Thứ tư, 15/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIII Thường Niên A

Cập nhật lúc 08:35 03/09/2020
Suy niệm 1
Con đường khó khăn trong tình huynh đệ ki-tô giáo
(Mt 18, 15-20)
Tránh đụng độ!
Trong trang tin mừng hôm nay chúng ta vừa nghe đọc, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con ở dưới đất mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy. Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó”.
- Chúa Giêsu biết rõ nhiều khi chúng ta thực sự không tin điều đó.
- Ngài biết rất rõ chúng ta nghĩ rằng chúng ta vẫn thường cầu xin mà không nhận được gì. 
- Một lần nữa, Ngài muốn lặp lại và nói với chúng ta: “Thầy nói với anh em, nếu anh em không nhận được những gì anh em xin, là vì anh em chưa bao giờ hiệp nhất giữa anh em với nhau, thậm chí hai người cũng không!”
Sự hiệp nhất của chúng ta có thể chỉ là bề ngoài và Chúa Giêsu biết rõ những chia rẽ bên trong của chúng ta:
- Chúng ta giả vờ hiệp nhất đó nhân danh Chúa Giêsu và che giấu rất nhiều sự chia rẽ. 
- Chúng ta thờ ơ hoặc thậm chí chống đối nhau. 
- Chúng ta che giấu sự thờ ơ và sự chống đối đó bằng cái vỏ đạo đức bên ngoài.
- Chúng ta gọi sự thờ ơ của chúng ta với cái tên là khoan dung. Và chúng ta khoan dung cho tất cả mọi thứ: Nếu một người kito trong cộng đoàn chúng ta gặp trục trặc - nếu người đó phạm tội - chúng ta cho rằng người đó có lý để làm như vậy và chúng ta không cố gắng tìm hiểu lý do của người đó! 
- Chúng ta không muốn thấy lỗi lầm của người anh em vì chúng ta không quan tâm đến người đó. Người đó sa ngã…không quan trọng gì!. 
- Chúng ta che giấu sự chống đối của chúng ta đối với người đó bằng cách xa tránh hoặc chạy trốn.
- Chúng ta không cố gắng nhận thấy sự chia rẽ của chúng ta.
- Chúng ta bảo vệ chúng ta bằng cách tránh đối đầu. 
Như vậy chúng ta đã bị chia rẽ sâu xa. Chúa Giêsu muốn buộc chúng ta nhận ra điều đó.Thật vậy, một lần nữa, Ngài với chúng ta như thế!
Một người anh em để nói, để sửa lỗi trong tình huynh đệ và để cứu những gì đã mất!
"Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”. Đó là sửa lỗi trong tình huynh đệ. Chúng ta phải giúp đỡ nhau để sống sao cho tốt! Đúng là chúng ta cần được giúp đỡ và cần được giác ngộ. 
- Chúng ta đừng ngại lên tiếng trước hành vi dẫn đến bạo lực. 
- Chúng ta đừng ngại lắng nghe những người cố tình đổ lỗi cho chúng ta về hành vi này hoặc hành vi nọ. Họ có thể sai, nhưng chúng ta không được bỏ qua những vấn đề được đặt ra cho chúng ta. Những vấn đề đó khiến chúng ta tự hỏi mình Thánh Ý của Chúa Cha đối với chúng ta là thế nào.
Vì thế, người nào trong chúng ta đến với người anh em để chỉ ra lỗi lầm của người anh em đó, phải là người thực sự vững chắc trong tình huynh đệ. Vì chưng người anh em lỗi phạm đó sẽ bảo vệ mình, ít nhất là lúc đầu, người đó sẽ không chấp nhận ngay sai lầm của mình và có thể sẽ tấn công người đến với mình.
"Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng”. Chúa Giêsu biết rằng người sai lỗi sẽ không nhận ra khuyết điểm của mình ngay lập tức. Ngài yêu cầu phải kiên trì bằng cách cho thêm sức mạnh vào lời để người lỗi phạm có thể lắng ngheNgười mà đem theo một hoặc hai người khác không phải là để bàn tán tin đồn, mà là để giúp đỡ người có lỗi, muốn người có lỗi được hạnh phúc.
