Thứ bảy, 20/04/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên B

Cập nhật lúc 09:23 14/07/2021
Suy niệm 1
Anh em hãy nghỉ ngơi một chút
Mc 6, 30 - 34
Nghỉ ngơi
Sau đợt truyền giáo đầu tiên, Tin mừng hôm nay thuật lại: “Các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu”. Họ gặp lại nhau và quây quần bên nhau. Nhưng hầu như họ không có thời gian nghỉ ngơi:  Đúng thế, “vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống”.
Chúng ta nhiều lúc cũng thế, vì mải mê công việc, không có thời gian để thở! Nhân danh bác ái hoặc hiếu khách, nhân danh hoạt động hoặc nhân danh tình bạn, đôi khi không có thời gian để ăn!
Chúa Giêsu nói với các tông đồ, sau khi họ đi truyền giáo về: “Anh em hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút."
- Chúa Giêsu muốn bạn bè của Ngài dành thời gian để gặp lại nhau. 
- Chúa Giêsu quý thời gian này, thời gian lánh xa mọi người, thời gian để một gia đình, một cộng đoàn một nhóm người được tổ chức lại. Vì thế, Ngài nói: "Chúng ta hãy lánh riêng đến một nơi thanh vắng để có thời gian ăn và có thời gian nghỉ ngơi”.
Đám đông
“Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi  trước các ngài”.  Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy nghỉ ngơi một chút”. Nhưng chính Con Thiên Chúa mất cảnh giác. Ngài không thể ngăn chặn đám đông dân chúng đó. Họ là những người gắn bó với Ngài. Ngài “động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Ngài dạy dỗ họ nhiều điều”. Ngài bị choáng ngợp bởi đám đông.
Như vậy, ngay cả Chúa Giêsu cũng không thể ngăn cản đám đông theo Ngài! Làm thế nào chúng ta có thể đạt được kết quả ở nơi mà không thể thực hiện được? Cần phải nghỉ ngơi, chúng ta biết điều đó. 
- Một gia đình, một nhóm người, một cộng đoàn phải dành thời gian để gặp lại nhau trong một sự thân mật hoàn toàn riêng tư. 
- Một cộng đồng tín hữu phải có thời gian để tổ chức lại, mà không có người qua lại bao vây. 
Điều này rất cần ! Chúa Giêsu đã nói thế! Nhưng cũng cần lưu ý rằng thật khó để tìm được những giây phút thư giãn này!
Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Anh em hãy nghỉ ngơi một chút,". Nhưng chúng ta mất cảnh giác và chúng ta không quản lý được những đám đông tấn công chúng ta: đám đông người và cả đám đông những lo lắng cản trở chúng ta có mặt với những người thân yêu của chúng ta, và với Thiên Chúa của chúng ta nữa!
Hàng rào
Chúa Giêsu nói "anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút."  Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi  trước các ngài”.
Đám đông tụ tập trên bờ, nhưng từ bờ hồ này sang bờ hồ bên kia, phải cần một chiếc thuyền để băng qua. Chúa Giêsu hứa ban cho bạn bè của Ngài một sự nghỉ ngơi.
- Một chiếc thuyền mà Chúa Giêsu và các tông đồ tránh xa mọi người.
- Một chiếc thuyền, trong khi vượt qua, các tông đồ sẽ nếm thử sự hiện diện của Thầy.
- Một chiếc thuyền mà chúng ta có thể để mình được mang theo sóng, theo ý muốn của Thiên Chúa. 
- Một chiếc thuyền sẽ là nơi thanh vắng. Chiếc thuyền này, đó là nơi họ gặp lại nhau và để được Con Thiên Chúa an ủi.
Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Cũng như các tông đồ, phải băng qua hồ một mình với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu cũng đề nghị chúng ta:
- Cần phải có nơi nghỉ ngơi với Ngài dù cuộc sống chúng ta bận rộn với biết bao công việc. 
- Đừng bỏ lỡ những cơ hội mà Thiên Chúa đã ban cho để chúng ta vâng theo ý muốn của Ngài, và sống thân mật với Ngài.
Thoát khỏi đám đông - ở phía bên kia của những lo lắng, Thiên Chúa đề nghị mỗi người chúng ta sống trong một không gian được bảo vệ, nơi tách biệt với tất cả mọi người, sống một mình với Thiên Chúa. Khi đó, sự cân bằng của chúng ta được tổ chức lại!
Bị chao đảo vì cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng muốn vào nơi thanh vắng và ở đó một mình. Nhưng điều đó có nguy cơ chúng ta không gặp Chúa Kitô, mà chỉ là khoảng thời gian giữa hoạt động này và hoạt động khác. Trong chuyến đi từ nơi này đến nơi khác, từ hoạt động này sang hoạt động khác, là thời điểm Chúa Kitô di chuyển chúng ta đến với Ngài và chúng ta cậy dựa vào Ngài.
