Thứ bảy, 18/05/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay – C

Cập nhật lúc 10:53 11/03/2016
“Đức Giêsu nói: còn tôi, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!" (Ga 8, 11)  
Suy Niệm I
 “Tôi không kết án chị”
 
Muốn trở về trong Mùa Chay, trước hết chúng ta phải bắt đầu sửa lại cách nhìn của mình đối với người khác. Có lẽ chúng ta rất dễ vội xếp loại người khác! Khi đề cập đến thái độ thương xót của Chúa Kitô đối với người phụ nữ phạm tội ngoại tình, bài Tin Mừng hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn lạc quan đối với người khác. Nếu chúng ta có thời gian suy ngắm kỹ bài Tin Mừng này, chúng ta có thể biến đổi sâu xa về cách chúng ta xét đoán người khác.
 
Chúng ta hãy tập trung vào câu chuyện ! Câu chuyện này ngắn nhưng súc tích:
Hôm đó tại sân trong của Đền Thờ, nơi Chúa Giêsu đang giảng dạy, dân chúng vây xung quanh Người, thì có một số Luật sĩ và Pharisêu dẫn một người đàn bà vẻ mặt tái xanh tái ngắt. Họ nói với Chúa: “Thưa Thầy, chúng tôi bắt quả tang thiếu phụ này phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao”?
 
Chắc chắn họ nghĩ rằng: Chúa Giêsu sẽ mất tư cách vì câu trả lời của Ngài. :
- Nếu Ngài trả lời phải ném đá chị này, thì người ta sẽ nói với Ngài: Vậy thì lòng thương xót và luật yêu thương của Ngài ở đâu?. Nhất là vào thời đại Chúa Kitô, các luật lệ đều có khuynh hướng nới rộng. Chắc chắn Ngài cũng đi theo dòng chảy của thời đại.
- Nhưng nếu Ngài trả lời không được ném đá chị này, thì người ta sẽ nói rõ cho Ngài: là Ngài không chấp hành lề luật Môsê và đối kháng lại Kinh Thánh. Vậy Ngài đừng đến để nói với họ rằng Ngài đến từ Thiên Chúa!
 
Chúa Giêsu đã bị gài bẫy, dù Ngài nói kiểu nào cũng sẽ thua! Chúa Giêsu sẽ làm gì?
Tin Mừng nói : Ngài cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết lên đất. Ngài viết trên đất để làm gì? Hay là Ngài không thèm nghe câu hỏi của họ và không muốn tìm câu trả lời?
 
Không, Ngài muốn chỉ cho người phụ nữ đó đứng cách Ngài mấy mét rằng: Ngài không cộng tác vào lối xét đoán của những người tố cáo chị, vì những người đó nhìn chị bằng cái nhìn khinh bỉ và xấu tính.
 
Ngài không tố cáo chị: Ngài vẽ trên đất! Các Luật sĩ ngỡ ngàng vì không thấy Ngài trả lời. Vì thế họ phải dè chừng vì những câu đối đáp của Ngài rất khôn khéo. Họ thưa: Thưa Thầy, người ta đã đặt cho Thầy một câu hỏi. Người ta đã đặt một vấn đề với Thầy, thực sự là người ta muốn có bài mẫu của Thầy đứng trước vấn đề nan giải này thôi. Phần Thầy, Thầy biết tất cả, xin Thầy đừng tránh né. Thầy nhìn kìa! Mọi người đang chờ đợi câu trả lời của Thầy!
 
Bị yêu cầu trả lời, thế là Chúa Giêsu đứng dậy và nói, không phải là câu nói càu nhàu, cũng không phải là câu nói dữ dằn, nhưng là câu nói có tính lịch sự: “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”! Một câu nói tuyệt vời, bình tĩnh và quảng đại. Tin Mừng nói: “Chúa Giêsu lại tiếp tục ngồi xuống vẽ trên đất”.
 
