Thứ hai, 09/09/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Chay năm B

Cập nhật lúc 08:47 29/02/2024
Suy niệm 1
Ga 2, 18 – 25
Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa xua đuổi thương buôn ra khỏi đền thờ bằng những cử chỉ cực đoan như: lấy roi đánh chiên bò chạy lung tung; đá lồng chim câu; xô đổ bàn đổi tiền. Thật ra thì những việc làm của lái buôn đều rất hợp pháp và hợp tình. Người hành hương từ nhiều nước tụ tập về thủ đô Giêrusalem để dâng lễ vật tạ tội hoặc tạ ơn. Lễ vật là chiên, dê, bò, bồ câu có sẵn đó không phải đi tìm ở các miền quê. Bàn đổi tiền cũng rất hợp pháp, vì tín đồ không được bỏ tiền ngoại tệ vào thùng công đức. Họ phải đổi lấy tiền đền thờ mới được bỏ vào thùng. Họ buôn bán thì đóng thuế cho đền thờ. Vị trí buôn bán thì ở trong sân dân ngoại, không làm ô uế thánh đường.
Một việc làm hợp pháp, hợp tình, hợp lý như thế, tại sao Chúa lại chống đối? Điều Chúa phản đối mạnh mẽ như vậy là để dạy lãnh đạo Do Thái giáo một bài học. Vào thời ấy đạo đã bị thương mại hóa. Tất cả chỉ vì tiền. Tiền đã làm hư hỏng hết cơ chế Do Thái giáo. Dạy bằng lời chưa đủ. Còn phải dạy bằng cử chỉ và hành động.
Có một ni cô thắc mắc với một linh mục rằng:
- Linh mục ơi, Đức Giêsu không tham, không si, nhưng sân quá. Đánh đuổi thương buôn như thế là mất tự chủ.
- Đức Giêsu không sân đâu. Ngài hiền lành tới mức độ bị đóng đinh đau như thế, oan khiên như thế, nhục nhã như thế, mà vẫn cứ một niềm “Lạy Cha xin tha cho họ”. Nếu Đức Giêsu cứ một niềm “Thưa quý vị lãnh đạo Đền Thờ, quý vị đang thương mại hóa đạo của Chúa. Tội ấy cực nặng đấy”. Nếu nói thế thì người ta bỏ ngoài tai. Phải hành động như vậy mới dạy được bài học này:
“Thương mại hóa, chính trị hóa đạo của Chúa là một tội phạm thượng cực kỳ lớn lao”. Bài học này dạy cho mọi người, mọi thời.
Để làm sáng tỏ vấn đề, linh mục kể cho ni cô một câu chuyện:
Một người đàn bà kia được mọi người khen là rất hiền lành, không bao giờ to tiếng và không bao giờ nặng lời với ai. Thế mà có một lần kia bà la to cho cả xóm nghe: “Trời ơi là Trời”. Tại sao vậy? Vì thằng cu tí đá trái banh bay ra phố. Nó chạy vôiị để chụp trái banh. Nếu không cảnh giác thì bị xe cán chết. Để cứu đứa con, bà phải la như thế. Thằng bé giật mình đứng lại. Thoát chết. Sau đó bà lại ôn tồn dịu dàng như thường quen, nghĩa là vẫn hiền từ như người ta vẫn ca tụng.
Sau sự cố khủng ấy, lãnh đạo Do Thái chất vấn Chúa:
- Ông lấy quyền nào mà làm điều ấy?
- Các ông cứ phá đền thờ này đi, tôi sẽ xây lại trong ba ngày.
Ý Chúa muốn nói rằng: “Cứ giết tôi đi, sau ba ngày tôi sẽ sống lại. Bấy giờ các ông sẽ hiểu tôi lấy quyền Thiên Chúa mà làm điều ấy.”
Ôi cái giá chuộc tội đời! Mồ hôi nước mắt chỉ là chuyện nhỏ. Chúa sẵn sàng trả giá bằng máu.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 2
THANH TẨY ĐỀN THỜ

Ga 2, 13-25
Nhìn quang cảnh chợ búa bát nháo, hỗn độn ở sân đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu không thể chịu nổi tình trạng buôn thần bán thánh của các tư tế. Họ đã lợi dụng đền thờ làm nơi kinh doanh thu nhập bổ béo cho mình. Ngài đã ra tay xua đuổi tất cả những người buôn bán ra khỏi Đền thờ, hất tung tiền bạc và lật nhào bàn ghế của họ. Thái độ mạnh bạo của Đức Giêsu ở đây là trường hợp duy nhất cho thấy Ngài muốn trong sạch hóa đền thờ, muốn hoàn thành ước vọng của Cha theo lời ngôn sứ Dacaria: “Ngày ấy sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (14, 21). Đồng thời xác định lại lời của ngôn sứ Gêrêmia 7,1: “Đừng biến nhà Cha Ta thành cái chợ”.
Thực tế, tinh thần đạo giáo của Israel lúc đó đã suy thoái và bị tục hóa nặng nề. Chính giới thẩm quyền Do Thái giáo đã cho phép đám con buôn vào đây, và họ hưởng mối lợi khổng lồ từ những hoạt động thương vụ này. Việc buôn bán đó đã bóc lột những người nghèo. Họ phải đổi thành tiền của Đền thờ chỉ còn giá trị phân nửa, rồi phải mua lễ vật ở đó để dâng tiến Thiên Chúa với giá cao gấp mười lần. Chứng kiến những việc này nên lòng yêu mến công lý đã bốc cháy trong tim Đức Giêsu, khiến Ngài phải gây một cú sốc để mọi người thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của sự việc. Ngài biết rõ mối nguy hiểm khi dám làm như thế, nhưng điều đó lại ứng nghiệm câu Thánh vịnh:“Vì nhiệt tâm lo nhà Chúa mà con phải thiệt thân” (Tv 69, 10).
