Thứ bảy, 27/04/2024

Chúa nhật 4 MC B - “Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”

Cập nhật lúc 22:40 12/03/2015
Cứu độ thế gian không chỉ là hành động tình yêu của Chúa Con, mà còn là hành động tình yêu của Chúa Cha:“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình”.
Hôm nay Chủ Nhật IV mùa chay, cũng được gọi là Chủ Nhật Hồng. Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy vui mừng vì chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương đến điên rồ. Vâng! Chúng ta hãy vui mừng cùng với toàn thể Dân Thiên Chúa vì đã được nuôi dưỡng và no say tình Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang ở mùa chay và niềm vui của chúng ta chưa trọn vẹn vì nhân loại vẫn còn thích bóng tối hơn là ánh sáng. Chủ nhật hôm nay, chúng ta vui mừng vì Thiên Chúa đã ban Con Ngài cho chúng ta và chúng ta vẫn còn đau khổ vì món quà Thiên Chúa tặng ban vẫn thường bị từ chối.
1-Con Thiên Chúa, một quà tặng
Cứu độ thế gian không chỉ là hành động tình yêu của Chúa Con, mà còn là hành động tình yêu của Chúa Cha:“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình”. Câu nói này có làm cho chúng ta xúc cảm không hay vẫn còn vô tình? Khi gặp một người phụ nữ kêu trách Thiên Chúa vì đứa con thơ bà chết, Thánh Vincent de Paul nói: “Này bà, khi Thiên Chúa thấy một trẻ thơ phải chết, trẻ thơ ấy chính là Con Yêu Dấu mà Ngài ôm lấy”. Thánh Phaolô trong bài đọc II cũng nói giống như Thánh Gioan trong bài Phúc Âm: “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Chúa đã yêu thương chúng ta.., Người làm cho chúng ta sống lại trong Đức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi… Điều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa”.
Thiên Chúa đã đồng hoá Con yêu Dấu của Ngài như một tội nhân vì chúng ta. Nhưng không phải vì thế mà Ngài không đau khổ. Chúng ta có thể tưởng tượng Chúa Cha lại không xúc cảm trước cảnh khủng khiếp trên đồi Canvê sao? Chúng ta có thể tưởng tượng rằng Chúa Cha lại thờ ơ trước cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Giêtsimani ư?
“Đối với Chúa Cha, chẳng có gì đau buồn hơn là cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô”(Maitre Eckhart). Cha Varillon nói: “Tôi xin anh em đừng bao giờ tàn nhẫn đặt cái tên khác cho Thiên Chúa hơn là tình yêu? Ngài vĩ đại ư? Ngài khôn ngoan ư? Không và không! Tôi không muốn như vậy. Ngài chỉ là tình yêu”.
Đúng thế, Chúa Kitô đã đi vào hoạ đồ tình yêu của Chúa Cha. Ngài đến không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu độ. Ngài không la lối om xòm. Ngài không quở trách gì, Ngài đến cứu độ. Ngài đến để chất lấy lỗi lầm của các tội nhân lên Ngài và dẫn đưa họ đi trên con đường tình yêu. Đối với người đạo đức, thì họ hiểu được điều này, nhưng đối với người ít quan tâm, thì họ cho rằng đó là điều kỳ quặc!
Cha Monier viết: “Thiên Chúa sẽ thanh tẩy bạn bằng ngọn lủa tình yêu khủng khiếp của Ngài. Ngài sẽ không trừng phạt bạn, vì trừng phạt giống như sự trả thù hầu như không thể che giấu được! Ngài sẽ chữa lành tất cả những gì là ốm yếu, nhơ bẩn và đổ vỡ trong bạn”.
Thật vậy, món quá tuyệt diệu mà Thên Chúa ban cho chúng ta chính là Con Một Ngài trên thập giá. Paul Claudel than thở :“Lạy Chúa, Đấng bị treo bằng 4 cái đinh, là quá đủ cho con rồi”. Thánh Phêrô nói với chúng ta trong thư I của ngài: “Đấng công chính đã chết cho kẻ bất lương - hầu dẫn chúng ta đến gần Thiên Chúa.”
2-Một tình yêu bị lãng quên và không được đánh giá đúng.
