Thứ tư, 06/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 18 Thường niên năm B

Cập nhật lúc 15:45 02/08/2024
Suy niệm 1
BÁNH TRƯỜNG SINH
Ga 6, 24-35
Manna vẫn được xem là bánh của Thiên Chúa ban xuống bởi trời để nuôi dân 40 năm trong sa mạc trong cuộc hành trình về Đất Hứa. (Tv 78,24; Xh l6,15). Trong Do Thái giáo, có một niềm tin mạnh mẽ là khi Đấng Mêsia đến, Ngài sẽ lại ban manna cho dân chúng đang mong chờ. Việc ban manna được coi là công việc tối quan trọng đối với vai trò của Môsê, người của Thiên Chúa Với cái nhìn đó, dân chúng nghĩ rằng, nếu thật sự Đức Giêsu là Đấng Mêsia thì phải làm hơn thế nữa.
Miếng ăn là nỗi lo của mọi người trong mọi thời đại, nhất là đối với dân nghèo. Dân chúng vùng Galilê sau khi được Chúa cho một bữa ăn no nê, lại tiếp tục đổ xô đi tìm Ngài. Ðức Giêsu không trách họ về chuyện đó, nhưng Ngài cũng không ngại nói thẳng: “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Con người ta vẫn thế, dễ để cho miếng ăn vật chất quyết định về tính cách của mình. Quan niệm của người đời vẫn mang tính cách như thế: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nói lên điều đó:“Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi”. Ngay trong tôn giáo, các tín hữu vẫn nói: có thực mới vực được đạo. Vật chất miếng ăn vẫn chiếm hàng đầu. Còn chúng ta thì sao?
Có thể chúng ta cũng bị yếu tố vật chất tác động mạnh mẽ: khi sung túc thì sốt sắng; khi túng thiếu thì nguội lạnh, thậm chí có người buông bỏ đời sống đức tin khi làm ăn thất bát, cầu xin mãi mà cũng chẳng thấy hơn gì. Cũng như dân Do Thái xưa, muốn quay về Ai Cập để tìm lại miếng ăn xưa, dù phải tiếp tục đem thân làm nô lệ. Đức Giêsu muốn nâng cao phẩm cách của con người nên đã đưa ra lời cảnh giác: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”. 
Rất tiếc, người dân Galilê cũng lại nhớ đến chiếc bánh hôm qua trong sa mạc. Họ dừng lại ở phép lạ hóa bánh bên ngoài, không muốn tìm kiếm hay mơ ước những gì lớn lao hơn, chỉ xin cho được có bánh ăn mãi. Con người ngày nay trong điều kiện kinh tế tiến bộ vượt bực, nhưng có lẽ tâm trạng cũng không khác gì dân Do Thái xưa, chỉ muốn sống với những gì trước mắt. Người nghèo thì bị cuốn hút vào công việc làm ăn, để giải quyết vấn đề cơm áo gạo tiền hằng ngày. Người giàu thì chạy theo tiện nghi và thời trang. Đứng trước cuộc sống hiện đại, ta thấy nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao, tìm kiếm sự thỏa mãn ngày càng nhiều. Rốt cuộc, kẻ nghèo người giàu đều có nguy cơ trở nên nô lệ cho vật chất, không nhận ra phẩm giá cao cả của đời mình.
Văn hào Leon Tolstoi viết một tiểu thuyết ngắn với tựa đề: “Con người chúng ra sống bằng gì?” Tác giả nêu ra câu hỏi và trả lời ngay sau đó: “Con người chúng ta sống bằng tình yêu”. Có no thỏa bằng vật chất rồi cũng chết, chỉ có tình yêu mới làm cho ta sống mãi, vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Cơm bánh không thể thỏa mãn cơn đói của một con người có tâm hồn linh thiêng. Con người còn đói nhiều thứ: đói được tôn trọng, được chấp nhận; đói niềm tin, đói hy vọng, đói được yêu thương, an bình và lẽ sống. Cho dù đã thỏa mãn mọi thứ trong cuộc đời này từ vật chất cho tới tinh thần, thì người ta vẫn cảm thấy thiếu hụt điều gì đó rất sâu xa, mà thiếu nó thì mọi cái khác đều trở thành dư thừa.
