Thứ ba, 23/04/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B

Cập nhật lúc 08:26 26/05/2021
Suy niệm 1
MỘT THIÊN CHÚA BA NGÔI
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Ngày tốt
Câu cuối cùng của bài Tin mừng theo thánh Mat-thêu hôm nay viết: "Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Đó cũng là lời cuối cùng của Chúa Giêsu Phục sinh nói với các môn đệ. Và một câu khác cũng của tin mừng theo thánh Mat-thêu"Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ được gọi là Emmanuel, nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta ". Đó cũng là những lời đầu tiên của Tin Mừng: Đó là lời của Thiên thần truyền tin cho Thánh Giuse trước ngày sinh của Chúa Giêsu.
Cả hai câu nói đó muốn nói lên rằng:
- Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta từ ngày đầu tiên khi Ngôi Lời Thiên nhập thể!
- Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta cho đến tận thế
- Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta trên trái đất này, từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng!
Chúng ta đừng chờ đợi một ngày mai tốt hơn hôm nay để đón nhận Thiên Chúa ở cùng chúng ta nữa! Chúng ta đừng hy vọng vào một thời điểm thuận lợi hơn hôm nay để sống với Ngài nữa! Đối với chúng ta, hôm nay có thể là một ngày buồn và đau khổ, vui mừng và hy vọng. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, đó vẫn là ngày tốt để đón nhận Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngày tôt, tiếng Pháp là “bon jour” viết rời, nhưng nếu viết liền là bonjour có nghĩa, "xin chào", ngày mà Thiên Chúa chào chúng ta, ngày mà Ngài ban ơn cứu độ cho chúng ta!
Ngày rất tồi tệ
Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ của Thầy". Chúa Giêsu Kitô ban cho chúng ta quyền năng, sức mạnh của Ngài, để nhân danh Ngài, chúng ta báo tin cho tất cả nhân loại biết rằng mỗi một ngày khi bình minh thức dậy, đều là tốt, bất luận chuyện gì xảy ra, và chúng ta sẽ không sống được, nếu không có Ngài. 
Tuy nhiên, cũng như một số môn đệ nghi ngờ, chúng ta khó tin rằng chúng ta có thể gửi lời chào của Thiên Chúa đến thế giới! Hơn nữa, các "quốc gia" và “muôn dân” ngày nay hình như không muốn đón nhận lời chào của các Kito hữu. Họ nghi ngờ các kito hữu và không muốn đi theo luân lý, tín lý và cả sự thật của các kito hữu nữa. 
Vậy quyền năng mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là quyền năng nào?
Nhìn lại lịch sử truyền giáo của Giáo Hội, chúng ta áp đặt kiểu luân lý, tín lý hay sự thật nào đối với muôn dân? Phải chăng là thứ “quyền năng” không khoan dung và loại trừ? Nếu như vậy, lời “xin chào của Thiên Chúa " thường được trình bày trong một ngày rất xấu! Luôn nhớ rằng: Khi nhận được quyền năng Chúa Giêsu ban cho, chúng ta phải thực hiện quyền năng đónhân danh Thiên Chúa, chứ chúng ta không phải là Thiên Chúa: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần
Nếu Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của các nhà bác học, của những người độc tài hiểu biết hơn những người khác nghĩ, thì những người vô thần có quyền không chấp nhận lời “xin chào” của các tín hữu. Họ có lý do thực sự để nghi ngờ lòng vị tha và tình bạn của chúng ta. Có lẽ các Kitô hữu chúng ta phải trục xuất Thiên Chúa này mãi mãi ra khỏi cuộc sống của mình để đến với Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô. Có lẽ cần phải loại bỏ cái chết vĩnh cửu của Thiên Chúa này để mọi người nhận được lời “xin chào” của các tín hữu mà không sợ hãi và không nghi ngờ.
Ngày của Thiên Chúa
Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy và hãy làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.
Thiên Chúa là Một và Thiên Chúa là Cha, là Con và là ThánhThần. Chúa Cha không phải là không có Chúa Con. Chúa Cha và Chúa Con không phải là không có Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa không phải là Một nếu không có các Ngôi Vị khác. Thiên Chúa vượt lên trên tất cả chúng sinh và vạn vật, nhưng Thiên Chúa hoạt động trong lòng nhân loại. Thiên Chúa hiệp nhất trong sự khác biệt. Ngài là Tình Yêu. Không bao giờ là một mà không có người khác. Và đó là Thiên Chúa Ba Ngôi. 
Không phải có những người này mà không có ai khác. Đó là cuộc sống của các môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Họ được kêu gọi khắc ghi trên trái đất này rằng không thể có sự hiệp nhất trong nhân loại nếu không tôn trọng sự khác biệt của mỗi nền văn hóa cũng như lịch sử đặc trưng của mỗi người.
Chúng ta là một trong “muôn dân” mà các tông đồ hoặc các nhà truyền giáo đến và làm phép rửa nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Làm phép rửa cho muôn dân không bao gồm việc áp đặt họ sống theo tất cả các quy định của luật Do-thái. Hôm nay cũng như hôm qua, làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, không thể áp đặt luật pháp hay cách suy nghĩ của chúng ta đối với họ. 
- Muốn người khác nên giống chúng ta là muốn biến Thiên Chúa thành Thiên Chúa đơn độc không cần các Ngôi Vị khác.
- Muốn người khác nên giống chúng ta là biến chúng ta thành thần tượng, cho mình là nhất, là mẫu mực.
- Cố gắng không làm giảm sự khác biệt của người khác là tôn trọng sâu xa lịch sử riêng của mỗi người.
Thiên Chúa không bao giờ là Một mà không có Ngôi Vị khác. Chúa Giêsu Kitô là vậy mọi ngày cho đến tận thế để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể xây dựng sự hiệp nhất giữa con người với nhau nếu không tôn trọng những khác biệt. Dù chúng ta có những nghi ngờ và giới hạn, Ngài mời gọi chúng ta hãy tin tưởng theo Ngài, chúng ta có thể từng ngày nhập thể mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trên trái đất của con người. Chính hôm nay là thời gian thuận lợi để thực hiện công việc của Ngài là cứu độ “muôn dân”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Mt 28,16 - 20
