Thứ bảy, 27/04/2024

Đồng hành Khôi Bình Giáo phận Hưng Hóa tháng 6/2015

Cập nhật lúc 08:50 30/05/2015


Tải fileĐồng hành Khôi Bình Giáo phận Hưng Hóa tháng 6/2015.doc

Lời ngỏ
Các bạn Khôi Bình thân mến,
Vừa ra khỏi mùa Phục sinh, Giáo hội cử hành ngay ba lễ lớn mang một ý nghĩa gần như nhau, cả ba đều có chung một đề tài là Tình yêu Thiên Chúa nhưng được trình bày dưới những khía cạnh khác nhau: Trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, đó là tình yêu và hiệp nhất; trong hình ảnh Trái tim bị đâm thủng, chúng ta thấy biểu tượng của tình yêu thí mạng cho người mình yêu; trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta thấy khía cạnh nổi bật của tình yêu là phục vụ.
Chủ nhật lễ Chúa Ba Ngôi cho chúng ta dịp suy gẫm về mầu nhiệm tình yêu ngay trong bản thể của Thiên Chúa, trong nguồn cội của nó, nghĩa là ngay trước khi Thiên Chúa ra tay thi thố tình yêu của Người ra "bên ngoài" cho chúng ta. Thiên Chúa chúng ta không phải là một Ðấng tuyệt đối, toàn năng nhưng đơn độc, xa xôi, trơ trọi một mình, mà Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu (1Ga 4, 8); là một cộng đồng ba ngôi vị liên kết trong tình yêu hoàn hảo. Mọi công trình của Thiên Chúa: Tạo dựng, Quan phòng, Cứu độ đều phát sinh từ vực thẳm tình yêu vô biên đó.
Lễ Thánh tâm Chúa Giêsu cử hành vào ngày 12/6/2015 nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa. Hình ảnh trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu và ngọn lửa rực cháy bốc lên, diễn tả tình yêu ở mức tột cùng: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).
Cùng với việc Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, Bí tích Thánh Thể là hồng ân cao cả nhất, phép lạ kỳ diệu nhất mà Tình yêu Chúa đã thực hiện và vẫn còn thực hiện cho chúng ta mỗi ngày trên bàn thờ cho đến tận thế. Thánh Thể báo trước Tử Nạn, Thánh Thể thực hiện Hiến Tế thập giá một cách bí tích; nghĩa là, trước khi phó mạng vì chúng ta trong cái chết đẫm máu trên Núi Sọ, Chúa Giêsu đã phó mình cho chúng ta trong phòng Tiệc ly dưới hình thức bánh và rượu. Vì thế mà theo chính Thánh ý của Chúa, Thánh lễ tái diễn trên bàn thờ lễ tế thập giá, và như vậy thánh Phaolô đã có thể viết: "Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết" (1Cr 11, 26). Chúa Giêsu lập Thánh Thể không phải vì mình, nhưng vì chúng ta, như một phương thế để tiếp tục thể hiện ý muốn phục vụ của Người. Bằng Thánh Thể, Người nối dài sự hiện diện hữu hình của Người giữa trần gian; sự hiện diện đó trở thành điểm qui tụ, thành trung tâm của đời sống Hội Thánh. Bằng Thánh Thể, Người cho chúng ta được hiệp thông sự sống với chính Người. Sự sống của Chúa được thông ban cho chúng ta để nuôi sống, chữa lành và biến đổi chúng ta. Bằng Thánh Thể, Chúa Giêsu liên kết chúng ta lại thành cộng đoàn huynh đệ. Trong cộng đoàn này không có thống trị, mà chỉ có phục vụ (x. Ga 13, 14).
Thưa các bạn,
Chúng ta rất khác nhau về tính tình, khuynh hướng, sở thích, tài năng, cách nhìn và chọn lựa. Quyền lợi mà chúng ta theo đuổi đôi khi đối nghịch, mâu thuẫn với nhau. Nhưng Chúa bẻ bánh chia cho chúng ta quanh cùng một bàn tiệc. Như vậy, Người giúp chúng ta tha thứ, làm hòa, thu hẹp khoảng cách và xích lại gần nhau hơn. Và tích cực hơn nữa, Người làm cho tất cả những ai ăn cùng một bánh được liên đới và hiệp thông sâu xa với nhau với nhau, mặc dù vẫn có những khác biệt không thể tránh (x.1Cr 10, 17).
Để phục vụ, Chúa Giêsu đã phải trả giá rất đắt. Không phải chỉ hạ mình rửa chân cho các môn đệ, mà còn tự hiến "làm lễ vật giao hòa", làm "chiên Vượt Qua" chịu sát tế vì sự sống thế gian. Chính Người nói: "…Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20, 28). Khi chúng ta được đồng hóa mình với Chúa Kitô trong Thánh Thể thì chúng ta cũng phải cố gắng sống như Người đã sống, phục vụ như Người đã nêu gương. Ai không sẵn lòng phục vụ thì cũng chưa thực lòng muốn tham dự Thánh Thể. Muốn phục vụ như Chúa, thì cũng phải hiến thân như Người. Ðây là điều khó, thường làm cho chúng ta hoảng sợ, chùn chân, không dám đi tới cùng.
Người Kitô hữu biết mình yếu kém, nhưng dù chưa dám làm hay chưa làm được, chúng ta ít nhất cũng phải nhận ra rằng phục vụ và hiến thân là những đòi hỏi không thể thiếu của Bí tích Thánh Thể. Và bí tích này sẽ nâng đỡ chúng ta, trợ lực cho chúng ta để ra sức làm điều Chúa đã dạy và làm gương cho chúng ta.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhất là những khi ta hiệp dâng Thánh lễ, chúng ta hãy để cho các đòi hỏi của Chúa day dứt trong lòng chúng ta. Day dứt, nhức nhối như một vết thương không bao giờ lành khiến cho mình không bao giờ dám an tâm trong thái độ thờ ơ và vị kỷ. Chúng ta hãy là mở ra với một tấm lòng yêu thương phục vụ tất cả mọi người, như Chúa vẫn hằng yêu thương chúng ta.
Trung kiên với Khôi Bình,

Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHGĐKB. Hạ Hiệp

 

  ************************

 
I. CHIA SẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XI THƯỜNG NIÊN B
Ed 17, 22-24; 2Cr 5, 6-10; Mc 4, 26-34
Muốn cho chúng ta hiểu Nước Thiên Chúa là gì, Đức Giêsu hay dùng những chuyện xảy ra thường ngày hoặc những dụ ngôn mà dạy. Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng hai dụ ngôn hạt giống và hạt cải để giúp chúng ta hiểu về Nước Thiên Chúa. Vậy, Đức Giêsu muốn nói gì với chúng ta qua hai dụ ngôn này? Và chúng ta sẽ phải áp dụng bài học của hai dụ ngôn này trong cuộc sống của mình như thế nào?
Hạt giống gieo vào ruộng. Người gieo về nhà, có ngủ hay thức, hạt giống vẫn nảy nầm và mọc lên: nảy mầm, mọc lên thế nào, người gieo cũng không hay biết. Hạt cải thật là nhỏ, nhỏ nhất trong các loại hạt. Nhưng khi gieo xuống rồi, nó mọc lên, lớn hơn mọi thứ rau cùng loại, lớn đến nỗi chim trời có thể nương tựa, làm tổ. Đó là nghĩa đen của hai dụ ngôn.
Nhưng dụ ngôn nhắm nghĩa bóng hơn là nghĩa đen. Vậy nghĩa bóng là như thế nào?
Sau khi được Chúa Cha tấn phong trong ngày chịu phép rửa tại sông Giođan. Đức Giêsu đã loan báo Tin mừng, làm phép lạ để minh chứng cho sứ mạng và cho Tin mừng. Vì Nước Thiên Chúa cần được loan báo mọi nơi, mọi lúc và mọi thời. Đức Giêsu chọn các môn đệ, rồi sai các ngài ra đi rao giảng. Chắc các ngài có thành công, nhưng đôi khi cũng đâm ra chán nản: Dân chài lưới vô học mà đòi loan báo Nước Trời ! Mười hai người mà đòi loan báo cho toàn thế giới ! Thấu hiểu tấm lòng vui buồn của các môn đệ, Đức Giêsu mới dùng hai dụ ngôn này cũng như nhiều dụ ngôn khác mà cắt nghĩa, khuyến khích các ngài. Nước Thiên Chúa cũng giống như hạt giống. Lúc đầu, Nước Thiên Chúa có vẻ yếu ớt. Nhưng Thiên Chúa sẽ cho nó phát triển, dầu con người không đóng góp. Nước Thiên Chúa cũng giống như hạt cải. Lúc đầu Nước Thiên Chúa chỉ có mấy mạng, nhưng sẽ phát triển rộng rãi do quyền năng Thiên Chúa, chứ không phải do quyền năng con người. Nói tóm lại, Nước Thiên Chúa sẽ tồn tại, phát triển mạnh mẽ, vì có Thiên Chúa. Nên loài người đừng có lo lắng.
Chúng ta áp dụng dụ ngôn như thế nào trong cuộc sống?
Chúng ta là thành phần của Giáo hội, và do đó có bổn phận loan báo Tin mừng. Vậy công trình loan báo Tin mừng hôm nay đã tới đâu?  Đến cuối năm 2013, dân số trên toàn thế giới khoảng 7, 137 tỷ người. Trong đó, người Kitô khoảng hơn 2 tỷ (Công giáo, Chính thống, Tin lành, Anh giáo).
Người Công giáo trên toàn thế giới đã vượt  quá 1, 253 tỷ,  tăng khoảng 25 triệu hoặc 2%, trong khi tốc độ  gia tăng dân số toàn cầu trong năm 2013 vào khoảng 1%.
