săn sóc vợ con của con." Nhiều vị được về thăm gia đình như ông Đinh Văn Dũng, đã bình tĩnh an ủi và khích lệ vợ con sẵn sàng chấp nhận việc dâng hiến của mình. Ông nói: “Hãy vui mừng vì tôi được hy sinh mạng sống cho Đức Kitô.” Thánh Phạm Viết Ngôn, vì lo cho người vợ trẻ yêu dấu và mẹ già cần phụng dưỡng, đã trốn tù về nhà để trấn an họ. Nhưng chính họ khuyến khích anh trở lại nhà giam, và trong giờ hành quyết hiện, đến diện khích lệ anh.
 
Thánh Nguyễn Văn Đệ nói với vợ vào thăm trong tù: "Đừng khóc mình ạ
! Mình hãy về dạy dỗ các con nên người, dạy chúng thờ phượng Chúa. Tôi đã dâng mình và các con cho Ngài. Nhớ cầu xin Chúa cho tôi được thêm sức mạnh để nhẫn nại đến cùng."
Trong một lá thư gửi về cho vợ, ông Lê Đăng Thị viết: “Anh nghĩ rằng chúng ta không còn gặp nhau nữa. Dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn đang và sẽ yêu thương nhau. Anh luôn nhớ đến em và các con mỗi ngày.
Những lời trăn trối: Di ngôn
Qua hạnh tích, ta thấy mối bận tâm lớn nhất các chứng nhân tử đạo trước giờ hiến tế vẫn là gia đình. Các vị dặn dò con cái sống đức tin, yêu thương và vun đắp hạnh phúc gia đình.
Ông Martinô Thọ căn dặn các con vào thăm trong tù: "Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo.”
Y sĩ Phan Đắc Hòa thì nói: "Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, yêu thương nhau và săn sóc việc nhà...."
Những biểu tượng tình thương
Nói đến tình nghĩa gia đình, chúng ta khó có thể quên một số hình ảnh như: linh mục Nguyễn Văn Triệu vì thương mẹ già ở lại Huế ba tháng lo dựng nhà cho mẹ, nên mới bị bắt. Ông trùm Lê Văn Phụng tại pháp trường gặp con gái, cô Anna Nhiên, đã gỡ ảnh thánh giá từ cổ đeo cho con và nói: "Con hãy nhận lấy kỷ vật của Ba. Đây là ảnh đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, ảnh này quí hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi mình và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé!.”
Ông Lý Mỹ vì thấy nhạc phụ là ông trùm Nguyễn Đích đã cao niên, mỗi cuộc tra tấn đều tự nguyện chịu đòn hai lần thay thế cho cha. Con gái ông 
tên Lý 12 tuổi, trốn mẹ vào tù thăm và thưa: "Xin cha can đảm chịu chết vì Chúa.” Cậu Tường 9 tuổi, con trai ông không đi được, cũng nhắn lời: "Cha đừng lo cho chúng con, cha cứ an tâm vững lòng xưng đạo và chịu chết vì đạo.” Vợ ông, bà Mỹ nói trong tiếng nghẹn ngào: "Vợ con ai mà chẳng thương tiếc nhưng ông hãy hy sinh vác thánh giá rất nặng vì Chúa. Hãy trung thánh đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả.”
Những người mẹ tuyệt vời
  • Bà mẹ thánh Jaccard Phan, khi nghe tin con chịu chết vì đức tin đã reo lên: "Thật là tin vui, gia đình ta có một vị tử đạo." Bà tiếp: "Xin chúc tụng Chúa, tôi sẽ buồn biết bao, nếu con tôi chịu khuất phục trước gian khổ và cực hình.”
  • Bà mẹ thánh Castañeda Gia, khi em trai vị linh mục hỏi: "Mẹ muốn anh ấy chết cách nào?.” Bà đáp: "Mẹ mong rằng Jacinto chết vì đức tin.” Clêmentê liền nói: "Thưa mẹ vâng, chính vì đức tin mà anh ấy bị giết.” Ngay chiều hôm đó, bà và con trai liền đến nhà thờ dòng Đa Minh để cùng với các tu sĩ hát lên lời kinh tạ ơn “Te Deum.”
  • Bà Maria Nhiệm, thân mẫu thánh Lê Văn Gẫm đến làm chứng tại tòa án phong chân phước. Bà nói: "Khi nghe tin con bị giết, vợ chồng tôi không thảm thiết gì hết, chỉ nói: chết như vậy đặng làm thánh.”
  • Nhưng hình ảnh nổi bật nhất là bà mẹ binh sĩ Anrê Trông, được Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII trong sắc suy tôn chân phước năm 1900 ca tụng về lòng can trường, đã theo gương “Nữ vương các thánh Tử Đạo.” Bà có mặt trong cuộc hành quyết để dâng hiến người con trai duy nhất. Bà đi cạnh con, không than khóc, không sầu buồn, lại bình tĩnh khuyên con bền chí. Và khi đầu vị tử đạo rơi xuống, bà mạnh dạn tiến vào pháp trường và nói lớn tiếng: "Đây là con tôi, xin các ông trả lại cái đầu nó cho tôi.” Rồi bà mở rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp của người con yêu quí, đem về an táng ngay trong nhà.
Theo gương các tiền nhân, xin cho chúng ta biết vun đắp đời sống đức tin ngay trong gia đình; biết can đảm, khích lệ và hỗ trợ nhau sống chứng nhân giữa cuộc đời.
Nguồn:daminhvn.net/la-thu-bien-tap/thu-thang-9-tinh-nghia-gia-dinh- theo-guong-tien-nhan-20322.html
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log