Thứ sáu, 25/04/2025
Giáo phậnGiáo hạt giáo xứHẠT TÂY NAM PHÚ THỌXỨ THANH UYÊN › Họ GIÁO HỌ ĐỨC PHONG
Số giáo dân:200
Bổn mạng: Thánh Giuse (19/03) - ngày kính 19/03
Địa chỉ: Xã Đức Phong, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
LƯỢC SỬ GIÁO HỌ ĐỨC PHONG
 
LỜI DẪN
Người dân Đức Phong có Đức tin Công giáo chính xác từ khi nào thì vẫn chưa có tài liệu nào lưu lại, nhưng theo một số cha truyền lại là người dân Đức Phong đón nhận tin mừng từ năm 1647 (thuộc thế kỷ 17). Như vậy họ đạo Đức Phong đã có từ cách đây hơn 300 năm, minh chứng là Vườn Thánh cổ dấu tích còn lại có diện tích khoảng 1,5 ha phủ kín mộ phần. Nơi đây cũng là nơi chôn cất thi hài của cha Giuse Nguyễn Văn Nghi (năm 1938) - Người chính gốc làng Đức Phong, cũng tại nơi đây là nơi chôn cất thi hài cha Phêrô Lê Văn Hiển ở họ Bình Phú xứ Yên Tập (năm 1941), cùng thi hài của hàng trăm người kitô hữu của Đức Phong đã về với Chúa.
          Vào năm 1882, giáo xứ Đức Phong được thành lập dưới thời Đức cha Phước, Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài sau khi được tách ra từ giáo xứ Bầu Nọ (ngày nay là giáo xứ Nỗ Lực). Lược sử của giáo xứ Hoàng Xá, Phù Lao, Hiền Quan và Lương Sơn đều ghi họ trước đó đều thuộc giáo xứ Đức Phong và được tách ra từ năm 1895, 1897. Có thể nói, bề dày lịch sử của giáo xứ Đức Phong vào hàng kỳ cựu của địa phận Tây Đàng Ngoài (nay là giáo phận Hưng Hóa). Nhưng do biến động lịch sử, Giáo xứ Đức Phong xưa có tới trên 1000 nhân danh, nay chỉ còn là một giáo họ nhỏ với hơn hai trăm nhân danh.
Trước năm 1949, giáo xứ Đức Phong đã ghi nhận nhiều đấng coi sóc, như:
1. Cha Phê-rô Thảo, quê Đồng Chuối, Hà Nam. Xây nhà thờ Đức Phong năm 1910, sau vào Đồn Vàng, mất 10/10/1940;
2. Cha Phê-rô Thanh, quê Chàng Sơn, coi sóc từ 1913 – 1920;
3. Cha Phê-rô Minh, quê Thạch Bích, coi sóc từ năm 1921 – 1931. Ngài qua đời và an táng tại Nhà thờ Trại Sơn;
4. Cha Phao-lô Hiển, quê Bình Phú, qua đời 1941;
5. Cha Au-gus-ti-nô Vinh, quê Dư Ba, qua đời 1943;
6. Cha Phê-rô Năng, quê Nỗ Lực, coi sóc từ năm 1946 – 1947, Ngài qua đời 1968.
Với bề dày lịch sử, Giáo xứ Đức Phong xưa đã là nơi sản sinh nhiều Cha, gồm:  
1. Cha Giu-se Hoàng Kim Đài, thụ phong 1921, qua đời 16/8/1931;
2. Cha Phan-xi-cô Đỗ Minh Đức, thụ phong 1937, qua đời 01/9/1968;
3. Cha Giu-se Nguyễn Văn Nghi, thụ phong 1937, qua đời 15/6/1938;
4. Cha Giu-se Nguyễn Hữu Lực, thụ phong 1937, qua đời 08/4/1992;
5. Cha Giu-se Đỗ Đức Hân (Hương Nộn, đi Nam), qua đời 25/9/1975;
6. Cha Gia-cô-bê Trần Tự Lập, thụ phong 1937, qua đời 02/5/1978.
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ CÔNG GIÁO
Giáo họ Đức Phong nay thuộc Giáo xứ Thanh Uyên, địa danh hành chính nằm trong khu 18 xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, Tỉnh Phú Thọ. Tính đến cuối năm 2024, giáo họ có 205 nhân danh, phần lớn thuộc khu 18 và rải rác ở các khu: 2, 3, 19, 22 và khu 23 xã Vạn Xuân, số ít thuộc xã Hương Nộn.
