Suy niệm 1
TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN Lc 21, 25-28; 34-36 Mùa Vọng hướng đến việc Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nhưng điều chính yếu là hướng chúng ta về ngày Chúa lại đến trong vinh quang. Vì vậy mà đoạn Tin Mừng hôm nay là một phần của diễn từ ngày cánh chung: Đức Giêsu nói tới những việc sẽ xẩy ra vào những ngày sau cùng. Điều quan trọng không phải là hiểu biết về ngày ấy như thế nào, sẽ diễn biến sa sao, mà là một thái độ sống tích cực bằng tình yêu mến trong mọi công việc, để có thể vui mừng đón Chúa đến trong ngày ấy. Muốn được như thế, Đức Giêsu đã căn dặn:
“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Thế nào là tỉnh thức? Người tỉnh thức là người không có ảo tưởng về bản thân và cuộc đời; không nhầm lẫn mộng tưởng với hiện thực; không sống mơ hồ, nhưng nhận biết mình đang biết: biết về
thực trạng của bản thân; biết về
thực chất của mọi công việc; biết về
thực tại của mọi biến chuyển, để có thể sống
thực tâm với Chúa
, thực tình với người
, và
thực tế với đời. Chúa Giêsu nói rất cụ thể, là đừng để
“lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy đến như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. Thật ra, Thiên Chúa không hành động bất ngờ để bắt chộp ai, vì vẫn luôn có những điềm thiêng dấu lạ để báo trước. Bất ngờ là vì ta đã sống ơ hờ, ươn lười và chểnh mảng (x. Mt 25, 1-10; 24-28). Nếu ta biết sống thanh thoát và sẵn sàng, thì việc Chúa đến bất ngờ lại là điều rất thú vị.
Người tỉnh thức luôn biết hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức. Người tỉnh thức cũng chính là người sống đẹp từng giây phút hiện tại, nghĩa là sống toàn tâm toàn ý trong từng công việc, từng bổn phận, từng mối liên hệ với tâm hồn đầy yêu mến. Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta:
“Lúc này là lúc thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6, 2). Các thánh đã sống tuyệt hảo giây phút hiện tại theo ý muốn của Thiên Chúa, Đấng chỉ có hiện tại, không có quá khứ hay tương lai.
Tỉnh thức cũng là giác ngộ, vì giác ngộ là tỉnh ra mà thấu rõ chân tướng của của cuộc đời và con người, là thoát khỏi vô minh: không bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế, không bị đam mê và dục vọng lôi kéo, không bị chìm ngập trong những tính toán lợi lộc, không mong được giàu sang hay sung sướng, mà luôn thuận theo lẽ Trời. Triết lý Á Đông cũng có câu:
“Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Đời Kitô hữu là một cuộc đời sống thuận theo ý Chúa. Đặc biệt hơn nữa, là đỉnh cao của việc giác ngộ là đặt Đức Kitô lên trên hết, như thánh Phaolô:
“Tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.” (Pl 3, 8).
Tỉnh thức không chỉ để đón chờ Chúa sẽ đến, mà còn nhận ra Ngài đang đến, và thường đến với ta mọi nơi, mọi lúc, trong mọi thời khắc (x. Kh 3, 20). Thiếu tỉnh thức ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Hãy đón nhận từng giây phút đang đến như từng viên ngọc quí mà Chúa trao ban cho ta. Đừng thương tiếc hôm qua, đừng chờ đợi ngày mai, đừng lảng tránh hôm nay, mà hãy dân thân cách hăng say vào hiện tại trong mọi tương quan của mình.
