Thứ hai, 29/04/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XV Thường Niên A

Cập nhật lúc 04:44 14/07/2017
"Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục." (Mt 13, 23)
Suy niệm 1
Người đi gieo giống

----------------------------
Dụ ngôn người gieo giống chỉ cho chúng ta thấy tác động lời nói của Chúa Giêsu phụ thuộc rất nhiều vào thái độ người nghe. Người gieo có kinh nghiệm, hạt giống thì tốt, nhưng kết quả mùa gặt lại phụ thuộc vào mảnh đất mà hạt giống gieo xuống.
Hạt giống
Nói về nông nghiệp, chúng ta thấy người nông dân chuẩn bị hạt giống và mảnh đất phải thật kỹ lưỡng. Muốn cho mùa gặt bội thu, việc chuẩn bị hạt giống cũng như mảnh đất gieo trồng là rất quan trọng. Chúa Cha cũng vậy, Ngài là người gieo giống thiện nghệ. Ngài đã nhẫn nại trong nhiều thiên niên kỷ: thúc giục các tiên tri gieo Lời của Ngài. Trước hết, họ khuyên nhủ dân tộc Israel bằng những lời nói đầy tình yêu mến. Nhưng trước sự cứng lòng của dân tộc này, các tiên tri đã phải đe doạ nhân danh Giavê Thiên Chúa.
Sau cùng, Chúa Cha gửi đến cho dân tộc này Ngôi Lời, là Con Yêu Dấu của Ngài. Người Con yêu dấu không thể làm sai ý của Cha, vì Người con yêu dấu đó là Lời nhập Thể của Cha. Người là phát ngôn viên trung thành của Cha “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.
Lời này Thiên Chúa đã gieo vào trong lòng đất nhân loại. Lời này không phải là một tiếng nói từ trời phán ra. Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Khi nhập thể, Ngôi Lời đã đặt mùa màng vào trong cánh đồng của nhân loại, một mảnh đất đã được chuẩn bị sẵn, cày cấy, làm cỏ và bỏ phân do các tiên tri đã làm trước. Ngôi Lời được gieo vào lòng lịch sử nhân loại. Ngôi Lời cũng đã được gieo trong tim mỗi người nhờ Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa nói trong tất cả chúng ta và trong suốt thời gian: hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời. Như vậy nước Trời là một sáng kiến của Thiên Chúa và là một hạt giống thần linh.
Nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa không nói cùng một ngôn ngữ với con người, Tin Mừng không phù hợp nữa, và lời của Ngài không phải là nói với thế kỷ 21 này. Lời của Ngài đã lỗi thời đối với nền khoa học hiện đại và không có khả năng trả lời cho những vấn nạn mới của thế giới hôm nay. Ngược lại, Lời Chúa là một hạt giống tốt, đảm bảo, có khả năng cho một mùa gặt bội thu.
Mảnh đất
Tuy nhiên, các tông đồ, môn đệ và cả chúng ta đều phải xác nhận rằng sứ điệp của Chúa Giêsu không có thể biến đổi tất cả các con tim được. Vì chưng, những thất bại cho mùa gặt không phải do người gieo hoặc hạt giống, nhưng là chất lượng của mảnh đất mà hạt giống gieo vào.
Để dễ hiểu, Chúa Giêsu đưa ra 4 loại chất đất. Khi giải thích những loại chất đất này, chúng ta đừng vội nghĩ đến người này người nọ, mà hãy thành thực tự hỏi: trái tim tôi đang thuộc chất đất nào?
1 - Mảnh đất bên đường
Hạt giống rơi trên lề đường, nói đúng hơn là mảnh đất nhiều người đi lại, không dễ gì mà nảy mầm được. Chắc chắn nó sẽ trở nên bữa điểm tâm nhẹ nhàng cho một con chim sẻ.
Khi mô tả loại mảnh đất này:
- Tất nhiên Chúa Giêsu nhắm tới những luật sỹ ngoan cố có tham vọng muốn biết tất cả,
- Nhưng Chúa cũng nhắm tới tất cả những trái tim khô cứng. Họ khô cứng vì kiêu ngạo, ơn nghĩa Chúa không thể thấm vào được vì trái tim họ đã đổ bê-tông.
