Thứ năm, 25/04/2024

Suy niệm: Tam Nhật Thánh và Đại lễ Phục Sinh

Cập nhật lúc 10:23 29/03/2021
Thứ Năm Tuần Thánh
Người đã yêu thương họ đến cùng
Ga 13, 1-15
 
Hôm nay chúng ta cử hành Bữa Tiệc Ly. Trong bữa ăn này Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể và đặt các tông đồ làm thừa tác viên cho bí tích này và các bí tích khác. Cuối cùng Chúa rửa chân cho các ông.
Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ. Đó là một cử chỉ làm hoang mang.
- Chính Phêro là người đầu tiên nói lên sự hoang mang đó: “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”.
- Phêro không hiểu và từ chối vì nghĩ rằng Chúa Giêsu không có thể hạ mình xuống với một hành động như vậy. Chắc chúng ta không quên, Phêro đã có một lần tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu:“Thầy là Đức Kito, là Đấng Mesia. Con Thiên Chúa Hằng Sống”.
- Phêro không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho mình: “Thầy mà lại rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu.!”.
- Phêro nghĩ đó là điều bất xứng.
- Nhưng Phêro chỉ để cho Chúa rửa chân khi lời Chúa mở trái tim ông: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”.
Lẽ đương nhiên, tác giả bài Tin Mừng hôm nay không có ý định mô tả việc rửa chân theo thói quen của người do-thái. Chắc chắn chúng ta hiểu được ý nghĩa này: Chúa Giêsu hạ mình xuống như vậy chúng tỏ Ngài là một người phục vụ đến cùng. Ngài rửa chân cho các tông đồ nhưng thực ra, Ngài thánh hóa các ông, làm cho các ông nên sạch: “Xin thánh hóa họ trong sự thật”.
Chúa Giêsu rửa chân cho các tong đồ còn là một cử chỉ yêu thương và tha thứ, Đây là giới răn mới Chúa Giêsu ban cho các tông đồ: “Nếu Thầy là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy làm gương cho anh em để anh em cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.
Vấn đề không phải đơn giản là làm điều tốt cho anh em. Giới răn mà Chúa gửi đến các tông đồ chỉ được hiểu rõ, nếu biết liên kết với diễn biến trước đó trong bữa tiệc ly. Chúa báo trước chỉ một vài giờ nữa sự việc sẽ xẩy đến: hy lễ trọn vẹn, trao ban sự sống cho toàn thể nhân loại ngay từ lúc tạo thành vũ trụ cho đến ngày tận thế. Rửa chân là dấu chỉ tình yêu nối kết lại với các tông đồ, thánh hóa các ông và làm cho các ông xứng đáng hoàn thành lễ hy sinh cao cả của Chúa Kito trên  bước đường theo ngài.
Cần phải đặt song song hai mệnh lệnh mà Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” và “Anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. Lòng thương xót của Chúa cũng làm cho các tông đồ trở thành thừa tác viên tha thứ tội lỗi. Chúng ta biết rõ trong bí tích Hòa Giải, chính Chúa Giêsu đến rửa chân cho các tông đồ và làm cho họ tràn ngập tình thương xót của Ngài. Tất cả những điều đó làm chúng ta thấy rõ những mối liên kết không thể tách rời mà chúng ta cử hành hôm nay, mừng Mầu Nhiệm Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể trao ban sự sống
Rửa chân cho các môn đệ vừa mặc khải sự hạ mình, lại vừa mặc khải quyền năng vô biên của Chúa Kito:
- Chúa hạ mình xuống không phải vì Ngài muốn khiêm nhường, nhưng vì yêu Ngài hạ mình xuống và chấp nhận mọi giá.
- Chúa mặc khải quyền năng vô biên của Ngài không phải để chúng ta khiếp sợ, nhưng cũng chỉ vì yêu chúng ta.
- Chúng ta thấy rõ khi cử hành các bí tích, có nước, bánh, rượu., dầu. Đó là dấu chỉ sự nghèo khó đơn sơ nhưng cũng là sự quảng đại vô biên của ân ban Thiên Chúa.
- Quyền năng Thiên Chúa là quyền năng Tình Yêu Nhập Thể nối kết với mỗi người chúng ta. Và cũng chỉ quyền năng đó mới có thể thanh tấy chúng ta và làm cho chúng ta xứng đáng lãnh nhận ân ban của Thiên Chúa.
Vì thế, Thánh Thể là một công việc của Thiên Chúa được thực hiện qua tay một con người nghèo hèn tội lỗi, nhưng được Chúa Kito mời gọi để hành động thay cho Ngài và nhân danh Ngài. Bởi vì chúng ta đều là người yếu đuối như Phêro đã nói :”Thưa Thầy, đừng bao giờ Thầy rửa chân cho con ”. Đó cũng có thể là sự kiêu ngạo của con người, nếu chúng ta không biết ơn lòng nhân hậu từ bi của Thiên Chúa, tình yêu biếu không của Ngài làm cho chúng được sống.
Sau khi Chúa sống lại, Phêro mới có thể nói: “Lạy Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy”. Còn hôm nay, Phêro chỉ biết đêm kinh hoàng cuộc khổ nạn trao nộp Thầy mà thôi. Chỉ có cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu, mới có thể nâng đỡ Phêro  dậy.
Thánh Thể và các bí tích khác, chính là sự hạ mình của Chúa Giêsu để làm cho chúng ta trở nên giống Ngài và sống nhờ Ngài… Lạy Chúa chúng con xin hết lòng tạ ơn Chúa vì Chúa quảng đại với chúng con. Amen!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Thứ Sáu Tuần Thánh
Chiêm ngắm Chúa Kito trên Thập giá
Ga 18, 1-19, 42
 
Hôm nay chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và trên Thập giá để biết Ngài là ai?
