Thứ hai, 09/09/2024

Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong cử hành Phụng vụ Lời Chúa ở Hồ Thánh Anna

Cập nhật lúc 15:13 28/07/2022

Vào lúc 4 giờ chiều thứ Ba ngày 26/7/2022 giờ Edmonton, tức là 5 giờ sáng ngày 27/7/2022 giờ Việt Nam, Đức Thánh Cha đã hành hương và cử hành Phụng vụ Lời Chúa tại Hồ Thánh Anna, một trong những địa điểm thánh thiêng nhất của các Dân tộc Bản địa ở Bắc Mỹ, nơi từ lâu được biết đến như nơi chữa lành.

TÔNG DU CANADA
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Hành hương Hồ thánh Anna và Phụng vụ Lời Chúa
Hồ Thánh Anna, 26/07/2022

Anh chị em thân mến, âba-wash-did!  Tansi!  Oki! [Chúc một ngày tốt lành!]

Tôi rất vui mừng được có mặt ở đây, một người hành hương với anh chị em và giữa anh chị em. Trong những ngày này, và đặc biệt là hôm nay, tôi đã bị đánh động bởi tiếng trống đồng hành với tôi bất cứ nơi nào tôi đến. Tiếng trống này dường như vang vọng nhịp đập của rất nhiều trái tim: những trái tim, qua nhiều thế kỷ, đã đập gần vùng nước này; trái tim của nhiều người hành hương đã cùng nhau đi bộ để đến “hồ của Chúa”! Ở đây, chúng ta có thể thực sự cảm nhận được nhịp tim hợp ca của một dân tộc hành hương, của nhiều thế hệ lên đường hướng về Chúa để cảm nghiệm việc chữa lành của Người. Biết bao trái tim đã đến đây với niềm khao khát lo lắng, bị đè nặng bởi gánh nặng cuộc sống, và tìm được nơi những dòng nước này niềm an ủi và sức mạnh để tiếp tục! Ở đây, đắm chìm trong thụ tạo, chúng ta cũng có thể cảm nhận được một nhịp đập khác: nhịp tim từ mẫu của trái đất. Cũng giống như trái tim của những đứa trẻ trong bụng mẹ hòa nhịp đập với trái tim của mẹ chúng, cũng thế, để lớn lên như một con người, chúng ta cần phải hòa hợp nhịp sống của chính mình với nhịp sống của thụ tạo, điều đã ban cho chúng ta sự sống. Hôm nay, chúng ta hãy trở về với nguồn gốc của sự sống: với Thiên Chúa, với cha mẹ của chúng ta, và trong ngày lễ này và trong ngôi nhà của Thánh Anna, trở về với ông bà của chúng ta, tất cả những người mà tôi chào với lòng yêu mến.

Được truyền cảm hứng từ những nhịp tim quan trọng này, chúng ta đang ở đây, lặng lẽ chiêm ngưỡng làn nước hồ này. Điều này cũng giúp chúng ta quay trở lại nguồn gốc của đức tin. Thật vậy, về tinh thần, nó cho phép chúng ta đến thăm những nơi thánh: tưởng tượng Chúa Giêsu, Người đã thực hiện phần lớn sứ vụ của mình trên bờ hồ: Biển hồ Galilê. Ở đó, Người đã chọn và gọi các Tông đồ, rao giảng các Mối phúc, dạy nhiều dụ ngôn của mình, thực hiện các dấu hiệu và chữa lành. Hồ đó, trung tâm của “Galilê dân ngoại” (Mt 4,15), dù sao cũng là một vùng ngoại vi, một ngã tư thương mại, nơi hội tụ của nhiều dân tộc, khiến vùng này trở thành một vùng có nhiều tôn giáo và phong tục khác nhau. Về mặt địa lý và văn hóa, nó là nơi xa nhất đối với sự thuần túy tôn giáo tập trung ở Giêrusalem, xung quanh Đền thờ. Vì vậy, chúng ta có thể nghĩ về hồ đó, Biển hồ Galilê, như một nơi có rất nhiều sự đa dạng: ngư dân và người thu thuế, các viên đại đội trưởng và nô lệ, người Pharisêu và người nghèo, những người nam nữ từ nhiều nguồn gốc và hoàn cảnh xã hội khác nhau, tất cả đều đến với nhau bên bờ hồ. Chính tại nơi đó, Chúa Giêsu đã rao giảng về vương quốc của Thiên Chúa: không phải cho một dòng tu được chọn lọc, nhưng cho nhiều dân tộc khác nhau, như ngày nay, đã đổ xô đến từ những nơi khác nhau; trong một nhà hát giữa thiên nhiên như thế này, Người đã thuyết giảng cho mọi người. Thiên Chúa đã chọn bối cảnh đa dạng phong phú đó để loan báo cho thế giới một điều gì đó mang tính cách mạng: “Hãy đưa má bên kia, yêu kẻ thù của mình, sống như anh chị em như con cái của Thiên Chúa Cha, Đấng làm cho mặt trời của Người chiếu sáng trên người lành cũng như kẻ dữ và mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (x. Mt 5,38-48). Do đó, hồ này, với tất cả sự đa dạng của nó, đã trở thành địa điểm của một lời tuyên bố chưa từng có về tình huynh đệ; không phải là một cuộc cách mạng mang lại cái chết và thương tật sau khi nó xảy ra, mà là một cuộc cách mạng của tình yêu. Ở đây, bên bờ hồ này, âm thanh của những chiếc trống, trải dài qua nhiều thế kỷ và hiệp nhất các dân tộc khác nhau, đưa chúng ta trở lại thời điểm đó. Nó nhắc nhở chúng ta rằng tình huynh đệ là đích thực nếu nó liên kết những người xa cách nhau, rằng thông điệp về sự hiệp nhất mà trời cao gửi xuống trần gian không sợ sự khác biệt, nhưng mời gọi chúng ta đến với tình bạn, để bắt đầu lại với nhau, bởi vì tất cả chúng ta đều là những người hành hương trên một hành trình.

