Thứ năm, 25/04/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXI Thường Niên B

Cập nhật lúc 08:58 19/08/2021
Suy niệm 1
Biết và Tin 
Ga 6, 61-70
Một sự vấp phạm. Tại hội đường Ca-phac-na-um, Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì có sự sống đời đời”. Khi nói câu này, Chúa Giêsu chưa thiết lập Bí tích Thánh Thể, chưa trải qua thử thách lớn lao về cuộc Khổ Nạn và chưa thể hiện sự chiến thắng của Sự Sống đối với tất cả các thế lực của thần chết. Trong mắt tất cả mọi người, Ngài chỉ là một con người, một tín đồ giản dị, một người Do-thái như nhiều người Do-thái khác năng đến hội đường. Và, như bất cứ ai có thể làm, Ngài nói giữa dân của Ngài.
Người Do-thái ở Ca-phac-na-um đã có trước mắt họ con người bằng xương bằng thịt này. Họ nói: Chúng tôi biết rõ ông ấy đến từ đâu rồi! Ông ấy không có thể từ chối: mẹ ông là Maria. Nhiều thầy tiến sỹ luật và tư tế, đều có thể chứng kiến ông ấy là người Nagiaret: họ cùng học với ông ấy… Thế mà, Chúa Giêsu lại nói với họ:  “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì có sự sống đời đời”. Và họ đã phản đối, ngay cả nhiều môn đệ của Chúa nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được”. Và họ rút lui không theo Chúa nữa.
Có lẽ chúng ta đã hành động như họ. Chúng ta cũng hành động như họ mỗi khi chúng ta từ chối Lời Chúa đánh động vào con tim chúng ta và mời gọi chúng ta chuyển đổi. Chúng ta cũng hành động như họ nhất là trong cơn bệnh dịch covid này, chúng ta nghĩ: Chúa nhân lành và yêu thương, tại sao Chúa lại để cho cơn bệnh dịch này xẩy ra? Và có thể chúng ta bỏ luôn cả Chúa.
Những lời của Chúa Giêsu nói trong hội đường - theo lẽ thường của con người - không chỉ là điên rồ, mà còn hoàn toàn là vô lý, cần phải loại bỏ. Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng nghe những lời đó hơn, vì chúng ta không còn thấy thân xác con người Giêsu này ở giữa chúng ta như người Do-thái thời đó. Nhưng thật xấu hổ cho các môn đệ của Ngài! Thật là một điều vấp ngã cho đức tin của họ!
Sự khôn ngoan đích thực. Chúa Giêsu nói: “Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao?  Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì”?
Những lời của Chúa Giêsu làm khó chịu. Những lời của Ngài là một trở ngại và dễ làm vấp ngã, vì suy nghĩ của chúng ta là lối suy nghĩ kiểu con người và dễ sụp đổ. Lời Chúa thường làm chúng ta khó chịu như các môn đệ ở Ca-phac-na-um. Chúng ta không thích những gì làm phiền chúng ta và chúng ta không theo những gì làm chúng ta khó chịu, khi chúng ta rơi vào ý thức chung của con người, vào ngôn ngữ của con người, ngôn ngữ của xác thịt. Dù sao, như một đứa trẻ đã vấp ngã để học cách đi. Vì thế chúng ta, nếu đã ngã, hãy nhận ra sự vấp ngã đó để đứng dậy và đứng vững trong đức tin.
- Tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa chỉ có thể được thực hiện được, nếu chúng ta biết thinh lặng và cầu nguyện.
- Thần Khí Chúa chỉ có thể làm chúng ta khó chịu, khi chúng ta chưa quen thuộc với Lời Chúa. 
- Lời Chúa chỉ có thể làm chúng ta khó chịu, khi chúng ta chưa dứt bỏ tất cả những suy nghĩ nghèo nàn kiểu con người.
- Lời Chúa là điên rồ đối với những người lạc lối trong suy nghĩ của chính họ.
- Nhưng Lời Chúa là khôn ngoan đối với những người tin rằng nhân loại không thể biết hết được tất cả.
Tin. Phê-rô thưa với Chúa Giêsu: “Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.
Đương nhiên, Phê-rô không biết rõ hơn tất cả những người Do-thái khác. Nhưng Phê-rô và nhóm 11 đã học cách hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giêsu. Phê-rô biết vì kinh nghiệm rằng mình sẽ có mọi thứ khi ở với Chúa Giêsu. Phê-rô nói: “Chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Phê-rô chấp nhận bị choáng ngợp bởi những gì Chúa Giêsu nói. Phê-rô biết rằng sự sống đó là điều quan trọng. Phê-rô thưa với Chúa Giêsu: “Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.
Phê-rô không chỉ biết mà còn tinChúng ta thường nghĩ rằng đức tin đi trước sự hiểu biết. Phê-rô khẳng định ngược lại. Phê-rô biết trước rồi mới tin. Như vậy, Phê-rô chứng tỏ rằng mình không đủ để biết, vẫn cần phải tin những gì người ta đã học.
Biết mà không tin là vô ích. Kinh nghiệm hàng ngày cho chúng ta điều đó. Thí dụ, trong cơn bệnh dịch covid này, các quốc gia trên thế giới tìm mọi cách để chữa trị cơn bệnh: tiêm vac-xin, giãn cách xã hội…người công giáo chúng ta cũng không được phép tập trung đông người tại nhà thờ để cầu nguyện và dâng thánh lễ. Chúng ta biết điều đó. Điều đó rất tốt và đúng. Nhưng chúng ta là những người tin, chúng ta còn phải làm hơn thế để thể hiện niềm tin của mình.
Cụ thể, Giáo Hội cho phép và mời gọi chúng ta tham dự Thánh Lễ trực tuyến để củng cố niềm tin cho chúng ta. Tại gia đình chúng ta vẫn có thể thể hiện niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho cơn bệnh dịch mau chấm dứt. Chúng ta cầu nguyện để Chúa muốn nói gì với chúng ta. Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: Dịch bệnh không phải do Thiên Chúa, mà là do tội lỗi của con người. Những năm Thầy sống tại quê hương đất nước Palestina, dù nơi đây không có dịch bệnh covid như hiện nay, nhưng có cơn bệnh dịch của lòng tham lam, ích kỷ và hận thù của con người. Dù Thầy vô tội, Thầy cũng là nạn nhân của cơn bệnh dịch đó. Thầy đã phải chết trên thập giá. Nhưng Thầy đã chiến thằng bằng cách yêu thương và tha thứ cho những người gây nên cơn bệnh dịch đó. Thầy đã sống lại và muốn cho tất cả chúng con yêu thương nhau và tha thứ cho nhau để chúng con được sự sống đời đời với Thầy và không phải chết nữa”.