- Tại Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đề nghị các môn đệ đi với Ngài và ở lại với Ngài.
- Rồi Ngài bị đám đông quân lính đến bắt. Bị dẫn đến tòa Philato. Philato giới thiệu Ngài trước mặt đám đông có mặt tại Giêrusalem để chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của người Do- thái.
- Chúa bị đánh đòn, bị lột áo, bị dẫn lên đồi Gongotha và chịu treo trên thập giá.
- Thánh Luca kết thúc cảnh tượng này với câu nói: “Tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những việc xẩy ra, liền dấm ngực trở về. Đứng đằng xa có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi theo Người từ xứ Galilea, họ cũng chứng kến”.
- Thánh Gioan kết luận: “Họ nhìn Đấng mà họ đã đâm thâu qua”.
Một lát nữa, chúng ta cũng nhìn Chúa Giêsu bị đóng đinh.
- Tại sao chúng ta phải mở Thánh giá ra cho mọi người?
- Tại sao chúng ta lại tôn kính Thánh giá?
- Vì tội của chúng ta cần phải được thấy, cần phải mở ra, không được che dấu nữa!
- Tội của chúng ta làm cho Chúa Giêsu phải gánh lấy, đến nỗi Ngài kêu lên: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con”?
- Tội của chúng ta gây nhiều tai hại kinh khủng và những hậu quả khác….
- Tội của chúng ta làm chúng ta phải chết và xa lìa Thiên Chúa. Chúng ta đừng khờ dại chạy trốn , hãy cứ ở lại đây! Vì chưng mở tội lỗi ra, đó là mở lòng yêu thương của Thiên Chúa: “Chúa Giêsu, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng”.
Đó là điều mà hôm nay chúng ta cử hành, chúng ta đến xem và chúng ta chiêm ngắm: chiêm ngắm tình yêu đã mở ra, tình yêu được giãi bày cho mọi người biết, tình yêu chiến thắng cho đến cùng, tình yêu chiến thắng sự chết và tội lỗi. Vâng, hôm nay chúng ta cử hành cuộc thắng trận của tình yêu được giải bày trên một Thập giá tùy theo mỗi người. Thật là kinh ngạc; một viên sỹ quan kêu lên: “Thật người này là Con Thiên Chúa”. Chúng ta đã ngây dại và đần độn. Chúng ta cũng vậy! Đã đâm thâu Con Duy nhất của Thiên Chúa, nhưng hãy khám phá ra rằng Chúa đã yêu chúng ta. Chúa đã chết, Vâng Chúa Giêsu đã chết; Vua vũ trụ đã chết trong sức mạnh tình yêu ngọt ngào dịu dàng biết bao!. Chúng ta chiêm ngắm Đấng đã chết, chết vì yêu.
- Chúng ta thấy trong bàn tay Chúa trên Thập giá có tất cả những bàn tay khép kín và sợ sệt của chúng ta. Biết bao lần chúng ta không yêu và không mở bàn tay ra cho người khác.
- Chúng ta thấy trong bàn chân Chúa chịu đóng đinh, tất cả những bước chân chối từ của chúng ta không để cho Ngài hướng dẫn, không vâng theo Ngài và phó thác vào Ngài, không muốn đến nơi mà chúng ta cần phải đến. Chúng ta đã phạm tội vì không để Ngài hướng dẫn chúng ta trên con đường tình yêu khổ nạn. Hãy xin Ngài ban cho ơn phó thác!
- Chúng ta thấy trong trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu có tất cả những thiếu sót tình yêu của chúng ta. Hãy xin Ngài ban cho chúng ta biết mở ra con tim để chúng ta có một con tim dịu dàng và yêu mến, không hận thù oán ghét.
Vâng, hôm nay chúng ta mệt nhọc vì tội lỗi chúng ta. Giống như Phêro, chúng ta đã chạy trốn, đã chối Thầy. Chúng ta đã chọc gai chúng ta vào đầu Chúa. Trước cái nhìn yêu thương của Chúa, như Phêro chúng ta có thể khóc bằng nước mắt  bình an, nước mắt từ đáy lòng, nước mắt của đứa trẻ thơ muốn tìm lại được tình yêu. Và cuối cùng chúng ta sẽ được yêu và yêu mãi. Mọi sự đã hoàn thành.
Một lát nữa chúng ta sẽ suy tôn Thập  giá. Khi suy tôn chúng ta nhận được hoa trái của Thập giá, đó là:
- Hãy đón nhận Đức Maria, Mẹ liên kết rất mật thiết với thập giá. Đón nhận Ngài là một người mẹ. Ôi món quà tuyệt vời! Mẹ Maria dưới chân thập giá, dưới chân đau khổ của chúng ta, dưới chân cả tội lỗi chúng ta. Mẹ cầu cho chúng ta!
- Khi chiêm ngắm thập giá, chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu về tình yêu của chúng ta bằng hương thơm con tim của mình. Chính Chúa Giêsu khát chúng ta. Ngài khát một lời cầu nguyện sâu xa đầy tình yêu của chúng ta. Hoa quả của Thâp giá chính là một tình yêu được canh tân cho Chúa Kito.