Tỉnh thức nhưng phải cầu nguyện luôn. Cầu nguyện luôn thì mới có thể sống tỉnh thức, vì tinh thần thì mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện giúp ta tách mình ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để sống với Chúa nhiều hơn. Cần gặp Chúa hôm nay trước khi gặp Chúa trọn vẹn sau này. Cầu nguyện làm nên phẩm chất, bản lãnh và sức mạnh của đời Kitô hữu, giúp ta thoát khỏi mưu mô và nanh vuốt của tà thần để sống thuộc về Chúa. Ý thức như thế nên R. Tagore đã dâng lời khẩn nguyện:
“Lạy Thượng Đế! Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng hồn lên khỏi những ti tiện hằng ngày. Và xin cho tôi sức mạnh tràn đầy để âu yếm dâng mình theo ý muốn của Người”. Ngày Chúa đến thật uy nghi như đã báo:
“Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”. Ngài đến như vị Thẩm Phán xét xử trần gian, nhiều người sẽ khiếp sợ rụng rời trước thánh nhan. Nhưng nếu chúng ta đã tỉnh thức và cầu nguyện, thì đây lại là giây phút hạnh ngộ đã từ lâu mong chờ. Trong tin yêu, chúng ta đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì biết mình sắp được cứu chuộc. Lòng chúng ta tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng để được sống sung mãn với Đức Giêsu, Vua vinh hiển muôn đời. Muốn vậy, chúng ta hãy sống sâu sát với Chúa ngay từ bây giờ, để
không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, Chúa chúng ta (Rm 8, 35).
Cầu nguyện Lạy Chúa Giêsu! Rồi có một ngày Chúa lại quang lâm,
kết thúc mọi diễn biến của cuộc trần,
Ngài uy nghi xét xử khắp muôn dân,
để cân phân thiện ác mọi thành phần,
và đưa tới sự thành toàn mỹ mãn. Để đón đợi ngày giờ chung quyết ấy,
đòi con đây phải thanh tẩy chính mình,
bằng tâm tình tỉnh thức và cầu nguyện,
bởi Chúa đến vẫn luôn thật bất ngờ. Thiếu tỉnh thức sẽ bàng hoàng kinh sợ,
không thể nào đứng vững trước nguy cơ,
thiếu cầu nguyện con sẽ sống ơ hờ,
dễ sa chìm khi ngày giờ chấm dứt. Thật ra có những điều con phải lo,
và luôn có những việc con phải làm,
nhưng nhiều khi lo làm không lo sống,
lo bên ngoài đánh mất cả bên trong. Ngay cả việc làm dù là bổn phận,
nhưng nhiều khi chẳng có chút tình thân,
trong phục vụ cũng chẳng có nhiệt thành,
nên hiện diện của con hóa khô cằn,
không làm cho cuộc sống thêm tươi tắn, mà chỉ thêm gánh nặng với khó khăn. Xin cho con một đức tin chín chắn,
giúp cho con luôn mau mắn thi hành,
chẳng có gì để con phải kêu than,
mà luôn sống với tình thương ngập tràn,
để chờ ngày Chúa đến vui hợp hoan,
ngày hạnh ngộ thật huy hoàng trong Chúa! Amen. Lm. Thái Nguyên ===============
Suy niệm 2
‘THỨC’ NHƯNG KHÔNG ‘TỈNH’, ‘CẦU’ NHƯNG CHƯA ‘NGUYỆN’
Cứ vào dịp Mùa Vọng, ai ai trong chúng ta đều thuộc nằm lòng câu Kinh Thánh: “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21, 36). Và câu này nhắc nhở chúng ta nhớ tới tinh thần của Mùa Vọng, mùa hồng ân ‘sửa lại đời sống’, ‘sửa lại cách sống’, ‘canh tân đức tin’, là mùa trông mùa đợi, dọn lòng sẵn sàng chờ đón ngày Chúa quang lâm.
Mặc dù vậy, nhưng không ít người trong chúng ta vẫn chỉ nghĩ đơn giản: Mùa Vọng là mùa chuẩn bị hang đá, trang trí cây Giáng sinh, mua thiệp tặng quà, dự các buổi hát thánh ca, tiệc tùng, và tham dự Thánh lễ đêm Giáng sinh. Nếu chúng chỉ dừng lại tại những điểm này, mà quên đi cốt lõi của tinh thần Mùa Vọng, thì thật tiếc cho chúng ta; vì lẽ, những người không Công Giáo, những người cho mình vô thần, không theo đạo nào, cũng nghĩ và làm như thế mà!
Vì vậy, hôm nay Giáo hội mời gọi con cái của mình gạt bỏ mọi e dè, sợ hãi, lối nghĩ thiển cận hạn hẹp trên mà dốc tâm bước vào tâm tình sâu sắc của Mùa Vọng, đó là: Tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. Các bài đọc Phụng vụ hôm nay đều hướng chúng ta đến điều đó. Qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ cho dân Is-ra-el. Ngài xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, thuộc gia tộc Giu-đa: “Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Đa-vít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở” (Gr 33, 15), và Ngài chính là “Thiên Chúa, Đấng Công Chính…” (x. Gr 33, 16).
