Thứ tư, 06/11/2024

Suy niệm lễ Các Thánh và lễ cầu cho các Tín Hữu đã qua đời

Cập nhật lúc 18:00 29/10/2024
LỄ CÁC THÁNH 01/11
Suy niệm 1
PHẦN THƯỞNG THẬT LỚN LAO

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Các Thánh hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Trong ngày đại lễ hôm nay, Chúa cho chúng ta được mừng kính toàn thể các thánh trên trời. Nhờ bấy nhiêu vị thánh hằng nguyện giúp cầu thay, chúng ta tin tưởng nài xin Chúa cho chúng ta được dồi dào ân sủng như lòng vẫn ước mong. Đại Lễ kính toàn thể Các Thánh Nam Nữ hôm nay, cho chúng ta chiêm ngưỡng đám đông hằng hà sa số những người đã được Chúa Kitô cứu chuộc, đồng thời, cũng cho chúng ta thấy trước tương lai chúng ta đang hướng tới. Lễ này còn giúp chúng ta ý thức mối dây liên đới giữa chúng ta với các anh chị em đã đi trước vào thế giới vô hình. Nay, họ đang được ở bên Thiên Chúa và đang chuyển cầu cho chúng ta. Họ là sức mạnh nâng đỡ cuộc đời chúng ta.
Được dồi dào ân sủng như lòng vẫn ước mong, đó là phần thưởng dành cho tất cả những ai tin tưởng, cậy trông nơi Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Đoàn người được cứu chuộc thuộc mọi chi tộc, quốc gia và ngôn ngữ. Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, Đấng hiện có, đã có và sẽ đến, chúng con xin cảm tạ Ngài, vì Ngài đã lên ngôi hiển trị, và đã đến thời ân thưởng các bề tôi của Chúa cũng như muôn kẻ thuộc về Ngài. Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài.
Được dồi dào ân sủng như lòng vẫn ước mong, đó là điều chúng ta hy vọng, và cũng là điều các thánh đang chờ đợi chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bênađô nói: Các thánh không cần chúng ta tôn vinh và lòng tôn kính của chúng ta cũng chẳng thêm gì cho các ngài. Thật ra, chúng ta kính nhớ các ngài thì ích lợi cho chúng ta chứ không phải cho các ngài… Nào ca ngợi Thiên Chúa chúng ta, hỡi tất cả tôi trung của Chúa, hỡi những ai lớn nhỏ hằng kính sợ Người. Vì Đức Chúa là Thiên Chúa toàn năng đã lên ngôi hiển trị. Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa. Kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen.
Được dồi dào ân sủng như lòng vẫn ước mong, đó là ơn cứu độ phổ quát, dành cho tất cả những ai khao khát tìm kiếm Chúa, và sẽ được gặp thấy Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Khải Huyền cho thấy: Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 23, vịnh gia kêu xin: Lạy Chúa, đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài. Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Thiên Chúa thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Cùng đích của cuộc đời chúng ta là được nghỉ yên trong Chúa, đó là phần thưởng lớn lao, mà các thánh đã vui mừng hớn hở đón nhận. Chúng ta hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, ao ước được hợp đoàn với các thánh, được chia sẻ hạnh phúc và vinh quang với các ngài. Sẽ có ngày Đức Kitô ngự đến, Đầu hiển vinh sẽ xuất hiện và, cùng với Đầu, các chi thể sẽ được chiếu sáng. Chúng ta hãy hết lòng bền chí khát khao vinh quang ấy, và để chúng ta có quyền hy vọng đạt tới vinh quang ấy, chúng ta hãy nỗ lực sống các mối phúc mà các thánh đã sống, ngõ hầu, nhờ bấy nhiêu vị thánh hằng nguyện giúp cầu thay, chúng ta tin tưởng nài xin Chúa, cũng ban cho chúng ta được dồi dào ân sủng như lòng vẫn ước mong. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==============
 
Suy niệm 2
CHƯ THÁNH NAM NỮ
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Mỗi khi Giáo hội hân hoan mừng kính lễ Chư Thánh Nam Nữ, chúng ta được hiệp thông sâu xa vào mầu nhiệm các Thánh thông công, cũng như xác tín niềm hy vọng vào ngày chúng ta được tái ngộ với các ngài trên Thiên đàng.
Trong số Chư Thánh Nam Nữ này không giới hạn những Chân Phước hay bậc Hiển Thánh mà Giáo hội đã-đang-sẽ công bố và đưa vào lịch Phụng vụ hằng năm; hơn thế, họ có thể là ông bà, tổ tiên, những người đã ra đi trước chúng ta, giờ đây các ngài được hưởng thiên nhan Chúa, và đêm ngày cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Chính vì vậy, lễ mừng Chư Thánh Nam Nữ không chỉ là niềm hân hoan của toàn thể Giáo hội nói chung, mà còn niềm vui nơi mỗi gia đình, mỗi giáo xứ, và trong mỗi người chúng ta nữa.

