Thứ tư, 15/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV Thường Niên A

Cập nhật lúc 09:08 17/09/2020
Suy niệm 1
Lương bổng và ân huệ
Mt 20, 1-16a
 
Những người làm thuê lẩm bẩm kêu trách gì?
- Từ nhiều ngày, nhiều tuần, có lẽ nhiều tháng, mỗi sáng họ hy vọng sự chờ đợi của họ được đáp ứng. 
- Từ nhiều tuần, và mỗi buổi sáng họ hy vọng sẽ được làm thuê.
- Họ sẵn sàng làm bất kỳ công việc nào, hơn là ở lại thêm một ngày trong nỗi thống khổ thất nghiệp. 
- Và ngày hôm đó, từ lúc bình minh, họ ra ngoài với hy vọng tìm được việc làm trong ngày. 
Và ông chủ đi thuê người làm vườn nho cho mình:
- Sáng sớm tinh sương (khoảng 6 giờ sáng), ông chủ ra thuê người làm công cho mình và ký thỏa thận mỗi ngày một đồng.
- Rồi, khoảng giờ thứ ba (tức 9 giờ sáng), ông chủ đi thuê nhân công khác.
- Sau đó, khoảng giờ thứ sáu và thứ chín (tức 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều”, ông chủ lại tiếp tục đi thuê những người khác và không để ý còn ai nữa không.
- Và vẫn còn có một số người khác. Cả ngày, họ chờ đợi. Cả ngày họ lo lắng và buồn bã tăng dần. Không ai thuê họ.  Không ai muốn họ phục vụ. Tối nay họ sẽ không có tiền để nuôi sống bản thân hoặc gia đình.  Đột nhiên, khoảng giờ thứ mười một (5 giờ chiều), ông chủ ra gặp họ và yêu cầu họ làm thuê cho vườn nho của ông. Họ biết rằng chỉ còn một giờ làm việc nữa thôi. Nhưng họ sẵn sàng cho mọi thứ: một giờ, thậm chí chỉ một giờ, tốt hơn là chờ đợi mà không có việc làm. Chỉ một giờ thôi còn tốt hơn là thất vọng!
Những người đầu tiên và cả những người đến sau, khi sắp nhận lương, chắc chắn nghĩ rằng mình được làm thuê là tốt lắm rồi vì nhiều ngày họ chờ đợi được làm thuê, nay được đáp ứng và không còn thất vọng nữa. Tất cả người đến sớm hoặc đến muộn, họ đều hiểu thất nghiệp, không được sử dụng cho công việc gì, thật là nguy hiểm biết chừng nào!. Làm sao họ có thể lẩm bẩm kêu trách được điều gì?
Không nhận ra ân huệ !
Những người đầu tiên, được thuê vào lúc bình minh, đã đồng ý với chủ về mức lương một đồng trong ngày. Họ có quyền được hưởng mức lương đó. Ông chủ không làm hại họ, ông lưu ý họ điều đó: "Này bạn, tôi không làm hại bạn đâu. bạn đã không thỏa thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về”! Ông chủ tôn trọng luật pháp.
Nhưng tiền bạc làm hư hỏng mọi thứ. Những người làm công từ giờ đầu tiên trong ngày cảm thấy mình bị thiệt thòi vì những người chỉ làm việc một giờ cũng nhận được nhiều như họ. Ông chủ dường như không công bằng khi không tính lương theo số lượng công việc được làm. 
Tiền bạc làm cho họ không thấy họ may mắn được thuê từ sáng sớm tinh sương. Đáng lẽ họ phải cảm thấy hạnh phúc về điều này vì trong khi đó một số người khác bị bỏ lại lang thang cả ngày.
Khi trả lương người đến sau cũng bằng người người đến trước, ông chủ muốn tách tiền lương ra khỏi công việc. Ông chủ không làm thiệt hại ai. Ông vượt ra ngoài luật pháp để muốn người làm thuê cho mình nhận ra món quà miễn phí, và ân huệ. Ông cho những người đến sau nhiều hơn những gì họ có thể hy vọng. Ông cho hơn nữa, ông cho một ân huệ. 
Đối với người đến cuối, ông đã cho một đồng tiền ân huệ, tiền lương cả một ngày. Nhưng đối với người đến trước từ sáng sớm, ông cũng cho ân huệ được làm việc trong vườn nho của mình. Họ không biết ơn điều đó. Họ dựa vào luật pháp và bỏ qua ân sủng, bỏ qua niềm vui.
