Thứ sáu, 26/04/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh

Cập nhật lúc 21:02 22/12/2020
Suy niệm 1
Một tình yêu điên rồ
Lc 2, 1-14
Đúng ba năm về trước và vào ngày hôm nay Đức Giáo Hoàng Phanxico đã chia sẻ với các bạn trẻ tại quảng trường Thánh Phê-ro: “Noel, đó là một ngày đại lễ. Nhưng nếu Noel không có Chúa Giêsu, thì đó chỉ là một ngày đại lễ trống rỗng”. Đúng vậy! Noel là một ngày lễ Chúa Giêsu sinh ra hoặc có thể nói đó là ngày lễ của một tình yêu điên rồ. Hôm nay chúng ta đi lễ mừng Noel. Điều đó rất đúng và Thiên Chúa cũng biết rõ như vậy. Đó là một ngày lễ lớn, đáng để chúng ta cử hành long trọng. Noel đánh thức các trẻ nhỏ và cả cha mẹ chúng nữa. Vâng Thiên Chúa rất vui khi chúng ta mừng lễ Noel.
Tất nhiên, cũng có những tay ăn chơi ruợu chè xả láng trong ngày lễ này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn nhiều người khác, họ không phải là những tay ăn chơi, họ mừng lễ một cách xứng đáng. Nhưng những người mừng lễ xứng đáng ấy có thể hiểu nổi toàn bộ ý nghĩa của lễ này không? Khi chúng ta không là Thiên Chúa thì khó có thể hiểu nổi Thiên Chúa được. Chỉ khi nào Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta biết, thì chúng ta mới có thể hiểu được Ngài.
Thiên Chúa nói với chúng ta rằng: Noel là một câu chuyện thật hấp dẫn, một câu chuyện phi thường và thánh thiêng. Gửi Con yêu dấu của mình, người con duy nhất đến trái đất này, mà trái đất này cũng chỉ là hành tinh nhỏ bé của toàn thể vũ tru. Như thế có phải là điên rồ không? Đúng, đó là một sự điên rồ không hơn không kém. Điên rồ quá mức tưởng tượng!
- Gửi Con Yêu Dấu của mình là Ngôi Lời. Ngôi Lời đã làm nên giải ngân hà và toàn thể vũ trụ này. Thế mà Thiên Chúa lại gửi Con Yêu Dấu của Ngài chưa biết nói đến trong một máng cỏ không chắc chắn gì.
- Gửi Con Yêu Dấu của đến một trái đất nhỏ bé. Thật quá điên rồ! Điên rồ quá lớn khó có thể giải thích nổi và điều còn lại vẫn là sự điên rồ ư?
- Gửi đến trái đất xoàng xĩnh, Con Yêu Dấu của Ngài, giá trị hơn muôn vàn tinh tú. Thực sự là thế đến nỗi một trẻ chăn trâu trầm trồ có thể nói: đứa trẻ Giêsu này chỉ cân nặng gần 4 kg thôi. Đó có phải là sự điên rồ không?
- Gửi Con Yêu Dấu của mình đến một trái đất xoàng xĩnh, không phải là cư ngụ trong phòng một khách sạn. Chúng ta biết đó! Khi thời tiết mùa đông lạnh giá, nhiều người chúng ta chỉ thích nghỉ trong một phòng ấm ở nhà hoặc khi đi xa và khi đi du lịch cũng vậy. Nhưng Con Thiên Chúa lại không thế, Ngài thích ẩn mình trong một túp lều nhỏ, trong nơi trú ẩn xoàng xĩnh của một con bò. Đó có phải là điên rồ không? Điên rồ anh hùng, nhưng dù sao vẫn chỉ là sự điên rồ.
- Gửi đến trái đất Con Yêu Dấu, người con thừa kế, vị Vua thế giới vì người Con Yêu Dấu đó đã dựng nên thế giới và chính thế giới này thuộc quyền sở hữu của Ngài; thế mà Ngài chỉ dùng những tấm ván mục của một máng thức ăn cho xúc vật, và sau này khi giảng đạo công khai, Ngài nói với chúng ta: “Con cáo có hang, con chim có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. Đúng thế! Ngài chọn tấm xà ngang xần xùi của một thập giá gò bó. Đó cũng chỉ là một sự điên rồ thôi! Một sự điên rồ cao cả, quảng đại, dịu dàng, anh hùng, nhưng cuối cùng cũng chỉ là một sự điên rồ thôi, không hơn không kém!