Tuy giáo họ mới được khôi phục lại và số nhân danh còn ít, nhưng dưới sự coi sóc của các Cha cùng với sự hướng dẫn của các Xơ, bà con giáo dân cũng đã tham gia vào một số Hội - Đoàn như: Hội Mân côi (), Hiệp hội Mến Thánh Giá tại thế (), Ca đoàn ().
 
II. CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TỪ KHI GIÁO XỨ ĐỨC PHONG ĐƯỢC                THÀNH LẬP CHO ĐẾN NAY (1882 - 2025)
 
  1. Giai đoạn thứ nhất (1882 - 1949):
Giáo xứ Đức Phong thuộc làng cổ Đức Phong xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Giáo xứ trước đây gồm các họ đạo: Đức Phong, Cổ Tiết làng, Cổ Tiết bãi, Hương Nộn, Trại phong, Hùng Đô và các phiên trực thuộc. Với tổng nhân danh có lúc tới hơn 1000 người tính từ sau khi đã chia tách ra từ giáo xứ Bầu Nọ năm 1882. Đến năm 1883 nạn giặc Cờ đen cờ vàng tràn qua, cơ sở vật chất bị giặc đốt phá sạch, cha xứ bị giết hại, giáo dân chạy loạn. Đến năm 1886 giáo dân trở về xây dựng lại cơ sở vật chất. Năm 1895, các phiên như Hoàng Xá, Phù Lao, Lương Sơn, Đồn Vàng tách ra từ giáo xứ Đức Phong thành các giáo xứ riêng; năm 1897 thì Hiền Quan cũng được tách ra từ xứ Đức Phong và được chuyển về Hà Thạch. Năm 1910, dưới sự chủ chăn của cha Phê-rô Thảo, Nhà thờ Đức Phong được xây gạch, lợp ngói khang trang với 7 gian và 1 tháp chuông tọa lạc tại vị trí đẹp, bên cạnh là Đền Thánh Giu-se - quan thầy giáo họ và 1 Vườn Thánh rộng khoảng 1,5 ha nơi an nghỉ một số cha, thầy và hàng trăm giáo dân giai đoạn đó. Với khoảng 300 năm có đức tin, Đức Phong đã là một giáo xứ lớn có tiếng cả về quy mô và sự đạo đức. Đó là thời kỳ Hoàng kim của giáo xứ Đức Phong, nhưng cũng là thời quá vãng vì chưa biết đến bao giờ mới tìm lại được.

2. Giai đoạn thứ hai (1949 - 1995):
Ngay sau Lễ Phục Sinh năm 1949, quân đội Pháp tấn công lên khu vực                 Tam Nông, xứ Đức Phong trở thành nơi giao tranh nên người dân ở đây đã sơ tán về khu vực Ba Vì và Sơn Tây lánh nạn. Toàn bộ làng Đức Phong cổ trở thành vùng                     “vườn không, nhà trống” và từ đó bắt đầu thời kỳ suy tàn của giáo xứ Đức Phong. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, đa số người Công giáo Đức Phong di cư vào Nam, chỉ còn lại vài gia đình trở về. Nhưng do bối cảnh xã hội lúc đó cũng như làng cổ Đức Phong bỏ hoang nên Nhà thờ hợp thức đất không được mà vẫn phải ở nhờ trên chính mảnh đất mình bỏ tiền ra mua, còn mảnh đất ông cha để lại thì không dùng được vì nơi đó không dân sinh sống, không đường giao thông. Thời gian cứ trôi đi, người dân làng cổ Đức Phong đã chuyển ra làng ngoài (làng Đức Phong bây giờ), các công trình tại làng cổ (như: Nhà thờ, đền Thánh cả Giuse,…) vẫn bị bỏ hoang, bị hư hại theo thời gian và được chính quyền tháo dỡ sau năm 1980. Từ đó giáo xứ Đức Phong chỉ tồn tại trong Kỷ yếu của Giáo Hội và trong hoài niệm của bà con giáo dân mà thôi.