Lời hứa trung tín này đã được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô qua mầu nhiệm Nhập Thể. Vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã xuống thế, đi vào thế giới của con người, và mặc lấy xác phàm và ‘ở giữa chúng ta’. Tuy thời gian tại thế ngắn ngủi, nhưng Ngài đã hoàn tất sứ vụ rao giảng Nước Trời, trao lại sứ mệnh hệ trọng này cho các Tông đồ, và trước khi lên trời, Ngài đã căn dặn mọi điều, hứa ban Đấng Bầu Cử khác (Chúa Thánh Linh) xuống trên họ, để nâng đỡ họ thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho đến ngày tận thế. Vì lẽ đó, Mùa Vọng không phải là thời khắc trông chờ lễ Giáng Sinh nữa, mà là thời cơ dọn lòng, chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa đến trong ngày Quang lâm. Nói thế không phải để hạ thấp hay bỏ qua lễ Giáng Sinh, mà đúng hơn, đây còn là dịp giúp chúng ta chiêm ngắm Con Chúa đã khiêm hạ giáng sinh trong đêm lạnh giá băng, mặc lấy xác phàm, trở nên nghèo khó,…ngõ hầu cho chúng ta nhận ra tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Một tình mến vô bờ bến, vô điều kiện, trao ban nhưng không cho con người, nâng đỡ chúng ta cảm nghiệm - đón nhận và trở nên người biết cảm thông, nhân hậu, khoan dung, thương xót…như Ngài.
Thế nên, khi bước vào chặng đường dọn lòng, sửa lối, thay đổi mình, hầu sẵn sàng khi Chúa đến trong vinh quang, thì chúng ta không chỉ dừng lại vẻ tráng lệ đèn hoa rực rỡ bên ngoài, không chỉ dừng lại ở tiệc tùng, những dự định phù phiếm chóng qua với nhiều đam mê, thú vui, khoái lạc của trần thế này; hơn hết, chúng ta nên mặc lấy tinh thần “tỉnh thức và cầu nguyện luôn” như Thánh Phao-lô Tông đồ đã khuyên răn, căn dặn giáo đoàn Thes-sa-lô-ni-ca để tâm đến việc gia tăng lòng mến với nhau, đồng hành cùng thăng tiến trong đời sống đạo: “…xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người…để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa…” (x. 1Tx 3, 12-13). Thánh nhân chỉ dẫn các tín hữu và chúng ta phải “biết sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, …xin anh em cứ tiến bước thêm nữa” (x. 1Tx 4, 1). Vậy, chúng ta nên ‘tỉnh thức’ trước đam mê, trước những gì mà khiến chúng ta xa lìa huấn dụ trên. Chúng ta nên ‘thức tỉnh’ với mọi tư tưởng, ý nghĩ, lời nói, hành động gây tôn thương, ảnh hưởng đến đức bác ái, khiến đức cậy nhạt nhoà, và làm đức tin phai mờ, lạnh tanh. Chúng ta nên ‘thức tỉnh’ thoát khỏi biết bao cơn mê dài đăng đẳng trong bóng đêm tội lỗi, trong giận hờn, ghét ghen, lề thói xấu xa. Cùng với tinh thần ‘tỉnh thức’ ấy, chúng ta không ngừng cầu nguyện. Cầu nguyện thật sự giúp chúng ta luôn ‘tỉnh thức’ trước mọi việc, mọi điều khiến chúng ta xa rời Chúa.
