Thứ bảy, 18/05/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C

Cập nhật lúc 11:41 26/03/2016
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ” (Ga 20,1)
Suy Niệm I
 “Chúng ta cũng hãy ra khỏi mồ”
------------------

 
Không một tuần nào mà chúng ta không thấy cái chết của một ai đó. Không một tuần nào chúng ta không nghe nói về một thế giới thất vọng: việc làm khan hiếm, tham ô tham nhũng, khủng bố chiến tranh, tai nạn giao thông ngày càng nhiều! Phải chăng nền văn minh sự chết đang hoành hành trái đất này sao?
Tuy nhiên, cái chết không phải là hết. Phục sinh đã làm thay đổi bộ mặt của mọi biến cố. Từ ngày Chúa Phục sinh, cái chết đã lụi bại. Thay vì bấp bênh với cái định mệnh sau cùng, thế giới tìm lại được con đường hy vọng.
Trước mộ trống của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhìn thế giới này đang tối sầm và đóng lại. Nhưng bỗng chốc hôm nay chúng ta lại hy vọng hát lên bài AlleluiaChúa đã sống lại rồi”. Hôm nay trong ánh sáng Phục sinh huy hoàng, chúng ta hãy ra khỏi chủ nghĩa bi quan để hướng về tương lai! Đừng rầu rĩ! Hãy ra khỏi nấm mồ của chúng ta và cũng làm cho người khác ra khỏi nấm mồ của họ!
Đã từ lâu, Thiên Chúa đã nói qua miệng tiên tri Ezekien: Ta sẽ mở của mồ cho các ngươi. Và trong Tân ước, Chúa Giêsu còn làm sáng tỏ điều đó hơn, khi Ngài nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, thì dù có chết cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25-26), “Này chúng ta hãy lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng Tế và Kinh Sư. Họ sẽ lên án sử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Nhưng sau ba ngày, Người sẽ sống lại (Mt 20, 18-19).
Mặc dù có những lời báo trước như vậy, nhưng khi đến thăm mộ để xức thuốc thơm cho xác Chúa mà chỉ thấy mộ trống, mấy bà đạo đức vẫn ngạc nhiên: Người ta đã lấy mất xác Chúa rồi. Rồi ngay cả Tông Đồ Phêrô và Gioan cũng vậy: họ không biết rằng theo Lời kinh Thánh, Người phải sống lại từ trong kẻ chết. Đúng thế! Những người thân cận Chúa, những người được Chúa tin tưởng cũng như chúng ta đều hốt hoảng trước cái chết của người thân. Tuy nhiên, qua nhiều lần Chúa hiện ra, họ đã trở nên chứng nhân đức tin cho chúng ta.
Thần chêt đã bị đánh bại. Vâng, chúng ta hôm nay sung sướng hát lên niềm hy vọng chắc chắn của người kitô hữu. Từ nay, Thần chết chỉ là một chặng đường để hướng về vinh quang và cuộc sống toàn diện. Chúa Kitô sống lại kiến tạo lại một sự bắt đầu làm thay đổi tận căn số phận của nhân loại.
Quyền lực của sự sống lại được thể hiện ngay trong Giáo Hội. Mặc dù bị phê bình, tấn công hoặc bách hại, và nhất là dù có những bất toàn của các vị lãnh đạo và chi thể, Giáo Hội vẫn tiếp tục thăng tiến và lớn lên: hôm nay các chuông nhà thờ và hằng tỷ người kitô hữu cùng vang lên bài “alleluia” vui mừng. Giáo Hội tiếp tục nói mạnh mẽ hơn về con người Giêsu này. Người đã chết từ hơn hai ngàn năm. Nhưng Người cũng đã ra khỏi mồ và đang sống với chúng ta từ hơn hai ngàn năm nay và còn sống mãi với chúng ta.