Chẳng lạ gì mà các bạn trẻ thành công và ngay cả những người đã thành đạt vẫn rơi vào thất vọng, cô đơn, chán chường, có khi tuyệt vọng, vì không tìm thấy ý nghĩa cho đời mình. Ý nghĩa hay khát vọng sâu xa nhất của con người là chính Thiên Chúa, là sự sống đời đời chứ không phải đứt đoạn với sự sống đời này. Thiên Chúa mới là cùng đích, là chóp đỉnh của mọi khát vọng, là suối nguồn hạnh phúc của đời sống con người. Đó cũng là kinh nghiệm của thánh Augustinô, luôn khắc khoải cho tới khi nào gặp được chính Chúa.
Mọi khát vọng no thỏa của con người cũng chỉ là biểu hiện sự khao khát Tuyệt Đối mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng. Đức Giêsu khơi dậy sự khát vọng đó nơi tâm hồn con người. Ngài không cho dân chúng thứ manna ngày xưa, nhưng cho họ thứ bánh đích thực bởi trời, bánh ban sự sống đời đời như Lời Ngài công bố: “Chính tôi là bánh trường sinh, Ai đến với tôi sẽ không đói, ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ”. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu, hãy tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Hãy để cho Lời Ngài và Mình Ngài nuôi dưỡng ta, thần hóa ta, để ta đạt tới chính Thiên Chúa, Đấng duy nhất lấp đầy khao khát vô biên của con người, mà ngoài Ngài ra, tất cả đều là hư không.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Kinh nghiệm sống hằng ngày cho con thấy,
càng hưởng thụ con càng khao khát,
thỏa thích rồi nhưng lại cứ khát khao,
mọi thứ trần gian cho dù có đầy tràn,
cũng chẳng thể làm lòng con thỏa mãn.

Bao người đầy thế lực và tiền bạc,
nhưng chẳng tìm thấy được bình an,
cuối cùng rồi cũng đến lúc chán chê,
có khi còn phải gánh lấy những ê chề,
còn cơ may khi ai đó biết quay về,
để tìm cho đời mình một ý nghĩa.

Ý nghĩa của đời con là chính Chúa,
Đấng đã dựng nên con cho chính Ngài,
bởi vì mọi thứ khác sẽ tàn phai,
càng bám níu lại càng thêm hư hại,
chẳng lạ gì con khắc khoải khôn nguôi,
cho tới khi được yên hàn trong Chúa.

Nhìn vào tận thâm tâm con mới thấy,
trái tim người có khoảng trống mênh mông,
mà chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy,
nhưng thực tế chúng con vẫn u mê,
vẫn chạy theo những vinh hoa phù thế,
chưa dám sống cho những gì mình tin.

Xin cho chúng con sớm nhận ra,
chỉ có Chúa mới thật là tất cả,
là bánh ban sự sống đến muôn đời,
mà lòng con khao khát mãi khôn vơi.

Chúa cho con được diễm phúc cao vời,
được rước Chúa ngay trong từng thánh lễ,
xin cho lòng chúng con luôn say mến,
tìm mọi cách để được đến với Ngài. Amen.

Lm. Thái Nguyên
===============
Suy niệm 2
NỖI KHAO KHÁT THẲM SÂU
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Vốn là những thụ tạo, chúng ta có vô vàn cơn đói khát ngoài cơm bánh. Dĩ nhiên, không phải mọi khao khát cần được thoả mãn, vì chưng dục vọng được đáp ứng thì cơn đói cũng như sự đòi hỏi càng phình to. Thế nên, chúng ta giữ lại những khao khát cần được dưỡng nuôi, cần được ‘tưới gội’ hầu xứng đáng trở nên con người đúng nghĩa và là con cái Thiên Chúa đích thực.