Phụng vụ hôm nay mở rộng tầm nhìn của chúng ta về cuộc đời của các Thánh, và ơn gọi của mỗi người: được mời gọi nên thánh trong bậc sống của mình. Thoạt đầu, sách Khải Huyền chứng thực “…đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế” (x. Kh 7, 9). Dĩ nhiên, các ngài đã được Thiên Chúa yêu thương, ân ban như Thánh Gio-an Tông đồ đã xác tín trong thư thứ nhất “tình yêu Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế…và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Đấng Thánh” (x. 1Ga 3, 1. 3). Như vậy, nên thánh chẳng phải bởi sức con người, nhờ vào danh giá, địa vị xã hội, chức tước, tiền của, v.v…, mà tiên vàn hệ tại vào tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa, đồng thời, hồng phúc này khiến chúng ta nỗ lực sống hoán cải bản thân, cố gắng trung thành mỗi ngày thực thi những gì Chúa dạy qua Giáo hội.
Lẽ dĩ nhiên, bậc sống nào cũng có chông gai, thử thách, nẻo đường nào cũng có đoạn gồ ghề, khó khăn. Không ngoại lệ và miễn trừ, con đường nên thánh vất vả, gian nan chẳng kém. ““Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?" …”Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ”… "Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên””(x. Kh 7, 13-14). Nhờ vào Bửu huyết Con Chiên, mà các ngài đã trung thành và trung tín đến cùng. Như gương Thánh Phê-rô miền Vê-rô-na (hoặc tên gọi khác là Thánh Phê-rô Tử đạo), ngài đã hy sinh mạng sống, dám lấy máu mình mà khắc “Credo in Deum” (“Tôi tin kính một Thiên Chúa”) ngay tại chỗ bị kết án tử gần vùng đất Mi-lan nước Ý. Các Thánh đã trải qua biết bao gian lao, khó nhọc, tranh đấu với ba thù, nhưng vẫn một lòng noi gương Giê-su Thầy Chí Thánh, chứ không thoả hiệp, khép nép, luồn cúi trước thế lực trần gian. Và sức mạnh này ở đâu mà các ngài có được, nếu không phải từ quyền năng, ân huệ siêu việt mà Thiên Chúa trao ban, nâng đỡ sao! Sức mạnh này chúng ta cũng đã-đang được lãnh nhận mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm Thánh lễ, qua đời sống cầu nguyện, suy gẫm, chiêm ngắm, qua việc sống đạo, qua cử chỉ, hành động bác ái, tha thứ, chia sẻ với tha nhân.
Mặc khác, các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta đã ra đi trước chúng ta không chỉ để lại thương tiếc, đau buồn, nhưng họ để lại gia sản đức tin, gương lành, cảm nghiệm đức tin, v.v…cho chúng ta. Giờ đây, trong hàng ngũ chư Thánh Nam Nữ, có lẽ các ngài đang dõi theo và hằng cầu bầu cho chúng ta cũng sống kiên trung, tín thác và vững bước trên đường lữ thứ trần gian này, với niềm trông cậy được gặp lại các ngài vinh thắng trên Nước Trời. Nhìn lại quảng đời của chư Thánh, chúng ta thấy rõ một điều: mặc dù các ngài sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 15, 19), thay vì làm hài lòng thế gian, các ngài “lội ngược dòng” trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, chứ chẳng rập khuôn theo thói đời trần thế (x. Rm 12, 2; 13, 14). Tám mối Phúc thật là Hiến chương Nước Trời đã được khắc ghi sâu thẳm nơi tâm khảm, lối sống của chư Thánh. Bởi lẽ thường tình, thế gian này thay vì chúc phúc thì lại nguyền rủa những ai sống tinh thần nghèo khó. Chỉ có kẻ lắm bạc nhiều tiền, địa vị trọng vọng được tâng bốc trong xã hội này, chứ còn người nghèo khổ, đơn nghèo thì không có gì để họ màn tới, huống chi là được chúc phúc! Thậm chí, còn rất nhiều vùng hay lãnh thổ vẫn khẳng định: người nghèo không tồn tại trong địa chính trị, trong chương trình nghị sự của họ nữa cơ!!!! Thứ đến, ai ai ít nhiều đều thốt lên hoặc được nghe than rằng: ở đời này hiền lành quá thiệt thân. Nhưng các Thánh lại sống hiền lành, đơn sơ, chân thật theo lòng Chúa muốn, chứ không thoả hiệp làm hài lòng thế gian. Hơn nữa, các Thánh đau buồn vì đã lỗi phạm, đã thiếu sót, đã chưa sống đúng với những gì Chúa mời gọi; trong khi đó thế gian thì xem nhẹ điều này, cứ mặc sức “phạm tội, phạm lỗi, sai lầm” và vui trong nỗi tủi nhục, khổ đau của đồng loại, tha nhân. Thay vì tham vọng, vơ vét, ước muốn những gì trần tục chóng qua, thì các Thánh luôn khao khát sự công chính, công lý, hoà bình, bác ái, hiệp thông, liên đới, công ích trong một xã hội bất công, bất an, hận thù, chia rẽ, bè phái, tư lợi. Chư Thánh đã dám sống ơn gọi “loại biệt” chứ không “tách biệt” bằng cách xót thương người như Chúa là Đấng thương xót (x. Lc 6, 36). Các ngài hằng nỗ lực sống trong sạch, ăn ở thuận hoà, xây dựng hoà bình, và chịu bách hại vì lẽ công chính, nên được chúc phúc và được hưởng gia nghiệp Nước Trời.