Vì vậy, ngay cả trong công việc và các hoạt động hấp dẫn nhất, chúng ta hãy học cách tìm được sự nghỉ ngơi. Như Giáo hội đã hát lên điều đó vào ngày lễ Ngũ Tuần: “Nhờ Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh mới mẻ trong khi vất vả và nghỉ ngơi, sẽ tìm được an ủi trong nước mắt".
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Mc 6, 30 – 34
Chúa sai 12 Tông Đồ lên đường truyền giáo. Đây là một chiến dịch lớn được thực hiện vào thời điểm rất thuận. Lúc ấy là mùa xuân khí hậu ấm áp. Nông dân rảnh rỗi vì vừa mới cày bừa và gieo giống xong. Đặc biệt là lòng dân đang vui tươi phấn khởi vì lễ Vượt Qua sắp tới.
Các Tông Đồ rao giảng và chữa bệnh, bà con nô nức đi nghe và lòng mộ mến trào dâng. Khi các Tông Đồ tập trung về Caphácnaum, thì quần chúng đua nhau đi theo, để được chứng kiến tận mắt Đức Giê su, sư phụ của các Tông Đồ. Chính vì thế, về nghỉ mà vẫn không được nghỉ, các Tông Đồ không còn thời giờ ăn uống và nghỉ ngơi. Chúa nói nhỏ với các Tông Đồ: “Đi Bétxaiđa nghỉ xả hơi”. Nói xong, cả thầy lẫn trò vội vàng xuống thuyền và trốn quần chúng, giong buồm đi sang bờ bên kia. Quần chúng đoán được ý Chúa và có lẽ có một Tông Đồ nào đó nhẹ mồm bật mí, nên họ ùn ùn đi bộ về Bétxaiđa. Khi thuyền của Chúa vừa cập bến, thì quần chúng đã tập trung ở đó rồi. Thấy lòng dân nhiệt thành quá như thế, Chúa thốt lên một lời cực kỳ cảm động: “Ta xót thương dân này, vì họ bơ vơ như những con chiên không người chăn dắt.” Thế là Chúa lại tiếp tục giảng nữa, khỏi nghỉ xả hơi.
Thật tình mà nói: Dân Do Thái không bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, nhưng là bầy chiên bị đày đoạn bởi bọn chăn chiên thuê tàn nhẫn. Chính Chúa đã khiển trách nặng lời và gọi các ông Kinh Sư và Phariseu là bọn chăn thuê, là bọn giả hình bắt tín đồ làm những điều mà họ không thèm nhúng một ngón tay.
Vào thời Đức Giê su, đường lối mục vụ của các ông Kinh Sư và Phariseu là “luật vị luật”. Còn đường lối mục vụ của Chúa là “luật vị nhân sinh”. “Luật vị luật” là thứ luật bảo vệ cơ chế. “Luật vị nhân sinh” là thứ luật bảo vệ con người. Cụ thể là ngày Sabat, tín đồ không được làm bất cứ việc gì, kể cả nấu cơm. Mục đích của luật là đề cao ngày của Chúa, tăng thêm lòng sùng kính Chúa. Thế nhưng các ông Phariseu bắt giữ luật đó một cách tuyệt đối, đến mức ngày Sabat không cho chữa bệnh. Đường lối mục mục vụ của Chúa thì cứ không lao động, nhưng không giữ luật ấy một cách tuyệt đối, nếu quyền lợi con người bị xúc phạm. Chúa chữa bệnh tưới hạt sen ngay ngày Sabat. Một ngày Sabat nọ, Chúa chữa mẹ vợ ông Simon khỏi cơn sốt. Tối hôm qua, bà con dẫn đến cho Chúa đủ mọi thứ bệnh nhân, Chúa chữa hết. Bị các ông Phariseu chống đối, Chúa trả lời “Ngày Sabat được phép cho con bò đi uống nước, nếu chẳng may nó bị sa xuống hố, thì được kéo lên. Thế tại sao lại không được cứu người? Như vậy là con người thua con bò sao?”
Đường lối mục vụ ấy của các ông Kinh Sư và Phariseu giống như cái ách đè lên cổ tín đồ. Đức Giê su buồn và tội nghiệp cho tín đồ, vì họ bị đường lối mục vụ kỳ cục đày đọa.
Trong công đồng Giê ru sa lem, thánh Phê rô đã thốt lên một câu, y như cho nổ một trái bom tấn: “Sao anh em lại thử thách Thiên Chúa mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả ông cha chúng ta lẫn chúng ta không có sức mang nổi.” Cái ách đó là gì? Là luật chằng chịt và cách giữ luật vì luật.