- Hơn nữa hoa quả quý trọng nhất của Thập giá, chính là có thể nhận xác Chúa Giêsu như Giuse Arimathia. Thân xác Chúa Giêsu chỉ muốn nên một với chúng ta. Thân xác nơi Bí tích Thánh Thể quý trọng này, chúng ta có thể đón nhân trong bất kỳ lúc nào.
Sau cùng, khi mang Thập giá chúng ta có thể như Nicodemo đến với Chúa ban đêm vì sợ người Dothai. Nhưng từ nay chúng ta hãy đến với Chúa vào ban ngày để bảo vệ đức tin chúng ta, như Chúa đã bảo vệ chúng ta khỏi sợ sệt. Tôn kính thập giá, đón nhậnThập giá, là trở nên nhân chứng của Chúa Giêsu.
Giờ đây chúng ta cùng nhau tín thác vào Vua vũ Trụ 10 lời cầu xin. Với  những lời cầu xin này, chúng ta hướng tâm hồn lên Ngài, xin Ngài tái tạo thế giới, đặt sự sống vào mọi nơi và mọi người. Xin Ngài làm cho tất cả những gì đã chết sẽ được sống và sống lại như Ngài. Amen!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Đêm Vọng Phục Sinh
Người đã sống lại, Người không còn ở đây nữa
Mc 16, 1-8
 
Đêm nay, chúng ta mừng Chúa Kito chiến thắng sự chết và tội lỗi. Đêm nay Giáo Hội cho chúng ta nghe những bài đọc Kinh Thánh nói về Lịch sử cứu độ. Các bài đọc này đều tìm được kết quả với tiếng hô vang thắng trận! Alleluia! Sự dữ và chết chóc không phải là từ ngữ cuối cùng. Việc gì phải đến, sẽ đến! Chung cuộc, tình yêu đã chiến thắng! Chúa Kito đã chiến thắng. Ngài mời gọi chúng ta hãy sống sự sống của Ngài! Tập luyện, chiến đấu càng vất vả, thì khi chiến thắng càng vinh quang!
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết: Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Madalena đến mộ an táng Chúa. Trời tối trong con tim chị cũng như con tim các tông đồ. Ba năm theo Chúa, họ nghe Chúa nói những lời đầy hy vọng. Họ hoàn toàn đặt tình yêu và niềm tín thác vào Ngài. Họ suy tính Ngài sẽ là vị giải phóng cho dân tộc Israel.Và từ đó, sẽ là điểm khởi cho một thế giới công bình và hạnh phúc. Tuy nhiên tất cả những toan tính tham vọng đó đều dừng lại vào chiều ngày thứ sáu: Ngài vừa mới bị bắt, bị kết án tử hình trên thập giá. Đó như là chấm hết mọi hy vọng!
Trời cũng tối trong con tim chúng ta và bao người trên thế giới hôm nay. Hôm nay chúng ta có thể nghĩ đến những người đã chết do đông đất, hỏa hoạn, lụt lội, chiến tranh và dịch bệnh Covid. Mỗi một ngày truyền thông đại chúng đã cho chúng ta biết rất nhiều tai nạn khủng khiếp và đau thuong. Và rất nhiều người sống trong cảnh bấp bênh không còn gì để nuôi thân. Khi mọi sự xẩy đến như thế, họ buông xuôi tất cả và không muốn sống nữa.
Nhưng đây vào buổi sáng ngày lễ Phục Sinh, có điều gì mới đang diễn ra. Những tấm khăn liệm xếp gọn lại, nhưng xác Chúa Giêsu không còn đó. Điều này muốn nói gì ? Có rất nhiều cách giải thích. Maria Madalena xem chừng chỉ nghĩ đến một giải pháp bi đát nhất: người ta đã lấy mất xác của Thầy mình rồi. Chúa Giêsu không còn đó. Maria chạy đi kêu với các tông đồ đến xem hiện trạng và các tông đồ cũng chạy đến mồ. Cuộc chạy này từ sáng sớm tinh mơ, lúc trời còn tối trong tâm trạng buồn phiền và lo lắng. Họ chỉ nghĩ đến những lời mà Chúa Giêsu đã lặp đi lặp lại nhiều lần khi Ngài báo tin Ngài sẽ chết và sẽ sống lại. Nhưng họ vẫn không hiểu và xem ra là chuyện không có thể.
Chúng ta, những tín hữu hôm nay tin vào Chúa Giêsu sống lại vì các tông đồ đã tin như thế. Chúng ta tin tưởng vào chứng từ của các ngài. Đời sống của các ngài và của hằng trăm triệu người trên thế giới đã thay đổi do biến cố Phục sinh này. Đó là một niềm vui mừng trọng đại của tất cả các kito hữu trên thế giới, vì biết rằng cái chết không phải là từ ngữ cuối cùng. Vào buổi sáng ngày Phục sinh tất cả chúng ta được mời gọi gần gũi bên nhau trong niềm vui này và hát lên nỗi vui mừng đó.. Niềm vui Chúa Kito sống lại đặt vào trong chúng ta, chúng ta cần giãi sáng niềm vui đó và công bố cho những người sống chung quanh chúng ta.
Như các tông đồ và nhiều chứng nhân theo Chúa qua nhiều thế kỷ, chúng ta cũng được sai đi loan báo Tin Mừng cho thế giới. Chúa cậy nhờ chúng ta đem sự sống và niềm vui cho thê giới. Nhiều người xung quanh chúng ta đang phải chiến đấu với bệnh tật, đau khổ thể lý và luân lý hoặc thất vọng. Họ cần chúng ta tìm lại hương thơm sự sống cho họ. Chúng ta đừng quên: có khi chỉ một sự quan tâm, một tình bạn, một sự tha thứ, một tấm bánh có thể gợi lên một phép lạ tái sinh. Một lời nói làm chứng về đức tin của chúng ta sẽ giúp họ gặp Chúa Kito sống lại.