Nếu nhìn với nhãn quan trần thế, và đôi mắt của xã hội này, thì Tám mối Phúc thật không phải điều lý tưởng và hệ trọng. Nhưng nếu chúng ta muốn được tham gia vào triều thần chư Thánh Nam Nữ, và trở nên công dân Nước Trời, thì ắt hẳn chúng ta phải sống Tám mối Phúc thật như kim chỉ nam của đời mình. Dĩ nhiên, thế gian này, xã hội mà chúng ta đang sống sẽ không đồng thuận với chúng ta, sẽ chẳng hài lòng với chúng ta, nhưng chúng ta dám “lội ngược dòng”, dám sống Hiến chương Nước Trời như chư Thánh đã ấp ủ, can đảm sống kiên vững hằng ngày không? Mà nếu chúng ta mạnh dạn sống như các ngài thì chúng ta cũng sẽ được liệt kê vào danh sách dài vô tận: các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa.
Lạy chư Thánh Nam Nữ, xin cầu cho chúng con. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==============
 
Suy niệm 3

Chúa mời gọi ta nên Thánh
(Mt 5, 1-12a)
Phụng vụ lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa hôm nay, từ lời kinh, tiếng hát, đến các bài đọc, thánh ca vang lên thánh thót, lôi cuốn tâm hồn chúng ta vượt qua không gian và thời gian, bay lên cõi trời cao để chiêm ngưỡng Các Thánh, những người đã đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi nên Thánh và Các Ngài đã không ngừng phấn đấu với ơn Chúa để đạt tới mục tiêu tối hậu là Thánh.
Thiên Chúa là Thánh
“Thánh” trong tiếng Do Thái nguyên bản là “kadash”. Từ gốc có nghĩa là "cắt, hoặc tách ra”. Từ “thánh” có nghĩa là “được biệt riêng cho một mục đích cụ thể”.
Mọi sự thánh thiện đều bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng ba lần thánh (Is 6,3). Danh Ngài là thánh (Tv 33,21). Ngài tỏ cho ta thấy Ngài là đấng thánh qua những cuộc thần hiển (ở Sinai Xh 19).
Thánh thiện là tách biệt để thuộc về Chúa, điều này áp dụng cho dân Israel: “Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Ta là Đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta” (Lv 20,26).
"Thánh" là phẩm tính đi với những gì dành riêng để thuộc về Thiên Chúa. Nơi chốn: Đất thánh (Xh 3,5), thành thánh Giêrusalem (Is 48,2), cung thánh (Xh 26,33), Đền thánh (Is 64,10). Con người: tư tế (Lv 21,6), ngôn sứ (Kn 11,1), dân thánh (Lv 19,2). Đồ vật: của thánh (Xh 29,33), các đồ trong phụng tự, phẩm phục. Thời gian: ngày Sabbat (Xh 20,11; 31,14), Năm Thánh Toàn Xá (Lv 25,12). Đây là những thực tại dành riêng cho Thiên Chúa, không dùng cho những mục tiêu phàm tục. Chỉ có Chúa là Thánh.
Chúa mời gọi chúng ta nên Thánh
Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta nên Thánh: “Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh” (Lv 11,44); Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Ta là Đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các người thuộc về Ta” (Lv 20,26).
Thánh Tông đồ Phêrô lặp lại ý muốn của Chúa trong sách Lêvi và nói với chúng ta: “Bởi chưng đã viết rằng: Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh” (1Pr 1, 16).
Nên thánh không phải là đặc ân dành cho một số người, nhưng nên thánh thuộc về ơn gọi Kitô hữu (Ep 1,4). Nên thánh không phải là một nỗ lực của con người nhưng là do ơn của Thiên Chúa, Đấng thánh thiện ban cho chúng ta. Đóng góp của con người chỉ là để cho mình được Chúa cuốn hút vào thế giới thần linh của Ngài mà không cưỡng lại.
Chúa Giêsu mời gọi mọi chúng ta nên thánh bằng cách bắt chước chính Thiên Chúa. Thư 1 Phêrô cũng mời kitô hữu “hãy nên thánh trong mọi cách ăn nết ở” (1Pr 1,15-16). Nên thánh nhờ bắt chước Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, vì “chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối cao” (Kinh Vinh Danh).
