Thứ hai, 29/04/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXIX thường niên và Khánh nhật Truyền giáo

Cập nhật lúc 12:29 15/10/2020
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 29 Thường niên
Suy niệm 1
Lỗi tại ai?
(Mt 22, 15-21)
Mở đầu trang Tin mừng hôm nay: “Các người Biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói”.
- Họ chắc chắn rằng Chúa Giê-su sẽ mắc lỗi, và sẽ phải xấu hổ trước đám đông.
- Nhưng họ không biết làm thế nào để đưa lỗi này ra ánh sáng. 
- Họ biết rằng Chúa Giêsu có những tư tưởng nguy hiểm đến vị thế của họ và vì thế cần phải đưa những tư tưởng đó ra trước các nhân chứng.
- Họ nói dối khi nói với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa”.
- Họ nghĩ rằng Chúa Giêsu làm cho dân chúng đi trệch hướng luật pháp và con đường của Thiên Chúa.
- Và khi họ hỏi Ngài có nên nộp thuế cho Xe-da không, họ muốn gài bẫy Chúa Giêsu trước mặt các chứng nhân thế giá: Chúa Giêsu không chỉ nguy hiểm đối với người Do Thái mà còn đối với cả hoàng đế. 
- Và lúc này người Do Thái và người Roma, những người ủng hộ hoàng đế, hợp đồng với nhau biến Chúa Giêsu thành vật tế thần. Họ cho rằng Ngài là tác giả của cái ác, nên phải giết bỏ vì lợi ích của toàn dân.
- Những người Biệt phái không ngừng tìm cách bắt lỗi Chúa Giêsu để họ có đủ bằng chứng kết án và giết Ngài.
Nhưng “Chúa Giê-su, thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: Hỡi bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì?
- Chính những người Biệt phái gán ghép cho Chúa Giê-su những ý định xấu.
- Họ buộc tội Chúa Giê-su là xấu đối với dân chúng, khi chính họ lại đàn áp dân chúng bằng cách chất cho dân chúng những gánh nặng mà họ không gánh nổi.
- Họ là những người hư hỏng.
Chúa Giêsu tố cáo sự gian tà này. Chúa Giêsu cũng tố cáo sự gian tà của chúng ta, và sự gian tà của toàn thể nhân loại. Như những người biệt phái, chúng ta thường tìm cách đưa Chúa ra xét xử:
- Chúng ta nói rằng Thiên Chúa không tốt, khi đời sống chúng ta không đạt được những gì chúng ta mơ ước.
- Mặt khác, khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, chúng ta nói rằng đó là chuyện bình thường, vì chúng ta quên rằng tất cả những điều tốt đẹp đều có nguồn gốc từ Thiên Chúa. 
- Chúng ta cho rằng hạnh phúc nỗ lực, khả năng hay trí thông minh đều do con người cho của con người. 
- Chúng ta gán sự bất hạnh của chúng ta là do Thiên Chúa, bằng cách nói rằng: Thiên Chúa không toàn năng vì Ngài không ngăn cản thử thách xảy ra cho chúng ta! Như vậy, chúng ta biến Thiên Chúa thành một "Thiên Chúa đồi trụy, Thiên Chúa không tốt"
Chúa Giêsu nói: "Vậy cái gì của Xê-da, thì hãy trả cho Xê-da, và cái gì của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa”.
- Chúa Giêsu đến trần gian không phải để phán xét chúng ta 
- Ngài đến để giải phóng chúng ta khỏi cái ác. 
- Ngài muốn chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa thực sự tốt, không có điều ác nào có thể đến từ Ngài, cái ác là kẻ thù của Thiên Chúa
Để mặc khải điều đó cho chúng ta, Chúa Giêsu Kitô lao mình xuống vực thẳm sâu nhất, nơi chỉ một người có thể bị sự ác hành hạ. Ngài bị lên án và bị xử tử khi Ngài không có lỗi. Và từ đáy vực thẳm này, Ngài cầu xin Chúa Cha cho toàn nhân loại: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”!
