Thứ ba, 21/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 22 Thường Niên A

Cập nhật lúc 08:17 27/08/2020
Suy niệm 1
Vì một Giáo Hội không hoành tráng!
Mt 16, 21-27
Thành công
Sau khi bỏ lại thuyền và lưới đánh cá để theo Chúa Giêsu, Phêro chứng kiến ​​rất nhiều phép lạ Chúa Giêsu làm. Phêro thấy hàng ngàn người tụ tập quanh Thầy. Thầy mình làm cho bão táp phải im lặng, Thầy mình nhân thừa bánh và Thầy mình chữa nhiều bệnh tật. Tất cả những sự kiện và phép lạ như vậy làm cho Phêro hy vọng vào một tương lai sán lạn
- Phêro tưởng tượng rằng Nước Thiên Chúa sẽ mở rộng.
- Phêro nghĩ rằng cả thế giới sẽ theo Người mà mình là môn đệ. 
- Phêro nhận thấy một thành quả lớn lao hiện hình dưới chân trời. 
- Chắc chắn Phêro biết rằng thành công này không phải của mình, mà là của Thầy, Đấng mà mình tuyên xưng là Đấng Me-si-a, Con Thiên Chúa hằng sống. 
- Chắc chắn Phêro nghĩ rằng mình sẽ có một vị trí trong Vương quốc sắp tới, một vị trí đẹp…
Thật vậy, Chúa Kitô đã chọn Phêro trước những người khác. Và Ngài vừa mới phân biệt Phero giữa những người khác.
Chính trong những ngày này, khi ảnh hưởng của Chúa Giêsu ngày càng lớn rộng, vào thời điểm đám đông ngày càng đông người vây quanh, Chúa Giêsu bắt đầu chỉ cho các môn đệ thấy rằng:“Ngài sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sỹ và thượng tế, phải bị giết và ngày thứ ba thì sống lại”.
- Phêro sẵn sàng đi theo một Đấng Me-si-a trong vinh quang,
- Nhưng Phêro hoàn toàn không chấp nhận Thầy mình sẽ phải trải qua đau khổ, bị bách hại, bị hiểu lầm và phải chết. Mặc dù Chúa Giêsu tuyên bố Ngài sẽ sống lại, cũng vô ích, thậm chí Phêro không thèm nghe. 
- Phêro từ chối rằng Thầy trở thành tôi tớ mọi người và chịu thất bại hoàn toàn. 
- Phêro không thể chấp nhận rằng uy tín của Chúa Kitô đang trên đường sụp đổ.
Thất bại.
Phêro kéo Chúa Giêsu lại và bắt đầu mạnh mẽ can ngăn Chúa: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”! Đang lúc Phêro có một đức tin sống động, nhưng khi Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ trở thành người tôi tớ đau khổ, đột nhiên Phêro biến đổi quá nhanh: từ một đức tin sống động trở thành lời từ chối và trách móc gay gắt. Chúng ta có như vậy không?
- Chúng ta sẵn sàng sống trong một Giáo hội mà nhiều người tập hợp lại để ca ngợi Thiên Chúa.
- Chúng ta sẵn sàng trở thành một thành viên của một Giáo hội vượt trội. Chúng ta thích xây dựng các thánh đường bằng đá nguy nga lộng lẫy, nhưng cũng là những công trình tâm linh xa hoa.
-Chúng ta thích tập hợp các hội đồng hoành tráng cổ động các phong trào thành công và thu hút nhiều người.
Chúa Giêsu Kitô không khiển trách chúng ta điều đó. Chính Ngài đã làm điều đó khi đám đông tụ tập quanh Ngài. Nhưng Ngài cũng nói với chúng ta rằng chúng ta phải trải qua thập giá như Ngài. Khi Chúa Giêsu bắt đầu cho chúng ta thấy rằng Giáo Hội của Ngài giống như Ngài sẽ phải chịu đau khổ, từ bỏ mọi dấu chỉ hữu hình và mọi uy tín, Ngài sẽ phải trải qua cái chết rồi sẽ sống lại, có lẽ chúng ta cũng vấp ngã như Phêro.
