Thứ hai, 09/09/2024

Lời chào của ĐTC đến Phái đoàn Các Dân tộc Bản địa ở Québec

Cập nhật lúc 10:20 30/07/2022

CHUYẾN TÔNG DU CANADA

Lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô
gửi đến Phái đoàn Các Dân tộc Bản địa ở Québec
tại Tòa Tổng Giám mục Québec, ngày 29 tháng 7 năm 2022

Anh chị em thân mến,
Tôi xin gửi đến anh chị em lời chào nồng nhiệt và tôi cảm ơn anh chị em đã đến đây từ nhiều nơi khác nhau. Sự rộng lớn của vùng đất này giúp liên tưởng đến chặng đường dài trên hành trình hàn gắn và hòa giải mà chúng ta đang cùng nhau đối diện. Thật vậy, cụm từ đã gần gũi với chúng ta từ hồi tháng Ba, khi các phái đoàn bản địa đến thăm tôi tại Roma, cũng như đã truyền cảm hứng cho chuyến viếng thăm của tôi ở đây giữa anh chị em, là Bước Đi Cùng Nhau – Hiệp Hành.
Tôi đến Canada với tư cách là một người bạn để gặp gỡ anh chị em, để nhìn ngắm, để lắng nghe, để học hỏi và để trân quý cách mà anh chị em – những người dân bản địa của đất nước này – đã và đang sinh sống. Tôi đến trong tư cách một người anh em, để tận mắt khám phá trái thơm và trái đắng do các thành viên của gia đình Công giáo địa phương đã sinh ra trong suốt nhiều năm. Tôi đến trong tinh thần sám hối, để bày tỏ nỗi đau chân thành của tôi trước những sai trái do không ít người Công giáo ủng hộ các chính sách áp bức và bất công liên quan đến anh chị em gây ra. Tôi đến như một người hành hương, bất chấp những hạn chế về sức khỏe thể lý của mình, để thực thi những bước tiến xa hơn với anh chị em và vì anh chị em. Với tất cả những nỗ lực này, tôi mong việc tìm kiếm sự thật có thể tiến triển, để những tiến trình chữa lành và hòa giải có thể tiếp tục, và để hạt giống hy vọng tiếp tục được gieo cho các thế hệ tương lai – những người bản địa cũng như không phải bản địa, những người mong muốn chung sống hòa thuận như anh chị em một nhà.
Bây giờ, vào những giờ phút cuối của cuộc hành hương đậm tình này, tôi muốn nói với anh chị em rằng mặc dù tôi đến với những ước muốn như đã nói, lúc này đây tôi sẽ trở về nhà với thật nhiều hoa trái. Tôi mang trong lòng mình kho tàng vô song của hết thảy các cá nhân và dân tộc đã để lại dấu ấn cho tôi; những khuôn mặt, nụ cười và những lời nhắn nhủ còn mãi trong tôi; những câu chuyện khó quên và những tuyệt tác thiên nhiên; những thanh âm, màu sắc và cảm xúc đã làm tôi vô cùng xúc động. Thực sự, tôi có thể nói rằng, đang khi đến với anh chị em, chính cuộc sống và kinh nghiệm của anh chị em, những người bản địa đang sinh sống thực tế trên những vùng đất này, đã chạm đến tôi, ở lại với tôi và sẽ luôn là một phần trong tôi. Nếu anh chị em cho phép, tôi dám khẳng định rằng lúc này đây, ở một góc độ nào đó, tôi đang cảm thấy mình là một phần của gia đình anh chị em, và tôi rất vinh dự vì điều này. Kỷ niệm của chúng ta về lễ kính Thánh Anna, với các thế hệ khác nhau và rất nhiều gia đình bản địa, sẽ luôn là ấn tượng khó phai trong trái tim tôi. Trong một thế giới với thảm kịch đề cao chủ nghĩa cá nhân, cảm thức chân chính và sâu sắc của anh chị em về gia đình và cộng đồng là điều đáng quý biết bao. Điều thật quan trọng là vun đắp mối quan hệ giữa người trẻ và người cao tuổi. Duy trì một mối quan hệ lành mạnh và hài hòa với mọi loài thụ tạo cũng quan trọng dường nào!