Như thế, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta tình yêu vô bờ bến của Ngài mà không có sự dữ nào của con người có thể làm suy yếu được tình yêu của Ngài. Ngắm nhìn thập giá của Đấng Phục sinh, cuối cùng chúng ta có thể thốt lên: “Ôi tội hồng phúc của con người đã mang lại cho chúng ta là một Đấng cứu chuộc như vậy"
Với câu trả lời:Cái gì của César thì hãy trả cho Xê-da, cái gì thuộc về Thiên Chúa, thì hãy trả cho Thiên Chúa”, Chúa Giêsu không chỉ đặt trên bình diện chính trị, Ngài còn khẳng định rõ ràng điều quan trọng nhất, có giá trị nhất phải là Triều Đại Thiên Chúa.
Thể chế chính trị không phải là thực tại duy nhất trong đời sống chúng ta. Xe-da không phải là ông vua có toàn quyền và ông không phải là Thiên Chúa. Nhà nước của một quốc gia nào đó đóng vai trò rất quan trọng nhưng không thể độc quyền trong đời sống chúng ta được.
Bất luận một quốc gia hay một chính phủ nào cần phải biết phân biệt được “Cái gì của César thì hãy trả cho Xê-da, cái gì thuộc về Thiên Chúa, thì hãy trả cho Thiên Chúa”.
Đó là điều mà mỗi người kito chúng ta cần phải lưu tâm trong thế giới mà chúng ta đang sống:
- Đức tin không yêu cầu người kito là phải tránh khỏi những thực tại của thế giới đương thời.
- Người kito phải trở thành nguồn khích lệ tốt hơn nhằm biến đổi những thực tại của thế giới từ bên trong, đó là kiến tạo Triều Đại nước Thiên Chúa ngay tại trần gian này.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
 Suy niệm 2
MỌI SỰ LÀ CỦA CHÚA, HÃY TRẢ THIÊN CHÚA
(Mt 22, 15-22)

Dịp lễ Đức Mẹ La Vang, tháng 8 năm 2017 vừa qua. Khi đề cập đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Girelli nhận định rằng, tại một số tỉnh, nhà cầm quyền lo lắng và phàn nàn về người Công Giáo và các hành động của họ. Nhưng ngài khuyên nhà cầm quyền CSVN nên nhận thức rằng, Giáo Hội Công Giáo nênđược xem như một điều tích cực, thay vì một điều có vấn đề đối với đất nước.
Trích câu nói thời danh của Chúa Giêsu rằng: "Trả cho Caesar những gì của Caesar, và trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa". Đức Tổng Giám Mục Leopoldo nói tự do tôn giáo không phải cái gì thuộc về các quan chức chính quyền, mà phải nằm trong tay của người dân. Ông kêu gọi "các Caesar Việt Nam hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa".
Đoạn Tin Mừng hôm nay mang đầy tính thời sự vì chúng ta đang sống trong một thế giới con người muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống, hoặc nhận tất cả về mình, không còn kể đến Thiên Chúa nữa. Câu kết của đoạn Tin Mừng hôm nay đã trở thành lời bất hủ và ghi đậm dấu ấn trong lịch sử, trong tương quan phân chia, sở hữu thường ngày. 
Thầy dạy bảo đường lối Thiên Chúa
Chúng ta khẳng định, Chúa Giêsu là Lời sống động của Thiên Chúa thế mà con người lại cố tìm để bắt lỗi Lời của Ngài! Con người nói : "Thầy dạy bảo đường lối Thiên Chúa", nhưng vẫn cứ hỏi: "Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?" (Mt 22, 17). Hỏi để mà hỏi, không phải để biết cho bằng gài bẫy. Thực tế nhóm Pharisiêu lại tự bẫy và trói chặt mình trong câu hỏi lưỡng nan ấy. Bằng cách từ chối đơn giản hóa vấn đề của đối phương, Chúa Giêsu đặt ra vấn đề căn bản mới và thiết yếu là : ai đứng vào vị trí Thiên Chúa?