Chúng ta sẵn sàng trở thành thành viên của một Giáo hội vinh quang, nhưng chúng ta chưa sẵn sàng sống trong một Giáo hội nghèo, bị hiểu lầm, không có sự vĩ đại, thậm chí bị coi thường. Và Chúa Giêsu quay lại, nói với mỗi người chúng ta, như đã nói với Phêro: "Hỡi Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy…con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người…con là một trở ngài trên con đường đi của Thầy”.
Thập giá.
Chúa Giêsu nói: “Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì”? Thành công trước mắt của một phong trào của Giáo Hội không bao giờ là một dấu chỉ đủ, để nhận ra rằng phong trào này là do Thiên Chúa muốn.
Chúa Giêsu còn khẳng định: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy!. Dấu chỉ duy nhất cho tất cả những ai sẵn sàng bước đi theo Chúa Giêsu, là Thập giá. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta từ bỏ chính mình, tất cả mọi tham vọng dưới chiêu bài muốn cho Giáo Hội thành công để tìm kiếm uy tín và thành công cá nhân. Chúng ta có thể muốn chiến thắng cả thế giới vì danh Thiên Chúa và vì Giáo Hộ. Nhưng dưới hình thức mạ vàng và xa hoa, Thiên Chúa và Giáo Hội có thể phải trả giá: không được nhận ra,.
- Giáo Hôi sống động và vinh quang khi mọi người trong Giáo Hội nhân danh Tin Mừng, từ bỏ tình yêu chính mình bằng mọi giá để đem tình yêu vào những nơi thiếu vắng. 
- Giáo Hội sống động và vinh quang khi nhân danh Chúa Giêsu, các tín hữu từ bỏ hận thù dù phải đau khổ và mất mạng sống mình vì điều đó.
Giáo Hội như vậy không tìm kiếm uy tín. Giáo hội cần can đảm nói trong mọi trường hợp mà không cần phải lo lắng nói hay để làm hài lòng những người quyền lực. Đó là Giáo Hội mà nhiều người sẵn sàng theo Chúa Kito luôn bảo vệ …Phần chúng ta hôm nay, chúng ta cũng phải tiếp sức!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa

=====================
Suy niệm 2
Từ bỏ danh lợi ngắn ngủi đời này để đổi lấy hạnh phúc vô tận đời sau

Mt 16, 21-27
Hôm ấy, dân chúng tụ tập đông đảo tại quảng trường để lắng nghe hai diễn giả lừng danh diễn thuyết.
Mở đầu chương trình, Chúa Giê-su bước lên diễn đàn và được đám đông chào đón bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Phần đông trong họ đã từng nghe danh Chúa Giê-su nhưng chưa từng được diện kiến.
Sau khi giới thiệu cho mọi người về Nước Thiên Chúa, về điều răn trọng nhất… Chúa Giê-su cất tiếng mời gọi: “Có ai trong các con muốn theo Thầy không?”
Vì biết rằng Chúa Giê-su là Đấng cứu độ đầy quyền năng, ai theo Ngài sẽ được nhiều hồng phúc, nên mọi người đều hớn hở vui mừng, giơ tay cao và đứng lên hô lớn: “Con, con, con xin theo…”
Thế rồi, Chúa Giê-su lại nói tiếp: “Ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi…”
Nghe nói đến việc “từ bỏ mình”, nhiều người cụt hứng, hạ tay xuống.
Để giải thích lý do tại sao phải từ bỏ mình, Chúa Giê-su nói: “Vì ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”
Nghe nói đến “liều mất mạng sống mình vì Thầy”, mọi người hụt hẫng…
Rồi Ngài thuyết phục: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”
Lời này khiến nhiều người suy nghĩ và phân vân, nhưng vẫn còn do dự, chưa quyết.