Trở lại câu nói trước của Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay: “Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”. “Lợi được” có nghĩa ngược lại với "thua". Nói cách khác: “Ngươi đã chiến thắng người anh em ngươi. Người anh em đó sẽ được trả lại cho ngươi, trao cho ngươi.” Khi người con trai hoang đàng của dụ ngôn trở về nhà, lời của Cha không bao gồm trách móc người con trở về, nhưng kêu lên: "Con tôi đã mất; nay được tìm thấy”. Thảm kịch của một tội nhân có lẽ không phải là đã vi phạm một điều răn, nhưng là loại trừ chính mình khỏi cộng đồng của những người yêu mến mình. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để cứu những gì đã mất”.
Xây dựng sự hiệp nhất.
“Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế”!
Sau tất cả các bước này, sau khi đã thử mọi cách trong tinh thần huynh đệ và vô vị lợi, nếu người có lỗi vẫn không lắng nghe, điều cần thiết, phải chấp nhận sống trong nỗi đau khổ của một cuộc chia ly. Vì chưng người đó vẫn là người anh em. Và đó thực sự là một người anh em mà chúng ta sẽ phải coi như là một người ngoại giáo, vì người anh em đó tìm hạnh phúc nơi chính mình mà không đi tìm hạnh phúc nơi Thiên Chúa.
Xây dựng sự hiệp nhất của Giáo hội là như vậy!
- Sự hiệp nhất được xây dựng trong đau khổ.
- Sự hiệp nhất đòi hỏi sự sáng suốt và dịu dàng, kiên trì và nhẫn nại. 
- Sự hiệp nhất chỉ có thể được thiết lập nếu chúng ta không tìm kiếm bất cứ điều gì vì lợi ích của chính mình
- Người nào luôn coi lợi ích và hạnh phúc của người khác là quan trọng, người đó chấp nhận mọi khó khăn để giải thoát người anh em mình khỏi tội. Đó là người xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội.
- Người nào chấp nhận người ta làm cho mình những gì mà mình sẽ làm cho người khác và đồng ý đứng về phía những kẻ tội lỗi mà người ta tìm thấy, đó cũng là người xây dựng sự hiệp nhất của Giáo Hội.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
NGHỆ THUẬT NÓI
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về người sửa lỗi. Chúa dạy, khi sửa bảo nhau cần có một trình tự theo bác ái qua bốn bước. Bước thứ nhất là “một mình anh với nó thôi”; “nếu nó không chịu nghe” thì qua bước thứ hai là “hãy đem theo một hay hai người nữa”; “nếu nó không nghe họ” thì bước thứ ba là “hãy đi thưa Hội Thánh”. Bước cuối cùng “Nếu Hội Thánh mà nó cũng không nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”. Nhưng nên nhớ Chúa luôn coi trọng người ngoại và thu thuế ! Vì thế ta có thể nói, chỉ còn cách phó thác người đó cho Chúa mà thôi !
Trong những bước ấy, phải ưu tiên bước một: giữa hai người với nhau. Thông thường, chẳng ai thích bị “sửa lưng” hay “sờ gáy”. Thư gởi tín hữu Do thái nhận định như sau: “đã hẳn bị sửa dạy ngay tại trận thì hình như vui chẳng có, chỉ có buồn; nhưng về sau (mới thấy) nó sinh lợi cho những ai nhờ đó mà được luyện tập: tức là hoa quả bình an công chính” (Dt 12,11). Để việc sửa lỗi có kết quả, cần phải cho người ấy thấy là mình yêu thương họ, muốn họ nên tốt. Chính Chúa cũng làm như vậy: “vì Chúa thương ai, Người mới sửa dạy, con nào Người nhận, Người mới cho đòn” (Dt 12,6).
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót nên Ngài không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống (x.Ed 18,23).
Sách Samuel 1 kể rằng: vì ghen tương, vua Saolô quyết tâm giết Đavit, nhưng hoàng từ Gionathan đã tìm cơ hội thuận tiện, rồi khôn khéo và chân thành trình bày với vua cha: “Thưa cha, con trộm nghĩ: Đavit không làm gì chống lại cha. Tất cả những điều anh ta làm đều tốt đẹp và hữu ích cho cha cũng như cho dân Israel… Chính cha đã thấy những việc anh ấy làm và cha đã vui mừng…”. Những lời nói chân thành và hợp tình hợp lý của Gionathan, khiến nhà vua suy nghĩ. Sau đó, nhà vua trả lời: “Vậy, nhân danh Thiên Chúa hằng sống, cha hứa sẽ không tìm giết Đavit nữa”.