Nước trời là ân huệ được chia sẻ
Nếu người đến trước là anh em của người đến sau thì họ sẽ có phản ứng khác. Họ sẽ vui mừng đón nhận món quà bất ngờ được trao cho mỗi thành viên gia đình của họ. Nhưng những công nhân được thuê làm trong cùng một vườn nho không tạo thành một gia đình. 
Nước trời được cho đi miễn phí. Nước trời là ân huệ, là tình bạn được chia sẻ. Nước trời không phải là triều đại luật pháp giữa bạn bè và giữa anh em với nhau. Trong nước trời, người ta không thể lệ thuộc vào luật lệ.
Ông chủ có quyền làm những gì là tốt nhất  Ông muốn những người làm thuê nhận ra sự làm ơn miễn phí, niềm vui được chia sẻ. Một vương quốc mà người ta chỉ tìm luật lệ là vương quốc của nỗi buồn, ác ý và thờ ơ với người khác. Ông chủ mong muốn những người làm thuê nếm trải sự tốt đẹp của cuộc sống cao thượng nhất:
- Điều tốt đẹp của công việc phải hoàn thành trước hết không phải để có được một mức lương mà là cộng tác vào công trình sáng tạo.
- Điều tốt đẹp của tiền được chia sẻ công bằng giữa tất cả mọi người: người đến trước hết cũng như người đến sau cùng đều cần tiền để sống và hỗ trợ gia đình họ.
- Điều tốt đẹp của món quà được trao cho người khác, là một người anh em đau khổ được chia sẻ niềm vui.
Nhưng tiền bạc làm hư hỏng mọi thứ. Thay vì đứng trước công việc cần hoàn thành, thay vì đứng trước mặt nhau, thay vì nhận ra lòng tốt của ông chủ, người ta lại quá quan tâm đến tiền bạc. Người ta tự đánh mất mình. Người ta so sánh bản thân theo mức lương nhận được. Và người ta quên mất tình bạn vì số tiền quá trung thực này.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
Vượt lên chính mình
(Mt 20,1-16)
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại rằng: Khi những người thợ làm việc từ sáng sớm thấy những người khác làm muộn hơn cũng được lãnh tiền công bằng mình thì đâm ra ganh tị, tức tối…
Ganh tị là căn bệnh trầm kha phát sinh từ thời kỳ đồ đá và sẽ tồn tại mãi cho tới ngày tận thế.
Khi loài người có mặt trên địa cầu là bắt đầu có ganh tị. Sau khi hai anh em Ca-in, A-ben dâng lễ vật cho Thiên Chúa, Ca-in nổi cơn ganh tị vì lễ vật của A-ben được Chúa vui nhận còn lễ vật của mình thì không. Lòng ganh tị bùng lên mãnh liệt trong lòng đã xui khiến Ca-in giết chết người em vô tội của mình.
Trong xã hội hôm nay, lòng ganh tị cũng đang nhen nhúm trong tâm hồn khi người ta thấy người khác đẹp hơn, giàu có hơn, sang trọng hơn, thành công hơn, nổi bật hơn mình… Ganh tị sinh ra ganh ghét, ganh ghét sinh ra chia rẽ, hận thù, bất hòa, bất thuận.
Phương thức diệt trừ lòng ganh tị
Ganh tị là căn bệnh trầm kha, rất khó diệt trừ. Tuy nhiên, bệnh nào cũng có thuốc chữa. Vậy chúng ta thử xem có phương thế nào có thể hạn chế hoặc ngăn ngừa chứng bệnh này không.
Nguyên nhân sinh ra ganh tị là vì người ta so sánh phận mình với thân phận người khác và thấy mình thua kém. Vậy thì cách tốt nhất để diệt trừ ganh tị là đừng so sánh phận mình với bất cứ ai.
Mỗi người được sinh ra trên đời là một nhân vật độc đáo, mỗi người một vẻ, không ai giống ai, mỗi người đều có tính cách riêng, một sứ mạng riêng, một trách nhiệm riêng…
Trong lĩnh vực âm nhạc, có nhiều nhạc cụ khác nhau với những tính cách khác nhau: đàn guitar điện (ghi-ta) và guitar bass (ghi-ta bass) na ná giống nhau nhưng tấu lên những âm thanh có cung bậc trầm bổng khác nhau; đàn organ và piano có hình thù gần giống nhau nhưng phát ra tiếng nhạc khác nhau…
Mỗi thứ nhạc cụ đều có cái hay riêng của mình; vì thế, guitar bass đừng “buồn” vì âm thanh của mình trầm đục, không sôi nổi như âm thanh guitar điện. Dù sao, những âm trầm, đục của guitar bass là một hỗ trợ rất cần thiết, làm cho ban nhạc sinh động hơn.
