Thứ năm, 28/03/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV Thường Niên B

Cập nhật lúc 09:42 16/09/2021
Suy niệm 1
Giữa những người lớn !
Mc 9, 29-36       
                                                                                                                        
Trẻ em giữa những người lớn. Sáng thứ tư ngày 21/8/2019 trong buổi yết kiến chung hằng tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã để cho một bé gái mắc bệnh điên đứng chống nạnh trước mặt Ngài với sự chứng kiến của đông đảo người tham dự. Em bé còn di chuyển xung quanh khán đài, vỗ tay và nhảy múa hầu như suốt buổi. Cảnh sát muốn ngăn em bé lại, nhưng Đức Thánh Cha cứ để em bé tự nhiên và cuối cùng em bé trở về với mẹ nó. Khi kết thúc buổi yết kiến chung, Đức Thánh Cha nói với cử tọa đông đảo: “Để sống đức tin của mình, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi có cảm thông, cầu nguyện cho em bé bị bệnh và cha mẹ của em bé đó không”?
Tin mừng hôm nay nói: “Chúa Giêsu và các môn đệ đến Capharnaum. Khi về đến nhà, Chúa Giê-su hỏi họ: 'Dọc đường các con tranh luận gì thế”? Dọc đường các môn đệ đã có một cuộc trò chuyện về những nhân vật vĩ đại. Họ đã “tranh luận xem ai là người lớn nhất”. Các nhân vật vĩ đại luôn có xu hướng thiết lập mối quan hệ thứ bậc. Điều quan trọng nhất đối với họ là đánh giá ai là người giàu nhất, thông minh nhất, bằng cấp nhất, có học thức nhất hoặc được ca tụng nhiều nhất.
Lúc đó các môn đệ không thể hiểu rằng mình được kêu gọi để làm những công việc khác. Dọc đường, Chúa Giêsu cứ để cho họ nói về mối quan hệ thứ bậc giữa những người vĩ đại. Tuy nhiên, Ngài không tham gia vào cuộc trò chuyện của họ. Khi về đến nhà, Ngài đặt một đứa trẻ đứng giữa họ và nói: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Cha Thầy”.
Trẻ em có thể can thiệp vào cuộc trò chuyện của người lớn. Nó không có quyền hành gì trước người lớn. Nó nhỏ bé và chỉ yêu cầu được người lớn quan tâm và vui vẻ đón nhận. Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta, với những người lớn: Đón nhận một đứa trẻ, đón nhận vị trí thấp hèn nhất, đó là đón nhận chính Thiên Chúa.
Người lớn nhất là thế nào? Trong khi đi đường và trước khi đặt đứa trẻ vào giữa các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói với họ về những điều thực sự nghiêm trọng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng "họ không hiểu những lời này và sợ không dám hỏi Ngài”.
Khi về đến nhà, Chúa Giêsu giải thích cho họ, cái chết của chính Ngài nói lên nhiều điều quan trọng. Ngài nói với họ rằng:
- Ngài sẽ bị nộp vào tay nhân loại này. Nhân loại này chỉ xoay quanh cuộc sống trong một mối quan hệ thứ bậc, để sung sướng hay đơn giản là để tồn tại, để là người lớn nhất.
- Những tính toán chằng chịt như thế rất nguy hiểm, chỉ có một giải pháp duy nhất: đó là đi theo hướng khác, ngay cả khi phải mất mạng sống mình. 
- Ngài thiết lập một hệ thống thứ bậc khác cho các môn đệ: phẩm trật nhỏ nhất hoặc người nhỏ nhất là người lớn nhất, người sau hết là người trước hết, người nghèo nhất là người giàu nhất. 
- Chính Ngài ở thấp nhất của hệ thống thứ bậc mới này. Thánh Phaolo sau này đã cảm nghiệm điều đó và đã viết: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi trên muôn ngàn danh hiệu”. Chính tại vị trí này, Ngài dẫn dắt tất cả những ai muốn tìm Ngài và theo Ngài. Bằng cách ở lại vị trí cuối cùng, các môn đệ sẽ được sống lại và sẽ phát triển một nhân loại mới.
Giáo Hội không có lý do gì để tồn tại ở thế giới này ngoại trừ việc tuyên bố rằng vị trí cuối cùng này là nơi duy nhất mà người ta có thể gặp Chúa Giêsu Kitô và phát triển một nhân loại mới.  Khi Chúa Giêsu nói: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”, các môn đệ không hiểu những lời này. Nhưng sau khi Chúa Giêsu Phục sinh ban Thánh Thần cho họ, không những họ hiểu mà còn sống và làm chứng những lời đó. Phần chúng ta, chúng ta có thực sự hiểu những lời đó không? Hay là đứng trước nạn dịch covid 19 này, chúng ta chỉ kêu trách Thiên Chúa mà thôi.