Sách Samuel 2 kể câu chuyện hấp dẫn. Một buổi chiều nọ, vua Đavít tản bộ trên sân thượng và chợt thấy một phụ nữ xinh đẹp đang tắm, đó là bà Bat-shêba, vợ của tướng Uria. Vua sai người đưa bà đến với vua. Ít lâu sau, Bat-shêba báo tin cho vua hay là bà đã có thai với nhà vua. Đavít tìm cách ‘bán cái’ cho Uria. Vua cho triệu Uria từ mặt trận trở về, cho ông ăn uống no say rồi truyền cho Uria về nhà thăm vợ. Hai đêm liền, Uria nằm ngủ trong đền vua với những tên lính canh mà không chịu về nhà. Thấy kế hoạch ‘bán cái’ không xong, vua Đavít ra lệnh cho tướng Yôab mượn tay quân giặc giết chết Uria ngoài chiến trường.Sau đó, khi đã mãn tang chồng, Bat-shêba được vua Đavít đón vào cung làm vợ chính thức của nhà vua.(x.2 Sam 11 và 12).
Vua Đavít đã phạm tội đoạt vợ giết chồng, thế mà vẫn ung dung như không có gì xảy ra. Khi người ta không tự thấy được tội lỗi của mình để sám hối thì cần phải có ai đó đến nhắc bảo họ.Thế là Thiên Chúa sai tiên tri Natan đến cảnh tỉnh vua. Khuyên vua thì phải khôn ngoan lựa lời. Natan trình với vua: “Trong thành kia, có một người giàu sang phú quý có cả đến hàng ngàn chiên dê và bò, trong khi đó, một người nghèo bên cạnh chỉ có một con chiên nhỏ mà ông ta rất yêu quý, coi như đứa con gái của ông. Thế rồi khi người giàu có khách, ông tiếc của không dám bắt chiên mình đãi khách mà lại cho tôi tớ đi bắt con chiên độc nhất của người nghèo làm thịt”. Nghe đến đây, vua Đavít bừng bừng nổi giận. Vua quát: “Nó đáng chết, tên ác nhân đó! Nó phải bị trừng phạt và phải bồi thường gấp bốn vì việc nó đã làm”. Tiên tri Natan thưa: “Người ấy chính là vua. Nhà vua đã có nhiều thê thiếp lại còn nhẫn tâm giết chết Uria và cướp vợ của ông ta”. Bấy giờ vua Đavít mới nhận ra tội mình và ăn năn khóc lóc thảm thiết.Nếu không được tiên tri Natan cảnh tỉnh, vua Đavít đã không nhận ra tội lỗi của mình và không thể hối cải (Lm Ignatiô Trần Ngà).
Tiên tri Natan đã thành công khi sửa lỗi cho vua Đavit. Đó là cả một nghệ thuật nói năng khôn ngoan.
Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, Đức cha Bùi Tuần viết: tôi nhận thấy Chúa Giêsu dạy tôi về sự nói năng.
Chúa dạy tôi phải biết nghệ thuật nói với:
Để nói với tha nhân, Chúa dạy tôi phải nói lời xây dựng. Chúa dạy thật rõ ràng: “nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó”. Sửa dạy chứ không lên án, xây dựng chứ không loại trừ. Điều này đòi phải có lòng yêu thương và coi mọi người là anh chị em thân thiết của mình.
Để nói với tha nhân, Chúa cũng dạy tôi phải nói lời tế nhị. Khi góp ý với ai đó thì cần phải kín đáo “riêng ngươi và nó thôi”, bởi nếu không thì chuyện bé cũng sẽ xé ra to. Điều này cần sự tôn trọng, và tin tưởng lẫn nhau. Tôn trọng cái tốt vẫn luôn còn nơi mỗi người. Tin tưởng rằng ai, dù lỗi lầm đến đâu vẫn có khả năng hoán cải nên tốt hơn.
Để nói với tha nhân, Chúa còn dạy tôi phải nói lời đối thoại. Chỉ nói khi có “riêng ngươi và nó thôi” còn có nghĩa là biết trao đổi, biết đối thoại với nhau. Điều này cần có thái độ kiên nhẫn và biết sẵn sàng lắng nghe, biết chấp nhận khác biệt của nhau.