Thật vậy, chẳng ai muốn mình không là gì cả, mà chúng ta khao khát được cảm thấy mình quan trọng, dù chỉ quan trọng đối với một người. Chúng ta khao khát được chấp nhận, khao khát những mối tương quan gắn kết, vì ‘không ai là một hòn đảo, và là cây cỏ trơ trọi trên đỉnh đồi giữa cơn gió rét hay nắng chói chang’. Chúng ta khát khao niềm tin, chúng ta khao khát hy vọng, và chúng ta khao khát tình yêu. Nếu nỗi niềm này được no thoả thì hầu hết mọi cơn đói khát sẽ biến tan. Tuy nhiên, trong trăm ngàn cơn đói, một nỗi khát khao sâu thẳm và là nền tảng cho mọi khát vọng con người, đó là ước muốn sự sống đời đời. Nói cách khác, đó là khao khát Thiên Chúa, khao khát được nên một với Thiên Chúa, như Thánh Âu-gus-ti-nô diễn tả trong tác phẩm Confessio (Tự thuật): ‘Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên lòng chúng con cứ hoài khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa mà thôi!’ (Quia fecisti nos ad te, Domine, et inquietum est cor nostrum donec requiescat in te [For Thou hast made us for Thyself and our hearts are restless until they rest in Thee])
Cảm nghiệm khao khát này chẳng phải mang tới bất hạnh, mà nói cho cùng chính là sự chúc lành. Nó đưa chúng ta ra khỏi tính trì trệ và giữ cho dòng sông khát vọng chân chính chảy ra biển khơi. Hằng ngày, trong các siêu thị  và trung tâm thương mại, chúng ta chứng kiến biết bao xe đẩy hàng chất đầy thức ăn và đồ uống chất lượng cao, bổ sung dinh dưỡng cho con người. Tuy nhiên, chúng ta không thể tìm thấy loại lương thực khác biệt này trong các siêu thị, mà duy chỉ một mình Thiên Chúa mới ban lương thực ấy cho chúng ta thôi. Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn những khao khát sâu xa nhất của chúng ta. Đức Giê-su bảo họ: Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ!”” (Ga 6, 35). Vì mọi lương thực khác sẽ hư mất, sẽ chóng qua theo thời gian, chỉ lương thực thường tồn mới đem lại phúc trường sinh. Do đó, Chúa Giê-su khuyên răn chúng ta: “…hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6, 27).
Vậy, ‘ra công làm việc để có lương thực thường tồn’ cụ thể thế nào? Trước hết, chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài đã thương ban cho chúng ta bánh trường sinh qua Bí tích Thánh Thể, qua Thánh Lễ. Do đó, mỗi khi cử hành Thánh Lễ (đối với linh mục), hoặc tham dự Thánh Lễ (đối với giáo dân), chúng ta sống Bí tích Tình yêu ấy và trở nên chứng nhân tin yêu, chứng nhân bình an, chia san với hết mọi người như Mình Thánh Chúa được bẻ ra cho chúng ta thế nào, thì chúng ta cũng trở nên tấm bánh yêu thương, vị tha cho tha nhân như vậy. Thứ đến, như lời nhắn nhủ của Thánh Phao-lô Tông đồ: “…anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa…anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4, 22-24). Cởi bỏ định kiến, thái độ không đúng đắn, cởi bỏ cái tôi, gạt bỏ lòng tự phụ, tự cao, khinh khi…, mà mặc lấy tinh thần bao dung, tâm hồn mở rộng, biết đón nhận tha nhân, và trở nên khiêm nhường. Đâu đó có lẽ chúng ta đã từng nghe câu nói này: ‘Cần một ngày để đưa dân Do thái ra khỏi Ai-cập, nhưng cần bốn mươi năm để đưa Ai-cập ra khỏi người Do Thái’. Đúng vậy, lối sống Ai-cập đã ăn sâu vào trong tâm khảm người Do thái, khiến họ lãng quên giao ước với Thiên Chúa, quên đi theo đường lối của Ngài…Tương tự, chúng ta cũng vậy, ‘ngựa quen đường cũ’, rơi vào tình trạng ‘xa lìa Chúa, tránh né tha nhân’, biện hộ cho những thói quen không tốt của bản thân, v.v…
Sau cùng, để kết thúc bài chia sẻ này, xin mượn câu chuyện đời của ông Charles Colson. Là người thành đạt, sở hữu một văn phòng riêng cạnh toà Bạch Ốc, nhưng ông luôn cảm thấy một hố sâu thẳm trong lòng, và dường như còn thiếu điều gì đó trong cuộc đời. Sau khi gặp người bạn thân, nghe anh bạn này thuật lại sự trở về của mình, ông chợt khám phá ra điều mình còn thiếu. Và thế là lần đầu tiên trong đời, ông cầu nguyện với Chúa rằng: ‘Lạy Chúa, con không biết làm cách nào để tìm kiếm Ngài, nhưng con sẽ nỗ lực không ngừng. Hiện giờ con chỉ là kẻ hèn mọn chẳng mấy tốt lành, nhưng con vẫn muốn dâng hiến cho Chúa. Xin thương nhận lấy tâm hồn con!’ Từ đó trở đi, thậm chí mãi cho đến hôm nay, ông vẫn rảo quanh khắp nơi để loan truyền Tin Mừng, nhất là trong các trại giam và trường đại học.
Cầu nguyện:   Duy chỉ mình Chúa biết rõ hồn con
                       Và mọi khao khát sâu thẳm dường nào.
                       Giờ đây, thương chạm tận đáy lòng con
                       Dưỡng nuôi con mãi bằng Bánh trường sinh. Amen!