Chương trình được tiếp nối với bài nói chuyện của Thần Tài. Vừa thấy Thần Tài xuất  hiện, đám đông hò reo tưng bừng và vỗ tay cuồng nhiệt.
Sau khi đề cao sức mạnh vạn năng của đồng tiền, vinh quang của quyền lực, sự cuốn hút của lạc thú đời này… Thần Tài lên tiếng mời gọi: “Ai theo tôi sẽ được giàu có, quyền lực, hạnh phúc, lạc thú… ở đời này, chỉ ở đời này mà thôi!”
Thế là có đông người vỗ tay tán thưởng Thần Tài và hăm hở đi theo ông ta.
Còn chúng ta thì sao?
Nếu chúng ta may mắn có mặt trong cuộc diễn thuyết hôm ấy, chúng ta sẽ theo ai?
Và hôm nay, khi nghe lời mời gọi của Chúa Giê-su vọng lại qua trang Tin mừng này, chúng ta sẽ quyết định thế nào?
- Một là say mê theo đuổi danh vọng, giàu sang, lạc thú đời này bất chấp sự sống đời sau;
- Hai là liều mất mạng sống vì Chúa Giê-su để được tận hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Danh vọng, giàu sang, phú quý đời này có sức cuốn hút mạnh mẽ. Nếu không phải là người có bản lãnh cao, nếu không phải là người khôn ngoan sáng suốt, thì khó thoát khỏi sự lôi cuốn của chúng.
Nghĩ cho cùng, nếu đời sống con người chỉ vỏn vẹn 100 năm trên dương thế này mà thôi, chẳng có đời sau, thì chọn theo Thần Tài, đua tranh tìm kiếm giàu sang, lạc thú đời này là điều chính đáng.
Tuy nhiên, so với đời sau thì cuộc đời này chỉ kéo dài trong gang tấc, còn cuộc sống đời sau là thiên thu vạn đại. Vì thế, mải mê tìm kiếm hạnh phúc thoáng qua đời này mà đánh mất hạnh phúc vĩnh cửu mai sau thì thật là vô cùng đáng tiếc.
Nếu cuộc sống đời này có giá bằng một đồng tiền vàng thì giá trị cuộc sống đời sau phải tỷ lần cao hơn. Vì thế, ham muốn chiếm lấy một đồng trước mắt mà đánh mất tỷ đồng trong tương lai là sai lầm hết sức tai hại.
Như thế, lời dạy của Chúa Giê-su: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì?” là một bài học khôn ngoan cần ghi tâm khắc cốt và phải là châm ngôn, là ánh sáng soi đường dẫn lối cho mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su,
“Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”
Hôm xưa, Phan-xi-cô Xa-vi-e vốn là người ham mê tìm kiếm danh vọng đời này, nhờ được nghe lời dạy này của Chúa qua miệng thánh I-nha-xi-ô, nên đã từ bỏ vinh hoa phú quý, rời xa kinh thành Paris hoa lệ, vượt đại dương loan báo Tin mừng cho dân tộc Ấn-độ, Sri-lanca, Malaysia, Nhật Bản… nhờ đó, ngài đã đem ơn cứu độ cho muôn vạn người Châu Á và được toàn thể Hội thánh Chúa ca ngợi, tôn vinh.