Nếu có ai đó hỏi chúng ta biến cố nào quan trọng nhất của thế giới hôm nay, thì nhiều người trong chúng ta, nhất là các bạn trẻ sẽ nghĩ ngay đến những phát minh khoa học kỹ thuật, y học và một số tiến bộ khác vượt xa so với trước đây. Nhưng điều quan trong nhất làm thay đổi thế giới lại là: Chúa Kito đã sống lại. Sau khi chết, người ta đã đặt Chúa vào trong một ngôi mộ. Chúa đã sống lại và hằng sống đến muôn đời. Đó là một sự đảo lộn tuyệt vời làm thay đổi dòng lịch sử. Thông thường chúng ta chỉ thuật lại biến cố đó thôi. Nhưng thực ra đó là mở màn một thế giới mới. Phục sinh là ngày lễ quan trọng nhất của năm. Chúa Kito đã sống lại và kéo tất cả chúng ta đến chiến thắng tội lỗi và chết chóc.
Đối với chúng ta là những người kito, sứ mệnh loan báo Tin Mừng này đã được phó thác cho chúng ta đó!. Chúng ta được sai đi để làm chứng và mang sứ điệp Chúa Phúc Sinh cho người khác. Ngày lễ hôm nay là một bài ca ngợi sự sống, không phải chỉ là ngày lễ mà chúng ta cử hành theo thói quen một năm một lần. Người kito là một tông đồ của sự sống, được sai đi để làm chứng và mang sứ điệp tin mừng sự sống. Khi đọc Kinh Thánh chúng ta rất thường chỉ nghĩ đến những nguyên tắc luân lý và các giới răn. Nhưng khi Giáo Hôi nói không với một số trào lưu trên thế giới hôm nay, chính là vì Giáo Hội muốn nói có cho sự sống, nói có cho những gì là trọng đại và đẹp trong cuộc sống.
Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta rằng các chị em phụ nữ được sai đến với Phêro và các tông đồ khác để loan tin rằng Chúa Giêsu đang sống. Sứ mệnh đó cũng được phó thác cho chúng ta. Chúng ta cũng là môn đệ của Đấng đã sống lại và chúng ta phải sống thế nào để người khác có thể thấy Chúa Kito đang sống trong chúng ta. Thánh Phaolo đã nói điều đó với chúng ta: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kito sống trong tôi”. Chúa khẳng định Ngài hiện diện với chúng ta, Ngài “ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”. Với Ngài chúng ta không sợ một khó khăn hoặc nghịch cảnh nào. Lời Ngài là ánh sáng của chúng ta. Mình Máu Người là của ăn nuôi sống chúng ta và nâng đỡ chúng ta trên con đường hướng tới vĩnh hằng.
Vâng lạy Chúa của mọi kẻ chết sống lại, xin làm cho chúng con trở nên nhân chứng sự sống trọn vẹn mà Chúa đã ban cho chúng con. Xin ban cho chúng con sức mạnh và niềm vui của Chúa để tất cả những ai nghèo khó, khổ đau bệnh tật, nhận ra sự vĩ đại của Tình Yêu Chúa. Amen!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Chúa Nhật Phục Sinh
Suy niệm 1
Ngôi mộ trống
Ga 20, 1-9
 
Thánh sử Gioan ghi lại: “Maria Madalena đi ra mộ từ sáng sớm khi trời còn tối”.
- Ngày vẫn chưa kết thúc khi Maria Madalena chạy về tìm Simon Phê-ro và người môn đệ khác để thông báo rằng mình đã thấy ngôi mộ trống: Người ta đã lấy xác Thầy ra khỏi mộ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu
- Ngày vẫn chưa đến trong trái tim của Maria Madalena. Sự trống rỗng của ngôi mộ làm tăng gấp đôi bóng tối.
Khi Phê-ro và Gioan cùng chạy đến mộ, ngày bắt đầu ló rạng. Trời đủ sáng để trước khi vào ngôi mộ,
- Gioan phân biệt được rằng những khăn liệm vẫn còn đó. Ngôi mộ không hoàn toàn trống rỗng: vẫn còn một dấu vết của Chúa. 
- Nhưng dấu hiệu này vẫn còn khá tối đối với người môn đệ. Gioan ở ngoài cửa mộ, và không bước vào trong. Gioan ở giữa, giáp đêm và ánh sáng. Vẫn chưa hẳn là ngày trong trái tim Gioan.
Vẫn luôn là tranh tối tranh sáng khi Phê-rô đến và đi vào bên trong ngôi mộ
- Ngày đủ để Phê-rô thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Phê-rô thấy rằng những đồ vật này không có ở đó một cách tình cờ, Phê-ro phân biệt rằng ngôi mộ không bị rối loạn: mỗi thứ đều được dọn dẹp, ở vị trí của nó. 
- Nhưng ngày không đủ để Phê-ro giải mã những dấu hiệu này. Ngôi mộ không hoàn toàn trống rỗng; Nhưng dấu chỉ những tấm màn che và tấm vải liệm là gì? Phê-ro không nhìn thấy nó rõ ràng. Ngày vẫn chưa trỗi dậy trong con tim anh.
Ngày
Bấy giờ môn đệ kia mới vào dù anh đã tới mộ trước.