Người ta lấy làm lạ về thái độ của Chúa Giêsu, nhưng Ngài không làm như vậy mới lạ. Nếu Ngài chỉ nói nhỏ nhẹ thôi thì rõ ràng Ngài tỏ ra nhát đảm, vì sợ đụng chạm đến quyền lợi của thượng tế Khanan và nhóm tư tế trong Đền thờ. Nguy hiểm hơn nữa đó là sự khoan nhượng như dấu hiệu thỏa hiệp với sự dữ. Thái độ của Đức Giêsu ở đây là muốn khai trừ sự dữ hơn là giận dữ. Ngài không hành động theo cảm tính mà theo lẽ chân thật, và đó là điều mà ngôn sứ Isaia khẳng định: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân.” (Is 56,7).
Đứng trước những hành động mạnh bạo của Đức Giêsu, các viên chức Do Thái đòi dấu lạ để chứng tỏ Ngài có quyền làm như thế. Đức Giêsu trả lời gần như thách thức họ:“Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Thật sự họ đã phá hủy Đền thờ khi biến nơi đó thành hang trộm cướp, và bỏ mặc Đền thờ bị tàn phá như thời của ngôn sứ Giêrêmia, và sẽ ứng nghiệm một lần nữa vào năm 70. Tuy nhiên, khi tuyên bố điều trên, Đức Giêsu không nằm nói đến Đền thờ bằng gạch đá, nhưng nói đến cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thân thể được phục sinh của Ngài sẽ là Ðền Thờ mới, nơi nhân loại thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực.
Biến cố thanh tẩy đền thờ xảy ra gần ngày lễ Vượt qua của người Do Thái, nên đây cũng là hành động biểu trưng của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy: Ngài thay thế chỗ các tư tế Do thái, và xóa bỏ hình thức tế tự cũ để thay vào bằng một hiến lễ tinh tuyền là chính Ngài, mà Thiên Chúa đã loan báo qua ngôn sứ Malakia (1, 10-11). Nếu Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, thì từ đây sự gặp gỡ này được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô: Đấng cứu độ duy nhất.
Thái độ của Chúa Giêsu hôm nay là thái độ quyết liệt, không nhượng bộ: “Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây”. Phải chăng qua lời này, Chúa cũng nhắm vào mỗi người chúng ta, đòi ta phải triệt hạ cho bằng được mọi ngổn ngang và bừa bãi trong tâm hồn mình, đòi phải trong sạch hóa mọi tình trạng loang lỗ và tiêu cực nơi bản thân ta. Không thể là con cái Thiên Chúa khi chúng ta vẫn còn muốn làm nô lệ cho thế gian, hoặc trở thành kẻ hai lòng: vừa muốn dâng hiến cho Thiên Chúa lại vừa muốn sở hữu những vui thú lợi lộc ở đời.
Bài Phúc Âm hôm nay còn nhắc nhớ tâm hồn của mỗi người chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, là nhà cầu nguyện, là cung thánh, nơi thâm sâu nhất để sống kết hiệp với Chúa. Thiếu kết hiệp với Chúa trong đời sống hằng ngày, lòng ta dễ trở thành sào huyệt của bọn cướp, là tính vị kỷ, kiêu căng, ghen ghét, thống trị, chiếm hữu… Thân xác ta cũng là đền thờ của Thánh Thần. Có những đền thờ thánh thiêng đã trở nên phàm tục. Những đam mê vô độ của thân xác đã vô hiệu hóa quyền năng của Thánh Thần, Đấng luôn đem lại sức sống mới cho đời ta.
Mùa Chay là mùa tu sửa lại đền thờ tâm hồn mình, là mùa làm mới lại thái độ thờ phượng Thiên Chúa cách nghiêm túc với cả lòng tin mến. Ước chi chúng ta dám sống theo sự đòi hỏi đầy yêu thương của Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Đấng hiền lành và khiêm nhượng,
luôn hành động với tất cả tình thương,
nhưng rồi có lần Chúa nổi giận,
thấy đền thờ người gian lận bán buôn,
vô tâm biến Nhà Cha thành cái chợ,
không còn nơi thanh tịnh để tôn thờ.

Chúa thấy phải thanh tẩy đền thờ,
cho khỏi những ô uế và bợn nhơ,
khỏi tham lam và tráo trở lòng người,
đã biến nơi thánh thiêng thành phàm tục.

Hành động của Chúa cho con hiểu,
đã đến lúc đền thờ được thay thế,
bằng chính thân thể Chúa phục sinh,
để đem lại cho tất cả những ai tin,
dám dấn thân trên con đường ngay chính,
đạt tới Chúa là cuộc sống phúc vinh.

Qua Lời Chúa con cảm thấy chột dạ,
vì nhận ra tình trạng tâm hồn mình,
có những thứ ô nhơ và bất kính,
có bao nhiêu thói xấu đã thành hình,
những mưu mô và tính toan bất chính,
không xứng đáng đền thờ nơi Chúa ngự.

