Thứ hai, 09/09/2024

Gọi thầm hai tiếng “Mình ơi!”

Cập nhật lúc 09:55 10/04/2014
  - Sếp mình đẹp trai, hào hoa, lịch lãm như vậy, chắc bà xã cũng phải thuộc diện… “có danh có mục”.
  - Chắc vậy! vì phòng mình có đủ cả “phở” Hà Nội, “bún bò” Huế và đặc biệt là món “thắng cố” Hà Giang, nhưng chẳng bao giờ thấy sếp “cải thiện” một bữa thay “cơm” bao giờ.
  - Chẳng bù cho mấy ông ở phòng mình, cứ mắt la mày liếng, chỉ chờ xem có em nào nhờ chỉnh giúp cái máy tính bị trục trặc, hoặc xem dùm bản báo cáo như thế này đã ổn chưa… là vội vã xô ghế đến bên cạnh, vừa chỉ trỏ “chỗ ni chỗ tê”, vừa tranh thủ giở mấy miếng võ “du kích” miệng cười giả lả: “cho đỡ mỏi gân cốt…”
   Cuộc tán gẫu đang hồi li kì, rôm rả, bỗng hạ màn khi “sếp” bước vào, anh vui vẻ thông báo: Phòng mình vượt mức kế hoạch 6 tháng đầu năm, được công ty thưởng cho nghỉ một tuần, nhân dịp này tớ mời tất cả mọi người phòng mình về quê tớ, quê tớ đẹp lắm. Cả phòng gật đầu vui vẻ, cánh mày râu thì muốn về quê đổi gió, phái đẹp thì muốn diện kiến “sếp bà” cho thỏa chí tò mò.
  Anh sinh ra và lớn lên nơi miền quê thuần nông, mái tranh nghèo luôn đầy ắp những câu hát ru của mẹ: “Có cánh cò tần tảo, có cô tấm thảo hiền…”, nhẹ nhàng đưa anh vào giấc ngủ êm đềm. Quê anh với tháp chuông nhà thờ cao vút vượt lên trên lũy tre xanh, luôn là niềm tự hào trong anh về một công trình tôn giáo uy nghi và bề thế. Dù nhà nghèo nhưng bố mẹ vẫn cố gắng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng quản trị kinh doanh, nhưng tiền chẳng có, ô dù thì không, mấy năm liền long đong không xin được việc, anh xin phép bố mẹ cho đi học nghề sửa chữa ôtô, xe máy. Sau một thời gian miệt mài học hỏi, cộng với ý chí quyết tâm, anh đã khởi nghiệp nghề với một quán nhỏ nơi ngã ba giáp đường quốc lộ, chỉ cách nhà mấy trăm mét. Với bản chất thật thà, chăm chỉ, luôn hết lòng với khách hàng, nên quán của anh ngày càng đông khách, từ một quán nhỏ sơ sài, lụp sụp, mấy năm sau đã trở thành một cửa hàng rộng rãi với đầy đủ linh kiện. Bố mẹ ngày một già yếu, mong anh sớm yên bề gia thất, để ông bà có cháu ẵm bồng cho vui cửa vui nhà. Hoa chanh nở giữa vườn chanh, vâng lời bố mẹ anh kết hôn với cô bạn hàng xóm. Chị là người đôn hậu, chân chất, yêu chồng thương con, thảo kính bố mẹ, anh chị gọi nhau là… “mình”. Đôi lúc họp mặt cùng bạn bè, anh thường vui vẻ: “Nhà tớ” chẳng ngan ngát như hương ly, kiêu sa như hoa hồng, rực rỡ như cúc vàng, mà cứ thoang thoảng như hương cau đêm hè, dịu dàng như màu tím hoa sim, chẳng thay sắc đổi màu dù mưa nắng khắc nghiệt, loài hoa dại mộc mạc chỉ có ở thôn quê, chẳng sao tìm thấy nơi thành đô ồn ào, xa hoa và tráng lệ. Anh nháy mắt điệu nghệ: vợ chồng tớ gọi nhau là mình, vì chính mình là ta, là thân thể, là máu thịt của ta và cũng là của… “mình”.
