Thứ sáu, 25/04/2025

Suy niệm Tin Mừng thứ Bảy Tuần Thánh

Cập nhật lúc 12:28 19/04/2025
Suy niệm: LẶNG THINH VÀ TRẢI NGHIỆM
“Ngài không có ở đây!”.
Tại các Giáo Phận, phần lớn các họ đạo truyền thống có thói quen ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu vào Mùa Chay. Riêng Huế, kinh nguyện quý báu này được ngắm vào Tuần Thánh; đặc biệt, sáng thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy vốn được gọi là Kinh Lễ Đèn, vì có đến 15 ngọn nến hoặc đèn được đốt lên trên cùng một giá. Cách thức đọc được hướng dẫn đến từng chi tiết; ngắm một chặng, đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, tắt một ngọn nến. Tuy nhiên, ở Lễ Đèn 3, tức sáng thứ Bảy, ngọn nến 15 sẽ không được tắt! Thật thú vị, nó được đem vào phòng thánh một chốc, đang khi cộng đoàn quỳ gối ngắm “Thánh Mẫu Thống Khổ Kinh”; sau đó, nến này được đem ra, đặt trên bàn thờ. Nó tượng trưng cho Chúa Giêsu! Ngài đã chết, nhưng thực ra, cái chết của Ngài chỉ như một sự nghỉ ngơi trong mồ. Vì thế, thứ Bảy Tuần Thánh được coi như ngày - với Maria mẹ mình - Kitô hữu lặng thinh và trải nghiệm đợi ngày Con Chúa phục sinh!
Kính thưa Anh Chị em,
Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội không có một nghi lễ nào, mãi cho đến buổi cử hành cực trọng Đêm Vọng Phục Sinh. Hôm nay, trầm tư suy gẫm chậm rãi với Mẹ Maria, mỗi tín hữu tìm một ‘nơi vắng vẻ’, dành cả một ngày để suy ngắm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu; và nhất là, cùng Mẹ ‘lặng thinh và trải nghiệm’ các mầu nhiệm!
Phụng vụ của những ngày qua đầy cảm xúc với nhiều nghi lễ; nhưng thứ Bảy Tuần Thánh lại trôi qua lặng lẽ, thanh thản. Đó là một ngày để tận hưởng tất cả những cảm xúc đan xen giữa trầm buồn lẫn hy vọng! Đừng để thứ Bảy Tuần Thánh trôi qua như bao ngày khác, hay chỉ là một ngày giữa thứ Sáu Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Đó là một ngày mà bạn và tôi cùng Mẹ mình, Mẹ Hội Thánh, tĩnh lặng, chiêm ngắm và tôn thờ.
Chỉ trong sự trầm mặc này, các tông đồ và cả chúng ta mới có thể nhìn thấy mọi sự đã xảy ra phù hợp và trùng khít với nhau thế nào. Chỉ trong sự im ắng của ngày thứ Bảy lặng yên với Mẹ của Thầy, các môn đệ mới có thể hiểu được những gì Chúa Giêsu đã nói, đã làm. Cũng thế, với chúng ta! Nhiều lần, chúng ta nghĩ, chúng ta biết Ngài! Ngài là ai, dạy chúng ta điều gì, nhưng thực ra, những điều đó chưa đi vào trái tim; bằng chứng là cuộc sống của bạn và tôi chưa biến đổi! Phải lắng nghe, cẩn thận suy ngẫm những gì Chúa Giêsu đã dạy, đã làm, may ra chúng ta mới hiểu sâu sắc để áp dụng vào cuộc sống mình!
Anh Chị em,
“Ngài không có ở đây!”. Thinh lặng của ngày hôm nay không phải là thinh lặng của thoái chí, tuyệt vọng, nhưng là ‘thinh lặng thánh’, một sự im ắng của niềm mong đợi lớn lao sẵn sàng bùng lên trong niềm vui vỡ oà của Đêm Vọng Phục Sinh. Chúng ta sẽ ‘đến mộ’ Chúa cùng các thánh nữ, không phải để xức dầu cho một xác chết, nhưng để mừng vui với các thiên thần khi nghe họ tuyên bố, “Ngài không có ở đây. Ngài đã sống lại!”; “Tại sao các bà lại tìm người sống nơi những kẻ chết?”. Và như thế, nhờ có một ngày cùng Mẹ ‘lặng thinh và trải nghiệm’, chúng ta mới có thể hân hoan nói với Mẹ, “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Halleluia!”; và cùng Mẹ, hát khúc khải hoàn, “Chúa Đã Sống Lại, Halleluia!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Mẹ Maria, dạy con biết chờ đợi Chúa như Mẹ. Không chỉ hôm nay, nhưng từng ngày; không phải ngủ gà ngủ gật, nhưng hỷ hoan với đèn chói sáng trong tay!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
==========
SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ VỌNG PHỤC SINH NĂM C