Xin thanh tẩy con khỏi điều ô uế,
cho con sống với tinh thần khổ chế,
để tâm con luôn chân thật sáng trong,
thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng.

Nhờ đó mà con sống trong ý thức:
tỏ lộ Chúa qua mọi việc,
biểu hiện Chúa ở mọi nơi,
nêu cao Chúa trong mọi lúc,
là an vui hạnh phúc của đời con. Amen.

Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 3
LUẬT CHÚA TRUYỀN VÀ LUẬT TRẦN GIAN
Bôn ba khắp trốn tìm lời giải đáp cho những vấn nạn cuộc đời, anh Suzuki dừng chân trước một ngôi thánh đường nguy nga, tráng lệ, anh ngỡ ngàng với sự hồ hỡi sống vui tươi, thân thiện của giáo dân vùng Nam Mỹ. Đứng hồi lâu trước khuôn viên nhà thờ, anh tự hỏi mình: tôi là một người Công Giáo, nhưng tâm hồn tôi xa Chúa, dẫu rằng mỗi tuần đến tham dự Thánh lễ Chúa Nhật; biết bao lần tôi cầu nguyện nhưng tâm trí tôi cứ quanh quẩn bởi nhiều điều lo toan với cuộc sống vật chất; biết bao lần tôi phải đối diện với luật đời và luật đạo; và biết bao phen tôi vật lộn với chính sự ương hèn của chính mình, v.v...
Thưa quý bà và anh chị em, tâm tư của anh Suzuki phần nào cũng là nỗi trăn trở của chúng ta. Sống trong xã hội bị chi phối với nhiều luật lệ, nguyên tắc, dường như chúng ta bị cuốn vào guồng xoáy giữ luật hơn là sống tinh thần luật; xem trọng luật trần gian hơn luật Chúa truyền qua sứ vụ của Hội Thánh. Đáng buồn hơn nữa, chúng ta rơi vào chủ nghĩa duy luật, và trở nên cứng nhắc với những điều lệ mà quên đi phần cốt lõi của luật, đó là tình yêu và giải thoát. Thậm chí, trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta trở nên ‘nô lệ’ của luật lệ, hoặc để cho những điều lệ xã hội trói buộc chúng ta.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến luật Chúa truyền dạy qua Mười Điều Răn (x. Xh 20, 1-17). Nói đến điều răn, chúng ta thường nghĩ ngay đến những điều phải tuân giữ, những điều bắt buộc với ý nghĩ tiêu cực; trái lại, Mười Điều Răn cũng có thể được gọi là Mười Điều Cam Kết giữa Thiên Chúa và con người. Và khi nói đến cam kết, thì chắc hẳn phải có hai bên, và đôi bên đều tự nguyện giao ước và tuân giữ. Quý ông bà và anh chị đã thuộc nằm lòng Mười Điều Răn này, nhưng thiết nghĩ để sống đúng tinh thần của nó lại là một vấn đề khác. Thí dụ, nhiều năm qua đã biết bao lần chúng ta tham dự Thánh lễ với thói quen, hoặc với ý nghĩ: không đi thì Chúa phạt. Hoặc khi tham dự Bàn tiệc Thánh, chúng ta chỉ hiện diện với thân xác, còn tâm trí chúng ta đang lo nghĩ đến điều khác, hay đang suy tính...Dĩ nhiên, chỉ có Chúa và bản thân chúng ta mới biết những gì đang xảy ra trong tâm hồn hay trong tâm trí ta thôi, nhưng nếu ý thức lại thì ắt hẳn chúng ta cũng cảm thấy xấu hổ khi đến với Chúa với thái độ bất xứng này vì như Lời Kinh Thánh chép rằng: “dân này chỉ thờ Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (x. Mt 15, 8). Thiên Chúa mong muốn, mời gọi chúng ta sống cam kết tình yêu với Ngài, vui tươi tuân giữ giới răn yêu thương, quảng đại trao ban, hy sinh cho tha nhân và phụng sự Chúa. Đừng tần tiện thời giờ với Chúa, đừng chôn giấu tài năng, ơn sủng Chúa ban, nhưng hãy dâng lên Chúa tất cả thời gian, cơ hội để phụng sự Chúa và yêu mến tha nhân, cũng như quảng đại cho đi, dân hiến qua việc phục vụ cộng đoàn. Như thế, chúng ta đang sống tinh thần luật, sống những điều chúng ta đã và đang cam kết với Thiên Chúa.
Thứ đến, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy ưu tiên, chăm lo về phần thiêng liêng nữa “người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (x. Mt 4, 4b). Xã hội thực dụng ngày nay đưa chúng ta vào chỗ quy tất cả giá trị tinh thần ra vật chất, những gì có thể ‘cân, đo, đong, đếm’ được; hoặc nhiều lúc, chúng ta cứ để con thuyền đời sống thiêng liêng bị sóng gió, bảo tố ‘danh vọng, tiền tài, địa vị’, những gì có thể nhìn thấy, hay chóng qua đưa đẩy đến chỗ chìm sâu dưới đáy đại dương ‘hư vô’. Để khỏi rơi vào tình trạng bi đát này, chúng ta cần tỉnh thức, cải hối tận căn, sống theo tinh thần luật Chúa truyền dạy tóm lại trong giới răn yêu thương: Yêu Chúa – thương người. Thật vậy, chúng ta không phủ nhận điều này: vật chất cần thiết cho cuộc sống thân xác của con người chúng ta; tuy nhiên, nó không quyết định đời sống hạnh phúc trường tồn của chúng ta. Hơn nữa, nó chẳng phải là tiêu chuẩn đánh giá, khuôn vàng thước ngọc của giá trị tâm linh, đời sống thiêng liêng. Tiền tài, danh vọng, chức tước, địa vị, vật chất sẽ qua đi, nhưng giá trị tinh thần, đời sống đạo đức sẽ còn mãi, và được lưu truyền mãi mãi.