    Cuộc sống cứ êm ả trôi đi nơi làng quê yên tĩnh như vậy, nếu không có một buổi chiều cách đây đã bốn năm. Khi hoàng hôn đang đánh đu trên những ngọn tre cong vút như gọng vó, làng quê mờ ảo qua làn khói lam, anh đang thu dọn đồ nghề, chuẩn bị đóng cửa hàng để về ăn cơm tối với gia đình, thì một chiếc xe mercedes được mấy người đi đường tốt bụng đẩy giúp tới. Chủ xe là một người đàn ông đứng tuổi, khuôn mặt phúc hậu, mái tóc đã muối tiêu, đi cùng một cậu thanh niên, chắc là lái xe. Sau khi đã cảm ơn những người đẩy xe giúp, ông quay sang anh phân trần: xe đang chạy thì đột nhiên rung lên rồi tắt ngủm, mong anh sửa dùm để tôi kịp vè Hà Nội, sáng mai có cuộc họp quan trọng. Anh xem qua rồi bảo khách: theo kinh nghiệm của cháu thì thời gian sửa khá lâu, làng quê không có quán cơm hay nhà hàng, vậy mời bác cùng bạn về nhà cháu dùng cơm và nghỉ ngơi, cháu ở lại đây sẽ cố gắng sửa xe, bác cứ an tâm. Rồi anh gọi điện báo cho bố mẹ và bảo vợ sửa soạn chỗ nghỉ, cơm nước cho khách, chỉ một lát sau chị đã đến cửa hàng đón khách về nhà. Ông khách là tổng giám đốc một công ty có tiếng ở thủ đô, hàng ngày tiếp đãi đối tác với những bữa tiệc thịnh soạn tại các khách sạn cao cấp, nay khoanh chân ngồi trên chiếu bên mâm cơm thanh đạm, có cá kho mục và đĩa rau muống tươi non, bên cạnh bát cà pháo trắng ngà, cùng tô nước luộc rau vắt chanh xanh như ngọc thạch, ông ăn thấy ngon lạ lùng. Hai cô bé, cô chị lên sáu, cô em mới bốn tuổi, bưng bát cơm ăn thật ngoan, tuổi này ở thành phố, bố mẹ chúng vẫn phải nựng và dỗ dành, để chúng uống từng ly sữa, ăn từng thìa cháo. Sau bữa cơm, ông ngồi nói chuyện với bố mẹ anh, qua đó ông biết anh đã tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh. Lát sau bố anh khéo léo và tế nhị: Mời ông và cậu sang nghỉ trên chiếc phản gỗ kê ở gian bên cạnh, gia đình tôi xin phép đọc kinh tối kẻo hai cô “cách cách” nhỏ buồn ngủ. Vừa nghe thấy ông nội nói như vậy, bé chị đã đon đả: Ông ơi! hôm nay bố cháu vắng nhà, vậy ai làm… “chủ sự” ạ? Ông xoa đầu cháu vui vẻ: ông bà mắt đã kém, hai cháu còn nhỏ, vậy là mẹ Na hôm nay được thăng chức rồi, hai bé vỗ tay đôm đốp ra điều thích thú. Sau này khi đã là chỗ thân tình, ông khách tâm sự: Tôi nằm đó, một phần lo lắng chẳng biết xe có sửa được không? Một phần vì tò mò thấy chị Na đọc một bài mà ông nghe gọi là Lời Chúa, trong đó có câu: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em… Điều Thầy truyền dạy anh em, là hãy thương yêu nhau (Ga 15, 12-17). Rồi còn nghe thấy mọi người đọc đi đọc lại, tung hô một bà tên là Maria, cùng với điệp khúc: “… Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày…” Tôi thầm nghĩ: gia đình này thật hạnh phúc, họ không bon chen, cạnh tranh để làm giàu bằng bất cứ thủ đoạn nào, chỉ xin cho lương thực hàng ngày trong yêu thương. Ý nghĩ ấy đã đưa ông vào giấc ngủ thanh thản, đến khi anh đánh thức ông dậy và nói: cháu đã sửa xong xe cho bác rồi, bây giờ mới 4 giờ sáng, hy vọng bác sẽ kịp buổi họp. Ông cùng cậu lái xe rối rít cảm ơn vì nghĩa cử tốt đẹp của gia đình, chị Na trao cho ông túi khế ngọt lấy ở vườn nhà: vợ chồng cháu biếu bác gái, bác đem về đỡ cháu, gọi là chút quà quê ạ!
   Một tháng sau hôm đó, ông giám đốc trở lại và mời anh về làm cho công ty của ông. Anh thưa với bố mẹ: mặc dù công việc của con đang tiến triển tốt, nhưng mười mấy năm bố mẹ nuôi con ăn học, con chưa có dịp đem kiến thức của mình áp dụng vào cuộc sống, xin bố mẹ cho phép. Rồi anh bảo vợ: anh đi làm xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà, mọi việc trong nhà ngoài đồng, chăm sóc bố mẹ và các con, đều một tay mình lo liệu, nhưng anh tin tưởng ở mình, cảm ơn mình nhiều lắm. Năm tháng trôi đi, kiến thức cộng với lòng nhiệt tình, tận tụy trong mọi công việc, anh được cất nhắc lên phó rồi trưởng phòng kinh doanh, ở cương vị nào anh cũng làm tròn trách nhiệm của mình, nên được cấp trên và đồng nghiệp tin tưởng yêu quý.
   … Xế trưa, xe đã về đến quê anh, xa xa ẩn hiện những mái nhà trong lũy tre xanh. Anh chỉ tháp chuông nhà thờ và tự hào nói với mọi người: tháp chuông như ngọn hải đăng dẫn lối đưa tớ về, mỗi khi mỏi mệt, chơi vơi giữa dòng đời xô đẩy, là nơi tớ bấu víu để khỏi bị nhấn chìm giữa bao cám dỗ, cạm bẫy đời thường. Anh trầm giọng: dưới tháp chuông, bên lũy tre xanh, có bố mẹ, các con và nhất là người vợ hiền, luôn là bến đậu bình an, hạnh phúc của tớ. Bất giác anh thầm gọi hai tiếng: “mình ơi”!
Nguyễn Thị Minh Nguyễn Thị Minh
hunghoa.titocovn.net
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Nữ tu Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phỏng vấn Cha Maurice Vidal, chuyên viên Giáo hội học về đề tài liên quan đến buổi đầu của Giáo hội Việt Nam với sự bổ nhiệm hai vị Đại diện Tông tòa tiên khởi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log