Tương tự như thế, piano cũng không nên “ganh tị” vì âm thanh của mình không đa dạng, nhiều sắc màu như organ, vì piano cũng là một nhạc khí cần thiết cho nhiều ban nhạc khi trình diễn.
Vậy thì đừng đem tiếng đàn guitar điện so với tiếng đàn guitar bass hay so tiếng đàn piano với tiếng đàn organ để phân định hơn thua… So sánh như thế là hoàn toàn khập khiễng.
Giữa con người với nhau cũng vậy. Mỗi người có một số khả năng riêng, cũng như các nhạc cụ có những âm sắc riêng... Đem tiếng đàn guitar điện so với tiếng đàn guitar bass để xác định hơn thua là khập khiễng như thế nào, thì đem khả năng của người này so với khả năng người kia cũng khập khiễng như vậy.
Vậy thì ta đừng so sánh hơn thua với người khác. Tốt nhất là so sánh bản thân ta hôm nay với bản thân ta năm ngoái, xem hơn thua thế nào. Nếu thua thì nên lấy làm tiếc và cố gắng để tiến lên; nếu cái tôi trong hiện tại tốt hơn cái tôi quá khứ thì hãy vui mừng và tiếp tục cố gắng để vượt lên chính mình. Đây là cuộc ganh đua lành mạnh và bổ ích; còn ganh đua với người khác thì chỉ sinh ra ganh tị, ganh ghét mà thôi.
Tóm lại,
Đừng so sánh mình với người khác để phân định hơn thua mà hãy so sánh bản thân mình hôm nay với chính bản thân mình hôm qua.
Đừng mong thắng người khác. Hãy mong tự thắng mình. Nhờ đó, ta mới có thể vượt qua chính mình.
Lạy Chúa Giê-su,
Ganh tị là căn bệnh trầm kha đã có từ thửa ban đầu và tồn tại mãi cho đến ngày tận cùng của nhân loại. Căn bệnh này như một cơn lốc xoáy cuốn hút muôn người vào vòng ganh đua, ganh ghét, chia rẽ bất hòa.
Xin Chúa ban ơn giúp chúng con không để mình bị cuốn hút vào cơn lốc quái ác này nhưng được thoát ra khỏi vòng oan nghiệt đó, để vượt thắng mình mỗi ngày, để càng ngày càng trở nên hoàn thiện và giống Chúa hơn.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=======================
Suy niệm 3
LÒNG TỐT
Người ta thường nói rằng: “Lòng tốt là thứ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”. Bởi vậy hãy bắt đầu làm điều tốt lành cho ai đó xung quanh mình, bạn sẽ thấy điều đó ở khắp nơi. Hương thơm của lòng tốt lan tỏa rất xa. Hương vị của lòng tốt chan hòa trong một cuộc sống an lành. Không cần “khắc cốt” những gì mình đã trao đi, nhưng cần “ghi tâm” những gì mình được nhận từ những người khác, đó là điều thật đáng quý.