Nếu Giáo Hội tìm cách thực hiện bất kỳ quyền lực nào trên thế giới, sẽ không còn là Giáo Hội của Chúa Kitô. Những người trong Giáo Hội dù là giáo sĩ, tu sỹ hay giáo dân, tìm kiếm một vị trí nào đó để được tôn vinh cá nhân mình, đều góp phần làm méo mó hình ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội chỉ có thể vẫn là Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô, nếu chúng ta giúp đỡ nhau sống theo những lời này của Chúa Kitô.
Người lớn đối xử thế nào với trẻ em hôm nay? Thế giới hôm nay khi đề cập tới trẻ em, nảy sinh một chủ đề khác khá nhức nhối, đó là khai thác trẻ em. Không những phải học tập trẻ em tính tình đơn sơ trong trắng và phó thác; ngược lại, người ta còn lạm dụng trẻ em và làm cho chúng hư hỏng:
- Bắt trẻ em lao động nặng như người lớn.
- Lạm dụng tính dục trẻ em, mà chúng ta gọi là tội ấu dâm.
- Cho trẻ em chơi điện tử quá nhiều hoặc sớm cho dùng điện thoại…và còn biết bao gương xấu khác
Đúng vậy, chúng ta cần phải lên án tình trạng như thế! Hơn nữa, tất cả chúng ta, giáo sĩ và giáo dân, có trách nhiệm đấu tranh chống lại tình trạng “thiêng liêng hóa” quyền hành trong Giáo Hội đối với những thành phần trong Giáo Hội và cả những thành phần khác ngoài xã hội. Tất cả chúng ta được kêu gọi để chiến đấu chống lại những gì Đức Giáo Hoàng Phanxico gọi đó là tình trạng “giáo sỹ trị”, ngài mời gọi tất cả chúng ta chống lại tình trạng này!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Mc 9, 30 – 37
Đức Giê su âm thầm lặng lẽ từ Tyrô, Xiđôn trở về miền Thập tỉnh. Từ miền Thập tỉnh lại âm thầm lặng lẽ đi về Caphácnaum. Chúa cố tình giấu không cho quần chúng biết. Trong sự âm thầm lặng lẽ ấy, Chúa ngỏ bày tâm tư của Ngài về cuộc thọ nạn sắp xảy ra. Đó là Ngài sẽ bị bắt, bị vu cáo, bị tra tấn, bị đóng đinh, và sau ba ngày Ngài sẽ sống lại.
Nguồn tin ấy thê thảm quá, nên anh em Tông đồ không dám tin và không muốn tin. Họ cứ miên man nghĩ rằng Chúa sẽ phất cờ khởi nghĩa, giành độc lập cho quê hương và nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Truyền thống ngàn đời của dân tộc Do Thái là thế. Những lời truyền tụng như: “Chúa biến nguồn phú túc của chư dân chảy về thành đô như thác vỡ bờ”; “Gốc nho ấy Chúa bứng từ Ai Cập, đuổi chư dân đi lấy chỗ mà trồng”… đã thấm sâu vào trong tâm não của mọi người. Vì thế lời tâm sự của Chúa về cuộc thụ nạn, họ không tin và cho đó là một bài giáo huấn sâu sắc nào đó mà họ chưa hiểu được.
Chúa thì trầm tư đi phía trước, còn Tông đồ thì đi phía sau, vừa đi vừa ồn ào tranh luận xem anh nào sẽ làm Thủ tướng, anh nào sẽ làm Tổng tư lệnh, anh nào sẽ làm Tỉnh trưởng… Khi về tới nhà, chắc là nhà của Phê rô, Chúa mở to đôi mắt, nhìn chằm chằm vào từng khuôn mặt của từng người, rồi long trọng hỏi: “Hồi nãy, trên đường đi, anh em bàn tán gì mà um sùm lên vậy?” Mười hai cặp mắt nhìn xuống. Mười hai cặp môi khép kín. Im thin thít. Điều đó chứng tỏ rằng tất cả các Tông đồ đều biết Chúa cực kỳ dị ứng với tinh thần xôi thịt đang tích tụ đầy trong tim của họ. Biết thế, nhưng vẫn không chừa.
Bầu khí im lặng đang nặng nề, Chúa gọi một em bé tới, âu yếm ôm nó vào lòng và nhẹ nhàng nhắn nhủ: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này, là tiếp đón chính Thầy; ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
Thái độ, tâm tư và lời của Chúa cho ta cảm nghiệm được ngay giáo huấn của Chúa. Ngài muốn dạy rằng:
  1. Trong Giáo hội của Chúa không có vấn đề quyền danh và lợi. Tất cả chỉ là yêu thương và phục vụ. Ai càng có địa vị cao chừng nào, thì càng phải khiêm tốn và phục vụ như đầy tớ phục vụ chủ của mình.
  2. Bé thơ không có quyền hành gì trong xã hội, nhưng lại được mọi người lớn chăm sóc, trìu mến. Ông bố là người có quyền cao nhất trong gia đình, thế mà ông cứ bồng em bé trên vai, trên cổ của mình, y như một tên nô lệ phục vụ ông chủ. Các bà mẹ trong gia đình, bà nào cũng hầu hạ con cái như bà chủ của mình. Mỗi đứa con của bà được bà chùi đít cho ít nhất là 1000 lần. Bà không thấy nhục, mà còn thấy hãnh diện nữa.