Điều chúng ta phải suy nghĩ là chúng ta có chủ trương luật vị nhân sinh như Chúa không; hay là chúng ta cũng giống các ông Phariseu áp dụng luật vị luật bất chấp quyền lợi của con người.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 3
Lương thực cho tâm hồn
Mc 6, 30 - 34
Chúng ta thử quan sát 2 nhóm người:
Nhóm thứ nhất gồm những người chỉ hấp thụ các loại thực phẩm vật chất như cơm bánh, rượu bia… mà không tiếp nhận lương thực tinh thần lành mạnh như sách báo tốt, những lời khuyên dạy khôn ngoan…
Nhóm thứ hai gồm những người thường xuyên hấp thụ lương thực tinh thần lành mạnh như là học hỏi điều hay điều tốt, trau dồi nhân đức và thực hành những giáo huấn của Chúa Giê-su và các bậc thánh hiền.
Kết quả là trong số những người thuộc nhóm người thứ nhất, vì chỉ hấp thụ lương thực vật chất mà không biết đến lương thực tinh thần lành mạnh, nên họ ứng xử như những người thiếu văn hóa, phẩm chất của họ xuống cấp, tư cách của họ sa sút… vì thế, họ thường bị người đời xem thường, khinh dể; còn nhóm thứ hai, nhờ hấp thụ lương thực tinh thần cao quý nên họ tạo cho mình tư cách đáng trọng, tác phong đáng nể và có nhiều phẩm chất cao đẹp được mọi người quý trọng và yêu thương.
Các loài thú chỉ cần thức ăn vật chất: trâu, bò, dê, cừu … chỉ cần ăn rơm, rạ, cỏ, lá; con heo cần cám; gà vịt chỉ cần bắp lúa là xong…
Trong khi đó, con người thì khác. Ngoài thực phẩm thông thường là cơm bánh, con người còn cần đến thức ăn thứ hai, rất cần thiết, rất quan trọng... Đó là những lời răn dạy khôn ngoan, những giáo huấn lành mạnh… có khả năng làm cho họ ngày càng văn minh, tiến bộ, tốt lành. Như thế, lương thực tinh thần lành mạnh là điều tối cần mà mỗi người phải tiếp nhận không thể bỏ qua.
Nếu con người chỉ dùng lương thực vật chất mà thôi thì con người không hơn gì thú vật và sẽ gây ra nhiều thảm họa cho thế giới.
Do đó, Chúa Giê-su dạy rằng: “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bằng Lời Chúa nữa.[1]
Chính vì thế, khi “Chúa Giê-su thấy một đám người rất đông tuôn đến với Ngài, thì Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” và Ngài tỏ lòng thương xót bằng cách “dạy dỗ họ nhiều điều.[2]
Tiếc thay, nhiều người không màng đến lương thực tinh thần mà chỉ quan tâm đến lương thực vật chất. Nếu các nhà hảo tâm hoặc các tổ chức từ thiện phân phát cơm bánh, thực phẩm miễn phí mỗi ngày thì sẽ có rất đông người đến nhận, còn nếu chỉ trao tặng sách quý, báo chí lành mạnh, sách dạy làm người hay dạy sống đạo mà thôi… thì chỉ có ít người quan tâm.
Noi gương Chúa Giê-su, nếu chúng ta thực lòng yêu mến người khác, thì không chỉ giúp họ lương thực nuôi xác mà còn trao tặng cho họ lương thực nuôi hồn, đó là những lời khuyên dạy khôn ngoan, là những hướng dẫn đạo đức, là những gương lành việc tốt… vì đây là thứ làm cho họ trở nên những người có phẩm chất cao hơn, văn minh và tiến bộ hơn.
Cha mẹ thương con thì không chỉ lo cho con được no cơm, ấm áo… mà còn lo khuyên dạy con cái nên người trưởng thành, giúp cho con được học tập tốt và trau dồi nhân đức.
Bạn bè thương nhau thì không quên trao tặng cho nhau những lời khuyên mang lại lợi ích thiết thực, giúp nhau thăng tiến trên đường nhân đức.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con đừng mải mê kiếm tìm lương thực nuôi xác mà không dành thời giờ tìm kiếm lương thực nuôi hồn. Xin cho chúng con thường xuyên hấp thụ Lời Chúa là kho tàng lương thực tinh thần phong phú mang lại niềm vui, sự sống và hạnh phúc đời đời cho chúng con. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

[1] Mát-thêu 4,4
[2] Mc 6,34
================
Suy niệm 4
TẬP THINH LẶNG

Tin Mừng Chúa nhật tuần trước kể chuyện: Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo. Trang Tin Mừng hôm nay kể tiếp: các học trò trở về. Anh em vui mừng kể cho Thầy nghe kết quả những việc đã làm. Ngài chia sẻ niềm vui với các môn sinh và khuyên nhủ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Tập nói rồi bây giờ phải tập im lặng. Để duy trì mức độ thăng bằng trong cuộc sống, Đức Giêsu dạy các tông đồ về sự cần thiết của việc nghỉ ngơi. Đó là nhịp sống của Đức Giêsu từ ngày đầu ở Caphanaum (x.Mc 1,35-38).