Tuy nhiên, thực tế cho ta biết một sự thật phũ phàng, đó là: nhiều người trong chúng ta ‘tỉnh’ nhưng không ‘thức’, và ‘cầu’ nhưng chưa ‘nguyện’. Chúng ta tỉnh táo nhận biết, phân định đó, nhưng lại không dám ‘thức tỉnh’ để rời bỏ những gì trái ngược với giáo huấn, với đời sống đức tin. Chúng ta tỉnh táo nhận thức phải-trái, thiện-ác, lành-dữ, nhưng lại không mảy may bước ra, cắt bỏ nhưng điều trái nghịch, ác ý, hung tợn như trong cách đối xử với nhau nơi cộng đoàn, trong cách cộng tác phục vụ-làm việc chung, trong các mối tương quan giữa anh chị em, giữa hội đoàn, giữa cộng đoàn, giữa giáo xứ…Chúng ta tỉnh táo với mọi lời nói gây tổn thương, gây chia rẽ, xích mích, thói quen đồn thổi, dựng chuyện, khích bác, hiềm tị, ganh ghét, ‘dìm hàng’ anh chị em, nhưng lại không dám ‘thức tỉnh’ buông bỏ, thay đổi, hoán cải. Hơn nữa, rất nhiều người trong chúng ta ‘cầu xin’, nhưng chưa ‘nguyện gẫm’ lời kinh như thể ‘miệng đọc, nhưng lòng chẳng gẫm suy’. Vì thế, chúng ta chưa lãnh nhận được ơn Chúa ban, không nhận ra ơn thánh, chưa biến đổi đời mình. Chúng ta đọc kinh, cầu kinh, cầu xin, nài van…rất nhiều, nhưng chưa ‘nguyện ngẫm’ sống theo lời kinh diễn tả, chưa để lời nguyện cầu hoán cải tâm hồn, chưa để Chúa đi vào cuộc sống mình, chưa sống và thực hành theo lời cầu, hay kinh nguyện. Như thế, chúng ta sẽ khó bề giữ mình khỏi mọi sự lo lắng trần đời, tâm trí nặng nề, và làm sao ‘đứng vững trước mặt Con Người’ (x. Lc 21, 36) được! Thật vậy, chỉ có ‘tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng’ đúng nghĩa mới giúp chúng ta “đứng dậy và ngẩng đầu lên” khi “Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả” (x. Lc 21, 27-28), để có thể “đứng vững trước thiên nhan Chúa” (x. Lc 21, 36) mà thôi.
Mùa Vọng đã khởi sự
Màu tím đầy ưu tư
Lòng con trông chờ Chúa
Dọn đường nẻo bấy lâu.
Đời con lắm u sầu
Bao thế sự lo âu
Khai mở lòng đón Chúa
Tỉnh thức và nguyện cầu. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===============
Suy niệm 3
QUYẾT TÂM LÀM VIỆC THIỆN ĐÓN CHỜ CHÚA
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 1 Mùa Vọng, Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa cho đoàn tín hữu chúng ta, hằng quyết tâm làm việc thiện mà đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian, nhờ đó, chúng ta sẽ được Người cho ở bên hữu và gọi vào hưởng phúc Nước Trời.
Quyết tâm làm việc thiện mà đón chào Con Chúa, với lòng quyết tâm quay trở về cùng Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia kê khai tội trạng của dân mình: Trong giờ phút bi thảm nhất của cuộc chiến bại, ngôn sứ đã dạy cho đồng bào mình cách thế thật đúng để lại được Chúa thương, không phải bằng một thứ nghi thức lỗi thời, nhưng bằng một cuộc trở về tự thâm tâm. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình.
Quyết tâm làm việc thiện mà đón chào Con Chúa, với niềm khát khao chờ mong Chúa lại đến, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô Giêrusalem nói: Cuộc giáng lâm lần thứ nhất bao hàm ý nghĩa đau khổ; còn lần thứ hai thì biểu lộ vương quyền của Thiên Chúa... Người là Đấng sẽ lãnh đạo dân Ítraen. Từ xa tôi đã thấy Thiên Chúa ngự đến đầy quyền năng, giữa đám mây bao phủ toàn mặt đất. Hãy ra nghênh đón và thưa Người rằng: Xin nói cho chúng tôi được biết có phải chính Ngài là Đấng sẽ lãnh đạo dân Ítraen?