Ai trong chúng ta có thể hiểu nổi sự điên rồ của Thiên Chúa trong ngày Noel? Thiên Chúa lại muốn thế và thích thế! Nhiều người trong chúng ta không hiểu và cũng không chấp nhận như vậy. Thật là một sự điên khùng và điên rồ quá độ!
Tuy nhiên, đó có phải là điều không thể hiểu nổi được không? Chỉ có một cách giải thích cho sự điên rồ này, chúng ta có thể đủ hiểu, đó là:
Khi yêu, chúng ta biết rằng mình có thể điên rồ cao đẹp, quảng đại và ngọt ngào.
- Khi một chàng trai yêu một cô gái trẻ bằng một tình yêu say đắm và điên rồ, lại không mua một chiếc nhẫn đẹp, óng ánh, mặc dù giá chiếc nhẫn đó khá cao, mà tiền của chàng trai đó không phải là đầy túi, số dư nhiều trong tài khoản hoặc trong sổ tiết kiệm ?
- Người mẹ yêu con mình, lại không tận tâm thức đêm  bên giường đứa con tật nguyền, mà không cần phải tính toán lo toan về sức khỏe của mình hoặc phải mệt nhọc sao?
- Chắc chúng ta đều biết câu truyện cổ tích: Hoàng tử cưới cô bé lọ lem. Chỉ vì yêu, hoàng tử không phân biệt giàu nghèo và địa vị. Đó cũng có thể nói là một sự điên rồ.
Chúng ta biết điều đó: khi chúng ta yêu say đắm chúng ta có thể trở nên điên rồ.
Noel cũng vậy, chính là Tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Và một lúc nào đó, chúng ta ngắm nhìn trẻ thơ Giêsu nằm trong hang đá như một con búp bê. Con búp này được Đức Maria sinh ra, nhưng cũng là Đấng từ trời xuống hành tinh chúng ta. Lúc đó, chúng ta bắt đầu hiểu và đi vào Mầu Nhiệm trọng đại của Noel. Con búp bê đó, là tình yêu điên rồ, là tình yêu nhập thể. Nếu không phải là trái tim chai đá,  chúng ta hiểu rằng con búp bê đó vén mở tình yêu, làm  tình yêu giãi sáng, khơi dậy tình yêu và thức tỉnh tình yêu. Con búp bê bé nhỏ nhưng vĩ đại và mạnh mẽ vì gợi lên một tiếng sấm tình yêu.
Lúc này, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa ngày ĐẠI LỄ NOEL: ngày lễ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa, ngày lễ tình yêu điên rồ của tất cả những ai muốn đáp trả tình yêu điên rồ của Thiên Chúa.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Lc 2, 15 – 20
Đấng Cứu Thế ra chào đời. Đó là một biến cố lịch sử xé đôi lịch sử của thế giới. Những sự kiện xảy ra trước ngày sinh của Đức Giê su, thì cả thế giới gọi là: “trước công nguyên” hoặc là trước Đức Giê su. Tiếng Anh viết tắt là B.C – Before Christ. Những sự kiện xảy ra sau ngày sinh của Đức Giê su thì từ điển Webster ghi là A.D, tức là Anno Domini: năm của Chúa.
Một biến cố vĩ đại như thế mà sử gia Luca chỉ ghi lại một bài tường thuật hơn 100 từ. Đáng tiếc! Nhưng chúng ta không chịu thua. Chúng ta phải vận dụng cả tâm lẫn trí để cảm nghiệm được biến cố lớn lao này.
1. Các mục đồng đang ngồi canh bầy chiên, thì được sứ thần báo tin là Đấng Cứu Thế ngàn năm mong chờ, thì nay đã ra chào đời tại hang đá Belem. Họ vội vã đi tìm. Họ thấy và sửng sốt, vì Đấng Cứu Thế mà sinh ra trong cảnh nghèo nàn đến thế: cái nôi được thay bằng cái máng như máng heo; bông gòn mềm và êm được thay bằng rơm khô. Khổ ơi là khổ.
