Thứ sáu, 29/03/2024

Đồng Hành Khôi Bình Tháng 9.2017

Cập nhật lúc 17:37 07/09/2017
Lời chủ chăn tháng 9. 2017

Cộng đoàn dân Chúa giáo phận Hưng Hóa thân mến,
Tiếp tục đường hướng mục vụ trong năm đồng hành với các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân gia đình, qua thư này, chúng tôi muốn gởi đến các bạn trẻ một số lời khuyên thiết thực; đồng thời lưu ý các phụ huynh và linh mục đang làm mục vụ một số vấn đề liên quan đến việc đồng hành với con cái mình.
I. Các bạn trẻ sắp lập gia đình thân mến,
Giáo hội là Mẹ hiền luôn mong ước thiết tha cho con cái mình bước vào hôn nhân cách ý thức đầy đủ, được chuẩn bị kỹ càng, và được hưởng ân sủng dồi dào của bí tích hôn phối là hạnh phúc vững bền.
Để đáp lại mong ước này, xin các bạn trẻ lưu ý những điểm nhấn quan trọng sau đây:
1. Hễ điều gì càng được chuẩn bị kỹ thì càng có kết quả tốt. Hôn nhân là cả một chặng đường dài, có khi 50, 60 năm, nên càng phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Ngạn ngữ Nga có câu: “Đừng vội kết hôn khi chưa trải qua một mùa đông với người mình yêu”, nghĩa là đừng chấp nhận kết hôn khi chưa quen biết ít là một năm. Một năm mới tạm gọi là đủ để tìm hiểu nhau. Nếu chỉ mới quen nhau đôi tuần, đôi tháng mà vội gật đầu ưng thuận thì nguy hiểm vì chưa rõ về nhau đâu.
2. Trong thời gian tìm hiểu, kể cả khi đã đính hôn, các bạn cần xem xét những gì? Có phải là người kia giàu hay nghèo? đẹp trai, đẹp gái? duyên dáng, ăn nói ngọt ngào? có mái tóc bồng bềnh, có làn da trắng bóc? có nụ cười nghiêng thành nghiêng nước? Những cái đó là phụ tùy, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Nhưng điều cần biết rõ về người yêu là tính tình người ấy thế nào ? có những tính tốt nào? có những tật xấu nào? có thể tin tưởng không? có tốt bụng không? có giữ lời không? có thành thật không? có chung thủy không? có đứng đắn không? sức khỏe thế nào? có mắc bệnh di truyền không? gia đình người ấy thế nào? cha mẹ, anh chị em ra sao? người ấy có tin vào Chúa không, có giữ đạo đàng hoàng không? người ấy theo một tôn giáo hay là người vô thần? (về điểm này, thà người ấy theo một tôn giáo nào khác còn hơn là vô thần. Chớ lấy người vô thần, vì hữu thần và vô thần không đội trời chung! hôn nhân sẽ không hòa hợp, hạnh phúc đâu!). Cũng cần biết quan điểm của người kia về hôn nhân và gia đình. Người ấy có thể không cùng chung những quan điểm căn bản về hôn nhân như người Công Giáo: lòng thủy chung, một vợ một chồng, không ngoại tình, không ly dị, chấp nhận con cái, không phá thai, biết tôn trọng nhau, chấp nhận bình đẳng, không sử dụng bạo lực trong gia đình, không mắng chửi nhau thậm tệ…
3. Trong thời gian tìm hiểu, xin các bạn trẻ tôn trọng lẫn nhau, không tự cho phép mình hưởng trước những quyền lợi của vợ chồng, bên này thì đòi hỏi tính dục, bên kia thì buông thả, hoặc miễn cưỡng chiều theo vì sợ mất người yêu. Hãy tránh những lời đường mật, dụ dỗ nhau, tránh những dịp sa ngã phạm tội. Bên Mỹ, dù là một nước tự do về tính dục nhưng có cả một phong trào gìn giữ nhau về tính dục, họ đề ra quyết tâm: “No sex before marriage” (Không hưởng thụ tính dục trước khi kết hôn). Ca dao Việt nam có câu rất hay như sau: “Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ, đôi ta trong trắng đợi chờ lấy nhau”. Trái cây ăn khi còn xanh sẽ chua chát, ghê răng, đợi chín rồi ăn mới ngọt ngào, thơm ngon. Trong thời gian tìm hiểu và yêu nhau, các bạn hãy quyết tâm “tìm hiểu nhau bằng mắt và bằng tai, chứ đừng