Quyết tâm làm việc thiện mà đón chào Con Chúa, với niềm cậy trông vững vàng vào lời hứa của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia: Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 24, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa. Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chúa sẽ làm cho anh em được bền tâm vững chí trong ngày Đức Kitô quang lâm.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa và ban ơn cứu độ cho chúng con. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. Đứng thẳng và ngẩng đầu trong ngày Chúa đến, nếu, chúng ta thật sự nhận ra tình thương và ơn cứu độ Chúa dành cho chúng ta. Vì yêu thương chúng ta và để cứu độ chúng ta, Thiên Chúa đã từ trời xuống thế: Người đã giáng lâm lần thứ nhất trong đau khổ, và sẽ giáng lâm lần thứ hai trong vinh quang rực rỡ. Thật thế, những gì liên hệ tới Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, thường diễn ra hai lần. Hai lần Người sinh ra: một lần bởi Thiên Chúa, từ trước muôn đời; một lần bởi Đức Trinh Nữ, lúc thời gian viên mãn. Hai lần Người xuống thế: lần thứ nhất thì lặng lẽ âm thầm như hạt sương rơi xuống lông chiên; còn lần thứ hai, chắc chắn xảy ra trong tương lai, thì oai hùng rực rỡ. Lần giáng lâm thứ nhất, Người được bọc tã đặt nằm trong máng cỏ; lần thứ hai, Người khoác cẩm bào là muôn ánh hào quang. Lần thứ nhất, Người vác thập giá, chẳng nề nhuốc hổ; còn lần thứ hai, Người chiến thắng khải hoàn, có đạo binh thiên thần hộ tống. Chúa sẽ đến lần thứ hai, không phải để lại bị người ta xét xử, mà là để xét xử trần gian. Ước gì chúng ta biết quyết tâm làm việc thiện mà đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian, nhờ đó, chúng ta sẽ được Người cho ở bên hữu và gọi vào hưởng phúc Nước Trời. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB ===============
Tinh Thần Mùa Vọng – Sống Năm Thánh 2025
(Lc 21, 25-28; 34-36)
Năm Phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Vọng là trông mong, nên trong thời gian Mùa Vọng, Giáo Hội muốn chúng ta sống mãnh liệt hơn tâm tình khát mong Chúa đến.
Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?
Mùa Vọng Giáo hội đang sống theo truyền thống là: Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhất; Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế; Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta; Mùa chuẩn bị tâm hồn Kitô hữu xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.
Theo Hồng Y Newman thì: “Trong linh đạo Mùa Vọng, Đức Kitô xuất hiện như một người đã có mặt đó rồi, và đồng thời vẫn không ngừng được chờ mong. Và người Kitô hữu sống linh đạo này như một người chờ đợi Đức Kitô.”
Mùa Vọng đến nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng, đời người mỗi chúng ta còn đang trên hành trình và quê hương thật của chúng ta là quê trời. Nếu có đang đi mà muốn cắm trại, thì hãy nhổ trại lên đường tiến về ngày của Chúa, ngày Chúa đến, ngày đó đem lại cho cuộc sống hiện tại một hướng đi và một ý nghĩa cao cả. Vì thế nỗi chờ mong của ta cũng là một niềm hy vọng.
Để sống tốt Năm Phụng vụ mới, hay cụ thể là Mùa Vọng, Năm Thánh thường niên 2025 này. Tiên vàn, chúng ta phải khẳng định rằng, mọi giá trị ở đời này như của cải, danh vọng, tình yêu, gia đình, khoa học, kỹ thuật, văn hóa v.v. là những điều tốt, chúng ta phải ra sức thực hiện theo thánh ý Chúa trong hoàn cảnh sống cụ thể của mỗi chúng ta, nhưng đó chưa phải là những cái tuyệt đối đáng cho ta coi là mục đích phải gắn bó và đeo đuổi với bất cứ giá nào. Trái lại, chúng chỉ tìm được trọn vẹn giá trị khi đối chiếu với cùng đích tối hậu, đích thực của đời ta.
Thứ đến, phải cương quyết chống lại tội lỗi và sự ác nơi mình và chung quanh mình, nơi gia đình và trong xã hội. Đó là tỉnh thức, là cầu nguyện, là dọn đường cho Chúa ngự đến, như chúng ta thường hát trong Mùa Vọng theo lời Kinh Thánh: “Quanh co uốn cho ngay, Gồ ghề san cho phẳng, Hố sâu lấp cho đầy, Nơi cao phải bạt xuống”; “Vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần” (x. Lc 21, 25-28, 34-36).
“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28). Đó là những dấu hiệu báo trước ngày Chúa tái lâm.
Thật phù hợp khi Năm Thánh 2025 có chủ đề “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng,” đang đến gần, đánh dấu một sự kiện tôn giáo trọng đại của Giáo hội Công giáo. Năm Thánh là một dịp để tha thứ và hòa giải, là thời điểm hoán cải và lãnh nhận Bí tích Hòa giải, nhất là sống hy vọng.