Tại sao vậy? Lời giải thích ở đây đương nhiên là để những người tố cáo chị bỏ đi. Mặc dù ngồi viết không nhìn ai, Chúa Giêsu vẫn để họ tự xét mình và trong khi lợi dụng Chúa không chú ý đến mình, họ rút lui dần dần.
 
Tin Mừng nói một cách hóm hỉnh: “Bắt đầu là những người già tuổi nhất”. Già tuổi nhất ở đây có thể hiểu là những người có cái nhìn và con tim già cỗi nhất.
Thấy thế, Chúa Giêsu đứng dậy và cũng hài hước nói: “Họ đâu cả rồi”?
Cuối cùng chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Đúng vậy, những kẻ tố cáo chị càng đi xa, thì những hòn đá càng khó đến với chị. Tuy nhiên, điều chị sợ nhất, chính là sự phán xét của Chúa Giêsu đối với chị. Chị thầm nghĩ: Tại sao cho đến lúc này Ngài chẳng nói gì? Hay là Ngài khinh bỉ mình? Hoặc lời đầu tiên Ngài sẽ nói với mình là gì?
 
Biết rõ chị sợ, Chúa Giêsu lập tức trấn an chị:
“Họ không kết án chị ư? Hãy an tâm, tôi cũng sẽ không kết án chị nữa”! Và cuối cùng Ngài thêm một câu có tính giáo dục chị: Nhưng này chị, đừng phạm tội nữa, chị đã đau khổ đủ rồi phải không? Chị đã hiểu. Chị đừng phạm tội như vậy nữa..!
 
Khi suy ngắm bài Tin Mừng này, chúng ta cảm thấy mình nhỏ mọn và ty tiện so với thái độ của Chúa Giêsu. Chúng ta đừng bao giờ xét đoán người khác nữa, vì trước hết tất cả chúng ta đều là tội nhân! Chúng ta rất thường xét đoán vội vàng về người khác. Cuộc sống trần gian này nếu xét trong tương quan tình yêu, ai có thể nói rằng mình đã yêu đủ hoặc yêu trọn vẹn?
 
Xét đoán người khác là nhốt người khác trong tội của họ, đồng hoá họ vào một khuyết điểm có tính tạm thời hoặc xỉ nhục họ thay vì giúp họ tiến bộ. Chúng ta chỉ trưởng thành khi có nhiều người tin tưởng chúng ta. Đón nhận người khác và hiểu người khác không có nghĩa là tán thưởng. Chúa Giêsu đã không cho phụ nữ phạm tội ngoại tình một bằng chứng về hạnh kiểm tốt của chị. Ngài nói: chị đừng phạm tội nữa để chị có khả năng thoát ra khỏi tình trạng cũ của chị.
 
Đừng bao giờ đoán xét người khác! Vì người đời thường nói:
Dò sông dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người?
                                                                       
- Nếu chúng ta xét đoán người khác thì Thiên Chúa sẽ xét đoán chúng ta.
Chân mình thì lấm lê mê
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.
 
- Nếu chúng ta không xét đoán người khác thì sẽ tạo nên được sự bình an trong gia đình và cộng đoàn.
- Hãy biết quên đi những vụ tranh chấp!
- Hãy có lòng bác ái nghĩ rằng: nếu có ai làm chúng ta tổn thương, thì đó là yếu đuối của người ấy, chứ thực sự họ không muốn như vậy. Tiên tri Isaia đã nói trong bài đọc I :”Thiên Chúa phán: Các ngươi đừng nhớ tới dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Đây Ta sẽ làm một thế giới mới”.
 