Theo trình thuật của thánh Luca, thì Chúa thăng thiên tại núi Cây Dầu, cận kề thủ đô Giêrusalem. Theo trình thuật của thánh Mátthêu thì Chúa thăng thiên tại một núi miền Galilê. Tại sao lại có sự khác biệt như thế? Các nhà chú giải Thánh Kinh giải thích rằng: thánh Luca viết Tin Mừng với tư cách một sử gia; còn thánh Mátthêu thì viết Tin Mừng với tư cách một thần học gia. Thánh Mát thêu muốn nhấn mạnh rằng: Tin Mừng phải đến với lương dân như một mục tiêu ưu tiên. Người Do Thái vẫn khinh dể miền Galilê và thường gọi Galilê là miền đất của dân ngoại.
Nhưng điều quan trọng đáng chú ý của cả hai trình thuật, đó là phải rao giảng Đức Giê su cho mọi người trên thế giới.
Người truyền giáo phải kể cho mọi người biết mọi lời Chúa giảng. Không những phải biết Lời của Chúa, mà còn phải hiểu cả ý và tâm của Chúa nữa.
Lời của Chúa có thể gói ghém thành một chữ yêu. Trước hết là yêu Chúa hết lòng như yêu một Đấng Toàn Năng đồng thời là một người Cha Nhân Từ. Đó là điều các nền văn hóa Đông, Tây, Kim, Cổ chưa bao giờ khám phá ra. Người trí thức siêu đẳng của mọi thời, chỉ tôn kính và kính sợ Chúa chứ không dám yêu như bé thơ ôm cổ bố mẹ đâu. Yêu Chúa như thế sẽ đem lại một hạnh phúc tuyệt vời, mà hoàn cảnh khổ đau nào của đời người cũng không làm giảm thiểu được một tí hạnh phúc nào phát xuất từ tình yêu chân chính ấy.
Yêu Chúa hết lòng lại nảy sinh ra lòng yêu thương mọi người như anh em con cùng một Cha. Tình yêu tha nhân như anh em con cùng một Cha là Chúa sẽ xa hết mọi tinh thần phân biệt đối xử dòng máu, màu da, tiếng nói. Nếu yêu mọi người như anh em, thì không còn chiến tranh quốc gia, không còn chiến tranh ý thức hệ. Loài người sẽ không còn chế tạo vũ khí tốn hàng tỉ tỉ đô la để giết chết hàng trăm triệu người; để hàng trăm triệu bé thơ phải mang số phận mồ côi… Thảm họa chiến tranh vẫn nối tiếp nhau trên lịch sử của các quốc gia, và chưa có dấu hiệu giảm thiểu và tiên báo chấm dứt.
Tại sao vậy? Tại vì giáo huấn của Đức Giê su chưa đến với mọi người, chưa thấm vào mạch máu của mọi người. Chính vì vậy, bài Tin Mừng hôm nay phải được chính chúng ta đón nhận một cách tha thiết và phải bức xúc tranh thủ thời gian để loan báo các bài giáo huấn của Đức Giê su cho mọi người. Chậm một phút là không thể chấp nhận được.
“Anh em hãy đi và dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu 
================== 
 Suy niệm 3
Hiệp thông nên một
Gia đình Thiên Chúa[1], ba Ngôi nên một
Nhân ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng chiêm ngắm ba Ngôi Thiên Chúa như một “Gia đình” huyền nhiệm. “Gia đình” nầy có ba vị hay ba ngôi riêng biệt: Ngôi thứ nhất là Chúa Cha, ngôi thứ hai là Chúa Con, ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần.
Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng: “Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần thực sự phân biệt với nhau… Chúa Con không phải là Chúa Cha và Chúa Cha không phải là Chúa Con, Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con” (GLHTCG số 254).
Mặc dù Chúa Cha không phải là Chúa Con, nhưng cả hai hiệp nhất nên một trong tình yêu thương như lời Chúa Giê-su nói: “Thầy với Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Vì thế, “Ai thấy Thầy là đã xem thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).
Còn Chúa Thánh Thần tuy không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con, nhưng được xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, là một với Chúa Cha và Chúa Con.[2]
Từ “một” ở đây không nhằm chỉ số lượng ít nhiều, nhưng có ý nói đến sự hiệp nhất. Chẳng hạn như khi Chúa Giê-su nói: “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mc 10,8). Hai vợ chồng tuy trở nên “một” do tình yêu thương nối kết, nhưng xét theo số lượng, họ vẫn là hai.
Cũng thế, trong “Gia đình Thiên Chúa”, tình yêu thương sâu đậm giữa ba Ngôi đã liên kết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một, thế nên Hội thánh dạy rằng dù có ba Ngôi, nhưng chỉ có một Chúa.
Chúa Giê-su mong muốn gia đình chúng ta yêu thương hiệp nhất như gia đình của ba Ngôi Thiên Chúa
Gia đình ba Ngôi Thiên Chúa là trung tâm của tình yêu thương, hoan lạc và hiệp nhất, là mẫu mực tuyệt vời nhất cho các gia đình khác noi theo.
Vì thế, hôm xưa, trước khi rời xa các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su mong ước các môn đệ Ngài yêu thương gắn bó nên một với nhau như ba Ngôi Thiên Chúa hằng hiệp nhất trong yêu thương, nên Ngài tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một…” (Ga 17, 20-23).
Và hôm nay, Chúa Giê-su cũng mong ước gia đình của mỗi chúng ta luôn sống trong yêu thương và hiệp nhất như gia đình của Ngài nên Ngài hướng nhìn về mỗi thành viên trong gia đình chúng ta và cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho người cha, người mẹ và đứa con nầy nên một, “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha… để họ được nên một như Chúng Ta là một.”
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con quyết tâm chọn “Gia đình” của Chúa làm mẫu mực lý tưởng để xây dựng gia đình chúng con, xây dựng giáo xứ chúng con thành gia đình yêu thương và hiệp nhất bền chặt như “Gia đình” ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó mỗi gia đình sẽ trở nên hình ảnh sống động về Thiên Chúa ba Ngôi như lời nhắn nhủ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Ki-tô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa ba Ngôi Thiên Chúa.”
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà  
 