Từ những năm 1960, bà con giáo dân đã sinh hoạt trở lại nhưng vẫn ở dạng sơ khai, non yếu. Sau đó được duy trì ở mức độ mấy chục nhân danh và được lãnh đạo bởi 1 ông trùm mà chưa có BHG.
Trong khoảng gần 50 năm của giai đoạn này (1949-1995), những người dân công giáo Đức Phong còn giữ được đức tin, họ chỉ âm thầm cầu nguyện, còn muốn dự Thánh lễ thì họ phải đi lên Hiền Quan, hoặc đến Nỗ Lực, hoặc sang Hoàng Xá, bởi giai đoạn này Đức Phong không còn nhà thờ, không có nhà nguyện, không người chủ chăn.
 
3. Giai đoạn thứ ba (1995 - 2025):
Năm 1995, dưới dự chủ chăn của cha Giuse Phùng Văn Tôn, giáo họ              Đức Phong được tái lập. Khi đó giáo họ mới có Ban hành giáo nhưng hoạt động còn ở dạng đơn giản. Đến năm 2004, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương ban hành Quy chế Hội đồng giáo xứ thì Ban hành giáo giáo họ Đức Phong mới được kiện toàn và đi vào hoạt động một cách chính quy và trực thuộc giáo xứ Hiền Quan; tới năm 2011 thuộc giáo xứ Thanh Uyên. Từ khi giáo họ Đức Phong được tái lập đến nay, giáo họ đã có tới 8 khóa Ban hành giáo dưới sự lãnh đạo của các ông Trùm: Giuse Nguyễn Tiến Trường (2 khóa, từ năm 1995-2003), Giuse Lê Ngọc Chiến (3 khóa, từ năm 2003-2015), Giuse Nguyễn Văn Trường (2 khóa, từ năm 2015-2023), Giuse Lý Quang Hùng (từ năm 2023 đến nay).
30 năm qua, theo sự linh hướng của các cha: Giuse Nguyễn Văn Đông, Giuse Phùng Văn Tôn, Phanxicô Xaviê Đỗ Đình Đạt, Giuse Nguyễn Văn Đỉnh, Giuse Nguyễn Trường Thịnh, Giuse Kiều Trí Sơn, Giuse Nguyễn Văn Mạnh, Giuse Dương Quốc Chí, Gioan Kiều Văn Phú, Giuse Nguyễn Tâm Thoan, giáo họ Đức Phong đã được hồi sinh và có một sức sống mới, chuyển mình sang trang sử mới với đầy hứa hẹn vào một tương lai tươi sáng.
 
Về cơ sở vật chất:
Như đã nói ở trên, Ngôi Thánh đường của làng cổ Đức Phong được xây từ năm 1910 cùng với Đền Thánh Giuse và đủ các công trình phụ trợ khác đã bị tàn phá do chiến tranh, giáo xứ Đức Phong bị xóa sổ. Sau năm 1980, chính quyền địa phương cho tháo dỡ nốt phần còn lại của ngôi Thánh đường, phần đất đai được giao cho các hộ gia đình trồng cây, nền nhà thờ bỏ hoang cho tới năm 2015 khi đường Hồ Chí Minh chạy qua giữa nền nhà thờ cổ thì coi như không còn gì nữa. Duy chỉ còn Vườn Thánh cổ có diện tích khoảng 1,5 ha thì còn lại, đó là nơi linh thiêng không ai dám xâm phạm (nay Vườn Thánh cổ đã được giáo họ cải tạo và coi sóc).