- Trước đó, khi nhìn thấy tấm vải liệm, Gioan đã không hiểu. Nhưng lúc này Gioan bước vào và phát hiện ra tấm màn che đầu Chúa Giêsu. Đối với Gioan, mọi thứ trở nên sáng rực rỡ: anh thấy và anh tin.
- Trước đó, một tấm màn che cái nhìn của chính Gioan, khiến Gioan không thể nhận ra dấu hiệu của sự phục sinh. Nhưng khi tấm màn rơi xuống, Gioan thấy rằng ngôi mộ thực sự trống rỗng! Người chết đã biến mất! Cái chết đã bị đánh bại!
Tấm vải liệm và tấm màn che, hòn đá lăn ra khỏi mộ không phải là dấu chỉ làm uế tạp ngôi mộ. Tất cả những thứ đó là dấu chỉ chiến thắng của Chúa trên tất cả các thế lực của bóng tối và cái chết!
Ngôi mộ trống! Gioan không còn tìm Người đầu tiên đang sống giữa những người chết nữa. Ngày lễ Phục sinh đã trỗi dậy. Đối với Gioan, Chúa Kitô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật!
Thật vậy, lúc đó các môn đệ còn chưa hiểu rằng. theo Kinh thánh, Chúa Giêsu phải sống lại từ cõi chết.
- Vào ngày lễ Phục sinh trước ngôi mộ trống, dưới một ánh sáng mới, họ khám phá điều đó qua Kinh thánh. 
- Sự trống rỗng của ngôi mộ giống như một mật khẩu, giờ đây cho phép họ giải mã những gì các tiên tri đã nói, những gì Chúa Giêsu đã tuyên bố với họ.
Ngôi mộ trống rỗng! Tấm vải liệm và tấm màn che không còn che thân xác của Con Người! Sự trống rỗng của ngôi mộ đầy ánh sáng: Chúa Kitô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật!
Ngày qua ngày
Ngôi mộ trống rỗng! Cái chết không còn là từ ngữ cuối cùng của con người!  Cuối cùng cái chết đã tìm thấy được sức mạnh hơn chính cái chết! Chúa Kitô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật!
Đó là ngày lễ Phục sinh!
- Trước ngày đó, cả nhân loại bị một tấm màn tang che phủ. Mỗi người từ khi sinh ra, chắc chắn phải bước đi đến cái chết. Mỗi ngày làm cho con người gần hơn với thời hạn chết chóc này. Cái bóng của sự chết lơ lửng trên toàn bộ cuộc sống con người, làm con người tối sầm lại cho đến giờ vui mừng. 
- Từ ngày lễ Phục sinh, với con mắt đức tin, cái chết không còn là điểm kết thúc. Từ đó trở đi, người già cũng như đứa trẻ ngày qua ngày, có thể đi hướng về sự sống! Dấu ấn của cái chết trở thành điềm báo sự phục sinh. Cái chết như là cánh cửa mở để đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Hy vọng bừng lên trong trái tim con người!
Vào ngày lễ Phục sinh này, chúng ta tin rằng, Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng thử thách lớn lao nhất. 
- Qua cái chết, Ngài đã làm cho cái chết chết
- Qua sự phục sinh, Ngài ban cho chúng ta Sự sống. 
Đó là ngày lễ Phục sinh trên trái đất chúng ta đang sống vẫn đang đi trong bóng tối: sự lo lắng tiếp tục làm tối chúng ta và dấu vết của cái chết vẫn thường hiện diện giữa chúng ta. Nhưng, chúng ta tin ngôi mộ trống! Cái chết sẽ không có từ ngữ cuối cùng! Một ánh sáng đã bừng lên trong lòng nhân loại mạnh hơn tất cả sự tối tăm và tất cả bóng tối! Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta nhận được sức mạnh của sự sống lại: sức mạnh đẩy lùi cái chết mỗi ngày và hy vọng một ngày dẫn đến Ánh sáng trọn vẹn!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Ga 20, 1 – 9
Sau khi vội vã làm lễ an táng cho Chúa, mọi người rút lui về nhà trước lúc mặt trời lặn. Nhà nào? Một cách vừa hợp tình, vừa hợp lý, chúng ta có thể khẳng định là mọi người tập trung về nhà bà Maria mẹ của Mác cô. Bà là đại gia. Đại gia là cái dù lớn che cho mọi người thân thương của Chúa, trong tình thế cực khó khăn này.
Mấy chục người gồm cả đàn ông lẫn đàn bà ru rú với nhau suốt 36 tiếng đồng hồ, từ lúc mặt trời lặn ngày thứ sáu cho tới hừng đông ngày Chúa nhật. Có thể là họ không nhắm mắt để ngủ. Cũng có thể họ chỉ ăn vặt vãnh để giết thời giờ. Buồn quá, khổ quá, sợ quá!...
Sáng sớm Chúa nhật, hết thời gian nghỉ ngày Sa bát, các bà rủ nhau ra mộ để thăm viếng và để khóc thương. Chắc chắn bà Maria Mác đa la có ăn gian, vì lúc ấy trời vẫn còn tối, chưa chấm dứt luật nghỉ  Sabát, nhưng thương quá, nôn nóng quá nên mới ăn gian như vậy. Bà Mác đa la đi một mình chứ không đi chung với các bà kia. Thấy ngôi mộ trống, cửa mộ bị lật tung, chẳng thấy Chúa đâu. Bà vội vã chạy về báo tin cho hai tông đồ thân nhất, đó là Thánh Phêrô và Gioan. Thế là cả ba người cùng chạy ra mộ. Bà Mác đa la chạy chậm, vì là đàn bà. Ông Phêrô chạy chậm hơn Gioan vì ông cao tuổi hơn và vẫn còn sợ sợ. Ông Gioan còn trẻ, chạy nhanh vì quá nôn nóng. Gioan tới mộ trước, nhưng chưa dám vào, vì vẫn e ngại. Khi Phêrô tới thì hai người cùng vào.