Anh chị em thân mến, những người hành hương đến với hồ nước này, lời Chúa có thể giúp chúng ta nhận ra những gì chúng ta có thể rút ra từ đây. Ngôn sứ Êdêkiên nói với chúng ta hai lần rằng nước chảy từ Đền thờ vừa “ban sự sống” vừa “chữa lành” cho dân Chúa (x. Ed 47,8-9).

Nước ban sự sống. Tôi nghĩ đến những người bà thân yêu đang ở đây với chúng ta: trái tim của quý vị là những suối nguồn từ đó dòng nước sống động của đức tin chảy ra, và nhờ nó mà quý vị đã làm dịu cơn khát của con cháu mình. Tôi bị ấn tượng bởi vai trò quan trọng của phụ nữ trong các cộng đồng bản địa: họ chiếm một vị trí nổi bật như là nguồn phúc lành không chỉ về thể lý mà còn về đời sống tinh thần. Khi nghĩ về kokum của quý vị, tôi cũng nhớ đến bà của tôi. Từ bà, lần đầu tiên tôi nhận được sứ điệp đức tin và biết rằng Tin Mừng được truyền đạt thông qua sự quan tâm yêu thương và sự khôn ngoan trong cuộc sống. Đức tin hiếm khi đến từ việc đọc sách một mình trong một góc; ngược lại, nó lan tỏa trong các gia đình, được truyền đi bằng ngôn ngữ của những người mẹ, trong giọng điệu trữ tình ngọt ngào của những người bà. Tôi thấy ấm lòng khi nhìn thấy rất nhiều ông bà và cụ cố ở đây. Tôi cảm ơn quý vị và muốn nói với tất cả những gia đình có người cao tuổi: quý vị đang sở hữu một kho báu! Hãy bảo vệ nguồn sống này trong ngôi nhà của quý vị: hãy chăm sóc nó, như một di sản quý giá cần được yêu thương và trân trọng.

Ngôn sứ cũng nói rằng, bên cạnh việc ban sự sống, nước còn chữa lành. Điều này cũng đưa chúng ta trở lại bờ Biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu đã “chữa khỏi nhiều bệnh cho nhiều người” (Mc 1,34). Khi hoàng hôn buông xuống, “họ mang đến cho Người tất cả những ai bị bệnh” (câu 32). Chiều nay, chúng ta hãy hình dung mình ở quanh hồ với Chúa Giêsu, khi Người đến gần, cúi xuống và với lòng kiên nhẫn, từ bi và dịu dàng, đã chữa lành nhiều người bị bệnh về thể xác hoặc tinh thần: kẻ bị quỷ ám, người bại liệt, người mù và người phong hủi, nhưng cả người với tâm hồn tan vỡ và nản lòng, mất mát và tổn thương. Chúa Giêsu đã đến lúc đó, và bây giờ Người vẫn đến, để chăm sóc chúng ta, cũng như để an ủi và chữa lành cho gia đình nhân loại cô đơn và mệt mỏi của chúng ta. Người cũng mở rộng lời mời gọi tất cả mọi người và cả chúng ta nữa: “Hỡi tất cả những ai mệt mỏi và mang gánh nặng, hãy đến cùng Ta, và Ta sẽ cho các bạn được nghỉ ngơi” (Mt 11,28). Hoặc, như Người nói trong đoạn chúng ta đã nghe chiều nay, “Hãy để những ai khát hãy đến với Ta, và uống” (Ga 7,37-38).