Khi nhìn lại bản thân, hãy tự nói với mình rằng: Hỡi con người tôi, ai đã sinh ra tôi? Cha mẹ, tổ tiên của ngươi đó! Nụ hôn mà các ngài dành cho tôi và cái tát mà tôi đã nhận được, từ nơi các ngài, như thế các ngài là người thân hay là địch thù của tôi?… Vậy thì tôi có thể kết án tôi thế nào được? Hỡi con người tôi, tôi chỉ có thể đón nhận tôi như tôi là hôm nay vì tôi và vì người khác. Hỡi con người tôi, tôi vĩ đại, nhưng cũng là tội nhân đấy!
 Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
==============

Suy Niệm II
Lòng Thương Xót Không Kết Án
Ga 8, 1-11
 
Sau khi đã đi được nửa đường với lời mời gọi "Mừng Vui Lên" của Chúa nhật IV Mùa Chay. Nay bước vào tuần thứ I của giai đoạn II, thời gian mà toàn bộ nhà thờ sẽ chuẩn bị cho việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nên việc cải đổi đời sống, ăn chay, cầu nguyện và tập luyện các nhân đức càng khẩn thiết hơn. Vì Trước cuộc cải tổ phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, Chúa nhật V Mùa Chay được gọi là Chúa nhật thứ I mùa Thương khó, kéo dài 2 tuần cho đến lễ Phục sinh. Sau Công đồng Vaticanô II, lịch phụng vụ chỉ còn một tuần Thương khó, trùng với Tuần thánh, và Chúa nhật thứ V Mùa Chay là giai đoạn tiếp tục các đề tài huấn giáo theo chu kỳ. Nếu các Chúa nhật Mùa Chay năm A, B trình bày Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống, là Anh Sáng, là Sự Sống dựa theo Tin mừng thánh Gioan. Thì các Chúa nhật Mùa Chay năm C đề cao lòng thương xót của Thiên Chúa và kêu gọi con người đáp trả.

Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót. Khi mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Xót Thương, dẫn chứng của Gioan đầy sức thuyết phục "Con Một, Ðấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri" (Ga 1,18). Chân lý về Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu Kitô "Cha đầy tình thương xót" (2Cr 1,3), Đấng ghét tội và yêu thương kẻ có tội, không dung túng tội lỗi, nhưng khoan nhân với tội nhân, vì Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống (x. Ez 33,11). Đoạn Tin Mừng (Ga 8,1-11) là bằng chứng hùng hồn về lòng xót thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thánh Gioan kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa Giêsu không kết án chị, nhưng cứu chị khỏi bị ném đá. Chúa không nói với người phụ nữ: chị không có tội, nhưng nói : "Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" ( Ga 8,11). Thật vậy, chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể cứu rỗi con người, vì chính Người mang lấy tội lỗi thế nhân và cho con người cơ hội để thay đổi đời sống.

Ðoạn Tin Mừng cho thấy, sự tha thứ của Thiên Chúa không đồng nghĩa với sự dung túng thường tình, tha thứ có kèm theo điều kiện. Không có nghĩa là bỏ qua sự dữ, hay tệ hơn nữa là chối bỏ sự dữ. Thiên Chúa không tha thứ sự dữ, nhưng tha thứ cho con người, và dạy người ta biết phân biệt giữa một bên là hành động xấu đáng bị kết án, và bên kia là con người cụ thể phạm lấy lỗi lầm đó, và là người mà Chúa muốn ban cho cơ may để thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời. Trong lúc con người có khuynh hướng đồng nhất hóa người phạm tội với tội lỗi, và như thế là đẩy người có tội vào ngõ cụt, không có lối thoát. Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, Thiên Chúa Cha lại hành động cách khác, Ngài đã sai Con Một mình xuống trần gian, để mở ra cho cả và nhân loại con đường cứu thoát. Chúa Giêsu chính là con đường này: khi chết trên thập giá, Người đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúa Giêsu lặp lại với con người ở mọi nơi, mọi thời đại rằng: "Ta cũng thế, Ta không kết tội. Vậy hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

Khi nghe những lời trên trong đoạn Tin Mừng hôm nay, làm sao chúng ta không cảm nghiệm được một niềm tín thác trào dâng trong tâm hồn chúng ta? Sao không nhìn thấy nơi đó một "Tin Vui" cho cả và nhân loại ở thời đại chúng ta, những con người đang mong ước khám phá lại ý nghĩa đích thật của lòng nhân từ và sự tha thứ.