Giờ đây, chúng ta hãy đặt mình trước Chúa và tha nhân; trong thinh lặng, chúng ta nhìn lại thái độ, động lực thúc bách chúng ta sống theo luật Chúa truyền, hay chỉ giữ luật Chúa dạy? Chúng ta biết chăm lo, vun trồng đời sống đức tin hay chỉ chạy theo đời sống vật chất chóng qua? Trong niềm tín thác, tin tưởng và nhận mình là kẻ yếu hèn trước Chúa, chúng ta cùng xin Chúa ban cho chúng ta biết can đảm dứt bỏ những gì đang cản trở đời sống đức tin, cắt bỏ những gì khiến chúng ta xa lìa Chúa, xa lìa luật Chúa truyền dạy.
Trần gian này chọn đường thênh thang
Chúa dạy con đi qua con đường hẹp
Gian trần này chọn đường vinh quang
Chúa hy sinh bước trọn đường thp hình.
 
Trần gian này chọn đường huênh hoang
Chúa dạy con đi trong khiêm nhường
Gian trần này chọn đường lợi danh
Chúa đưa con bước trọn đường hy sinh.
 
Trần gian này chọn đường khinh chê
Chúa dạy con bao dung nhân hiền
Gian trần này chọn đường âu lo
Chúa đưa con bước vào đường an vui.
 
Trần gian này chọn đường vinh hoa
Chúa dạy con đi qua thập hình
Gian trần này chọn đường hư vô
Chúa đưa con bước vào đường ơn thiêng.
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 4
Hãy thanh tẩy tâm hồn

(Ga 2, 13-25)
Bước vào Chúa nhật III Mùa Chay, Lời Chúa trích Sách Xuất hành tả lại việc Thiên Chúa ban Mười Điều Răn cho dân Israel qua trung gian ông Môsê. Đến lúc Chúa yêu cầu dân duyệt xét lại từng điều xem họ có trung thành tuân giữ hay không? Tin Mừng Gioan (Ga 2, 13-25) mô tả cảnh Chúa Giêsu vào Đền thờ, chứng kiến sự bất xứng và xúc phạm đang diễn ra nơi đây, liền đánh đuổi những người buôn bán, cùng với chiên, bò, bồ câu… ra khỏi Đền thờ. Chúa nói: “Mang tất cả những thứ này ra khỏi nơi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16). 
Chúa giúp dân xét mình
Trước tiên Chúa nhắc lại Giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với con người qua trung gian Môsê. Trong Giao ước ấy, mỗi bên đều có nghĩa vụ và quyền lợi của mình: về phía Thiên Chúa, Chúa nhận dân là dân riêng của Chúa và hứa sẽ bảo vệ giữ gìn; về phía dân, họ nhận Chúa là Thiên Chúa duy nhất và tuân giữ Mười Điều Răn Chúa truyền. Bắt đầu cuộc xét mình, Chúa gợi ý: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Các ngươi có thờ thần nào khác trước mặt Ta không? Các người có lấy danh Ta để lường gạt không? Các ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sa-bat không?
Các ngươi có tôn kính cha mẹ không? Các ngươi có phạm tội giết người; cps ngoại tình; trộm cắp; có làm chứng dối hại anh em mình; có tham lam nhà của kẻ khác; ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu không? (x. Xh 20,1-7). Đúng là bài thao luyện tâm hồn.
Chúa cũng đã truyền cho Môsê nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel biết rằng, họ là thánh, nên phải tránh xa dịp tội: "đừng trộm cắp, đừng nói dối, đừng phỉnh gạt kẻ khác, đừng lấy danh Chúa mà thề dối...
Các ngươi đừng nhục mạ kẻ khác và đừng hà hiếp họ. Ðừng giam tiền công lại cho đến ngày mai. Ðừng nguyền rủa người điếc, đừng đặt trước kẻ mù vật gì có thể làm cho nó vấp ngã; nhưng các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Ta là Chúa.
Ðừng làm điều bất công, cũng đừng xét đoán bất công. Ðừng thiên tư kẻ nghèo, cũng đừng nể mặt người quyền thế. Hãy cứ công minh mà xét đoán kẻ khác. Ðừng lăng mạ, cũng đừng gièm pha kẻ khác. Ðừng mưu sát ai. Ta là Chúa.
Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình. Ta là Chúa" (Lv 19, 1-2. 11-18). Ðó là lời phán Chúa.
Chúa Giêsu nổi nóng nơi Đền thờ
Chúa Giêsu là Đấng rất hiền lành, Người cũng là mẫu mực của sự hiền lành như lời Ngài dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường…” ( Mt 11, 29 ). Vậy mà chuyện gì đã làm Chúa nổi nóng nơi Đền thờ như Gioan mô tả?
Tin Mừng Gioan thuật lại: khi Chúa Giêsu vào Đền Thờ Giêrusalem, Người chứng kiến cảnh người ta bán chiên, bò, bồ câu, đổi tiền đổi bạc. Đúng là tục hoá và ô uế, bất xứng cũng như xúc phạm đang diễn ra tại nơi thánh, nơi cầu nguyện và dâng của lễ cho Thiên Chúa. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.