1. Chúa Giêsu mẫu gương thinh lặng
Chúa Giêsu khuyên các môn sinh hãy sống theo gương của Người. Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu nguyện và kết thúc trong tĩnh lặng riêng tư với Chúa Cha.Sáng sớm tinh mơ, Người dành thời gian đẹp nhất một ngày mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Sau đó bận rộn với biết bao công việc: rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Chúa Giêsu thích sự cô tịch và tránh xa đám đông. Người chọn những nơi hiện diện: "Một ngọn núi cao riêng biệt" (Mc 9,2); những bờ dốc thẳng bao quanh hồ phía đồi Gôlăng (Mc 5,1); những bãi biển Phênixi xứ Xyria hay xứ Libăng (Mc 7,24-31); đôi bờ của con thác miền núi gần nguồn sông Giođan dưới chân núi Hécmon (Mc 8,27)…
Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong cuộc sống thường ngày.
Các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Các môn đệ trở về, Chúa khuyên nên nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Làm việc và cầu nguyện, sống "nội tâm" và hoạt động "bên ngoài", đó là nhịp sống mỗi ngày của người môn đệ Chúa Giêsu. 
2. Môn đệ nghỉ ngơi bên Chúa
Thiên Chúa sau sáu ngày làm việc để tạo dựng trời đất và con người, ngày thứ bảy Ngài cũng nghỉ ngơi và còn “ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi việc sáng tạo”( St 2,3)
Con người làm việc để mưu sinh cho mình và mưu ích cho xã hội. Nghỉ ngơi là một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của mỗi người. Nhưng phải nghỉ ngơi như thế nào? Có phải là chè chén say sưa, là hưởng thụ cho thỏa thích?
Thấy các môn đệ vất vả mệt nhọc sau những ngày làm việc, Chúa Giêsu muốn cho các ông “nghỉ ngơi đôi chút”; và thế là “thầy trò đã xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”. Nghỉ ngơi nơi thanh vắng để cầu nguyện và suy gẫm, bồi bổ tâm hồn, bồi dưỡng thân xác.
Những giây phút bên Chúa giúp chúng ta trút bỏ những mệt mỏi và lo toan trong cuộc sống.Nghỉ ngơi bên Chúa để chúng ta biết vươn tới những giá trị cao cả, để khỏi bị cuốn theo dòng chảy của cuộc sống.Nghỉ ngơi bên Chúa để đón nhận được tình thương của Người vì có những giờ phút thinh lặng con người mới nhìn thấy được những sai lầm, thiếu sót của bản thân mình.  Nghỉ ngơi bên Chúa như chiếc xe sau chặng mỗi chặng đường cần dừng lại để tiếp nhiên liệu.
Như Chúa Giêsu khuyên các tông đồ tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân thời nay cũng cần tìm thời giờ yên tĩnh, tìm bầu khí thanh tịnh - ngưng nói, ngưng làm - để ở một mình, hầu có thể lắng nghe tiếng Chúa và cũng lắng nghe tiếng lòng mình. Chúa thường nói với ta trong thinh lặng. Và chỉ trong thinh lặng ta mới có thể dễ dàng nghe tiếng Chúa hầu có thể thẩm định và đánh giá xem công việc đạo đức ta làm có bị Chúa dùng lời ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc một hôm nay mà cảnh giác chăng (Gr 23,1-6)?
"Nghỉ ngơi bên Chúa”, qua lời khuyên ấy, Chúa cho chúng ta biết sự cần thiết và ích lợi của hồi tâm, thinh lặng suy nghĩ để tâm hồn bình an. Chúa Giêsu chính là sự bình an của chúng ta. Thánh Phaolô đã nói về chân lý này trong bài đọc hai: “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: Bình an cho anh em là những kẻ ở xa và bình an cho những kẻ ở gần”. Chúng ta chỉ có thể kiến tạo cho mình sự bình an chân thật, khi biết lui vào trong thanh vắng để nghỉ ngơi. Đó không chỉ là sự nghỉ ngơi thân xác, mà còn là sự tĩnh lặng tâm hồn để sống kết hiệp với Chúa luôn mãi.
3. Thinh lặng để sống nội tâm
Lắm khi trong cuộc sống xô bồ, bận rộn vì cơm áo gạo tiền, bận rộn trong việc đạo đức, lo tập hát, lo đoàn thể, lo các công việc bác ái, xã hội…chúng ta quên đi việc “nạp năng lượng” từ Thiên Chúa.
Ðời sống tâm linh phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Chúa chính là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Nhờ cầu nguyện, con người mới phát triển quân bình.
Làm việc và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Làm việc để nuôi thân, nuôi gia đình và góp phần xây dựng xã hội.Ðời sống cầu nguyện hỗ trợ cho hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chạy theo chức quyền. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời. Ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa đổi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng, thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em. 
Các xã hội văn minh, các đô thị luôn chạy theo nhịp sống hối hả của kỹ thuật hiện đại. Con người thời nay dễ bị căng thẳng. Do đó, người ta thường tìm đến với Yoga,Thiền, với các phương pháp dưỡng sinh để tìm sự quân bình, tìm yên tĩnh, muốn trầm lắng nội tâm.