Ngày nay, khi tại nhiều nơi trên thế giới trật tự xã hội, chính trị và kinh tế bị chao đảo; và dưới nhiều hình thức, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục sống như thể không có Thiên Chúa. Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi xác tín rằng: Dù sống giữa một thế giới hơn 8 tỷ người, với sự bấp bênh trước bao cảnh đau thương của chiến tranh, hận thù, nghèo đói, thiên tai, và thế lực sự dữ tung hoành khắp nơi, chúng ta vẫn hy vọng vào Chúa. Vì chỉ có Chúa dẫn dắt con người hoàn tất hành trình dương thế để đạt tới chính Chúa.
Lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta vẫn còn cấp bách : “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21, 34-36).
Sau cùng, sống hướng về ngày Chúa đến buộc ta phải tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng như người tôi trung: hết lòng với nhiệm vụ được trao phó, tận dụng mọi khả năng của mình để hoàn thành mọi việc theo ý chủ nhà hiện đang vắng mặt và mau mắn mở cửa đón chủ về bất cứ lúc nào.
Lạy Mẹ từ ái, xin dắt chúng con bước theo Chúa trong hy vọng mọi nơi mọi lúc. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ ===============
Suy niệm 5
NHỮNG LẦN ĐẾN XEN KẼ
“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”.
“Ở châu Phi, mỗi buổi sáng, một con linh dương thức dậy; nó biết, nó phải chạy nhanh hơn một con sư tử nhanh nhất - bằng không, nó sẽ bị giết. Cũng thế, một con sư tử biết, nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất - bằng không, nó sẽ chết đói. Không quan trọng bạn là sư tử hay linh dương; khi mặt trời mọc, các bạn cần ‘thức nhau dậy’ để chạy!” - Herb Caen.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Vọng mời gọi chúng ta tỉnh thức và ‘thức nhau dậy’ khi khởi đầu một năm phụng vụ mới! “Vọng”, “Adventus”, có nghĩa là ‘đến’. Chúa Giêsu đến lần thứ nhất vào lễ Giáng Sinh mà chúng ta đang hướng về! Ngài đến lần thứ hai vào Ngày Quang Lâm. Nhưng đó không phải là toàn bộ! Ngài còn đến vào ‘những lần đến thứ ba’, ‘những lần đến xen kẽ!’.
Giêrêmia nói về một Đấng sẽ đến; Ngài là Vua, Đấng Cứu Độ, “Đã đến ngày Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít” - bài đọc một - ám chỉ sự ra đời của Hài Nhi Giêsu ở Bêlem. Tin Mừng nói đến ngày cánh chung của thế giới, của mỗi người “như một chiếc lưới bất thần chụp xuống”; “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”.
Giữa hai lần đến đó, tuy nhiên, Chúa Giêsu còn đến vào ‘những lần đến xen kẽ’, tạo thành một liên kết - không thể thiếu - giữa hai lần đến kia. Chúng mời gọi mỗi chúng ta chào đón Ngài vào cuộc sống của mình ‘ở đây và lúc này’; những cuộc gặp gỡ, chào đón Ngài đang diễn ra mỗi ngày khi chúng ta đón nhận nhau trong tình bác ái, “Xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người!” - bài đọc hai. Bằng việc thân ái đón nhận nhau, chúng ta thừa nhận sự ra đời của Chúa Giêsu tại Bêlem và chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài.
Bạn và tôi sẽ làm gì suốt Mùa Vọng này? Chạy thật nhanh như những con linh dương hay sư tử châu Phi? Chạy đi đâu? Hay quan trọng hơn, tỉnh thức và ‘thức nhau dậy?’. Phải, chúng ta không để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa. “Say sưa” ở đây không chỉ nhắm đến đồ ăn thức uống, nhưng còn là những gì làm cho lòng người chếnh choáng, những đam mê tội lỗi và tính hư nết xấu khiến chúng ta ‘xa Chúa, xa người!’.
