Chúa nhật, 28/04/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXI Thường Niên A

Cập nhật lúc 14:19 24/08/2017
“Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16, 15 - 16)
Suy niệm 1
“Phần con, con nói: Thầy là ai?”

-----------------------
Với kiến thức con người, chúng ta khó có được một định nghĩa chính xác về Chúa Giêsu. Cần có Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng ta mới có thể tìm được câu định nghĩa toàn diện. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng làm chúng ta khám phá ra từ việc thấy Chúa Giêsu, khâm phục Chúa Giêsu rồi mới nhận ra Chúa Giêsu là ai để mà yêu mến Người.
1- Chúa Giêsu, con người lịch sử đáng khâm phục.
Trước hết chúng ta hãy làm quen với Chúa Giêsu lịch sử qua vài câu chuyện của Tin Mừng  viết về Người đã được dịch ra 2092 thứ tiếng.
- Tại Nagiaret, Chúa Giêsu cũng là cậu con trai đẹp như mẹ Người là Đức Maria. Người cũng đi hội đường, học đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Người lao động như một chàng thanh niên và chơi các trò chơi lành mạnh. Người giúp đỡ cha trong nghề thợ mộc.
- Tại Giêrusalem lúc 12 tuổi, Người nói như sách và còn đối chất với các nhà thần học.
- Tại Cana, Người làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon.
- Bài giảng nổi tiếng nhất của Người là bài Tám Mối Phúc, làm cho các thính giá phải trầm trồ khen ngợi.
- Tại nhà viên thuế vụ Zachée. Ngôi nhà này trước đây sa hoa lộng lẫy, thì giờ đây trống rỗng, tất cả được bán đi để phục vụ người nghèo, vì vị khách mời đặc biệt đã làm thay đổi con tim viên thuế vụ đó.
- Chúng ta tiếp tục theo Chúa Giêsu vào một buổi chiều tối. Người lánh đi một mình để cầu nguyện trong rừng vắng. Người hướng về Cha.
- Còn trên Thabor, chúng ta đừng vội trèo lên, vì sợ rằng chúng ta sẽ giống như Phêrô bị cám dỗ không muốn xuống nữa.
- Chúng ta hãy hướng về nghĩa trang Bethania, nơi chôn cất chàng thanh niên Lagiarô đã 4 ngày, nhưng anh này đã được Chúa Giêsu cho sống lại.
- Nhưng nhất là chúng ta hãy lên đồi Canvê và chiêm ngắm Chúa Giêsu chết mà không một lời phàn nàn. Hơn nữa chúng ta hãy nghe xem Người nói gì: một lời giận ghét ư? Không! Ngược lại là một lời tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Và còn gì nữa? Trái tim người còn bị đâm thâu và dốc cạn đến giọt máu cuối cùng để chứng tỏ tình yêu tới mức nào!
Vâng con người này thật đáng khâm phục. Một cái nhìn mới và cao cả biết bao! Người là một con người làm nhân loại được hạnh phúc và làm thay đổi bộ mặt thế giới. Và còn hơn nữa, Người là Con Người hoàn chỉnh.
Renan, nhà sử học Pháp về kitô giáo, viết: “Ý thức cao cả nhất về Thiên Chúa hiện diện trong con tim nhân loại là ý thức về Chúa Giêsu”.
2- Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và là người thật.
Tuy nhiên, nếu chỉ khám phá ra Chúa Giêsu là một nhân vật lịch sử phi thường thôi, thì vẫn chưa giải quyết được cơn khát vọng nơi chúng ta. Và chúng ta vẫn tiếp tục đặt câu hỏi: vậy Người là ai mà lại có những sự khác thường như vậy? Đương nhiên là Người vẫn gây nên sự tò mò cho chúng ta.
Một con người chỉ là anh thợ mộc thôi. Xuất thân từ dòng tộc vua quan, mà lại không sinh ra trong cung điện nhà vua, không được bầu làm thị trưởng Nagiaret! Nhưng lại sống đơn sơ khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường và đơn sơ ấy lại là tất cả. Khi dân làng tôn vinh Người thì Người lại chạy trốn và từ chối quyền bính.