Vào mùa hè, người ta thường tạm nghĩ công việc, rời nếp sống đô thị náo nhiệt tìm đến nghĩ ngơi nơi vùng quê, miền biển, miền núi. Nô đùa cùng sóng biển cát vàng, hít thở khí trời dịu mát của cao nguyên lộng gió hay hoà vào khung cảnh thanh bình êm ả của đồng quê bát ngát lúa chín vàng… Bầu khí yên tĩnh, thời gian trầm lắng là điều rất cần thiết cho con người. Thân xác nghĩ ngơi, tinh thần thư giãn, trí óc sáng suốt. Từ đó, nhìn lại cuộc sống mình, kiểm điểm, rút ưu khuyết, định hướng cho cuộc sống sắp tới.
Trong lãnh vực tông đồ, thinh lặng cầu nguyện thật cần thiết. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Cầu nguyện để biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay  Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn. 
Làm việc phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Điều kiện tiên quyết để thành công chính là sự thinh lặng. Từ thinh lặng ta mới có thể nuôi dưỡng những suy tư của mình một cách lâu dài được. Bầu khí thinh lặng giúp ta hồi tâm xét mình thực thi sám hối cách đúng mức. Bầu khí thinh lặng còn giúp cho người khác sống tinh thần cầu nguyện.
Người Kitô hữu yêu quý những giây phút thinh lặng trong tâm hồn, yên tĩnh ngọt ngào bên Chúa. Người Kitô hữu tìm thấy sự thinh lặng thánh ấy trong nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện và ngay trong tâm hồn mình. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2). Thinh lặng, cầu nguyện chiêm niệm, hồi tâm luôn mang lại sức sống thiêng liêng cho mỗi người.
Sau một tuần lao động vất vả, chúng ta có ngày Chúa nhật để nghỉ ngơi thể xác và tâm hồn. Đến Nhà thờ để gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh lễ mà “nghỉ ngơi đôi chút”, đón nhận giáo huấn của Ngài, được “nâng đỡ bổ sức” cho năng lượng tâm linh một tuần lễ mới. “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Ngài thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi. Ngài hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Ngài lo bồi dưỡng” (Tv 22,1)
Trong Tông thư về ngày Chúa nhật gửi toàn thế giới ban hành 31-5-1998, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nhắc lại: Chúa nhật là ‘ngày của Chúa’; Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày và Chúa nghỉ ngơi một ngày. Chương hai bàn về ngày Chúa nhật là ngày của Đức Kitô, ngày Chúa phục sinh, ngày vui mừng. Chương ba nói về ‘ngày của Giáo hội’. Giáo hội có bổn phận thánh hoá ngày Chúa nhật bằng cách nhắc nhở và khuyến khích giáo dân đi dâng lễ thờ phượng, làm việc từ thiện bác ái và nghỉ ngơi.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy các tông đồ về sự cần thiết của việc nghỉ ngơi sau những ngày giờ làm việc vất vả. Xin giúp thánh hoá công việc con làm và dạy con biết tìm giờ nghỉ ngơi hầu cho thể xác và tinh thần được thanh thoả và cũng dành thời giờ cầu nguyện với Chúa để cho tâm hồn được thư thái lắng đọng. Amen
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
================
Suy niệm 5
Chúa chăm sóc đoàn chiên Chúa

(Mc 6, 30 – 34)

Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài đã tạo dựng và chăm sóc con người, nhất là luôn muốn con người không những sống mà còn sống dồi dào trong tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Ngài không muốn con người phải hư mất hay bị diệt vọng, nhưng muốn con người đạt tới cùng đích là sống viên mãn tràn đầy.
Chúa là mục tử chúng ta là chiên
Lời Chúa qua miệng tiên tri Isaia nói: “Các ngươi là chiên của Ta. Các ngươi, những phàm nhân kia, các ngươi là chiên trong đồng cỏ của Ta. Và Ta là Thiên Chúa của các ngươi” (Ed 34,31). Thiên Chúa tự ví mình là " mục tửngười chăn chiên" và dân Israel được Chúa chọn là chiên của Chúa. Hình ảnh thật là đẹp.
Thánh Vịnh 22 tán tụng Thiên Chúa, Mục Tử nhân lành, lo cho đoàn chiên có cỏ non, nước ngọt và bóng mát, che chở chiên khỏi sói dữ và quân trộm cướp. Tác giả Thánh Vịnh cảm nghiệm rằng, được sống dưới sự chăn dắt của Chúa thì sẽ không thiếu chi và không còn phải sợ gì : “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng” (Tv 22, 1-3). Ðiều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn hướng dẫn chúng ta tới các đồng cỏ tốt tươi, nơi chúng ta có thể được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Chúa là Mục Tử tốt lành, đầy yêu thương và trách nhiệm. Ngài luôn chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và làm cho đàn chiên ngày càng phát triển. Tình mục tử của Thiên Chúa không đơn giản là thương cảm đối với sự khó khăn của con người, nhưng là thái độ của một Vì Thiên Chúa đối với con người và lịch sử của loài người.
