Thứ bảy, 27/07/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 17 Thường niên A

Cập nhật lúc 20:28 28/07/2023
Suy niệm 1
Mt 13, 44 – 52
Với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa ví von các tôn giáo trên thế giới như những thửa ruộng trên cánh đồng bát ngát. Thửa ruộng nào cũng được nhà nông cày bừa, gieo giống, tưới nước và bón phân. Hạt lúa nảy mầm thành mạ, rồi lớn lên thành cây lúa. Cây lúa nào cũng xanh đẹp và trổ bông. Đến mùa lúa chín vàng được nhà nông thu hoạch. Mỗi hécta cho nhà nông từ 5 tấn, 6 tấn, đến 10 tấn. Nhìn bồ lúa, nhà nông cảm thấy sung sướng, vì nó cho cơm ăn áo mặc… Sướng ơi là sướng!
Các tôn giáo cũng đem lại niềm vui cho tín đồ như vậy. Cụ thể là đạo Phật dạy tín đồ không tham, không sân, không si, mà còn từ bi, hỉ xả. Nếu sống đúng như lời giáo huấn của đức phật, thì tín đồ cảm thấy an vui, hạnh phúc ngay ở đời này mà còn thấy hạnh phúc ở cõi sau nữa.
Đạo nào cũng đem lại niềm vui cho tín đồ, mà còn đem lại đời sống xã hội an bình nữa. Người ta kể rằng ở vùng Cái Sắn, tỉnh An Giang và Kiên Giang có một câu chuyện rất thật và rất giản dị. Tại một quán cà phê có đông khách, trong số khách được bà con chú ý nhất đó là các chú công an. Một chú công an kể chuyện oang oang: “Làm công an ở vùng này sướng lắm: không hề có trộm cắp; không hề có gây gổ đánh nhau và đấm chém nhau. Nếu có chuyện trộm cắp và đánh nhau thì là người từ xa tới. Nếu có trộm cắp thì chính thanh niên địa phương sẽ bắt và nộp cho công an”. Một khách cà phê hỏi: “Tại sao lại có chuyện lạ vậy?” Chú công an trả lời tỉnh queo: “ở vùng này toàn tòng Công giáo, làm công an ở đây khỏe re à…”
Tôn giáo nào cũng đẹp và dễ thương như thế đó. Nhưng Chúa lại nói thêm rằng đạo của Chúa không chỉ là một thửa ruộng đem lại niềm vui cho nông dân, mà trong thửa ruộng ấy có một kho tàng chôn giấu đem lại niềm phấn khởi cực kỳ cho người chủ mới. Người này biết được điều bí mật hy hữu đã bán hết gia tài của mình để làm chủ thửa ruộng tuyệt vời. Tuyệt vời vì cái kho tàng tuyệt vời.
Đạo của Chúa dạy tín đồ sống tốt sống đẹp như mọi tôn giáo khác: yêu người như chính mình, yêu đặc biệt những người nghèo khổ, bệnh tật và cả những người lầm đường lạc lối. Nhưng cái lớn lao nhất của đạo Chúa không phải chỉ là thế, mà còn cho loài người một kiến thức mà lý trí loài người không thể khám phá được.
Khoa học tin có Đấng tạo hóa khi khẳng định rằng: “Vật chất không thể tự hữu.” Nhưng Đấng tạo hóa ấy là thế nào, thì ngoài tầm tay của khoa học.
Các nhà hiền nhân quân tử đều khao khát tìm “thiên mệnh” là ý muốn của Đấng tạo hóa. Nhưng cũng chưa bao giờ các vị ấy cho loài người thấy bản tính của Đấng tạo hóa. Chỉ có đạo của Chúa mặc khải cho loài người biết: Ông Trời, Đấng Tạo Hóa là một người cha nhân từ. Người cha nhân từ đã cho người Con yêu của mình nhập thể làm người dạy cho loài người biết bản tính của Đấng Vô Hình. Đấng ấy yêu loài người tới mức độ yêu cầu con của Chúa giáng sinh, chịu khổ nạn để cứu đời, để người và Chúa, để Tạo Hóa và thụ tạo yêu nhau đến mức độ hai thành một. Khi người và Chúa thành một, thì sẽ được sống đời đời, chứ không phải chết là hết. Chết chỉ là khởi đầu cuộc sống mới, mà hôm nay khả năng hiểu biết của loài người chưa đạt được. Cái kỳ diệu của đạo Chúa là vậy. Phải ngẫm nghĩ, phải cầu nguyện để cảm nghiệm được điều đó.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 2
VUI MỪNG BÁN HẾT
Mt 13, 44-46
Hai dụ ngôn tuy cách thức mở đầu và diễn đạt khác nhau, nhưng cùng nói lên một ý nghĩa là: Nước Trời vô cùng quý giá, giống như kho báu và viên ngọc quý đối với người ta ở đời này. Có người tìm thấy đã vui mừng đến nỗi đi bán hết những gì mình có để mua cho được. Thật ra, việc so sánh này chỉ nói lên được phần nào giá trị vô song của Nước Trời. Dù người ta có được kho báu hay viên ngọc quí thì chưa chắc đã có bình an và hạnh phúc thật sự. Hơn nữa, cũng không thể nào lấp đầy được khát vọng vô biên của con người, vì chúng mang tính vật chất và tạm thời, là phương tiện chứ chưa phải là mục đích, là sự biểu hiện cho một thực tại vĩnh cửu chứ không phải là vật sở hữu trong cuộc đời này.