  3. Chúa còn muốn nhấn mạnh thêm nữa rằng ai đón nhận nhau phục vụ nhau như Chúa đang trìu mến em bé trong lòng Ngài thì là yêu thương trìu mến chính Chúa, yêu thương và trìu mến chính Chúa Cha.
Khi Chúa dạy các Tông đồ phải phục vụ khiêm tốn như thế thì các ông chưa hiểu và chưa có tinh thần ấy. Nhưng khi có ơn của Chúa Thánh Thần rồi, thì họ sẽ hiểu và bắt đầu thi hành. Đó là điều mà chúng ta cần ngẫm nghĩ và cố gắng thực hành.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

=================
Suy niệm 3
LÃNH ĐẠO LÀ NGƯỜI TÔI TỚ ĐÍCH THẬT

Sống trong một xã hội, chúng ta không thể tránh khỏi những ảnh hưởng, chi phối tốt đẹp cũng như xấu xa của nó. Đã là con người, ai cũng muốn khẳng định giá trị của bản thân. Tuy nhiên, chúng ta thường rời xa giá trị thật sự của mình. Vì giá trị con người không bao giờ hệ tại bởi những gì chúng ta sở hữu hay nắm giữ, cho bằng chính sự hiện hữu của bản thân.
Do đó, cách nhìn về vai trò lãnh đạo hay làm lớn của chúng ta dường như bị lệch lạc. Là người lãnh đạo, người dẫn đầu, người làm lớn mà chỉ dựa trên quyền hành, quyền bính, cậy có quyền, có tiền…điều khiển, sai khiến, ‘làm chủ’ người khác. Ngoài thế giới rộng lớn kia, và trong xã hội đa dạng này, lối nhìn, cũng như thực trạng trên đã-đang diễn ra cách rõ ràng hơn. Tuy nhiên, dưới nhãn quan của Đức Giê-su, vai trò lãnh đạo và người muốn làm lớn lại khác hẳn, lắm khi trái ngược, “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35). Lời dạy của Đức Giê-su mời gọi tất cả những ai đang nắm giữ vai trò lãnh đạo, đang muốn làm đầu; nhất là đòi hỏi chúng ta - môn đệ của Ngài.
Nhớ lại thời gian đào tạo trong chủng viện Chúa Chiên Lành, tôi được tiếp xúc và sinh hoạt chung với Đức Hồng y Lu-is An-tô-ni-ô G. Tag-lê 5-6 năm (khi ấy ngài là Giám mục và Giám đốc chủng viện). Tuy bận rộn với sứ vụ Giám mục, giảng dạy tại các học viện-chủng viện, tham dự nhiều hội nghị, cuộc họp trong và ngoài nước, nhưng Ngài luôn luôn trở về chủng viện cho dù tối khuya. Có một lần, tôi còn nhớ rõ như hôm qua. Khi cả chủng viện vừa mới ăn tối xong, thì ngài liền về tới. Lúc ấy, tổ chúng tôi đang hì hục từng công đoạn rửa bát (tráng dĩa, bát, xoong nồi, muỗng nĩa bằng nước nóng - rửa bằng bột rửa chén - rửa với nước lạnh - rửa với nước nóng - lau khô trước khi xếp vào tủ), thì ngài len vào muốn phụ chúng tôi. Dĩ nhiên, ai trong chúng tôi đều không đồng ý và nói: “Đức Cha nhiều việc rồi, với lại mới về, nên xin Đức Cha lên phòng nghỉ ngơi…” Mặc dù nghe vậy, nhưng ngài vẫn nán lại rửa bát, thử chờ đến giây phút mà chúng tôi có thể đổi ý. Tuy nhiên, ai ai cũng năn nỉ ngài về phòng nghỉ ngơi vì cũng khuya rồi, nên ngài đành rửa tay và đi ra ngoài nhà bếp. Tưởng chừng, ngài lên phòng; nhưng ngài vẫn muốn nán lại chỗ lau bát chén và cùng trò chuyện nói cười vui vẻ với tổ lau-cất. Một hình ảnh và nhân chứng sống cụ thể khó tìm thấy nơi môi trường đào tạo; nhưng thiết nghĩ là mẫu gương thiết thực trong vai trò lãnh đạo với tinh thần mà Đức Giê-su răn dạy các Tông đồ và chúng ta là những người đã-đang-sẽ bước theo Chúa.