Phêrô sửng sốt vì không thấy xác Chúa đâu. Gioan thì tin Chúa sống lại rồi, bằng chứng là các khăn liệm xác được xếp gọn gàng: khăn che mặt để riêng, khăn liệm thì để riêng. Sở dĩ ông tin ngay là Chúa sống lại rồi vì cách xếp đặt ngăn nắp như thế là thói quen của Chúa. Những người khác thì không để ý đến điều đó vì chỉ một mình Gioan là môn đệ thân tín nhất của Chúa. Ông yêu Chúa nhiều nên ông hiểu Chúa nhiều hơn.
Mọi người ra thăm mộ, thấy mộ trống, thì bỏ về hết, không ai ở lại, vì nơi đó là điểm nóng đang được thượng tế và các kinh sư quan tâm theo dõi.
Chỉ một mình Mác đa la ngồi ở lại, khóc thút thít một mình. Bà chẳng sợ ai hết, vì quá khứ của bà là cô điếm. Đã liều thân làm điếm thì chẳng còn coi ai ra gì. Ông to ông lớn đối với bà cũng chỉ là phường tội lỗi. Vả lại bà đã được Chúa giúp bỏ đường tội lỗi, thì bà chỉ còn biết yêu Chúa thôi. Đã yêu Chúa thì không còn biết sợ là gì. Maria là tấm gương tuyệt vời dành cho người lầm đường lạc lối. Hãy bỏ đường tội lỗi để trở về với Chúa. Đã trở về với Chúa là còn tất cả và sẽ được tất cả.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 3
 CHÚA GIÊ-SU CHIẾN THẮNG TỬ THẦN
 Tất cả mọi người trên thế giới thuộc đủ mọi chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, ở bất kỳ thời đại nào, từ xưa cũng như hiện nay… đều có một kẻ thù chung hết sức nguy hại và rất đáng sợ.
Kẻ thù đó là ai ?
Đó là sự chết, thường được người đời đặt cho nó một danh hiệu khủng khiếp là thần Chết.
Đúng thế, thần Chết là kẻ thù chung của nhân loại, là kẻ thù truyền kiếp của loài người và nhân loại đã đồng tâm hiệp lực trong việc đẩy lui hoặc diệt trừ thần Chết càng sớm càng tốt.
Suốt dòng lịch sử loài người, nhân loại đã đem hết tài năng, trí tuệ, công sức của mình để bào chế thuốc men, tìm kiếm đủ thứ phương thức trị liệu, nghiên cứu những phương thuốc trường sinh… nhằm kéo dài tuổi thọ, nhằm đẩy lùi sự chết, nhưng đã hoàn toàn thất bại trước thần Chết.
Thế thì biết cậy dựa vào ai để đánh bại kẻ thù chung này? Ai là siêu nhân trên địa cầu này có thể tiêu diệt hay đẩy lùi thần Chết?
Thưa, chỉ có một Đấng duy nhất có thể đánh bại thần Chết mà thôi. Vị này là một Con Người nhưng đồng thời cũng là Thiên Chúa, đó là Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su chiến thắng Thần Chết khi đến thành Na-in, Ngài thấy người ta khiêng đi chôn người thanh niên con trai một bà goá; mặc dù anh này đã lọt vào tay Tử thần nhưng Chúa Giê-su vẫn dành lại được, đưa anh về với thế giới người sống (Lc 7, 11-17).
Chúa Giê-su chiến thắng thần Chết khi làm cho con gái ông Giai-rô, mặc dù bé đã chết, Ngài vẫn đưa bé trở về với cuộc sống (Mc 15, 21-43).
Chúa Giê-su chiến thắng thần Chết khi La-da-rô đã nằm trong họng thần Chết 4 ngày rồi, vậy mà Chúa Giê-su vẫn giải cứu anh khỏi móng vuốt tử thần để cho anh được sống (Ga 11, 1-45).
Và đặc biệt là trong cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, tử thần tưởng đã tiêu diệt Chúa Giê-su, hạ đo ván Chúa Giê-su, khiến Ngài phải tắt thở trên thập giá, rồi bị mai táng trong mồ... Các môn đệ của Ngài tỏ ra tuyệt vọng vì chủ tướng của mình đã thảm bại trước thần Chết. Thần Chết tưởng là đã chiến thắng Chúa Giê-su. Thế nhưng nó đã lầm. Chúa Giê-su đã sống lại trong vinh quang và mở đường vào thiên quốc.
Thế là từ đây, một trang sử mới bắt đầu, một kỷ nguyên mới khởi sự, đó là kỷ nguyên Chúa Giê-su chiến thắng tử thần và giải thoát muôn người khỏi tai ách của nó, không những giải thoát mà còn đưa muôn người vào cõi sống đời đời vinh quang bất diệt.
Cuộc chiến thắng oanh liệt của Chúa Giê-su trước tử thần đem lại cho chúng ta nhiều hy vọng và niềm vui vô cùng lớn lao như lời Thánh Phao-lô nói:
Nhờ Chúa Giê-su chiến thắng thần Chết, “cái thân xác phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử.