Thật không thể ngờ được! Một Vì Thiên Chúa rất mực hiền lành, Đấng mà “cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” ( Mt 12, 20 )… giờ đây phải dùng roi vọt và biện pháp cứng rắn đối với những người xúc phạm đến sự linh thánh của Đền Thờ Giêrusalem. Điều đó chứng tỏ cho thấy rằng việc làm ô uế Đền Thờ là một hành vi rất tai hại khiến Chúa Giêsu đau khổ và bất bình xiết bao!
Mỗi người là một đền thờ
Thánh Phaolô nói  : "Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa sao?.. Đền thờ của Thiên Chúa là thánh thiêng, anh chị em cũng vậy” (1 Cr 3,16-17). Thiên Chúa giúp dân Israel xét mình, Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ, làm cho ta nhớ đến bản thân mình. Thánh Phaolô cảnh cáo: “Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và ai xúc phạm Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy” (1Cr 3, 17).
Mùa Chay là mùa thanh luyện tâm hồn. Đọc những lời trên giúp chúng ta thanh tẩy duyệt xét lại tâm hồn ta là Đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự (x. I Cor 3,16.19) xem có xứng đáng không.
Ngày nay, có nhiều nơi dùng Thánh Đường để buôn thần bán thánh, nhưng cách xúc phạm thông thường nhất là phạm đến Đền thờ trong tâm hồn và thân xác của mỗi người và của tha nhân. Thân thể chúng ta cũng là những Đền thờ sống động, có linh hồn, có trí khôn… chứ không phải bằng gỗ đá vàng bạc vô tri vô giác. Xét ra còn cao trọng hơn Đền thờ Giêrusalem xưa. Bản thân ta được chính Ba Ngôi Thiên Chúa xây dựng nên theo hình ảnh Ngài, được Chúa Giêsu đổ Máu Thánh ra mà cứu chuộc, được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến trong ngày lãnh Bí tích Rửa tội và Thêm sức, được Chúa Giêsu tô điểm và bồi bổ bằng lời hằng sống cũng như bằng chính Thịt Máu Người và nhất là mai sau được đưa lên cõi trời vinh hiển. Không một ngôi thánh đường vật chất nào trên thế gian có được những vinh dự lớn lao như thế.
Vậy nếu Đền Thờ Giêrusalem được Chúa Giêsu yêu quý, còn Đền thờ sống động này Chúa quý trọng biết bao. Thế nên, Người đã không tiếc khi lấy chính Máu Thánh mình mà thanh tẩy chúng; không tiếc hiến mạng mình để chuộc lại chúng. Như thế thì bản thân mỗi người Ki-tô hữu là Đền thờ vô giá!
Những người làm ô uế Đền thờ Giêrusalem thì bị Chúa Giêsu đuổi đi bằng roi vọt; còn ai làm hư hại Đền thờ thiêng liêng nơi người tín hữu thì bị Chúa đe phạt nặng nề hơn. Vậy, hãy hồi tâm, nhìn thật sâu vào bản thân ta để nhận ra những đam mê tội lỗi đang làm ô uế Đền thờ… cần sớm quét sạch chúng đi. Chính mỗi người chúng ta là thủ phạm trực tiếp làm ô uế Đền thờ thân thể mình chứ không ai khác. Vậy hãy liệu mà thanh tẩy kịp thời trước giờ Chúa Giêsu lại đến.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
================
Suy niệm 5
YẾU HÈN LẦM LỖI, XIN CHÚA ĐỠ NÂNG
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 3 Mùa Chay, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu, Chúa đã từng chỉ dạy chúng ta cách chữa lành những vết thương tội lỗi: là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia cơm sẻ áo cho kẻ khó nghèo. Chúng ta nhận biết mình yếu hèn lầm lỗi, và hết lòng sám hối ăn năn, xin Chúa thương đoái nhìn đến chúng ta và đưa tay nâng đỡ.
Mặc dù, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, thân xác con người là đền thờ Chúa Thánh Thần, nhưng, do thân phận yếu hèn lầm lỗi, con người thường lãng quên Giao Ước của Thiên Chúa, và lạc xa đường lối của Người. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành đã cho thấy: Qua các điều khoản của Giao Ước, Thiên Chúa muốn làm cho Dân của Người thành một cộng đoàn huynh đệ, sống tình bác ái chân thật. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng: Ítraen đã không luôn sống theo luật đó. 
Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh đã cho thấy: Đền Thờ đích thực chính là Đức Kitô: Đức Kitô đã đón nhận một thân xác thuộc dòng dõi Ađam. Người Dothái đã phá hủy Đền Thờ thuộc dòng dõi Ađam này, tức là thân xác của Đức Kitô, nhưng, Thiên Chúa đã tái thiết Đền Thờ này vào ngày thứ ba. 
Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Xuất Hành cho thấy: Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê. Mười Điều Răn được tóm lại trong một điều duy nhất: Mến Chúa và yêu người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 18B, vịnh gia đã cho thấy: Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. 
Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô đã nói: Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Tin vào Đấng bị đóng đinh, sẽ được cứu độ, đây là điều được nói đến trong câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời. 