Tuy nhiên, Người lại truyền lệnh bão táp im lặng, giảng dạy như Đấng có quyền, trừ quỷ, tha thứ tội nhân. Chính Người còn dám nói: “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống… Tôi là ánh sáng muôn dân”. Ngày nay, nếu có ai dám nói rằng mình có chân lý, thì sẽ bị người ta chế giễu, và nếu có ai dám nói mình là sự thật, thì sẽ bị người ta tống giam ngay. Chỉ mình Chúa Giêsu mới dám nói như vậy. Hơn nữa, Người còn nói: “Tôi ngang hàng với Thiên Chúa, tôi là Con Thiên Chúa”.
Thật hạnh phúc cho tất cả những ai khám phá ra con người đích thực của Chúa Giêsu, vừa là Chúa Giêsu lịch sử vừa là Chúa Giêsu Đức Tin!
- Khám phá ra Chúa Giêsu đích thực, có nghĩa là tin nhận Người là vị tiên tri siêu hạng đến trần gian để mặc khải Tình Yêu Thiên Chúa qua tất cả lời giảng day, cuộc đời và cái chết của Người.
- Khám phá ra Chúa Giêsu đích thực, có nghĩa là tin nhận Người là Đức Chúa, là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Thiên Chúa và là Thiên Chúa.
- Khám phá ra Chúa Giêsu đích thực, có nghĩa là tin nhận Người là Đấng Mesia đích thực, là Chúa Kitô, Đấng được Thiên Chúa xức dầu và được các tiên tri loan báo từ trước.
- Khám phá ra Chúa Giêsu đích thực, có nghĩa là tin nhận Người là Đấng Kitô Cứu Thế, là Adam mới. Nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, Người trở nên thủ lãnh nhân loại, làm cho tất cả mọi người được sống lại sau này, là Đấng Trung gian, là thầy thượng tế giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Tất cả những khám phá như vậy được Thiên Chúa ban cho những ai thiện chí và sẵn sàng đón nhận sự thật qua cảm nghiệm.
3- Vậy chúng ta sẽ cảm nghiệm thế nào về Chúa Giêsu?
Nếu Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta: “Con hãy nói cho Thầy biết rằng Thầy là ai?” Chắc  hẳn ngay lúc này chúng ta có thể trả lời: “Thầy là Đấng Mesia, Đấng đã sống lại, Đấng Cứu độ, và là Con Thiên Chúa”. Nhưng câu trả lời này đừng bao giờ chỉ là một câu trả lời của nhà thần học hay là bài giáo lý. Vì đã có rất nhiều câu trả lời như vậy. Câu trả lời đích thực mà Chúa Giêsu đặt ra cho mỗi người chúng ta phải là câu trả lời sâu xa hơn. Chúa Giêsu sẽ hỏi chúng ta: “Thầy là ai đối với con? Thật vậy, có thể một người rất thành thạo về Kitô học, nhưng lại không yêu mến Chúa Kitô. Trái lại, cũng có thể một người đơn sơ không có khả năng cho chúng ta một định nghĩa toàn bộ về Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng lại sống kết hợp sâu xa với Chúa Kitô đang sống.
Silésius viết: “Chúa Giêsu sinh ra tại Belem có ích gì cho tôi, nếu Người không sinh ra, không lớn lên và không triển nở trong tôi ”?
Mỗi người chúng ta nên tự đặt câu hỏi đích thực để mà sống niềm tin của mình vào Chúa Kitô:
- Người có là tất cả cho cuộc đời tôi không?
- Người có là Đấng cần thiết duy nhất cho tôi không?
- Người có là bạn của tôi để tôi sống hiệp thông và đối thoại với Người hằng ngày không?
- Người có là mẫu gương để tôi muốn cố gắng bắt chước, hay tôi vẫn đi tìm một thần tượng nào khác?
- Người có là mục đích cuối cùng của đời tôi không?
- Tôi có ý thức đủ để bước đi theo Người và Người sẽ dẫn tôi vào tiệc cưới vĩnh hằng không?