-Bê-tông vì những ý thức hệ mốt này mốt nọ.
-Bê-tông vì che dấu mọi khuyết điểm và lỗi lầm mà không chịu sửa chữa.
-Bê-tông vì sợ những đòi hỏi của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của cộng đoàn và  của giáo xứ.
Chúa Giêsu tố cáo trắng trợn kẻ thù của con người chính là kẻ rải đường nhựa, là ma quỉ luôn rỉ vào tai những kẻ sẵn sàng nghe theo hắn: “này bạn, đừng nghe tất cả những điều đó. Những điều đó chẳng có lợi gì cho cuộc sống của bạn, ngược lại còn làm cho bạn rất khó sống”!
2 - Mảnh đất sỏi đá
Rất khó mà một hạt giống có thể nảy mầm nhanh chóng trên mảnh đất sỏi đá: ít đất, ít ẩm ướt và ánh sáng mặt trời rất dễ làm nóng mảnh đất đó. Vì ít đất, nên hạt mầm không có thể bám rễ và mặt trời sẽ sớm làm chết khô những mầm non.
Chúa Giêsu cảnh báo tất cả những ai nhiệt tình theo Ngài một cách tuỳ hứng. Họ là những kẻ cầm cành lá vạn tuế tung hô Ngài, nhưng họ sẽ tố cáo Ngài ngày thứ sáu thánh:
- Ngài nghĩ đến những con người này vì đức tin của họ chỉ là ngọn lửa rơm;
- Ngài nghĩ đến tất cả những ai đã bỏ Ngài ngay từ những thử thách đầu tiên;
- Ngài nghĩ đến tất cả những người mà đức tin của họ chỉ là cảm tình và không bám rễ sâu;
- Ngài nghĩ đến tất cả những ai mà đức tin của họ căng phồng như một quả bóng vì môi  trường chung quanh toàn là những người nhiệt tình, nhưng lại xẹp xuống rất nhanh khi không có ai nâng đỡ.
3 - Mảnh đất bụi rậm gai góc
Ở giữa những bụi gai, hạt giống có hy vọng nảy mầm. Vì có đủ đất, nên bụi rậm cũng dễ mọc lên. Tuy nhiên, cỏ xấu sẽ mọc lên và chiếm hết chỗ của hạt giống:
- Ngài nghĩ đến Giuđa là người mà Ngài đã chọn. Nhưng trong trái tim của con người này tình yêu tiền bạc lớn lên nhanh hơn là tình yêu đối với Thiên Chúa.
- Ngài cũng nghĩ ngay đến những ai mà đức tin của họ bị bóp nghẹt vì những quyến rũ của tiền bạc, lo lắng vật chất hằng ngày, lo lắng cho con người cá nhân nhỏ bé của họ, vì những đam mê lạc thú và vì lo lắng thành đạt nghề nghiệp và địa vị nào đó.
4 - Mảnh đất tốt
Thật hạnh phúc cho hạt giống may mắn rơi vào mảnh đất tươi tốt và phì nhiêu. Hạt giống này sẽ làm mọc lên những hạt giống nặng trĩu khác.
Khi nói đến mảnh đất này:
- Chúa Giêsu nghĩ đến các tông đồ và môn đệ yêu dấu của Ngài vào một ngày không xa họ sẽ loan báo tin mừng cho khắp thế giới.
- Ngài nghĩ đến những người phụ nữ thánh thiện can đảm bước theo Ngài trên con đường khổ nạn. Ngài nghĩ đến Đức Maria, Mẹ Ngài, mảnh đất này là mảnh đất phì nhiêu đã trao cho Ngài sự sống.
- Ngài cũng nghĩ ngay đến những ai tiếp nhận lời Ngài và để cho Lời Ngài thay đổi cuộc sống của họ.