Tỷ lệ tín hữu Công giáo vào khoảng 17,7% dân số toàn cầu, tăng nhẹ so với năm trước (17,49%).
Nhìn vào con số này, chúng ta nên buồn hay vui?
Chúng ta buồn vì còn đến hơn 5 tỷ người chưa chia sẻ niềm tin với chúng ta. Thế thì chúng ta, những con người nhỏ bé, chúng ta sẽ phải làm gì? Hơn nữa, Giáo hội phải là Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Nhưng nhìn vào thực tế, Giáo hội bị chia năm xẻ bảy, còn đầy dẫy những khiếm khuyết, chưa phổ quát khắp nơi; và đôi khi còn muốn coi thường điều các Tông đồ truyền lại. Nhìn Giáo hội như vậy, chúng ta dễ ngã lòng như các tông đồ ngày xưa.
Nhưng chúng ta cũng vui. Vui vì Nước Thiên Chúa sẽ phát triển với thời gian. Trong 21 thế kỷ vừa qua, Giáo hội gặp biết bao nhiêu giông bão. Nhưng Giáo hội vẫn tồn tại và còn vững mạnh hơn sau những cơn bão táp đó. Chúng ta vui vì với con số 12 của buổi ban đầu, Giáo hội hôm nay và những người tin vào Đức Giêsu Kitô đã có trên 2 tỷ người. Vui vì Giáo hội ngày càng thấy mình Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền.
Chúng ta buồn, nhưng chúng ta lại vui và vững tin, vì sức mạnh Nước Thiên Chúa là sức mạnh của Tin mừng, chứ không phải là sức mạnh của người phàm. Đức Giêsu đã nói: “Đêm ngày người gieo có ngủ hay thức, hạt giống vẫn nảy mầm, mọc lên” (Mc 4, 27). Hoặc như là ngôn ngữ của Kinh Thánh, dù gì đi nữa, lưới sẽ không bao giờ rách, thuyền sẽ không bào giờ chìm. Giáo hội luôn luôn sẽ là như thế.
Là một đoàn thể mới được hơn 2.000 năm trên gần hai triệu năm lịch sử của loài người, Giáo hội Công giáo phải nói là trẻ, trẻ hơn nhiều so với nhiều tôn giáo khác. Thế thì, tại sao chúng ta phải lo sợ? Hơn nữa, tại sao chúng ta lo sợ, khi mà Đức Giêsu đang ở cùng chúng ta, ở cho đến ngày tận thế? Vấn đề còn lại chỉ là chúng ta sống đức tin như thế nào? Có sáng suốt và dũng cảm hay không? Đó mới là vấn đề !
Câu hỏi gợi ý
A.   Bạn hiểu:
1.    Tại sao Đức Giêsu dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời?
2.    Qua bài Tin mừng này, bạn hiểu gì về hành động của Chúa nơi Hội Thánh và nơi mỗi người chúng ta?
B.   Bạn sống:
1.    Bạn rút ra được những giáo huấn gì về hoạt động của ơn Chúa qua dụ ngôn người gieo hạt giống?
2.    Bạn nhận ra được những giáo huấn gì về hoạt động của ơn Chúa làm phát triển Hội Thánh và đời sống siêu nhiên của mỗi chúng ta?
C.   Bạn chia sẻ:
1.    Bạn hiểu và trình bày thế nào cho người khác hiểu về hoạt động và hiệu quả của ơn Chúa qua bài Tin mừng hôm nay?
2.    Bạn có những nhận thức gì về cách phát triển của hạt giống gieo xuống đất để nhận ra ý nghĩa và cách hoạt động của ơn Chúa nơi Hội Thánh và nơi mỗi người chúng ta?
 