Tin mừng hôm nay kể về Dụ ngôn “thợ làm vườn nho”. Ông chủ vườn nho 5 lần trong ngày đi kiếm người làm vườn vào những thời điểm khác nhau, cuối ngày ông trả tiền công cho mỗi người 1 đồng. Ý nghĩa dụ ngôn diễn tả lòng tốt của Thiên Chúa. Lòng tốt vượt trên lẽ công bình. Thiên Chúa kêu gọi mọi người vào hưởng hạnh phúc là do lòng nhân hậu của Ngài. Quả thế, về Nước Trời thì cũng như một gia chủ kia, ngay vừa tảng sáng, đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông...”. Giữa một “chợ người” ít việc nhiều người, các ông chủ ra thuê thợ làm việc và trả công nhật. Chúa Giêsu quan sát và lấy hình ảnh cụ thể này ở Do thái để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Người kể dụ ngôn ông chủ vườn nho với các thợ làm việc các giờ khác nhau trong ngày.Tiền công nhật là 1 đồng, giá thỏa thuận đôi bên.Gia chủ thuê thợ làm vườn nho vào các giờ giấc khác nhau. Những người được vào làm vườn nho trước nhất: “Sau khi đã thỏa thuận với họ là mỗi ngày một đồng, ông sai họ vào vườn nho làm việc”. Đây là sự công bằng. Những người được vào làm vườn nho sau hết. Họ muốn có việc làm, họ đứng đợi từ sáng sớm. Khi nghe ông chủ nói: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho”, họ rất đỗi vui mừng, vội vàng đi làm việc mà không có thỏa thuận. Đây là tình thương do lòng tốt của ông chủ. Theo lệ thường, công nhật sẽ chấm dứt lúc 12 giờ tức là 6 giờ chiều. Vậy mà lúc 5 giờ chiều ông chủ còn ra thuê nhân công. Những người làm từ giờ 11, họ chỉ làm việc 1 giờ là nghĩ. Trong khi đó người làm từ sáng, lao động cả ngày. Vậy mà cuối ngày khi trả lương, ông chủ lại trả bắt đầu từ người sau hết là 1 đồng. Những người làm trước tưởng là được nhiều hơn, nhưng cũng chỉ 1 đồng mà thôi. Họ phản đối, họ trách móc vì họ bị hai thiệt thòi: kẻ khác làm 1 giờ mà họ 12 giờ, kẻ khác làm lúc trời mát mẻ, họ làm cả ngày dưới trời nắng nóng. Họ càm ràm với chủ. Nếu ông chủ trả lương cho người làm sau ít hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu. Nếu họ không hay biết số tiền mà ông chủ trả cho người làm sau chắc là họ vui vẻ và biết ơn khi trở về nhà. Nhưng vì biết được nên họ giận dữ và ghen tị. Rõ ràng người ghen tị không vui được với người vui, bởi lẽ họ không biết yêu thương. Ông chủ trả lương như vậy có bất công không? Chắc chắn là không vì ông trả đủ số tiền đã thỏa thuận là 1 đồng. Vì người ghen tị lầm bầm than phiền nên ông trả lời: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn, bạn chẳng thỏa thuận với tôi là 1 đồng hay sao? Cầm lấy phần bạn mà về đi, còn tôi, tôi muốn cho ai là tùy tôi, chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt là những gì của tôi sao? Hay vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức?”. Hành động của ông chủ không phải là do ông bất thường, bất công, nhưng do ông chủ tốt lành.Tốt ở chỗ là không muốn ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. 1 đồng ông phát cho người làm giờ 11 không phải là do công bình. Đồng bạc ấy là do lòng tốt của ông ban tặng. Gia chủ là Thiên Chúa. Các tay thợ là loài người nhận ra Thiên Chúa qua nhiều thời kỳ khác nhau. Thợ làm giờ thứ 11 là người tội lỗi. Làm vườn nho là vào Nước Trời và thực thi luật pháp Nước Trời. Các thợ cằn nhằn là nhóm Pharisiêu, Luật sĩ. Họ ghen tương vì Chúa Giêsu đối xử khoan dung với người tội lỗi, yêu thương dân ngoại. Các thợ làm ít lãnh nhiều là các người ngày hôm qua sống trong tội lỗi, ngày hôm nay là công dân Nước Trời. 1 đồng là vé vào Nước Trời. Kẻ làm trước người làm sau, tất cả đều được Thiên Chúa ban cho Nước Trời. Thiên Chúa ban cho ai là do lòng tốt của Ngài. Yếu tố chính Chúa Giêsu nhấn mạnh là Thiên Chúa quảng đại vô cùng. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối xử rất nhân từ với mọi người. Đặc biệt đối với dân ngoại là những người được gọi vào Giáo hội qua những giờ sau hết. Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái là những kẻ được gọi từ đầu. Thiên Chúa nhìn nhận sự việc theo lòng lân tuất của Ngài. Con người nhìn theo quyền lợi, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa ân thưởng, trả công cho ai tùy theo lòng tốt của Ngài. Thiên Chúa trả công, không làm thiệt hại ai, Ngài luôn công bằng. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng: trong cách thức hành động của mình, Thiên Chúa không đi theo những qui tắc lề luật của sự công bình hạn hẹp, cứng nhắc. Ngài chỉ thực thi theo sự tốt lành, theo thúc đẩy bởi tình yêu của mình. Ngài hào phóng thi thố lòng thương xót và hoàn toàn tự do trong các việc thiện hảo. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người và mong muốn mọi người được ơn cứu độ. Nhiều lần trong ngày ông chủ ra chợ tìm thuê thợ làm việc vườn nho là hình ảnh của Chúa yêu thương. Không phải con người tìm Chúa, nhưng chính Chúa đi tìm con người. Không phải tìm một lần mà tìm suốt ngày, từ giờ này sang giờ khác. Nếu những người được thuê vào buổi sáng sớm tượng trưng cho những người có số phận may mắn, có khả năng hơn người khác, thì những người được thuê vào cuối ngày tượng trưng cho những người kém may mắn, kém khả năng, bị thiệt thòi trong xã hội. Ông chủ thuê hết mọi người từ sáng sớm cho đến chiều tà, từ người sang đến kẻ hèn, từ người tài giỏi đến những người kém cỏi, từ người khỏe mạnh đến người yếu kém, là hình ảnh diễn tả tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài muốn mời gọi hết mọi người, mong muốn hết mọi người được ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc trong Nước ChúaMột xã hội công bằng bác ái, ai ai cũng ước mơ và hướng tới. Công bằng luôn phải đi đôi với bác ái.Thiên Chúa là Đấng công bình và yêu thương, Ngài ân thưởng, trả công cho mỗi người đúng theo việc họ làm. Chúa Giêsu cũng đã từng dạy: làm thợ thì đáng được trả công. Tuy nhiên, tình yêu Thiên Chúa bao la, con người không thể hiểu thấu. Bài đọc 1, ngôn sứ Isaia nói: lòng nhân từ của Thiên Chúa vô biên, vượt trên mọi toan tính của con người, vượt qua mọi chuẩn mực, vượt trên tất cả những lý sự và mong ước của con người. Con đường Ngài đi là con đường tình yêu, vượt lên trên mọi luật lệ, phép tắc của con người. Tình yêu của Ngài cũng vượt lên trên cả đức công bình, vượt xa mọi ranh giới và mọi nghĩ suy của con người. Thiên Chúa không chỉ là một ông chủ mà còn là một người cha. Thiên Chúa công bình yêu thương, tốt lành. Hồng ân Ngài ban chan chứa. Con người đón nhận với lòng biết ơn. Hồng ân thì khác với công lao. Hồng ân là một ơn ban dựa vào lòng tốt của người ban ơn. Hồng ân làm cho người lãnh nhận tràn đầy lòng biết ơn. Công lao là tính toán dựa trên công sức người làm việc. Công lao thì cần phải đòi lại điều gì tương xứng bằng tiền lương, bằng đền bù, bằng trả lại theo lẽ công bằng. Có một sự khác biệt giữa lối sống đạo dựa trên hồng ân và lối giữ đạo nhằm vào công trạng. Người ta có thể chấp nhận "giữ đạo" để được "lên thiên đàng". Nhưng người ta cũng có thể "sống đạo" chỉ vì muốn đền đáp hồng ân bao la của Thiên Chúa. Lối giữ đạo theo công trạng sẽ làm cho người Kitô hữu trở thành "kẻ làm công". Chẳng hạn, việc quét nhà thờ hàng tuần, nhiều người so bì cò kè tính toán, với cái nhìn ích kỷ ghen tị với người khác. Tại sao mình không nghĩ đến bao nhiêu ơn lành Chúa đã thương ban cho mình và gia đình, mỗi tháng chỉ dành 1-2 giờ quét nhà thờ làm sạch sẽ đẹp khuôn viên, công việc ấy như một tâm tình đáp lại hồng ân Chúa thương ban? Sống đạo kiểu người làm công nên người ta hay càm ràm phản đối ông chủ: “Chúng tôi lao lực suốt cả ngày mà ông trả công cho chúng tôi bằng những người đến sau hết!”. Ông chủ trả lời: “Tôi có bất công với mấy anh đâu! Mấy anh đã thỏa thuận với tôi là một đồng một ngày, thì tôi đã trả đủ cho mấy anh rồi. Tôi muốn trả cho những người đến sau bằng các anh thì có can gì đến các anh? Hay là các anh ganh tị vì tôi rộng rãi?”