Hôm nay và ngay lúc này, chúng ta hãy tự hỏi Lời Chúa đã gieo vào lòng tôi chưa hay là tôi như một người điếc? Tôi đã suy nghĩ đủ chưa để mà thay đổi cuộc sống của mình? Ngày nay ngay cả trên các con đường làng nhà quê, người ta  đổ bê-tông rất nhiều để thuận tiện cho giao thông. Đó là một điều rất tốt! Nhưng nếu mảnh đất tâm hồn của chúng ta đã bị đổ bê-tông, thì thật là nguy hiểm!

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

========================
Suy niệm 2
HÃY MẶC LẤY TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI GIEO GIỐNG
(Is 55,10- 11; Rm 8,18- 23; Mt 13, 1- 23)
Trong quá trình loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn khác nhau để giúp cho người Dothái cùng thời thay đổi thái độ và cách sống sao cho phù hợp với Tin Mừng.
Hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn “người gieo giống” để giúp cho người nghe hiểu ý nghĩa của nội dung lời giảng.
1. Cách gieo hạt và thửa ruộng của người Dothái
Người Dothái xưa không có những cánh đồng bằng phẳng như ở đồng bằng của Việt Nam, mà thửa ruộng của họ thuộc loại bậc thang trên sườn đồi như những vùng núi Trung du và thượng du gồm sơn địa và bán sơn địa như ở miền Bắc Việt Nam. Như vậy, thửa ruộng của họ thường có sỏi đá, gai góc và thiếu nước.
Cách thức gieo hạt của họ rất giống với cách sạ lúa của người Nam Bộ chúng ta. Tức là họ không cấy từng cụm như đồng bằng, mà họ rắc hạt trên thửa đất của mình.
Sau khi quan sát và thấy hình ảnh của người gieo hạt cũng như những thửa đất khác nhau, Đức Giêsu đã rất tinh tế khi dùng dụ ngôn này để nói về thái độ của dân chúng khi lắng nghe Lời Chúa và sự quảng đại, hào phóng của Thiên Chúa khi gieo giống. 
2. Tâm tình người đi gieo giống     
Đức Giêsu đưa ra hình ảnh của người gieo giống thật kỳ lạ: ông là người hào phóng. Chỗ nào cũng gieo. Gieo vung vãi không tiếc hạt, tiếc công. Gieo một cách quảng đại, không phân biệt bất cứ loại đất nào. Gieo cả nơi sỏi đá, vệ đường, bụi gai. Ông gieo trong thái độ kiên trì và trung thành, không tính toán thiệt hơn, không biết mỏi mệt và không hề thất vọng.
Ông đầu tư hết tất cả những gì mình có như: tiền tài, vốn liếng, sức khỏe và cả ngày lẫn đêm. Ông gieo mọi nơi mọi chốn.
Có được điều ấy, hẳn ông là người có tham vọng lớn, một trái tim rộng mở để vượt qua mọi rào cản, khó khăn, để tung gieo từng hạt giống, bất chấp mọi sự ngỗ nghịch. Ông có một tình yêu bao la, vượt lên trên tất cả, miễn sao hạt giống được tung ra và rơi vào mọi môi trường.
Nói như thế, không có nghĩa ông là người vô trách nhiệm, không chuyên nghiệp, nhưng muốn diễn tả hình ảnh một người nông dân cần cù, chịu khó, kiên trì và quảng đại. Hình ảnh đó không ai khác ngoài Thiên Chúa, mà hiện thân chính là Đức Giêsu, người đang nói qua dụ ngôn.
Thật vậy, Thiên Chúa say mê con người, không ngừng tìm mọi cách để mong sao con người nhận ra chân lý, tình thương để cải hóa bản thân cho tốt hơn. Vì thế, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu phổ quát, một tình yêu đi bước trước, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, địa vị, màu da, sắc tộc..., vì “Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…”
3. Thái độ của mỗi chúng ta trong vai trò của người gieo và nhận
Khi dùng dụ ngôn “người gieo giống” và nhiều loại đất khác nhau, Đức Giêsu mong muốn mỗi người chúng ta cũng mang trong mình tâm tình của người gieo giống. Tức là gieo trong hy sinh, vất vả, không tính toán hơn thiệt, không ích kỷ nhỏ nhen. Bổn phận của người môn đệ chính là mau mắn lên đường, tung hoành khắp nơi, biết tận dụng mọi thời gian, phương tiện để miễn sao Lời Chúa được loan xa tới mọi nơi, mọi chốn, không phân biệt họ là ai, cuộc sống và địa vị của họ như thế nào...