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: “Sống tình yêu với Chúa Giêsu không phải là dựng lều trên đỉnh núi Thabor, nhưng là cùng với Chúa Giêsu trèo lên đỉnh núi Canvê”.

 
Lm. Gioan Đặng Văn nghĩa

====================== 
Suy niệm 2
HÃY XÂY DỰNG GIÁO HỘI BẰNG NHỮNG VIÊN ĐÁ SỐNG ĐỘNG
(Is 22, 19- 23; Rm 11,33- 36; Mt 16,13- 23)
“Giáo Hội là mầu nhiệm”;“Giáo Hội là dân Thiên Chúa”. Những khái niệm trên cho thấy Giáo Hội vừa mang tính hữu hình vừa mang tính vô hình. Hữu hình: Giáo Hội là một tổ chức như mọi tổ chức trần gian. Có người lãnh đạo và có những cộng sự khác. Vô hình: vì có Thiên Chúa Ba Ngôi là chủ. Mọi thành phần trong Giáo Hội đều có sự liên đới với nhau, ta gọi đó là: “Mầu nhiệm hiệp thông”.
Như vậy, khi thiết lập Giáo Hội, Đức Giêsu muốn thông qua tổ chức hữu hình để Ngài ban ân sủng siêu nhiên nhằm cứu độ con người. Thế nên, trước khi về trời, Đức Giêsu muốn Giáo Hội tiếp tục công trình cứu độ của Ngài cho đến tận thế. Vì lẽ đó, Đức Giêsu đã đặt Phêrô là người thay mặt Ngài ở trần gian để điều hành Giáo Hội. Tuy nhiên, việc trao ban quyền lãnh đạo cho Phêrô, Đức Giêsu muốn Phêrô phải tuyên xưng và xác tín niềm tin của ông nơi Ngài trước khi nhận lãnh sứ vụ. Đồng thời phải có tâm tình khiêm tốn, chân thành của kẻ bé mọn trong việc xây dựng Nước Trời trên trần gian.
1. Phêrô tuyên xưng đức tin
"Người ta bảo Con Người là ai?" (Mt 16, 13).
Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ như vậy? Câu hỏi này của Đức Giêsu có ý gì?
Thưa vì những lý do sau:
Thứ nhất, Đức Giêsu và các môn đệ đang ở vùng Cêsarêa Philipphê. Đây là vùng đất của dân ngoại. Địa danh này còn được biết đến là một trung tâm thờ thần Baan. Nơi đây cũng có thể là nơi “chôn rau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias: thần thiên nhiên.
Dân chúng ở đây, trong tâm thức của họ, Đức Giêsu chỉ là một nhân vật vĩ đại và thuần túy, hay chỉ là người tiếp nối quá khứ truyền thống của các tiên tri thời Cựu Ước mà thôi. Sẵn có lối suy nghĩ như vậy, nên họ không hiểu rõ sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu! Vì thế, không lạ gì khi được hỏi về dư luận trong dân chúng về mình, các môn đệ đã thông tri cho Đức Giêsu biết: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ" (Mt 16, 14). Khi nghe thấy như thế, Đức Giêsu không thỏa mãn với câu trả lời đó. Mặt khác, nhân đây, Ngài muốn mặc khải cho các ông về con người và vai trò Thiên Sai của mình. Vì thế, Ngài đã hỏi trực tiếp các môn đệ: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 15-16).
Khi Phêrô tuyên xưng điều đó, có lẽ ông cũng không hiểu hết, bởi vì mầu nhiệm này quá sức của ông và các môn đệ khác.
Quả thật, “Đấng Kitô” mà Đức Giêsu muốn các môn sinh của mình hiểu ở đây không chỉ đơn thuần theo nghĩa là Đấng được Thiên Chúa sinh ra, mà còn là người hành động như Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa. Còn “Con Thiên Chúa hằng sống”, tức Ngài là Đấng tự hữu và tự tồn tại, vì thế “Ngài ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.