[1] “Gia đình Thiên Chúa” là cụm từ mà Đức Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền phát biểu tại Công đồng Vatican II và được các nghị phụ hoan hỉ đón nhận.
[2] GLHTCG số 245
================
Suy niệm 4
Hiệp nhất theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi

Sách Giáo lý Hội thánh dạy rằng “Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần thực sự phân biệt với nhau… Chúa Con không phải là Chúa Cha và Chúa Cha không phải là Chúa Con, Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con” (GLHTCG số 254). Tuy vậy, Hội thánh vẫn luôn tuyên xưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất.
Có hình ảnh nào minh họa cho mầu nhiệm nầy không?
Gia đình yêu thương hiệp nhất là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi
Một gia đình yêu thương đầm ấm có người cha là ngôi vị thứ nhất, người mẹ là ngôi vị thứ hai và đứa con là ngôi thứ ba. Ba người nầy, hay nói theo ngôn từ giáo lý, là ba ngôi nầy luôn yêu thương gắn bó mật thiết với nhau, một lòng một ý với nhau, lúc nào cũng xem nhau như một… Như thế, ba người nầy không còn là ba mà đã hiệp thông nên một.
Chính Chúa Giê-su xác nhận hai vợ chồng nầy là một khi dạy rằng: “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mat-thêu 19, 5-6).
(Ở đây, Chúa Giê-su không có ý dùng từ “một” theo số học để tính số lượng, nhưng theo nghĩa hiệp nhất, nghĩa là các thành viên trong gia đình hiệp thông nên một với nhau.)
Và đứa con là ngôi thứ ba trong gia đình, được sinh ra từ sự kết hợp của đôi vợ chồng đã trở nên “một xương một thịt” nầy cũng gắn bó mật thiết với cha với mẹ trong tình yêu thương, nên cả ba người trở nên một.
Ba người trong gia đình nầy luôn gắn bó hiệp nhất với nhau trong tình yêu thương là hình ảnh minh họa về Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong thư mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa năm 2002, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã dùng hình ảnh gia đình hiệp thông trong yêu thương để nói về Ba Ngôi Thiên Chúa như sau: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Ki-tô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (số 6).
Sống hiệp thông theo khuôn mẫu Ba Ngôi
Chúa Giê-su ao ước các môn đệ sống gắn bó mật thiết với nhau, hiệp nhất với nhau như Ngài luôn luôn kết hợp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Vì thế, hôm xưa trong bữa tiệc ly, Ngài thành khẩn cầu xin với Chúa Cha cho các môn đệ rằng: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17, 20-23).
Và hôm nay, Chúa Giê-su cũng ao ước cho người cha, người mẹ, người con… trong mỗi gia đình sống hòa thuận, yêu thương gắn bó nên một với nhau, nên Ngài tha thiết cầu xin với Chúa Cha cho họ được hiệp nhất: “Lạy Cha, xin cho người cha, người mẹ và đứa con nầy nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.”
Rồi Ngài cũng hướng về mỗi tín hữu trong Hội thánh và tha thiết khẩn cầu: “Lạy Cha, xin cho các tín hữu nầy được gắn bó nên một trong yêu thương như Chúng Ta là một.”
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa tha thiết cầu xin với Chúa Cha cho tất cả chúng con được sống hòa thuận, yêu thương, hiệp nhất như ba Ngôi Thiên Chúa luôn kết hợp với nhau. Xin giúp cho mỗi thành viên trong gia đình và cộng đoàn chúng con sẵn sàng xoá bỏ những bất hoà chia rẽ để sống gắn bó nên một như ý Chúa muốn; nhờ đó, gia đình và cộng đoàn chúng con trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
================== 
Suy niệm 5
NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN

(Mt 28, 16 – 20)

Tiếp liền sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.
Thánh Augustinô viết: « Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được ».
Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Dấu tôn vinh, chúc tụng và nguyện cầu
Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm …
Khi đặt tay lên trán chúng ta tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Đưa tay xuống ngực chúng ta chúc tụng Chúa Con tình yêu. Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần, Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc của đời chúng ta. Mỗi lần làm Dấu Thánh chúng ta xin Chúa Ba Ngội ngự đến biến đổi tâm hồn chúng ta nên giống Ngài trong lời nói cũng như việc làm.
Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói trọn lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta.
Dấu kẻ có Đạo.
Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để trao ban sự sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà chúng ta, những người « kitô hữu », nghĩa là thuộc về Đức Kitô. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để cứu chuộc chúng ta.
Trong năm Phụng vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu Thánh Giá.
– Mùa Phục Sinh chỉ cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá.
– Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi.
Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa tội, người thuộc về Chúa. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được « vẽ » và « ghi » dấu Thánh Giá. Dấu này bề ngoài không thể thấy được, nhưng in trong tâm hồn người kitô hữu. Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Hành động Đức Tin
Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong Đạo Công giáo.
1 – Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể.
2 – Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh.
3 – Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc: « Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần ». Chúng ta khẳng định mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh giá nghiêm túc hơn.
Hành động của Đức Cậy.
Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Người đã mở cửa Trời cho chúng ta.
Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế.
Hành động Đức Mến.
Thánh Giá gồm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với « tha nhân ».
Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang: ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được « nâng đỡ » bởi tình yêu Thiên Chúa.
Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái: « yêu tha nhân là yêu chính Chúa ».
Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, (yêu tha nhân), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không ?
Hai điều cần thiết: « là mến Chúa và yêu người ». Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần: « Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ». Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
Xin dâng lời chúc tụng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 6

MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI: MẦU NHIỆM CẦU NGUYỆN, SỐNG, VÀ SẺ CHIA

 Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ, chúng ta cùng với Giáo Hội hân hoan mừng lễ Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiệm nguồn cội và chính yếu của đời sống đức tin Công giáo. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi vượt trên trí hiểu, tâm trí của con người chúng ta, nhưng đó chẳng phải là lí do mà chúng ta không sống được Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chúng ta không hiểu thấu được mầu nhiệm cao quý khôn cùng này, nhưng chúng ta sống, cầu nguyện, cảm nghiệm mầu nhiệm này trong từng giây phút đời sống, trong từng hơi thở, trong từng trạng huống cuộc đời, trong mọi khoảnh khắc thường nhật của chúng ta.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải để tranh luận, nghiên cứu về mặt tri thức hay khoa học hàn lâm, nhưng là mầu nhiệm để sống, chia sẻ và cầu nguyện. Nó gắn liền mật thiết với con người và đời sống đức tin của chúng ta như nỗi lòng của Thánh Âu-gus-ti-nô được trải bày rõ nét, sống động trong cuốn ‘Tự Thuật’ (Confessio, Confessions): “Con đã yêu Chúa quá muộn màng! Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa luôn mới mẻ, con đã yêu Chúa quá muộn màng! Bấy giờ Chúa ở trong con mà con thì ở ngoài, con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài xa kia. Con thật hư hỏng, khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp. Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con mà con lại không ở với Chúa. Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa, trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa. Chúa đã gọi con, đã gọi to và phá tan sự điếc lác của con. Chúa đã soi sáng và xua đi sự mù lòa của con. Chúa đã tỏa hương thơm ngát để con được thưởng thức, và giờ đây hối hả quay về với Chúa. Con đã nếm thử Chúa và giờ đây con đói khát Người. Chúa đã chạm đến con, nên giờ đây con nóng lòng, chạy đi tìm an bình nơi Chúa..(Confessio X, 27, “Sero te amavi, pulchritudo tam antiqua et tam nova, sero te amavi! et ecce intus eras et ego foris, et ibi te quaerebam,”). Hơn nữa, chúng ta được gặp gỡ Chúa Ba Ngôi ngay chính trong thế giới nội tâm, chứ chẳng phải ở ngoài xung quanh ta, và một lúc nào đó chúng ta nhận ra, cảm nghiệm sâu sắc Chúa Ba Ngôi hiện diện thật ưu ái, gần gũi hơn chúng ta vẫn nghĩ. Người đi vào đời, vào tâm tư, cuộc sống mỗi người chúng ta như chính cảm nghiệm của thánh Phao-lô: “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (x. Cv17, 28).
Nhưng làm sao có một cái nhìn chung nhất về Thiên Chúa Ba Ngôi? Ở điểm này chỉ có một người giúp chúng ta khai thông, đó là Chúa Giê-su Ki-tô. Vì không ai thấy Thiên Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần, chỉ duy một mình Thầy Giê-su Chí Thánh hằng kết hiệp nên một với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh, “không ai nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ, ngoại trừ Chúa Con, Đấng ở trong cung lòng của Thiên Chúa Cha. Người đã tỏ cho chúng ta biết” (x. Ga 1, 18) và “ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy…” (x.Ga 14, 9-12). Trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an, Chúa Giê-su dạy dỗ các Thánh Tông Đồ về sứ vụ của Chúa Thánh Thần “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì. Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 13-15). Tắt một lời, chúng ta muốn cảm nghiệm, nhận biết Chúa Cha là Đấng như thế nào, Chúa Thánh Thần là Đấng ra sao, thì chúng ta hãy đến gần, chiêm ngắm và học nơi con người Chúa Con, Đấng Cứu Độ chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô. Vì khi chúng ta yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng giàu lòng thương xót, là Chúa Chiên Lành hy sinh cả mạng sống mình cho đàn chiên, là người cảm thông sâu xa với nỗi mất mát của tha nhân, hằng bao dung, không một lời lên án nhưng vẫn chờ đợi, mời gọi những kẻ tội lỗi, những người bị xã hội ruồng rẫy, những người bày mưu tính kế bắt nộp Ngài; và Ngài cũng không ruồng bỏ bất cứ một ai, nhưng hằng giang tay đón mời với ánh mắt nhân hậu thay đổi đời sống của Gia-kêu, của Mát-thêu, v.v…thì chúng ta cũng cảm nghiệm sâu sắc Đấng hằng yêu thương, tạo dựng, chăm sóc, ban cho ta ơn được thông phần vào ơn cứu độ. Vì vậy, Chúa Ki-tô chính là hiện thân của Chúa Cha vô hình, của một Thiên Chúa toàn năng nhưng khiêm hạ, hằng tha thứ, thương xót và mong chờ, mời gọi chúng ta trở về với Ngài. Và qua Chúa Giê-su, chúng ta nghiệm thấy sự kết hiệp mật thiết với Chúa Thánh Thần. Ngài hằng làm việc với Chúa Thánh Linh trong sứ mạng của Ngài (x. Mt 12, 28; Rm 1, 4; 8, 11, v.v…).
Do đó, chúng ta sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thế nào? Như lời chia sẻ một phần nhỏ ở trên, tuy chưa toàn diện, nhưng thiết nghĩ cũng ích lợi cho chúng ta ít nhiều, hầu rút ra một số điểm để cầu nguyện, để sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi một cách thâm sâu, đó là: năng chạy đến, ngắm nhìn, học hỏi, bắt chước con người Giê-su - hiện thân của Chúa Cha và kết hiệp mật thiết với Chúa Thánh Linh trong mọi công việc, sứ vụ. Thứ đến, việc năng đến với Giê-su ấy sẽ giúp chúng ta càng cảm nghiệm sâu xa, gần gũi mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bao nhiêu, thì chúng ta càng trở nên thân thiện, bao dung, nhẫn nại, tha thứ, ra đi đến với anh chị em của mình bấy nhiêu, đặc biệt những thành viên trong gia đình, hội đoàn, cộng đoàn giáo xứ, mọi người xung quanh lối xóm, nơi công sở, trường học và tất cả ở những lãnh vực khác. Và sau cùng, mỗi người trong chúng ta nên sống, làm việc, hay bất cứ sinh hoạt nào đều dựa trên nền tảng đời sống tu đức, cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi mỗi ngày dù tất bật, bận rộn với cuộc sống, phải chạy đua với thời gian; để rồi kể cả trong sự im lặng của Thiên Chúa, chúng ta cũng không nao núng, nhưng vẫn tín thác trọn niềm nơi Người. Vì chưng, đối với nhiều người, sự thinh lặng của Thiên Chúa là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, theo John Updike trải nghiệm thì “một Thiên Chúa ồn ã và mặc nhiên sẽ là một bạo chúa không an toàn, thay vì là một sự động viên không giới hạn đối với bản chất yếu đuối và hay sợ sệt của chúng ta. Câu đáp lại của Người hoà nhập vào cuộc hành trình dài, gồm những sự kiện to lớn của đời sống, sâu thành chuỗi xuyên suốt mọi vật”
Để kết thúc bài chia sẻ này, con xin mượn lời bài hát “Dấu Thánh” của nhạc sĩ Lê Đức Hùng để cùng với quý ông bà, anh chị em tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, và sống kết hiệp với Chúa Ba Ngôi hằng ngày như lời bài hát biểu lộ sự ước vọng, nỗ lực cố gắng cũng như những yếu đuối chưa sống đức tin vào Chúa Ba Ngôi…Qua đó, xin Chúa Ba Ngôi sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh hay giá băng của chúng ta, để chúng ta can đảm sống đức tin vào Chúa Ba Ngôi giữa đời.
Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng
Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu
Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần
Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc đời con.
Mỗi lần làm Dấu Thánh xin ngự đến trong tâm hồn con
Mỗi khi con cu nguyn xin hãy biến đổi tâm hồn con
Xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm
Ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương, của ngài giữa đời…