Trong bài Tin Mừng, khi những người Dothái hỏi Đức Giêsu: Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? Đức Giêsu đã trả lời cho họ: Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại. Chúng ta nhớ lại một lần khác, người ta đòi dấu lạ, nhưng, Đức Giêsu nói: không có dấu lạ nào khác, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna ở trong bụng cá ba ngày. Đức Giêsu sau ba ngày, Người đã trỗi dậy. Đây là một dấu lạ, mà Người muốn chúng ta tin để được cứu độ. Đức Giêsu là Đền Thờ đích thực, Đền Thờ vĩnh cửu, không ai có thể hủy hoại được. Chúng ta là chi thể của Đức Kitô, chúng ta cũng được thông dự vào sự vĩnh cửu đó, nếu chúng ta đừng để cho đền thờ của mình ra ô uế, thành nơi buôn bán, thành sào huyệt của quân trộm cướp. Để giữ cho đền thờ của mình luôn được trong sạch, chúng ta phải tuân giữ Giao Ước của Chúa, làm theo những gì Luật Chúa dạy, nhất là, ba việc đạo đức mà Hội Thánh mời gọi chúng ta thực hiện trong Mùa Chay là: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Qua Phép Rửa Tội, chúng ta đã được cùng sống lại với Đức Kitô, nhưng, khuynh hướng chiều theo dục vọng vẫn còn. Muốn Thiên Chúa được tôn vinh nơi đền thờ của chúng ta, thì chúng ta phải để cho Người chiếm hữu thân xác của chúng ta, chứ đừng để cho nó chiều theo những dục vọng thấp hèn. Nhờ đó, sự sáng của Đức Kitô trong chúng ta, sẽ chiếu giãi trước mặt người ta, để họ thấy những việc lành chúng ta làm, mà tôn vinh Cha trên trời. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
================
Suy niệm 6
MÙA CHAY - MÙA CANH TÂN ĐỀN THỜ TÂM HỒN
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Mùa Chay là mùa đáp lời mời gọi cải hối tận tâm trở về với Chúa, bỏ đàng tội lỗi, dẹp mọi thói hư tật xấu. Mùa Chay cũng là thời điểm canh tân đền thờ tâm hồn của chính mình như Thánh Phao-lô Tông đồ khẳng định: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trong đền thờ ấy” (1Cr 3, 16).
Thật vậy, Chúa Giê-su đề cập đến Đền thờ đích thực, không phải bằng gạch đá, sỏi cát, bê tông cốt thép được trang trí nguy nga đồ sộ, cho bằng chính “thân thể của Ngài” (x. Ga 2, 21). Tuy đền thờ Giê-ru-sa-lem tráng lệ, đồ sộ, là trung tâm văn hoá-tôn giáo, nơi tôn nghiêm của dân Do Thái; nhưng họ đã biến nó thành nơi buôn bán, thương mãi, đổi trác, v.v…mà chẳng hề xem đấy là “nhà cầu nguyện, nơi thờ phượng Thiên Chúa” (x. Ga 2, 16).
Lịch sử kể lại thời Vua Marcus Ulpius Nerva Traianus, được biết đến với danh xưng Trajan (năm 53 – năm 117) là hoàng đế cai trị La Mã từ năm 98 đến năm 117. Dưới quyền thống trị của ông, thời kỳ bách hại và cấm đạo gay gắt diễn ra, cụ thể Thánh Giám mục Ig-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a bị bắt. Tại tòa xét xử, hoàng đế Trajan đã chế nhạo đạo Công giáo; hơn nữa, còn gọi Thánh Ig-nha-xi-ô là thằng quỷ xấu xa, nghe vậy, ngài khẳng khái đáp:
-    Tâu đức vua, chẳng có ai lại gọi người mang Thiên Chúa trong mình là thằng quỷ dữ!
Nhà vua gặn hỏi:
-    Vậy ông mang Thiên Chúa trong mình ư?
Thánh Giám mục Ig-nha-xi-ô trả lời:
-    Thưa phải, tâu đức vua! Tôi mang Thiên Chúa trong mình, vì những người đã chịu phép rửa tội, sống đời sạch tội, đều là đền thờ của Thiên Chúa. Bởi vậy, không hạnh phúc nào lớn lao cho bằng người Công giáo, được trở nên đền thờ Thiên Chúa; và cũng chẳng có gì can hệ cho con người bằng việc trở nên đền thờ cho Thiên Chúa ngự.
Nghe xong, hoàng đế Trajan tức tối ra phát quyết:
-    Ig-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a là người đã cậy mình mang Thiên Chúa trong người, nên phải điệu về Rô-ma để làm mồi ăn cho thú dữ!
Thánh nhân đã can đảm tuyên xưng danh Thánh Ki-tô, và chẳng hề xấu hổ khi mang trong mình Thiên Chúa, trở nên đền thờ bé nhỏ cho Ngài ngự. Thời bách hại, cấm cách dưới ách đô hộ của đế quốc La Mã, người Công Giáo buộc phải chối bỏ danh Thánh Ki-tô, không thờ phượng Thiên Chúa nữa, mà tôn thờ hoàng đế như thiên hoàng vậy! Tuy nhiên, không ít Ki-tô hữu đã chịu tử đạo, đã kiên vững sống đạo, thà mất mạng sống thể xác này còn hơn phải chịu khổ hình đời đời nơi hoả ngục. Và điều này chứng thật rằng: các thánh tiền bối, tiền nhân đã một lòng giữ ‘Thập điều’ (Mười điều răn), nhất là điều răn quan trọng trước hết “Thờ phượng và kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự”. Ngoài Chúa ra, không còn chúa nào khác. Ngoài Chúa ra, không còn ông bụt bà thần nào khác. Chỉ khi sống trọn vẹn điều răn này, thì chúng ta mới có thể kiên vững giữ đúng những điều chúng ta cam kết với Chúa trong Mười điều răn (x. Xh 20, 1-17). Đây chẳng phải là gánh nặng, gông cùm đè trên đôi vai con người, mà là Mười giới răn, mười lời cam kết giữa Thiên Chúa với con người, và là giáo huấn soi đường dẫn lối hầu chúng ta không lầm đường lạc lối, không xa rời Thiên Chúa.