Chính vì họ hỏi con đường của Thiên Chúa, "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy …dạy bảo đường lối Thiên Chúa" (Mt 22, 16), nên Người dẫn họ đi theo hướng đó, đây là tất cả giáo lý của Chúa. Thấu hiểu tâm tư của họ, Chúa bảo họ đưa cho xem đồng tiền, xem xong, thấy có khắc hình của một hoàng đế trên đồng tiền, họ khẳng định đó là hình của Cêsarê, Chúa nói: "Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê" ( Mt 22, 21). 
Thực tế, người Do thái không nhận biểu tượng hình ảnh này, dù Cêsarê được biết đến là một hoàng đế tự cọi mình là thần đi chăng nữa, ông cũng chỉ là một conngười. Theo Lời Chúa trong sách Sáng Thế, chỉ có Thiên Chúa làm ra con người giống hình ảnh Chúa cách sống động : "Chúng ta làm ra con người giống hình ảnh chúng ta và giống chúng ta" (St 1, 26). Hãy trả đồng tiền này cho chủ nhân của nó và hãy trả cho Thiên Chúa linh hồn chúng ta.
Linh hồn chúng ta thuộc về Chúa
Đồng tiền mang hình ảnh của Cêsarê, nhưng linh hồn chúng ta là chính hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, thể theo thánh vịnh:  "Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan Người trên chúng tôi". (Tv 4, 7)... Ánh tôn nhan Thiên Chúa là ánh của ân sủng ghi dấu trên chúng ta hình ảnh Ngài, làm cho chúng ta giống Ngài, ánh tôn nhan Chúa còn là ấn tích được ghi trong trí chúng ta, chúng ta nhận biết ai đó nhờ khuôn mặt của người ấy, thì Thiên Chúa cũng nhận biết chúng ta nhờ tấm gương của lý trí. Nhưng lý trí này đã bị biến dạng do tội lỗi con người, vì tội lỗi khiến con người chống lại Thiên Chúa. Ân sủng Đức Kitô sửa chữa lại lý trí chúng ta. Đó là lý do tại sao thánh Tông đồ Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Êphêsô rằng: "Hãy đổi mới tình thần" ( Ep 4,23). Ánh sáng ở đây còn là ân sủng, nhằm phục hồi hình ảnh Thiên Chúa ghi khắc trong chúng ta.
Thiên Chúa Ba Ngôi đã khắc ghi vào con người hình ảnh giống Ngài. Con người giống Chúa Cha ở điểm trí nhớ, giống Chúa con ở trí hiểu, giống Chúa Thánh Thần ở chỗ biết yêu mến… khi tạo dựng, con người được dựng lên " giống hình ảnh Chúa" (St 1, 26). Hình ảnh trong sự nhận biết chân lý, tương tự trong nhân đức yêu thương. Ánh tôn nhan Thiên Chúa chính là ân sủng công chính hóa chúng ta và một lần nữa cho thấy hình ảnh được tạo ra. Ánh sáng này là tất cả những điều tốt đẹp nơi con người, được ghi dấu, như hình ảnh của nhà vua trên đồng tiền. Đó là lý do tại sao Chúa nói: "Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê" (Mt 22, 21). Điều này ý nói : phải trả cho Cêsarê hình ảnh của Caesar, trả cho Thiên Chúa linh hồn anh em, đã được điểm tô và ghi dấu ánh sáng tôn nhan Thiên Chúa. Chúng ta không thể trao cho Cêsarê linh hồn của chúng ta, nó luôn thuộc về Chúa. 