Thời đại chúng ta đang cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa, một sự tha thứ làm phát sinh niềm hy vọng và phó thác, mà không làm yếu đi cuộc chiến chống lại sự dữ. Cần trao ban và lãnh nhận sự tha thứ. Nhưng chúng ta không trở nên có khả năng tha thứ, nếu trước đó chúng ta không để cho mình được Thiên Chúa thứ tha, vừa nhìn nhận mình là đối tượng của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ trở nên kẻ sẵn sàng tha nợ cho người khác, chỉ khi nào chúng ta ý thức về mòn nợ to lớn mà chúng ta đã được tha cho. Chúng ta hãy cố khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải, và hãy tỏ ra nghiêm khắc đối với tội lỗi nhưng khoan nhượng đối với con người tội lỗi.

Chúng ta hãy nhìn lên Ðức Trinh Nữ Maria và khẩn cầu Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót. Nơi Mẹ, tình thương nhân từ của Thiên Chúa được nhập thể, và tâm hồn vô nhiễm của Mẹ là nơi trú ẩn an toàn cho người tội lỗi. Ðược Mẹ dẫn lối chỉ đường, chúng ta hăng hái tiến bước, và nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình, nay Người nói với mỗi người chúng ta rằng: "Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa" (Ga 8,11).

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con đón nhận với niềm vui đã được canh tân, tiếp nhận hồng ân cứu rỗi, ngõ hầu chúng con gặp lại được sự tin tưởng và niềm hy vọng để bước đi trên con đường mới. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=============
 
Suy Niệm III
KHUẤT TẤT TRONG MỘT VỤ ÁN “BẤT THƯỜNG”
 Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11
 
Bài Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay hôm nay, trình thuật vụ án hy hữu và bất thường. Đó chính là phiên tòa sử người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.

Các Kinh Sư và Pharisiêu mang đến cho Đức Giêsu để xin Ngài phân sử. Nếu đọc thoáng qua, chúng ta sẽ thấy họ tôn trọng Đức Giêsu và nhờ Ngài phán quyết một vụ án di động này. Thật bất ngờ, Đức Giêsu bỗng dưng trở thành thẩm phán. Bị cáo là người phụ nữ ngoại tình. Các người tố cáo chính là Kinh Sư và Pharisiêu.

Phiên tòa bắt đầu với lời tố cáo: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ hỏi câu hỏi đó không phải để chờ Đức Giêsu phán làm sao, mà đúng hơn, họ đã có sẵn bản án trong tay, bởi vì họ biết rõ luật!!! Nhưng điều đáng nói ở đây chính là cái tâm đen tối của họ, họ muốn gài bẫy Đức Giêsu. Nếu Đức Giêsu lên tiếng phán: “Phải ném đá”, thì ngay lập tức, Đức Giêsu không phải là một vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu, bao dung với người nghèo và yêu thương người tội lỗi. Tất cả những gì Đức Giêsu rao giảng đều tự mâu thuẫn nội tại với Ngài. Bởi vì Ngài đã từng nói hãy tha thứ cho nhau không chỉ bảy lần mà đến bảy mươi lần bảy (x.Mt 18,21-22). Hơn thế nữa, Đức Giêsu phạm vào cái tội gọi là “tội khi quân” phản loạn và chống lại triều đình.

Còn nếu Đức Giêsu nói “không được ném đá”, thì ngay lập tức Ngài lãnh nhận án tử trong tay. Bởi vì luật Môsê truyền phải ném đá hạng người phụ nữ ngoại tình này. Những ai đi ngược lại với những điều khoản trong luật của Môsê thì kể như là vi phạm và phản bội với truyền thống của tiền nhân. Mặt khác, Đấng đã từng tuyên bố rằng “đến không phải để hủy bỏ lề luật và lời các ngôn sứ, nhưng để kiện toàn”(x.Mt 5,17) không lẽ giờ này lại phá luật?.