Sống các Mối Phúc đên nên thánh
Trong Tông huấn về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay Gaudete et Exsultate, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về các Mối Phúc (số 63-94). Ngài viết: “Từ ‘hạnh phúc' hay ‘được chúc phúc' trở thành từ đồng nghĩa với “thánh thiện” (số 64). Nói cách khác, người được chúc phúc là người thánh thiện trước mặt Chúa. Trong phụng vụ lễ Các Thánh, Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng về các Mối Phúc. Các Mối Phúc là những con đường nên thánh. Đức Giêsu đã sống tận căn các Mối Phúc này trong đời Ngài.
Hôm nay Các Thánh Nam Nữ thúc giục chúng ta: hãy cố làm thánh! Đức Phanxicô khuyên chúng ta: Đừng sợ nên thánh. Để nên thánh không cần phải là một giám mục, linh mục hay tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho một số người. Không phải thế. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thấn ấy cách thật vui tươi. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh. Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung. (x. Bài Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 19 tháng 11, 2014).
Các Thánh Nam Nữ của Chúa, cầu cho chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==============
 
Suy niệm 4
HÃY ĐỂ CHÚA PHONG THÁNH!

“Đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài!”.
“Cha hy vọng - trong số các bạn đang nghe đây - sẽ có một số vị thánh tương lai của thế kỷ 21. Điều Chúa muốn trên hết đối với chúng ta là nên thánh! Ngài yêu chúng con hơn những gì chúng con có thể tưởng tượng, Ngài muốn điều tốt nhất cho chúng con - lớn lên trong sự thánh thiện - Hãy là một vị thánh hơn là một người nổi tiếng!” - Bênêđictô XVI.
Kính thưa Anh Chị em,
Nói rằng “Hãy là một vị thánh hơn là một người nổi tiếng!” khác nào nói, “Hãy để Chúa phong thánh hơn là để người đời phong thánh!”. Đó cũng là những gì chúng ta được thách thức nhân ngày Giáo Hội tôn vinh “Tất cả Các Thánh”. Các ngài đã thực hiện điều Chúa muốn, chọn trở nên những vị thánh hơn là những người nổi tiếng! “Đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài!” - Thánh Vịnh đáp ca.
Hôm nay Giáo Hội tưởng nhớ tất cả những tâm hồn thánh thiện gồm đàn ông, phụ nữ, trẻ em, các vị tử đạo, mục tử… những ai tuyên xưng đức tin và những con người vô danh khác đã được rửa tội hoặc chưa được rửa tội; trong đó, có cả ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng ta. Bài đọc Khải Huyền tiên báo, “Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước”. Điều phân biệt là họ đã mở lòng ra với ân sủng Chúa một cách sâu sắc, trở nên mạnh mẽ trong Ngài. Họ có một điểm chung: “Giặt áo mình trong Máu Con Chiên” theo những cách thức khác nhau để phản ánh một nhân đức về chân dung người môn đệ mà Chúa Giêsu phác hoạ qua từng mối phúc Tin Mừng.
Và nếu các mối phúc, về căn bản, là chân dung hoàn hảo của chính Chúa Giêsu, thì từng mối phúc sẽ là chân dung của từng vị thánh; mỗi vị mỗi vẻ góp phần làm nên triều thần thiên quốc, những con người đã không để mình “rơi vào tinh thần thế tục của thời đại” nhưng “vượt lên thời đại”; một số, thậm chí đã “thay đổi thời đại!”. Họ không bị văng ra ngoài bởi vòng xoáy của những sai trái; ngược lại, giữa sai trái, họ cuốn hút bao người tiếp cận, tin yêu Đấng họ phụng thờ. Không cần người đời biết đến, họ chờ đợi điều này từ Chúa.
Các thánh còn là những con người đang cầu nguyện cho bạn và tôi. Họ nói với chúng ta, sự thánh thiện có thể có ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào; họ cầu cho chúng ta nên giống Chúa, nên con cái Ngài ngày một hơn. Mai ngày, chúng ta sẽ nên giống Chúa; nhưng ‘lúc này và ở đây’, chúng ta đã là con cái Ngài, chia sẻ sự sống thần linh của Ngài nhờ phép Thánh Tẩy. Phải, phép Rửa là nền tảng sự thánh thiện của mỗi người!