Mọi sự là của Chúa
Lời Chúa Giêsu nói: "Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa"( Mt 22, 21) xác lập một sự khác biệt sâu xa giữa thiêng liêng với thế trần, làm nền tảng cho sự tìm kiếm của người kitô hữu trên mặt đất này. Con người là trung tâm và tột đỉnh của sự sáng tạo, phẩm giá con người hiện nay được thừa nhận rộng rãi, tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó, chúng ta phải phân biệt hai chủ quyền khác nhau của Thiên Chúa trên thế giới. Cêsarê và Chúa không ở cùng một cấp độ, Chúa là Đấng Sáng Tạo, Chúa tể trời đất, Cêsarê là hoàng đế, những ông cũng chỉ là một thụ tạo, một con người, ông phải phụ thuộc vào Chúa và cũng phải trả lẽ trước mặt Chúa, đây không phải là Thiên Chúa hoặc Cêsarê mà là Thiên Chúa và Cêsarê, mỗi vị trong cấp độ xứng hợp riêng của mình.
Vậy"Trả cho Cêsarê những gì thuộc về Cêsarê" nghĩa là trả cho Cêsarê những gì chính Chúa muốn trao cho Cêsarê. Chúa thống trị trên tất cả kể cả Cêsarê, nên Thiên Chúa làm chủ quyền thiêng liêng Nước Chúa được thực thi trong Chúa Kitô qua Giáo hội của Người. Đương nhiên, Ngài làm chủ cả thế tục và thể chế chính trị mà Chúa thực hiện gián tiếp qua các quyền bính thế gian. Về vấn đề này, Chúa Giêsu đã từng nói rõ với Philatô khi ông nói với Chúa : "Ông không biết rằng ta có quyền tha ông, mà cũng có quyền đóng đinh ông hay sao?" (Ga 19, 10)  Chúa Giêsu đáp : "Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho" (Ga 19, 11). Thánh Phaolô là người đầu tiên nhìn thấy hiệu quả của giáo huấn này nên viết: "Mọi người hãy phục tùng chính quyền bởi vì không có quyền bính nào mà không đến từ Chúa. Ai chống lại quyền bính thì chống lại trật tự Thiên Chúa đã đặt ra… đó là lý do tại sao anh em phải nộp thuế bởi vì chính quyền chịu trách nhiệm như những người phục vụ Chúa" (Rm13,1).\
Trước khi vâng lời con người, chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa và lương tâm chúng ta. Đó cũng là nghĩa vụ của chúng ta phải nói với Cêsarê, cụ thể với quyền bính thế gian rằng, hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa
Lạy Chúa là Đấng tạo thành trời đất và là chủ muôn loài, tất cả thuộc về Chúa, xin cho chúng con biết luôn hướng lòng về Chúa và tôn thờ Chúa là Chúa chúng con.Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 3
HÃY TRẢ CHO THIÊN CHÚA
Is 45,1.4-6; 1Tx 1-5b; Mt 22, 15-21
Những người thù nghịch, chống đối Đức Giêsu đã cử mấy người, gồm cả Pharisêu và phe Hêrôđê nữa. Họ đến hỏi Đức Giêsu, để Ngài lỡ lời mà mắc bẫy: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22, 16-17). Họ khéo mở đầu bằng những lời trịnh trọng tôn sư, tâng bốc, nịnh bợ dễ nghe. Họ nghĩ mình nắm chắc phần thắng, vì Ngài chỉ có thể trả lời có hoặc không. Nếu trả lời phải nộp, Ngài sẽ bị kết tội vào hùa với ngoại bang bóc lột dân chúng. Còn nếu trả lời không phải nộp, họ sẽ kết tội Ngài chống lại hoàng đế Xêda. Nhưng Đức Giêsu thấu biết bên trong tâm dạ giả hình của họ, Ngài hỏi ngay: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22,18).
Ngày nay trong đời sống người Kitô hữu chúng con nhiều khi cũng chẳng khác gì những người Pharisêu này, khi đến với Chúa mà chỉ muốn lèo lái, bắt Chúa thực hiện theo ý mình những điều chúng con muốn và đang cầu xin. Bình thường tôi sống có vẻ ngoan đạo, nhưng khi bị động chạm đến danh dự, của cải là có thể nổi khùng, không còn biết mình là ai nữa.
Vì tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lỗi của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thể ấy”. (Is 55, 8-9).