Theo nhãn quan của Thầy Giê-su, trước hết, lãnh đạo là phục vụ khiêm hạ. Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố trên đường đi tới Ca-pha-na-um, các môn đệ tranh luận “ai là người lớn nhất?” (x. Mc 9, 34), cho dù sau khi được nghe Đức Giê-su tiên báo về thân phận của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31). Các ông chẳng hiểu và cũng không nghĩ Đức Giê-su sẽ phải chịu như vậy, cho nên vẫn cứ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất! Mặc khác, trên bước đường bôn ba theo Thầy Giê-su đây đó, chắc hẳn họ cũng được nghe nhiều điều mà Ngài giảng dạy liên quan đến vai trò lãnh đạo này: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23, 11; Lc 22, 26). Hơn hết, các ông tận mắt chứng kiến Thầy mình trong Bữa tiệc ly trước khi tử nạn, đã cúi xuống rửa chân cho các ông, rồi lau khô. Gương phục vụ khiêm hạ ấy lên tới đỉnh điểm trên cây thập giá nơi Ngài chịu đóng đinh. Đây chẳng phải là câu chuyện hư cấu hòng thu hút sự chú ý độc giả như tin giật gân chạy những tít lớn trên báo chí giấy cũng như báo mạng hoặc những phương tiện truyền thông! Đây không phải là truyền thuyết, hay chuyện tranh Nhật Bản (manga), hoặc chuyện cổ tích Giáo hội dựng nên! Mà chính là Con Thiên Chúa đã mặc lấy xàm phàm, ở giữa chúng ta, sống tận cùng với lời Ngài giảng dạy. Có lẽ chính vì thế, trải qua bao đời triều đại Giáo hoàng, đặc biệt Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II lúc còn sống, ngài đã dùng tước hiệu “Tôi tớ của các tôi tớ Chúa” (Servus Servorum Dei), hầu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô chí thánh một cách trọn vẹn nhất có thể. Còn chúng ta, những người đang bước theo Chúa, hay muốn trở thành môn đệ đích thật của Thầy Giê-su thì con đường phục vụ khiêm hạ là nẻo chính hằng mong.
Thứ đến, lãnh đạo là phục vụ yêu thương. Nhờ nhân đức khiêm nhường, chúng ta mới có thể yêu thương hết tình. Quả thật, khi kiêu căng, ngạo mạn phình to trong cái bản ngã to tướng của mình, thì chúng ta không thể nào phục vụ với vai trò lãnh đạo được. Vả lại, khi không có lòng mến, thì như Thánh Gia-cô-bê chỉ ra “ở đó hỗn độn và đủ thứ tệ đoan”; dĩ nhiên sinh ra thói ganh tị, cãi vã, tranh chấp (x. Gc 3, 16). Như thế, chẳng thể nào ‘cúi xuống rửa chân” phục vụ như Đức Giê-su mời gọi cũng như đòi hỏi được. Tình mến khiến chúng ta cảm thông, đặt mình vào vị trí người khác, tha thứ và bao dung đúng mực; nhờ đó, chúng ta mới dám hy sinh, bước ra khỏi ‘chốn loang phòng chăn ấm nệm êm’ của bản thân mà đến với tha nhân, chẳng phải đòi người khác phục vụ, cung phụng, mà chỉ mong chia san, phục vụ anh chị em như Thầy Giê-su “…và Ngài yêu thương họ đến cùng”(Ga 13, 1), “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (x. Pl 2,  8).
Sau cùng, vai trò lãnh đạo không những phục vụ trong khiêm hạ và yêu thương hết tình, mà còn biết đón nhận mọi người, đặc biệt ‘những ai bé mọn’ như Đức Giê-su “đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy…” (x. Mc 9, 36-37). Nhưng sao lại là ‘một trẻ thơ’? Như chúng ta biết, đàn bà và con trẻ không được tôn trọng, thường bị gạt bỏ trong xã hội Do Thái thời đó. Vì thế, Đức Giê-su đưa một đứa trẻ ra, hầu dạy các môn đệ và chúng ta biết đón nhận những người bị bỏ rơi, những ai là nạn nhân của sự ganh ghét, nội chiến sắc tộc, những người ‘thấp cổ bé miệng”, không có tiếng nói, v.v…như thể Ngài ‘lội ngược dòng’ với ‘văn hoá bỏ rơi, xã hội lãng quên’ đang chảy xiết trong cơn xoáy của chính nó. Đón nhận mọi người, nhất là những người bé mọn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không chỉ ở lời nói thôi, mà còn hành động ‘ôm lấy họ, ôm trọn con người hiện hữu của họ’, chẳng một lời than van, trách móc hoặc đổ lỗi hay ‘mãi tìm nguyên nhân, đánh mất, lãng quên và rồi đưa họ vào một thời dĩ vãng’. Nói đến đây, chúng ta không thể không nhớ đến mẫu gương tận tâm của Thánh Tê-rê-sa miền Cal-cút-ta. Khi còn sống, Mẹ đã từng gặp gỡ trực tiếp, ôm trọn hết tất cả những nỗi đau khổ, khốn khó của kiếp phàm trần nơi anh chị em cô thế cô thân, đang hấp hối. Mẹ đã đón nhận và chứng kiến từng người ra đi với phẩm giá cao quý của họ, cho dù phẩm giá của họ bị chà đạp, bị cướp mất lúc họ còn sống đi nữa. Về phương diện này, không thiếu tấm gương soi chiếu, nhưng điều chúng ta cần ngay bây giờ là đứng dậy, tiến bước và thực hiện.