Vậy ngay từ bây giờ, chúng ta hãy ra khỏi ngôi mộ của chúng ta!
- Hãy sống và bỏ lại sau lưng nghĩa trang của sợ hãi khi nhìn về tương lai. Trời và thời tiết đang và sẽ đẹp!
- Hãy bỏ lại sau lưng nghĩa trang u sầu và bi quan. Sự sống đang ở trước mặt chúng ta!
- Hãy bỏ lại nghĩa trang thất vọng.
- Hãy cởi bỏ áo và khăn tang: vị chàng rể của chúng ta đang vinh hiển rồi!
- Hãy bỏ những cái đầu người đô tuỳ của chúng ta đi: chúng ta phải là những chứng nhân của tất cả trồi lộc non đang nảy mầm trong mùa xuân này.
- Hãy bỏ đi cái đầu óc chôn kẻ chết: cuối cùng chúng ta sẽ có một cái đầu của những người đã sống lại.
- Hãy bỏ đi hố sâu ích kỷ, tập trung vào cái tôi của mình.
- Hãy đón nhận bầu khí mới của Thánh Thần mời gọi chúng ta đi gặp gỡ người anh em.
- Hãy làm cho đức tin của chúng ta nên giống đức tin của Phaolô: “Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại” (1Cr 6, 14).
Chúng ta là những người được Chúa cho sống lại, thì chúng ta cũng phải làm cho anh chị em chúng ta sống lại. Đối với Chúa Kitô, tất cả mọi sự đã hoàn thành: thời gian của Golgotha và Thập giá đã hết. Còn đối với chúng ta, chúng ta hãy thưa với Chúa: Lạy Chúa Giêsu sống lại, sự chiến thắng của Chúa là do đâu? Chiến thắng mà Chúa đã đạt được là nhờ vào những vũ khí của Tình Yêu. Vì yêu Cha và yêu nhân loại, Người đã chết. Người đã trở nên hạt giống cần thối đi để đem lại sự sống mới và dồi dào hơn. Không có ngày Thứ Sáu Thánh, thì cũng không có ngày Phục Sinh vinh hiển. Đất hứa chỉ có thể tới được bằng chặng đường đi qua sa mạc.
Ngay từ bây giờ, nếu muốn được sống lại thì chúng ta cũng phải làm cho tình yêu của chúng ta giống tình yêu của Chúa Kitô: tình yêu biếu không, quảng đại và không tính toán. Có như vậy, chúng ta mới có thể giúp anh chị em chúng ta ra khỏi mồ được.
- Hãy giải phóng con người hôm nay, hãy mở cửa hầm mộ đang đóng những sợ sệt, áp bức và tội lỗi của họ.
- Hãy nhận diện Chúa Kitô sống lại qua khuôn mặt của tất cả những ai đang giúp đỡ anh chi em mình đứng dậy.
- Hãy cầu xin Chúa Kitô lăn bỏ hòn đá lấp của mồ, hòn đá của chủ nghĩa ích kỷ đang làm chết ngạt con người thời nay, để họ được tái sinh trong sự sống đích thực.
- Hãy loan báo sứ điệp sự sống trong một nền văn minh chết chóc, nơi mà người ta tù chối sự sống của người khác để mình được sống.
- Hãy mời gọi con người thời nay có một cái nhìn cao thượng hơn hướng tới định mệnh đời đời mà Thiên Chúa muốn con người hướng về.
- Hãy chỉ cho họ biết sự chết đã bị đánh bại, không còn phải là điều rủi ro nữa.
- Hãy nói Tin Mừng cho người thất nghiệp và cho cả người có công ăn việc làm, cho người vừa mới mất người thân và cho người ốm đau bệnh tật: “Tin vào Chúa Kitô, đó là tin rằng đằng sauThập giá, luôn luôn có mặt trời của sự sống lại mọc lên”.
Tất cả chúng ta hãy ra khỏi mồ! Hãy sống lại và làm cho người khác sống lại! Alleluia!