Kho báu được chôn giấu trong ruộng muốn nói đến Con Thiên Chúa là Đức Giêsu, Ngài đang ở giữa nhân loại, nhưng ẩn mình trong hình dạng của một con người bình thường, mà người ta coi như tầm thường (x. Mt 13, 55). Kho báu đó cũng chính là Lời Thiên Chúa đang ẩn chứa trong những trang Kinh Thánh, là Nước Trời đang ẩn giấu trong thế gian này. Thế nhưng Lời Chúa không phải lúc nào cũng dễ nghe, ngay những kẻ đi theo Đức Giêsu cũng cho là chướng tai (x. Ga 6, 60). Nhưng khi ai đó đã nhận ra sự vô giá của kho báu là Nước Trời, là ơn cứu độ muôn đời, thì họ dám từ bỏ tất cả để sở hữu cho bằng được.  
Còn dụ ngôn viên ngọc quí không nằm sẵn ở một chỗ như kho báu trong ruộng, để rồi tình cờ người ta bắt gặp, nhưng người ta phải bỏ công vất vả ngược xuôi mới tìm thấy nó. Và chính khi tìm thấy nó mà giá trị của viên ngọc tăng lên gấp bội, không những vì bản thân viên ngọc mà còn do nỗ lực, do sự bôn ba vất vả của người tìm kiếm nó. Người tìm được viên ngọc quí cũng tràn đầy vui mừng như người tìm thấy kho báu, nên đã bán đi tất cả những gì mình có để mua cho được.
Nhiều người cũng đã bất ngờ khám phá ra kho báu, hoặc nỗ lực tìm ra viên ngọc quí, nhưng để trao đổi thì không đủ can đảm để bán đi những gì mình yêu thích, không dám mất đi những gì mình sở hữu, không chịu bỏ đi những gì mình ham mê. Cũng giống chàng thanh niên giàu có, được chính Chúa Giêsu mời gọi và bảo đảm cho anh được một kho tàng trên trời, nhưng rồi anh đành phải buồn rầu bỏ đi, vì không có can đảm bán đi những gì anh có để đổi lấy nó (x. Mc 10, 17-22).
Hai dụ ngôn đều đưa đến những hệ luận như sau:
- Việc lựa chọn không phải là di dời các giá trị khác ra phía sau để nhường lại cho giá trị lớn là Nước Trời, nhưng coi mọi thứ khác không còn giá trị nữa trước giá trị duy nhất là Nước Trời. Người ta chỉ thật sự là Kitô hữu nếu hiểu rằng Nước Trời là “tất cả” trong cuộc đời, cần thiết hơn cả cơm bánh mỗi ngày. Đây là sự chọn lựa nền tảng, một sự chọn lựa dứt khoát và tối ưu để đưa đến sự “hoán cải”, một sự thay đổi lòng trí để suốt đời sống trọn vẹn cho giá trị siêu phàm này.
- Tìm kiếm là điều kiện thiết yếu để có thể gặp được Nước Trời, tìm kiếm với tấm lòng mộ mến và khao khát (x. Mt 10,39; 12,29; 17,14; 18,13). Tuy nhiên, Nước Trời không phải là kết quả đương nhiên của một cuộc tìm kiếm. Nước Trời là một ân ban, một cuộc hạnh ngộ rất nhiệm mầu mà Chúa thường ban cho những người bé nhỏ mọn hèn (x. M1 11, 25-26), là điều mà người ta phải tha thiết cầu xin.
- Ảnh hưởng não trạng hưởng thụ vật chất, ta thường coi tiền bạc, danh giá, quyền hành, khoái lạc… là những giá trị quan trọng và hấp dẫn nhất. Khi nói Nước Trời là kho báu muôn đời, Chúa Giêsu là viên ngọc quý duy nhất, ta lại thấy như quá xa xôi, mơ hồ, nên chẳng cần thiết đến nỗi phải hy sinh điều gì đó để đánh đổi, nhất là phải hy sinh tất cả. Vì vậy, vấn đề ở đây là khả năng nhận biết, nhận thấy, nhận ra, nhờ lòng tin. Chỉ ai ngộ ra những thực tại vô hình và ngây ngất trước giá trị đó, người ấy mới vui mừng hy sinh gia sản phù phiếm của đời này, để đổi lấy kho báu bất diệt đời sau (x. Mt 6,20).
Thật ra, đối với Kitô hữu chúng ta, kho báu hay viên ngọc quí không ở đâu xa, mà Thiên Chúa đặt để ngay trong con tim mỗi người. Đó là chính Đức Kitô mà chúng ta đã đón nhận trong cuộc đời mình ngay từ khi chịu Phép Rửa. Và chúng ta vẫn tiếp tục đón nhận Ngài qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Ngài vẫn đang sống và đang hành động trong ta, nhưng có thể vì quen quá hóa nhàm, ta lại chạy theo những cái hấp dẫn bên ngoài mà quên lãng Ngài trong trái tim mình. Không ngộ ra được chân lý làm chấn động trái tim mình, không ngây ngất trước niềm vui vỡ òa thì mọi cái rồi cũng sẽ mai một chẳng còn gì.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
chẳng có gì mà không thể bỏ đi,
khi mà con đã ngộ ra chân lý,
giống như người tìm ra viên ngọc quí,
bán hết những gì mình có để mua.