bằng miệng và bằng tay”! Các bạn nữ là người thiệt thòi nhất nếu buông thả cho tính dục trước khi kết hôn, cho dù ngày nay người ta coi nhẹ sự trinh tiết khiết tịnh, vốn được người xưa quan niệm “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”. Các bạn biết người Công Giáo chúng ta có nghĩa vụ sống khiết tịnh đúng bậc mình, dù là vợ chồng, bạn tình chưa kết hôn, hay người độc thân tu trì, người góa vợ góa chồng, thanh niên thiếu nữ…, tất cả đều phải giữ đức trong sạch xứng bậc mình. Hãy tránh lâm vào hoàn cảnh bi đát, khó xử vì có thai, để rồi lôi cả cha mẹ hai bên, cả cha xứ vào tình thế bế tắc khó xử. Nếu có thai rồi phá thai để giữ danh dự, gia thế, gia phong thì thật kinh khủng, vì phạm tội ác, nỗi ám ảnh phá thai sẽ theo suốt cuộc đời, cắn rứt lương tâm, không cho tâm hồn bình an. Hoặc nếu có thai rồi phải chấp nhận kết hôn dù không yêu thật lòng thì cũng thật khủng khiếp, vì cả đời không hạnh phúc. ĐTC Phanxicô khuyên các linh mục đừng chứng hôn cho những người lỡ có thai mà kết hôn, vì có thể họ không có tự do nội tâm để thật lòng kết hôn với nhau.
4. Hãy chuẩn bị hôn nhân thật kỹ càng, từ việc học giáo lý hôn nhân đầy đủ, đừng xin chuẩn chước, xin rút bớt thời gian. Điều này đang xảy ra ngày càng nhiều, khiến các linh mục quản xứ khó xử. Hãy chuẩn bị tâm hồn, tinh thần và thể xác thật chín muồi, để lúc kết hôn nói lên lời ưng thuận với đầy đủ ý thức và ý muốn. Cũng nên chuẩn bị về phương diện vật chất, để khi kết hôn thì đã ổn định nhà cửa, nghề nghiệp, tiền bạc.
5. Nếu bạn tình là người cùng đạo thì có thể an tâm nếu người đó có lòng đạo đức, có đức tin, giữ đạo đàng hoàng… Đừng vội lạc quan và tin tưởng chỉ vì người ấy có đạo, nếu chỉ có đạo bề ngoài thì cũng chẳng hơn gì người không có đạo.
6. Nếu người bạn tình là người không có đạo hoặc theo một tôn giáo khác thì cần phải thận trọng gấp đôi, gấp ba. Giáo Hội không cấm kết hôn với người khác tôn giáo, nhưng cũng không khuyến khích những hôn nhân loại này. Các bạn thử nghĩ xem: vợ chồng chung nhau mọi sự, chung nhà, chung cửa, chung con cái, chung bàn ăn, chung xe cộ, chung tiền bạc, chung quan điểm, mà không chung niềm tin tôn giáo thì không ổn đâu. “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhau nhìn về một hướng” (Saint-Exupéry). Vợ chồng cùng chung một niềm tin tôn giáo thì dễ hạnh phúc hơn, thật đấy.
7. Nếu người bạn tình không có đạo đồng ý theo đạo để kết hôn thì cũng chưa vội mừng, vì đã có rất nhiều trường hợp giả vờ theo đạo để lấy được vợ hay chồng. Khi lấy nhau xong thì bỏ đạo, có khi còn cấm cản vợ (chồng) và con cái giữ đạo. Thật là tráo trở. Người như thế không liêm chính ngay thẳng, không đáng tin. Nếu biết trước bản chất của người bạn tình như vậy thì nhất định đừng lấy họ. Thà không kết hôn còn hơn là kết hôn để chuốc lấy đau khổ suốt đời.
8. Điểm sau cùng rất quan trọng: Hãy xây đắp tình yêu-hôn nhân-gia đình của mình trên nền tảng là Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu. Hãy đặt Chúa ở đỉnh cao, ở trung tâm, ở nền tảng của đời sống hôn nhân. Có Chúa thì có hạnh phúc, vắng Chúa thì vắng hạnh phúc.
II. Các phụ huynh công giáo thân mến,
Chắc chắn mọi cha mẹ đều muốn con cái mình có cuộc sống hôn nhân bền vững, gia đình hạnh phúc. Xin các cha mẹ công giáo xác định những điểm quan trọng sau đây:
1. Là cha mẹ, anh chị em có bổn phận hướng dẫn, góp ý, nhắc nhở cho con cái trong việc chọn bạn trăm năm, nhưng phải để cho con cái quyền quyết định hôn nhân của chúng.