Lạy Chúa, giữa dòng xoáy đời trôi
Bao thăng trầm giăng lối Ngài ơi!
Nguyện lòng con luôn mãi rạng ngời
Khiêm nhu phục vụ người anh em
Hằng đón nhận êm đềm, vui sướng
Hay khổ đau tan thương mỗi ngày
Ôm trọn người anh em quý thay. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 4
HAI CÁCH ĐÁNH GIÁ
Mc 9, 30 - 37

Có hai vợ chồng cùng đi mua bàn ghế để trang bị nội thất cho ngôi nhà mới xây. Người vợ thì thích sắm những đồ mộc thuộc nhóm gỗ kém, nhưng có phủ lớp sơn láng bóng, đẹp mắt; còn người chồng thì muốn chọn loại bàn ghế đóng bằng gỗ quý, chẳng sơn phết gì vì cho rằng “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Việc mua sắm bất thành vì mỗi người có một thị hiếu khác nhau, một cách đánh giá khác nhau.
Khi nhận định về giá trị con người cũng vậy, người ta cũng có những cách đánh giá khác nhau, dựa vào những tiêu chí khác nhau.
Cách đánh giá của người đời
Người đời đánh giá con người chiếu theo lớp sơn hào nhoáng bên ngoài.
Lớp sơn thứ nhất là sắc đẹp.
Một số người đánh giá con người tùy theo sắc đẹp ngoại hình. Thần tượng của họ là những ngôi sao điện ảnh, là hoa hậu, là những ca sĩ ăn mặc lố lăng hoặc người mẫu đang ăn khách... Điều nầy khiến khá đông bạn trẻ xem nhẹ việc trau dồi nhân cách, không màng phát huy đạo đức, không lo trau dồi kiến thức hay học tập mà chỉ tìm cách chưng diện, đua đòi y phục hợp thời trang…
Lớp sơn thứ hai là sang trọng, giàu có.
Lắm người đánh giá con người tùy theo tiền bạc, tài sản. Thần tượng của họ là những đại gia nghìn tỷ. Điều nầy thúc đẩy người ta đua tranh làm giàu bất chính, cố tậu cho mình những siêu xe sang trọng, xây cho mình những biệt thự xa hoa hoặc sở hữu những ngôi nhà hoành tráng, những đồ trang sức xa xỉ mắc tiền…
Lớp sơn thứ ba là địa vị xã hội.
Nhiều người cho rằng giá trị con người nằm ở địa vị cao, nên cần phải phấn đấu để đạt được ghế cao trong xã hội.
Ngay cả các môn đệ Chúa Giê-su cũng mang não trạng nầy.
Tin mừng hôm nay cho biết, hôm ấy, các môn đệ vừa đi đường vừa tranh luận với nhau xem giữa các ông, ai là người lớn nhất (Mc 9, 34).
Ngay cả khi các tông đồ cùng Chúa Giê-su ăn tiệc Vượt qua trước khi Ngài nộp mình chịu chết, các vị “cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất” (Lc 22,24)
Và cũng có lần hai môn đệ Gioan và Gia-cô-bê cùng với mẹ mình đến xin Chúa Giê-su cho ngồi bên tả bên hữu Chúa khi đến thời Ngài được hiển vinh (Mt 20, 20-24; Mc 10, 35-37).
Cách đánh giá của Thiên Chúa
Chúa Giê-su đánh giá tùy vào tinh thần hy sinh phục vụ. 
Chúa Giê-su phản đối não trạng đánh giá con người dựa vào lớp sơn hào nhoáng bên ngoài. Ngài đánh giá con người không tùy thuộc vào vẻ đẹp ngoại hình, vào tiền tài của cải, vào ghế thấp ghế cao trong xã hội… nhưng đánh giá con người tùy theo tinh thần hy sinh, phục vụ của mỗi người.
Hôm ấy, sau khi Chúa Giê-su nghe các môn đệ vừa đi đường vừa tranh cãi với nhau xem giữa các ông, ai là người lớn nhất, thì về đến nhà, Ngài gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người (Mc 9,35).
Và trong Tin mừng Lu-ca, sau khi nghe các môn đệ tranh cãi với nhau về điều nầy, Chúa Giê-su bảo các ông: “Vua các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân… nhưng anh em thì không phải như thế; trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ nhất và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22, 25).
Qua những lời nầy, Chúa Giê-su tỏ cho thấy giá trị con người được nâng cao khi người ta biết hạ mình phục vụ mọi người.
Nên theo cách đánh giá của ai?
Lối đánh giá con người dựa vào những lớp sơn hào nhoáng bên ngoài gây ra hậu quả tai hại là khuyến khích nhiều người tìm cách đánh bóng mình bằng những lớp sơn phù phiếm, tạo ra những con người thiếu phẩm chất cao đẹp, nghèo đạo đức…
Còn cách đánh giá dựa vào tinh thần phục vụ của Chúa Giê-su sẽ khích lệ con người sống khiêm tốn, biết hy sinh quên mình để giúp ích cho tha nhân.