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
============
Suy Niệm II
 “CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI! HALLELUYA!”
 
Trong suốt Mùa Chay, nhất là Tuần Thánh, đỉnh cao là đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta được Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về Quê Trời, cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới là chính Đức Kitô. Từ bỏ tội lỗi để sống xứng đáng là con cái Chúa. Ra khỏi bóng tối để đi vào Ánh Sáng. Những ý nghĩa này, đã được các nghi thức tối hôm qua diễn tả thật rõ nét. Thánh lễ giờ đây, chúng ta được Giáo Hội mời gọi hãy hân hoan hát lên bài ca Chúa Đã Sống Lại! Halêluiya! và hãy loan tin vui này đến tận cùng trái đất. Nhưng điều quan trọng là làm sao chúng ta tin? Làm sao chúng ta dám loan truyền Chúa đã sống lại? Dựa vào đâu để xác tín điều đó?

1. Ngôi mộ bị bỏ trống?
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thuật lại sự kiện Chúa Phục Sinh. Bắt đầu từ việc bà Maria Mácđala đi ra mộ, mang theo thuốc thơm để sức xác Chúa. Khi tới nơi, bà ngỡ ngàng vì những gì hiện lên trước mắt bà. Tảng đã khổng lồ đã lăn ra khỏi mồ. Như vậy, theo linh tính, bà biết rằng xác Chúa không còn trong đó. Phải chăng người ta đã mang xác Chúa đi chỗ khác? Có thể là do một hoặc nhiều người đã lấy cắp xác Chúa? Bà liền chạy về báo cho các môn đệ, và Phêrô cùng với Gioan đã chạy tới, nhưng tiến thêm một bước nữa, cả hai ông đều vào và thấy khăn vải quấn người Đức Giêsu cũng như khăn che đầu vẫn còn đó. Một trong hai ông đã tin, đó là Gioan. Sự kiện ngôi mộ trống đã rõ ràng. Chắc chắn không còn xác Đức Giêsu trong đó. Nhưng Chúa đã sống lại hay bị mang đi hoặc bị đánh cắp? Tin Mừng cho chúng ta thấy có những suy nghĩ trái chiều. Maria Mácđala thì cho rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để người ở đâu”(Ga 20,2b). Với các Kinh Sư, Luật Sĩ, Thượng Tế...và những kẻ chủ mưu giết Đức Giêsu, sau khi nghe tin Chúa đã sống lại thì đã dàn dựng một vở kịch nhằm vu khống cho các môn đệ, đồng thời bảo các lính canh thế này:“Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan Tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự” (Mt 28,13-15).
 Tuy nhiên việc phao tin là các môn đệ lấy cắp xác Đức Giêsu không khả tín cho lắm vì những lý do:
 - Các môn đệ là những người ít học, đơn sơ chất phác. Những người chủ mưu giết Đức Giêsu thì có cả một kế hoạch (x. Mt 27, 62-66; 28,13-15).
 - Khả năng chuyên môn của các môn đệ là chài lưới, thu thuế...Còn đội lính canh giữ Đức Giêsu thì tinh nhuệ và sắc bén (x. Mt 27, 62 - 66).
 - Các môn đệ đang trong tình trạng sợ sệt, không thể nào lấy cắp xác Chúa mà vẫn ung dung xếp những giải khăn gọn gàng được (x. Ga 20:18-19).
 -  Các môn đệ là những người thụ động. Lính canh là những người chủ động...
Như vậy, không có thể bày đặt ra chuyện Chúa đã sống lại để rồi lừa dối được. Gioan đã hiểu điều đó nên ông đã tin.
Tuy nhiên, nếu chỉ có chứng cứ về ngôi mộ trống thì không thuyết phục cho lắm. Sự kiện này chỉ có tính cách khai mở và là dấu chỉ của sự phục sinh mà thôi. Bằng chứng cho thấy vẫn còn nhiều giả thiết trái ngược nhau được đưa ra. Vậy, chúng ta còn dựa vào đâu nữa? 