Thứ hai, đây là dịp để Đức Giêsu trắc nghiệm niềm tin của các ông vào mình, bởi lẽ không thể trao phó một trách nhiệm quan trọng mang tính trường tồn cho một kẻ kém tin, kiêu ngạo, tự phụ và không hiểu biết gì về mình.
2. Phêrô đón nhận sứ vụ
Ngay sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời” (Mt 16, 17)Qua câu nói đó của Đức Giêsu, và lúc khác kết hợp với lời tạ ơn của chính Ngài: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25), cho chúng ta thấy rất rõ rằng: sứ vụ mà Phêrô sắp được lãnh nhận ở đây không phải là của người khôn ngoan, trí thức, quyền quý, theo kiểu người đời vẫn hiểu, mà là dành cho những người bé mọn theo ý Chúa. Lời tuyên tín của Thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” không thuộc phạm trù “sự hiểu biết thuộc về con người”, nhưng thuộc về “thế giới siêu nghiệm”,và vì thế, để hiểu được tất cả ý nghĩa của lời tuyên tín trên thì cần phải được mặc khải từ Thiên Chúa, và người đón nhận phải đơn sơ, chân thành.
Thật vậy, sứ vụ mà Phêrô sắp lãnh nhận là trở thành chủ chăn, là người lãnh đạo, nhưng khi thi hành thì phải mang trong mình tâm tình khiêm nhường và phục vụ chứ không được dùng quyền để đàn áp, thống lãnh và ăn trên ngồi trước như người đời... Biết can đảm, trung thành trước mọi thử thách và cuối cùng là biết phó thác nơi Thiên Chúa như những người bé mọn.
Vì thế, khi Phêrô tuyên xưng niềm tin, ngay lập tức, Ngài đã đổi tên của ông là Simon thành Phêrô và giải thích là “Đá Tảng”. Nhắc đến đá, ta nhớ ngay những đặc tính của nó như: cứng; bền; chắc. Và khi Đức Giêsu ví Giáo Hội được xây trên nền đá, Ngài cũng muốn nhấn mạnh đến những đặc tính siêu nhiên.
Cứng: nói lên sức mạnh của Giáo Hội.
Bền: nói lên sự trường tồn của Giáo Hội.
Chắc: nói lên sự vững bền của Giáo Hội.
Khi đổi tên như thế, Ngài đã biến ông từ một kẻ nhát đảm, kém tin, bồng bột trở thành biểu tượng của sức mạnh, trường tồn và bền vững: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Không những thế, Đức Giêsu còn trao cho Phêrô quyền tuyệt đối khi nói: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt 16, 19).
3. Sứ điệp Lời Chúa
Khi Giáo Hội được Đức Giêsu xây trên nền đá vững chắc ấy. Cộng đoàn những người tuyên xưng cùng một lòng tin mà Phêrô vừa tuyên xưng thì được ví như một tòa nhà do chính Đức Giêsu xây dựng trên “tảng đá” Phêrô. Mỗi chúng ta cũng được ví: “... như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Ðền Thờ thiêng liêng” ấy (x. 1Pr 2,5). Khi nói đến viên đá sống động, hẳn chúng ta không thể hiểu theo ngôn ngữ chết, mà phải hiểu trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta.
Câu hỏi của Đức Giêsu với các môn đệ: "Người ta bảo Con Người là ai?" cũng là câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta. Bổn phận của chúng ta là phải trả lời cho được câu hỏi đó. Nếu trả lời như Phêrô khi xưa: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Thì hẳn chúng ta phải biểu lộ niềm tin của mình vào Đấng đã cứu chuộc mình cách đúng nghĩa.
Thật vậy, muốn thuộc về Đức Giêsu, chúng ta phải đi lại con đường thập giá của Ngài đã đi và sống nguyên lý của mầu nhiệm tự hủy, khiêm tốn, can đảm, trung thành và phó thác.
Nếu không, đức tin của chúng ta chỉ là thứ đức tin “ấu trĩ” được mua bằng một “giá rẻ”. Nếu quả là vậy, thì mãi mãi vẫn chỉ là một đức tin “nghèo nàn” và thiếu đi “cốt lõi” của niềm tin.