Thưa anh chị em, tất cả chúng ta đều cần sự chữa lành của Chúa Giêsu, thầy thuốc của linh hồn và thể xác. Lạy Chúa, như những người bên bờ Biển hồ Galilê không ngại kêu lên cùng Chúa những nhu cầu của họ, chúng con cũng đến với Chúa vào buổi tối hôm nay, với bất cứ nỗi đau nào chúng con mang trong mình. Chúng con mang đến cho Chúa sự mệt mỏi và những cuộc đấu tranh của chúng con, những vết thương do bạo lực mà các anh chị em bản địa của chúng con phải gánh chịu. Tại nơi diễm phúc này, nơi hòa hợp và hòa bình ngự trị, chúng con dâng lên Chúa những trải nghiệm bất hòa của chúng con, những tác động khủng khiếp của nạn thực dân, nỗi đau không thể xóa nhòa của rất nhiều gia đình, các ông bà và trẻ em. Xin giúp chúng con được chữa lành vết thương của chúng con. Chúng con biết rằng điều này đòi hỏi nỗ lực, sự quan tâm và những hành động cụ thể từ phía chúng con; nhưng chúng con cũng biết rằng chúng con không thể tự mình làm điều này. Chúng con trông cậy vào Chúa và sự cầu bầu của Mẹ Chúa và bà của Chúa.

Vâng, bởi vì những người mẹ và người bà giúp chữa lành vết thương lòng của chúng ta. Vào thời gian đau thương của cuộc chinh phục, Đức Mẹ Guadalupe đã truyền đức tin đích thực cho người dân bản địa, nói ngôn ngữ của họ và mặc quần áo của họ, không bạo lực hay áp đặt. Không lâu sau đó, khi việc in ấn bắt đầu, những cuốn sách ngữ pháp và giáo lý đầu tiên đã được xuất bản bằng các ngôn ngữ bản địa. Những nhà truyền giáo, với tư cách là những người truyền bá Phúc âm đích thực, đã làm biết bao điều tốt lành để bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa bản địa ở nhiều nơi trên thế giới! Ở Canada, sự “hội nhập văn hóa mẫu tử” này đã diễn ra thông qua Thánh Anna, kết hợp vẻ đẹp của truyền thống bản địa và đức tin, đồng thời trang điểm chúng bằng trí tuệ của một người bà, người hai lần làm mẹ. Giáo hội cũng là một người phụ nữ, một người mẹ. Trên thực tế, chưa từng có lần nào trong lịch sử của Giáo hội đức tin không được truyền lại bằng tiếng mẹ đẻ, bởi các người bà và các bà mẹ. Một phần của di sản đau đớn mà chúng ta đang phải đối mặt bắt nguồn từ thực tế là những người bà bản địa đã bị ngăn cản truyền lại đức tin bằng ngôn ngữ và văn hóa của chính họ. Sự mất mát đó chắc chắn là bi thảm, nhưng sự hiện diện của quý vị ở đây là bằng chứng của sự kiên cường và một khởi đầu mới, của cuộc hành hương hướng tới sự chữa lành, của một trái tim rộng mở với Thiên Chúa, Đấng chữa lành cuộc sống của cộng đồng. Tất cả chúng ta, với tư cách là Giáo hội, bây giờ cần được chữa lành: chữa lành khỏi cám dỗ đóng kín co cụm trong chính mình, bảo vệ thể chế hơn là tìm kiếm sự thật, thích quyền lực thế gian hơn phục vụ Tin Mừng. Anh chị em thân mến, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta hãy giúp đỡ nhau trong việc đóng góp sức mình vào việc xây dựng một Giáo hội Mẹ đẹp lòng Chúa: có khả năng ôm ấp từng người con của mình; một Giáo hội mở cửa cho tất cả mọi người và nói với tất cả mọi người; một Giáo hội không chống lại ai, và gặp gỡ tất cả mọi người.