Các ông Pharisêu chờ ngóng trước câu trả lời lưỡng nan, nhưng Đức Giêsu giải quyết thắc mắc của họ thật nhanh chóng và khôn ngoan: “Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” (Mt 22, 19). Đến lượt họ bị thẩm vấn: “Hình và hiệu này là của ai đây?” (Mt 22, 20). Rồi người phân giải rõ ràng: “của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22, 21). Những kẻ gài bẫy Người phải trắng mắt, hết sức ngạc nhiên về Người.
Người Kitô hữu vừa có bổn phận xây dựng trần thế và có bổn phận dựng xây cho nước trời. Nhưng điều cao sâu hơn, vượt lên chuyện sòng phẳng ấy, là sống chết cho Tình Yêu. Chúa yêu con nên Chúa nộp mình, Chúa chết cho con và vì con. Con yêu Chúa, con dám hiến dâng trọn cuộc đời cho Chúa, vui vẻ hiến dâng thân mình để phục vụ anh em, cho dẫu phải thiệt thòi hay đau khổ bản thân, vẫn một niềm “sống chết cho Tình Yêu”.
Én Nhỏ
=====================
 Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật Truyền Giáo
Suy niệm 1
Lên đường!
Mc 6, 7-13
 
Trước khi khởi hành
Lần đầu tiên Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng tin mừng từng hai người một. Chúa Giêsu muốn họ làm quen lên đường. Nhưng lúc sắp khởi hành,  Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.
- Khi chúng ta chuẩn bị lần nghỉ mát hoặc du lịch. chúng ta chuẩn bị đầy đủ mọi thứ…. 
- Nhưng khi đi truyền giáo, nếu chúng ta mang theo mọi thứ có vẻ hữu ích thì thường là rất nặng. Và điều quan trọng chúng ta lại quên mất cây gậy mà Chúa Giêsu nói với chúng ta để tạo điều kiện cho chúng ta bước đi. 
- Chúng ta lên kế hoạch cho tất cả mọi thứ, chúng ta chất nặng lên vai chúng ta. Nhưng chúng ta lại quên mang đôi dép thiết yếu để vững bước tin tưởng vào Chúa Giêsu.
Lần đầu tiên Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng tin mừng từng hai người một.Và Ngài nói với họ trước khi lên đường, đừng quên mang theo một cái gậy và đôi dép! Ngài muốn công bố rằng: "Hãy đi đôi dép nhẹ nhàng và hãy dựa vào cây gậy, nếu không. anh em sẽ không vững bước trên đường được”
Hãy mang theo điều cần thiết
Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu sai các môn đệ của Ngài lên đường… Và, với sự háo hức khởi đầu, họ đã liều lĩnh quên đi dép, sẵn sàng rời bỏ mọi thứ để đi theo con đường Tin Mừng. Nhưng ngay từ giờ bước đi đầu tiên, họ giẫm phải gai.. đau chân quá, khó có thể tiếp tục bước đi!
Chúa Giêsu muốn nói: Hãy mang theo những gì sẽ giúp anh em tiếp tục tiến bước với một bước đi vững chắc: cầm gậy và đừng quên đi dép vào chân, nếu không cái giằm hoặc cái gai cắm vào chân anh em, cản trở anh em tiếp tục tiến bước. Chúa Giê-su còn muốn nói thêm: Anh em cũng đừng mang theo những gì là vô ích, hành lý nặng nề, buộc anh em phải nghỉ ngơi, gián đoạn bước đi
Những người mà Chúa Giêsu mời lên đường truyền giáo, nhận lời chỉ dẫn đặc biệt này: mang theo những gì có thể giúp ích và bỏ lại những gì là nặng nề.
Nhưng chúng ta không biết những gì có thể giúp ích cho chúng ta và những gì nặng nề chúng ta phải bỏ lại. Cây gậy và đôi dép cần thiết là gì? Nếu không biết, chúng ta có nguy cơ bỏ lại những gì cần mang theo và lại mang theo những gì chúng ta phải bỏ lại. Chúa Giêsu cho chúng ta một chỉ dẫn cuối cùng.