Thật vậy, chúng ta cứ trung thành và quảng đại, còn thành công là do Chúa chứ không phải hoàn toàn ở khả năng của chúng ta. Tinh thần này đã được thánh Phaolô nói đến khi ngài xác định: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Ðấng làm cho lớn lên, mới đáng kể” (1 Cr 3,6-7).
Làm được điều đó, chúng ta cần có một trái tim đủ lớn để yêu thương, kiên trì và trung thành.
Là Kitô hữu, chúng ta được hạt giống là chính Lời của Chúa gieo vào lòng chúng ta từ ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Rồi tiếp tục trải qua dòng thời gian, chúng ta có nhiều điều kiện để cho “Hạt Giống” ấy nẩy mầm và sinh hoa kết trái dồi dào. Nhưng thử hỏi, mỗi chúng ta có sẵn sàng để trở thành thửa đất tốt tươi hay chỉ là sỏi đá, ven đường và gai góc?
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy có tấm lòng bao dung, độ lượng như người gieo giống, đồng thời cũng phải có thái độ cởi mở, hân hoan, đơn sơ và yêu mến để cho hạt giống được nảy mầm, trổ sinh hoa trái dồi dào như những thửa đất tốt.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được mặc lấy tâm tình của người gieo giống, đồng thời cũng trở nên những thửa đất tốt để hạt giống Lời Chúa được trổ sinh hoa trái dồi dào nơi tâm hồn chúng con. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
========================
Suy niệm 3
Hãy Đón Nhận Và Gieo Cách Hào Phóng

(Mt 13, 1 - 23) 
Dụ Ngôn Người Gieo Giống” của Chúa Giêsu được thánh Matthêu trình bày tuy bình dân, nhưng chứa đựng một sứ điệp rất quan trọng liên quan đến người kể và người nghe. Người gieo giống ở đây không ai khác ngoài Thiên Chúa, hạt giống là Chúa Giêsu, đã được Chúa Cha gieo vào trần gian một cách hào phòng. Ngài gieo Lời cứu độ là chính Con Ngài xuống trên chúng ta, bất kể chúng ta thờ ơ, từ chối, nhưng chắc chắn ai đón nhận, nơi ấy hạt sẽ đâm rễ và mọc lên.
Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa đi gieo hạt giống là chính thân mình vào trần gian, chôn vùi vào lòng đất khi nhập thể làm người, mục nát đi khi chịu chết và chôn trong mồ, mong có ngày bội thu là phục sinh cứu độ hết thảy mọi người. Nên dụ ngôn tự sự này có sức cuốn hút người nghe cách đặc biệt.
Bài đọc I, Lời Chúa được tiên tri Isaia ví “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất” (Is 55,10). Mưa và tuyết vốn là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống nảy mầm, lớn lên và kết hạt. Hình ảnh mưa và tuyết nói rõ: “tưới gội mặt đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói của bánh ăn” (Is 55,10).  Đó là những hình ảnh đẹp, sống động và rất gần gũi với giới bình dân chúng ta, diễn tả cho chúng ta Lời Chúa phục vụ sự sống như thế nào; bởi vì Lời Chúa là Sự Sống của ta, là Ánh Sáng đời ta, hạnh phúc cho đời ta hôm nay và mãi mãi.