Kính thưa cộng đoàn! Nếu là người tín hữu tốt, chúng ta hãy thể hiện niềm tin của mình như Thánh Phê-rô bằng cách thưa với Chúa Giêsu rằng: “LạyThầy, bỏ Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Vì Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Ga 6, 60 – 69
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, uy tín của Đức Giê su bốc lên tới tận trời mây. Sau đó Chúa trở về Caphácnaum. Ngày sa bát kế đó Chúa vào nguyện đường giảng. Sau bài giảng, uy tín của Chúa tụt xuống tận vực thẳm. Tại sao vậy? Câu chuyện diễn tiến như sau.
Chúa nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống đời đời.” Quần chúng thính giả đông như kiến bỗng giận lẫy bỏ ra về, vừa đi vừa thắc mắc: “Tại sao ông ấy lại lấy thịt của mình để cho chúng ta ăn?”
Chúa không rút lời, mà lại còn nhấn mạnh thêm: “Ai không ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì không có sự sống đời đời.” Bây giờ đến lượt các đệ tử thuộc nhóm 72 bỏ ra về và ném vào mặt Chúa một câu chua lè. Họ nói: “Lời gì mà chói tai như vậy, ai mà nghe cho nổi!”. Hết tình nghĩa thầy trò luôn.
Trong nguyện đường mênh mông chỉ còn lại mười ba thầy trò. Trò thì ngơ ngơ. Thầy thì tỉnh bơ. Thầy nói với giọng bất cần: “Còn anh em, hãy bỏ Thầy mà đi hết đi.” Ông Phê rô đại diện cho anh em, nói một câu để Thầy đỡ buồn: “Chúng con bỏ Thầy thì biết đi với ai, vì Thầy mới có lời hằng sống.” Sau đó Thầy trò trở về nhà ông Phê rô. Thầy thì ngước mắt nhìn trời. Trò thì cúi mặt nhìn hai bàn chân. Tại sao Chúa cứ tỉnh bơ như vậy trước một thất bại cực kỳ lớn lao như thế? Vì Chúa đã có một lập trường vững như tường thành rồi. Lúc ấy chẳng ai hiểu, nhưng sau này sẽ hiểu.
Các Tông đồ phải chờ mãi cho tới bữa tiệc ly ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mới hiểu được tâm tư mầu nhiệm của Chúa. Lúc ấy Chúa bứt rứt vì hai điều. Nếu về với Chúa Cha mà bỏ lại các môn đệ bé nhỏ yếu đuối thì cầm lòng không được. Nếu cứ ở lại với các môn đệ thì “Ý Cha không được thực hiện”. Chúa biến ổ bánh mì thành thân thể của Ngài; biến rượu nho thành máu Ngài. Ngài long trọng tuyên bố: “Đây là thân thể của Thầy, chúng con cầm lấy mà ăn”; “Đây là chén máu Thầy, chúng con bưng lấy mà uống”. Thế là Thầy trở thành một và mãi mãi ở trong nhau. Như vậy là Chúa về trời với Chúa Cha, đồng thời vẫn ở lại với môn đệ. Mọi người yêu nhau tha thiết đều muốn trở nên một với nhau. Nhưng đó chỉ là ước mơ chứ không phải là hiện thực. Ở trên đời này tình mẫu tử là cao nhất và đẹp nhất. Mẹ mang thai đứa con 278 ngày và nuôi nó bằng máu của mình. Máu được tinh luyện trong cái nhau, rồi tuồn vào nuôi bé qua cuống rốn. Khi bé ra chào đời rồi, mẹ lại nuôi con bằng sữa. Máu và sữa đều là một phần thân thể của mình. Bé và mẹ trở thành một, nhưng vẫn không là một thật. Chúa nuôi ta bằng chính thân thể và máu của Ngài, thì biến ta thành một với Ngài thật. Ôi, một mầu nhiệm cao cả, một tình yêu tuyệt vời. Thánh Gioan Vianey đã thân thưa với Chúa rằng: “Xin Chúa cho con hiểu mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể. Nhưng đừng cho con hiểu hết, vì nếu hiểu hết thì con sẽ chết vì sướng quá.”
Không hiểu tình yêu của Chúa trong Bí tích Thánh Thể, thì bảo rằng: “Đạo Công giáo kỳ cục vì ăn thịt và uống máu ông Giê su”. Nhưng khi đã hiểu rồi, thì phải giang tay, ngước mắt lên trời và tuyên bố: “Không phải là kỳ cục, mà là kỳ diệu và siêu kỳ diệu.”
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 3
BỎ NGÀI, CON SẼ RA SAO?

Không ai trong chúng ta đã ít nhất một lần quên hoặc không giữ lời hứa với Chúa và với người khác! Quả vậy, chúng ta thường có xu hướng chọn lọc Lời Chúa để nghe và để sống. Câu hỏi đặt ra: Bỏ Chúa, con sẽ ra sao? Chắc chúng ta chẳng dám bỏ Chúa đâu, nhưng thật tình, chúng ta chưa đủ can đảm bước theo chân Chúa đến cùng!
Một biến cố rất hệ trọng trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi Đức Giê-su mạc khải cho đám đông dân chúng biết: “Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta, không hề phải đói; ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35), các môn đệ dường như chẳng tin, và bỏ đi với thái độ như Thánh sử Gio-an mô tả “có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!”” (Ga 6, 60). Đối lại, không dễ dàng bỏ cuộc, Đức Giê-su kiên trì giải thích, dạy dỗ cho họ. Tuy nhiên, họ vẫn không tin và nhiều người trong số họ bỏ đi. Có lẽ Ngài cũng buồn, và liền hỏi Mười hai Tông đồ: "Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" (Ga 6, 67). Thiết nghĩ, Đức Giê-su đang đặt câu hỏi này cho mỗi người chúng ta: Này…(tên của mỗi người), con có muốn bỏ Thầy không?