Suy niệm 1: ĐÊM HOÀI MONG - ĐÊM KHẢI HOÀN

Hẳn ai trong chúng ta đều rõ: cao điểm của năm Phụng vụ chính là Tuần Thánh, đặc biệt Tam Nhật Thánh (Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh hoặc Lễ Vọng Phục Sinh). Có rất nhiều lễ nghi cũng như nghi thức trong Tam Nhật Thánh, nhưng chúng ta cùng nhau chiêm ngắm gần hơn ngọn nến cao cháy sáng Phục Sinh.

Khởi đầu nghi lễ, mọi đèn nến trong sân nhà thờ đều tắt, bóng tối như bao trùm tất cả. Thế rồi vị Chủ tế châm lửa từ bếp than hồng, mồi vào ngọn nến Phục Sinh. Một tia sáng nhỏ loé lên trong đêm tối. Đêm canh thức, đêm hoài mong dường như nhường lối cho đêm hồng ân và đêm khải hoàn! Sau đó, những ngón nến nhỏ trên tay các tín hữu được thắp sáng bừng lên từ ngọn nến cao Phục Sinh. Ánh sáng tỏa lan, và cuối cùng mọi đèn nến trong nguyện đường đều rực chiếu. Bóng tối hoàn toàn bị đẩy lùi. Chúa Giê-su Ki-tô đã chiến thắng sự chết, đã khải hoàn phục sinh từ cõi chết; Ngài là nguồn mạch ánh sáng, chiếu soi toàn thể nhân loại đang lần mò trong tối tăm.

Quả thật, bóng tối chẳng thể nào che lấp ánh sáng; ma quỷ-thần chết chẳng thể nào chiến thắng Thiên Chúa; sự ác chẳng thể nào áp đảo thiện lành được! Qua các nghi lễ Tuần Thánh, một chân lý sáng tỏ và tường tận. Khi Đức Giê-su chịu khổ nạn, chịu chết nhục nhã trên thập giá, dường như bóng tối, quyền lực ma quỷ, thần chết và sự ác đã hoàn toàn chiến thắng. Thế nhưng, Chúa Giê-su Ki-tô đã sống lại vinh quang; Ngài là ánh sáng Phục Sinh soi chiếu và đẩy lùi bóng đêm tăm tối; Thiên Chúa không dừng bước trước ma quỷ và sự thiện lành đã toàn thắng trước sự ác!

Vào dịp Lễ Vọng Phục Sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô năm 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô kết thúc bài giảng của ngài như sau: "Tin Mừng Phục Sinh rất ư rõ ràng: chúng ta cần trở về Ga-li-lê-a để gặp Chúa Giê-su Phục Sinh, và trở thành những chứng nhân phục sinh của Ngài. Điều này không phải đi ngược thời gian, cũng không phải niềm thương luyến tiếc quá khứ, mà là chúng ta quay trở về với tình yêu ban đầu, hầu nhận ngọn lửa mà Đức Giê-su đã thắp lên trong thế gian và mang ánh lửa ấy đến cho tất cả mọi người, đến tận cùng trái đất”. Thật vậy, trong đêm lễ Vọng Phục Sinh, tại các nhà thờ đây đó trên khắp thế giới, chúng ta chứng kiến những anh chị em dự tòng trưởng thành được lãnh nhận Bí tích Khai Tâm (Rửa Tội, Thêm Sức, Rước Lễ lần đầu), được trở nên con cái của Chúa, được gia nhập Giáo Hội, trở thành người đồng hành đức tin với chúng ta. Thiết nghĩ, trong số ấy, có nhiều người vì hoàn cảnh này hoàn cảnh khác chưa dám bỏ mình theo đạo; nhưng nhờ gương sáng chứng nhân nơi anh chị em Ki-tô hữu, cuộc gặp gỡ đổi đời, họ cảm nhận dãi ánh sáng trong tâm trí, dần dần tìm hiểu học đạo, và tự quyết bước theo chân Chúa. Cũng trong đêm Vọng Phục Sinh này, họ được bước vào cung lòng ánh sáng chan hòa của Chúa; họ vui mừng kín múc hồng ân trở nên thụ tạo mới; họ được lãnh nhận đức tin và can đảm sống chứng tá suốt quảng đời còn lại. Vì vậy, bóng tối vô thần nhường bước cho ánh sáng Phục Sinh; bóng đêm vô tri ngã gục trước ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa!