Anh Chị em,
“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”. Không chỉ tỉnh thức, chúng ta còn giúp nhau cầu nguyện, hiệp thông với Chúa Giêsu và với nhau trong yêu mến; siêng năng lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Hoà Giải và Thánh Thể; cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, phân định những soi rọi của Thánh Thần. Không chỉ lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta còn lắng nghe nhau, cùng nhau tìm điều đẹp lòng Chúa để sống và làm theo ý Ngài. “Trong bốn tuần lễ, chúng ta được mời gọi ra khỏi lối sống cam chịu, ra khỏi những nuông chiều theo những tập quán thường ngày bằng cách nuôi dưỡng hy vọng, nuôi dưỡng mơ ước một tương lai mới mẻ. Đừng để lối sống ích kỷ hoặc nhịp sống căng thẳng ồ ạt đè nén! Những lời quyết liệt của Chúa Giêsu đang vang dội: “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa”; “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”” - Phanxicô.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để mùa hồng ân này trôi qua vô ích; dạy con cách thức đón Chúa trong ‘những lần đến xen kẽ’, và như thế, con sẽ có một lễ Giáng Sinh ý nghĩa nhất!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế ===============
ĐỢI CHỜ VÌ YÊU, TỈNH THỨC VÌ MẾN Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Ai đó nói rằng: ‘Đợi chờ là hạnh phúc’. Hạnh phúc vì đợi chờ người mình yêu, mình thương. Nếu ý thức rằng Đức Giê-su là người yêu ta, Đức Giê-su là Đấng duy nhất yêu thương ta, chắc chắn Ngài đến bất cứ lúc nào, ta cũng vui và hạnh phúc, việc chờ đợi chẳng bao giờ dài hay ngắn, vì “bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 2, 27). Đợi chờ vì yêu, tỉnh thức vì mến. Chính vì vậy, Giáo hội luôn kêu mời con cái mình chuẩn bị tâm hồn cho xứng hợp với tình yêu Chúa, biết sống tỉnh thức cầu nguyện, sẽ không bao giờ sợ điều bất ngờ xảy đến. Vì Đấng chúng ta hằng mong đợi là “Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng ta” (x. Gr 33, 16). Nhưng chúng ta chuẩn bị thế nào cho xứng hợp? Chúa Giê-su dạy chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21, 36). Tuy nhiên, thế nào là tỉnh thức đúng nghĩa? Người tỉnh thức là người không ảo tưởng về bản thân và cuộc đời; không nhầm lẫn mộng tưởng với hiện thực; không sống mơ hồ, nhưng nhận biết về thực trạng của bản thân; biết về thực chất của công việc; biết về thực tại của mọi biến chuyển, để có thể sống thực tâm với Chúa, thực tình với người, và thực tế với đời. Người tỉnh thức luôn biết hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức. Người tỉnh thức cũng chính là người sống đẹp từng giây phút hiện tại, nghĩa là sống toàn tâm toàn ý trong từng công việc, từng bổn phận, từng mối quan hệ với cõi lòng yêu mến. Thánh Phao-lô nhắc nhớ chúng ta: “Lúc này là lúc thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6, 2). Tỉnh thức cũng là nhận ra, thấu tỏ chân tướng của cuộc đời và con người, không bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế, không bị đam mê và dục vọng lôi kéo, không bị chìm ngập trong những tính toán lợi lộc. Tỉnh thức không chỉ để đón chờ Chúa sẽ đến, mà còn nhận ra Ngài đang đến, và thường đến với ta mọi nơi, mọi lúc, mọi thời khắc (x. Kh 3, 20). Thiếu tỉnh thức ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Hãy đón nhận từng giây phút đang đến như từng viên ngọc quí mà Chúa trao ban cho ta. Đừng thương tiếc hôm qua, đừng chờ đợi ngày mai, đừng lảng tránh hôm nay. Tỉnh thức nhưng phải cầu nguyện luôn. Cầu nguyện luôn thì mới có thể sống tỉnh thức, vì “tinh thần thì hăng hái, nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26, 41). Cầu nguyện giúp ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để