Hãy bước đi trong tin tưởng phó thác
"Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”.
Khi biết có thể nhận được lòng hiếu khách, không có lý do gì để mang theo túi dự phòng: tiền hoặc thực phẩm đi đường…Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ tin rằng trên con đường mà Ngài sai họ đi, họ sẽ gặp đủ bạn bè đón tiếp và nuôi dưỡng. Ngài mời họ dựa vào khả năng cởi mở của người khác. Vấn đề là phải bỏ lại tất cả mọi thứ làm chúng ta cậy dựa vào khả năng cá nhân của chúng ta.  Chúng ta được mời để tin rằng người khác có khả năng tiếp nhận và người khác sẽ triển khai nguồn tài trợ cho chúng taTin tưởng vào người khác là hành lý của các môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Sự tin tưởng vào người khác có ảnh hưởng rất lớn cho phép Người khác, là chính Đấng sai chúng ta đi, làm phép lạ.
Nhưng người khác có thể là kẻ thù hoặc đơn giản là sự thờ ơ. Chúa Giêsu biết rất rõ điều đó.!  Vì thế, Ngài lường trước cho các môn đệ của Ngài là có thể gặp rủi ro không được tiếp đón. Mặc dù gặp rủi ro, Chúa Giêsu khuyên họ cứ vững tin: "Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”. Niềm tin vào những người khác nhân danh Đấng khác có thể gặp trở ngại, là người ta đóng cửa hoặc thờ ơ không đón tiếp. Trong trường hợp này, không được sử dụng cây gậy mà chúng ta cầm trên tay để phá các cánh cửa, cũng không cần thiết phải mệt mỏi thuyết phục cách vô ích! Chúng ta phải tiến về phía trước mà không cần giữ lại - thậm chí cả bụi chân, bụi kinh nghiệm tai hại này. Những người khác có thể đóng cửa, Thiên Chúa vẫn là Người khác mà chúng ta có thể dựa vào và Ngài sẽ mở những chặng đường khác cho chúng ta.
Niềm tin vào Thiên Chúa không thể tốt được nếu không có niềm tin vào những người chúng ta gặp trên đường. Nhưng niềm tin vào người khác cũng không thể tốt được đối với môn đệ Chúa Giêsu, nếu không tin vào Thiên Chúa. Có nghĩa là có điều này, nhưng phải có cả điều khác.
Vậy hành lý nào cần mang theo trên con đường truyền giáo? Cây gậy, đôi dép hoặc những hỗ trợ thiết yếu của chúng ta để tiến về phía trước là gì? Những chiếc vali không nên dùng là gì? Nguyên tắc mà Chúa Giêsu đưa ra không phải là dành đủ mọi thứ cho bản thân chúng ta, mà là để lại một khoảng trống nhỏ để chúng ta sống trong mối tương quan tin tưởng vào người khác và vào Thiên Chúa. ..
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
HÃY RA ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG
(Is2, 1-5; 1 Tm 2, 4 - 6; Mc 16, 15-20)

Chúa Nhật ngày 18 tháng mười năm 2020 là khánh nhật truyền giáo. Đây là dịp thuận lợi để Kitô hữu ý thức sâu xa về sứ mạng truyền giáo của mình.
Những câu hỏi lớn được đặt ra: Truyền giáo là gì? Tại sao phải truyền giáo và ai phải truyền giáo? Liệu có cần phải ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo không?
Truyền giáo, là giúp người ta tin nhận Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, để họ tin Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, để họ trở nên Kitô hữu.
Vì bản chất của Giáo Hội là truyên giáo. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2).Trích lời Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, ngài tiếp: “Giáo Hội hiện hữu để truyền giáo, để giảng thuyết và giáo huấn, để làm máng chuyển quà tặng của các ân sủng, để hoà giải các tội nhân với Thiên Chúa, để trường tồn hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, đó là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.”