Chúa cũng dạy tôi phải biết nghệ thuật nói cùng, đúng hơn là phải cùng nhau nói với Chúa.
Khi nói cùng nhau tức là hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ. Hiệp thông luôn là một lời mời gọi trong Giáo Hội, là dấu chỉ của Nước Trời. Càng hiệp thông với nhau, chúng ta gắn bó với Chúa và Giáo Hội.
Khi nói cùng nhau trong Chúa tức là cùng nhau cầu nguyện. Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời sẽ ban cho họ điều đó”.
Lời Chúa ngày hôm nay thật thiết thực với cuộc sống con người. Lời Chúa mời gọi tất cả chúng ta biết hoán cải, biết đổi mới trong cung cách nói năng hằng ngày: nếu như xưa kia chúng ta thường nói lời chỉ trích, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời xây dựng; nếu như xưa kia chúng ta thích nói lời gắt gỏng, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời tế nhị; nếu như xưa kia chúng ta chỉ muốn nói lời ra lệnh, thì nay Chúa mời chúng ta hãy nói lời đối thoại; và nếu ngày xưa chúng ta thường sống khép kín, thì hôm nay Chúa mời chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để có thể cùng nhau dâng lên Người những lời nguyện cầu.
Sửa lỗi cho anh em là một hành vi tích cực của đức Bác Ái, mục đích là để cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Lời nói góp ý xây dựng phải có nội dung, ý hướng và cung cách.
Nội dung lời nói phải là sự thực. Đã nói thì phải nói sự thực. Nhưng không phải sự thực nào cũng nên nói. Gán cho người điều xấu không có, đó là vu khống. Tiết lộ hay phổ biến điều xấu người ta có, đó là nói hành. Gièm pha, thêm bớt xuyên tạc, đó là những hình thức và mức độ khác nhau của vu khống và nói xấu.
Ý hướng lời nói phải là sự thiện.Nói để thông tri. Nói để xây dựng. Nhưng có khi nói sự thực với chủ ý phô trương, có khi nói đạo đức với thêm ý quảng cáo chính mình, có khi chỉ trích sự tội kẻ khác với thâm ý hại họ và đề cao bản thân, có khi bênh vực chân lý với hậu ý bênh vực tự ái.
Cung cách lời nói phải là lịch sự.Nói là truyền thông tư tưởng, nhưng cũng đã diễn tả chính mình.Có nhiều kiểu nói cộc cằn, biểu lộ tâm hồn thiếu tế nhị. Có những giọng nói hách dịch, tố cáo một khuynh hướng kiêu căng. Có những lời nói cứng cỏi phơi bày một tính tình nghèo thiện cảm.
Chọn lời mà nói. Chọn chữ mà dùng. Ăn phải nhai, nói phải nghĩ. Nói hợp với người nghe. Việc đó không dễ. Chắc không phải vô cớ mà thánh Giacôbê đã quả quyết: “Ai không lỗi trong lời nói, người đó là người hoàn toàn” (Gc 3,2). (x. Nói với chính mình, Đức cha Bùi Tuần)
Lạy Chúa, xin giúp chúng con học bài học sửa lỗi cho nhau thật tốt đẹp trong mọi mối tương quan. Xin cho chúng con ơn phân định khôn ngoan để biết suy xét, nói năng và hành động khi sửa lỗi cho nhau. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=====================
Suy niệm 3
RẤT CẦN TÌNH BÁC ÁI HUYNH ĐỆ
"Bác ái huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu" là chủ để nổi bật hơn cả của Chúa nhật tuần này. Quả thật, "hiệp nhất nhân danh Chúa Giêsu", bác ái, tha thứ cho nhau và giúp nhau thăng tiến là điều ai cũng muốn và cần làm. Đây không đơn giản chỉ là tương quan xã hội trong cuộc sống hằng ngày. Việc sửa lỗi huynh đệ đã có trong sách Lêvi: "Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó " (Lv 19, 17). Vì bác ái với dân Israel, Chúa đã làm cho Êdêkiel "trở nên người lính canh nhà Israel", và truyền ông phải nói cho "kẻ gian ác bỏ đường lối mình", để được sống, nếu không "thì chính kẻ gian ác sẽ chết" (x. Ed 33, 7-9).