sống với Chúa nhiều hơn. Cần gặp Chúa hôm nay trước khi gặp Chúa trọn vẹn sau này. Cầu nguyện làm nên phẩm chất, bản lãnh và sức mạnh của đời Ki-tô hữu, giúp ta thoát khỏi mưu mô và nanh vuốt của tà thần để sống thuộc về Chúa. Để kết thúc, xin mượn câu chuyện ngụ ngôn kể về chú chim ưng. Đang khi đói, nó bay qua một nông trại, nhìn xuống thấy biết bao nhiêu giun dế. Nó thèm lắm, nhưng lại sợ chết nên nó phải hạ cánh bay xuống sát mặt đất của nông trại để thương lượng với bác nông dân. Chim ưng sẵn sàng đổi mỗi chiếc lông lấy một con giun. Vì háu ăn, nó đã ăn quá nhiều giun, và như thế cũng mất đi rất nhiều lông cánh tới độ nó không thể bay lên cao được nữa. Dù nó nhận biết rằng thân phận của nó là phải bay trên bầu trời cao, nhưng những con giun đã làm cho nó mê muội, quên đi khung trời cao xanh trên kia, mà chỉ biết tới những con giun dưới đất. Văn hào người Pháp Alexandre Dumas [A-le-xan-đơ Đu-mas] (1802-1870) nhận định thú vị: ‘Tất cả sự khôn ngoan của con người được tập hợp lại trong hai từ: chờ đợi và hy vọng’. Cầu nguyện: “Xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với tất cả các Thánh. Amen!” (1Tx 3, 12-13). Lm. Xuân Hy Vọng ===============
Suy niệm 7 TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36
Có anh kia vì chè chén say xỉn tối ngày, nên lúc nào tâm thần cũng “lơ tơ mơ” không biết đàng nào mà lần, nói toàn chuyện vu vơ không đâu. Lần kia trước thánh lễ, anh khoanh tay từ cuối nhà thờ đi lên, có vẻ trịnh trọng ngồi vào hàng ghế đầu tiên. Vợ con anh ngồi dưới mà lo cháy ruột, chỉ sợ lỡ anh tiến lên bục giảng, tự… “làm cha” nói lung tung đang giờ lễ, thì vợ con không biết chui vào đâu, vì quá xấu hổ với “thế giới ảo” của anh.
Trong Tin Mừng hôm nay, để kết thúc bài giảng về ngày sau hết, Đức Giêsu cảnh báo thái độ sống buông thả theo cám dỗ thế trần: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34a). Chè chén say sưa làm cho lòng người ra nặng nề, không còn biết lo lắng cho sự gì sắp xảy đến nữa. Người nghiện rượu thì sẽ mất khôn hóa dại, còn thức mà nói năng hành động như thể người ngủ mê. Đó là chuyện thực tại của thế trần. Nhưng chuyện “chè chén say sưa” Đức Giêsu nói ở đây còn là những cõi lòng đang mê mải say sưa tiền bạc, lợi danh lạc thú, sa đọa trong vũng bùn tội lỗi, lòng còn chất chứa oán hận hờn căm, không đội trời chung với “kẻ thù” nào đó, sống buông thả như không hề có Chúa… “kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34b). Đàn chim đang mải mê ăn lúa, một chiếc lưới bất thần chụp xuống, cả đàn bị mắc lưới không thoát được vì lưới chụp xuống bất thình lình. Người ta đang mải mê ăn uống chơi bời, lo lắng sự đời mà ngày ấy bất thần chụp xuống trên mặt đất thì làm sao kịp sóng mình đây? Vì vậy nên Đức Giêsu kêu gọi, cảnh báo khẩn trương: “anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,36).
Ngày Con Người đến đối với toàn thể nhân loại sẽ là ngày bất ngờ. Mọi người đang sống theo hoàn cảnh của riêng mình, hoạt động bình thường trong vòng quay của đời thường, nhưng khi Con Người chợt đến thì tâm trạng, số phận của họ lại khác nhau. Những người say sưa chè chén, mải mê lo lắng sự đời, nhởn nhơ vui chơi với thế trần, không tỉnh thức cầu nguyện, thức mà như người ngủ mê thì quả là sợ hãi vì hối sao cho kịp. Còn những người tỉnh thức, cầu nguyện, nối kết liên đới trong yêu thương với Chúa thì đâu có bất ngờ, hay giật mình hoảng sợ, vì lúc nào họ cũng sống trong Đấng là Tình Yêu. Ngày mà chiếc lưới tình yêu chụp xuống là niềm hạnh phúc, là nơi họ tự nguyện chui vào, chứ không phải sợ hãi, vì đang mong ngóng đợi chờ. Bởi vì: “Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.” (Kh 22,4-5).
Én Nhỏ