2. Những lần Đức Giêsu hiện ra và những lời Đức Giêsu đã báo trước
Đức Giêsu sống lại, Ngài đã hiện ra với rất nhiều người, có những lúc trong nhà, trên đường, ngoài bãi biển. Trong số những người được Chúa hiện ra, chúng ta gặp những tên tuổi và những nhóm người như: hiện ra cho Maria Mácđala (x. Ga 20, 11- 18); với các phụ nữ đi ra viếng mồ Ngài (x. Mt 28,9-10; Mc 16,9; Ga 20,11-18); hiện ra với 2 môn đệ trên đường về Emau (x. Mc 16,12-13; Lc 24,13-35); hiện ra với các môn đệ khi các ông đang họp kín, trong đó có Tôma (x. Ga 20,19-29); bên bờ hồ Giênêdarét (Ga 21); phép lạ đánh cá (x. Ga 21, 1- 14).v.v… ; và hiện ra tại Galilê, sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 28,16-20; Mc 16: 14 -18; Lc 24: 36 -49; Ga 20: 19 -23; Cv 1:6-8).
Những lần hiện ra, có những nhận thức khác nhau, và việc nhận thức này được thực hiện theo nhiều mức độ khác nhau:
- Nhận ra khuôn mặt Đức Giêsu (x. Ga 20, 20.27); 
- Nghe thấy những gì Ngài nói (x. Ga 20,16);
- Những hành động Chúa làm (x. Lc 24, 35); 
- Hiểu Kinh Thánh (x. Lc 24,27.45). 
Mặt khác, đây chính là sáng kiến từ phía Đức Giêsu: Ngài đến gặp họ (x. Mt 28,9); Ngài tiến lại gần các môn đệ, đến ở giữa họ, hiện ra với họ (x. Lc 24,15), đón gặp họ, cùng đi với họ, và ở lại với họ (x. Lc 20,14;21,4).
Sự kiện Đức Giêsu hiện ra và việc nhận ra Ngài đã được tông đồ Tôma đáp lại cách tuyệt đối sau khi đã xỏ ngón tay vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa của tôi” (Ga 20,28). Mặt khác, Đức Giêsu còn ra dấu hiệu về việc làm chứng và sứ vụ. Đồng thời, những lần hiện ra, Ngài còn hứa hẹn và loan báo sẽ trao ban Chúa Thánh Thần đến để trợ giúp, đồng hành với các ông trong sứ vụ.  
Cuối cùng, Đức Giêsu đã mở lòng trí các ông, để các ông nhớ lại tất cả những điều đã được báo trước trong Kinh Thánh và chính Ngài đã nói cho các ông trước khi lên Giêrusalem để chịu chết: “Thầy đi Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21).
Các bằng chứng đã rõ. Chúng ta không thể không tin được. Chỉ có cố chấp và chai lì trong ích kỷ, tội lỗi...thì mới không tin mà thôi.
Như vậy, sự kiện Đức Giêsu sống lại là một biến cố lịch sử, với những chứng từ lịch sử được tất cả bốn sách Tin Mừng ghi lại: ngôi mộ trống, khăn liệm xếp ngay ngắn gọn gàng, Đức Giêsu đã nhiều lần hiện ra cùng ăn uống và đàm đạo với các môn đệ, sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, và hứa sẽ đồng hành với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế qua việc trao ban Chúa Thánh Thần, và điều quan trọng nhất đó là những lần Ngài đã báo trước. 

3. Sự kiện Đức Giêsu sống lại và niềm tin của chúng ta 
Chúa Đã Sống Lại! Halêluiya!” đó là tiếng hô vui mừng của Phêrô, của Gioan, của các tông đồ..., và của mọi thế hệ Kitô hữu. Đó là niềm tin của Giáo Hội hơn 2000 năm qua, là Tin Mừng trọng đại không chỉ cho các môn đệ Đức Giêsu mà thôi, nhưng còn cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, bởi vì: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, chúng ta là những người khốn khổ nhất trong mọi người” (1Cr 15, 19), và niềm tin của chúng ta trở nên hão huyền, lời rao giảng là vô cớ. Nhưng Ngài đã sống lại và đã phục sinh tâm hồn chúng ta, biến chúng ta thành con người mới: “Nếu Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết ngự trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11). Đây quả là Tin Mừng, và Tin Mừng đó phải được vang xa đến tận chân trời góc biển. Cái chết không còn là tiếng nói cuối cùng, bởi vì sau sự chết là sự sống lại, qua đau khổ là vinh quang. Sự kiện Chúa Phục Sinh, đem lại cho chúng ta niềm hy vọng cũng được Phục Sinh như Ngài.
Giờ đây, niềm tin vào Đức Giêsu Phục sinh lại một lần nữa được chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính: tôi tin Đức Giêsu [...] Đấng đã “chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.”. Đây là niềm tin của Giáo Hội và của mỗi chúng ta. Chúng ta hãnh diện, tự hào và tuyên xưng đức tin ấy cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội mà chúng ta là thành phần của Giáo Hội ấy. Amen.
 Jos.Vinc. Ngọc Biển 
==========================
Suy Niệm III
ĐƯỜNG EM-MAU, ĐƯỜNG THƯƠNG XÓT
Cv 10,34a.37-43; 1Cr 5,6b-8; Lc 24,13-35
 
Lời Chúa hôm nay nói về những con người mới. Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô trở nên người mới sau khi gặp Chúa Phục Sinh. Tin mừng trình bày chi tiết hai môn đệ buồn phiền chán nản đến tuyệt vọng: Bỏ Giê-ru-sa-lem; Bỏ lý tưởng; Bỏ cộng đoàn; Bỏ Chúa. Họ đi vào đêm đen, tâm hồn chìm trong bóng tối, không lối thoát. Họ đang chết. Nhưng, Chúa đã đến. Chúa làm ấm lên cõi lòng băng giá; Chúa làm sáng lên đêm đen; Chúa làm sống lại hi vọng. Họ trở lại: với Chúa, với anh em, với lý tưởng và với sự sống.