Thiên Chúa yêu chúng ta bằng tình yêu khó tả, thế mà con tim nhiều người chẳng rung động gì, có lẽ vì họ thích bóng tối hơn là ánh sáng. Tình yêu được đón nhận hoặc được yêu lại, là làm vinh quang Thiên Chúa. Thế nhưng, Thiên Chúa bị đóng đinh trên thập giá ấy có được yêu thực sự không? Đối với nhiều người, hình như cũng không biết đến tình yêu này. Còn chúng ta, chớ gì chúng ta biết đến tình yêu, đó là ân huệ của Thiên Chúa!
Thiên Chúa tiếp tục xin chúng ta đón nhận sự giàu có của tình yêu này và làm cho tình yêu này trở nên phong phú hơn…Thật đáng tiếc chúng ta lại không đón nhận tấm lòng hào phóng của tình yêu trao ban này. Khi trao ban tình yêu này cho chúng ta, Ngài cám ơn khi chúng ta đón nhận”.
Vào lúc nào đó nếu chúng ta thực hiện ý muốn tình yêu quảng đại này của CK đối với chúng ta, thì có lẽ mọi sự sẽ thay đổi. Liệu Thiên Chúa có thể làm gì hơn để con người nhận ra tình yêu của Ngài? Phải chăng tình yêu của Ngài được nâng cao trên mộ cây thập giá mà tất cả những người ở xa không thấy chăng? Không! Không phải vậy. Thánh Gregoire de Nysse nói: “Mặc dù chỉ cắm sâu vào một điểm duy nhất trên đồi Canvê, nhưng Thánh giá vẫn chiếu sáng tất cả mọi miền trên thế giới”. Tia la-de ánh sáng tình yêu của Ngài quay khắp phía như chiếc đèn pha hướng tới mọi châu lục: ánh sáng đã đến thế gian. Khi được trắc nghiệm về đức tin của mình, nhà nghệ thuật Arielle Dombasle trả lời: “Vâng, tôi tin vào Thiên Chúa. Lần đầu tiên khi tôi vào một nhà thờ, tôi đã thấy Chúa Kitô chịu đóng đinh và tôi đã khóc. Điều này đã đảo lộn tôi.” Tại sao chúng ta lại không có hoặc dù chỉ một ít cú sốc tình yêu như vậy trong trái tim chúng ta?
Tại sao nhiều người lại sợ và từ chối ánh sáng? Bài Phúc Âm hôm nay trả lời giúp chúng ta: vì “hành động của họ xấu xa…, sợ những hành động của họ bị khiển trách”.
- Con người thường sợ Thiên Chúa và các yêu cầu đòi hỏi của Ngài. Có biết bao người kitô hữu ngại đọc thông báo của Hội Đồng Giám mục hoạc của các ĐGH vì họ sợ những lời thông báo đó làm họ phải suy nghĩ.
- Con người cũng thường xấu hổ khi phải nhìn thấy vẻ tầm thường  và tội lỗi của  mình: “Cuộc đời Chúa Giêsu là một tấm gương tình yêu dến nỗi chúng ta xấu hổ vì tính bủn xỉn đê tiện và ích kỷ của mình” (Balthasar).
- Con người còn sợ cảm thấy đau đớn nhức nhối khi phải hối cải: “Tình Yêu của Thiên Chúa không ngăn cản được tội lỗi, nhưng làm cho tội lỗi phải đau đớn. Ăn năn hối cải là tính nhạy cảm của Thánh Thần chân ly và tình yêu” (cha Monier).
- Con người thường sợ thập giá. Thật vậy, “khi Chúa Giêsu đến với ai, không bao giờ Ngài không mang thập giá của Ngài đi theo”.
- Cuối cùng, con người cũng sợ những đòi hỏi của tình yêu vì những đòi hỏi này bó buộc con người phải sống ngay chính: “Vẫn còn quá xa giữa nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Ngài” (Blaise Pascal).
Chúng ta không bao giờ yêu cho đủ hoặc yêu chưa đúng và vì thế hay khó chịu khi phải tiếp xúc với tình yêu của Thiên Chúa.
Dù sao, chủ nhật hồng vẫn lạc quan, vẫn mời gọi chúng ta hãy vui mừng và vứt bỏ những nỗi lo sợ đó sau lưng. Đừng sợ Thiên Chúa giận dữ trừng phạt. Sợ như vậy là bất kính đối với Thiên Chúa. Hãy khám phá lại Thiên Chúa là Cha. Hãy vui mừng đừng sợ ánh sáng và hãy hướng về Thiên Chúa với lương tâm ngay thẳng. Hãy vui mừng vì chính nhờ tình yêu của Thiên Chúa mà Ngài đã “ban Con Một mình để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”.
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log