Bên cạnh đó, đã là con người, chúng ta không thể tránh khỏi những giây phút yếu đuối, tội lỗi; những ‘đêm tối, u mê’ giữa dòng đời. Lắm lúc, chúng ta ngã lòng, ‘nhắm mắt đưa chân’ hoặc muốn buông trôi; nhiều khi chán chường vì biết bao kẻ lòng dạ ác tâm nhận chìm chơi vơi giữa biển đời tăm tối chông chênh, v.v… Những khoảnh khắc này, chúng ta không khỏi chán nản, nhục chí, bỏ cuộc! Tuy nhiên, Mầu Nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh vực chúng ta trỗi dậy, đưa chúng ta ra khỏi đại dương tăm tối, cứu chúng ta đang hì hục ngụp lặn giữa dòng chảy siết trần ai, nâng đỡ chúng ta kiên vững, giúp chúng ta vượt qua tình trạng ngã lòng; vì chưng sau cùng, ánh sáng Phục Sinh sẽ đẩy lùi bóng đêm sự chết, và Chúa Ki-tô khải hoàn vinh quang là nguồn cứu độ cho chúng ta. Bởi vậy, từ đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta cùng với Mẹ Giáo Hội hân hoan cất lên bài ca Hal-lê-lui-a (Tạ ơn Thiên Chúa!). Ước gì bài ca Hal-lê-lui-a vang mãi trong đời sống đức tin của mỗi chúng ta, như Thánh Phao-lô Tông Đồ từng mời gọi giáo đoàn Phi-líp-phê đang khi ngài bị giam giữ: “Anh (chị) em hãy vui lên. Tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng anh (chị) em hãy vui mừng luôn trong Chúa” (Pl 3, 1).

Ôi đêm hoài mong trở thành đêm hồng ân; đêm chờ trông trở nên đêm khải hoàn! Lời tiên báo từ xa xưa của ngôn sứ I-sai-ah đã thành sự nơi Con Thiên Chúa Phục Sinh ‘ngay hôm nay và bây giờ’ (hic et nunc; here and now): “Mặt trời của ngươi sẽ không lặn và mặt trăng sẽ không còn khuyết, vì Thiên Chúa là ánh sáng vĩnh tồn của ngươi và sẽ chấm dứt những ngày tang tóc của ngươi”  (Is 60, 20).

Ánh sáng Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa!

Ánh sáng Chúa Phục Sinh, chúc tụng Chúa!

Lm. Xuân Hy Vọng

==========


Suy niệm 2: VÀO CHỐN YÊN NGHỈ CỦA NGƯỜI

(VỌNG PHỤC SINH NĂM C)
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần Thánh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Con Một Chúa đã chịu chôn vùi trong lòng đất, nhưng, đã chiến thắng tử thần và khải hoàn trỗi dậy. Tất cả chúng ta là những tín hữu đã cùng được mai táng với Người, khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, xin Chúa cho chúng ta cũng đạt tới nguồn sống muôn đời cùng với Người là Đấng đã phục sinh.
 
Cùng được mai táng, và cùng được phục sinh với Người, nhờ đón nhận và tin vào lời hứa sẽ được vào chốn yên nghỉ của Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư Hípri kêu gọi: Chúng ta hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa. Ai sẽ được vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa? Ai sẵn sàng nghe lời sắc bén phê phán hết mọi loài thụ tạo? Ai sẽ được đi theo Đấng đã băng qua các tầng trời? Sau khi Chúa được mai táng, người ta niêm phong ngôi mộ lại, lăn một tảng đá lấp cửa mộ. Các thượng tế đến gặp ông Philatô và yêu cầu ông: cắt đặt lính canh phòng.
 
Cùng được mai táng, và cùng được phục sinh với Người, nhờ Vị Mục Tử Tối Cao đã phá tan quyền lực âm phủ, như bài đọc hai của giờ Kinh Sách nói về: Chúa xuống âm phủ… Đức Kitô là Vị Mục Tử, là nguồn nước trường sinh của chúng ta. Khi Người lìa chúng ta, mặt trời nên tối tăm u ám. Nhưng giờ đây đã bị tiêu diệt rồi, tên ác quỷ từng trói buộc Ađam. Ngày hôm nay, các cửa âm phủ bị phá tung, quyền lực ác thần bị tiêu diệt, khi Đấng cứu độ chúng ta toàn thắng. Người đã mở tung cửa ngục tù và dẹp tan quyền lực ma quỷ.
 