. Các anh thật hẹp hòi. Đáng lý ra, các anh phải mừng cho những người đến sau, vì họ may mắn gặp được một ông chủ có lòng tốt. Tại sao các anh lại nhăn nhó vì tình thương của ông chủ đối với những người đến sau? Lối sống đạo như một hồng ân làm cho người Kitô hữu trở thành con cái hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhờ đó Kitô hữu sẽ nhận ra hồng ân của Chúa nơi mọi sự, khắp mọi nơi, trong mọi lúc, tràn ngập cuộc đời, để biết hân hoan ca tụng Chúa, biết vui mừng vì hồng ân Chúa nơi anh chị em của mình. Sống yêu thương quan tâm đến những người kém cỏi, bé nhỏ, nghèo hèn. Một xã hội tốt đẹp là mọi người ân cần giúp đỡ những người bé nhỏ. Một xã hội văn minh khi mỗi người biết quan tâm tới những người kém may mắn. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình, ta sẽ thấy cuộc đời chỉ toàn bất công. Nếu biết nghĩ đến người khác, ta sẽ thấy cuộc đời thật tươi đẹp và chan chứa tình người.Cuộc đời ai cũng cảm thấy ấm áp khi được quan tâm, bởi vậy lòng tốt là một nguồn năng lượng tích cực giúp cho con người xích lại gần nhau hơn.Lòng tốt giúp con người có thêm niềm tin. Tin rằng mình luôn làm điều tốt thì mình đang đi trên con đường yêu thương. Lòng tốt mang đến cho ta niềm vui, niềm hy vọng.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=======================  
Suy niệm 4
TẤT CẢ ĐỀU LÃNH MỖI NGƯỜI MỘT ĐỒNG

(Mt 20, 1 – 16a)

Hôm nay chúng ta bắt đầu chu kỳ ba dụ ngôn về vườn nho của Chúa Giêsu. Chúa nhật 25, những người thợ sẽ vào làm vườn nho. Chúa nhật 26, hai người con trai được cha sai đi làm vườn nho, và Chúa nhật 27, những người tá điền muốn giết con ông chủ vườn nho.
Bước vào trong sự thân tình của Chúa
Cây nho trong Kinh Thánh có một ý nghĩa sâu sắc. Nó là biểu tượng của giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài (Is 5, 1-7 ; Gr 2, 21 ; Ez 15, 4). Câu "hãy đi làm vườn nho ta" (Mt 20, 4) được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại trong ba dụ ngôn, theo truyền thống câu này muốn nói: "Hãy đi vào trong Giao ước…Hãy đến chia sẻ Giao ước với ta". 
Chúa Giêsu tự khẳng định mình là cây nho: "Thầy là cây nho thật" (Ga 15, 1-5). Chúng ta được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa, được sẻ chia công việc với Chúa, có ý nói, chúng ta dù sớm hay muộn cũng bước vào trong thân tình với Chúa, sống với Chúa. "Hãy đi làm vườn nho ta" còn có nghĩa là "Hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi" (Mt 25, 21). Từ đây chúng ta mới hiểu được một đồng mà ông chủ trả cho người đến trước cũng như người đến sau là đồng nào.
Đồng lương yêu thương
Dụ ngôn những người làm thuê được mướn làm việc trong vườn nho qua những giờ khác nhau, tất cả lãnh lương giống như nhau là một đồng bạc, đã gây nên một khó khăn cho những người đọc Tin Mừng. Chúa nói với những người làm công: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng" (Mt 20, 4). Có người hỏi: Xứng đáng ở đây là xứng với cái gì? Khi có hai cái bằng nhau, hoặc cái này xứng với cái kia được coi là xứng đáng. Vậy đâu là tiêu chuẩn để Chúa Giêsu trả công xứng đáng? Nhiều người không khỏi ngạc nhiên, nhất là những người đến làm việc trước hết vì tiêu chuẩn trả công của ông chủ. Cách hành xử của ông chủ có chấp nhận được không? Không xúc phạm đến nguyên tắc đền bù xứng đáng sao? 
Khó khăn phát xuất từ một sự sai lầm. Vấn đề đền bù được qui chiếu về sự đời đời, Thiên Chúa "sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm" (Rm 2, 6). Thiên Chúa nhân lành, Ngài có cách tính không giống chúng ta: "Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta" (Is 55, 8). Thiên Chúa ban cho con người cái mà Ngài cho là tốt nhất. Tiêu chuẩn của Ngài là tấm lòng, tiêu chuẩn của chúng ta thường là lý trí, và dĩ nhiên không luôn luôn đúng.
Trong dụ ngôn, mức lương được trả là một đồng. Đây là đồng đracmơ; hay đồng đờ-nhê, là thuế mà mỗi Người Do Thái phải nộp vào Đền Thờ Giêrusalem mỗi năm cho việc bảo trì, hoặc đồng "xtate" tiền cổ Hy-lạp là đồng được thánh Phêrô dùng để nộp thuế Đền thờ, phần của ngài và của Chúa Giêsu. Mỗi người nhận được một đồng, có ý nói đến mức lương của một ngày làm việc, một cái gì đó để sống trong ngày như bánh mì chẳng hạn.