2. Hãy đồng hành với con cái khi chúng bắt đầu tính chuyện trăm năm qua sự lắng nghe, khuyên bảo, chỉ vẽ tận tình, giúp chúng chọn lựa đúng người yêu.
3. Đừng nhu nhược chiều theo con cái khi chúng làm những điều sai trái. Nhắc nhở chúng tuân thủ các qui định của Giáo Hội và giáo phận về việc chuẩn bị hôn nhân, đừng bất chấp và làm theo ý riêng hay đợi “nước đến chân mới nhảy” !
4. Các phụ huynh không được đặt điều kiện phải theo đạo mới cho kết hôn với con mình. Tốt hơn hãy nhân cơ hội này mà trình bày Đạo Chúa, để người đó thuận tình tin theo. Nếu biết một người giả vờ theo đạo để kết hôn thì phải từ chối gả con.
5. Sau khi con cái đã nên vợ nên chồng, trách nhiệm của cha mẹ vẫn chưa chấm dứt, mà vẫn phải tiếp tục đồng hành để giúp chúng giữ gìn hạnh phúc, ít là trong những năm đầu của đời hôn nhân.
III. Với các linh mục, tu sĩ, là những người tiếp cận với các bạn trẻ và gia đình trẻ, chúng tôi mong:
1. Các vị hãy nhiệt thành với mục vụ hôn nhân: giúp bạn trẻ phân định và chuẩn bị trước khi kết hôn; đồng hành với họ sau khi kết hôn; nâng đỡ khi họ gặp khó khăn, có nguy cơ đổ vỡ! 
2. Tránh lối hành xử tùy tiện, tắc trách vì dễ dàng quá hoặc khó khăn quá. Hãy giúp đôi bạn kết hôn đúng đắn, thành sự, hợp pháp, trong niềm vui và hạnh phúc tràn trề.
3. Hãy giúp loại bỏ những quan niệm lệch lạc sau: con gái lấy chồng thì phải theo chồng, chồng không cho giữ đạo thì nghe theo để gia đình êm ấm, hoặc buộc bên lương phải theo đạo thì mới gả con! Tất cả đều xâm phạm quyền tự do tôn giáo của con người.
Anh chị em thân mến,
Đức Kitô đã khẳng định rằng: “Tôi đến để đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Cùng với Ngài, chúng ta hãy làm tất cả để các bạn trẻ tìm được niềm vui và hạnh phúc dồi dào, tràn lan và nồng nàn như rượu Cana trong cuộc hôn nhân sắp tới của họ. 
 
Hưng Hóa, ngày 30 tháng 8 năm 2017
Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa
An-phong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá
 
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN
Hc 27, 30 - 28, 7; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35
 
Lời kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô vẫn còn văng vẳng bên tai: "... Vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ..." Tha thứ là hành động của trái tim, là chìa khóa dẫn đến sự bình an cho tâm hồn, là điều kiện đòi ta phải có để được đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Trong thực tế chúng ta mắc nợ nhau rất nhiều bởi những va chạm hằng ngày, chúng ta chỉ có thể trả những món nợ ấy bằng tình thương qua sự tha thứ cho nhau mà thôi. Có thương thì chúng ta mới dễ dàng tha.
Thiên Chúa Cha là Đấng giàu lòng tha thứ, Ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho ta. Còn Chúa Giêsu, cả cuộc đòi chịu biết bao là ngược đãi, tủi nhục, thế mà Ngài còn cầu xin Chúa Cha tha cho những người đó và biện hộ cho họ là vì "họ không biết việc họ làm.”
Trong Giáo hội cũng có rất nhiều vị thánh nỗi bật về gương tha thứ, tôi chỉ xin nêu một vị thánh rất trẻ, 12 tuổi, đó là thánh nữ Maria Goretti. Có một chàng thanh niên cạnh nhà Maria Goretti, tên là Alexander đem lòng yêu mến chị và dùng bạo lực để cưỡng hiếp chị, chị đã dùng hết sức để chống cự và bị 14 mũi dao đâm thâu thân thể. Trước khi tắt thở, chị đã sẵn sàng tha thứ cho Alexander và nói lên ước nguyện: "Ước chi Alexander cũng được lên Thiên Đàng như mình.” Sở dĩ Maria Goretti có thể tha thứ được cách quảng đại như vậy là vì chị có lòng yêu mến Chúa sâu thẳm. Sau này Alexander đã đổi đời, xin vào sống trong đan viện. Ước gì chúng ta cũng bắt chước những tấm gương ấy, để những người trong gia đình hoặc hàng xóm làm phiền lòng ta, họ sẽ cảm nhận được sự tha thứ và đi đến thay đổi lối sống, làm cho mái ấm gia đình hạnh phúc hơn, một khu xóm yêu thương hơn.