Anh Chị em,
“Đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài!”. Cảm tạ Chúa vì đã ban cho Giáo Hội vô vàn tâm hồn thánh khiết một chỉ tìm kiếm thánh nhan. Thiên đàng đang chờ đợi bạn và tôi! Đó cũng là giấc mơ của Thiên Chúa. Điều tốt nhất chúng ta cố đạt cho được ở đời này không phải là giàu có, nổi tiếng, được thế gian phong thánh; công việc của chúng ta là cộng tác với ân sủng để nên thánh, không chỉ mai ngày, nhưng ngay hôm nay, trong bậc sống mình và ‘hãy để Chúa phong thánh!’. Phép Rửa mời gọi bạn và tôi sống thánh, còn ân sủng sẽ giúp bạn và tôi nên thánh bằng các lối hẹp Tin Mừng.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, với ơn Chúa, con sẽ không để mình ‘rơi vào tinh thần thế tục của thời đại’, nhưng ‘vượt lên thời đại’; và con sẽ ‘thay đổi thời đại’. Tại sao không?”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
==============
 
Suy niệm 5
HẠNH PHÚC - NƯỚC TRỜI
Mt 5, 1-12a; Kh 7, 2-4.9-14; 1Ga 3, 1-3
Ở đời người ta có nhiều nhận xét về hạnh phúc. Một cô nàng lấy được chồng giàu, con cái khỏe mạnh, có nhiều tiền tha hồ mua sắm đủ thứ tiện nghi thoải mái, mọi nhu cầu được thỏa mãn, ấy là  hạnh phúc. Một anh chàng có vợ đẹp con khôn, nghề nghiệp ổn định là giấc mơ của nhiều người. Khao khát tìm kiếm danh vọng, địa vị đến khi đạt được mong muốn là niềm hạnh phúc cho những người dầy công cố gắng bấy lâu…
Còn trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại quảng bá tám mối phúc nghe có vẻ ngược đời:
-“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó…” Có nhiều thứ nghèo: nghèo tiền của vật chất, nghèo sức, thấp cổ bé miệng, số phận hẩm hiu, ít học… Bình thường người khó khăn thiếu thốn sẽ không còn cậy vào sức riêng, mà đặt niềm trông cậy nơi Chúa. Người giàu có, tiện nghi đầy đủ thường thấy an thân không cần đến Chúa, chỉ tìm hưởng thụ và chẳng bao giờ thấy thỏa mãn đủ. Đức Giêsu không cổ động lối sống nghèo nàn đến độ không có những cái căn bản ổn định, để phát triển tinh thần. Ngài nhấn mạnh người có tâm hồn nghèo khó là người không bám víu nặng lòng với của cải vật chất đang có, không hưởng thụ ích kỷ mà sẵn sàng sẻ chia; hay khó nghèo mà không than van, nhưng biết tin tưởng cậy trông vào Chúa quan phòng, họ sẽ được hạnh phúc vì luôn có Chúa hiện diện yêu thương chăm sóc.
-“Phúc thay ai hiền lành…” Người hiền hòa thì dễ thương dễ mến, họ nên giống Chúa Giêsu (hiền lành và khiêm nhường). Trong Chúa họ luôn bao dung, từ bỏ tự ái, sẵn sàng cảm thông tha thứ dù bị thiệt thòi oan ức, không tức giận phẫn nộ với ai. Có Đất Hứa làm gia nghiệp rồi thì họ chẳng cần tranh giành, ganh đua, so sánh hơn thiệt. Tâm tư họ luôn vui vẻ bình an hạnh phúc.
-“Phúc thay ai sầu khổ…” sẽ được Thiên Chúa an ủi. Người chịu đau khổ thử thách sẽ được Chúa nâng dậy, ủi an. Họ vẫn tin tưởng vào lời Chúa hứa, Ngài sẽ biến nỗi buồn của họ trở thành niềm vui. Bởi vì chính Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ.
-“Phúc thay ai khát khao nên người công chính…” Người coi thường sự công chính sẽ không lo đến, không bỏ công tập luyện nhân đức. Người khao khát nên công chính luôn tìm kiếm để học biết và dấn thân tới trọn lành.  Được Thiên Chúa cho thỏa lòng rồi thì sẽ sống sự công chính của Chúa.
-“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.Khuôn vàng thước ngọc là đây, ai không biết xót thương người khác, làm sao dám xin lòng thương xót Chúa cho mình? Còn người có lòng thương xót sẽ chạnh lòng thương, giúp  người thiếu thốn đau khổ, cảm thông, quảng đại cho đi, nhân từ tha thứ, chia vui sẻ buồn với người anh em, chắc chắn họ sẽ được ở trong đại dương thương xót của Chúa.
-“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch…” Trí sạch thì tâm an. Con tim trong sạch không nuôi hận thù, không chất chứa đam mê hay đủ thứ hằm bà lằng, trong sạch từ đáy lòng, không mong ước điều bất chính.  “Con mắt tâm hồn” sạch sẽ đơn sơ, sẽ “nhìn thấy” Thiên Chúa rõ ràng, những thứ khác khó lọt vào được.
-“Phúc thay ai xây dựng hoà bình…” Người sống trong hòa bình, trong tình yêu Chúa và khiêm nhường nhịn nhục thứ tha,  không tìm trả đũa, không chia rẽ bất thuận, sẵn sàng bắt tay người không ưa mình, sống hòa hợp trong mọi khác biệt, biết biến thù thành bạn, chắc chắn sẽ là “con nhà Chúa” rồi.