Cùng được mai táng, và cùng được phục sinh với Người, nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, như trong bài đọc thánh thư của Thánh Lễ, trích thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô nói: Một khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia kêu gọi: Halêluia. Halêluia. Halêluia. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ítraen hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Các bà đem thuốc thơm ra mộ xức cho người chết, thì, được hai người mặc y phục sáng chói nhắc cho nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói. Những điều Đức Giêsu đã nói, chính là lời hứa của Người, lời đó sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Các bà đã tin và chạy về báo cho các môn đệ. Giao ước đã lập ra muôn đời Chúa nhớ mãi, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Lời hứa cứu độ, lời hứa sẽ cho ta được vào chốn yên nghỉ của Người là lời hứa chắc chắn: cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng được sống lại với Người. Cùng chết với Đức Kitô: Hôm nay, cõi đất chìm trong thinh lặng, hoàn toàn thanh vắng, thinh lặng như tờ vì Đức Vua đang yên giấc, Thiên Chúa đã ngủ say trong xác phàm. Người đã tới viếng thăm những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần. Từ chốn tử vong, Đức Kitô đã chiếu sáng, và ra lệnh cho những kẻ đang bị xiềng xích: Hãy ra khỏi đây!, cho những ai đang ngồi nơi tăm tối: Bừng sáng lên!, và cho những kẻ đang ngủ mê: Hãy trỗi dậy! Đức Kitô đã chết trên thập giá và đã bị lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn. Cái chết của Người kéo ta ra khỏi cái chết trong cõi âm ty. Lưỡi đòng đâm Người đã ngăn chặn lưỡi đòng đang nhắm vào ta. Kẻ thù đã kéo ta ra khỏi vườn địa đàng. Phần Người, Người không đặt ta trong vườn địa đàng nữa, mà đặt lên ngai trên trời: phòng loan đã sẵn, cỗ bàn đã dọn, chốn yên nghỉ muôn đời đã được trang hoàng lộng lẫy chờ đón ta. Con Một Chúa đã chịu chôn vùi trong lòng đất, nhưng, đã chiến thắng tử thần và khải hoàn trỗi dậy. Tất cả chúng ta đã cùng được mai táng với Người, khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, ước gì chúng ta cũng đạt tới nguồn sống muôn đời cùng với Người là Đấng đã phục sinh. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

==========

Suy niệm 3: 

Chúa sống lại thật rồi, niềm hy vọng của chúng ta

SUY NIỆM ĐÊM VỌNG PHỤC SINH

(Lc 24,1-12)

Chúa đã sống lại thật rồi ! Allêluia ! Allêluia ! Allêluia !

Đêm mừng vui

Đêm nay, đêm mang lại niềm vui đặc biệt. Sao không thể vui mừng được, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội Tổ Tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người.

Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8). Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về Trời với Chúa Cha.

Nào ta hãy mừng vui :“Mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiên thần trên trời. Cùng vui lên, hỡi những thừa tác viên này… Và vui lên, toàn trái đất vui lên … tất cả vũ trụ đều hân hoan... Cùng vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh vui lên…khắp nơi trong cung điện này hòa vang lên ngàn muôn tiếng ca reo mừng của nhân trần”(x.Exsultet). Cả Trời đất mừng vui. Mừng vui lên! Hỡi anh chị em!!! Chúa đã sống lại thật rồi, niềm hy vọng của chúng ta. Alleluia.

Này người trần hỡi hãy vui lên A-llê-lui-a, vì Chúa đã sống lại thật rồi đem niềm vui và hy vọng tràn trề cho thế giới. Chúa đã sống lại rồi, vinh quang tỏa lan khắp nơi. Chúa đã sống lại rồi, cho muôn người hưởng phúc quê Trời.

Đêm tràn đầy hy vọng

Chúa Phục Sinh là nguồn hy vọng cho chúng ta. Thế giới chúng ta đang sống thật ảm đạm và đầy thất vọng. Nào là thiên tai như động đất mới đây nhất lại Myanmar, lụt lội, bão tố, dịch lệ; nào là nhân họa như chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, chết chóc, kinh tế suy thoái… Đại dịch Covid 19 kéo dài trong 3 năm đưa thế giới vào sự khủng hoảng toàn cầu, cuộc chiến thương mai đang leo thang, chiến tranh tại Ukraina do Nga khai mào chưa có hồi kết gây ra biết bao đau thương chết chóc cho bao người. 

Tạ ơn Chúa vì Chúa là Đấng hằng sống, Người đã chết nhưng Người cũng đã phục sinh, toàn thắng tử thần, trở thành nguồn hy vọng sống cho nhân loại. Chúa sống lại từ trong kẻ chết, đó là niềm hy vọng lớn nhất của chúng ta. Đúng là không có Thiên Chúa, sẽ không có hy vọng. Vì ngoài Thiên Chúa, Đấng hằng sống, nhân loại không tìm đâu ra niềm hy vọng cho cuộc sống mình.

Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế của chúng ta đã đến đem niềm hy vọng sống đến cho thế giới, vì Người là Đấng hằng sống. Thánh Phaolô nhắc chúng ta: “Thuở ấy, anh em không có Ðức Kitô, người dưng nước lã với quốc tịch Israel, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa, không có Thiên Chúa, không hy vọng nơi thế gian này!” (Êph 2,12).

Chúa sống lại là sự kiện lịch sử không thể chối cãi, mặc dù có người luôn tìm cách để bác bỏ, phủ nhận, nhưng lịch sử, Lời Kinh Thánh và kinh nghiệm của các chứng nhân đã quả quyết điều trên.

Trước hết, ngôi mộ trống tại Do Thái là bằng cớ lịch sử hiển nhiên của sự phục sinh mà không ai có thể chối cãi được. Thứ hai, lời Kinh Thánh trong cả bốn sách Tin Mừng đều ghi lại rất rõ sự kiện Chúa sống lại một cách khải hoàn (Mt 28,1-20; Mc 16,1-20; Lc 24,1-53; Ga 20,1-31). Lời Kinh Thánh trong Tin Mừng Luca 24,5-6 như là lời tiểu biểu cho sự kiện Chúa phục sinh với tinh thần xác tín mạnh mẽ: “Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại” (Lc 24,5-6).

Chúa phục sinh là sự thật lịch sử chứ không phải là huyền thoại, hoang đường. Kinh Thánh đã khẳng định: “Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã thể theo lòng thương hãi hà mà tái sinh chúng ta cho hy vọng hằng sống nhờ sự phục sinh từ cõi chết của Ðức Giêsu Kitô” (1 Pr 1,3). Đúng, Chúa phục sinh là nguồn hy vọng cho chúng ta.

Giáo hội lữ hành trong hy vọng
Chính Chúa Giêsu đã phán khi làm cho La-gia-rô từ kẻ chết sống lại rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin ta dù có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" (Ga 11,25-26). Gioan mô tả: “Vừa thấy Ngài, tôi phục mình dưới chân Ngài, chết điếng! Nhưng Ngài đặt tay hữu Ngài trên tôi, mà rằng: "Ðừng sợ! Ðầu hết và Sau hết, chính là Ta. Ðấng hằng sống; Ta đã chết; và này Ta sống đời đời kiếp kiếp; Ta có chìa khóa sự chết và âm phủ” (Kh 1,17-18).

Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa Toàn năng và là Đấng hằng sống đã ban cho nhân loại niềm hy vọng chắc chắn nhờ tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đó là hạnh phúc diệu kỳ mà Thánh Phaolô khẩn cầu: “Nguyện xin Thiên Chúa, nguồn hy vọng, ban cho anh em được đầy mừng vui và bình an trong tin vững, để anh em được ứa tràn hy vọng trong quyền năng của Thánh Thần!” (Rm 15,13). Ba điều kỳ diệu Chúa phục sinh mang lại cho chúng ta là: Đời sống được biến đổi (tái sinh) ; Được sống trong sự vui mừng, bình an, hy vọng ; Được sống lại sau khi chết, và được hưởng sự sống đời.

Những ai hết lòng tin nhận Chúa Giêsu đều đã kinh nghiệm về cuộc sống mới tràn ngập niềm vui và hy vọng trong đời hôm nay và mai sau. Sống phận lữ hành trên tràn gian này đầy gian truân, thử thách, nhưng vì Chúa Giêsu sống, nên chúng ta bước đi với hy vọng!

Chúa đã sống lại thật rồi, niềm hy vọng sống của chúng ta. Alleluia! Alleluia!

 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==========
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ An Thịnh hân hoan chào đón Cha Tân chính xứ Phêrô Phạm Thanh Bình và cha phó Giuse Đinh Văn Trung
Giáo xứ An Thịnh hân hoan chào đón Cha Tân chính xứ Phêrô Phạm Thanh Bình và cha phó Giuse Đinh Văn Trung
Sáng thứ Ba Tuần Bát Nhật Phục sinh, ngày 22/4/2025, giáo xứ An Thịnh hân hoan vui mừng chào đón quý cha quản hạt, quý cha, quý khách, và cộng đoàn đến hiệp dâng thánh lễ nhậm chức tân chính xứ của cha Phêrô Phạm Thanh Bình và cha phó Giuse Đinh Văn Trung.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log