Chúng ta được Chúa chăm sóc và bảo vệ
Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn là Đấng trao ban sự sống cho dân : “Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số” (Gr 23, 3). Chúa luôn bảo vệ giữ gìn. Chúa đặt một số người gọi là mục tử để trực tiếp thay Chúa chăn dắt đoàn chiên. Những người này sống nhờ đoàn chiên cho sữa, thịt, len, nên bổn phận đầu tiên là phải biết chăm lo cho chiên khỏe mạnh, có đủ đồng cỏ xanh tươi và nước mát, cũng như những điều kiện cần thiết cho chiên. Họ thừa lệnh của Chúa lo cho dân Chúa, và phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa, chứ không phải là kẻ có toàn quyền muốn làm gì thì làm, tác oai tác quái thế nào cũng được.
Thức tế, có những người không chu toàn nhiệm vụ cao quý này nên Chúa mới mạnh mẽ quở trách: “Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi...” (Ed 34,2-7).
Vì muốn bảo vệ đoàn chiên, Chúa phán thế này: “Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa” (Ed 34,8-10).
Tình mục tử ấp ủ đoàn chiên. Thiên Chúa không đành để chiên tan tác, chính Ngài gửi Đấng Cứu Thế đến trực tiếp chăm sóc chiên : “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều...Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực…Chồi non của nhà Đavít ấy là Đức Giêsu Kitô”, Ngôi Lời Con Thiên Chúa nhập thể làm người, là Mục Tử Nhân Lành hiến mạng sống cho đàn chiên, chịu sát tế để cứu chuộc nhân loại.
Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành
Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6, 34).  
Cảnh đàn chiên không người chăn giống như “rắn mất đầu” là tình trạng khủng hoảng, nô lệ cho những lạc thuyết, làm mồi ngon cho những xu hướng xấu và tệ nạn. Không có Chúa Kitô, Vị Mục Tử dẫn đầu, Giáo Hội sẽ mất phương hướng, dễ lầm lạc, sợ hãi, kinh hoàng, thiếu sự chăm sóc, yêu thương, bị đe dọa bởi nanh vuốt của sói dữ, kẻ thù. Không được chăn dắt, điều đó cũng đồng nghĩa với việc “không được giáo dục” và trở thành mồi ngon cho những thù địch. Ma quỷ, thế gian, xác thịt luôn là những kẻ thù nhạy bén, chắc chắn sẽ không buông tha đàn chiên và chúng sẽ tìm mọi cách để xâu xé, hãm hại đoàn chiên.
Chúa Giêsu xuất hiện như hiện thân của sự quan tâm, ân cần của Thiên Chúa đối với nhân loại. Người hiểu rõ tình trạng khốn khổ của đàn chiên không có chủ chăn “Chúa động lòng thương”. Chúa dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, gần bên suối mát để chiên được no thỏa uống tận nguồn suối nước trường sinh.
Không có Chúa Kitô hướng dẫn, chúng ta không thể tìm được hướng đi đúng. Xa Chúa Giêsu và lìa khỏi tình yêu của Người, chúng ta sẽ đánh mất chính mình. Có Chúa Giêsu ở bên, chúng ta có thể tiến bước một cách chắc chắn, vượt qua các thử thách, tiến lên trong tình yêu. Hãy an tâm, vì Chúa luôn chăm sóc giữ gìn, không đành để mất một ai, miễn sao chúng ta biết luôn lắng nghe theo tiếng Chúa.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 6
NGƯỜI MỤC TỬ NÀO MÀ CHẲNG BIẾT KHÓC CƠ CHỨ?