Lạy Chúa Giê-su,
Từ bỏ cách đánh giá dựa theo lớp sơn bên ngoài để biết đánh giá con người theo tinh thần hạ mình phục vụ là điều rất khó.
Xin Chúa ban thêm khôn ngoan và soi tâm mở trí, để chúng con biết nhận ra giá trị con người không tùy thuộc vào lớp vỏ bên ngoài nhưng tùy vào lối sống hy sinh, phục vụ và biết thể hiện nếp sống nầy trong cuộc đời chúng con. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

=================
Suy niệm 5
Làm Lớn Là Để Phục Vụ

(Mc 9, 30 – 37)

Quyền lực là gì? Quyền lực là khả năng của cá nhân hay tổ chức có thể buộc các cá nhân hay tổ chức khác phải phục tùng ý chí của mình. Tâm lý con người nói chung ai chẳng thích quyền lực, không có gì hấp dẫn, cám dỗ con người bằng quyền lực. Thích làm lớn, hay thích quyền lực là thứ “gây nghiện” bằng tất cả những thứ “gây nghiện” khác cộng lại. Bởi quyền lực làm cho người chưa có khao khát có nó, có chút quyền lực rồi lại muốn quyền lực lớn hơn. Thích quyền, có thể biến người ta thành kẻ tán tận lương tâm, chia rẽ và giết chết nhau. Các môn đệ Chúa Giêsu cũng không nằm ngoài qui luật thông thường ấy. Các ông có tranh giành nhau cũng là chuyện bình thường. Quyền lực khiến cho hai anh em Gioan và Giacôbê xin được ngồi bên hữu và bên tả Chúa Giêsu (x.Mc 10 37) và làm cho “Mười môn đệ kia đâm ra tức tối” (Mc 10, 41) sinh ra chia rẽ, bất hòa.
Tranh giành quyền lực
Chuyện xảy ra vào chính lúc Chúa Giêsu loan báo cho các ông về cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, đàng này các ông lại ích kỷ, vụ lợi; tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia sắp đến và ngày tể tướng triều chính phải được cắt đặt đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Hiểu rõ nhân tình thế sự nơi người môn đệ, Chúa Giêsu nói với họ: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi mọi người” (Mc 9, 35).
Đã ba lần Chúa Giêsu báo trước cuộc khổ nạn của Người cho các môn đệ, nhưng họ đâu có muốn Chúa nói với họ về khổ đau và thập giá. Họ càng không muốn biết về những thử thách và lo âu. Vì thế, họ tranh luận với nhau xem ai hơn ai, ai là người xuất sắc nhất, thanh sạch nhất, người có quyền được hưởng đặc ân nhiều hơn so với người khác. Thái độ tranh biện về quyền lực và danh vọng là thái độ vô ích, khiến người ta từ tránh khó, ngại khổ, không dấn thân vào việc chung vì ích chung.
Chúa Giêsu đặt em bé ở giữa
Chúa Giêsu biết rõ tư tưởng của các môn đệ, nên Người đề nghị một thuốc giải cho cuộc tranh giành quyền lực và sự từ khước hy sinh của họ;  để mang lại tính chất long trọng cho điều Người sắp nói, Chúa “đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9, 37). Bài học khiêm nhường như đứa trẻ nhỏ họ vẫn chưa thuộc.
Trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu dạy họ một bài học mà họ sẽ không bao giờ quên được. Chúa đã làm gì?
Trong lúc mọi người đang dùng bữa chung, Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ngoài ra, lấy một chiếc khăn và quấn ngang thắt lưng rồi đổ nước vào chậu. Các môn đệ lúc ấy ngỡ ngàng sửng sốt lăm, Thầy sắp làm gì đây. Trong khi họ quan sát thì Chúa Giêsu đi đến từng người trong trong các ông, cúi xuống rửa chân cho họ. Người dùng khăn lau khô chân họ. Họ cảm thấy bối rối, còn Phêrô thì không muốn để Thày làm công việc phục vụ thấp kém này cho mình (x. Ga 13,1-15).
Ngày nay chúng ta thường không rửa chân cho nhau. Chúa Giêsu đã làm như vậy. Khi làm điều này, Chúa Giêsu dạy các môn đồ một bài học quan trọng là phục vụ lẫn nhau. Người không muốn họ chỉ nghĩ đến mình, cho mình là quan trọng đến độ luôn phải được người khác phục vụ. Người muốn họ sẵn sàng phục vụ người khác.
Phục vụ người khác không khó đâu. Vậy chúng ta đừng bao giờ do dự phục vụ người khác. 
Giáo Hội được Chúa Giêsu thiếp lập để phục vụ
Bao lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị, bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi cơ chế xã hội. Giáo hội cũng không được miễn nhiễm khỏi căn bệnh tìm kiếm chức quyền danh vọng. Não trạng thế gian thì tìm kiếm danh vọng chức quyền, còn tư tưởng của Thiên Chúa là phục vụ và trao ban sự sống.