Những đám đông tại Biển hồ Galilê tụ tập quanh Chúa Giêsu đa phần là những người bình thường, đơn sơ, những người mang đến với Người những nhu cầu và nỗi đau của riêng họ. Nếu chúng ta muốn chăm sóc và chữa lành cuộc sống của cộng đồng của mình, chúng ta cần bắt đầu từ những người nghèo và bị thiệt thòi nhất. Thường thì chúng ta để cho mình được hướng dẫn bởi sở thích của một số ít người sống trong điều kiện tốt. Chúng ta cần nhìn nhiều hơn đến các vùng ngoại vi và lắng nghe tiếng khóc của những người anh chị em nhỏ bé nhất của chúng ta. Chúng ta cần học cách lắng nghe nỗi đau của những người, trong những thành phố đông đúc và bị hạ giá nhân phẩm của chúng ta, thường thầm kêu lên: "Xin đừng bỏ rơi chúng tôi!" Đó là lời cầu xin của những người già có nguy cơ chết một mình tại nhà hoặc trong viện dưỡng lão. Của những bệnh nhân, thay vì được yêu thương, được ban cho cái chết. Chính những lời cầu xin bị bóp nghẹt của những người trẻ tuổi bị thẩm vấn nhiều hơn là được lắng nghe, những người giao quyền tự do của mình cho chiếc điện thoại di động, trong khi trên cùng những con đường đó, những người trẻ khác lang thang, lạc lõng, không mục đích, là con mồi của nghiện ngập, những thứ chỉ khiến họ chán nản và thất vọng, không thể tin vào bản thân hoặc yêu thương chính họ như họ là, hoặc đánh giá cao vẻ đẹp của cuộc sống của họ. Xin đừng bỏ rơi chúng tôi! Đó là tiếng kêu của những người muốn một thế giới tốt đẹp hơn nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Trong bài Tin Mừng chiều nay, Chúa Giêsu, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta bằng nước hằng sống của Thánh Linh của Người, cũng yêu cầu điều đó từ chúng ta, từ tâm hồn những người tin vào Người, “những dòng nước sự sống tuôn chảy” (x. c. 38). Tuy nhiên, chúng ta có thể làm dịu cơn khát của anh chị em mình không? Trong khi tiếp tục cầu xin Thiên Chúa an ủi, chúng ta có thể mang lại an ủi cho người khác không? Điều thường xảy ra là chúng ta giải phóng bản thân khỏi nhiều gánh nặng nội tâm, khỏi việc không cảm thấy được yêu thương hoặc được tôn trọng, đơn giản bằng cách bắt đầu yêu thương tha nhân một cách nhưng không. Khi chúng ta cô đơn và bồn chồn, Chúa Giêsu thúc giục chúng ta ra đi, cho đi, yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi phải làm gì cho những người cần tôi? Khi nhìn vào các dân tộc bản địa và nghĩ về lịch sử của họ và những nỗi đau mà họ phải chịu đựng, tôi phải làm gì cho những người dân bản địa? Có phải tôi chỉ lắng nghe với sự tò mò, kinh hoàng bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ, hay tôi làm điều gì đó cụ thể cho họ? Tôi có cầu nguyện, gặp gỡ, đọc, ủng hộ họ và để bản thân được đánh động trước những câu chuyện của họ không? Nhìn vào cuộc sống của chính mình, nếu tôi thấy mình đau khổ, tôi có lắng nghe Chúa Giêsu muốn đưa tôi vượt ra khỏi giới hạn của sự thiếu kiên nhẫn của tôi, Đấng mời gọi tôi làm lại từ đầu, tiến thêm một bước nữa, để yêu thương không? Đôi khi, một cách tốt để giúp đỡ người khác không phải ngay lập tức cho họ những gì họ yêu cầu, mà là đồng hành với họ, mời gọi họ yêu thương và cho đi chính mình. Bằng cách này, thông qua những điều tốt mà họ có thể làm cho người khác, họ sẽ khám phá ra những dòng nước hằng sống của chính họ, và kho báu độc đáo và quý giá mà họ thực sự có.

Anh chị em bản địa thân mến, tôi đến đây với tư cách là một người hành hương cũng để nói với anh chị em rằng anh chị em quý giá như thế nào đối với tôi và đối với Giáo hội. Tôi muốn Giáo Hội gắn bó với anh chị em, được đan kết chặt chẽ như những sợi chỉ của những dải màu mà nhiều người trong anh chị em đeo trên vai. Xin Chúa giúp chúng ta tiến lên trong quá trình chữa lành, hướng tới một tương lai ngày càng lành mạnh và đổi mới. Tôi tin rằng đây cũng là mong muốn của những người ông, người bà của anh chị em. Xin ông bà của Chúa Giêsu, Thánh Gioakim và Anna, phù hộ cho chúng ta trên hành trình của chúng ta.

Nguồn: Vatican News

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Nữ tu Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phỏng vấn Cha Maurice Vidal, chuyên viên Giáo hội học về đề tài liên quan đến buổi đầu của Giáo hội Việt Nam với sự bổ nhiệm hai vị Đại diện Tông tòa tiên khởi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log