Sau khi được tái lập, giáo họ Đức Phong phải sinh hoạt nhờ nhà tư. Mãi tới năm 1997, dưới sự linh hướng của cha Phê rô Phùng Văn Tôn - quản xứ Nỗ Lực, quản nhiệm giáo xứ Hiền Quan lúc đó cộng với sự quyên góp của bà con gốc Đức Phong định cư tại Miền Nam, giáo họ đã mua được miếng đất để đổi cho gia đình ông Nguyễn Tiến Trường đương nhiệm trưởng ban hành giáo lúc bấy giờ lấy mảnh đất hơn 700m2 và căn nhà gạch đất 3 gian làm nơi thờ tự và sinh hoạt. Sau đó, cha Phêrô Phùng Văn Tôn cho tiền mua thêm mảnh đất hơn 700m2 liền kề, nhưng vướng cơ chế lúc bấy giờ nên chưa hợp thức được.
Từ năm 2009 họ giáo liên tục gửi đơn xin hợp thức đất nhưng mãi đến năm 2019 nguyện vọng của bà con Họ giáo mới được cứu xét, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định về chủ trương cấp đất cho giáo họ Đức Phong. Đất đã được đo đạc, lên bản đồ, tuy vậy đến tháng 4 năm 2022 giáo họ mới nhận được Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, thế là kết thúc mười mấy năm chờ đợi. Lúc này giáo họ tập trung vào hai việc: một là lo thủ tục xin chính quyền cấp phép xây dựng Nhà thờ, một mặt lo kinh phí xây dựng Nhà thờ.
Được Chúa thương đến, với sự linh hướng trực tiếp của cha cố Giuse          Phùng Văn Tôn cùng với cha xứ Giuse Dương Quốc Chícha phó đặc trách Giuse Nguyễn Tâm Thoan, bà con giáo dân đồng lòng đóng góp nhân danh nhằm tích góp kinh phí xây dựng Nhà thờ ngay từ khi giáo họ nhận được Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Ngày 04/4/2023, UBND huyện Tam Nông đã cấp giấy phép cho Ban hành giáo giáo họ Đức Phong xây dựng nhà thờ và nhà giáo lý.  Ngày 11/5/2023, công trình được động thổ. Tạ ơn Chúa, được sự chấp thuận của bề trên Giáo phận, ngày 05/7/2023, giáo họ Đức Phong chính thức tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà thờ.
Do giáo dân ít, nên gần 3 năm trước Lễ khởi công, nguồn kinh phí của giáo họ tích góp mới chỉ có được một phần, nhưng với sự linh hướng của các Cha đương nhiệm, đặc biệt là sự linh hướng và sự lăn lộn ngày đêm suốt thời gian qua của cha phó đặc trách Giuse Nguyễn Tâm Thoan cùng với Ban hành giáo (khóa 2023-2027) và Ban xây dựng cùng toàn thể bà con giáo họ, nên chỉ sau hơn một năm kể từ ngày tổ chức Lễ khởi công, nhà thờ Đức Phong và nhà phòng đã được xây dựng cơ bản hoàn thành với tổng kinh phí lên tới 5.015.198.000đ, trong đó kinh phí chi xây dựng nhà thờ hết 3.846.484.000đ, kinh phí chi xây dựng nhà phòng hết 1.168.714.000đ. Trong tổng kinh phí xây dựng nhà thờ có 2.758.547.000đ chi bằng tiền mặt từ nguồn giáo dân trong giáo họ đóng góp cùng với một số Cha hỗ trợ và nhiều bà con giáo dân ngoài giáo họ, cả những người con xa quê (từ miền Nam, từ nước Mỹ,…) cùng với nhiều người ở tôn giáo bạn trên địa bàn xã Vạn Xuân có tâm ủng hộ; có một số vật liệu dân họ tự nguyện dâng và ban xây dựng xin thêm, trị giá 302.000.000đ; phần mua sắm nội thất, chi hết 340.000.000đ, kinh phí này do một số bà con dân họ dâng và từ sự ủng hộ bằng tiền mặt của một số bà con ngoài giáo họ; cùng với 814 công của nhiều lượt bà con giáo họ tham gia lao động trực tiếp, (quy ra tiền mặt, lên tới 244.200.000đ). Tính đến thời điểm này, tổng công trình xây dựng nhà thờ Đức Phong và nhà phòng còn nợ 661.026.000đ tiền vật liệu. Đến thời điểm hiện tại, nhà phòng phần sơn tường chưa hoàn thiện, cửa ra vào chưa có và nội thất mua sắm chưa đủ; cổng và tường bao khuôn viên nhà thờ chưa làm được. Những hạng mục này sẽ được tiếp tục thi công trong thời gian tới.