  
II. HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

BÀI 09: LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI

1.  Lao động và những giá trị của lao động

Nói một cách thẳng thắn, điều đầu tiên mà con người nghĩ tới khi mở mắt thức dậy mỗi buổi sáng là việc làm và sau đó, là những thu nhập do việc làm ấy mang lại, từ tiền bạc tới các sản phẩm, các tiện nghi và các lợi thú khác. Mà không phải chỉ những người giật gấu vá vai mới có phản ứng ấy. Mọi người, không trừ ai, kể cả bậc vua chúa và bậc tu hành cũng khó thoát khỏi vòng cương tỏa này.

Thật ra, chính Chúa cũng đồng cảm với con người về điều ấy, hay chính Ngài đã an bài cho con người như thế. Nói một cách hình ảnh theo sách Sáng Thế kể về thuở ban đầu của vũ trụ và con người, vừa khi tạo dựng xong con người, Thiên Chúa đã đặt con người vào vườn địa đàng để canh tác và chăm sóc (x. St 2,15). Như vậy, lao động không phải là hình phạt Thiên Chúa dành cho con người sau khi con người phạm tội. Lao động không  phải chỉ để có cái ăn cái uống, mà còn để làm chủ thiên nhiên và mọi loài vật (x. St 1,28). Lao động đã trở thành phương cách thực hiện ơn gọi cao cả Thiên Chúa dành cho con người : đó là chia sẻ quyền thống trị của Thiên Chúa trên tạo vật. Và nếu làm chủ vạn vật là đặc điểm của Thiên Chúa thì khi cùng với Chúa cai quản thiên nhiên và mọi loài qua lao động, con người trở nên giống Thiên Chúa hơn cả.

Vì những giá trị vừa kể, nên từ thuở hồng hoang mù mịt tới thuở văn minh rực rỡ của nhân loại, lao  động vẫn luôn luôn là bận tâm lớn nhất của con người. Đó là chưa kể: càng tham gia lao động, con người càng cảm thấy mình tiến bộ hơn từ trong hiểu biết đến trong nhân cách.

2.  Lao động và những giới hạn của lao động

Tuy nhiên, những kết quả trông chờ nơi lao động đã sớm biến mất khi con người quên mất giới hạn của lao động. Lao động có đẹp đẽ tới mức nào cũng chỉ là phương tiện, chứ không phải là mục đích. Lao động giúp con người đạt tới mục đích là ngày càng trưởng thành hơn để cùng với Chúa cai quản mọi loài, trong đó có cả bản thân con người, thay vì nô lệ mọi sự. Bằng chứng là dù lao động có đẹp đẽ hay có cần thiết tới mức nào, chính Thiên Chúa, rồi con người, cũng phải “nghỉ ngơi” vào ngày thứ bảy (x. St 2, 3; Đnl 4, 9-10). “Nghỉ ngơi” hay có được tình trạng tự do trọn vẹn để sống hạnh phúc với Chúa và với mọi người, đó mới chính là cái con người nhắm tới và được hướng tới. Mục đích sau cùng ấy được báo trước và được nhắc nhở đều đặn qua ngày nghỉ cuối mỗi tuần.