Là chi thể của Hội Thánh, tất cả những người đã chịu phép rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Điều này không có ý nói họ phải đi thật xa. Những nơi nào có họ, họ phải truyền giáo. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phận khẩn thiết của ngày hôm nay”. Với lại, chính Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc16, 15). Thánh Phaolô kêu lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).
Rất cần thiết phải cầu nguyện cho việc truyền giáo. Ngày Thế giới Truyền giáo, hay Chúa Nhật Truyền giáo, được Đức Giáo hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1926, để nhắc nhở các tín hữu Công giáo về sự dấn thân và hỗ trợ của họ đối với công việc truyền giáo của Giáo hội thông qua cầu nguyện và hy sinh. (CSR_6222_2020)
Ngày 31 tháng 5 năm vừa qua, dịp Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2020, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã công bố sứ điệp cử hành ngày Thế giới Truyền giáo năm nay. Dựa trên chủ đề lấy từ sách ngôn sứ Isaia, “Này con đây, xin hãy sai con đi”, sứ điệp của Đức Thánh Cha nói rằng đại dịch Covid-19 là một cơ hội để truyền giáo và phục vụ người khác.
Trong sứ điệp, Đức Thánh cha trình bày Chúa Giêsu như “Vị Thừa Sai của Chúa Cha: con người và hoạt động của Chúa Giêsu hoàn toàn là vâng phục thánh ý Chúa Cha (x.Ga 4,34...). Đến lượt Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đóng đanh và sống lại vì chúng ta, Người thu hút chúng ta vào trong chuyển động yêu thương, và nhờ chính Thánh Linh, Đấng linh hoạt Giáo hội, biến chúng ta thành những môn đệ và sai chúng ta ra đi thi hành sứ mạng đối với thế giới và muôn dân”.
Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Chúng ta có sẵn sàng được sai đi khắp nơi để làm chứng về niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa là Cha thương xót, để công bố Tin mừng cứu độ của Chúa Giêsu, để chia sẻ cuộc sống thần linh của Chúa Thánh Linh, qua việc xây dựng Giáo hội hay không? Như Mẹ Maria, chúng ta có sẵn sàng, không chút dè dặt, phục vụ thánh ý Thiên Chúa (Xc. Lc 1,38) hay không? Thái độ sẵn sàng nội tâm này rất quan trọng để có thể thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con”(x. Is 6,8).
Đức Thánh cha cũng nhận định rằng: “Hiểu Thiên Chúa đang nói gì với chúng ta trong thờikỳ đại dịch này, trở thành thách đố đối với cả sứ mạng của Giáo hội. Bệnh tật,đau khổ, sợ hãi, cô lập đang đặt câu hỏi cho chúng ta. Cảnh nghèo của những người chết trong cô độc, của người bị bỏ mặc cho chính mình, người mất công ăn việc làm và lương bổng, của người không có nhà ở và lương thực, những điều đó đang gọi hỏi chúng ta. Bị buộc lòng phải xa cách và ở nhà, chúng ta được mời gọi tái khám phá thấy rằng chúng ta đang cần những tương quan xã hội, và cả tương quan cộng đồng với Thiên Chúa. Tình trạng này, không gia tăng sự nghi kỵ và dửng dưng, nhưng phải làm cho chúng ta quan tâm hơn tới cách thức tương giao của chúng ta với tha nhân. Và kinh nghiệm, trong đó Thiên Chúa đánh động tâm hồn chúng ta, mở cho chúng ta thấy những nhu cầu tình thương, phẩm giá, tự do của các anh chị em chúng ta, cũng như sự chăm sóc thiên nhiên. Sự kiện không thể họp nhau để cử hành thánh lễ, trong tư cách là Giáo hội, làm cho chúng ta chia sẻ thân phận của bao nhiêu cộng đoàn Kitô không thể cử hành thánh lễ mỗi Chúa nhật. Trong bối cảnh đó, câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đi?” lại được gửiđến chúng ta và chờ đợi chúng ta trả lời một cách quảng đại và xác tín: “Này con đây, xin hãy sai con!”(Is 6,8)
Và ĐứcThánh cha kết luận rằng: “Cử hành Ngày Thế giới truyền giáo cũng có nghĩa là tái khẳng định việc cầu nguyện, suy tư và sự giúp đỡ vật chất, do những đóng góp của anh chị em là những cơ hội để tham gia tích cực vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Ngài. Đức bác ái được biểu lộ qua những cuộc lạc quyên trong các thánh lễ Chúa nhật thứ ba của tháng 10, có mục đích hỗ trợ công việc truyền giáo được Các Hội Giáo Hoàng truyền giáo thực hiện nhân danh tôi, để đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng và vật chất của các dân tộc và các Giáo hội trên toàn thế giới, vì phần rỗi của tất cả mọi người”.