 
Lm. Xuân Hy Vọng
===============
Suy niệm 3
CHÚA HẰNG RỦ THƯƠNG NÂNG ĐỠ
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 18 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn, xin Chúa hằng rủ thương nâng đỡ chúng ta, cùng ban ơn đổi mới và giữ gìn mọi loài Chúa dựng nên cho chúng ta được nhờ.
Chúa hằng rủ thương nâng đỡ chúng ta, bởi vì, Chúa là Chúa và là Cha của tất cả mọi người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Amốt cho thấy: Chúa nhìn cao hơn những quyền lợi trước mắt của Dân Người. Những hành động báng bổ của người Môáp đối với vua Êđôm cũng sẽ bị trừng phạt. Như thế, Thiên Chúa xuất hiện không phải chỉ như Đấng che chở dân Ítraen, nhưng còn là, Đấng bảo vệ công lý cho hết thảy mọi người. Chúa lập tòa xét xử, Người xét xử thế giới theo lẽ công minh. Từ Xion Đức Chúa gầm lên, từ Giêrusalem Người lên tiếng. Người cai trị muôn dân theo đường chính trực. 
Chúa hằng rủ thương nâng đỡ chúng ta, vì thế, chúng ta hãy luôn đặt niềm tin tưởng nơi Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, mở đầu bức thư được coi là của thánh Banaba cho thấy: Hy vọng được sống đời đời là khởi điểm và cùng đích của đức tin chúng ta… Ông Ápraham tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính. Vì biết rằng con người được nên công chính nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Kitô Giêsu để được nên công chính vì nhờ tin vào Đức Kitô. 
Chúa hằng rủ thương nâng đỡ chúng ta, bằng cách nuôi sống chúng ta cả về thể xác lẫn linh hồn, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Xuất Hành cho thấy Đức Chúa phán cùng Môsê: Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 77, vịnh gia cũng đã cho thấy: Chúa ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ. Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần, Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực. Chúa đưa dân vào miền thánh địa là vùng núi non tay Người đã chiếm.
Chúa hằng rủ thương nâng đỡ chúng ta, vì thế, chúng ta hãy cởi bỏ con người cũ, cùng với những ham muốn phù phiếm, để ham thích một mình Chúa mà thôi, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Lời Chúa là sự thật, là Bánh hằng sống, Bánh đích thực. Thức ăn là để nuôi sống, ăn vào mà không làm cho sống, thì đó là thức ăn giả. Trong hoang địa, qua Môsê, Thiên Chúa đã ban “Manna” để Dân Chúa có của ăn qua ngày. Trên thập giá, qua Con Một của Người, Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta lương thực trường tồn, không hư nát. Ai tin và đến lãnh nhận Bánh hằng sống, thì sẽ không phải đói, phải khát, nhưng, sẽ được sống muôn đời. Con người cũ của chúng ta ham thích ăn những thứ phù phiếm, giả trá. Chúng ta hãy để cho Thần Khí biến đổi, để trở nên con người mới, được nuôi sống bằng những thức ăn mới, lương thực mới là chính Đức Kitô. Ăn gì bổ nấy, ăn Lời Chúa sẽ trở nên giống như Chúa. Chúng ta tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn. Chúa hằng rủ thương nâng đỡ chúng ta, ước gì ta luôn biết chạy đến với Chúa, để nhận lãnh lương thực trường tồn nuôi sống chúng ta. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
===============
Suy niệm 4
Của ăn tồn tại cho cuộc sống muôn đời
(Ga 6, 24 – 35)
Thiên Chúa nhân lành và yêu thương, Ngài đã tạo dựng trời và đất “theo lòng nhân lành và quyền năng toàn năng của Chúa, chứ không phải để gia tăng hạnh phúc cho riêng Ngài. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Chúa thực sự mong muốn những điều tốt đẹp cho con người và hành động theo mong muốn đó.
Manna và chim cút trong sa mạc
Trên đường tiến về Đất Hứa, cộng đoàn con cái Israel trước cái đói thể lý. Đói không có gì ăn thì sẽ chết. Họ sợ chết, nên họ đã kêu trách Thiên Chúa, người dẫn dắt họ là ông Môsê và Aaron vì họ không có bánh và thịt để ăn : “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói?” (Xh 16, 2-4)Thiên Chúa đã ban cho họ manna rơi xuống như sương sa và chim cút bay rợp các trại (Xh 16,2-4.12-15).