Lm. Xuân Hy Vọng

==================
Suy niệm 7
Nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi
Dnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20
Điểm hẹn cuối cùng của Đức Giêsu với mười một môn đệ tại một ngọn núi thuộc miền Galilê, ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến đó. Tại sao Người hẹn gặp các ông ở Galilê, mà không phải ở đền thờ hay hội đường? Có lẽ Galilê là nơi đặc biệt, nơi xảy ra những biến cố lịch sử cứu độ nhân thế của Người, là một cứ điểm truyền giáo. Đây là miền đất của dân ngoại, thật cần kíp để gieo Tin Mừng. Chính nơi đây Satan đã đưa Người lên để thỏa hiệp với hắn nhưng Người đã chiến thắng. Nên hôm nay trên núi này Đức Giêsu đã công bố với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Khởi đầu sứ vụ, nơi đây Thầy đã gọi các môn đệ đầu tiên. Và cuối cùng hôm nay, điểm hẹn này là nơi Thầy trao sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa ConChúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19.20a).
Suốt ba năm, các ông chỉ đi theo Thầy, trực tiếp cận kề học tập bên Thầy. Giờ đến lúc Thầy không còn trực tiếp dạy dỗ các ông, giờ là lúc các ông phải tự “thực hành thực tế” trong khi Thầy “vắng mặt”. Các ông phải “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”. Đây là trọng trách lớn lao và thật khó khăn vất vả, nhất là khi không thuận tiện, trong cái chật hẹp, tối tăm của đời các môn đệ cũng như mỗi chúng con hôm nay. Nhưng một lời hứa chắc chắn kèm theo để an ủi và thúc bách chúng con: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20b). Đây là lời hứa để chúng con an tâm khi thi hành sứ vụ khó khăn mà cao cả. Chính Thầy sẽ thực hiện những điều lớn lao kỳ diệu nơi con người mỏng giòn yếu đuối của mỗi chúng con. Từ buổi Thiên sứ truyền tin đã loan báo về Đức Giêsu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta(Mt 1,23). Vâng, Đấng Emmanuel vẫn luôn hiện diện, đồng hành, ở cùng các môn đệ và những người nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong mọi nơi mọi lúc. Chúa luôn ở cùng chúng con trên bước đường loan báo, trải dài cho đến ngày tận thế.
Lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng con chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cao cả lạ lùng: Tình yêu của Chúa Cha được thể hiện bằng việc hiến tặng Con Một yêu dấu. Tình yêu của Chúa Cha, ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần còn thể hiện trong Chúa Con, nơi tâm hồn các môn đệ và luôn ở trong chúng con nữa. Chúa ngự trị trong chính cõi lòng chúng con, cõi lòng là kho để cất giữ những gì quí giá. Vâng, Chúa Cha hằng ở trong Chúa Con, Chúa Con ở trong tâm hồn chúng con, như thế chúng con hằng được ở trong tình yêu Ba Ngôi hiệp nhất với tình yêu thương. Còn gì cao quý hạnh phúc hơn? Chúng con phải can đảm làm chứng cho tình yêu ấy nơi chúng con sống và làm việc mọi ngày.
Chúa ơi! Chúa đã trao cho chúng con sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa. Lạy Chúa! sức chúng con yếu lắm, lòng người đời thì cứng cỏi, nhưng chúng con tin Chúa sẽ ở cùng và ở với chúng con trong mọi nơi mọi lúc. Để dù khó khăn hay gian nguy, chính Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong con người hèn mọn yếu đuối chúng con, cho muôn dân nhận biết Chúa và đi theo Ngài. Amen.
Én Nhỏ

==================
Suy niệm 8
Ba Ngôi Tình Yêu

(Mt 28, 16 – 20)

Thiên Chúa Ba Ngôi độc nhất là Cha và Con và Thánh Thần, là Ðấng Toàn Năng đã lấy sự khôn ngoan và tình thương mà sáng tạo muôn vật hữu hình và vô hình "để ban cho chúng đầy tràn ơn phúc và cho nhiều thọ tạo được vui hưởng ánh sáng huy hoàng" (Kinh Tạ Ơn IV), như Kinh Tin Kính chúng ta vẫn đọc: "Tôi tin kính Một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng Tạo Thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình". Ngài đã tạo dựng thế giới hữu hình và vô hình trong tình yêu: Tất cả mọi tạo đều do Ngài mà có, không có Ngài chẳng có chi được tác thành, con người là chóp đỉnh của tạo thành, vì được tạo dựng riêng biệt, giống hình ảnh Chúa (x.St 1,26).
Trời đất muôn vật được cả Ba Ngôi sáng tạo trong tình yêu
Thường người ta nghĩ rằng Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo, Chúa Con là Đấng Cứu Chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa. Nhưng thực ra, toàn bộ công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, đều là công trình chung của cả Ba Ngôi Cha, Con và Thánh Thần. Cho dù Chúa Cha là Ðấng Toàn Năng: "Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì Chúa làm nên" (Lc 1,113B,3); "không có gì là không thể làm được" (Lc 1,37); "Ðấng làm cho kẻ chết được sống, và khiến những gì không có hóa có" (Rm 4,17). Ngài đã tạo dựng muôn vật từ hư vô, không cần gì vật có trước, không cần ai trợ giúp (x.DS 3022). Nhưng Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều cùng hành động: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 32,6). Chúa Cha đã sáng tạo mọi sự nhờ Lời là Đức Giêsu Kitô và Thánh Thần là hơi thở từ miệng Chúa Cha. Vũ trụ muôn loài muôn vật hữu hình và vô hình đều được tạo dựng trong tình yêu của Ba Ngôi.
Tình yêu cứu chuộc của Ba Ngôi
Chúa Cha là nguồn mạch của tình yêu trong tư cách là Cha, Ngài đã yêu Chúa Con và yêu chúng ta như thánh Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16); “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). Đây là tình yêu cứu chuộc, cao cả trong sáng tạo và thánh thiện trong trong ban.
Chúa Con là Đấng đón nhận tình yêu. Người được Chúa Cha yêu thương “trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Chúa Cha yêu Chúa Con, và Chúa Con đón nhận tình yêu của Chúa Cha trong công trình sáng tạo và cứu chuộc hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.
Ngày truyền tin Con Thiên Chúa nhập thế trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Thánh Thần rợp bóng trên Bà, Bà thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Khai mào sứ vụ công khai, Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Giêsu, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần do Cha xứ dầu tấn phong và sai đi. Chính Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu sống lại (Cv 2,24). Trên Thập giá Chúa Con trao Thần Khí cho Chúa Cha, thì vào ngày Phục sinh, Chúa Cha ban lại Thần Khí cho Chúa Con, để trong Chúa Con, cùng với Chúa Thánh Thần đưa nhân loại vào trong sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa.
Cứu chuộc là sáng kiến của Chúa Cha. Chính Ngài đã đặt Đức Giêsu làm “Con với tất cả quyền năng” sau khi Đức Giêsu đã “từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần” (Rm 1,4). Vài dẫn chứng trên cho chúng ta thấy tình yêu cứu chuộc của Ba Ngôi.
Ba Ngôi thánh hóa trong tình yêu
Chúng ta cũng thường nói, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa. Nhưng việc thánh hóa, không chỉ của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng là công việc chung của Chúa Cha, Chúa Con. Vai trò của Chúa Thánh Thần cho thấy tình yêu Ba Ngôi là một tình yêu mở rộng và dâng hiến. Chính do sự dâng hiến này mà, trong nhiệm cục cứu độ, Thiên Chúa luôn xuất hiện trong Thánh Thần. Thánh Thần có mặt thuở tạo dựng (St 1,2), ngự xuống trên Đức Giêsu (Lc 1,35), ùa vào thân xác phục sinh của Đức Giêsu (Rm 1,4). Theo nghĩa này, Thánh Thần làm trọn chân lý tình yêu khi cho thấy tình yêu chân thật không
Sự hiệp nhất của Ba Ngôi trong tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa là sự hiệp nhất trong tình yêu, với Đấng vì yêu mà trao nộp Con mình (Chúa Cha), Đấng vì yêu mà để mình bị trao nộp (Chúa Con), Đấng vì yêu mà tuôn tràn ngày Phục sinh để đưa con người vào trong tình yêu của Thiên Chúa (Chúa Thánh Thần).
Thực ra thì tất cả sứ mệnh và công trình của Đức Giêsu đều cho thấy sự hiệp nhất của Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Con Thiên Chúa, Đấng nhận và trao ban Thần Khí, là một với Chúa Cha (x.Ga 10,30), nhờ sự Phục sinh mà đặt nền móng cho sự hiệp nhất của con người trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi (x.Ga 14,20; 17,21.23).
Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 9
NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN

(Mt 28, 16 – 20)

Ngày hôm nay, Phụng vụ Giáo hội mừng kính trọng thể Một Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần.
1. Dấu Thánh Giá và Ba Ngôi
Để giúp chúng ta sống và cử hành lễ tình yêu này cho nên, trước khi suy niệm đoạn Tin Mừng (Mt 28,16-20), chúng ta cần nhắc lại rằng việc tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Chúa Thánh Thầngắn liền với Dấu Thánh Giá. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói: Việc thực hành đạo đức này là dấu chỉ cơ bản của kinh nguyện Kitô Giáo: Dấu Thánh Giá trên hết là một sự kiện của Thiên Chúa: Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, Chúa Kitô mở đường cho chúng ta đến với Chúa Cha. Như thế, Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa xa lạ nữa; Ngài có một tên, chúng ta có thể gọi Ngài, và Ngài gọi chúng ta”.
Với dấu Thánh Giá, chúng ta được chìm đắm trong Thiên Chúa Ba Ngôi, nên bằng cách sai phái các môn đệ của mình đi truyền giáo khắp thế gian, Chúa Kitô yêu cầu họ làm Phép Rửa “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
Vì vậy, khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta được Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm trong danh của Ngài, được thâm nhập vào sự hiện hữu của Ngài và được ở trong cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần. Chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng Tạo Dựng trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, đã chịu khổ hình và mai táng, sống lại, lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa. Và chúng ta tuyên tín Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Cha và Con mà ra.
Bắt đầu một ngày mới bằng dấu Thánh Giá, dấu của tình yêu Ba Ngôi, chúng ta gia nhập vào đời sống tương giao của tình yêu Thiên Chúa Cha, Con và Chúa Thánh Thần.
2. Ba Ngôi theo Tin Mừng hôm nay
Bây giờ chúng ta hãy bình luận về văn bản Tin Mừng rất ngắn (Mt 28,16 – 20) của Thánh Lễ Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần có mối quan hệ chặt chẽ trong tình yêu, nhận biết và hiệp thông với nhau. Những lời của Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ làm chứng tỏ mầu nhiệm sâu thẳm của Ba Ngôi. Chúng ta biết, Chúa là Cha, nguồn suối mọi ơn phúc, Chúa Con là Con của Chúa Cha trong tình yêu nhập thể cứu chuộc ta, và Chúa Thánh Thần là tình yêu Người của Cha và Con yêu con người bằng tình yêu thực sự.
Ba Ngôi thường bị coi là vô nghĩa đối với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng trong thực tế, Ba Ngôi Cực Thánh này bao trùm toàn bộ đời sống chúng ta. Ba Ngôi ở trong chúng ta, chúng ta là “đền thờ” của Ba Ngôi, và Ba Ngôi sống trong chúng ta.
Khi sai các môn đệ của mình đi, Chúa Giêsu truyền họ làm phép rửa cho muôn dân “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19), chứng tỏ, chúng ta, những người kitô hữu đã chịu Phép Rửa nhân danh Ba Ngôi. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta tham dự vào sự sống thần linh, và trở thành con cái Thiên Chúa là Cha, anh em với nhau trong Chúa Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Với Bí tích này, đời sống Kitô hữu của chúng ta bắt đầu được một lời kêu gọi nên thánh. Phép Rửa làm cho chúng ta thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Đấng “ba lần Thánh” (x. Is 6,3) ; “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em sống thánh thiện” (1Th 4,3)..
Hồng ân thánh mà chúng ta nhận được ngày chịu Phép Rửa tội đòi hỏi chúng ta phải trung thành với sứ vụ loan báo Tin Mừng, sứ vụ này ảnh hưởng đến tất cả những người đã chịu Phép Rửa tội. “Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái ” (Công Đồng Vaticanô II, LG, số 40).
Nếu Phép Rửa tội đưa chúng ta vào trong sự thánh thiện của Thiên Chúa, thì làm sao chúng ta có thể hài lòng với đời sống của một người kitô hữu bình thường và hời hợt được? Chúng ta được kêu gọi để nên thánh trong tình yêu, vì Phép Rửa dẫn chúng ta vào trong đời sống thân mật của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Với lòng biết ơn sâu sắc vì sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta chia sẻ đời sống tình yêu của Ngài, chúng ta thờ phượng và ngợi khen Chúa, bây giờ và mãi mãi. “Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng con” (Ca nhập lễ).
3. Ba Ngôi trong đời sống người Kitô hữu
Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta đều được ghi Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Liền sau đó sẽ được thẩm vấn và đòi buộc tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Liền sau đó sẽ được hỏi:
– Anh chị em có tin kính Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Dựng nên trời đất không?
– Anh chị em có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha… ?
– Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần… ? Câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên sẽ là, “Thưa có”.
Và cứ thế, hằng ngày, biết bao lần chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm… chúng ta đọc kinh Vinh Danh, kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính… nhất là chúng ta làm Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, cho thấy toàn thể thân xác cũng như linh hồn ta, tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm toàn bộ đời sống ta.
Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần…