Anh chị em thân mến, tôi muốn trao phó tất cả những gì chúng ta đã trải qua trong những ngày này, và chặng đường phía trước mà chúng ta đang theo đuổi, cho sự quan tâm trìu mến của những con người hiểu rõ nhất cách nâng niu những điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Tôi đang nghĩ đến những người nữ, và đặc biệt là ba người nữ sau đây. Đầu tiên, Thánh Anna, vị thánh nữ mà khi tôi tôn kính, cùng với một dân tộc của Thiên Chúa vốn dĩ vẫn tôn kính người bà trong gia đình, tôi có thể cảm nhận được sự dịu dàng và sự dùm bọc của thánh nhân. Kế đến, tôi nghĩ về Thánh Mẫu của Thiên Chúa: không có thụ tạo nào xứng đáng được gọi là lữ khách hơn Mẹ Maria, vì Mẹ luôn luôn, ngay cả ngày nay, thậm chí vào thời điểm này, là một khách hành hương, rong ruổi trên con đường nối trời với đất, hầu cho chúng ta thấy sự quan tâm săn sóc của Thiên Chúa, và để nắm tay dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ. Cuối cùng, những suy tư và lời cầu nguyện của tôi trong những ngày này tập trung vào một người nữ thứ ba, người mà bằng sự hiện diện lặng lẽ đã đồng hành với chúng ta và hài cốt của người được cất giữ cách đây không xa. Tôi đang nghĩ đến Thánh Kateri Tekakwitha. Chúng ta tôn kính thánh nữ vì cuộc sống thánh thiện của ngài, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng rằng sự thánh thiện của thánh nữ, được đánh dấu bởi mẫu gương sốt mến đối với việc cầu nguyện và dấn thân trong công việc, cũng như khả năng chịu đựng bao thử thách với lòng kiên nhẫn và hiền nhu. Những phẩm chất ấy được dệt nên bởi một số đức tính cao quý cũng như bởi các nhân đức được thừa hưởng từ cộng đồng của thánh nữ và môi trường bản địa nơi thánh nữ lớn lên.
Những người nữ này có thể giúp chúng ta xích lại gần nhau, và bắt đầu tạo nên một sự hòa giải mới vốn có thể duy trì quyền của những người dễ bị tổn thương nhất giữa chúng ta, cũng như giúp chúng ta nhìn vào lịch sử mà không oán giận hay lãng quên. Hai người trong số họ, Đức Mẹ và Thánh Kateri, đã nhận được từ Chúa một kế hoạch cho cuộc sống của các ngài, và không cần hỏi bất kỳ phàm nhân nào, đã can đảm nói tiếng Xin Vâng với kế hoạch của Chúa. Hai người nữ đó đã phải đáp trả một cách quyết liệt trước bất cứ ai phản đối kế hoạch của Thiên Chúa, hoặc chỉ đơn giản là tuân theo các quy tắc của cha ông vào thời đó, cũng như đã phải từ bỏ, mà không định tâm kháng cự trước những ước mơ mà chính Thiên Chúa đã khởi hứng nơi họ. Họ đã chọn không kháng cự, nhưng thay vào đó, với sự nhu mì và quyết tâm, với những lời mang tính ngôn sứ và những cử chỉ dứt khoát, họ đã vạch ra một con đường và chu toàn những gì họ được mời gọi thực thi. Xin các thánh nữ chúc lành cho cuộc hành trình mà chúng ta đang chung bước, và cầu bầu cho chúng ta cũng như cho công cuộc chữa lành và hòa giải vĩ đại vốn làm đẹp lòng Thiên Chúa. Tôi chúc lành cho tất cả anh chị em từ đáy lòng tôi. Và tôi xin anh chị em vui lòng tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

Nguồn: Vatican News 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Nữ tu Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phỏng vấn Cha Maurice Vidal, chuyên viên Giáo hội học về đề tài liên quan đến buổi đầu của Giáo hội Việt Nam với sự bổ nhiệm hai vị Đại diện Tông tòa tiên khởi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log