Thánh Giacôbê Tông đồ đã nói: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17), và thánh Gioan đã quả quyết:“Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người [...]. Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Ðức Giêsu đã đi” (1,Ga 2,3-6).
Như vậy, tin Đức Giêsu thì cũng hành động như Ngài và tuân theo lời dạy yêu thương của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34), và như thế, niềm tin của chúng ta sẽ được lan truyền sang cho mọi người như lời Đức Giêsu đã nói: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13, 17).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con ngày càng theo sát Chúa trên con đường thập giá là con đường “độc đạo” con “đường thật” dẫn đến “sự sống”. Xin cũng ban cho chúng con luôn yêu mến, vâng phục đấng thay mặt Chúa, kế vị các tông đồ và sẵn sàng dấn thân xây dựng Giáo Hội của Chúa trên trần gian. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

=======================
Suy niệm 3
Lạy Thầy, Thầy Là Con Thiên Chúa Hằng Sống
(Mt 16,13 - 19) 
Phêrô là người lãnh nhận lời hứa từ Chúa Giêsu quyền chăm sóc anh em. Trước đó ít lâu, ông là người đã đi trên mặt nước, bị Chúa Giêsu quở trách là "người hèn tin" (Mt 14, 31).  Trong thực tế, có lẽ Chúa Giêsu đã can thiệp và thách thức ông kêu cầu, đòi hỏi ông phải lớn lên trong đức tin, ông có thể xấu hổ trước mặt đồng nghiệp của mình, cũng như các môn đệ khác, vì "hèn tin", nhưng ông vẫn tự tin, lời tuyên xưng đức tin địa hạt thành Xêsarêa Philipphê của Phêrô là một bằng chứng. Ông đã được Chúa Cha ban cho hồng ân đức tin, nhờ ánh sáng Thần Linh mạc khải, ông biết được căn tính đích thực của Chúa Giêsu; ông tuyên xưng : "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16), nhờ đó ông có thể làm cho anh em khác vững tin.
Hành trình đức tin của Phêrô
Đối với Phêrô, đức tin là một hành động lớn dần. Như bao người trẻ Do thái, ông đã nghe nói về Đấng Mêssia, dùng thánh vịnh của Đavid để cầu nguyện, nghe các thầy Do thái tại Capharnaum hát về niềm hy vọng của dân Israel. Hạt giống rơi vào đất tốt, hôm nay, bén rễ nhờ Lời Chúa Giêsu.
Hành trình ấy khởi đi từ lần đầu tiên gặp gỡ Chúa Giêsu qua Anrê, em ông, cũng là môn đệ của Gioan Baotixita làm trung gian bên bờ sông Giorđan. Anrê là người tìm Chúa : "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia" (Ga 1, 41). Không phải Phêrô là người được gọi trước, nhưng là Anrê. Điều này không cản trở ông thành người lãnh nhận trách nhiệm củng cố đức tin cho anh em mình.
Thứ đến, tại tiệc cưới Canna, chính Phêrô là người chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu hóa nước thành rượu và "các môn đệ đã tin vào Người" (Ga 2, 11).
Sau một đêm trắng lưới, Phêrô và em ông là Anrê được gọi: "Hãy theo Thy và Thầy sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ lưới người" (Mt 4, 19). Ngày hôm đó, họ để lại tất cả mọi thứ, gia đình và nghề nghiệp để đi theo Chúa.
Và trên một ngọn núi cao, Phêrô đã được Chúa Giêsu cho thấy vinh quang Thiên Chúa (x. Mt 17, 1-9). Ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu của bộ ba, những người sẽ trực tiếp chứng kiến sự phục sinh một cô gái nhỏ (x. Mc 5, 37). Một sự kiện đánh dấu bước tiến đức tin của Phêrô !
Phêrô tuyên xưng đức tin
Được cứu khỏi chết đuối trong một cơn bão khi đi trên mặt nước, lần đầu tiên Phêrô tuyên xưng đức tin: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa" (Mt 14, 33).
