Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
7b Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?” 10 Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy ! 11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ? 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”
==========
Suy niệm 1: ĐẤNG TỪ TRỜI XUỐNG
(THÁNH CATARINA XIÊNA 29/4)
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Catarina Xiêna hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã đốt lửa yêu mến nồng nàn trong lòng thánh nữ Catarina Xiêna, khiến thánh nữ vừa thiết tha chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu khổ nạn, vừa hăng say phục vụ Hội Thánh. Xin Chúa nhậm lời thánh nữ chuyển cầu, mà cho dân Chúa biết thông phần khổ nạn với Đức Kitô, để được vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa. Catarina sinh năm 1347 tại Xiêna. Chị đã gia nhập Dòng Ba Đaminh. Thấm nhuần tinh thần của thánh tổ phụ, chị yêu mến Thiên Chúa và tha nhân một cách nồng nàn, cổ võ bình an thuận hòa giữa các thành của nước Ý, can đảm bênh vực quyền lợi và sự tự do của Giáo Hội, và góp phần canh tân đời sống đạo đức. Chị đã viết nhiều tác phẩm thần học và tu đức. Chị qua đời năm 1380. Đến năm 1939, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong chị làm bổn mạng nước Ý, rồi năm 1970, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ghi tên chị vào số các tiến sĩ Hội Thánh.
Thông phần khổ nạn với Đức Kitô, trung thành sống theo những gì Chúa dạy, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Khải Huyền nói về: Thư gửi các Hội Thánh Êphêxô và Ximiếcna, mỗi cộng đoàn phải chất vấn về lòng trung thành của chính mình. Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống. Ai thắng thì không hề bị cái chết thứ hai làm hại. Dù phải chết, ngươi hãy phấn đấu cho sự thật, và ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa sẽ bênh vực ngươi.
Thông phần khổ nạn với Đức Kitô, làm chứng cho sự dịu ngọt của Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, trong sách Đối thoại, thánh Catarina Xiêna nói: Con đã nếm thử và đã nhìn thấy… Hãy mở cửa tâm hồn cho Ta, hỡi cô em được cùng Ta thừa hưởng Nước Trời, hỡi người bạn đã được Ta mặc khải mọi kho tàng chân lý. Người đã nên phong phú nhờ Thần Khí Ta ban, được sạch mọi vết nhơ nhờ máu Ta tẩy rửa. Hãy tạm ngưng suy niệm, để dấn thân làm chứng cho chân lý của Ta.
Thông phần khổ nạn với Đức Kitô, hiệp nhất cùng nhau đi đến cùng con đường thập giá, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ: Các tín hữu chỉ có một lòng một ý. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 92, vịnh gia cho thấy: Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai. Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển. Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa: Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Con Người sẽ phải được giương cao, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Đấng từ trời xuống phải được giương cao, để con người từ đất thấp được sống muôn đời. Trời với đất se chữ đồng, đây là một mầu nhiệm tình yêu cao cả. Mầu nhiệm này ví tựa đại dương sâu thẳm: càng tìm, ta càng thấy; càng thấy, ta càng tìm. Thiên Chúa làm cho linh hồn ta được no thỏa, mà lại, dường như, không no thoả, bởi vì, Chúa làm cho linh hồn ta được no thỏa, mà vẫn còn luôn đói khát Chúa. Chúa là lửa luôn rực cháy, mà không thiêu rụi. Chúa dùng sức nóng của Chúa, mà thiêu hủy mọi tình yêu vị kỷ của linh hồn ta. Chúa dùng ánh sáng của Chúa mà soi sáng trí lòng ta, làm cho ta nhận biết chân lý của Người. Chúa là sự thiện tuyệt đối, là vẻ đẹp vượt trên mọi vẻ đẹp, là sự khôn ngoan vượt trên mọi khôn ngoan. Chúa lấy sự dịu ngọt của Chúa mà nuôi dưỡng ta, là những kẻ đang đói lả. Chúa đã đốt lửa yêu mến nồng nàn trong lòng thánh nữ Catarina Xiêna, khiến thánh nữ vừa thiết tha chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu khổ nạn, vừa hăng say phục vụ Hội Thánh. Ước gì chúng ta biết thông phần khổ nạn với Đức Kitô, để được vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==========
Suy niệm 2: SỢ TẦM THƯỜNG
“Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy?”.