Để nhận ra "điểm chính" trong dụ ngôn, chúng ta phải để ý đến qui chiếu của Chúa Giêsu ở đây về một tình huống cụ thể. Đồng bạc duy nhất được trả cho tất cả là nước Chúa, Chúa Giêsu đã mang xuống thế vì yêu thương thế gian. Dụ ngôn bắt đầu: "Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình" (Mt 20, 1). Như vậy, Nước Trời là chủ đề chính và là bối cảnh của dụ ngôn.
Đồng lương ơn cứu độ phổ quát
Một lần nữa, vấn đề về ơn cứu độ của người Do thái và dân ngoại, hay của kẻ lành và những người tội lỗi được đặt ra, trước ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu mang đến. Mặc dầu chỉ vì nghe huấn giáo của Chúa Giêsu mà người dân ngoại (những kẻ tội lỗi, những người thu thuế, những người đĩ điếm, v.v.) quyết định theo Chúa, trong khi trước lúc đó họ còn đứng đàng xa (nhàn rỗi). Vì ý định theo Chúa mà họ sẽ không có chỗ bậc hai trong vương quốc. Họ cũng sẽ ngồi cùng một bàn như những người khác và hưởng đầy đủ những của cải thời cứu thế.
Chúa Giêsu không cung cấp chúng ta một bài học về đạo đức xã hội, nhưng là bài học về tình yêu của Thiên Chúa với hết mọi người: "Từ sáng sớm, cho đến giờ thứ ba, giờ thứ sáu và thứ chín".
Không có ai là quá muộn để vào Nước Trời. Tất cả những ai chưa khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa vẫn được Ngài mời gọi mọi người nam nữ trong mọi giờ và ở mọi lứa tuổi đi làm vườn nho của Chúa! Đây là lời kêu gọi phổ quát. Đó là vấn đề kêu gọi hơn là vấn đề thưởng. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về ơn cứu độ đời đời của chúng ta.
Có nhiều người cần cù, chịu khó, luôn sẵn sàng làm việc nhưng "không ai thuê"; họ nhàn rỗi vì thiếu việc làm và không có người mướn, lòng nhiệt thành đang có sẵn, có tiếng gọi thuê, họ lên đường mà không có sự mặc cả giá tiền như những người trước. Ông chủ đánh giá công việc của họ cách khôn ngoan và trả công cho họ bằng những người khác. Ý muốn nói, dù hoán cải vào "buổi sáng, giờ thứ ba … và thứ mười một giờ " đi chăng nữa, thì hết thảy mọi người đều được đón nhận … anh trộm lành được lên Thiên đàng "vào giờ thứ mười một" anh thực sự là người được mời gọi vào giờ sau hết và trở thành người đầu tiền vào Nước Trời: "Thật hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng với ta" (Lc 23, 43). Chúa không kết án kẻ trộm, Chúa bày tỏ lòng nhân lành của mình; họ đi làm, nhưng "không ai thuê" (Mt 20, 7), nếu người ta không thuê anh, anh "hãy đi làm vườn nho ta" (Mt 20, 4).
Điều mà chúng ta gán cho Thiên Chúa là không xứng đáng với Thiên Chúa, và điều Thiên Chúa ban cho chúng ta vượt quá công trạng của chúng ta: "từ người đến sau hết tới người đến trước hết đều lãnh mỗi người một đồng". Chúng ta không thể trách lòng tốt của ông chủ, vì không thấy gì sai trái trong cách ông hành xử. Ông trả cho mỗi người theo như thỏa thuận và thể hiện lòng thương xót như ông muốn: "Nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? "
Một huấn giáo khác có thể rút ra từ dụ ngôn. Ông chủ biết rằng những người làm thuê giờ cuối cũng có những nhu cầu như bao người khác, họ cũng có con cái phải nuôi ăn, như những nguời làm thuê giờ thứ nhất. Khi trả cho mọi người đồng lương y nhau, ông chủ chứng tỏ rằng ông không xét theo công trạng cho bằng theo nhu cầu. Ông chứng tỏ rằng ông không những công bằng, mà còn "tốt lành," quảng đại và nhân đạo.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==========================
Suy niệm 5
ĐI LÀM VƯỜN NHO
Mt 20, 1-16a
Tin Mừng hôm nay kể chuyện một gia chủ tốt bụng, thương người  nhất trần đời. Ông hứa từ sáng với thợ làm vườn nho sẽ trả mỗi ngày một quan. Không biết vì mong được việc cho mình, hay lo cho nhân công không kiếm nổi áo cơm, mà giờ ba, giờ sáu, giờ chín, thậm chí giờ mười một ông vẫn ra ngóng và nhận nhân công còn thất nghiệp, cả người ngoài chợ, dù muộn giờ chót vẫn được mời vào làm, với hy vọng ông trả hợp lẽ công bằng. Đến giờ trả công, chuyện xảy ra là những người làm ít nhất cũng được trả một quan. Những người làm nhiều từ sáng sớm mới sáng mắt lên, họ nghĩ mình sẽ được trả càng nhiều, thế nhưng họ cũng chỉ được bằng những người đến làm muộn. Máu ghen nổi lên, họ mới cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” (Mt 20, 12). Rất nhiều khi con người chúng con ghen tị với những người được hơn mình, huống chi người làm ít hưởng nhiều và ngược lại. Ông chủ mới phân trần: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20, 13-15). Quả thực ông chủ không xử bất công với họ vì đã thỏa thuận. Ông có quyền định đoạt về những gì ông có và có quyền ban tặng bao nhiêu cho ai tùy ý.