Thế nhưng lại có tiếng ca của sứ thần vi vu trên trời tối đen. Vừa vui vừa buồn. Vừa thương xót vừa ca tụng.
Nhìn bé thơ thì dễ thương quá. Ai cũng muốn rờ ngón tay nhỏ tí xíu của bé thơ. Rờ vì quá thương. Rờ để lấy lộc.
2. Khi họ trở về làng, thì tin Đấng Cứu Thế giáng sinh bùng vỡ. Dân chúng trong làng ùn ùn kéo nhau bao vây hang đá. Lại đua nhau rờ vào tay bé một cái. Một người rờ, trăm người rờ. Thương quá là thương.
Thánh Kinh không kể, nhưng chắc chắn một điều là ai nấy đều muốn rước Thánh Nhi  về nhà mình. Đấng Cứu Thế mà nằm trong hang đá hôi hám như thế thì quả là bất bình. Vả lại, ai cũng muốn rước Đấng Cứu Thế về nhà mình để hưởng lộc thánh ngàn đời.
Khổ một nỗi, ai cũng muốn, thi ai sẽ đạt được nguyện vọng. Không lẽ lại giành giật Đấng Hài Nhi y như trẻ con cướp kẹo. Đành phải chờ người có uy tín nhất lên tiếng.
Theo văn hóa Do Thái thì người có uy tín nhất phải có ba điều kiện: cao tuổi nhất; có nhiều con cháu nhất; và gia đình khá giả nhất. Chúng ta có thể khẳng định rằng ngay đêm hôm đó Hài Nhi siêu việt sẽ được rước về tạm cư trú tại một gia đình đáng kính đáng nể nhất trong làng.
Người làng Bê lem đón mừng Hài Nhi Giê su như thế. Đẹp và vui quá chừng. Còn chúng ta hôm nay đón mừng Hài Nhi Giê su bằng cách khác. Cách đón mừng của chúng ta có thể là đẹp hơn nhiều. Đó là thực hiện hai bài học quan trọng: một là yêu thương người nghèo; hai là giúp đỡ người nghèo.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=====================
Suy niệm 3
Tình yêu Thiên Chúa bao la như đại dương
Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa, vô cùng cao cả và đầy quyền năng. Để hiểu phần nào quyền năng của Chúa, chúng ta hãy nhìn ngắm công trình do Ngài tác tạo.
Ngài đã hiện hữu từ trước muôn đời, trước khi có vũ trụ càn khôn. Ngài cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tác tạo nên trời đất, muôn loài muôn vật trong vũ trụ vô biên vô tận này.
Với tầm nhìn hạn hẹp, chúng ta tưởng Trái đất này to lớn lắm. Thật ra, các nhà khoa học cho biết Trái đất chỉ là một quả cầu rất bé nhỏ nằm trong số hàng tỷ, hàng tỷ quả cầu khác lớn hơn rất nhiều.
Với tầm nhìn hạn hẹp, chúng ta tưởng Mặt trời đang tỏa sáng trên đầu chúng ta to lớn nhất, thật ra, Mặt trời của chúng ta chỉ là một ngôi sao trong vô vàn ngôi sao lớn lao trong vũ trụ. Các ngôi sao trong vũ trụ này này nhiều hơn cả số lượng cây cối trên rừng, nhiều hơn số cá bơi lội dưới nước.
Nhìn ngắm vũ trụ bao la vô biên vô tận với vô vàn điều kỳ diệu trong đó thì chúng ta mới biết Đấng sáng tạo nên nó là Chúa Giê-su, là Ngôi Hai Thiên Chúa, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cao cả biết chừng nào, quyền năng của Ngài lớn lao không tưởng được…
Về phần loài người chúng ta, nếu đem con người so sánh với muôn vàn trăng sao trong vũ trụ, thì con người chỉ là một hạt bụi li ti, vô cùng nhỏ bé, chẳng đáng là gì.