Lao động còn có giới hạn nữa là dù có giá trị và cần thiết tới mức nào, người ta cũng không thể thi hành lao động cách nào tùy ý. Bài học này cũng được diễn tả một cách hình ảnh trong câu chuyện tổ tiên con người đã đánh mất tất cả những ơn ích của lao động chỉ vì đã lao động không theo yêu cầu của Thiên Chúa hay rõ hơn, chỉ vì đã lao động với lòng tham và ích kỷ của cá nhân. “Cây trái cấm” là hình ảnh ám chỉ giới hạn mà con người không được phép vượt qua mỗi khi lao động. Và “ăn trái cấm” chính là hình ảnh con người tham lam muốn đốt giai đoạn để có được kết quả ngay lập tức thay vì phải kiên nhẫn chờ đợi tới ngày đạt tới tầm vóc của Thiên Chúa, và tham lam muốn tự sức mình đạt tới tầm vóc ấy thay vì phải đón nhận điều đó từ tay Thiên Chúa (x. St 3,6-8). Và hậu quả là chẳng những không có được những kết quả như con người muốn, lao động còn gây ra những hậu quả hết sức tai hại như chia rẽ giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với chính mình, giữa con người với nhau và giữa con người với thụ tạo.

3.  Lao động theo gương Đức Giêsu

Ý thức rằng lao động đã bị lâm nguy bởi lòng tham của con người, nhưng vẫn không quên những giá trị ban đầu của lao động, Đức Giêsu đã không gạt bỏ lao động và không coi đó như số phận của người nô lệ, nhưng cũng không lao động như xưa nay thiên hạ vẫn làm. Đức Giêsu vừa lao động vừa phục hồi và nâng cao các giá trị của lao động. Ngài không lao động miễn cưỡng hay vờ vĩnh. Nhưng Ngài cũng không lao động như một con nghiện lao động. Thế nên, Ngài vừa lao động nghiêm túc để nuôi thân và người khác (ban đầu bằng các nghề thủ công và nông nghiệp, về sau là giảng dạy) vừa làm nhiều điều khác nữa không phải là lao động mưu sinh (phục vụ miễn phí cho mọi người theo nhu cầu của họ – nhất là những người nghèo đói, ốm đau, dốt nát và tội lỗi – hoặc cầu nguyện và chay tịnh). Ngài cũng coi ngày nghỉ truyền thống của người Do Thái không chỉ  như một ngày nghỉ việc lao động mưu sinh, mà còn là ngày được tự do để sống với Thiên Chúa và tha nhân, đồng thời cố gắng giúp người khác cũng được hưởng sự tự do cao quý ấy.

4.  Lao động theo nhận xét và đề nghị của Hội Thánh

Đức Lêô XIII là vị giáo hoàng đầu tiên đề cập một cách chính thức tới việc lao động của con người trong một văn kiện mang tên là “Các Hoàn Cảnh Mới” (‘Rerum Novarum’, ban hành năm 1891). Do hoàn cảnh thay đổi - để sản lượng sản xuất tăng cao, tăng nhanh và tăng đồng bộ hầu thu nhập ngày càng nhiều, người ta phải từ từ lấy máy móc thay cho con người, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa biết bao nhà sản xuất và nhà kinh doanh – lao động của con người ngày càng bị xem nhẹ, nếu không nói là bị bóc lột cách bất công.