Nước Trời thì chẳng có gì sánh ví,
bởi vì là chính Chúa cả từ bi,
là tất cả những gì con khát khao,
nên con dùng tất cả để đổi trao,
chỉ mong sao có ngày được chính Chúa,
là gia nghiệp không héo úa tàn phai.

Tuy nhiên giữa nẻo đường đời nhân thế,
để nhận ra Nước Trời không phải dễ,
vì có nhiều giáo thuyết và thể chế,
và cuộc đời đầy dẫy những đam mê,
chỉ trừ khi con thao thức tìm về,
để suy tư phân định trong cầu nguyện.

Con cần sống đời đơn sơ bé nhỏ,
để thấy điều kỳ diệu Chúa ban cho,
không đắn đo khi con phải từ bỏ,
với niềm vui mà chẳng phải âu lo.

Xin cho con vượt thoát khỏi u mê,
đừng lê thê theo đường xưa lối cũ,
đừng chạy theo lối sống lo hưởng thụ,
đừng bị dụ bởi những trò vui thú,
nhưng tiết chế và làm chủ bản thân,
biết yêu quí một cuộc sống thanh bần.

Con đã được diễm phúc nhận biết Chúa,
nên bán đi hết mọi thứ tầm thường,
vì điều đó sẽ trở thành gai chướng,
làm cản bước con đi tới thiên đường,
là quê hương mà Chúa đang mong đợi,
là an vui hạnh phúc mãi rạng ngời. Amen.
Lm. Thái Nguyên