“Động lực sống của tôi bắt nguồn từ một nỗi sợ - ‘sợ tầm thường!’. Nỗi sợ đó luôn thúc đẩy tôi! Vì dẫu đã là ‘một ai đó’, nhưng tôi luôn phải chứng tỏ điều này. Cuộc chiến của tôi chưa kết thúc và sẽ không bao giờ kết thúc!” - Madonna, ‘Nữ hoàng nhạc Pop’.
Kính thưa Anh Chị em,
Nỗi sợ của Madonna hẳn cũng là nỗi sợ của Nicôđêmô! Vì sau câu hỏi đầy thách thức của Chúa Giêsu dường như cả con người Nicôđêmô đảo lộn - “Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy?” - những gì ông suy tính đảo lộn, hướng đi của cuộc đời ông đảo lộn! Tại sao? Và đâu là lý do? Bởi lẽ, bên trong ông, đã có một động lực thánh; dễ hiểu hơn khi nói, ông ‘sợ tầm thường!’.
Ngoài Nicôđêmô, những người Pharisêu ít ỏi khác được ghi nhận đã cải đạo là Phaolô và Gamaliel; tuy thế, Công Vụ Tông Đồ 15, 5 còn chỉ ra một số biệt phái vô danh khác. Nhưng nếu xét toàn bộ các cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và những con người này, thì rõ ràng, họ là những người đã từng chống đối Ngài; để cuối cùng, cùng các vị lãnh đạo đương thời, họ chịu trách nhiệm về cái chết của Con Thiên Chúa.
Đó chính là bối cảnh của Tin Mừng khi biệt phái Nicôđêmô tìm đến với Chúa Giêsu. Biết ông có thiện ý, Ngài mời ông ngước mắt lên, chiêm ngắm một Đấng đến từ trời, “Đấng mà Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban tặng”. Đúng hơn, Ngài chỉ cho ông con đường về trời, đó là tin vào Ngài, Đấng được “giương cao như con rắn trong sa mạc, để ai tin thì được sống đời đời”.
Vì thế, sẽ rất hữu ích khi chúng ta hiểu rằng, trách cứ Chúa Giêsu dành cho Nicôđêmô không phải là lên án; đúng hơn, một thách đố nhẹ nhàng nhưng trực tiếp. Ngài dịch chuyển ông từ một câu hỏi gây bối rối sang việc đào sâu đức tin. Và đó là chìa khoá! Nói cách khác, đó là một động lực thánh. Chính nhờ thách đố khá táo bạo nhưng đầy yêu thương này - ‘một cú hích’ cần thiết - Chúa Giêsu có thể đẩy Nicôđêmô vào tận ‘không gian ân sủng’ của Thánh Thần - nghệ nhân thực sự của sự thánh thiện - Đấng “muốn thổi đâu thì thổi”; để từ đó, ông có thể đón nhận quà tặng lớn lao: đức tin. Tất nhiên, thử thách của Ngài, cuối cùng, đã chiến thắng con người biệt phái ngay thẳng này.
Anh Chị em,
“Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy?”. Như Madonna, như Nicôđêmô, ai trong chúng ta cũng bị ám ảnh bởi một nỗi sợ có tên ‘Tầm Thường’. Và còn hơn thế! Mặc dầu không cần chúng ta trở thành ‘một ai đó’, Chúa Giêsu đòi chúng ta trở thành ‘một vị thánh nào đó’; hoặc như Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Hãy nở hoa nơi Chúa đã gieo trồng!”. Cuộc chiến ‘nên thánh’ này “không bao giờ được phép kết thúc” và “sẽ không bao giờ kết thúc!”. Gió Thánh Linh sẽ thổi chúng ta không biết đến tận phương nào nếu mỗi ngày bạn và tôi một ước ao nên thánh hơn. Vậy điều gì đang khiến bạn bất an, bối rối? Áp lực nào, huyễn danh nào đang cầm chân khiến bạn và tôi chưa nên thánh? Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta, đừng tự quyết một điều gì, hãy phó mình hoàn toàn cho Chúa Thánh Linh.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con sợ trở nên ‘tầm thường’; giúp con vượt mọi chướng ngại, không để trở nên ‘một ai đó’, nhưng trở thành ‘một vị thánh nào đó!’. Tại sao không?”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
==========