-“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính…” Sống công chính thì dễ bị bách hại. Sống trong Chúa thì hạnh phúc nên khi bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa vẫn vui lòng nhẫn nại, sẵn sàng chịu đựng. Có Hạnh Phúc đích thực rồi thì thấy cái giá phải trả quá rẻ!
Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng kính Các Thánh Nam Nữ đang hưởng Hạnh Phúc Nước Trời. Các Ngài đang tận hưởng Hạnh Phúc sung mãn tràn đầy là chính Chúa, sau khi đã sống các mối phúc mà Đức Giêsu đã rao giảng.
Chúa ơi! chỉ một mình Chúa mới lấp đầy khao khát hạnh phúc của chúng con. Tiện nghi vật chất không phải là đích điểm cuộc đời. Hạnh phúc của chúng con là chính Chúa. Chúng con chỉ bất hạnh khi xa rời Chúa mà thôi. Xin cho chúng con luôn tìm gặp và được sống hạnh phúc sung mãn tràn đầy trong Chúa, để dù sống giữa những khó khăn thiếu thốn, sầu khổ gian truân, chúng con vẫn đang tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào trong Chúa, ngay hôm nay và mãi mãi.
Én Nhỏ
==============
CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI 02/11
Suy niệm 1

TIN VÀO NGƯỜI CON, ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Con Một Chúa từ cõi chết sống lại đã tăng cường niềm tin của chúng ta. Giờ đây, xin Chúa thương nhậm lời chúng ta khấn nguyện mà làm cho lòng chúng ta luôn trông cậy vững vàng rằng: Chính Đức Giêsu sẽ cho các tín hữu đã lìa cõi thế được phục sinh vinh hiển. 
Cầu nguyện cho những người đã qua đời là một trong những truyền thống cổ kính nhất của Hội Thánh. Vì thế, sau ngày mừng các anh chị em đã được sống thân mật với Thiên Chúa trên thiên đàng, ta lại hướng về các anh chị em chúng ta đã qua đời trong niềm hy vọng phục sinh, và cũng hướng về “tất cả mọi người quá cố mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ”. 
Trông cậy vững vàng, chúng ta sẽ được phục sinh cùng với Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Sự phục sinh của Đức Kitô là hy vọng của các tín hữu. Chúa Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết... Bấy giờ sự chết và âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, rồi sự chết và âm phủ bị quẳng vào hồ lửa.
Trông cậy vững vàng, chúng ta sẽ được chết trong ân nghĩa Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Amrôxiô nói: Chúng ta hãy cùng chết với Chúa Kitô để cùng sống với Người, không nên buồn vì phải chết, bởi chết là nguyên nhân sinh ơn cứu độ cho mọi người; không nên trốn cái chết, vì Con Thiên Chúa đã không quản ngại, cũng chẳng trốn tránh… Những người chết trong ơn nghĩa Chúa sẽ được một phần thưởng vô cùng lớn lao. Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ. Những người đó khi nhắm mắt lìa đời. 
Trông cậy vững vàng, chúng ta sẽ được cứu độ, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ông Gióp nói: Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 26, vịnh gia cho thấy: Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chúng ta đã được nên công chính nhờ Máu Đức Kitô đổ ra, hẳn sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Ý của Cha tôi là tất cả những ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Tin vào người Con, thì được sống muôn đời. Đây chính là niềm hy vọng chắc chắn của chúng ta, bởi vì, nhờ cái chết của Đức Kitô, thế gian được cứu chuộc. Thật thế, Đức Kitô đã có thể không chết, nếu như Người muốn, nhưng, Người đã tự nguyện đón nhận cái chết ô nhục để cứu độ chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta cùng chết với Người, chúng ta sẽ cùng sống với Người. Chớ gì mỗi ngày chúng ta tập làm quen và yêu mến sự chết, để nhờ đó, chúng ta biết cách đoạn tuyệt với các dục vọng thể xác, và các ham muốn thế gian sẽ không còn quyến rũ chúng ta được nữa. Chúng ta có thầy thuốc là Đức Kitô, phương thuốc là ơn sủng của Đức Kitô. Ước gì chúng ta luôn biết trông cậy vững vàng rằng: Chính Đức Giêsu sẽ cho chúng ta được phục sinh vinh hiển, để chúng ta luôn biết theo Chúa trong đau khổ, hầu, được ở với Người trong vinh quang. Ước gì được như thế! 
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB 
==============
Suy niệm 2
CÁI CHẾT ĐÁNG SỢ CHĂNG?

Đã là con người xác phàm nhân thế, thì đứng trước cái chết, ai mà chẳng sợ. Đức Giê-su trong vườn Cây Dầu (Gét-si-ma-ni) đối diện với cuộc tử nạn, Ngài cũng sợ, nhưng không thoái lui: "...Xin vâng theo ý Cha, đừng theo ý con” (x. Mt 26, 39).