Lời đáp trả trên sẽ phụ thuộc vào mỗi người chúng ta, phụ thuộc vào đời sống đức tin chúng ta, phụ thuộc vào mối tương quan thế nào với Chúa. Giả như chúng ta bỏ Chúa thì chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta vẫn sống tốt chứ, hay chỉ cố sống mà chẳng khác gì người chết trong thân xác ốm o gầy còm di động? Với ý nghĩ này, chúng ta cùng suy gẫm đôi điều sau:
Bỏ Ngài, con sẽ làm được gì? Như dân Is-ra-el, khi bỏ Thiên Chúa, họ chạy đến bái lạy, thờ phượng các thần ngoại bang, sụp lạy trước ngẫu tượng bò vàng. Có lẽ chúng ta cũng giống như họ, nhưng khác chút ít, cụ thể: chúng ta trở thành ông chúa, bà chúa của bản thân, của cái bụng, và rất hà khắc với những người khác, trong khi dễ dãi với chính mình! Nếu không tôn thờ Thiên Chúa thật nữa, thì chắc hẳn chúng ta sẽ thờ lạy tiền tài, danh vọng, chức quyền, mọi thứ vinh quang, sa hoa trần thế, và ma quỷ vốn được gọi với tước hiệu mỹ miều: ông hoàng thế gian. Đức Giê-su thấu tỏ sự yếu hèn của chúng ta, nên Ngài khẳng định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Nói cách khác, bỏ Chúa, chúng ta sẽ không làm gì được, dù sự việc nhỏ bé hoặc lớn lao, đơn giản hay phức tạp, v.v…Trên hết, tâm hồn mất đi sự bình an đích thật, vì chỉ có ai ở với Chúa mới mong được ơn thánh này. Sự bình an không hệ tại nơi vật chất, tiện nghi, địa vị, danh giá, hay thành công, mà chỉ cần ‘có Chúa ở bên’ là quá đủ cho chúng ta.
Bỏ Ngài, con sẽ đi về đâu? Trong bài đọc I, Gio-suê khẳng khái chất vấn và muốn dân Is-ra-el lựa chọn và đưa ra quyết định rõ ràng: tôn thờ Thiên Chúa hay các thần ngoại bang (x. Gs 24, 15). Dĩ nhiên, không chỉ hỏi dân chúng, mà ông còn hỏi chính bản thân ông và đã xác quyết đáp lời: “Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa” (nt). Chứng kiến mọi công trình vĩ đại, kỳ công lớn lao mà Thiên Chúa thực hiện cho dân Is-ra-el, họ đã từng cam kết giao ước với Ngài. Lần này, họ đồng thanh trả lời với Gio-suê: “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại” (Gs 24, 16). Tuy nhiên, như chúng ta biết bao phen họ bất tín, bất trung, bỏ Thiên Chúa, mà chạy theo các ngẫu tượng, thần ngoại bang, và rồi phải gánh chịu những hệ luỵ của thái độ, hành vi ấy. Còn chúng ta, nếu bỏ Chúa, có lẽ chúng ta sẽ chạy theo sự ích kỷ, thói đời xấu xa, lạc vào những dục vọng, đam mê, sở thích vô bổ và vô nghĩa. Trong đời sống hôn nhân-gia đình, nếu bỏ Chúa, chúng ta sẽ chẳng biết quan tâm đến người bạn đời của mình, chẳng chút để ý đến ai, ngoài bản thân. Như vậy, vợ chồng sẽ không bao giờ “yêu thương như Đức Giê-su Ki-tô đã thương yêu Giáo hội, phó trót mình và thánh hoá Giáo hội” (x. Ep 5, 25). Nếu bỏ Chúa, sớm muộn gì chúng ta cũng lầm đường lạc lối, và tệ hơn, bị dẫn đến chỗ diệt vong.
Bỏ Ngài, con sẽ bước theo ai? Khi bị bạn bè bỏ rơi, có thể chúng ta vẫn còn có gia đình dang rộng cánh tay đón nhận, chở che, an ủi, vỗ về. Lúc cô đơn, sầu khổ, bị gia đình ruồng bỏ, bị đẩy ra bên lề xã hội, lẽ dĩ nhiên, chúng ta vẫn còn có bạn bè thân hữu, những ai quảng đại bao dung giúp đỡ, hỗ trợ ít nhiều. Phần nào đó, chúng ta cũng cảm thấy lòng ấm lại, và tiếp tục vươn lên sống tốt. Thế nhưng, khi bỏ Chúa, dường như quanh ta chỉ còn là vô nghĩa, mọi thứ trở nên xa cách, và lẽ sống tựa như mất hút. Chính vì vậy, Thánh Phê-rô đại diện cho Nhóm Mười hai xác tín đáp lời Đức Giê-su: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69). Nói cách cụ thể hơn, duy chỉ mình Đức Giê-su mới có lời mang lại sức sống cho chúng ta. Chỉ mình Ngài mới trao ban sự sống đời đời cho chúng ta. Chỉ mình Ngài nâng đỡ, bồi dưỡng tâm trí, linh hồn, thân xác chúng ta mà thôi. Bởi lẽ, Ngài là Đấng được xức dầu tấn phong (Đấng Ki-tô) và là Con Thiên Chúa hằng sống. Vì mọi sự ngoài Chúa ra đều tạm bợ, tạm thời và hư vô. Dẫu chúng mang lại chút gì đó hoan lạc cho tâm tư, chút gì đó an lòng, v.v…, nhưng cũng chỉ là tức thời, chẳng bền lâu.