Thời gian sau, trên đường từ địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, Chúa Giêsu hỏi các ông : "Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?" (Mt 16, 15). Nhân danh các môn đệ kia, Phêrô trả lời: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16). Đức tin của Phêrô cũng là của các môn đệ kia, ông thừa nhận và khẳng định lời đầu tiên của Anrê (x. Ga 1, 41), khi nhận lãnh trách nhiệm trong Giáo hội. 
Điều này không can ngăn được Chúa Giêsu từ chối đi lên Giêrusalem chịu chết (Mt 16, 22). Chính vì là Con Thiên Chúa, nên thập giá và cái chết của Chúa Giêsu là thử thách nặng nề đối với đức tin của Phêrô. Chúa Giêsu bảo Phêrô: "Con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người" (Mt 16,19).
Đức tin đòi hỏi người ta gắn chặt với thánh ý Thiên Chúa, cho dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa. Biến cố biến hình trước Phêrô, Giacôbê và Gioan sẽ là sự bảo đảm : "Đây là Con Ta yêu dấu " (Mt 17, 5).
Lời tuyên xưng thật sâu xa
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn còn hỏi: "Người ta bảo Con Người là ai ? (Mt 16, 13) "Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?" (Mt 16, 15) Đây không phải là một cuộc thăm dò ý kiến ​​để biết lòng dân, nhưng là câu hỏi về vị trí của Thầy trong các môn đệ. Đối với ông, Chúa Giêsu là ai ?
Khởi đầu sứ mạng công khai, trước các phép lạ và lời giảng có uy quyền của người thợ mộc thành Nazareth, một câu hỏi hiện lên trong đầu các môn đệ: "Người này là ai?" (Mt 8, 27).
Chúa Kitô không yêu cầu các môn đệ phản ánh ý kiến của người khác, Người hỏi dồnvà đợi câu trả lời cá nhân của các ông. Và Phêrô đã trả lời Chúa Giêsu mà không liệt kê lại ý kiến của dân chúng như: Ê-li, Gioan Tẩy Giả hay một tiên tri. Ông đi thẳng vào vấn đề. Lời tuyên xưng này còn đi xa hơn trước bởi được long trọng tuyên xưng: "Vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 16, 17).
Với Thiên Chúa, hành động đức tin không đến từ sự suy tư nhân loại theo kiểu lý trí, triết học, hay tìm kiếm sự hợp lý, những cần phải có ơn "mạc khải từ Thiên Chúa" để tôn thờ bản tính Thiên Chúa nơi con người Đức Giêsu. Người đã nói với họ: "Không ai biết được Con trừ phi có Cha; và cũng không ai biết được Cha trừ phi có Con và kẻ được Con khấn mạc khải ra cho " (Mt 11, 27).
Chính lúc Simon đã trả lời đúng về sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng là lúc ông được tiết lộ một ơn gọi đặc biệt. Simon trở thành "Kepha" nghĩa là "tảng đá", "đá". Simon, con người bằng xương bằng thịt, mỏng giòn, dao động như bao nhiêu người khác, nhờ ân sủng đã vượt qua đượcgiới hạn của chính mình. Nếu ông là "đá", là vì Chúa Kitô là đá tảng. Đức tin của ông chỉ lớn lên, khi đặt nền tảng trên Chúa. Thử thách trong cuộc Khổ Nạn của Thầy đụng chạm tới cùng sự mỏng giòn của Phêrô, lúc ấy, ông phải dựa vào sức mạnh của Chúa, xây dựng đời mình trên Chúa.
Khi chúng ta khám phá ra Chúa Kitô, là chúng ta khám phá ra chính bản thân, và căn cội của chính mình. Bước vào trong quan hệ cá nhân với Chúa Kitô, Người sẽ mạc khải cho chúng ta căn tính của chính mình, đó là điều Phêrô làm. Khi nghe lời Chúa, bước đi với Chúa, ta thực sự trở nên chính mình. Điều quan trọng không phải là việc thực hiện ý muốn của riêng ta, nhưng là ý Chúa, cuộc sống sẽ trở nên đáng tin hơn. Và nếu ta thực sự muốn được kiện toàn bản thân mình, không có cách nào khác ngoài việc mở rộng đường cho Chúa Kitô.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log