Quả thật họ đã quá nham hiểm, họ đã dùng phương pháp: nhất tiễn diệt song điêu. Một mũi tên giết hai con chim. Bầu không khí thật ngột ngạt ngay trong khoảng không trống trải giữa trời. Họ nín lặng chờ vị thẩm phán bất đắc dĩ tuyên án. Trong thinh lặng, thay vì nói lời tuyên án, Đức Giêsu đã âm thầm, tế nhị viết trên đất, hành động này theo một số nhà chú giải cho rằng Đức Giêsu viết tội của những người tố cáo chị phụ nữ trên đó. Sau đó Đức Giêsu lên tiếng:  "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi". Một câu nói tưởng chừng như êm đềm, trôi vào khoảng không vô tư của những người đang hung hăng tố cáo và thực hiện dã tâm... Không! Đức Giêsu đã lật ngược ván cờ. Bị cáo lại chính là những Kinh Sư và Pharisiêu, thẩm phám không phải là một ai hay một nhóm người hiện hữu nào, mà là một vị thẩm phán vượt lên trên thời gian và không gian, một vị thẩm phán có thể thấu suốt những những điều mà chỉ có họ biết họ. Vị thẩm phán đó là “Lương Tâm”. Chính vị thẩm phán “Lương Tâm” này đã lên tiếng kết tội của họ trong thinh lặng cõi lòng, đã xoáy sâu vào tận nội căn tâm hồn để vạch trần tội ác của họ. Quá bất ngờ, họ bị chưng hửng, không dám đứng đó, nên đã lần lượt ra về, bắt đầu từ những người lớn tuổi.

Khi mọi người đã ra về, chỉ còn lại mình Đức Giêsu và chị phụ nữ. Bấy giờ, Đức Giêsu mới hỏi: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?", và, giờ đã điểm, Đức Giêsu tuyên án: “Còn tôi, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!". Lời tuyên trắng án của Đức Giêsu đã phá tan màn đen của một vụ án khuất tất và những bất thường của nó.

Đây là một trong những câu nói tuyệt đẹp và rất nhân văn. Nhưng xét về chiều sâu đức tin, thì đây còn là một lời nói được phát xuất ra từ cung lòng Thiên Chúa, thể hiện một vị Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu từ bi và hay thương xót. Sẵn sàng tha thứ cho những người tội lỗi. Một vị Thiên Chúa luôn đứng về phía người nghèo, bị bỏ rơi và thấp cổ bé họng để yêu thương, nâng đỡ và phục hồi nhân phẩm cho họ. Quả thật, Lời Chúa trong sách Khôn Ngoan thật sâu xa để cho mỗi người chúng ta suy niệm: “Lạy Chúa, Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.” (Kn 11,23).

Qua bài Tin Mừng hôm nay, sứ điệp Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy nắm lấy tay nhau để dìu nhau đứng dậy và ra khỏi vũng lầy êm ái của tội lỗi. Chứ không phải tìm cách nhấn chìm anh chị em chúng ta xuống tận bùn đen để làm bàn đạp cho ta tiến lên.

Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả, đó là: Lời Chúa hôm nay muốn đi sâu vào tận nội tâm mỗi người, để mời gọi đương sự hãy tự cật vấn lương tâm của chính mình, nhằm thấy được những lỗ hổng tốt lành, thánh thiện để lấp cho đầy những bác ái, yêu thương và bình an, lo sám hối và quay trở về với Chúa và với nhau; đồng thời phải nhận ra những ứ đầy tội lỗi của tham lam, ích kỷ, ghen tỵ nơi chính mình, để có được sự cảm thông thay vì kết án, để yêu thương thay hận thù.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mặc lấy tâm tư, hành động của Chúa. Xin cho chúng con biết gớm ghét tội, nhưng không ghét những người có tội. Ước gì, trong những ngày này, mỗi người chúng con biết sám hối chân thành, biết nhìn vào trong sâu thẳm đời sống nội tâm, hầu thấy được khuôn mặt thật của mình, để trở về với Chúa và với nhau. Xin tha thứ những lỗi lầm mà thời niên thiếu chúng con vươn lên trong dại khờ.  Amen.
 
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log