Tuy nhiên, ngày hôm nay, không ít người mang trong mình Chúa Ki-tô vẫn lạm dụng Đền thờ bằng nhiều cách, dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn: đến nhà thờ nhưng lo ra chia trí trong lòng. Thay vì tham dự Thánh lễ, thì chỉ ‘xem lễ’ hoặc ‘lễ gốc cây’, đi lễ nhưng ngồi xa xa phía ngoài hút thuốc, chuyện trò. Có người vào nhà nguyện/nhà thờ thì nói chuyện cười đùa, thay vì thinh lặng, trang nghiêm, tôn kính. Chưa hết, nhiều người đến nhà thờ đi lễ vì bố mẹ hạch hỏi, vì bạn bè, vì người khác, v.v…
Mùa Chay là thời gian mà Chúa thi ân ban cho ta cơ hội sám hối và canh tân đời sống. Mùa chay còn giúp chúng ta nhìn lại đền thờ tâm hồn của mình để xin Chúa thánh hoá, loại trừ những đam mê tội lỗi, những thói hư tật xấu, ngõ hầu xứng đáng trở nên Đền thờ cho Chúa ngự trị.
Nguyện xin tẩy rửa tâm hồn chúng con
Bỏ thói tôn thờ tiền tài, vật chất
Xa lìa lối sống trọng tiền bạc hơn Chúa!
Xin thanh tẩy tâm hồn chúng con
Khỏi những dục vọng đam mê
Làm vấy bẩn đền thờ Chúa ngự.
Xin gạn đục khơi trong lương tâm
Giúp chúng con chê ghét gian tham.
Thoát khỏi tính nết đố kỵ, kiêu căng.
Xin tu bổ đền thờ thân xác chúng con
Đã xuống cấp, suy tàn, bỏ bê,
Biết kính trọng thân xác mình và của tha nhân. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 7
NƠI BUÔN BÁN

“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán!”.
Gặp gỡ các Giám mục Armeni ngày 28/02/2024. Đức Phanxicô cảnh giác về điều mà ngài gọi là “ngoại tình mục vụ” khi một Giám mục coi Giáo Phận của mình là bước đệm để đạt tới một vị trí “uy tín” hơn, trong khi quên rằng mình ‘đã kết hôn’ với Giáo Phận. Ngài cũng cảnh giác việc lãng phí thời gian để đàm phán ‘những điểm đến’ hoặc việc ‘thăng chức mới’ bởi vì “người ta không mua các Giám mục ở chợ, nhưng chính Chúa Kitô đã chọn họ làm người kế vị các tông đồ và mục tử cho đàn chiên Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tôi e rằng, khi Đức Thánh Cha nói những lời mạnh mẽ trên - “ngoại tình mục vụ”, “người ta không mua các Giám mục ở chợ” - hẳn ngài đã liên tưởng đến những gì Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, “Đừng biến nhà Cha tôi thành ‘nơi buôn bán!’”.
Mùa Chay, mùa xét xem những không gian thánh của Chúa nơi chúng ta, liệu chúng có biến dạng vì đã trở thành ‘nơi buôn bán?’. Mùa Chay còn là thời gian để tái khám phá khuôn mặt của Thiên Chúa trong mỗi người, vốn là đền thờ của Ngài, của Chúa Thánh Thần. Như vậy, những gì ‘chúng ta có’, những gì ‘chúng ta là’ đâu còn thuộc về mình!
Bài đọc Xuất Hành nói đến mười điều răn. Luật pháp Chúa luôn chuẩn mực, có giá trị cho mọi thế hệ và mọi thời đại. Bỏ qua chúng, thế giới sẽ sụp đổ, tội lỗi sẽ xảy ra. Mọi hành động tội lỗi đều bắt nguồn từ việc vi phạm nó. Chính tội lỗi và những gì ô uế đã tràn ngập, làm nhuốc nhơ linh hồn, đền thờ Chúa Kitô; nhuốc nhơ Giáo Hội, Hiền Thê của Ngài.
Tin Mừng nói đến việc Chúa Giêsu trục xuất những kẻ mua bán ra khỏi đền thờ, hành động này nhắc chúng ta rằng, có lẽ chúng ta đã làm ô uế ‘các đền thờ’ của Ngài. Không chỉ những gì chúng ta được giao - Giáo Phận, Giáo Xứ, cộng đoàn, gia đình… nhưng có thể là chính thân xác chúng ta. ‘Đền thờ’ trở thành ‘nơi buôn bán’ là điều bất thường. Việc sử dụng những ân tứ, địa vị và thân thể Chúa ban vào mục đích thương mại là một tội lỗi.
Hãy bắt đầu cuộc chiến bằng cách vạch tên chúng tại toà giải tội. Xác định được một vấn đề đã là một thành công trong việc giải quyết nó. Hãy cầu xin lòng thương xót Chúa và Ngài sẽ thứ tha. Khi đi xưng tội, chúng ta không chỉ nhận được ơn tha thứ mà còn nhận được ân sủng để vượt qua những cám dỗ trong tương lai. Nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến, bạn và tôi hãy trang bị vũ khí cho mình tại toà giải tội.