Bánh và cá do Chúa Giêsu hoá ra nhiều
Dân chúng thời Chúa Giêsu, trước phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê. Hôm sau họ lại tìm đến Người, mong được ăn bánh nữa. Đám dân này vì cái bụng, hay cụ thể hơn họ sợ chết đói nên đi tìm bánh để ăn chứ không tìm Đấng Cứu Thế. Lời Chúa Giêsu minh chứng: “Các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26). Chúa nói với họ về một thứ bánh khác : “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực đem lại phúc trường sinh”. Từ của ăn vật chất, Chúa đã hướng dẫn họ đến của ăn hằng sống. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ” (Ga 6, 35).
Hãy ra công làm việc vì của tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời
Từ cái bụng rỗng không có gì, tức đói thể xác, Thiên Chúa đã cho “cho bánh từ trời rơi xuống như mưa”, nhưng cũng để thử coi dân có tuân giữ lề luật của chúa hay không (x. Xh 16, 4). Từ của ăn phần xác, Chúa Giêsu khơi dậy sự khao khát của ăn đích thực cho sự sống đời nơi lòng họ. Tìm kiếm bánh để ăn là cần thiết, nhưng vun trồng mối quan hệ với Chúa Giêsu, củng cố niềm tin vào Người, Ðấng là bánh sự sống, đã đến để giải cơn đói chân lý, cơn đói công bình, tình yêu còn quan trọng và cần hơn thế nữa. Để có được thì ngay hôm nay phải ra công làm việc, việc đó chính là: “Tin vào Chúa Giêsu là Đấng mà Chúa Cha sai đến” (Ga 6,29).
Chúng ta tự hỏi: Tôi tin Chúa, tìm Chúa và theo Chúa vì điều gì ? Phải chăng là để được ăn bánh no nê ? Có người sẽ nói, chúng con đến tham dự Thánh lễ, đến tìm gặp Chúa chứ còn gì nữa. Phần lớn câu trả lời sẽ là như vậy. Chắc chắn Chúa Giêsu rất vui khi thấy chúng ta đang nỗ lực tìm kiếm Chúa và đi theo Chúa.
Đúng, chúng ta đến đây tham dự Thánh lễ, xin ơn khỏe mạnh phần hồn, an lành phần xác, nhưng sự sống đời đời phải là mục tiêu chúng ta nhắm tới. Lời Chúa Giêsu nói với đám đông xưa kia, cũng là lời Chúa dạy chúng ta ngày hôm nay: "Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời" (Ga 6, 27).
Chúng ta vẫn làm việc không ngừng đấy thôi, nhưng lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta. Ra công làm việc để có nhiều của cải thăng tiến bản thân, phục vụ gia đình, góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội là điều chính đáng. Nhưng không thể làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa nhật dẫn đến bỏ lễ Chúa nhật và lễ trọng buộc, bỏ đọc kinh tối sớm là điều tối cần thiết cho sự sống đời đời. Hãy thực thi đức công bằng trong làm ăn, thuận mua vừa bán, đừng mùa thừa bán thiếu, đánh đổi trắng đen thu lời bất chính, có kiếm được lương thực dồi dào thì cũng hư nát và chỉ dành cho sự sống tạm bợ đời này. Lương thực không hư nát là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa là lương thực nuôi dưỡng phần linh hồn chúng ta, giúp chúng ta đạt đến cuộc sống vĩnh cửu sau này. Thứ lương thực cao quí ấy được ban bởi Đấng Hằng Sống. Mặc dù được trao ban cách miễn phí, nhưng muốn có được Bánh Hằng Sống ấy, con người phải làm việc, mà công việc Thiên Chúa muốn con người phải làm là hãy đến và tin vào Đức Ki-tô, vì "Ai đến với Ngài, không hề phải đói; ai tin vào Ngài, chẳng khát bao giờ" (x. Ga 6.35).
Vì thế, tin không còn là công việc, nhưng là công trình của Thiên Chúa. Tin là "ra công làm việc… vì của ăn vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời" (Ga 6, 27)Vậy, chúng ta hãy ra sức tìm những của ăn không hư nát là thánh ý Chúa.
Lạy Chúa xin giúp chúng con hiểu rằng, đón nhận thánh ý Thiên Chúa là thứ lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Xin đừng để một ai trong chúng con lạc xa thứ lương thực cao quí này. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy niệm 5
CƠN ĐÓI TÂM LINH

“Hãy ra công làm việc… để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh!”.