Tóm lại, mỗi người chúng ta tự hỏi: “bỏ Chúa, con sẽ ra sao?”, và đáp lại với Ngài. Hơn thế, cùng nhau chúng ta quyết tâm can đảm dấn thân bước theo chân Chúa đến cùng, không do dự hay ngờ vực, không cằn nhằn hay càu nhàu, không than trách hay đổ lỗi; trái lại, luôn vui tươi và hoan lạc, luôn tin tưởng và phó thác, luôn nỗ lực và cộng tác, luôn yêu mến và cậy trông. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===================
Suy niệm 4
BÁNH LỜI CHÚA

Bài giảng về Bánh tại Caphacnaum và bài giảng về Lời tại Giêrusalem liên kết chặt chẽ với nhau và cùng liên kết với mầu nhiệm tôn vinh của Chúa Giêsu. Bánh và Lời là hai của ăn thông ban sự sống, thông ban thần khí của Thiên Chúa cho chúng ta.
Bài giảng về Bánh ở Caphacnaum không những làm cho đám đông quay lưng với Chúa Giêsu mà còn khiến một số môn đệ bấy lâu nay đi theo Người cũng bỏ đi. Chỉ có Tông đồ Phêrô, đại diện nhóm Mười Hai thân thưa : bỏ Thầy chúng con biết theo ai.
Bài Phúc Âm hôm nay kết thúc Tin Mừng Gioan chương 6 với lời tuyên tín của Thánh Phêrô : chỉ có Chúa Giêsu mới đem lại Lời ban sự sống đời đời.
Khi Chúa Giêsu tuyên bố : “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời”, lập tức nhiều môn đệ phản ứng: "Lời này chói tai quá, ai mà nghe được" (Ga 6,60). "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa" (Ga 6,66). Thấy một số môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu hỏi nhóm mười hai: còn các con, các con có muốn bỏ Thầy mà đi nữa không ? Thánh Phêrô trả lời: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống đời đời". Phêrô xác tín: Thầy có Lời ban sự sống, nên đã quyết tâm chọn Thầy : bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai ?
Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh - Bánh Thánh Thể và là Lời Ban Sự Sống - Bánh Lời Chúa, lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng nhân loại.
Khi nói đến Lời Chúa, nhiều người nghĩ ngay đến Sách Thánh Kinh. Đối với người Công Giáo, Lời Chúa có nhiều ý nghĩa và vượt trên Sách Thánh Kinh.
Cụm từ Lời Chúa có thể được dùng để nói về:
  • Lời Hằng Hữu, là Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi.
  • Lời Thiên Chúa lúc tạo dựng, nhờ Người mà mọi sự hiện hữu được tạo thành.
  • Chúa Giêsu, Ngôi Lời làm người và ở cùng chúng ta.
  • Thánh Kinh, Lời được Thiên Chúa linh hứng và viết thành văn tự.
  • Truyền Thống của Giáo Hội, vang vọng cách trung thực Lời của Thiên Chúa cho mọi thế hệ.
1. Lời Hằng Hữu
Lời Chúa là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa. Tin Mừng Thánh Gioan mở đầu: “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).
Ngôi Lời Hằng Hữu vì Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời chính là Thiên Chúa. Ngôi Lời chính là Đức Giêsu Kitô. Đây là tâm điểm của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng chỉ là Một Thiên Chúa Duy Nhất.
2. Lời Tạo Dựng
Sách Sáng thế mở đầu: “Lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Thiên Chúa tạo dựng tất cả mọi sự bằng cách dùng Lời mà phán : “Rồi Thiên Chúa phán: Hãy có ánh sáng, và liền có ánh sáng... Rồi Thiên Chúa phán: Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước” (St 1,3a.6a). Mỗi ngày, Thiên Chúa tạo dựng bằng cách phán Lời Ngài. Vào ngày thứ sáu : “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26a). Lời được phán ra và người nam người nữ đã hiện hữu theo chính hình ảnh Thiên Chúa.
Sách Sáng thế và Tin Mừng Gioan có một mối liên hệ đặc biệt. Sách Sáng thế mở đầu với một câu chuyện tạo dựng tất cả mọi sự, bắt đầu với ánh sáng. Tin Mừng Thánh Gioan là câu chuyện tái tạo dựng về tinh thần đã được mạc khải và hoàn thành nhờ Đức Giêsu Kitô, ánh sáng thế gian.
Trong Sách Sáng Thế cũng như trong Tin Mừng Gioan, nhờ Lời Tạo Dựng mà muôn vật được tạo thành :“Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành,và không có Người, thì không có gì được tạo thành” (Ga 1,3a). Ngôi Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa chính là Lời Tạo Dựng.
3. Ngôi Lời làm người
Ngôi Lời Hằng Hữu, Lời Tạo Dựng, nguồn mạch của tất cả những gì hiện hữu, đã làm người và ở giữa chúng ta:“Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta.Và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người,như vinh quang của Con Một Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1,14).
Ngôi Lời đã làm người đó là Đức Giêsu Nazareth. Người đã ở giữa nhân loại trong một giai đoạn của lịch sử, ở vùng đất Palestine, làm người Do thái, và sống dưới quyền đô hộ của Đế quốc Rôma. Người đã chết và đã phục sinh.Người luôn ở giữa nhân loại trong Thánh Kinh, trong các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, trong Giáo Hội, trong tha nhân và trong mỗi người chúng ta.
4. Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa
Thánh Kinh là Lời mạc khải của Thiên Chúa. Thánh Kinh là Lời được Thiên Chúa linh hứng. Thánh Kinh là Lời Chúa được các Thánh Sử ghi lại bằng văn tự qua dòng Lịch sử Cứu độ.
Thánh Kinh là bức tâm thư Thiên Chúa gởi cho Dân được tuyển chọn. CĐVTC II đã dạy:”Trong các Sách Thánh,Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội thánh và là sức mạnh của đức tin,lương thực nuôi linh hồn,nguồn sống thiêng liêng,tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh”(MK21).
5. Yêu mến, học hỏi và sống Lời Chúa.
Lời Chúa là chính Chúa Kitô. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”. Học hỏi Lời Chúa để tìm được nguồn năng lực cho sức mạnh đức tin, lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu (MK 21).
Lời Chúa là Sự Thật, “là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119 ;105). Chúng ta kín múc ánh sáng và sự khôn ngoan từ Lời Chúa để đời mình được chiếu soi và hướng dẫn.
"Lời Chúa trở thành niềm vui và hạnh phúc của lòng con" (Gr 15,16). Không có lời nào của loài người có thể đến với con người bằng một sự thâm sâu như Lời Thiên Chúa đến với họ.
"Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người" (Dt 4,12).
Lời Chúa có sức sống và quyền năng vô cùng bởi lẽ: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là Sự Sống”.
Lời Chúa quý giá như một viên ngọc, như kho báu. Ai yêu mến khám phá sẽ say mê, đến nỗi có thể bán hết mọi của cải tài sản để có được viên ngọc quí, có được kho báu ấy.Có những người chỉ cần khám phá một câu Tin Mừng thôi là thay đổi cả một cuộc đời. Chẳng hạn như thánh Phanxicô Assidi, câu “Phúc cho những người nghèo khó” đã khiến ngài bỏ hết gia tài của cha mẹ để dấn thân vào một cuộc sống nghèo khó nhưng vô cùng hạnh phúc. Thánh Phanxicô Xaviê được đánh động bởi câu: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì”.Thánh nhân từ bỏ tất cả danh vọng thế tục dấn thân truyền giáo và đã đưa về cho Chúa hàng trăm ngàn linh hồn.Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng tìm thấy linh đạo “con đường thơ ấu” từ câu “Nước Trời thuộc về những trẻ nhỏ”…
Ngày Chúa Nhật 05/10/2008, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chủ sự Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám Mục Thế giới lần thứ 12 với chủ đề “Lời Chúa trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo Hội”. Đức Thánh Cha đã gọi Đức Trinh Nữ Maria là người môn sinh tuyệt hảo của Lời Chúa.
Mẹ Maria là một khuôn mẫu tuyệt vời cho chúng ta trong sứ vụ học hỏi, suy niệm và rao truyền Lời Chúa. Mẹ là người đã đón nhận Lời, đã cưu mang Lời thành xác phàm trong lòng dạ mình. Nhờ đó Mẹ đã sinh Lời cho nhân loại. Quá trình đón nhận, cưu mang, và sinh hạ chính là quá trình mà mỗi Kitô phải đi qua nếu muốn Lời Chúa mang lại hiệu quả cho mình và cho tha nhân. Vì thế, chiêm ngắm Mẹ Maria, học tập với Mẹ và cầu nguyện cùng Mẹ là một trong những cách thế tốt nhất giúp chúng ta chu toàn sứ mạng học hỏi, suy niệm và rao truyền Lời Chúa.
Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc. Chúng ta được mời đến dự bàn tiệc Lời Chúa trước khi dự bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai đều là lương thực bổ dưỡng cho người tín hữu. Công đồng Vaticanô (PV 7) khẳng định rằng, khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa trong Phụng Vụ thì Chúa Giêsu "hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội". Như thế Chúa Giêsu vẫn loan báo Tin Mừng trong từng thánh lễ (PV 33). Chúa Giêsu vẫn trao cho chúng ta Tấm Bánh là Lời của Người.
Bổn phận của các linh mục là phải trình bày Lời Chúa như thế nào để giáo dân thấy được giá trị hấp dẫn của Lời Chúa.
Bổn phận của giáo dân là phải biết chăm chú lắng nghe để chính mình cũng khám phá ra được giá trị tuyệt vời của Lời Chúa.
Bổn phận của tất cả mọi tín hữu, linh mục cũng như giáo dân, là phải học hỏi, yêu mến và sống Lời Chúa. Nhờ học hỏi Lời Chúa mà mỗi người biết Chúa Giêsu. Nhờ suy niệm và cầu nguyện mà mỗi người gặp gỡ Chúa Giêsu. Nhờ sống Lời Chúa mà mỗi người yêu mến và bước theo Chúa Giêsu. Đời sống thiêng liêng cốt yếu dựa trên Chúa Giêsu và gắn bó với Người như “Cành nho gắn với thân nho” (Ga 15,5). Học hỏi, gặp gỡ, chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta được Lời Chúa biến đổi mỗi ngày. Từ đó dần dần nên giống Chúa Giêsu hơn, được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, có được những tâm tình, thái độ và phản ứng của Chúa Giêsu.
Lời Chúa là tấm bánh thơm ngon cho những ai biết lắng nghe và đem ra thực hành. Càng sống Lời Chúa,chúng ta càng gặp được ánh sáng và sức mạnh, nhất là được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu để cuộc đời mỗi người được biến đổi, có ý nghĩa, có giá trị.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===================
Suy niệm 5
Bỏ Chúa chúng ta không biết theo ai?
(Ga 6, 61 – 70)

Sống ở trên đời có chuỗi những lựa chọn, trẻ thì chọn trường để học, trưởng thành chọn việc để làm, người để chơi, chọn nơi để ở, chọn thần để thờ... Như vậy, giữa muôn vàn điều tốt với điều xấu, thiện và ác, chúng ta phải lựa chọn. Lựa chọn đúng giúp ta hành động đúng, có kết hậu và hạnh phúc.
Dân Do Thái thời Giôsuê tại thung lũng Sikem trước nhan thánh Chúa phải đưa ra sự lựa chọn cho số phận của chính mình. Hoặc là chọn các thần cha ông họ đã thờ ở ở Mêsôpôtamia hay ở Amôrê hoặc là chọn chỉ mình Thiên Chúa. Giôsuê cũng đưa ra sự lựa chọn của chính gia đình ông: “Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa” (Gs 24, 15). Dân Sikem đưa ra câu trả lời định đoạt tương lai của chính họ: “Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại” (Gs 24, 17).
Những người bước theo Chúa Giêsu, kể cả các môn đệ đến lúc cũng phải đưa ra sự lựa chọn dứt khoát theo nữa hay không. Dân chúng bỏ Chúa, một số môn đệ rút lui, còn nhóm Mười Hai Chúa Giêsu hỏi : “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô đại diện cả nhóm thưa: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa” (Ga 6, 69-70). Phêrô nhân danh cả nhóm đấy, nhưng nếu hỏi từng ông, cụ thể là Giuđa chưa chắc đã đồng ý với Phêrô.