Thế giới ngày nay dường như chai sạn, khô cứng tình người. Có lẽ đang co rúm vào bản thân, mà chẳng dám nhìn, vươn tới tha nhân! Dĩ nhiên, đâu đó vẫn còn lòng mến, đâu đó vẫn còn những cánh tay dám dang ra cứu lấy người khác, biết tương thân tương ái, hỗ trợ anh chị em đang gặp cảnh túng thiếu. Nhờ lòng trắc ẩn nơi họ, mà biết bao nhiêu nghĩa cử đầy sáng tạo không ngừng nghỉ, được thực hiện, nhằm giúp đỡ tha nhân, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch, nhiễu nhương này.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Qua thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, Thánh Phao-lô đã nêu lên thực trạng của mỗi người chúng ta: “trước kia, chúng ta là những kẻ xa lạ…” (Ep 2, 13). Xa lạ với Thiên Chúa, và xa cách anh chị em. Tuy nhiên, nhờ bửu thuyết của Đức Giê-su Ki-tô, mà Ngài chính là sự bình an, đã đưa chúng ta đến gần với Thiên Chúa, gần với nhau. Ngài gắn kết chúng ta lại với nhau, phá vỡ bức tường ngăn cách, tiêu diệt hận thù trong tâm tư, cõi lòng của mỗi chúng ta. Qua thập giá, Ngài hoà giải chúng ta với Thiên Chúa Cha, hoà giải chúng ta với nhau. Hơn nữa, Ngài còn sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng bình an, và ban ân sủng ngõ hầu tiến gần tới Chúa Cha trong cùng một Thần Trí (x. Ep 2, 13-18). Tất cả đều nhờ Chúa mà ra. Chính vì vậy, sứ vụ “mục tử” không gì khác hơn cũng là ơn cao quý thánh thiêng. Chẳng phải vậy mà người tín hữu không được thông phần tham dự vào! Nhớ lại, khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được lãnh nhận sứ vụ ngôn sứ-tư tế-vương đế của Đức Giê-su Ki-tô. Và sứ vụ “mục tử” này được biểu lộ rõ rệt qua việc chăm sóc đoàn chiên, cộng đoàn đối với thừa tác viên có chức Thánh, cũng như được diễn tả qua việc tham gia, đóng góp, cộng tác của thành phần giáo dân trong việc điều hành, trông nom đàn chiên. Đôi lúc, trong thực tế, chúng ta thường lãng quên, mà nghĩ rằng: ai có khả năng cộng tác, lo cho giáo xứ thì cứ làm, còn tôi thì chẳng lo được! Lắm lúc, chúng ta còn chỉ trích thái quá, cứ than phiền trách móc chủ chăn, và người khác, còn về phần mình thì chẳng muốn thực hiện sứ mệnh của bản thân!
Ngoài ra, với vai trò của người mục tử đầy lòng trắc ẩn, dĩ nhiên, chúng ta phải noi gương Đức Giê-su Ki-tô là vị Chủ chăn đích thật, là người Mục tử nhân lành. Cụ thể như lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong bài đọc I: quy tụ đoàn chiên đang bị phân tán, lùa chúng về đồng cỏ xanh tươi, nuôi dưỡng chúng, cho chúng lớn lên và tăng số, chăn dắt chúng, đừng để chúng sợ hãi, kinh hoàng, và không còn thiếu thốn gì nữa (x. Gr 23, 3-4). Ngược lại với những kẻ xưng danh là mục tử, nhưng chỉ là mục tử giả, thì chỉ biết lo cho tư lợi, thay vì chăm lo cho đàn chiên. Tệ hơn, họ khiến đoàn chiên tản mát, xâu xé chúng, xua đuổi và chẳng biết trông nom chúng (x. Gr 23, 1-2). Nhìn vào thực tế, chúng ta cũng phải đấm ngực mình vì biết bao lần chúng ta không làm tròn trách vụ của một người mục tử được Thiên Chúa mời gọi, tuyển chọn và sai đi. Nhiều phen, thay vì trở nên mục tử đầy lòng xót thương, chúng ta lại trở nên gương mù gương xấu cho sự chia rẽ, ganh đua, bè phái…trong cộng đoàn. Còn với vai trò người giáo dân, biết bao lần, chúng ta phớt lờ lời kêu mời cộng tác với chủ chăn, chưa nhiệt tâm trong việc hỗ trợ người mục tử.
Sau cùng, lòng trắc ẩn nơi người mục tử chính chuyên không dừng lại ở giới hạn: bồi bổ, tìm giờ giấc nghỉ ngơi cho bản thân, hoặc kiếm mọi cách để mình được thoải mái, tiện lợi, với lối sống tiện nghi! Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ: sau khi được Chúa sai đi từng hai người một để loan báo Tin Mừng, trở nên sứ giả bình an, các Tông đồ trở về, thuật lại mọi việc đã làm và đã giảng dạy (x. Mc 6, 30); thì Đức Giê-su hiểu rõ các Tông đồ, thấu tỏ người mục tử cần nghỉ ngơi, dưỡng sức, nên Ngài khuyến khích các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6, 31). Tuy nhiên, Ngài không cổ suý việc mưu cầu giải trí, nghỉ ngơi, hoặc tìm những tiện lợi cho bản thân, mà quên đi sứ mệnh “mục vụ” đoàn dân với cả tấm lòng của người mục tử, đầy lòng trắc ẩn xót thương, vì “họ như đàn chiên không người chăn” (x. Mc 6, 34). Người mục tử tốt lành, đích thật là vậy! Họ cũng cần nghỉ ngơi, lấy lại sức lực sau bao việc mệt nhọc, nhiều điều phải nghĩ suy, quyết định, v.v…, nhưng chẳng bao giờ quên nhu cầu, lợi ích của đoàn chiên, vốn được giao phó cho mình. Mẫu gương nơi Đức Giê-su khiến chúng ta cần suy gẫm, và nỗ lực bước theo: Có lẽ Ngài cũng muốn được nghỉ ngơi chút ít, nhưng khi thấy đám đông người người cứ lũ lượt bước theo, thì Ngài chạnh lòng thương, vì họ như thể đàn chiên không chủ chăn vậy. Người mục tử nào mà không biết khóc cơ chứ? Người mục tử nào mà chẳng biết cảm thương trước sự khốn cùng của đàn chiên của mình? Người mục tử nào mà chỉ biết khép kín, mặc kể cho đàn chiên bị xâu xé cơ chứ?