Ông chủ tốt lành ở đây chính là hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng xót thương, sẵn sàng yêu thương cứu độ hết thảy mọi người dù họ là ai, người sang hay hèn, giàu hay nghèo. Trong Vương Quốc Nước Trời không phân biệt người đến trước, kẻ đến sau, sống đạo từ nhỏ hay tân tòng, không cân đo đong đếm công đức làm điều kiện để hưởng quyền lợi. Trong Giáo Hội, từ Đức Giáo Hoàng đến người giáo dân dù có bần hàn, đều là con của Chúa và đáng hưởng gia nghiệp dành sẵn cho những ai biết đón nhận, yêu mến và thực thi Ý Chúa trong cuộc đời mình.  
Trong vườn nho là Nước Trời ngay trong cuộc sống này, với những con người cao cả hay thấp hèn, hiền hòa vui vẻ hay nóng nảy, khỏe mạnh hay yếu đau bệnh tật đều được mời gọi “hãy đi vào vườn nho” với khả năng sức lực của mình. Chính Đức Giêsu cũng đi vào và chết cho trần thế, thì hôm nay Người vẫn sẵn sàng liên lụy với mỗi cuộc đời ngàn nỗi khác nhau, để nhờ Người chúng con thực sự được trở thành những thợ làm vườn nho mà không uổng phí.
Mỗi cuộc đời, mỗi con người chúng con đều được mời gọi và nhận cả tấm lòng của Ông Chủ, đó là Tình Yêu, là chính Chúa. Nếu chúng con nhận ra mình được yêu thương và mở lòng đón nhận là đủ thỏa mãn cho chúng con, chúng con sẽ vui vẻ hăng hái trong vườn nho của Chúa dù cuộc đời có ngắn dài khác nhau. Chúng con sẽ không còn phải so đo tính toán vật chất, không phen bì ấm ức, phàn nàn ganh tị với những người mà cuộc đời toàn hoa hồng. Bởi vì:
                 “Lúc giờ mười một điểm vừa xong,                                    
                   Chiều đã nghiêng nghiêng nhạt nắng hồng,
                   Hãy thả hồn bay miền thanh khí,
                   Thánh vịnh đàn ca vút thinh không.
                   Lạy Chúa Kitô, đám thợ này,
                   Ðược gọi mướn làm buổi sáng nay.
                   Ân huệ vinh quang, lời đã hứa,
                   Dãi dầu mưa nắng, phải đầy tay!
                   Chúng con vừa được Chúa gọi vào,
                   Công sá đâu còn nghĩ thấp cao!
                   Chỉ xin giúp sức làm hiện tại,
                   Rồi việc chắc Ngài sẽ thưởng sau.”
                                (Thánh thi kinh chiều thứ sáu- tuần II)
Én Nhỏ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo Hội Công Giáo nhìn về trí tuệ nhân tạo
Giáo Hội Công Giáo nhìn về trí tuệ nhân tạo
Nhiều người vẫn ngạc nhiên về tính “tiên tri” của Công đồng Vaticanô II (1960-1965). Gọi là tiên tri, vì Công đồng đã mở ra một chân trời mới để con thuyền Giáo hội vươn ra mọi ngóc ngách của đời sống. Đừng quên khi Công đồng diễn ra, khoa học kỹ thuật, nhất là trí tuệ nhân tạo đang còn là một “em bé trong nôi”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log