Vì thế, Đức Giáo hoàng đã lên tiếng  bênh vực phẩm giá người lao động bằng cách không những đòi hỏi sự đối xử công bằng và tốt đẹp (phải cung cấp lương công bằng và các điều kiện khách quan để lao động), mà còn yêu cầu có nhiều tổ chức nghiệp đoàn thay mặt người lao động đứng ra đàm phán với giới chủ, chứ không vội mở những cuộc đấu tranh đổ máu để nắm quyền hoặc khai trừ nhau. Đến thời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, tình hình kinh tế - xã hội còn thay đổi nhiều hơn nữa. Do công nghệ thông tin và công nghiệp vận chuyển tiến bộ tới mức làm cho mọi quốc gia trở nên gần gũi nhau như trong một ngôi làng hoàn cầu (hiện tượng toàn cầu hóa), do nhu cầu của đời sống ngày càng tăng cả  về số lượng lẫn chất lượng, nên lao động con người phải thay đổi cả về  tầm mức, cơ cấu và hình thức lẫn trong tính chất. Về tầm mức, như lực lượng lao động  cần phải đông đảo tới mức không thể không nhập khẩu lao động từ mọi nước hay kết hợp các lao động với nhau thành một lực lượng khổng lồ tại các tập đoàn sản xuất lớn, lao động luân phiên để khai thác triệt để các máy móc, cũng như để sản xuất hàng hóa nhanh và nhiều tối đa, hoặc cần một lực lượng lao động tinh nhuệ cao tới mức phải trải qua một sự đào tạo hết sức tốn kém. Lao động có thể mang những cơ cấu và hình thức mới như lao động qua mạng thông tin trực tuyến; lao động phân nhỏ thành những đơn vị chuyên trách một bộ phận có thể ở bất cứ nơi nào thuận lợi và không cần biết tới các lao động đang sản xuất các bộ phận khác ; lao động kết hợp với tư bản khổng lồ, đòi hỏi một nguồn tài chính dồi dào, các thiết bị và công nghệ thật tối tân và dĩ nhiên đắt đỏ… Đứng trước bộ mặt khách quan của lao động thay đổi nhanh chóng và sâu xa như thế đòi chúng ta phải thích nghi kịp thời, Đức Gioan-Phaolô II vẫn không quên lưu ý chúng ta rằng bộ mặt chủ quan của lao động hay con người lao động dẫu vậy vẫn không thay đổi nhiều. Vẫn là những con người với những nhu cầu căn bản của đời sống, đang tham gia vào lao động với những nét riêng của lao động con người như lao động trong sự công bằng và liên đới, lao động với phẩm giá chung và những đặc điểm riêng của mỗi giới tính, lao động vừa vì con người và do con người, nhất là luôn luôn lao động không chỉ để thỏa mãn các nhu cầu trước mắt của con người và xã hội, mà chính là để theo đuổi mục tiêu cao cả của mọi người ở khắp mọi nơi trong mọi thời đại – đó là lao động để trở nên người nhiều hơn, để trở nên con Thiên Chúa nhiều hơn. Hai bộ mặt hay hai yếu tố căn bản này của lao động đã được ngài giải thích trong tông huấn “Làm Lao Động.” Trong hai bộ mặt hay hai yếu tố, phải luôn ưu tiên bộ mặt thứ nhất hay yếu tố thứ nhất, tức là yếu tố con người.

5.  Quyền lợi và bổn phận liên quan tới lao động

5.1. Quyền lao động và bổn phận lao động: Lao động đã có những giá trị cao cả như thế, nên lao động phải là một trong những quyền lợi và bổn phận trước tiên của con người. Một người có đủ tư cách, khả năng, điều kiện và nhu cầu, không thể bị cản trở không được lao động, nhân danh bất cứ điều gì (chủng tộc, tôn giáo, chính trị, xã hội, kinh tế, tính tình…), cũng như không được miễn lao động, trừ phi không có công ăn việc làm tại chỗ. Dĩ nhiên, mỗi khi nói tới lao động là phải hiểu đó là lao động nghiêm túc hay lao động có trách nhiệm, chứ không phải lao động bất kỳ nào. Nếu mỗi người có quyền lợi và bổn phận lao động thì Nhà Nước (với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội và các cá nhân) có bổn phận tạo công ăn việc làm cho con người, dù không phải lúc nào cũng vừa ý và vừa với khả năng của hết mọi người. Nếu chưa cung cấp đủ việc làm, cũng chính Nhà Nước phải bù đắp lại bằng trợ cấp thất nghiệp.

5.2. Quyền đào tạo để lao động và bổn phận đào tạo để lao động: Muốn lao động hữu ích cho con người và xã hội, con người có quyền được đào tạo để lao động hữu hiệu, qua các trường lớp, sách báo…, và ngược lại Nhà Nước (với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội và các cá nhân) có bổn phận phải tạo điều kiện đào tạo ấy cho những người trong tuổi lao động. Một khi đã có những điều kiện ấy, mỗi người có bổn phận lao động cũng có bổn phận đào tạo mình để tham gia lao động.