Chúng ta cùng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người Tông đồ đầu tiên và là nhà thừa sai của Lời Chúa, giúp chúng ta mang sứ điệp Tin Mừng đến với thế giới với niềm hân hoan khiêm tốn và rạng ngời, vượt lên trên bất kỳ sự từ chối, hiểu lầm hay bách hại nào.
Nữ Vương truyền giáo, cầu cho chúng con. Amen.

Lm.An-tôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 3
Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ
Mt 28,16-20
Điểm hẹn cuối cùng của Đức Giêsu với mười một môn đệ tại một ngọn núi thuộc miền Galilê, ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến đó. Tại sao Người hẹn gặp các ông ở Galilê, mà không phải ở đền thờ hay hội đường? Có lẽ Galilê là nơi đặc biệt, nơi xảy ra những biến cố lịch sử cứu độ nhân thế của Người, là một cứ điểm truyền giáo. Đây là miền đất của dân ngoại, thật cần kíp để gieo Tin Mừng. Chính nơi đây Satan đã đưa Người lên để thỏa hiệp với hắn nhưng Người đã chiến thắng. Nên hôm nay trên núi này Đức Giêsu đã công bố với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Khởi đầu sứ vụ, nơi đây Thầy đã gọi các môn đệ đầu tiên. Và cuối cùng hôm nay, điểm hẹn này là nơi Thầy trao sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19.20a).
Suốt ba năm, các ông chỉ đi theo Thầy, trực tiếp cận kề học tập bên Thầy. Giờ đến lúc Thầy không còn trực tiếp dạy dỗ các ông, giờ là lúc các ông phải tự “thực hành thực tế” trong khi Thầy “vắng mặt”. Các ông phải “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”. Đây là trọng trách lớn lao và thật khó khăn vất vả, nhất là khi không thuận tiện, trong cái chật hẹp, tối tăm của đời các môn đệ cũng như mỗi chúng con hôm nay. Nhưng một lời hứa chắc chắn kèm theo để an ủi và thúc bách chúng con: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 20b). Đây là lời hứa để chúng con an tâm khi thi hành sứ vụ khó khăn mà cao cả. Chính Thầy sẽ thực hiện những điều lớn lao kỳ diệu nơi con người mỏng giòn yếu đuối của mỗi chúng con. Từ buổi Thiên sứ truyền tin đã loan báo về Đức Giêsu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta(Mt 1,23). Vâng, Đấng Emmanuel vẫn luôn hiện diện, đồng hành, ở cùng các môn đệ và những người nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong mọi nơi mọi lúc. Chúa luôn ở cùng chúng con trên bước đường loan báo, trải dài cho đến ngày tận thế.  
Chúa ơi! trước khi về trời Chúa đã trao cho chúng con sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa. Lạy Chúa! sức chúng yếu lắm, lòng người đời thì cứng cỏi, nhưng chúng con tin Chúa sẽ ở cùng và ở với chúng con trong mọi nơi mọi lúc. Để dù khó khăn hay gian nguy, chính Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong con người hèn mọn yếu đuối chúng con, cho muôn dân nhận biết Chúa và đi theo Ngài. Amen.
Én Nhỏ
  
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log