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 10
NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN

(Mt 28, 16 – 20)

Tiếp liền sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.
Thánh Augustinô viết: « Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được ».
Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Dấu tôn vinh, chúc tụng và nguyện cầu
Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm …
Khi đặt tay lên trán chúng ta tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Đưa tay xuống ngực chúng ta chúc tụng Chúa Con tình yêu. Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần, Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc của đời chúng ta. Mỗi lần làm Dấu Thánh chúng ta xin Chúa Ba Ngội ngự đến biến đổi tâm hồn chúng ta nên giống Ngài trong lời nói cũng như việc làm.
Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói trọn lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta.
Dấu kẻ có Đạo.
Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để trao ban sự sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà chúng ta, những người « kitô hữu », nghĩa là thuộc về Đức Kitô. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để cứu chuộc chúng ta.
Trong năm Phụng vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu Thánh Giá.
– Mùa Phục Sinh chỉ cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá.
– Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi.
Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa tội, người thuộc về Chúa. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được « vẽ » và « ghi » dấu Thánh Giá. Dấu này bề ngoài không thể thấy được, nhưng in trong tâm hồn người kitô hữu. Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Hành động Đức Tin
Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong Đạo Công giáo.
1 – Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể.
2 – Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh.
3 – Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc: « Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần ». Chúng ta khẳng định mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh giá nghiêm túc hơn.
Hành động của Đức Cậy.
Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Người đã mở cửa Trời cho chúng ta.
Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế.
Hành động Đức Mến.
Thánh Giá gồm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với « tha nhân ».
Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang: ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được « nâng đỡ » bởi tình yêu Thiên Chúa.
Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái: « yêu tha nhân là yêu chính Chúa ».
Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, (yêu tha nhân), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không ?
Hai điều cần thiết: « là mến Chúa và yêu người ». Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần: « Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ». Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
Xin dâng lời chúc tụng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 11
BA NGÔI NHƯNG LÀ MỘT THIÊN CHÚA

(Mt 28, 16 – 20)

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm vĩ đại, thẳm sâu và trung tâm đức tin Đạo Công giáo, trong đó Ba Ngôi phát xuất từ nhau và trở về với nhau. Ba Ngôi Cha, Con, Thánh Thần, nhưng là Một Thiên Chúa, duy nhất trong sự hiệp thông và hiệp thông trong duy nhất, đồng thời, khác biệt nhưng cùng một bản thể và ngang hàng bằng nhau.
Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm chúng ta không thể nào diễn tả được. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy khi Ngài tự mạc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa mạc khải rằng Thiên Chúa là Cha từ muôn thuở, và Chúa Con là Đấng đồng bản thể với Chúa Cha, nghĩa là, Chúa Con là Thiên Chúa duy nhất trong Chúa Cha và cùng với Chúa Cha. Sứ vụ của Chúa Thánh Thần, Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, và Chúa Con sai đến từ nơi Chúa Cha, mạc khải rằng Chúa Thánh Thần cùng với Chúa Cha và Chúa Con là một Thiên Chúa duy nhất. “Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”. “Chúa Thánh Thần chủ yếu xuất phát từ Chúa Cha, mà từ đời đời Chúa Cha ban tặng cho Chúa Con, nên Chúa Thánh Thần xuất phát chung từ Hai Ngôi”. (GLHTCG số 261-262).
Theo thánh Grégoire de Nazianze (329 – 390): Ba Ngôi có cùng một bản tính, nhưng khác biệt về ngôi vị: Ngôi Cha “bất thụ sinh”, Ngôi Con “nhiệm sinh”, Ngôi Thánh Thần “nhiệm xuất”. Thánh Thần, Đấng nhiệm xuất bởi Cha, thì không phải là một thụ tạo; hơn nữa vì Ngài không được sinh ra, nên Ngài không phải là Con; nhưng vì Ngài ở giữa Đấng bất thụ sinh Đấng nhiệm sinh, nên Ngài là Thiên Chúa…
Theo Grégoire de Nysse (331 ? – 394): Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa, vì đồng bản tính, nhưng khác biệt nhau vì Ngôi Hai bởi Cha mà ra và chỉ mình Người là Con Một, còn Ngôi Ba bởi Ngôi Cha qua Ngôi Con mà có, nên gọi là Thánh Thần của Chúa Kitô. Chỗ khác ngài khẳng định Tam Vị Nhất Thể, Ngôi Cha là nguyên ủy và Hai Ngôi kia là do nguyên ủy, Ngôi Con mãi mãi là Con, còn Thánh Thần nhiệm xuất bởi Ngôi Cha qua Ngôi Con.
Theo thánh Augustinô (354 – 430 ): Ba Ngôi là một sự hằng hữu duy nhất, một quyền năng duy nhất: “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thuộc về một bản thể duy nhất và đồng nhất, là Thiên Chúa sáng tạo, là Ba Ngôi toàn năng” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, IV, xxi, 30). Do thuộc cùng một bản thể, Ba Ngôi ngang hàng với nhau đến nỗi “Chúa Cha không lớn hơn Chúa Con về thần tính, Chúa Cha và Chúa Con cùng với nhau cũng không lớn hơn Chúa Thánh Thần, từng Ngôi riêng biệt cũng không kém hơn chính Ba Ngôi” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngội, VIII ). Là ba, nhưng không phải là ba Thiên Chúa, mà chỉ là một Thiên Chúa.
Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Tuy nhiên đó không phải là ba Thiên Chúa, nhưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là chính Ba Ngôi (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, V, viii, 9).
Tương quan giữa Ba Ngôi phân biệt, nhưng không phân chia sự duy nhất. Chúa Cha luôn luôn là Cha và Chúa Con luôn luôn là Con. Nếu có lúc Chúa Con bắt đầu là Con thì một ngày nào đó sẽ thôi là Con. Nếu Chúa Cha có khởi đầu là Cha thì có lúc thôi là Cha. Chúa Cha chỉ được gọi là Cha do Ngài có một người Con, và Chúa Con chỉ được gọi là Con do Ngài có một người Cha. Vì vậy, cho dù có sự khác nhau giữa việc làm Cha và làm Con, bản thể lại không khác nhau, vì các Ngài không được gọi như thế xét về bản thể, nhưng là về tương quan và tương quan này không phải là một tùy thể vì nó không thay đổi” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, V, v, 6).
Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp tốt để người Kitô hữu ý thức được sự hiện diện của mầu nhiệm này trong đời sống chúng ta: từ ngày chịu Phép Rửa tội, chúng ta lãnh nhận nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi cho đến ngày chúng ta trước Mình Thánh Chúa, hiện tại hóa vinh quang của Chúa Cha qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Đó là dấu chỉ để các Kitô hữu sẽ nhận Dấu Thánh Giá, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Đây là lệnh Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ như trong Tin Mừng hôm nay: “Các con hãy đi giảng dạy môn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28, 19).
Nhiệm vụ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa Con là mạc khải Chúa Cha, vì Người là hình ảnh hoàn hảo, và trao ban Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người cũng đã mạc khải. Thật là sự an ủi tuyệt vời mà chúng ta có được Thiên Chúa Ba Ngôi, cao vời và không thể tiếp cận, đến với chúng ta, ở trong chúng ta và làm cho chúng ta đối thoại được với Ngài. Đây là “phẩm giá vô song của người Kitô hữu”, mà thánh Lêô cả Giáo hoàng đã nói nhiều lần: chúng ta có được nơi mình mầu nhiệm Thiên Chúa, và có chỗ ở trên Trời, nơi Chúa Giêsu Vị Cứu Chúa của chúng ta đang đợi những “công dân” Nước Trời (x. Pl 3,20 ), về cư ngụ nơi cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xin tạ ơn Ngài, lạy Chúa, xin tạ ơn Ngài là Một Chúa Ba Ngôi chân thật và chí tôn chí thánh. Chúa Cha là nguồn tình thương, Chúa Con là mạch ân sủng, Chúa Thánh Thần là suối ơn hiệp thông. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 12
THIÊN CHÚA BA NGÔI BAO TRÙM ĐỜI SỐNG NGƯỜI TÍN HỮU