==================
Suy niệm 3
QUỐC TỊCH NƯỚC TRỜI

Một lần nọ, trong một dịp thảo luận chuyên đề, con có đặt ra một số câu hỏi đại loại như: “trong chúng ta, ai muốn vào Nước Trời?” Ngay sau câu hỏi, hàng trăm cánh tay giơ cao không chút do dự. Tuy nhiên, sau khi nghe con hỏi: “ngay lúc này đây (ngay bây giờ), ai muốn về Nước Trời liền?” Vừa nghe xong, cũng khá nhiều cánh tay giơ lên, nhưng rồi những cánh tay mới giơ cao ấy từ từ được bỏ xuống trong sự e dè, ngại ngần!
Thiết nghĩ, giả sử câu hỏi thứ hai được thay thế bằng một câu khác như: “ngay giờ phút ngồi đây, ai trong chúng ta muốn được qua Mỹ, qua Nhật hay qua các nước Châu Âu?” Có lẽ mọi cánh tay đều được giơ lên cao một cách dứt khoát, không mảy may do dự! Phải chăng chúng ta kỳ vọng và ước mơ những gì không như Thiên Chúa mong mỏi “Nước Trời giống như kho tàng…, Nước Trời giống như người buôn đi tìm ngọc quý…Nước Trời giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá, nhưng chỉ chọn cá tốt, còn cá xấu thì ném ra ngoài”? (x. Mt 13, 44-48). Dường như chúng ta chưa được cảm nghiệm nhiều về Nước Trời! Chúng ta chưa được cảm nghiệm một cách sâu sắc đến nỗi biến đổi cuộc sống của mình hầu dám bỏ hết tất cả để được Nước Trời!
Một cách nào đó, chúng ta chưa dám khẳng khái xác tín như Thánh Phao-lô đã tin nhận rõ ràng trong thư gửi cho giáo đoàn Phi-líp-phê: “Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta” (x. Pl 3, 19-20). Trong bản văn tiếng Việt đây, chúng ta chưa thấy rõ tính thuộc về Nước Chúa của mỗi Ki-tô hữu. Ít nhất, bản dịch Kinh Thánh tiếng Nhật và tiếng Anh giúp chúng ta nhận ra ‘quốc tịch đích thật’ của người Ki-tô là gì, và ‘thuộc về Nước Trời’ ra sao, “For our citizenship is in heaven (God’s Reign or Kingdom)” và “私たちの国籍(天の国)にある”. Trong chúng ta, ai cũng mang một quốc tịch nhất định và thuộc về một quốc gia nào đó, mà nơi đó chúng ta gọi là quê hương. Đối với quê hương ấy, không cần nói ra, chúng ta đều có tình cảm đặc biệt dành cho và mang niềm tự hào nhất định nào đó. Dẫu cho trải qua bao thăng trầm khó khăn nhất trong đời khiến nhiều người chúng ta phải rời xa xứ, xa quê hương, và rơi vào tình trạng vô quốc tịch hoặc đến một nơi bến bờ tự do, được nhận quốc tịch mới nào đi chăng nữa, thì tình cảm đau đáu sâu thẳm trong lòng của mỗi chúng ta dành cho quê hương, nơi mà chúng ta được sinh ra, nơi ‘chôn nhau cắt rốn’, nơi còn mồ mả ông bà tổ tiên…không thể nào tan biến hoặc ‘cuốn theo chiều gió’ hay ‘già nua theo năm tháng’! Hơn nữa, là một người Ki-tô hữu, khi được nhận lãnh bí tích Thanh Tẩy (lúc lọt lòng hay khi đã trưởng thành) thì chúng ta được mang lấy một ‘quốc tịch’ mới mà Thánh Phao-lô xác nhận và gọi là ‘quốc tịch đích thật’ hay ‘quốc tịch Nước Chúa/Nước Trời’. Và ‘quốc tịch’ này không mặc định chúng ta được vào Nước Trời khi chẳng cần sống đạo, mà đúng hơn là mở ra cánh cửa giúp chúng ta có cơ hội được tiến vào Nước Chúa sau khi chu toàn mọi bổn phận và sống đạo trung thành.