Thánh Phaolô nói: "Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau" (Rm 13, 8). Thì ra chúng ta phải mắc nợ nhau về tình mến. Cùng một thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, thánh Phaolô mời gọi ta mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, sống hiền lành, từ bi, nhân hậu và liên đới với nhau. Bởi tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc, chúng ta là anh em với nhau trong Chúa, nên hãy đối xử với nhau bằng tình yêu và lòng mến, vì toàn bộ luật của Thiên Chúa được nên trọn trong tình yêu, kể cả Mười Điều Răn "và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình" (x. Rm 13, 8-10).
Lời thánh Phaolô trong bài ca đức ái: " Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác " (1Cr, 9), cho thấy Giáo hội được qui tụ làm thành Thân Thể Chúa Kitô, lãnh nhận sứ mạng bày tỏ Thân Thể này theo ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta là những chi thể của cùng một Thân Thể, tuy khác nhau, nhưng cùng qui về Giáo hội, liên đới với nhau như một bản giao hưởng tình bác ái. Nên ai phạm lỗi, người ấy thiếu tình bác ái không chỉ với một người, mà con đối với toàn thân thể.
Cứ sự thường ai xúc phạm đến ta, ta không can thiệp gì hết. Viện cớ: nó đã xúc phạm đến tôi! Tôi sẽ không nói gì hết, dứt khoát là không. Vậy làm gì bây giờ? Nó đã xúc phạm đến tôi: Mắt đền mắt, răng đền răng ư? Đây không phải là giải pháp, làm thế sự xấu sẽ xấu hơn. Tôi sẽ đi gặp anh em và nói: Anh đã làm tổn thương tôi, không được! Anh được Thiên Chúa tạo dựng, vì tình bác ái, tôi phải kéo anh về. Chúng ta không loại trừ vì lỗi cá nhân họ, nhưng giúp họ sửa mình để trở nên xứng đáng trong cộng đoàn mà họ là thành viên.
Sửa lỗi, cụ thể hơn là phê bình hiệu quả hay góp ý xây dựng là những cụm từ, từ lâu đã trở nên quen thuộc trong nghệ thuật giao tiếp. Bị người khác phê bình, cho dù đó là góp ý hay chỉ trích, cũng đều cho chúng ta thấy bản thân mình có khiếm khuyết. Đã là người thì chắng mấy ai muốn thật lòng thừa nhận điều đó. Cho dù ta thuộc mẫu người nào đi chăng nữa thì lời phê bình cũng là thứ mà chẳng ai muốn nghe. Làm được điều đó không phải là chuyện dễ bởi chúng ta cần có cả sự tự tin lẫn đức khiêm tốn để thừa nhận chúng ta đã lầm lỗi. Đồng thời, phải nhìn nhận mặt sáng trong mỗi người. Phê bình là vì chính lợi ích của chúng ta, chứng tỏ tình yêu huynh đệ chất chứa trách nhiệm hỗ tương. 
Chúa Giêsu đưa ra các cấp độ hành xử với anh em trong cộng đoàn, dựa trên sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau miễn sao lợi được người anh em. Tin Mừng (Mt 18, 15-20) cho thấy nếu anh em có lỗi, tôi phải thể hiện tình yêu với họ, trước hết, nói chuyện riêng với anh về sai lầm mà anh đã nói hay làm là không tốt. Hành vi này được gọi là sửa lỗi huynh đệ: đây không phải là phản ứng đối với hành vi người phạm lỗi, nhưng là cử chỉ yêu thương dành cho người anh em.
Và nếu nó không chịu nghe ngươi? Cấp tiếp theo, hãy nói chuyện về anh ta với hai hoặc ba người để giúp anh ý thức hơn về những gì anh đã làm; nếu anh ta vẫn bỏ ngoài tai, bất chấp điều này, phải nói cho cộng đoàn; và nếu anh ta không nghe cộng đoàn, thì phải làm cho anh ta nhận ra rằng chính anh tự tách biệt khỏi cộng đoàn Hội Thánh. Đặt ra khỏi cộng đoàn thành viên không chịu hối cải, không có nghĩa là lên án. Chúng ta cần phải giữ liên hệ với nhau, vì đây là mối liên hệ do Thánh Thần thêu dệt. Chúng ta bước vào trong cộng đoàn và xây đắp bình an để mang lại cho sức sống cho cộng đoàn.Dù giới hạn cũng như khuyết điểm cá nhân ta, chúng ta vẫn được mời gọi đón nhận sửa lỗi nhau trong tình huynh đệ và giúp đỡ người khác qua việc sự tế nhị này. Đây trách nhiệm sống của chúng ta với nhau.