Và “sẽ ứng nghiệm lời Kinh thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi…  Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? … Hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã cho chúng ta chiến thắng sự chết nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta (I Cr 15, 54- 57).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đã chiến thắng thần Chết, đã giải thoát chúng con khỏi móng vuốt tử thần và mở cửa thiên đàng cho chúng con. Chúng con xin tôn vinh chúc tụng Chúa. Chúng con tôn thờ Chúa là chủ tướng của chúng con. Xin cho chúng con bền tâm theo Chúa đến cùng, tuân giữ luật mến Chúa yêu người như Chúa đã dạy, để được Chúa dẫn vào cõi phúc đời đời vinh hiển. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==================
Suy niệm 4
Chúa sống lại 
là tin bởi trời loan xuống
(Ga  20, 1-9)

Ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà nước mắt chưa vơi, tình người chưa cạn. Maria Mađalêna, người đàn bà rất thật đàn bà, mạnh mẽ phi thường. Lúc các môn đệ, giới mày râu vai u thị bắp, có những vị được mệnh danh là con cái sấm sét, đang ẩn đâu đấy sau khi thầy bị bắt, bị giết và an táng trong mồ, thì Maria Mađalêna vẫn can đảm dõi bước theo Thầy trong hành trình Thương Khó, tận mắt thấy cảnh Thầy bị đánh đòn vai mang thập giá, can đảm hơn bà còn đứng dưới chân Thánh giá, chôn cất Thầy, nay lại ra viếng mồ Thầy khi trời còn chưa sáng như Matthêu thuật lại trong Tin Mừng hôm nay: "Ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ" (Mt 28,1). Lúc tranh tối tranh sáng, người ta thường hay sợ thế lực nào đó, Maria đã chứng tỏ bản lĩnh của mình. 
Bà tới mộ, ô kìa, chuyện gì đã xảy ra vậy ? Động chuyển mạnh vì Thiên Thần từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Trong lúc "lính canh khiếp đảm" (Mt 28,4) thì các bà lại được trấn an : "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã sống lại như lời Người đã nói" (Mt 28,5-6).
Chúa Giêsu đúng như lời Người đã báo trước
Sao tảng đá lấp cửa mồ lại lăn ra, xác Thầy tôi đâu ? Cho dù can đảm, nhưng vốn bà vẫn là phái yếu, liễu yếu đào tơ, cần tìm người trợ giúp, hiển nhiên phải là các ông rồi. Bà liền tức tốc quay về tìm Simon Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, với hy vọng mấy ông sẽ tìm ra thủ phạm, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu ?" (Ga 20, 2). Chúng ta cứ tưởng tượng xem, khi hay tin, tâm trạng các ông như thế nào lúc "cả hai cùng chạy, nhưng một ông chạy nhanh hơn, tới mộ trước cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong"(x. Ga 20, 4). Tại sao ông lại không vào trong ? Ông không vào là vì ông tôn trọng Phêrô là đầu của nhóm. Ông thấy và ông  tin Người phải sống lại từ cõi chết, đúng như lời Kinh Thánh.
Chúa đã sống lại thật rồi ! Allêluia ! Allêluia ! Allêluia ! Chúng ta có tin không ?
Tin Chúa Giêsu sống lại là tin từ trời
Nếu như ngày Con Thiên Chúa nhập thể làm người, Thiên Thần từ trời loan báo “Này bà sẽ thụ thai…” (x. Mt 1, 23). Ngày hạ sinh Con Một Chúa, cũng chính các Thiên Tần báo tin : “Này đây ta báo cho các người một tin mừng …” (Lc 2,10). Nay Chúa sống lại, cũng chính các Thiên Thần từ trời xuống loan tin cho bà Maria Mađalêna và truyền cho bà đi báo tin cho các môn đệ : “Các bà đừng sợ: Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nagiaret chịu đóng đinh, nhưng Người đã sống lai, không còn ở đây nữa. Đây là chỗ người ta đữ đặt Người” (Mc 16,5). Chúa sống lại, không phải do con người khám phá ra nhờ ngôi mộ trống hay những tấm khăn niệm. Không, Chúa sống lại là tin bởi trời, do trời mặc khải và sai các Thiên Thần loan tin cho người thế.
Sống Tin Mừng Phục Sinh
Hôm nay Giáo hội mừng Chúa sống lại với niềm vui khôn tả. Chúa Giêsu sống lại là một thực tế của lịch sử mà những người phụ nữ thánh thiện, các tông và môn đệ chứng thực, họ đã nhìn thấy và nhất là đã đụng chạm vào Chúa Giêsu Phục sinh. Lời của Phêrô là bằng chứng: "Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng " (Cv 10, 37-41).
Chính Phaolô, người Do thái nhiệt thành cũng quả quyết : "Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm Mười hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong số đó phần đông hiện nay cũng còn sống, nhưng cũng có người đã yên nghỉ. Rồi Ngài đã hiện ra cho Giacôbê; đoạn cho các tông đồ hết thảy.  Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con ranh" (1 Cr 15, 3-8 ; Ga 20, 1-29) ; Mt 28, 9-10). Những người dân ngoại và Do thái cũng là những chứng nhân rất đặc biệt !
Bài Ca Tiếp Liên chúng ta hát trong ngày hôm nay nhắc lại biến cố lịch sử quan trọng này. Maria Madalêna đã thực sự gặp các thiên thần làm chứng tỏ tường, thấy y phục và khăn liệm của Đức Kitô Phục Sinh. Với hồng ân đức tin, đến lượt chúng ta phải công bố tin mừng Chúa phục sinh (x. Ca Tiếp Liên lễ Phục Sinh).