(Mt 28, 16 – 20)

Ngày hôm nay, Phụng vụ Giáo hội mừng kính trọng thể Một Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Một bản thể duy nhất trong Ba Ngôi Vị. Thiên Chúa không phải là Ðấng đơn độc nhưng là Ðấng thông hiệp trọn vẹn. Nhân loại là hình ảnh của Thiên Chúa luôn tràn đầy tình yêu, là món quà thân yêu được ban tặng cho mỗi người. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi bao trùm cả đời sống chúng ta và tôn thờ Ngài.
Bài giáo lý thuộc lòng                                                                               
Thủa thiếu thời, trước khi bước vào Thánh lễ Chúa nhật, sau phần Kinh Sáng Tối, mọi người lại cùng nhau cất lên: Bổn dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn. Phần thứ I… bắt gặp câu:
Hỏi. Có mấy sự mầu nhiệm rất cần phải tin cho được rỗi linh hồn?
Thưa. Có Ba Sự Mầu Nhiệm này: một là sự Đức Chúa Trời Ba Ngôi
Lớn lên tôi mới hiểu đây là Một trong Ba Mầu Nhiệm phải tin cho được rỗi linh hồn. Thảo nào, những câu hỏi mà người học ai cũng được hỏi và buộc phải trả lời chính xác là:
Hỏi. Có nhiều Đức Chúa Trời chăng ?
Thưa. Có một Đức Chúa Trời mà thôi.
Hỏi: Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?
Thưa: Đức Chúa Trời có Ba Ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần.
Hỏi: Ngôi Nhất là Cha, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
Thưa: Phải.
Hỏi: Ngôi Hai là Con, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
Thưa: Phải.
H. Ngôi Ba là Thánh Thần, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
Thưa: Phải.
Hỏi: Nếu vậy có phải ba Đức Chúa Trời chăng ?
Thưa: Chẳng có, vì Ba Ngôi cũng một tính, một phép, vậy có một Đức Chúa Trời mà thôi.
Hỏi: Ba Ngôi, có Ngôi nào trước, Ngôi nào sau, Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém chăng ?
Thưa: Ba Ngôi cũng bằng nhau. (Sách Bổn Địa Phận Hà Nội tr. 11)
Điều thứ nhất. Đoạn thứ II. Phần I Sách Bổn nói trên là một bản tóm tắt tuyệt vời đầy đủ, dễ hiểu về Thiên Chúa là thực thể duy nhất hiện hữu trong Ba Ngôi Vị. Ba Ngôi bình đẳng, đồng tồn tại vĩnh cửu, tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và một uy quyền ngang nhau, nên Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa mà thôi.
Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi
Khi bước vào khoa Thần học, tôi được dạy và đọc thấy các nhà thần học suy tư về Một Thiên Chúa có Ba Ngôi. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động, cùng tác động trên thế giới.
Đức tin công giáo là thế này, chúng ta thờ kính Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, và Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa, mà không lẫn lộn các Ngôi Vị, không phân chia bản thể: thật vậy, Ngôi Cha là khác, Ngôi Con là khác và Ngôi Thánh Thần là khác; nhưng thần tính, sự vinh quang ngang nhau và uy quyền vĩnh cửu của Chúa Cha, của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần là một.
Các Ngôi vị thần linh không thể tách rời nhau trong cùng một bản thể duy nhất, thì cũng không thể tách rời nhau trong các hoạt động của mình. Nhưng trong hoạt động thần linh duy nhất này, mỗi Ngôi vị hiện diện theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi, nhất là trong các sứ vụ thần linh là việc Nhập Thể của Chúa Con và việc trao ban Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG số 266-267).
Ba Ngôi trong đời sống người tín hữu
Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta đều được ghi Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Liền sau đó sẽ được thẩm vấn và đòi buộc tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Câu hỏi sẽ là:
– Anh chị em có tin kính Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Dựng nên trời đất không?
– Anh chị em có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha… ?
– Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần… ?
Câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên sẽ là, “Thưa có.”
Và cứ thế, hằng ngày, biết bao lần chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm… chúng ta đọc kinh Vinh Danh, kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính… nhất là chúng ta làm Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, cho thấy toàn thể thân xác cũng như linh hồn ta, tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm toàn bộ đời sống ta.
Vậy, nhờ ân sủng của bí tích Rửa Tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta được kêu gọi để tham dự vào sự sống của Ba Ngôi Diễm Phúc, “ở trần thế này trong bóng tối của đức tin và sau khi chết trong ánh sáng vĩnh cửu” (GLHTCG số 265). Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tình Yêu Chẳng Từ Chối Gian Nan
Tình Yêu Chẳng Từ Chối Gian Nan
Xin cho tất cả những ai đang dấn thân phục vụ dân Chúa nơi vùng ngoại biên biết giữ cho trái tim luôn ấm nóng, cho đôi chân luôn vững vàng và ý chí luôn kiên cường trong mọi hoàn cảnh để trở nên chứng nhân sống động về tình yêu Chúa giữa núi rừng Tây Bắc xa xôi này, bất chấp mọi khó khăn thử thách vì “tình yêu chẳng từ chối gian nan”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log