Khi áp dụng hết mọi cách, vẫn không có hiệu quả, chúng ta hãy phó thác người anh em cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa: "Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật " (Rm 13, 10).
Hoa quả của đức ái trong cộng đoàn là cầu nguyện: "Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy "(Mt 18, 19-20). Chúng ta quả quyết: Ở đâu có tình yêu, ở đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự trị. Cầu nguyện cá nhân là quan trọng, cần thiết, nhưng Chúa bảo đảm sự hiện diện của mình trong cộng đoàn, vì nó qui chiếu vào sự hiệp thông trọn vẹn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Origen nói rằng "chúng ta phải thực hiện bản giao hưởng này" nghĩa là sự hòa hợp trong cộng đoàn tín hữu.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ hiển vinh, xin Chúa liên kết chúng con trong tình yêu Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=====================
Suy niệm 4
Chinh phục người anh em

Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18,15-17).
Hôm nay Đức Giêsu dạy cách sửa lỗi cho người anh em theo một tiến trình cụ thể, tế nhị, từ từ từng bước rõ ràng. Việc sửa lỗi cho người anh em là việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự khiêm nhường và phải hết sức khéo léo. Bởi lẽ việc này luôn nằm ngoài ý muốn của đương sự, vì chẳng ai muốn mình bị nhắc nhở, sửa dạy. Nhưng Chúa khuyên dạy phải làm vì lợi ích cho người anh em, vì tình tương thân tương ái. Trong bài đọc I, ngôn sứ Êdêkiel cũng lãnh nhận lệnh truyền này của Chúa: “Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” (Ed 33,7-9).
Kinh nghiệm của chính người viết, đã nhiều lần dám chinh phục người anh em: người khô khan tội lỗi, người bỏ lâu năm sợ không lãnh nhận Bí tích, người đang trên bờ vực đổ vỡ hôn nhân, lầm đường lạc đạo... Theo tiến trình Chúa dạy, bắt đầu làm bạn thân, vỗ vai, cùng chia sẻ nỗi buồn của họ, luôn sẵn sàng đón nghe, hòa vào hoàn cảnh và cảm thông với tâm tình của họ, đồng thời khiêm tốn nhìn nhận những bất toàn, tội lỗi của bản thân. Khi họ trút bầu tâm sự trong cuộc trò chuyện âm thầm, mới, nhủ bảo mọi điều với tình yêu mến. Một việc không thể thiếu là kiên trì cầu nguyện, xin hiệp lòng cầu nguyện, trông cậy ở Chúa. Chính Chúa đã quả quyết trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,19-20). Rất nhiều trường hợp đã được Chúa thực hiện cho, thật đáng mừng và tạ ơn Chúa. Nhưng cũng có trường hợp phải buồn rầu dõi theo, chỉ biết phó thác cho Chúa và tiếp tục cầu nguyện, cầu mong hy vọng sẽ có ngày đổi thay trong tương lai.
Lạy Chúa! trước mặt Chúa mỗi chúng con đều là tội nhân, bất toàn và bất xứng. Xin Chúa cho chúng con biết lấy bài học hiền lành và khiêm nhường của Chúa mà đến với anh em, để trong tình mến thực sự và nhờ ơn sức mạnh của Chúa, chúng con sẽ trở thành nhịp cầu đưa người anh em trở về với tình yêu Chúa. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo Hội Công Giáo nhìn về trí tuệ nhân tạo
Giáo Hội Công Giáo nhìn về trí tuệ nhân tạo
Nhiều người vẫn ngạc nhiên về tính “tiên tri” của Công đồng Vaticanô II (1960-1965). Gọi là tiên tri, vì Công đồng đã mở ra một chân trời mới để con thuyền Giáo hội vươn ra mọi ngóc ngách của đời sống. Đừng quên khi Công đồng diễn ra, khoa học kỹ thuật, nhất là trí tuệ nhân tạo đang còn là một “em bé trong nôi”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log