Để được nhập tịch một quốc gia nào đó, chúng ta phải hội đủ mọi điều kiện, tuân theo Hiến pháp của nước ấy. Trong khi đó, để được có ‘quốc tịch Nước Trời’, chúng ta không cần phải vượt qua những kỳ thi trong kỳ hạn nào, không cần phải chứng minh nhân thân, không cần hoàn thành một tá giấy tờ phức tạp, v.v…mà chúng ta được Thiên Chúa mời gọi, ban thưởng nhưng không, được bày biện cho chúng ta không dựa trên công trạng hay thành quả của chúng ta. Hơn hết, chỉ nhờ vào lòng thương xót, tình yêu thương Thiên Chúa dành cho chúng ta như Thánh Phao-lô trình bày cụ thể trong thư gửi cho giáo đoàn Rô-ma “những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi: nhưng ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ vinh quang” (Rm 8, 30).
Và khi chúng ta được lãnh nhận ‘quốc tịch Nước Trời’ thì chúng ta cũng phải sống theo Hiến Chương Nước Trời (hay nói theo ngôn ngữ bình dân: là sống đạo) hầu được vào Nước Chúa cùng với chư Thánh, bao gồm cả ông bà cha mẹ, những người thân hữu đã được hưởng nhan Thánh muôn đời trước chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta không thể ‘ngồi mát ăn bát vàng’ hay ‘ngồi chơi xơi nước’ hoặc ‘ngồi chờ sung rụng’, mà chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa và nỗ lực trung thành sống đạo, hy sinh, bỏ hết những gì tạm thời để có cơ hội thuộc về Nước Trời vĩnh hằng: “Nước Trời như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia khi tìm được, vui mừng trở về bán tất cả để mua thửa ruộng ấy” (Mt 13, 44), và chịu đánh đổi mọi thứ chóng qua hầu đạt được “Nước Trời như ngọc quý. Tìm được viên ngọc quý, người buôn nọ về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 45). Sau cùng, ngoài việc tận dụng sống với ơn Chúa, nỗ lực sống đạo mỗi ngày, chúng ta phải trở nên ‘cá tốt’ được chọn khi “Nước Trời giống như lưới thả bắt mọi thứ cá, nhưng khi kéo lên bãi, ngồi lựa ra cá tốt thì cho vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài” (x. Mt 13, 47-48). Và để đạt được mọi điều này, chúng ta cần xin ơn khôn ngoan phân định như Vua Sô-lô-mon đã chẳng xin gì từ Thiên Chúa ngoài ơn khôn ngoan, phân biệt lành dữ “vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?” (1V 3, 9). Chúng ta không xin ơn khôn ngoan nhận ra Thánh ý Chúa hầu như Vua Sô-lô-mon để lãnh đạo dân, nhưng có được ơn khôn ngoan biết đón nhận - thực thi theo ý Chúa; có được ơn khôn ngoan hầu phân định điều đúng - sai, điều gì cần làm và không nên làm…trong cuộc hành trình dương thế đầy cam go, chông gai, truân chuyên, nhiều nỗi buồn nhưng cũng lắm niềm vui.
Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con ơn được làm công dân quê hương Nước Trời khi chúng con được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy; Lạy Chúa, xin đồng hành nâng đỡ chúng con sống xứng đáng với ‘tư cách của công dân Nước Trời’ trong cuộc sống hằng ngày:
Nước Trời Chúa ban cho ta                    
Chẳng vươn cao thẳm, không xa đời mình.
                    