Thật sự nói thì dễ lắm, nhưng thực hành được hay không mới là chuyện lớn. Nếu ta khó tha thứ, lý do chính là vì ta chưa cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Chúa dành cho ta, nên ta chỉ tha những gì có thể, còn những gì khó tha là ta để bụng "làm mắm" chờ cơ hội "trả đủa.”
Nhưng Tin Mừng hôm nay Chúa kêu mời chúng ta hãy tha thứ tất cả, tha thứ thật lòng, và tha thứ mãi, chứ không chỉ tha có bảy lần như thánh Phêrô hỏi Chúa, nhưng là đến "bảy mươi lần bảy" có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục tha nữa và tha mãi.
Phần thứ hai của Tin mừng hôm nay, Chúa cũng nêu lên một câu chuyện đáng cho chúng ta phải xét mình: Một tên đầy tớ mắc nợ chủ 10.000 yến vàng, anh ta sấp mình van xin chủ và được tha hết; nhưng trên đường về, anh ta gặp một người bạn mắc nợ anh ta có 100 quan tiền, anh ta tóm lấy, bóp cổ, mặc cho người bạn có năn nỉ van xin. Chuyện đến tai chủ, ông nổi giận trao y cho lý hình hành hạ cho đến khi trả hết nợ.
Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha cho ta và cho hết mọi nguời, thế mà ta vẫn không tha cho anh em mình. Đôi khi chúng ta cũng xử sự không kém tàn nhẫn, hẹp hòi và ích kỷ đối với vợ, với chồng, với con cái, bà con, bạn bè, hàng xóm... giống như tên đầy tớ độc ác kia vậy. Chúng ta thường lấy những "chuyện bé xé ra to," cố tình không tha. Ta quên mất biết bao lần Chúa đã tha cho những lầm lỗi của ta.
Ngày hôm nay, Chúa kêu mời chúng ta hãy có một thái độ mới trong gia đình của mình, nơi mình làm việc, nếu vợ chồng có điều gì phiền lòng nhau, con cái có gì phiền lòng bố mẹ hay bố mẹ có gì hiểu lầm con cái, hoặc bà con, hàng xóm có gì mất lòng, khó xử, hãy ngồi xuống đối thoại với nhau, để hiểu nhau, tha thứ và bỏ qua cho nhau đi. Nên nhớ rằng mỗi lần ta thực hành tha thứ, là ta được tiến lại gần Nước Trời hơn một bước nữa, càng yêu nhiều và tha nhiều, thì chắc chắn Nước Trời là một bảo đảm cho ta. Các nhà tâm lý nói: "Nhưng người không tha thứ được thì cũng không đón nhận sự tha thứ.” Chẳng có gì là khó hiểu, vì lương tâm họ không quảng đại, nên nó cũng không cho phép họ đón nhận sự quảng đại của người khác.
Chỉ những ai đã cảm nhận được tình thương tha thứ của Chúa cho mình thì mới dễ tha thứ cho người khác. Vậy chúng ta hãy xin Chúa, Ngài sẽ cho ta cảm nhận được tình thương tha thứ của Ngài, như Lời Ngài phán: "Ai xin sẽ được, ai gõ sẽ mở cho, ai tìm sẽ thấy.”
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Tha thứ là không dễ. Anh chị đã có lần tha thứ. Hãy kể lại kinh nghiệm vượt qua sự oán hờn đó.
  2. Những mối oán thù gặm nhấm tâm hồn và tàn phá cộng đoàn. Anh chị có kinh nghiệm gì về điều này?
  3. Anh chị đã được ơn tha thứ của Chúa. Hãy chia sẻ với mọi người về điều này.
II. TÌM HIỂU TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU
Dự vào Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia) và những gợi ý Mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong năm 2017, trong tháng 9 này xin anh chị em cùng chia sẻ về chủ đề: Gia đình tham gia phát triển xã hội.
Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu đã nêu lên thực trạng xã hội hôm nay: “Ngày nay chủ nghĩa cá nhân đôi khi dẫn ta đến lối sống khép kín trong sự an toàn của một tổ ấm bé nhỏ và cảm thấy tha nhân như một phiền toái nguy hiểm. Thế nhưng, sự cô lập này không đem lại niềm an bình và hạnh phúc, mà khép kín con tim của gia đình và làm cho gia đình mất đi tầm nhìn rộng lớn của cuộc sống” (Amoris Laetitia 187). Nhận định của vị cha chung thật chính xác. Do những sinh hoạt khác nhau trong xã hội, dần dần các gia đình ngày hôm nay trở thành một thực tại đóng kín, cá nhân hoá, chỉ biết những người trong gia đình, biết hoàn cảnh gia đình mình mà thôi không quan tâm đến thân phận của những người khác, không quan tâm đến những chiều hướng phát triển xã hội về nhiều mặt khác nhau: giáo dục, y tế, khoa học, tôn giáo…. Như vậy, có thể nói là đi sai với tinh thần của Giáo hội: “Gia đình nhỏ không nên cô lập mình khỏi gia đình mở rộng, nơi có cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em họ và cả người láng giềng … Trong gia đình rộng lớn ấy, có thể có những ai đó cần được giúp đỡ hoặc ít là cần đồng hành và cần nhận được những cử chỉ yêu thương, hoặc có thể có những người đang chịu nhiều đau khổ cần được ủi an” (Amoris Laetitia 187).
Từ gợi ý này về “Gia đình tham gia phát triển xã hội”, chúng ta nên dừng lại ở những sự giúp đỡ cụ thể. Chính vì thế, chúng ta sẽ không bàn đến những chiều kích xã hội khác.
Tin Mừng tóm tắt những gì chúng ta đã thấy và nghe nói về Chúa Giêsu. Người đã làm cho “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 5). Và Chúa Giêsu là người của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị khinh thường, bị lãng quên. Chúa Giêsu hiện diện nơi những người như thế bởi vì Người yêu thương họ, bởi vì Người không thể chịu đựng nỗi khốn khổ của họ. Người không thể nói về một thứ hạnh phúc siêu thực được.
Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng chúng ta sẽ bị phán xử không phải chỉ trên sức mạnh của đức tin, sự nhiệt tình của lời cầu nguyện hoặc chiều sâu của đời sống tinh thần của chúng ta, mà còn trên những cử chỉ đối xử của chúng ta với người khác: bánh cho kẻ đói, nước cho người khát, thăm viếng tù nhân... 
Điều Chúa Giêsu muốn dạy là làm thế nào cho con người thoát khỏi cảnh áp bức bất công của xã hội, chớ không phải nói về Thiên Chúa cho những người đang bị áp bức, vì họ không thể nghe được khi bị những áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong như thế.
Là một Kitô hữu, là môn đệ của Chúa Giêsu, và hơn nữa là thành viên Khôi Bình; do đó, chúng ta tiếp tục nhiệm vụ của Chúa theo tinh thần, tâm tính, hơi thở của Người. Chúng ta đi ra khỏi gia đình nhỏ để đến với gia đình lớn là xã hội, chúng ta đến ở với những người mà quyền của họ không được công nhận.
Làm được như thế là chúng ta cũng có thể góp một phần nào về việc phát triển và thăng tiến xã hội vừa vật chất lẫn tinh thần; Bởi vì, khi con người không còn đói khát thể xác, không bị tù đày áp bức, thì con người sẽ sống thoải mái hơn về tinh thần.
Cầu xin Chúa ban ơn giúp sức cho tất cả các gia đình Kitô giáo, cách riêng  các Gia đình Khôi Bình chúng ta sống cuộc sống cởi mở và biết chia sẻ trong một gia đình rộng lớn đúng luật Chúa và luật Giáo hội, để nhờ đó gia đình mới đủ khả năng trở thành một “Hội thánh tại gia” giữa lòng xã hội hôm nay.
 
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
 
KB-GPHH
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Ngày 24.03.2024 Chúa nhật Lễ Lá, giáo xứ Yên Tập đã tổ chức Hội thi Kinh nguyện, Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh. Hiện diện trong chương trình có cha xứ Giuse Nguyễn Văn Cường, quý dì cộng đoàn Mến Thánh Giá Yên Tập, quý ban tổ chức, ban giám khảo và 750 quý cụ ông bà anh chị em tham gia dự thi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log