Những người làm lớn trên thế gian xây dựng những ngai vàng cho quyền bính của họ, Thiên Chúa lại chọn một ngai không tiện nghi, là Thánh Giá, từ ngai đó Người cai trị khi ban tặng sự sống của Người: Chúa Giêsu nói: "Con Người đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống cho nhiều người" (Mc 10, 45).
Phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả chống lại căn bệnh tìm kiếm địa vị chức quyền. Giáo Hội phải cúi xuống mà rửa những bàn chân của những người rốt hết, để phục vụ họ bằng tình yêu, đơn giản và chân thành.
Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Người Nữ khiêm nhường luôn gắn bó với thánh ý  Chúa, giúp chúng ta vui vẻ bước theo Chúa Giêsu trên con đường phục vụ, con đường chính dẫn đến Thiên Đàng.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 6
LÃNH ĐẠO PHỤC VỤ

Tin Mừng tuần trước, các tông đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Chúa đã tỏ cho các ông biết, Ngài là Đấng Cứu Thế khiêm hạ như lời tiên tri Isaia mô tả.
Tin Mừng tuần này, Chúa nói rõ hơn về cách thức cứu thế của Ngài: Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, và ba ngày sau khi bị giết, Người sẽ sống lại.
Tuy nhiên, các tông đồ dường như im lặng suy nghĩ về những điều Thầy nói mà họ không hiểu! Khi bị Thầy hỏi: “Dọc đường anh em đã bàn tán chuyện gì vậy?”. “Các ông làm thinh”. Bởi vì “khi đi dọc đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”.
Chân thì đi đàng sau Thầy, nhưng lòng thì đi ngược chiều với Thầy. Điều đáng hỏi Thầy để hiểu thì không hỏi, lại quay ra cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Các ông vẫn nuôi hy vọng về chức tước, địa vị mà các ông nghĩ mình sẽ được nên đã ngấm ngầm bàn cãi với nhau để phân chia chỗ ngồi thấp cao.
Mọi chuyện khác thì Người vừa đi vừa dạy, cả đến chuyện Người sẽ bị nộp, bị giết chết thì Người cũng vừa đi vừa nói. Nhưng chuyện này thì Người long trọng dạy các ông: “Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói…”. Người ngồi xuống trong tư thế thầy dạy và gọi các ông lại trong tư thế môn đệ. Người trả lời thẳng đề tài mà các ông đã cãi nhau dọc đường: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Lời dạy thật rõ ràng, thiết thực, không văn hoa bỏng bảy. Rồi Người minh hoạ bằng hình ảnh một trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ thường gợi chúng ta nghĩ tới sự đơn sơ, trong sáng, nhưng trong Kinh Thánh thì “trẻ nhỏ không kể”, là số không. Người đưa ra một định luật ngược đời: muốn làm người lớn hơn cả thì phải trở thành số không! Chính Người tự đồng hoá với trẻ nhỏ: “Ai tiếp đón một trẻ nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. (x. tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).
Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ con đường trở nên lớn lao thật sự. Đó là con đường phục vụ. Con đường phục vụ thay thế cho tham vọng thống trị. Giúp đỡ tha nhân thay cho tham vọng bắt người khác phục vụ chính mình. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể. Người lớn nhất, người đứng đầu là người phục vụ hết mình. Chức tước, chức vụ, chức vị, chức quyền chỉ là phương tiện để phục vụ. Ai sống tinh thần phục vụ đó là người lớn nhất. Ai không biết phục vụ thì là người nhỏ nhất. Giá trị của một con người không do địa vị chức tước mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó. Chúa Giêsu mở ra một nền văn minh mới. Người lớn nhất không dùng quyền để lãnh đạo, nhưng dùng khả năng để phục vụ. Người lớn nhất không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng trái tim để yêu thương.
Để làm gương cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã tự hạ mình: “không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,25-28). Là Thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là lãnh đạo nhưng Người sẵn sàng hiến mạng sống “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu được thể hiện rõ nét nhất trong cử chỉ rửa chân “Nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau”. (Ga 13,14-15). "Ta ở giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27). Phục vụ lên đến tuyệt đỉnh trong hành vi tự hiến “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Quyền bính và phục vụ gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ Chúa Giêsu. Người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu là người có tâm, có tầm, có đức và có tài để phục vụ tha nhân theo tinh thần đức ái mục tử. Mục tử rao giảng chân lý và dám sống chân lý ấy cho dù phải hy sinh tính mạng.
Thánh Phêrô đã thấm nhuần lời dạy của Thầy Chí Thánh nên sau này ngài viết những lời tâm huyết cho các mục tử:“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi ích thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt tình tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,1-4). Thánh Phêrô cũng khuyên các tín hữu: “Ơn riêng của Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban.” (1Pr 4, 8-11).