Thế mà vì yêu thương loài người thấp hèn, nhỏ bé, Ngôi Hai Thiên Chúa vô cùng cao cả và quyền năng, đã hóa thân làm người phàm, đầu thai trong lòng một trinh nữ miền quê Na-da-rét, trở thành con của loài người, trở thành cháu chắt của những người tội lỗi… Lạ lùng thay!
Tại sao Chúa tể trời đất, Đấng dựng nên vũ trụ càn khôn vô biên vô tận, lại hạ mình xuống thế làm người thấp hèn như thế?
Thưa vì hai mục tiêu chính:
Mục tiêu thứ nhất là để cứu độ loài người, để mang tội lỗi của họ vào thân, để đền tội thay và chết thay cho họ… Nhờ đó, nhân loại được thoát khỏi hình phạt trong hỏa ngục đời đời; nhờ đó, nhiều người được lên thiên đàng hưởng phúc trường sinh.
Mục tiêu thứ hai là, khi xuống thế cứu chuộc loài người, Ngôi Hai Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân vô giá mà trí khôn con người khó hiểu được. Đó là nâng con người lên hàng con Thiên Chúa, và không chỉ là con Thiên Chúa mà thôi, mà còn là chi thể của Chúa Giê-su, được hoàn toàn nên một với Ngài.
Hình ảnh sau đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự thật này:
Thiên Chúa như một đại dương bao la vô tận, hết sức trong lành thanh khiết; còn loài người như một ao nước nhỏ bé, đen ngòm, chứa đầy rác rến dơ bẩn… nằm bên bờ đại dương. Có một giải phân cách tách biệt đôi bên. Qua biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, giải phân cách giữa Thiên Chúa và loài người được phá bỏ, để Thiên Chúa hòa nhập với con người và để cho con người được nên một với Thiên Chúa, như ao nước hòa nên một với đại dương. Đây là một hồng ân vô cùng cao quý. [1]  
Lạy Chúa Giê-su,
Tình Chúa yêu thương chúng con bao la như đại dương không bờ, không đáy.
Xin giúp chúng con biết cố sức đền đáp tình yêu của Chúa và luôn làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

[1] Tham chiếu GLHTCG số 460

=====================
Suy niệm 4
Đêm Noel
Đêm Ánh Sáng – Đêm đất trời giao hòa – Đêm bình an cho dương thế
(Lc 2,1-14)

Giáng Sinh là lễ ánh sáng. Nào là đèn Giáng sinh, đèn lồng, và đèn nến. Từ Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, ánh sáng cứ nhân lên. Ngay cả những nụ cười cũng đem lại ánh sáng. Bài đọc I đọc trong Thánh Lễ Nửa Đêm, tiên tri Isaia nói rằng: “Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết” (x. Is 9,2-7).
– Đêm Ánh Sáng
Dân tộc bước đi trong u tối ư? Phải, dân Israel sống trong cảnh lầm than của thân phận lưu đày, trước mắt họ chỉ là một màn đen dày đặc mà họ đang quằn quại mò mẫm tìm cho mình lối thoát. Họ mòn mỏi mong chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa, nay bỗng thấy: “Sự sáng chứa chan”. Ánh sáng ấy không phải là thứ ánh sáng nhấp nháy hay không nhấp nháy, mà là ánh sáng mang tên Giêsu. Người là Ánh Sáng cho thế giới, Ánh Sáng chiếu soi trong bóng tối như Thánh sử Gioan viết: “Sự sáng chiếu soi trong u tối” (Ga 1, 4-5).
Thời đại chúng ta có rất nhiều bóng tối. Chúa Giêsu giáng sinh trong đêm đen cho thấy Ánh Sáng đã đến trong thế gian. Chúa là Ánh Sáng, thế gian là bóng tối. Một trận chiến chống lại bóng tối. Thế giới của chúng ta đang cần những chứng nhân cho Ánh Sáng. Ở những thế kỷ đầu của Giáo hội, những người chịu phép Rửa tội được gọi là “ánh sáng” chiếu tỏa ánh sáng Thần Linh. Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã nói: “Người ta muốn thấy Chúa Giêsu qua anh em”. Nơi mỗi người đã chịu phép Rửa tội, bởi vì họ là nhà của “ánh sáng từ ánh sáng” phải được chiếu soi rạng ngời. Ánh sáng của chúng ta trong mùa Giáng sinh này là Chúa Giêsu , chúng ta hãy giới thiệu Ngài cho người khác. Và chúng ta hãy trao ban ánh sáng ấy.