Dân Do Thái và gia đình Giôsuê chọn Chúa để thờ, nhóm Mười Hai đã chọn theo Chúa. Câu hỏi của Giôsuê, đặc biệt của Chúa Giêsu cũng đặt ra cho chính chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta là con cái của Chúa và môn đệ Đức Kitô có chọn tin theo Chúa là Đấng tốt lành thiện hảo, hay chọn thế gian? Chọn làm theo ý Chúa hay chọn làm theo ý chúng ta? Phụng vụ lời Chúa hôm nay yêu cầu mỗi người phải chọn lựa và đưa ra câu trả lời dứt khoát để chúng ta sống.
Chọn Chúa
Phần đông người kitô hữu chúng ta trong đời sống đức tin ưa thích làm những việc của Chúa hơn là chọn chính Chúa làm cùng đích của đời mình. Chọn tin theo Chúa không dễ dàng chút nào hết. Bởi khi chọn Chúa, chúng ta phải hy sinh cái “Tôi”, phải từ bỏ ý mình để theo ý Chúa, phải vâng lời Chúa hơn là nghe theo người phàm.
Dân Do Thái thời Giôsuê đã chọn Chúa để được sống trong tự do làm con cái Chúa là Chúa sự sống (x. Gs 24, 15-17). Đến con cháu họ sau khi nghe diễn từ về bánh hằng sống của Chúa Giêsu tại Hội đường ở Capharnaum đã khước từ Chúa.  Tại sao vậy? Thưa, vì họ không muốn từ bỏ bản thân. Họ bỏ đi là vì họ lẫn lộn tự do với không bị ràng buộc, coi Thiên Chúa như một giới hạn tự do, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Chính ảo tưởng này tạo ra lo âu sợ hãi và dẫn tới sự tiếc nuối quá khứ. Người Do thái trong sa mạc đã nói : “Ước gì chúng tôi được chết vì tay Chúa ở đất Ai Cập...” (Xh 16, 3); còn Êlia thì thưa: “Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con” (1V 19, 4). Giáo huấn của Chúa Giêsu xem ra quá khó nghe, khó chấp nhận và khó thực hành cho nên nhiều người bỏ Chúa Giêsu.
Đối với Phêrô và nhóm Mười Hai thì khác, thấy nhiều môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu quay lại nói với các Tông Ðồ: “Cả các con, có muốn bỏ đi không?” (Ga 6,67). Simon Phêrô trả lời nhân danh Nhóm Mười Hai: “Lạy Thầy, chúng con biết sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Thánh nhân không nói “chúng con sẽ đi đâu?” nhưng nói “chúng con sẽ đi theo ai?”. Vấn đề là đi theo ai. Câu hỏi này của thánh Phêrô chứng tỏ thế giới và con người ở mọi nơi mọi thời đang rất cần Chúa Giêsu “Bánh Hằng Sống”, thứ lương thực tinh thần không thể thiếu. Tin theo Chúa Giêsu có nghĩa là chọn Người làm trung tâm điểm, lấy Chúa làm lẽ sống của đời ta.
Vì Chúa thiện hảo dường bao
Hãy chọn Chúa, vì Chúa tốt lành và nhân hậu. Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta ‘hãy nếm thử và hãy nhìn coi’ lòng nhân hậu của Thiên Chúa (x. Tv 33). Lòng nhân hậu của Ngài dành cho chúng ta khi chúng ta yếu đuối, chịu cám dỗ hay cả khi chúng ta kiêu ngạo; lòng nhân hậu đó còn tỏ cho chúng ta, khi chúng ta bất an với những lo lắng triền miên của phận người. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay là một lời mời gọi đầy cảm hứng, “Các bạn ‘hãy nếm thử và hãy nhìn coi’, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao! (x. Tv 33).
Lấy Chúa làm trung tâm đời sống
Một khi đã chọn Chúa làm trung tâm đời mình thì họ sẽ trao phó tất cả cho Chúa. Tôi tớ Chúa, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận để lại cho chúng ta bài học như sau: “Tôi luôn luôn học tập làm theo ý Chúa. Nhưng ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi ‘một sự bình an mà thế gian không cho được”.
Khi chúng ta chọn Chúa, Chúa sẽ ra tay làm chủ vận mệnh, con người và cuộc sống của ta. Chúng ta sẽ được liên kết mật thiết với Chúa, như cành liên kết với cây, nhờ đó cành có sự sống và sự sống sẽ sinh nhiều hoa trái theo ý muốn của Chúa. Các thánh là những người có một đời sống luôn kết hiệp với Chúa vì đã chọn Chúa làm cơ nghiệp đời mình. Bởi xét cho cùng, không có Chúa, chúng ta không làm được gì. Ai chọn Chúa thì sẽ được Chúa yêu thương và chỉ bảo. Xin nhắc lại lời của Vị Tội Tớ Chúa, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: “Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!”. Chọn Chúa luôn bao hàm chọn lựa và vâng phục thánh ý Ngài. 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 6
Lời gieo sự chết và lời ban sự sống 
Ga 6, 60 - 69
 
Thông thường, người ta nghĩ rằng những chất độc hại và những thứ vũ khí giết người mới có thể gây ra sự chết; ngược lại, chỉ có những thực phẩm tốt, thuốc men tốt mới có thể tăng cường sức khỏe và mang lại sự sống cho con người.
Tuy nhiên, những lời nói vô hình thoảng bay trong gió cũng có thể gây ra sự chết và mang lại sự sống.
* Lời nói gây nên chết chóc và huỷ diệt
Lật lại trang sử đầu tiên của nhân loại, khi Thiên Chúa mới dựng nên nguyên tổ loài người là Ađam và Evà, ma quỷ đã dùng lời ngon ngọt dụ dỗ hai ông bà ăn trái cấm. Ông bà nguyên tổ đón nhận lời gây chết chóc của Sa tan và từ đó hai ông bà và con cháu phải lãnh lấy khổ đau và án chết. Như thế, rõ ràng lời nói của Sa-tan đã gây ra cái chết, không chỉ cho ông bà nguyên tổ mà thôi, nhưng còn cho cả loài người.
Rồi khi thánh Gioan tẩy giả bị vua Hê-rô-đê cầm tù, chỉ cần một lời xúi giục của bà Hê-rô-đi-a-đê: “Xin vua ban ngay cho con cái đầu của Gioan đặt trên dĩa nầy” là lời đó đã gây nên cái chết của một vị ngôn sứ cao cả.