Xin cho chúng con luôn ghi nhớ lời vàng Chúa dạy, sẵn sàng hiến thân phục vụ Chúa và mọi người, chấp nhận từ bỏ danh lợi ngắn ngủi đời này để đổi lấy hạnh phúc vô tận đời sau. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 3
THEO CHÚA
Câu kết bài Tin Mừng tuần trước: “Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô”, thật ngạc nhiên! Sau khi Chúa chuẩn nhận lời tuyên xưng của thánh Phêrô, Chúa lại cấm công khai điều ấy.Tại sao? Thánh Matthêu không trực tiếp trả lời, nhưng kể tiếp “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Chúa bắt đầu một “chương mới” trong việc dạy dỗ các môn đệ. Bấy lâu nay, các ông chỉ thấy Chúa rao giảng và chữa lành, được đám đông tôn kính. Nay các ông đã nhận ra “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” thì “từ lúc đó Chúa bắt đầu tỏ” cho các ông biết con đường Chúa phải trải qua để lãnh nhận tất cả uy quyền và vinh quang của “ Đức Kitô Con Thiên Chúa” trong thân phận Con Người “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Phản ứng của các môn đệ như thế nào? Vẫn ông Phêrô bộc lộ thật mãnh liệt. Có lẽ những lời về đau khổ và cái chết làm cho ông ù tai rồi nên không nghe được lời cuối cùng. “Ông liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải những chuyện ấy” Nhưng cái cách “ông kéo riêng Người ra” để nói nhỏ khiến Chúa phải làm toáng lên để khỏi các môn đệ khác ngộ nhận: “Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: Xatan. Lui lại đang sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Ông Phêrô vừa được Cha trên trời mạc khải cho biết “tư tưởng của Thiên Chúa” về mầu nhiệm “Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa”, bỗng quay lại với tư tưởng của loài người và trở thành Xatan cản lối. [Cái tên Xatan trong tiếng Aram vốn có nghãi là kẻ chống đối, còn trong tiếng Hylạp “dia-bolos” là kẻ gây chia rẽ bằng cách quăng một vật gì đó vào giữa hai người đang đi với nhau để tách hai người ra. Đó là nghề của Xatan từ ban đầu và bao lâu còn có con người trên mặt đất thì nó vẫn chưa thất nghiệp: xúi giục sự chống đối để chia rẽ con người với Thiên Chúa, chia rẽ người nam với người nữ, chia rẽ anh em, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ cả trong Hội Thánh của Chúa, dù Chúa đã bảo đãm là nó không phá nổi, nó vẫn cứ vùng vẫy cho tới ngày bị “quăng vào hồ lửa và diêm sinh” (Kh 20,8; x.St 2-4) ]. Khi Xatan cám dỗ Chúa cách thô lỗ nhất là xúi Chúa bái lạy nó để được vinh hoa thế gian thì Chúa đuổi nó thẳng tay: “Xatan kia! Xéo đi” (Mt 4,10). Bây giờ ông Phêrô, môn đệ được tuyển chọn, lại muốn cản đường Chúa, khác nào tiếng vọng của Xatan, nên Chúa quay lại qưở trách ông, nhưng không đuổi đi mà chỉ đuổi ông về vị trí môn đệ: làm môn đệ thì đi đàng sau Thầy; Chúa không cần một “Tôn Ngộ Không” đi trước dẫn đường! Ông đã nhận ra Chúa là “Đức Kitô Con Thiên Chúa” thì đừng theo tư tưởng của loài người nữa. Chúa như nhắc lời sách Isaia: “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối các người không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi chừng đó” (Is 55,8-9). (x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Matthêu, Lm Nguyễn Công Đoan, SJ).
Theo “tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa”, Chúa Giêsu đã nói lên luật hy sinh cho những ai muốn làm môn đệ, gồm 3 điểm: từ bỏ mình, vác thập giá, và theo Chúa. Ba điểm đó, tuy là ba nhưng cũng chỉ là một: theo Chúa trên con đường khổ giá. Chúa lấy sự nhẫn nại đau khổ như một điều kiện để theo Ngài, làm đồ đệ Ngài: “Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình, vác Thập giá và theo Ta” (Mt 16, 24).