“Được tạo dựng cho vô biên, mỗi người có một cơn đói tâm linh bên trong; cơn đói đó có tên ‘Lỗ Hổng của trái tim’. Dù nhỏ hay không quá nhỏ, nó vẫn là một lỗ hổng ‘có kích cỡ Chúa Kitô!’; nó thuộc về Ngài, Đấng không cho phép bất cứ điều gì khác lấp đầy!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho biết, dân chúng lại tìm Chúa Giêsu để được ăn no nê; Ngài sử dụng cơn đói thể xác để chỉ cho họ thấy một ‘cơn đói tâm linh’ sâu sắc hơn.
Mỗi người chúng ta đều đói, liên tục đói và muốn được thỏa mãn! Hẳn thức ăn thức uống là một trong những cơn đói, nhưng cơn đói sâu sắc nhất mà mỗi người đều có là ‘cơn đói tâm linh’, nó còn có tên ‘Lỗ Hổng của trái tim!’. Vấn đề là chúng ta thường cố thoả mãn ‘theo những cách không bao giờ thoả mãn’. Do đó, bạn và tôi cần nghe lời Chúa Giêsu, “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh!”. Lương thực Ngài ban là gì? Đó là Mình và Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Ngài. Đó chính là Bí tích Thánh Thể!
Đoạn văn này mở đầu cho diễn từ dài - “Bánh Ban Sự Sống” - sẽ được đọc trong ba Chúa Nhật tiếp theo. Suốt diễn từ này, Chúa Giêsu nói rõ, Thịt Ngài “thật là của ăn”, Máu Ngài “thật là của uống”. Ăn Thịt và uống Máu Ngài là con đường duy nhất dẫn đến sự sống đời đời. Một số người nghe điều này thấy rằng quá khó để chấp nhận; họ bỏ đi. Ngài đã từng hỏi nhóm Mười Hai liệu họ có rời đi không; Phêrô thưa, “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con sẽ theo ai? Thầy có lời ban sự sống đời đời!”.
Suy gẫm về lời dạy này của Chúa Giêsu trong vài tuần tới, điều quan trọng là chúng ta hãy bắt đầu với nền tảng vốn là ‘cơn đói tâm linh’ của mình! Mỗi chúng ta đều trải nghiệm và nhận thức được nó. Không ai thoát khỏi nó. Vì lý do đó, hãy nhìn vào tâm hồn. Bạn thấy gì? Có một sự bồn chồn và ham muốn chưa thoả mãn nào đó không? Bạn có cảm nhận những cơn thèm muốn trong tâm hồn mình? Khi thấy được điều này, hãy biết rằng, bạn đã khám phá ra ‘điểm khởi đầu’ của cuộc sống viên mãn. Nếu không thể thấy được cơn đói bên trong, bạn không thể hướng đến nguồn thoả mãn!
Anh Chị em,
“Để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh!”. Thánh Thể là lương thực thường tồn, nguồn mạch của tất cả những gì được mong ước! Tuy nhiên, chúng ta thường không thấy điều đó nên dễ dàng rơi vào cái bẫy coi Thánh Thể là nghĩa vụ phải thực hiện mỗi tuần, thậm chí có thể coi là ‘bất tiện’. Nếu đây là đấu tranh của bạn, hãy thử áp dụng vài Chúa Nhật tới để xem xét lại sự hiểu biết của bạn về Bí tích Thánh Thể. Thánh lễ Chúa Nhật, hơn bất kỳ điều gì khác, phải được hiểu là nguồn thoả mãn sâu sắc nhất của chúng ta. Nó phải được coi là câu trả lời cho mọi khát khao, sự bồn chồn bên trong vì ‘cơn đói tâm linh’ đang cồn cào. Không phải tiền bạc, sự nổi tiếng, địa vị, quyền lực hay bất kỳ điều gì làm chúng ta thoả mãn. Nhưng là Chúa! Ngài đến trước hết và trên hết trong Thánh Lễ. Bạn có tin và hiểu được điều đó không?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đổi mới và làm sâu sắc thêm tình yêu của con đối với Quà Tặng Thánh Thể; nhờ đó, ‘Lỗ Hổng của trái tim’ con được lấp đầy và con hết đói!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
===============
Suy niệm 6
HƠN CẢ MAN-NA
Ở bên Nhật, mục vụ di dân hiện đang rất cấp thiết. Mỗi Thánh lễ tiếng Việt cho cộng đoàn Việt Nam thường đầy ắp. Không chỉ người Công Giáo, mà còn đông đảo các bạn không Công Giáo cũng đến tham dự. Mỗi khi thấy bạn bè Công Giáo lên rước lễ, họ hiếu kỳ và thường hỏi: ủa bạn vừa nhận cái gì mà cho vào miệng vậy? Một số lại cứ tưởng nhận được kẹo ngọt hay bánh men để ăn!