5.3. Quyền nhận lương công bằng và các bảo đảm an sinh xã hội: Sự hữu ích hay kết quả của lao động được đánh giá chủ yếu qua lương bổng người lao động nhận được. Dĩ nhiên, đó phải là lương công bằng, nghĩa là không chỉ bù đắp cách tương xứng những mất mát (thời gian, sức khỏe, tài năng…) của người lao động, mà còn giúp người ấy sống được trong xã hội của người ấy (một người độc thân sống được trong thành phố hay trong làng quê của mình; một người có gia đình sống được với gia đình gồm những người con còn phải lệ thuộc mình và chưa tự lập được, tại thành phố hay thôn quê). Nói một cách chuyên môn, lương ấy vừa hợp đức công bằng giao hoán vừa đáp ứng đức công bằng xã hội. Bên cạnh lương công bằng ấy, còn có những trợ cấp bảo đảm sự an sinh của người lao động, một mình hay với những người chưa đủ khả năng tự lập trong gia đình mình, như bảo hiểm sức khỏe và tai nạn trong lao động, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm khi về hưu…

5.4. Quyền thành lập và tham gia các công đoàn: Để bảo vệ quyền lao động và những quyền khác đi đôi với lao động, người lao động còn có quyền tổ chức hoặc tham gia những hội lao động. Những hội này, tuy mang tính tự nguyện, đều được Nhà Nước công nhận và bảo vệ như một tổ chức độc lập chuyên bênh vực người lao động trong những gì liên quan đến quyền lợi lao động và kinh tế.

5.5. Quyền tổ chức và tham gia đình công: Cũng để bảo vệ quyền lao động và những quyền khác đi đôi với lao động, người lao động cũng có quyền tổ chức và tham gia đình công như biện pháp cuối cùng để bảo vệ quyền lợi kinh tế và lao động của mình.

5.6. Quyền được tham gia việc quản trị và tổ chức  lao động: Cũng để giúp lao động có hiệu quả hơn, người lao động có quyền được tham gia việc quản trị và tổ chức lao  động thế nào để vừa có lợi cho phía đầu tư vừa không làm thiệt hại cho người lao động. Hiện nay, các tổ chức kinh tế được khuyến khích bán các cổ phần trong số vốn của tổ chức cho chính các người lao động của mình, để tăng sự tham gia của họ vào việc quản trị số vốn, tùy theo mức cổ phần của họ. Bằng cách đó, các người lao động sẽ làm việc tích cực hơn.

Tất cả các quyền này đều phải được điều chỉnh lại tùy theo mức giúp ích hay làm thiệt hại cho các quyền lợi cao hơn của đất nước, khi thực thi các quyền của người lao động. Không thể vì phục vụ các quyền của người lao động mà làm hại nặng nề tới công ích của cả xã hội. Đó cũng là một cách thi hành sự công bằng xã hội.

6.  Lý tưởng vẫn luôn ở phía trước

Trong thực tế, không phải chỉ trước đây hay hiện nay, mà cả trong tương lai, các quyền lợi và bổn phận vừa kể liên quan đến lao động sẽ không bao giờ được thi hành một cách tuyệt hảo, không thể chê vào đâu được. Lý tưởng của lao động sẽ luôn luôn còn ở phía trước. Chính vì thế, chúng ta sẽ không thể chỉ thi hành đức công bằng trong các quan hệ lao động, mà còn phải thể hiện đức bác ái hay sự liên đới nữa, trong đó phải giả thiết có sự hy sinh và từ bỏ các quyền lợi của mình. Chính tình yêu tha nhân sẽ thúc đẩy chúng ta nhận ra những đòi hỏi của đức công bằng và nâng đỡ chúng ta vượt xa hơn đức công bằng nữa. Bằng không, nếu chỉ đòi hỏi công bằng cách sít sao, chúng ta có thể chỉ thấy bất công thôi.

Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành

CÂU HỎI GIÚP HIỂU BÀI

1.  Kitô Giáo suy tôn tối đa hay khinh rẻ tới cùng lao động của con người? Thử lấy một vài chi tiết trong thuật trình sách Sáng Thế về việc tạo dựng loài người để dẫn chứng.
2.  Theo bạn, tại địa phương của mình, quyền nào và bổn phận nào liên quan tới lao động đang bị lạm dụng nhiều nhất ? làm thế nào để quyền ấy và bổn phận ấy được thi hành đúng đắn?


 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
​Ngày 24/4/2024, ông Chuck Robbins, giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông kỹ thuật số đa quốc gia Cisco, một tập đoàn có trụ sở tại Mỹ và chuyên cung cấp thiết bị mạng, đã gặp Đức Thánh Cha và đã ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo của Vatican, một tài liệu được Hàn lâm viện Tòa Thánh công bố lần đầu tiên vào tháng 2/2020.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log