Thời gian ngắn trước đây Chúa Giêsu khen Phêrô và đặt Phêrô lãnh đạo Giáo Hội khi trao “Chìa khoá Nước Trời” cho Phêrô và đặt ông làm “Đá Tảng” để xây dựng Giáo Hội. Ngay sau đó,  Chúa lại khiển trách Phêrô đã gây cớ ngăn cản chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Phêrô với tất cả tấm lòng chân thành yêu mến không muốn điều gì xảy ra cho Thầy. Khi Chúa Giêsu tâm sự cùng các ông là Ngài sẽ vác thập giá và chịu đóng đinh, chịu chết trên thập tự, Phêrô nêu ý kiến can ngăn Chúa tránh xa thập giá. Chúa cho Phêrô biết điều ông suy nghĩ xem ra có vẻ tốt lành nhưng không phải đến từ trời cao mà đến từ trần thế. Ý kiến trần thế của Phêrô vấp phải hai lỗi lầm: Phêrô không hiểu rõ sứ mạng của Thầy là chết cho người mình yêu và Phêrô cũng không thể mường tượng ra được hy sinh là dấu chỉ của tình yêu chân chính, đích thực.
Phêrô theo Chúa là hình ảnh tuyệt đẹp. Từ khi được Chúa gọi, Phêrô đã liên tục theo Chúa. Chúa đã tỏ ra là yêu thương Phêrô cách riêng nên trong tất cả các biến cố của cuộc đời Chúa: vui, buồn, lo âu, thất vọng, Chúa đều cho Phêrô tham dự vào cách tích cực nhất. Phêrô đã tỏ ra mẫn cán trong sự thương yêu này. Có những cuộc theo Chúa rất đáng khen như trường hợp khi Chúa tuyên bố về bánh hằng sống thì có một số đông các môn đệ đã bỏ Chúa mà đi, trong khi đó Chúa đã hỏi nhóm 12 là: “Còn các con, các con không bỏ thầy sao?”. Phêrô đã tỏ ra rất ngoan ngùy và can đảm thưa với Chúa: “Bỏ Thầy con biết theo ai vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống”. Nhưng cũng có những lần vấp ngã trong việc theo chân Chúa như trong cuộc thương khó của Chúa. Kinh Thánh trong trường hợp này đã diễn tả việc theo chân Chúa một cách rất tiêu cực của Phêrô. Chỉ với lời hỏi han về mối liên hệ với Chúa, Phêrô cũng đã chối phắt đi là không quen biết Ngài, không phải là một lần mà tới ba lần. Cả sau này nữa, khi Phêrô xác nhận được Thầy mình đã sống lại, nhưng trước những cơn bách đạo dồn dập khốc liệt, ông đã quyết định bỏ thành Rôma để ra đi, và chính Chúa phải hiện ra buộc ông trở lại để theo chân Chúa đến cùng. Như vậy, cuộc hành trình theo chân Chúa chẳng đơn giản chút nào. Rất nhiều chướng ngại và thử thách đang chờ đợi người tông đồ.
Chúa không chấp thuận theo Chúa xa xa hay theo Chúa có điều kiện. Ngài muốn chúng ta theo Ngài thì phải triệt để, trọn vẹn và dứt khoát: “đã cầm cầy không có ngoái cổ lại”;“ai không sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, anh em, ruộng vườn… thì không xứng đáng là môn đệ ta”;“ai không đứng về phe ta là chống đối ta”; “hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”. Tất cả những điều này cho thấy Chúa muốn những ai theo Chúa thì quyết liệt thuộc về Chúa vì chỉ có Ngài mới có lời ban sự. Đó cũng là thái độ của các môn đệ Chúa sau này, sau khi được Chúa Thánh Thần tác động. Phaolô đứng trước công nghị không hề sợ hãi mà còn tuyên bố thuộc hẳn về Ngài dầu có phải chết, “chúng tôi không thể nào mà không rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại”.
Con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Con đường “đánh mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết: con đường “đánh mất chính mình”, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (x.Đức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói: “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.