Anh Chị em,
“Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán!”. Có lẽ chúng ta đã biến nhiều không gian thánh thành ‘nơi buôn bán’ khi tích lũy rất nhiều thứ vốn đang đè nặng về mặt tinh thần. Cuộc sống chúng ta chứa đầy những điều phù phiếm vốn đã chiếm giữ không gian của Chúa. Để mang vào cái mới, cái cũ phải nhường chỗ! Vì vậy, phải loại bỏ những thói quen, khuynh hướng và đường lối tội lỗi vốn đã làm tê liệt ân sủng thiêng liêng trong cuộc sống, khiến chúng ta phá sản về mặt thiêng liêng và chậm lớn trong việc phát triển tinh thần. Đó có thể là hám danh, tham lam, ngoại tình, thờ ngẫu tượng… khiến bạn và tôi suy sụp suốt những năm qua và khiến cuộc sống của chúng ta tràn ngập nhiều điều ô uế. Mùa Chay, mùa tuyên chiến và bày tỏ sự tức giận đối với những ‘nơi buôn bán’ không đáng có!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con không là thiên thần, đừng để con thách thức bản thân! Dọn sạch lòng con, đừng để nó thành ‘nơi buôn bán’ hay ‘hang trộm cướp’ không hơn không kém!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
================
Suy niệm 8
Thanh Tẩy Đền Thờ
Xh 20,1-17; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25
Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự trị, luôn mang tính chất linh thiêng, thánh thiện. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Không chịu được cảnh Đền Thờ bị tục hóa, Người nổi nóng, lấy dây làm roi xua đuổi chiên bò ra khỏi, đổ tung tiền bạc, lật nhào bàn ghế. Người hô những kẻ đang bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16).
Nhà thờ nơi quy tụ dân Chúa, là nhà cầu nguyện. Cung Lòng yêu thương của Chúa là nhà cầu nguyện. Ngay cả nơi nơi tôi đang đứng cũng có thể là nhà cầu nguyện. Dù ở bất cứ nơi đâu (phòng ở, trên xe, nơi làm việc…) mà giúp tôi sống thân tình với Chúa thì nơi đó cũng là nhà cầu nguyện. Nơi nào làm cho tôi bị cắt đứt mối tương quan với Chúa mà chạy theo những thứ phù vân, ích kỷ, gian tham, bất chính… là đã bị biến thành “nơi buôn bán”. Lòng tôi là nhà cầu nguyện. Thánh Phaolô nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3, 16). Ta phải ý thức giữ gìn đền thờ ấy luôn trong sạch, cao quý từ lời nói, tư tưởng đến tình cảm, hành động. Nếu ta biến nơi ấy thành nơi buôn bán, ma quỷ thừa cơ tấn công, rồi ta sẽ trở thành nô lệ cho chúng. Tôi phải lo thanh tẩy, trả lại vị thế ưu việt cho Thiên Chúa trong Đền Thờ. Đọc và suy gẫm Lời Chúa đêm ngày sẽ được soi sáng trí lòng chúng ta, để nhận ra những bụt thần và tội lỗi trong tâm hồn, để nhờ Lời Chúa thanh tẩy chúng. Có lời Thánh vịnh kia nhắc nhở ta luôn thanh tẩy đền thờ tâm hồn: “Cứ mỗi sớm mai con lại diệt trừ-hết những phường ác nhân trong xứ sở”. Ngày ngày nhờ Chúa ta được sửa chữa, thanh tẩy hết “phường ác nhân” trong “xứ sở” tâm hồn ta.
Ngày xưa Đức Giêsu vào Đền Thờ và đuổi những kẻ đang buôn bán, trả lại sự ưu việt cho Đền Thờ, thì lại làm cho nhóm Biệt phái và Kinh sư bực tức đến độ muốn khử trừ Ngài.
Ngày nay để thanh tẩy đền thờ tâm hồn tôi, Ngài có vào lòng tôi được không khi tôi không cho phép Ngài? Nếu tôi không tha thiết với Ngài, thì thật là khó. Ngài có thể “xua đuổi quân buôn bán” ra khỏi lòng tôi được không, khi tôi cứ muốn giữ lại mọi thứ trong “vũng lầy êm ái” đó? Lúc ấy tôi cũng khó chịu trong sự giằng co, có khi lại muốn “khử trừ” Ngài như những người Biệt phái và Kinh sư xưa.
Lạy Chúa! với cái chết trên Thập giá, Chúa đã trở thành ngôi Đền Thờ sống động của Thiên Chúa. Nơi đây con người được liên kết với Chúa, được thánh hóa bằng các Bí tích, được cầu nguyện và chia sẻ cho anh em. Xin Chúa dùng sức mạnh của Chúa mà thanh tẩy và gìn giữ Đền Thờ của con qua các Bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Như thế, thân xác và tâm hồn con mới xứng đáng là nơi Chúa ngự luôn mãi. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Ngày thành lập Giáo Hội Việt Nam 09/9/1659?
Nữ tu Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phỏng vấn Cha Maurice Vidal, chuyên viên Giáo hội học về đề tài liên quan đến buổi đầu của Giáo hội Việt Nam với sự bổ nhiệm hai vị Đại diện Tông tòa tiên khởi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log