Quyền bính đòi chiếm hữu và kiểm soát. Nhưng trong Giáo hội, quyền bính được xây trên nền tảng tình yêu Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới cần Phêrô xác quyết tới ba lần: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15-17). Quyền bính được xây dựng trên tình yêu nên người mục tử luôn khiêm tốn phục vụ tha nhân. Dân Chúa mong muốn trước tiên các linh mục của họ phải là các nhà lãnh đạo tinh thần: “Giáo dân mong muốn linh mục của họ là các người lãnh đạo tinh thần, luôn dễ gần, có tình yêu của Đức Kitô và chăm lo cho tất cả mọi người. Giáo dân mong muốn các linh mục dễ thương và ân cần tiếp đón. Giáo dân mong ước các linh mục yêu mến các công việc của các ngài, thi hành sứ vụ được xây dựng trên sự cầu nguyện, ban phát các bài giảng hay, quan tâm đến sự đào tạo tôn giáo cho trẻ em và người lớn, giảng dạy niềm tin Công giáo, là thành viên của giáo xứ nơi các ngài phục vụ hiểu biết và có tài lãnh đạo và các kỹ năng giao tiếp tốt”. (The Repord, 6-6-2006). Lãnh đạo tinh thần cơ bản là “gây ảnh hưởng”, là khả năng một người ảnh hưởng lên người khác qua sự mời gọi, thuyết phục và gương sáng để đưa người khác từ nơi họ đang ở đến nơi mà Chúa muốn họ đến. Linh mục là người giảng Lời Chúa, thi hành các Bí Tích và lãnh đạo cộng đoàn tín hữu. Các ngài là nhà lãnh đạo tinh thần hiệu quả khi trui rèn ba kỹ năng ấy. Mẹ Thánh Têrêxa đã diễn tả các đòi hỏi của thuật lãnh đạo tinh thần một cách hết sức đơn giản qua câu nói: “để giữ cho đèn cháy sáng, bạn phải luôn châm dầu cho nó”.
Lời dạy của Chúa Giêsu đưa nhân loại đi vào nền văn minh của tình thương. Và kể từ đó, hàng triệu vị Thánh được tôn vinh như là những chứng từ sống động cho hình ảnh “Người lớn nhất” trong nền văn minh mới của Tin Mừng. Mẹ Têrêxa Calcutta trở thành vĩ nhân của thời đại bằng con đường yêu thương và phục vụ người nghèo. Phục vụ luôn gắn liền với yêu thương. Đức Cha Gioan Casaigne, sau 15 năm trong cương vị chủ chăn tại Sài Gòn, ngài đã tình nguyện về sống và phục vụ những bệnh nhân phong cùi ở Di Linh trong một ngôi nhà gỗ nhỏ hẹp. Ngài đã dành trọn trái tim và cả cuộc đời phục vụ những phận đời khốn khổ.Thánh Augustinô nhận định: Trong đời sống người kitô hữu, có một cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Thiên Chúa cho đến từ bỏ bản thân mình và yêu bản thân cho đến nỗi chối bỏ Thiên Chúa.
Người thành công nhất là người phục vụ cho đồng loại nhiều nhất. Một vĩ nhân không hệ tại ở địa vị xã hội của người ấy mà là sự cống hiến cuộc đời cho sự phát triển của nhân loại. Giáo hội tuyên phong một người lên bậc hiển thánh chung quy cũng là tuyên dương tinh thần phục vụ của người ấy vì Nước Chúa. Phục vụ để trở nên phong phú, có giá trị, nên hoàn thiện và trở nên gần Chúa Giêsu hơn.
“Nghệ thuật làm lớn” của Chúa Giêsu chính là khiêm tốn phục vụ. Người thật sự cao cả là người dâng đời mình cho lợi ích của cộng đoàn. Thiên Chúa đã tự liên đới với người nhỏ bé, nghèo hèn, không đáng kể nhất. Phục vụ một người không đáng kể nhất cũng là phục vụ chính Thiên Chúa. Con đường tự hạ, làm người bé nhỏ và phục vụ anh em là con đường để trở nên vĩ đại, trở nên người lớn nhất trước mặt Chúa.
Muốn trở thành người phục vụ đích thực, thánh Giacôbê trong bài đọc 2 khuyên hãy sống: “thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa trái, không thiên vị, cũng đừng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, đó là người công chính”. Nơi nào có phục vụ, có chăm sóc, có chia sẻ không tính toán, nơi đó người ta sẽ thấy được sự chân thực của tình yêu.
Lạy Chúa, xin cho con biết: Phục vụ là hy sinh, phục vụ là quên mình. Phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ơn nghĩa không màng. Phục vụ là hy sinh, phục vụ vì Chúa Kitô. (Bài ca phục vụ).

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Ngày 24.03.2024 Chúa nhật Lễ Lá, giáo xứ Yên Tập đã tổ chức Hội thi Kinh nguyện, Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh. Hiện diện trong chương trình có cha xứ Giuse Nguyễn Văn Cường, quý dì cộng đoàn Mến Thánh Giá Yên Tập, quý ban tổ chức, ban giám khảo và 750 quý cụ ông bà anh chị em tham gia dự thi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log