Lẽ thường tình, cái chết là một sự dứt bỏ, nó chia lìa hai người bạn thân thiết nhất đó là linh hồn và thể xác. Cái chết là một cuộc hành trình, một chuyến đi cô đơn nhất vì  phải để lại sau lưng tất cả những gì mình quyến luyến nhất (người thân yêu, tiền tài, địa vị, chức tước, thành công, thành đạt, kể cả những gì nuối tiếc). Nó sẽ chấm dứt tất cả những gì chúng ta đã đầu tư trong cuộc đời. Chính vì thế nó thường làm cho chúng ta bàng hoàng và sợ hãi.
Thế nhưng, với nhãn quan của người Ki-tô hữu, chúng ta nhìn cái chết dưới ánh sáng đức tin, chan chứa niềm cậy trông Phục sinh của Đức Giê-su. Thật vậy dưới ánh sáng đức tin thì cái chết chẳng phải là một chấm dứt/kết thúc, mà là một khởi đầu/khởi sự; chẳng phải là một chuyến ra đi vô định, mà là cuộc trở về nhà Cha mãi mãi; chẳng phải là một chia lìa vĩnh viễn, nhưng là một kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, với chư Thánh nam nữ, với anh chị em (những người ra đi trước chúng ta). Từ đó chúng ta rút ra rằng: trước cái chết, ai cũng sợ, nhưng thực sự không "đáng" sợ!
Xin tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, tổ tiên, quý cha, sơ, thầy, gia đình, bạn bè thân hữu, anh chị em giáo dân, nạn nhân của mọi tai ương-tội ác-bệnh dịch, các hài nhi, thai nhi chưa một lần được 'khóc' chào đời. Nguyện xin lòng nhân hậu Chúa vượt trên mọi nỗi sợ hãi, yếu hèn, thiếu thốn của con người mỏng dòn chúng con, thương đón nhận các linh hồn ấy vào Nước Trời. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==============
Suy niệm 3
LẦN CHÓT XÓT THƯƠNG
“Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời!”.
Người ta thường thích những danh ngôn giúp họ ‘sống tốt’; mấy ai màng đến những danh ngôn giúp họ ‘chết tốt!’. Chẳng hạn, trước giờ lâm chung, thi sĩ Heinrich Heine nói, “Chúa sẽ tha thứ cho tôi. Đó là công việc của Ngài!”; hoặc khi Thomas Hooker sắp qua đời, một người bạn nói với ông, “Anh sẽ nhận được phần thưởng cho công sức mình!”, Hooker khiêm tốn đáp, “Không! Tôi sẽ nhận được lần chót xót thương’ của Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật chí lý khi Thomas Hooker nói đến ‘lần chót xót thương’ Chúa dành cho mình. Sự thật này có một ý nghĩa sâu sắc trong ngày Giáo Hội nhớ đến Các Linh Hồn, những người đã chết trong ân sủng Chúa nhưng chưa sẵn sàng để ra trước nhan thánh Ngài.
Giáo lý nói đến Luyện Ngục, như là ‘lần chót xót thương’ Thiên Chúa dành cho các linh hồn; qua đó, “Linh hồn được thanh luyện - sau khi chết - đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào an hưởng niềm vui thiên đàng”. Thanh tẩy mọi ràng buộc đối với tội lỗi nơi một linh hồn đã qua đời là sự thể hiện tình yêu của Thiên Chúa vượt quá những gì con người có thể tưởng tượng. Thiên Chúa không muốn bất kỳ một linh hồn nào sẽ sống đời đời với Ngài vướng víu - dù chỉ là một ràng buộc nhỏ nhất - đối với tội lỗi. Sự thật là, mọi tội lỗi trên linh hồn - dẫu nhỏ nhất - cũng là lý do đủ để chúng ta bị loại khỏi thiên nhan. Vì thế, Luyện Ngục được xem như ‘lần chót xót thương’ của Thiên Chúa - một cơ hội - nhờ đó, linh hồn hoàn toàn tự do hiệp nhất với Ngài, tuyệt đối và trọn vẹn.
Luyện Ngục là quà tặng ân sủng - dù biết rằng - cuộc vượt qua cuối cùng cho tội lỗi chắc chắn sẽ rất đau đớn, một sự đau đớn cần thiết và đáng giá; bởi lẽ sau đó, chúng ta trở thành một vị thánh. “Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa” - bài đọc một. Luyện Ngục là sự khôn ngoan của Thiên Chúa! Trong cuộc vượt qua này, các linh hồn đang rất cần chúng ta cầu thay nguyện giúp; họ không thể cầu cho mình, nhưng có thể cầu cho chúng ta. Và ngày kia, trên thiên đàng, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết được hiệu quả của ‘những gì tốt lành’ chúng ta đã sống cho “mầu nhiệm Các Thánh Thông Công”. Chúng ta sẽ nhận được lòng biết ơn từ rất nhiều anh chị em không quen biết; và niềm vui sẽ phớn phở khi hội ngộ với những người thân yêu, quen biết.