Chúa Giê-su đã phục sinh các tâm hồn nhờ những phương thuốc thần diệu sau:
1.Chúa phục sinh. Họ chết vì nghĩ rằng Chúa đã chết. Họ sống lại ngay khi biết Chúa sống lại. Nhưng để phục sinh Chúa đã phải trải qua khổ nạn, trải qua cái chết, trải qua nhục nhã, trải qua thất bại.
2.Chúa đi tìm. Con người cô đơn và buồn phiền. Đi trên con đường tăm tối bất định. Họ không thể tìm Chúa nên Chúa đi tìm họ. Chúa đến gặp họ, ngay trên đường họ đi, ngay trong nỗi buồn của họ.
3.Lúc trời đã tối. Buổi tối là lúc nghỉ ngơi. Chẳng ai làm việc buổi tối, nhất là phải ra đường thì rất nguy hiểm. Nhưng Chúa đã lên đường lúc trời tối vì  Chúa thương những tâm hồn tăm tối hơn bóng tối.
4.Chúa chia sẻ. Chúa đến chia sẻ những ưu tư lo lắng của họ. “Các anh có chuyện gì mà buồn thế”? Chúa để họ chia sẻ nỗi niềm. Họ được dịp giãi bầy. Chúa lắng nghe. Chúa giải nghĩa Thánh Kinh suốt chặng đường dài mấy giờ đồng hồ.
5.Chúa trở nên người bạn. Từ người xa lạ Chúa đã trở thành thân thiết. Đến nỗi họ không muốn rời xa Chúa nữa, vì Chúa hiểu họ và giúp họ.
Đó chính là Lòng Thương Xót của Chúa. Lòng Thương Xót nhìn thấu nỗi cô đơn tuyệt vọng; Quan tâm đi tìm những tâm hồn lạc lõng bơ vơ; Chiếu sáng và sưởi ấm giữa đêm đen lạnh lẽo; Cảm thông chia sẻ với những tâm hồn cô đơn; Chữa lành những tâm hồn bị thương tích; Phục sinh những tâm hồn đang chết dần mòn.
Thế giới hôm nay tràn đầy những con người như thế: buồn sầu, tuyệt vọng nhưng chẳng có ai cứu giúp. Vì con người ngày nay quá bận rộn, chỉ chú ý đến bản thân, không có thời giờ cho người khác. Mỗi con người đang trở thành một con đường cô đơn đi về sự chết, cần có Chúa, cần có Lòng Thương Xót để đường Em-mau trở thành đường yêu thương gặp gỡ, đường sự sống. Ta hãy thực hành những gì Chúa đã làm. Đó là:
Hãy đi tìm. Biết bao anh em đang cô đơn lạc lõng giữa ngã ba đường, đang khao khát được gặp gỡ, được chia sẻ.
Hãy khẩn cấp lên đường. Dù giữa đêm khuya. Biết bao người sắp chết đang chờ đợi ta.
Hãy trò chuyện. Hãy lắng nghe. Biết bao nỗi lòng cần được giãi bày, cần được cảm thông.
Hãy làm bạn. Một người bạn sẵn sàng chia vui sẻ buồn, sẵn sàng hiện diện. Có mặt dù chỉ để cảm thông, chỉ để ăn một bữa cơm, chỉ để nói một câu chuyện, hoặc giản đơn chỉ để ở bên nhau dù không làm được gì.
Nhưng trước hết và trên hết ta hãy phục sinh chính mình. Thánh Phao-lô mời gọi ta hãy chết cho con người cũ để “sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa” được tỏ hiện. “Đừng lấy men cũ là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ”.
Hãy đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa Phục Sinh. Hãy đem Lòng Thương Xót gieo rắc khắp nơi để bất cứ con đường nào ta đi cũng trở thành Đường Em-mau, Đường của Lòng Thương Xót; để bất cứ ai gặp ta cũng gặp được Lòng Thương Xót, gặp được lòng tốt, gặp được sự cảm thông chia sẻ, gặp được một người bạn.
Lạy Chúa, hằng ngày Chúa đi bên cạnh con mà con không nhận biết Chúa. Xin cho con nhận ra Chúa trong những người anh em sống chung với con, đi bên cạnh con, cùng làm việc với con. Amen.
NTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log