LỜI KẾT
Qua những phần dẫn giải trên, cho thấy: Giáo họ Đức Phong xưa kia đã từng là một giáo xứ lớn và có một bề dày lịch sử, đã từng có một thời hoàng kim. Nhưng do chiến tranh, giáo xứ Đức Phong không còn là một giáo xứ như ngày xưa nữa, đó là thời kỳ khó khăn chồng chất khó khăn, đó là thời kỳ đầy gian nan của bà con giáo dân Đức Phong, đó là thời kỳ suy tàn của giáo xứ Đức Phong. Thời kỳ này, số ít người kitô hữu còn bám trụ tại quê hương sau chiến tranh đã kiên trì giữ vững đức tin và nhân bản để dần tái lập lại giáo họ. Quy luật của vạn vật vần xoay nó theo chu kỳ: "thịnh, suy, bĩ, thái" và người xưa có câu: "khổ tận đến ngày cam lai", giờ đây, Tạ ơn Chúa và nhờ ơn linh hướng của các Cha, giáo họ Đức Phong đã được hồi sinh, đã có được ngôi Thánh đường khá đàng hoàng, tọa lạc tại chính giữa khu dân cư 18 của xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Bà con giáo dân giáo họ Đức Phong hy vọng, dưới sự linh hướng của các Cha, trong tương lai không xa, giáo xứ Đức Phong hào hùng xưa kia sẽ được khôi phục lại. Dẫu thế nào đi nữa, hôm qua - hôm nay - ngày mai, chúng ta vẫn sẽ đồng lòng TẠ ƠN CHÚA!
Đức Phong, tháng 3 năm 2025
Chỉ đạo nội dung: Lm. Giuse Nguyễn Tâm Thoan
Phụ trách điều tra thông tin: Giuse Lê Ngọc Chiến (nguyên trưởng Ban hành giáo giáo họ Đức Phong, nguyên Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Thanh Uyên)
Người tổng hợp và chắp bút: Phêrô Dương Quang Lưu
Kiểm duyệt bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Đỉnh
 




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo Xứ Sapa Hân Hoan Đón Cha Giuse Đỗ Đình Tôn - Tân Chính Xứ Sapa Và Quản Hạt Lào Cai – Lai Châu
Giáo Xứ Sapa Hân Hoan Đón Cha Giuse Đỗ Đình Tôn - Tân Chính Xứ Sapa Và Quản Hạt Lào Cai – Lai Châu
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, vào lúc 09g00 sáng thứ tư ngày 24 tháng 04 năm 2025, cộng đoàn Giáo xứ Sapa đã long trọng cử hành Thánh lễ nhận xứ của Cha Giuse Đỗ Đình Tôn – Tân Chính xứ Giáo xứ Sapa, đồng thời chính thức nhận sứ vụ Quản hạt Lào Cai – Lai Châu theo quyết định bổ nhiệm của Đức Cha Giáo phận.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log