Con đường Chúa đi không có tiện nghi trần thế mà chỉ có từ bỏ và thập giá. Nhưng Chúa mãi mãi là Tình Yêu. Chỉ có Chúa mới là Hạnh Phúc mà chúng ta đang mong chờ và tìm kiếm. Chúng ta vẫn có quyền chọn lựa, nhưng hãy nhớ rằng: “Bộ mặt thế gian sẽ qua đi”, “dù được lợi cả thế gian mà mất mạng sống, thì ích gì cho chúng ta?”.
Lạy Chúa, con đường Chúa đã đi qua là con đường tình yêu, con đường thánh giá và vâng phục tự hiến. Xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình và vác thánh giá hằng ngày mà đi theo Chúa. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=====================
Suy niệm 4
BỎ MÌNH ĐỂ VÁC THẬP GIÁ

Mt 16, 21-27
Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24). Lời tuyên bố này là điều kiện Người đề ra và đòi hỏi ý chí tự do của con người. “Ai muốn theo”, Người không ép buộc ai, nhưng cho con người được tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình. Người muốn dạy cho các môn đệ cũng như mọi người thấy rõ những gì họ tin và bằng lòng trả giá. Những ai tin và muốn theo Người phải quyết tâm đi vào con đường Người đã đi, là con đường từ bỏ mình và vác thập giá.
Bỏ mình không phải là khinh ghét, hành phạt thân xác mình, là hình ảnh của Thiên Chúa, một công trình tay Chúa tạo dựng cho ta, vì nó là một trong “ba kẻ thù” của linh hồn. Chúa hằng yêu thương ta, hà cớ gì mà ta lại phải khinh ghét chính mình? Nhưng từ bỏ ở đây là biết vui vẻ chọn lựa cái tốt hơn, từ bỏ cái tôi cồng kềnh, tính toán ích kỷ, thu tích lợi lộc, chất chứa đủ thứ trong lòng, bao nhiêu ham mê thế trần làm lé con mắt…
Bỏ mình là ra khỏi chính mình, quy hướng về Chúa, thành ra mọi sự thuộc về Chúa và trong Chúa. Khi lòng ta đã ra trống rỗng, vì trút bỏ được nhiều thứ hỗn độn của thế trần, lúc ấy chỉ còn ta với… Chúa mà thôi. Chính Chúa sẽ lấp đầy trong ta và làm cho biến đổi như thay máu con tim. Lúc ấy trong ta tràn chảy một Sự Sống mới, làm ta vui vẻ đón nhận mọi sự với sức chịu đựng dẻo dai, làm cho nên nhẹ nhàng mọi thập giá đời mình. Thập giá có Chúa cùng đi, cùng vác sẽ biến đổi trở nên Thánh Giá nhẹ nhàng trên đường rộng mở thênh thang. Trong Tình Yêu Vĩ Đại, mọi gánh nặng lại trở nên nhẹ nhàng. Khó khăn đau khổ có đó, mà người ta chẳng nề, không rên la, như chứng nhân anh dũng bước theo Chúa Kitô Phục Sinh. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá. Chúa không bao giờ đặt trên vai chúng ta một thập giá nặng hơn đôi vai của chúng ta.
Đức Giêsu quả quyết:ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16,25). Cái được - mất trong sự bỏ mình hay giữ lấy, Người đã chứng minh: “Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác”. Với ý nghĩa này, ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh, “chết” đi để được “sống”.
Chúa ơi! bài học từ bỏ và vác thập giá Chúa dạy con không phải chỉ là bài học trên lý thuyết. Nhưng chính Chúa đã bước vào và đi trọn con đường ấy. Chúa quên mình tự hủy, sống đơn nghèo cho đến chết để con trở nên giàu có. Chúa hy sinh mạng sống để cho con được sống muôn đời. Xin cho con biết khôn ngoan lựa chọn mà đi đúng con đường Chúa đã đi qua, mà vui vẻ hiên ngang vác thập giá đời mình trên con đường thênh thang rộng mở, bước từng bước theo Chúa mỗi ngày, luôn có Chúa cùng đi với con. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log