Anh Chị em,
“Ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời!”. Ý muốn của Chúa Cha thật tốt lành. Như vậy cuộc sống trần gian chỉ là tạm thời, cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa mới đáng kể. “Sinh ký, tử quy” là vậy! Nhưng “ký” vào đâu mới là vấn đề! “Ký” vào lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta chuẩn bị từng ngày, chọn lựa mỗi ngày, hầu có thể “quy” về Ngài từng giây phút đời mình; cùng lúc, chúng ta hướng về các linh hồn - những người đang đợi chờ ‘lần chót xót thương’ của Thiên Chúa - bằng những Thánh Lễ, những hy sinh, lời cầu nguyện của chúng ta “nhờ công nghiệp tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô”. Như vậy, với tất cả những gì bạn và tôi dành cho các linh hồn, những ‘đau đớn ngọt ngào cuối cùng’ cần thiết của họ sẽ dễ chịu hơn nhường nào!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết rằng, tha thứ là việc của Chúa, và luyện hình là ‘lần chót xót thương’ để các linh hồn và chúng con được Chúa xót thương đời đời!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
==============
Suy niệm 4
LƯƠNG THỰC NUÔI LINH HỒN

Ga 6, 51-59
“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,55)
Trong Tin Mừng hôm nay, Người Do Thái nghe Đức Giêsu nói Ngài sẽ lấy bánh là thịt mình để nuôi người thế được sống, họ nghĩ thứ bánh đó như manna tổ tiên đã ăn no nê ngày xưa nhưng vẫn chết, nên bất đồng sôi nổi tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52). Dưới cái nhìn thực tại trần thế, làm sao họ có thể tin và chấp nhận một “ông Giêsu” có thể xẻ thịt cho người ta ăn? Nhưng Đức Giêsu quả quyết: Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.  Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,53-56). Dù Ngài khẳng định với bốn chữ “thật”, nhưng lúc ấy họ không chấp nhận, vì chưa tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Đường lối Ngài vượt xa tư tưởng nghĩ suy của loài người. “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9). Đức Giêsu đã long trọng lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly. Với cặp mắt đức tin của người Kitô, Mình Máu Ngài thực sự trở thành của ăn của uống dưỡng nuôi linh hồn các tín hữu. Khi ăn Thịt và uống Máu Ngài, “ở lại trong Ngài”, họ được biến đổi, “thay mới tế bào” từ trong ra ngoài, được lớn lên trong đời sống đức tin, được tăng sức trên đường lữ hành trần thế, cuộc đời mãi nở hoa từ nơi “khách sạn bậc nhất” này. Trong Thánh Thể ta được Chúa biến đổi và thực hiện  những điều kỳ diệu lạ lùng trong con người hèn mọn.
Chúa ơi! Thịt và Máu Chúa thật là của ăn của uống nuôi sống con từng ngày, của ăn mà càng ăn con càng đói, càng uống con lại càng khao khát hơn. Dẫu con đây muôn ngàn bất xứng, nhưng vì Tình Yêu, Chúa còn khao khát con hơn ngàn lần con khao khát đón nhận. Xin cho con luôn luôn đáp tình Chúa mời gọi, để con đến, ở lại với Chúa, trong Chúa, mà tận hưởng no say nguồn sống từ thần lương cao quý này, để nhờ Mình Máu Chúa bổ dưỡng, con được sống hạnh phúc sung mãn hôm nay và mai sau được sống muôn đời.
Hôm nay cả Giáo Hội dâng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời. Ước mong qua tháng cầu hồn này, chúng con luôn luôn nhớ đến, dâng lễ và cầu nguyện cho thân nhân, ân nhân và mọi người đã ra đi trước chúng con. Xin cho chúng con biết sống với niềm hy vọng tuyệt đối vào Chúa, Đấng cứu độ, ủi an và sẽ lau sạch nước mắt những người khổ đau, để chúng con cảm nếm được sự dịu ngọt của tình Chúa và được sống viên mãn trong Nước Cha, như niềm hy vọng mạnh mẽ của ông Gióp trong bài đọc I (lễ I): “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị thiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người. Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.”. (G 19, 25-27a).
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến dâng Thánh lễ cầu cho các đấng bậc tại vườn thánh Nhà Tràng - Trung tâm mục vụ Hà Thạch
Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến dâng Thánh lễ cầu cho các đấng bậc tại vườn thánh Nhà Tràng - Trung tâm mục vụ Hà Thạch
Tối thứ Hai, ngày 04/11/2024, Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến đã chủ sự Thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho các đấng bậc phục vụ sứ vụ này tại vườn thánh Nhà Tràng, thuộc Trung tâm Mục vụ Hà Thạch.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log