* Nhưng trái lại, lời nói cũng có thể ban lại sự sống
Từ nguyên thuỷ, khi tất cả chỉ còn là hư vô, Thiên Chúa đã dùng Lời mà tác thành vũ trụ và sáng tạo muôn loài. Mọi sự sống trên hoàn vũ, từ sự sống của các loài sinh vật đơn giản cho đến sự sống của loài người và thiên thần đều do Lời Chúa tác tạo nên. Sáng thế ký chương I viết:
20 “Thiên Chúa phán: “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời… Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại…” thì liền có như vậy.
26 Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta...”  Và từ Lời thần thiêng đó, con người đã được tạo thành và được thông ban sự sống.
Khi xuống thế làm người, Chúa Giê-su cũng dùng Lời thần thiêng của mình để phục hồi sự sống cho những kẻ chết.
Hôm ấy, khi Chúa Giê-su thấy người ta khiêng cậu con trai duy nhất của một bà goá ở thành Na-in đi chôn, bà mẹ goá theo sau gào khóc thảm thiết... Động lòng thương, Chúa truyền cho người khiêng đứng lại và Ngài dùng Lời nói của mình ban lại sự sống cho người thanh niên: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho anh hãy chổi dậy” thế là người chết được hồi sinh (Lc 7,14).
Rồi đến lượt La-da-rô đã chết đến bốn ngày, đã nặng mùi rồi, thế mà Chúa Giê-su cũng chỉ dùng Lời Ngài ban lại sự sống cho anh. “La-da-rô, hãy ra ngoài!” Vừa nghe lời quyền năng đó, người chết đội mồ sống lại.
Thế thì rõ ràng là Lời Chúa Giê-su là những Lời đầy quyền năng, có sức thông ban sự sống; không chỉ ban sự sống tạm thời trên dương thế, mà còn ban cả sự sống đời đời trên thiên quốc.
Vì nhận biết Chúa Giê-su có những lời đầy quyền năng, mang lại sự sống như thế, nên khi nghe Chúa Giê-su tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, nhiều môn đệ của Ngài tỏ ra khó chịu và muốn bỏ đi, thì thánh Phê-rô vẫn dứt khoát ở lại và khảng khái tuyên xưng:
 “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con yêu mến và gắn bó với Chúa suốt đời, vì “Chúa có những lời ban sự sống đời đời.”
Xin đừng để môi miệng chúng con thốt ra những lời gây đau thương, gây bất hoà chia rẽ như lời của Sa-tan nhưng chỉ thốt ra những lời có sức xây dựng hoà bình, vun đắp tình huynh đệ và lòng yêu thương giữa người với người như lời của Chúa. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

===================
Suy niệm 7
Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình

(Ep 5, 21 - 32)

Lời Chúa trong thư của Thánh Phaolô Tông Đồ hôm nay thật là đẹp, đẹp về cách hành văn, đẹp về nội dung, nhất là đẹp về cách đối nhân sử thế trong tình nghĩa vợ chồng.
Trước khi ban cho con người tước vị làm cha, Thiên Chúa đã có kế hoạch từ lúc tạo dựng. Ngài dựng nên loài người có nam có người nữ giống hình ảnh Chúa, và kết hợp hai người nên một với nhau bằng mối giây loài người không thể tháo cởi, để mỗi người phát triển nảy nở trong tình yêu và đạt được hạnh phúc.
Được sáng tạo trong tình yêu, con người được gọi để sống yêu thương. Tình yêu là tiếng nói đầu tiên và cũng là tiếng nói cuối cùng của đời sống con người. Đó là lý do để con người tồn tại.
Lời Thánh Phaolô khuyên những người làm vợ mới đẹp làm sao: “Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Đức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Đấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy” (Ep 5, 22 - 24).
Dựa vào câu trên, nhiều đức ông chồng muốn vợ phải phục tùng thẩm quyền của mình. Nhưng Thánh Phaolô không dạy các ông chồng hành xử như thế, mà khuyên các bà  vợ.
Hỏi: Người chồng có thể đòi người vợ phục tùng chồng một cách mù quáng, và cho rằng người chồng đứng thay thế Đức Kitô không?
Không, Thánh Phaolô không bảo các đức ông chồng buộc vợ phải phục tùng mình. Thay vào đó, người chồng được khuyên: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình như Đức Kitô đối với Hội Thánh” (Ep 5, 25).
Vậy, làm thế nào người chồng có thể áp dụng lời khuyên này trong đời sống hôn nhân?
Chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Đức Kitô đối với Hội Thánh” (Ep 5, 28-29). Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu thương đối với các Tông Đồ. Người tập trung vào những đức tính tốt của họ và yêu mế họ. Chúa Giêsu đã tỏ bày tình yêu với Hội Thánh thế nào thì người chồng cũng phải bày tỏ tình yêu thương với vợ mình qua cả lời nói lẫn việc làm như vậy. Khi người chồng thường xuyên biểu lộ tình yêu thương đối với vợ thì vợ cảm thấy được quan tâm và hạnh phúc. Trái lại, người vợ sống trong một căn nhà đẹp có đầy đủ tiện nghi, nhưng có thể rất buồn phiền nếu bị chồng bỏ bê sao nhãng.
Tiêu chuẩn mà Thánh Phaolô đưa ra cho người chồng thật là cao, chồng hãy yêu vợ “như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh” (Ep 5, 25). Chúng ta có biết Chúa Kitô đã yêu Hội Thánh thế nào không? Người đã yêu cho đến chết trên Thánh Giá; người chồng cũng phải yêu vợ mình như thế. Chồng yêu vợ với tình yêu của Chúa, yêu vị tha, yêu cách vô điều kiện, yêu đến hy sinh thí mạng. Vì bản chất của tình yêu đích thực là sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Đó là điều Thiên Chúa muốn các ông chồng hy sinh cho vợ.
Thánh Phaolô viết: “Chồng là đầu người vợ, như Đức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Đấng Cứu Chuộc thân thể mình (Ep 5,). Những người làm chồng có biết khi được làm đầu thì phải làm gì không?