Được gọi công dân an minh
                    
Quê hương đích thật, quang vinh muôn phần
                    
Khôn ngoan phân định thánh ân                    
Sẵn sàng buông bỏ, lãnh phần Chúa trao
. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

==================
Suy niệm 4
Khám phá kho báu Tin mừng

Mt 13, 44-46

Kho tàng ẩn giấu dưới lòng đất
Qua bao đời, người Ả-rập Xê-út sống ngay trên những túi dầu khổng lồ với một trữ lượng lớn lao vượt xa các nơi khác trên thế giới mà không hay biết. Hiện nay, trữ lượng dầu của Ả-rập Xê-út lên đến 260 tỷ thùng, chiếm khoảng 20% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Thế mà, suốt cả mấy ngàn năm trước đây, ông bà tổ tiên của họ phải sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực vì đất nước của họ gồm phần lớn là sa mạc nóng cháy với một khí hậu khắc nghiệt khác thường.
Mãi cho đến năm 1938, nhờ kỹ thuật tân tiến của phương Tây, họ mới khám phá và khai thác những túi dầu lửa khổng lồ nằm ngay dưới chân mình. Nhờ đó, từ thân phận nghèo khổ bần cùng, họ trở nên một dân tộc giàu có, phồn vinh.
Kho tàng quý báu của chúng ta hôm nay
Vì lòng yêu thương vô bờ dành cho con cái mình, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một kho tàng quý báu hàng tỷ lần hơn kho dầu bên Ả-rập; đó là Tin mừng của Chúa Giê-su.
Tin mừng Chúa Giê-su là sự khôn ngoan của Thiên Chúa được Chúa Giê-su mang từ trời xuống tặng ban cho thế giới.
Tin mừng Chúa Giê-su là phương dược cứu chữa nhân loại khỏi chia rẽ, hận thù và tự hủy diệt.
Tin mừng Chúa Giê-su đề ra giải pháp tối ưu để xây dựng một thế giới yêu thương huynh đệ, công bằng, hạnh phúc.
Nhưng tiếc thay, cũng như người Ả-rập trước đây phải sống lây lất trong nghèo đói, bần cùng và lạc hậu vì không biết khám phá và khai thác những túi dầu khổng lồ dưới chân mình, thì nhiều người hiện nay vẫn chưa phát hiện được những giá trị cao quý do Tin mừng mang lại nên phải sống trong tình trạng nghèo tình thương, đói công lý, nếp sống đạo đức sa sút nghiêm trọng…
Sở dĩ như thế là vì Tin mừng là kho báu, nhưng là kho báu ẩn giấu dưới những dòng chữ, là ngọc quý ẩn mình trong những trang sách, nên mặc dù sách Tin mừng đang ở trong tầm tay mọi người, nhưng nhiều người không phát hiện được giá trị tiềm ẩn bên trong nên không tìm cách khai thác để mang lại lợi ích cho mình.
Hăm hở khai thác kho tàng
Hiện nay, khi thấy dấu hiệu có trữ lượng dầu lửa đáng kể nằm sâu dưới lòng đất hay dưới lòng đại dương, các quốc gia lân cận lập tức xác nhận chủ quyền của mình trên những vùng biển hay vùng đất đó và tìm cách khai thác cho bằng được.
Đó cũng là chọn lựa của anh nông dân bất ngờ khám phá ra kho báu hay của một thương gia đi săn lùng ngọc quý trong dụ ngôn Tin mừng Mát-thêu sau đây (13, 44-46):
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”
Lạy Chúa Giê-su,
Tin mừng của Chúa là một kho tàng tuyệt vời đang ẩn mình dưới những dòng chữ, là viên ngọc vô cùng quý báu chìm khuất trong những trang sách, nhưng tiếc thay, vì người đời chẳng hay biết nên họ tỏ ra dửng dưng, hờ hững với Kho tàng nầy.
Xin cho chúng con biết đánh giá đúng giá trị của Tin mừng để quyết tâm khám phá cho bằng được và sẵn sàng đầu tư khai thác không quản ngại phí tổn thời giờ và công sức; nhờ đó cuộc đời của mỗi người sẽ được cải thiện, xã hội sẽ có thêm công bằng hạnh phúc và tương lai của nhân loại sẽ bừng sáng. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