Tuy nhiên, là người Công Giáo, được học giáo lý từ nhỏ, được xưng tội rước lễ lần đầu, chúng ta biết và hết lòng cung kính khi lãnh nhận Bánh Thánh. Nhưng đôi lúc, chúng ta phải tự hỏi bản thân: tôi mang lấy tâm tình nào mỗi khi tham dự Thánh lễ, mỗi lần lãnh nhận Bí tích Thánh Thể? Và tôi sống ra sao với ân huệ được rước chính Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô?
Như xưa dân Is-ra-el được ăn man-na no nê thế nào, giờ đây qua mỗi Thánh Lễ, chúng ta được lãnh lấy Bánh từ trời xuống, Bánh ban sự sống, và Bánh Thánh nuôi hồn vậy.
Bánh từ trời xuống
Sách Xuất Hành thuật lại: con cái Is-ra-el kêu trách Mô-sê và A-a-ron, và Thiên Chúa đã nghe tiếng họ kêu than, bèn phán cùng với Mô-sê: “Đây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa…” (x. Xh 16, 4). Thiên Chúa đã tuôn đổ man-na từ trời xuống nuôi dưỡng dân chúng. Ngày nay, chúng ta được Chúa mến chuộng, chăm sóc còn hơn bánh man-na. Ngài ban chính Con Một cho chúng ta; và Đức Giê-su Ki-tô chẳng phải từ trời cao, nhập thế, cùng nhập thể, mặc lấy xác phàm để cứu độ chúng ta, và trở nên Bánh hằng sống, dưỡng nuôi chúng ta hằng ngày hay sao? Chính Đức Giê-su xác quyết: “Ta bảo thật các ngươi, không phải Mô-sê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải tự trời xuống…” (x. Ga 6, 32-33). Vậy, chúng ta phải hết lòng cung kính, năng dọn lòng rước lấy Bánh này. Siêng năng chạy đến kín múc thánh ân và ơn chữa lành hồn xác mỗi khi đến với Bí tích Thánh Thể.
Bánh ban sự sống
Đức Giê-su không chỉ là Bánh từ trời xuống, mà còn là Bánh ban sự sống như ngài khẳng định: “Vì bánh của Thiên Chúa…ban sự sống cho thế gian”, “chính Ta là bánh ban sự sống” (x. Ga 6, 33. 35). Không đơn thuần ban sự sống thể lý cho dân Is-ra-el như man-na ngày xưa, mà Đức Giê-su tận hiến chính sự sống Ngài cho chúng ta nữa. Hơn thế, Ngài ban sự sống đời đời cho chúng ta, “ai đến với Ta, không hề phải đói; ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6, 35). Dù hiện diện một cách đơn sơ, tầm thường nơi hình bánh và rượu, nhưng Đức Giê-su thâm nhập, thẩm thấu và thánh hoá chúng ta mỗi lần được rước Ngài vào lòng. Ngoài ra, Ngài trở nên một với ta, và kết hợp trọn vẹn với ta trên suốt cuộc hành trình trần thế này. Vì thế, chúng ta “…hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời…” (x. Ga 6, 27). Thời đại ngày nay, chúng ta thường làm ngược lại điều này; thay vì nỗ lực sống đạo, thực thi giới răn yêu thương, thì chúng ta lại lao vào thú vui trần thế, tham vọng trần tục, bám víu vào những gì tạm thời chóng qua như tiền-tài-danh vọng. Dường như chúng ta luyến lưu và kết chặt với sự sống sẽ hư mất này, hơn là sự sống đời đời! Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ giáo đoàn Ê-phê-sô: “…anh (chị) em chớ ăn ở như dân ngoại…hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc” (x. Ep 4, 17. 22). Khi được rước Bánh Hằng Sống, chúng ta phải để Đức Giê-su Ki-tô điều phối, hướng dẫn, biến đổi chúng ta trên mọi phương diện. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể “mặc lấy con người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật” mà thôi (x. Ep 4, 24).