Người ta thường nói: chồng là đầu gia đình, vợ là trái tim gia đình. Nói đúng hơn: chồng là cả hai, vừa là đầu, vừa là trái tim. Người ta cũng ví người chồng giữ vai trò như người lái thuyền, phải đưa thuyền đi đúng hướng, là bảo vệ sự an toàn cho mọi người trong thuyền, phục vụ mọi người với tình yêu thương, như yêu thương chính mình, để cùng nhau hướng tới hạnh phúc. Làm đầu là phục vụ, là yêu thương, chứ đâu là được phép bắt vợ phải phục tùng một cách mù quáng. Có một số người chồng, lấy lý do minh flaf đầu, mọi người trong nhà phải tùng phục, bắt người vợ phải theo ý mình trong mọi sự, từ việc sinh hoạt vợ chồng cho đến việc gia đình.
Hỏi: Chúa Kitô đã làm gì đối với Hội Thánh hiền thê yếu dấu? Thưa : “Để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh” (Ep 5,26). Người chồng không thể thánh hóa vợ mình như Đức Kitô thánh hóa Hội Thánh được, nhưng họ có thể hành động để giúp vợ đạt được mục tiêu trở nên giống Chúa Giêsu. Vợ chồng yêu nhau để cả hai “sẽ cùng họ hưởng phước sự sống” (1 Pr 3,7).
Thánh Phaolô khuyên tiếp : “Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Đức Kitô đối với Hội Thánh” (Ep 5,28-29). Trong tình yêu vợ chồng, không có chỗ cho sự ích kỷ. Vợ chồng yêu nhau như Chúa Giêsu yêu Hội Thánh là yêu cho đến chết (x. Ga 13,1). Một số người chồng không noi gương Chúa Giêsu về khía cạnh này, nên họ bỏ vợ mình lấy lúc tuổi trẻ để kết hôn với người trẻ hơn (x.Mal 2,14-15).
Vậy, người chồng hãy noi gương Đức Kitô yêu thương vợ, kính sợ Đức Chúa Trời. Để được như vậy, cả hai “phục tùng nhau trong sự kính sợ Đức Kitô” (Eph 5, 21). Nghĩa là cả vợ lẫn chồng đều phải phục tùng Đức Kitô như toàn thể Hội Thánh. Như thế, gia đình mới ấm êm, hạnh phúc được và trở nên một gia đình thánh, một Hội Thánh tại gia.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 8
Chọn Lựa
Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6, 60-69
Đức Giêsu lặp đi lặp lại, khẳng định thịt máu Người là của ăn nuôi sống con người. Điều này nghe vô lý đến độ nhiều môn đệ của Người cũng phải thất vọng mà kêu lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Quả là khó nghe thật, ngày xưa Chúa nuôi dân Do Thái bằng manna từ trời rơi xuống, dân chúng lượm về, dù là chuyện lạ lùng nhưng có thể tin được. Đằng này của ăn nuôi sống lại chính là thịt của người đang nói trước mặt, gốc gác rõ ràng từ làng quê, mà lại bảo “chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”, ai mà dám tin cho nổi đây, huống hồ là các đồ đệ đang chân ướt chân ráo “mới theo học” này? Các môn đệ không dám ra mặt chống đối, nhưng Người thừa biết các ông đang xầm xì. Người hỏi thách thức: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Ga 6,61-62). Nghe càng khó hiểu, nhưng Người khẳng định: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” (Ga 6,63b). Người nói toàn những sự “trên mây”, không thực tế, người phàm không hiểu nổi, nên Người bảo không ai đến với Thầy được nếu Chúa Cha không ban ơn cho. Nghe chừng không kham nổi, thế là nhiều môn đệ rút lui, bỏ cuộc không theo Thầy nữa.
Việc rao giảng của Đức Giêsu hôm nay quả là… mất khách! Hồi hộp làm sao khi người quay sang hỏi nhóm mười hai, những người “nặng tình” hơn: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Phen này nếu các ông mà cũng chướng tai chắc Thầy hết sạch trò. Nhưng ông Phêrô như lá cờ đầu nhanh nhảu xác tín, bày tỏ sự chọn lựa của mình, không hẳn hăng hái nhưng tha thiết làm sao: “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” (Ga 6,68a). Chúng con còn biết theo ai bây giờ Thầy ơi! Nghĩa là chúng con xin nghe và vẫn chọn lựa để theo Thầy, dù phải đau khổ và phải chết. 
Ngày nay nhiều thế hệ qua rồi, chúng con không còn thấy chướng tai nữa, trái lại quá quen thuộc, nhưng lại chẳng  mặn mà, không đói khát thiết tha mấy với Bánh Hằng Sống. Chúng con ăn như một thói quen, mùa nào lễ ấy, hay sợ bị đánh giá, nên dù ăn hoài, ăn mãi mà chẳng thấy chi, chẳng đổi thay tế bào từ trong ra ngoài, vẫn chứng nào tật đấy.
Nhưng cũng tấm bánh trắng đơn sơ ấy, có những người bị cuốn hút, say mê chiêm ngắm như được cảm nhận, gặp gỡ Đấng Tình Yêu đang hiện diện với mình thật ngọt ngào êm ái. Với họ Thánh Thể là của ăn không thể thiếu, càng ăn càng đói. Chỉ khi kết hợp mật thiết với Người và được tan chảy trong mình, con người phàm trần được thánh hóa và có sự sống thần linh. Một cuộc sống được Cha lôi kéo bằng Tình Yêu, tới hạnh phúc tràn đầy sung mãn vì có Chúa ở cùng, thì khi ấy đâu còn mà... “chướng tai” nữa?
“Bỏ Ngài con biết theo ai? vì Ngài có Lời ban sự sống. Bỏ Ngài con đi với ai? Đường xa lắc tương lai mịt mờ, nào ai dẫn con trên đường đời? bỏ Ngài con đi với ai?” (Thánh ca).
Én Nhỏ  
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Chiều ngày 22.04.2024 Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, đã viếng thăm và huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế. Trong bài chia sẻ này, Đức Cha mời gọi các chủng sinh ước mơ và mong muốn trở thành một linh mục thánh thiện.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log