====================
Suy niệm 5
KHO BÁU VÀ NGỌC QUÝ

Mt 13, 44-52

Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 44-46).
Đức Giêsu ví Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong thửa ruộng. Người may mắn phát hiện thấy được thì mừng quá, ngay lập tức đi bán hết những gì mình có để mua cho được thửa ruộng này, không thể lừng khừng kẻo lỡ mất cơ hội. Người còn ví Nước Trời như viên ngọc đẹp lọt vào mắt một thương gia. Ông cũng đi bán tất gia sản của mình để mua cho bằng được. Cả hai dụ ngôn đều nói lên sự cao quý tột bậc, đắt giá của Nước Trời. Cả hai người trong dụ ngôn đều khôn ngoan, biết nhanh tay đầu tư tận lực và ngay lập tức.
Nước Trời là phần rỗi, là sự sống đời đời, là gia nghiệp của những ai khao khát kiếm tìm, đến khi nhận ra và nỗ lực phấn đấu với hết khả năng, sức lực để có được. Có nhiều người muốn có, nhưng không đủ “say” để bán đi những gì mình yêu thích, không chịu thua thiệt mất mát những gì mình đang sở hữu để đánh đổi lấy, khó dứt mình khỏi những đam mê, tiếc xót mọi thứ đang hưởng thụ... thì làm sao có được?
Nước Trời là chính Chúa. Tôi có biết khao khát kiếm tìm Chúa không? Vì không nhận ra nên nhiều người dửng dưng coi thường, chỉ mải mê với đủ vui thú thế trần thì làm sao có được? Lời Chúa là chính Chúa. Tôi có tha thiết gì với Lời Chúa không? Một khi đã thực sự gặp thấy Nước Trời, trở nên thân tình, gắn bó mặn mà với Chúa, niềm vui hạnh phúc quá lớn lao chất chứa trong lòng, thì những thứ khác thành bé nhỏ. Nhờ sức nóng từ Chúa hun đúc tôi luyện, những gì không xứng với Nước Trời trong tôi sẽ “rơi rụng” dần và làm cho xứng đáng lãnh lấy phần thưởng Nước Trời.
Tạ ơn Chúa đã mạc khải cho chúng con biết giá trị vô song của ơn cứu rỗi. Xin Chúa hướng dẫn, thúc đẩy chúng con sẵn sàng hy sinh mọi sự để đạt được kho tàng Nước Trời. Ước gì trong chúng con Chúa là “kho tàng duy nhất đời con”, cho tâm hồn con luôn hướng về Chúa, sống kết hợp mật thiết với Chúa trong từng phút giây. Để niềm hạnh phúc này thể hiện rõ trên khuôn mặt luôn vui tươi, thể hiện trong việc làm hằng ngày với tinh thần quảng đại, phục vụ anh chị em con.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ban Lễ sinh Giáo xứ Trại Sơn mừng lễ kính Thánh Giacôbê Quan thầy
Ban Lễ sinh Giáo xứ Trại Sơn mừng lễ kính Thánh Giacôbê Quan thầy
Vào lúc 19g30 ngày 25.11.2024, tại nhà thờ giáo xứ Trại Sơn, cha Giuse Trần Văn Điển đã long trọng cử hành Thánh lễ kính Thánh Giacôbê, Quan thầy Ban Lễ sinh giáo xứ Trại Sơn. Tham dự Thánh lễ có sự hiện diện của quý thầy, quý dì, quý khách, quý ông bà phụ huynh, quý cộng đoàn và gần 30 em Lễ sinh trong toàn giáo xứ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log