Lời của ngôn sứ Isaia giúp chúng ta hiểu đúng hướng dụ ngôn Người Gieo Giống. Thông điệp thật rõ ràng: Thiên Chúa là người đi gieo giống, Ngài gieo cách hào phóng, nhưng kết quả cụ thể còn tùy thuộc vào thời tiết và cách thức gieo giống cũng như tự do của thửa đất đón nhận hạt giống là chúng ta. Kinh nghiệm thường ngày của nhà nông quả quyết rằng, kết quả tùy thuộc vào thửa đất, nơi gieo hạt. Ví dụ, trong số những sinh viên chung một lớp, học cùng trường, được thầy giáo dạy cũng một môn về tôn giáo, nhưng người này tin còn người kia vô thần. Dù cả lớp đều nghe giáo viên giảng những điều tương tự nhưng hạt giống đã rơi lại rơi vào mảnh đất là những người khác nhau. Chúng ta cũng thế, tất cả vừa cùng nghe sứ điệp Lời Chúa, nhưng ra về mỗi người sống khác nhau.
Thửa đất tốt là tâm hồn chúng ta, do Thiên Chúa dựng nên cách tự nhiên, Ngài đã phú ban nó cho chúng ta, chúng ta tự do đón nhận hay từ chối là quyền của ý chí của chúng ta. Có những người thích tận hưởng cuộc sống thay vì trở nên tốt hơn. Có những kẻ mê đắm sự đời thế gian, “Lời Chúa bị bóp nghẹt không mang lại hoa trái” (Mt 13,22).
Nhưng trái lại, đối với một số người, vì muốn giữ giá trị của chính mình, họ đón nhận Lời Chúa với lòng yêu mến thế là đơm hoa kết trái là trăm số việc lành, cho dù phải hy sinh. Chúa Giêsu nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 12,24). Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta rằng, con đường dẫn đến sự cứu rỗi là con đường vào qua cửa hẹp (Mt 7,14): tất cả đều có giá của nó. Chúng ta sẽ không bao giờ có giá trị nếu chúng ta không cố gắng.
Ai bị ước muốn sự đời hướng dẫn, người ấy sẽ có trái tim giống như một khu rừng nhiệt đới. Ngược lại như cây ăn quả, cây tốt ắt sẽ sinh trái tốt. Vì thế, các thánh đã không có cuộc sống dễ dàng, họ đã trở nên mẫu gương cho nhân loại. Đức Giáo hoàng Piô XII nói: “Chắc chắn không phải tất cả chúng ta đều được kêu gọi chịu tử vì Đạo. Nhưng tất cả chúng ta được kêu gọi để có nhân đức Kitô giáo. Chúng ta kiên trì hoạt động, đừng chểnh mảng cho đến hết đời. Chính vì thế người ta cũng có thể nói về một tử đạo chậm và kéo dài”.
Thiên Chúa không đòi hỏi nơi chúng ta những điều không thể: chúng ta hãy vui lòng làm như Chúa, gieo cách hào phóng bằng lời nói và gương sáng, ngay cả trong sự khác biệt; hãy tin rằng sẽ luôn có cái gì đó thúc đẩy hạt giống mọc lên đúng thời vụ ; bởi vì Lời từ miệng Chúa phán ra sẽ không trở lại với Chúa nhưng theo ý Chúa mà sinh kết quả (x. Is 55, 10-11).
Điều căn bản là chúng ta cần chuẩn bị để chính mình là một thửa đất tốt để đón nhận hạt giống, đồng thời phải chăm sóc để nó có thể đơm hoa kết trái. Có người không muốn mình bị thử thách hay gặp khó khăn, người ấy sẽ có ngàn lý do để từ chối. Nhưng ai “nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả” (Mt 13, 23).
Tất cả đều nghe dụ ngôn, nhưng người hiểu được là người mang nơi mình và trân trọng như một tài sản quý giá, người ấy sẽ hạnh phúc nếu nghe những gì Chúa nói và nghiêm túc hoán cải theo tiếng Chúa gọi: Ngài sẽ chữa lành và làm cho họ được sống, “giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 21), chúng ta sẽ đơm hoa kết trái. 
Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như bậc thầy của việc lắng nghe Lời Chúa cách sâu sắc và kiên trì thực hành. Xin Mẹ giúp chúng ta theo gương Mẹ, trở nên “đất tốt”, để hạt gống Lời Chúa có thể sinh nhiều bông hạt, ngõ hầu chúng ta tiếp tục sứ mạng tông đồ đi gieo vãi Lời Cứu Rỗi khắp mọi nơi cho anh em. Amen. 
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log