– Đêm trời đất giao hòa
Đêm nay trời đất giao hòa, Ngôi Hai xuống thế, bao là hồng ân. Đêm nay là đêm linh thiêng nhất, đêm vui nhất trong Giáo Hội Công giáo chúng ta. Vì đêm nay Giáo hội loan báo tin vui cho toàn thể nhân loại: “Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta” (đáp ca).
Nghe lại những lời trên của Thiên Thần báo cho các mục đồng tuy xa xưa những vẫn luôn mới mẻ trong đêm nay, làm chúng ta sống lại bầu khí linh thiêng của Ðêm Thánh, Ðêm mà cách đây 2020 năm tại Bêlem. Con Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại đã thân hành xuống thế, giáng sinh làm người, gần gũi với con người, trở nên trẻ thơ nằm trong máng cỏ là Thiên Chúa thật và là người thật, cư ngụ giữa chúng ta, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Đây là cuộc hòa mình của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại. Trong đêm cực thánh này, Chúa Kitô đã từ trời cao sinh xuống giữa chúng ta. Ngôi Lời nằm khóc trong máng cỏ, được gọi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ “bởi vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1,21).
Tình yêu tha thứ và nhập thế cứu chuộc của Thiên Chúa là chung kết và tối thượng, nghĩa là ở ngay từ một Hài Nhi bé bỏng đã mang đến cho chúng ta một tình yêu không bao giờ vơi cạn, tình yêu đó chấp nhận bước vào trái đất này trong một thân phận không thể thấp hèn hơn được nữa, để những ai trong Đêm Giáng Sinh dù không có một mái nhà, dù tội lỗi, dù đang đau khổ vì tình yêu bị phản bội, bị bỏ rơi, khinh miệt, khổ đau vì bị con cái hắt hủi, thì nhìn vào mái ấm gia đình ở nơi hang đá vẫn cảm thấy trong cuộc đời này có ai đó đồng cảm và thông cảm được với mình. Tội lỗi làm cho con người mất đi tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa. Nay con Thiên Chúa giáng trần, đúng là: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống từ trời cao” (Tv 84, 11-12). Lễ Giáng Sinh là món quà Trời Cao trao ban cho toàn thể nhân loại. Món quà đó chính là Hài Nhi Giêsu, Vị Cứu Tinh loài người. Thật là một hình ảnh đẹp nối kết, đất với trời, Thiên Chúa và con người trần thế với nhau. Há chẳng phải là đêm trời đất giao hòa đó hay sao. 
– Đêm bình an cho dương thế
Hằng ngày, báo chí và truyền thông đăng tải rất nhiều tin tức tiêu cực dễ khiến con người lo âu, sợ hãi. Có nhiều nỗi sợ khác như: sợ thất bại, sợ mất danh dự, sợ đau khổ, sợ cô đơn v.v.
Tin Mừng thánh Luca (2, 1-14) mô tả, trong đêm Chúa giáng sinh, những người canh giữ vật thấy có Thiên Thần hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quan của Thiên Chúa bao tỏa chung quanh họ, khiền họ hết sực kinh sợ. Nhưng Thiên Thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ”… rồi một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14).
Bình an là điều rất cần thiết và thực tế. Theo Kinh Thánh, sự bình an đi đôi với hạnh phúc mà Chúa ban cho loài người. Ai trong chúng ta không khao khát hạnh phúc cho mình và tha nhân? Ai trong chúng ta không ước muốn được bình an? Thiếu sự bình an, thì không thể có hạnh phúc. Hạnh phúc trước hết và trên hết là niềm vui “được yêu”, được Thiên Chúa yêu thương, được loài người yêu thương.
Sự bình an là một ân sủng, là “quà tặng Giáng Sinh” của Thiên Chúa Cha tặng ban cho con người nhân ngày mừng sinh nhật Con Chúa. Để có được quà tặng ấy, chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này, tức là sống thiện tâm (x. Tt 2,12).
Nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa Cha ở cùng tất cả chúng ta trong Đêm cực thánh này. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

======================
Suy niệm 5
NGÔI LỜI ĐÃ TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM
Ga 1, 1-18
Thánh sử Gioan đại diện cho các môn đệ, những người trực tiếp sống với Đức Giêsu Kitô. Trong tình yêu, ông chứng thực, cảm nghiệm và “thấy” rất rõ, nên lời chứng  của ông về Ngài hoàn toàn xác thực và đáng tin nhận. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” Ông khẳng định Đức Giêsu chính là Thiên Chúa đã có từ đầu khởi thủy.
Trước hết Ngôi Lời tỏ mình qua việc tạo dựng. “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành”. Ngài “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” thì Ngài vẫn luôn “hướng về Thiên Chúa” vì Ngài là Thiên Chúa thật.
Ngôi Lời tỏ mình qua lời chứng của Gioan Tẩy Giả,  vị ngôn sứ cuối cùng và cao trọng: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
Đặc biệt Ngôi Lời tỏ mình qua biến cố Nhập Thể, Ngôi Lời đã trở nên người phàm cư ngụ giữa chúng ta: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Thánh sử Gioan đại diện cho các môn đệ để minh chứng: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người”. Các môn đệ đã nhìn thấy Ngôi Lời bằng xương bằng thịt. Ngài đã ở giữa họ, dạy dỗ, cùng ăn uống và làm bao nhiêu phép lạ… Thánh Gioan làm chứng cho người hậu thế chúng ta, là những người không được chứng kiến tận mắt biến cố Nhập Thể, trở thành người phàm của Con Thiên Chúa, bằng Phúc Âm và các thư của Ngài.
Nhưng trớ trêu thay, nhiều người sống đồng thời với Ngài năm xưa và cho đến hôm nay lại không nhận biết Ngài, hay chẳng chịu đón nhận. Phải chăng vì mầu nhiệm tự hủy của Ngài làm họ không thể nhận ra? Trong mầu nhiệm Giáng Sinh, Ngài là hiện thân của sự nghèo hèn cơ cực. Đấng mà các tầng trời không thể chứa lại được đặt trong máng cỏ. Vì ai mà Thiên Chúa cao cả đã  trở nên quá tầm thường? Các quán trọ không tiếp nhận Ngài, nhưng hang đá nghèo Belem lại tiếp nhận Ngài, nên hang đá Belem đã đi vào lịch sử, in mãi dấu xưa vẫn còn và trở thành thánh địa mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Xưa nay vẫn có đó những người không tin nhận Ngài. Những người thuộc hiện tại hôm nay, cả những người sống đồng thời với Ngài hai ngàn năm trước không tin và chối từ Ngài. “Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta; vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ: không phải ai ai cũng là người của chúng ta” (1 Ga 2, 19). Ngược lại những ai đón nhận và tin vào Ngài thì được hạnh phúc làm con Thiên Chúa, được lãnh nhận “hết ơn này đến ơn khác”. Qua ngôi Lời họ được thấy Chúa Cha và hiệp với Chúa Thánh Thần. “Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.”
Ôi Chúa Hài Đồng yêu mến ơi! Chúa là Thiên Chúa đã trở nên người phàm cho chúng con và vì chúng con, cho chúng con “đổi đời” mà được làm con Chúa! Này con xin mở rộng tâm hồn mà đón Chúa vào trái tim bé nhỏ của con. Xin Chúa biến đổi làm tim con thành “ngôi nhà” nhỏ bé thân thương có Chúa ngự trị, cho mãi luôn ấm áp cõi lòng con và còn lan tỏa đến mọi người hôm nay Chúa nhé!
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
​Ngày 24/4/2024, ông Chuck Robbins, giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông kỹ thuật số đa quốc gia Cisco, một tập đoàn có trụ sở tại Mỹ và chuyên cung cấp thiết bị mạng, đã gặp Đức Thánh Cha và đã ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo của Vatican, một tài liệu được Hàn lâm viện Tòa Thánh công bố lần đầu tiên vào tháng 2/2020.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log