Bánh Thánh nuôi hồn
Trong mọi nơi, mọi lúc, mọi trạng huống, mọi hoàn cảnh, mọi bậc sống, mọi vai trò trách nhiệm, mọi công việc, v.v…chúng ta được mời gọi trở nên giống Chúa, Đấng ban chính mình cho chúng ta. Dĩ nhiên, Ngài không chỉ nuôi hồn chúng ta, mà còn nâng đỡ, chữa lành thân xác chúng ta nữa; để rồi thân xác chúng ta luôn biết làm theo linh hồn, thần trí, vốn thực hiện những gì Chúa dạy và mong muốn. Một khi lãnh nhận Bánh Thánh nuôi hồn - chính Đức Ki-tô - chúng ta “phải để Thần Khí đổi mới tâm trí” (x. Ep 4, 23), vì chưng linh hồn chúng ta luôn vâng phục và thi hành mọi việc mà Thần  Khí linh hứng. Có lẽ, chúng ta thiếu thốn về lương thực cho thân xác, nhưng linh hồn được Bánh Thánh nuôi dưỡng, sẽ giúp chúng ta vượt thắng mọi giới hạn thể lý, cũng như nâng đỡ và chữa lành toàn thể con người chúng ta. Nhờ vậy, hơn cả man-na xưa kia, Bánh Thánh nuôi hồn sẽ dìu dắt, đồng hành và gìn giữ chúng ta luôn sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa và với tha nhân.
Giờ đây, chúng ta cùng nhau thầm thỉ cầu nguyện với Chúa Giê-su Thánh Thể đang cư ngụ nơi cõi lòng chúng ta:
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô
Đơn sơ, âm thầm tỏ lộ yêu thương
Trong bánh-rượu hằng náu nương
Chính thật Bánh Thánh phi thường dường bao!
Bánh nuôi hồn tự trời cao
Trở nên tôi tớ, ai nào thấu chăng?
Xin cho con biết siêng năng
Mỗi lần rước Chúa, ân cần trao ban
Được Chúa biến đổi, bình an
Ra đi làm chứng muôn vàn hồng ân. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===============
Suy niệm 7
LƯƠNG THỰC MAU HƯ NÁT và LƯƠNG THỰC THƯỜNG TỒN
Xh 16,2-4.12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6, 24-35
Bởi hôm trước Thầy cho năm ngàn người ăn no nê, nên đám đông họ khoái Thầy lắm vì Thầy là “cây lương thực” nuôi sống họ đây, khỏi cần làm lụng vất vả (chúa họ thờ là cái bụng mà lị!) Hôm sau đám đông nườm nượp lặn lội lên thuyền, xuống biển hồ Tibêria, chỗ hôm qua xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều để tìm Thầy. Chưa thấy được Thầy họ lại gắng sức chèo thuyền đi Caphanaum, hóa ra Thầy ở bên kia Biển Hồ. Mừng và ngạc nhiên quá họ ớ lên hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” (Ga 6,25b). Nhiều khi Thầy ở bên con mà con cứ mải mê đi tìm tận đâu, sai địa chỉ nên chẳng thấy Thầy là phải. Biết rõ đâu là động lực thúc đẩy họ hăm hở tìm, Thầy đáp: “Thật tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga 6,26-27). Việc Thầy hóa bánh ra nhiều gợi lại hình ảnh manna ngày xưa nuôi dân trên đường về đất hứa, đồng thời tiên báo Bí tích Thánh Thể Thầy sẽ thiết lập trong bữa tiệc ly để nuôi chúng con trên đường trần thế vào cõi trường sinh. Ngày nay Thầy đã Phục Sinh, nhưng Thầy còn ở lại trong Lời và Mình Máu Thầy. Chính Thầy là “thứ lương thực” mà chúng con phải “ra công” tìm kiếm và tận hưởng. Vậy mà nhiều khi chúng con lại cố công tìm sự “no nê” trong cơm áo gạo tiền, danh lợi thắng thua, đẹp mặt với đời, uy tín thế giá trong cộng đoàn, an toàn trong những thực tại trần thế. Thầy muốn chúng con vượt lên trên những cái tầm thường của cuộc sống. Hãy tìm đến và tin vào Thầy, vì Thầy là nguồn sống làm no say cơn đói khát thiêng liêng của chúng con. “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6,29).
Ngày nay nếu chúng con luôn luôn tin yêu và sống với sức sống của Thầy, chúng con sẽ dần thay đổi từng tế bào đến con tim lá phổi. Thầy sẽ giải thoát chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được sự phong phú của kho tàng trên trời là chính Thầy. Thầy sẽ  là sự “no say” của chúng con mọi ngày. Mọi hoạt động, ra công cố gắng, tìm kiếm, nỗ lực phấn đấu trong cuộc đời này sẽ đưa chúng con đến đích điểm là chính THẦY, có phải vậy không Thầy ơi!
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log