Mừng lễ Chúa Kitô Phục sinh là dịp để người kitô chúng ta vui mừng hân hoan và tràn trề niềm hy vọng vào một tương lai huy hoàng sáng lạng trong nước Thiên Chúa sau khi đã hoàn tất cuộc đời lữ thứ trần gian. Chúa Kitô Phục sinh khải hoàn, đó là niềm tin và lẽ sống của người Kitô. Hôm nay chúng ta hân hoan vui mừng với tinh thần mà thánh Phaolô nói: "Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Đức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật" (1Cr 5,7-8). Từ nay chúng ta quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng nữa, bởi vì ngày chúng ta chịu phép rửa tội, "nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới" (Rm 6, 4). Ước mong niềm tin vào Đấng Phục sinh luôn đem đến cho Giáo hội, cho thế giới và mọi người trên trái đất này sự bình an, ơn hiệp nhất để cùng hướng về mục đích đệ nhất của kiếp người là được hưởng sự sống vĩnh hằng trong ngày sau hết.
Sau khi hân hoan mừng Chúa Phục Sinh. Giáo hội muốn nhắn gửi mỗi người chúng ta rằng: hãy lên đường, để sự hiện diện của ta là lời chứng rao giảng hùng hồn về Đức Kitô đã chết đi, loan tin Người đã sống lại, trong vinh quang mai Người lại đến đón chúng ta, những người tin vào Đức Kitô lên trời về với Chúa Cha. Vì quê hương chúng ta là quê Trời, nước chúng ta là Nước Trời. Thánh Phao lô khuyên chúng ta "hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa" (Cl 3, 3).
Chúa sống lại thật rồi, Allêluia! Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn đời muôn thủa. Allêluia!

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 

=====================
Suy niệm 5
Ông Đã Thấy Và Đã Tin

Cv 10, 34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Tin Mừng hôm nay trình thuật biến cố Phục Sinh theo thánh Gioan. Ông giấu tên và tự đặt cho mình biệt hiệu thần bí nhưng thật là dễ thương: “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”.
Cái chết của Thầy Giêsu làm “cả thế giới” của các môn đệ và những người phụ nữ theo Thầy bị sụp đổ tan tành. Các ông thì thấy thất bại và chán chường. Các bà thì đứt ruột… khóc hết cả nước mắt! Nên sáng sớm ngày thứ ba lúc trời còn tối, phận nữ mà bà Maria Macđala đã liều ra thăm mộ. Lòng yêu mến Thầy của bà đã vượt lên nỗi sợ hãi.
Thoạt nghe bà Maria Macđala báo về ngôi mộ trống, hai môn đệ cùng “chạy” ra mộ. Bình thường người ta đi chứ không chạy, nhưng ở đây là việc nóng bỏng cấp thiết, tình yêu là động lực thúc đẩy bước chân người môn đệ. Cả Gioan và Phêrô cùng chạy nhưng Gioan chạy nhanh hơn. Có lẽ vì Gioan còn trẻ, nhưng đúng hơn là lòng yêu Thầy thúc đẩy và dồn nhanh bước chân ông không thể đặng đừng. Gioan là một trong ba môn đệ gần gũi Thầy mình nhất và được chứng kiến vinh quang cũng như khổ đau của Thầy, ông được tựa đầu vào ngực Thầy trong bữa tiệc sau hết và chỉ còn mình ông trong hàng môn đệ đứng dưới chân Thánh giá. Gioan là người đã có cảm nhận sâu sắc nhất về tình yêu của Đức Kitô vì chỉ có Ngài mới phát biểu một câu “định nghĩa” ngắn gọn nhưng thật đầy đủ: “Thiên Chúa là tình yêu”. Hôm nay trong biến cố Phục Sinh, bằng cảm nhận của tình yêu tha thiết, ông được “thấy” mầu nhiệm trọng đại và đã tin trước hết. Thật tế nhị khi ông “chiêm niệm trong lòng” đã, khiêm nhường để cho Phêrô vào trước mà chứng kiến sự việc, một mẫu gương cho Giáo Hội xưa nay.
Sau cái chết của Thầy, lòng yêu của ông còn canh cánh về đó. Cũng chính tình yêu làm cho ông nhạy cảm, nhận ra, luôn “thấy” và tin. Trong mầu nhiệm Phục Sinh, Gioan chỉ kết luận bằng một lời thú nhận rằng “ông đã thấy và đã tin”. Ông còn được mang danh hiệu “Người môn đệ Chúa đó!” Với tình yêu, ông có thể làm chứng cho Thầy cách chắc chắn về điều mình đã “thấy” và chiêm niệm: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến…” (1Ga 1,1).
Thánh Gioan đã “thấy và tin”. Ngày nay chúng con cần “tin để thấy”, để yêu. Chúa ơi! hôm nay chúng con thấy gì trong một tấm bánh trắng đơn sơ mỏng manh? Tấm Bánh ấy làm lòng con tan chảy, con được thấy, được gặp gỡ Đấng mà lòng con yêu mến với hạnh phúc ngọt ngào, trào tràn khiến mắt con tuôn trào suối lệ. Chiêm ngắm Chúa trong mùa Phục Sinh này, con càng cảm nhận thấy tình yêu không bến bờ của Chúa. Xin cho đời con thành lời chứng cho mọi người nhận ra và yêu mến Chúa hơn. Amen.
Én Nhỏ
                                                       
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Chiều ngày 22.04.2024 Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, đã viếng thăm và huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế. Trong bài chia sẻ này, Đức Cha mời gọi các chủng sinh ước mơ và mong muốn trở thành một linh mục thánh thiện.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log