Với tâm tình phó dâng, chúng ta cùng chạy đến khẩn cầu cùng Vị Mục tử nhân lành Giê-su:
Lạy Đức Giê-su Ki-tô,
Là người Mục tử tỏ lộ xót thương.
Dẫn đoàn chiên đến náu nương
Nơi có suối nước, cỏ hương ngạt ngào
Nghỉ ngơi giữa chốn cần lao
Dưỡng nuôi hồn xác, thanh tao muôn phần.
Xin thương tuôn đổ hồng ân
Chăm lo, săn sóc ân cần đàn chiên.
Chẳng tìm nơi chốn bình yên
Lãng quên tình Chúa, đứng yên lặng nhìn
Nhìn ràn chiên phải hy sinh
Vô tâm chỉ biết thân mình chủ chăn
Giờ này sám hối ăn năn
Khoan nhân trắc ẩn, vạn lần bao dung. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 7
NGƯỜI MỤC TỬ
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6, 30-34
Sau chuyến công tác của các môn đệ trở về, Thầy trò tụ họp bên nhau. Các ông báo cáo với Thầy tất cả những việc mình đã làm được. Nhân cơ hội này, Thầy dạy các ông một phương thế để mọi công việc của người mục tử có hiệu quả tốt: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31a). Mọi hoạt động tông đồ để mang lại kết quả tốt đẹp, cần có giờ nghỉ ngơi tĩnh lặng mà dưỡng sức, cầu nguyện, kết hợp mật thiết với Chúa. Nếu cứ ra sức hăng say, làm việc quá tải đến quên ăn mất  ngủ, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu năng công việc và mệt mỏi kiệt sức. Đời sống siêu nhiên của người tông đồ cần phải có nhịp độ: ở với Chúa, ra đi thi hành sứ vụ và trở về lại bên Chúa để kiểm thảo, nhìn lại như các môn đệ hôm nay. Qua một ngày làm việc cần phải trở về “thân thưa” với Chúa, trong cầu nguyện, tĩnh lặng thanh vắng để nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng mới cho hành trình tiếp theo.
Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.” (Mc 6,32). Mặc dù thầy trò đã xuống thuyền tìm chốn nghỉ ngơi mà cầu nguyện, nhưng bầy chiên vẫn tìm cách đón gặp cho bằng được. “Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. (Mc 6,34). Cảm động sao tấm lòng người Mục Tử, chạnh lòng thương trước bầy chiên đông đảo. “Chạnh lòng thương” theo tiếng Hy lạp, nghĩa là cảm thấy quặn đau trong lòng, xót xa, khiến Người Mục Tử không thể đặng đừng, Người lại bắt đầu giảng dạy thật nhiều, cho thỏa nỗi lòng khát mong của đoàn chiên.
Ngày nay chúng con có thấy “chạnh lòng thương” trước khó khăn đau khổ, phải cần đến sự giúp đỡ, giải quyết mọi nhu cầu cho người anh em mà hằng ngày chúng con gặp thấy không? Nhìn lên những người có trách nhiệm chăm sóc, lãnh đạo từ Giáo Hội địa phương như các Giám mục, Linh mục, chúng con có vâng lời, biết ơn, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất không?
Lạy Chúa! cùng với nhịp sống hằng ngày, dù thành công hay thất bại, hơn thua được mất, xin cho con luôn biết trở về bên Chúa trong thinh lặng, để con được nghỉ ngơi dưỡng sức trong Chúa, kín múc ân sủng từ nguồn sống là chính Chúa, để hiện tại và tương lai của con luôn được Chúa dẫn dắt từng ngày. Ở lại với Chúa nhiều, chúng con sẽ được biến đổi, để luôn biết “chạnh lòng thương” như Chúa vậy. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng: Tĩnh tâm tháng 4 và thăm mục vụ tại các điểm truyền giáo thuộc giáo xứ Tân Quang của quý cha trong giáo hạt
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng: Tĩnh tâm tháng 4 và thăm mục vụ tại các điểm truyền giáo thuộc giáo xứ Tân Quang của quý cha trong giáo hạt
Có thể nói đây là dịp đặc biệt để quý cha trong giáo hạt, cách riêng là quý cha lần đầu tiên đặt chân đến Hà Giang, biết đến những giáo điểm tưởng chừng như mới lạ nhưng lại rất gần gũi và thân thương. Trải qua chặng đường khá dài, quý cha có cơ hội trải nghiệm những cung đường khúc khuỷu để thăm các giáo điểm Việt Quang, Quang Bình, Xín Mần, Mốc 5 và Hoàng Su Phì.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log