Thứ năm, 02/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm A

Cập nhật lúc 10:29 28/11/2019
Suy niệm 1
Lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến
(Mt 24, 37-44)
 
Chủ nghĩa cá nhân ngự trị!
Thánh sử Mattheu viết bài Tin Mừng hôm nay trong bối cảnh các cộng đồng kito tiên khởi tại Giêrusalem gặp nhiều khó khăn. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, quân đội ngoại giáo đến xâm chiếm thành phố, phá hủy Đền Thờ và đe dọa những người Do-thái trong đó có những người đầu tiên tin vào Chúa Kito. Họ lo sợ điều tồi tệ nhất, đó là  ngày tận thế. Trong bầu không khí bất an này Giáo Hội muốn cho chúng ta nghe những lời của Chúa Giêsu để hướng đến ngày đại lễ Chúa Giáng sinh.
Thời đại chúng ta đang sống cũng thật kỳ lạ. Về một khía cạnh nào đó, tương quan giao tiếp giữa con người với nhau chưa bao giờ dễ dàng đến thế! Chỉ một vài thao tác trên máy vi tính chúng ta có thể nối kết với những người bạn trên khắp thế giới cùng một lúc: nói chuyện với nhau và nhìn được mặt nhau. 
Tuy nhiên, chúng ta vẫn sống xa nhau, vì lúc nào cũng chỉ cắm đầu vào máy vi tính và điện thoại thông minh.  Người cao tuổi cảm thấy bị cô đơn, mặc dù họ có thể đang ở trong một ngôi nhà nghỉ hưu thoải mái. Chủ nghĩa cá nhân ngự trị. Thế giới công việc không có người bạn đồng hành làm việc với nhau. Người khác là một đối thủ cạnh tranh, khi người ta muốn bảo vệ công ăn việc làm và doanh nghiệp của mình. Những người trẻ tuổi muốn chứng tỏ mình là người giỏi nhất và không bị bỏ lại phía sau! Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, phe phái này tách biệt với phe phái kia, cộng đoàn này xa rời với cộng đoàn nọ…Tất cả đều là do chủ nghĩa cá nhân ngự trị, muốn mình phải là số một…(Trung quốc muốn trở thành số một thế giới không muốn thua kém Koa Kỳ và Hoa Kỳ không muốn để cho Trung Quốc vượt mặt mình…)
Trong Tông huấn “Chúa Kito đang sống”, Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Interrnet và các trang mạng xã hội đã tạo ra một cách thức mới để truyền thông và thiết lập tương quan, là nơi giới trẻ dành rất nhiều thời gian và gặp gỡ nhau dễ dàng…đang tạo nên một cơ hội đặc biệt để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi cho nhau…Tuy nhiên, những phương tiện này khiến con người bị lệ thuộc, cô lập và mất dần sự tiếp xúc với đời sống thực tế cụ thể và như thế sẽ cản trở sự phát triển các mối quan hệ đích thực giữa người với người”(xem số 87 và 88)
Sự đổ vỡ
Chúng ta đang sống trong một thế giới như thế, có thể gây nên một sự đổ vỡ nào đó. Đổ vỡ đó ngăn cách thời đại này với thời đại khác, ngăn cách người này với người khác. Sự xuất hiện của đại hồng thủy cắt đứt tiến trình của các thế kỷ. Một mặt, thời kỳ hòa bình và thịnh vượng diễn tiến tốt đẹp trong đời sống thường ngày: “người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng”. Mặt khác, là số đông nhân loại bị nhấn chìm hoặc bị cuốn trôi theo những cơn sóng.
Chúng ta sẽ đi về đâu giữa một thế giới như thế? Mối dây liên kết chúng ta có thể bị phá vỡ: “hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận còn người kia bị bỏ rơi”. Tình trạng này khá giống với điều mà Chúa Giêsu đề cập đến vào thời gian trước Đại HồngThủy: “Cũng như trong những ngày trước Đại hồngThủy, người ta ăn uống dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thủy đến và cuốn đi tất cả”. Vì thế, khoảng cách giữa người này và người khác cần phải được xích lại, cần phải vượt qua để đi vào một thời kỳ mới, thời đại của Thiên Chúa.
Ngôi Lời Thiên Chúa nối kết chúng ta
Thế giới chúng ta đang sống cần được điều chỉnh theo thời gian của Đấng đã đến đang đến và sẽ đến với chúng ta, đó là Chúa Kito, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Thời gian của Thiên Chúa và thời gian của lịch sử gần với nhau, giống như thời gian trước Đại hồng thủy và lúc dòng nước cuốn trôi đi tất cả. Thiên Chúa đến trần gian để thời gian của Thiên Chúa và thời gian của con người đến với nhau và không còn chia ly và đổ vỡ nữa.
“Vậy, các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến”. Ngày mà Thiên Chúa đến sẽ đến. Đó là ý nghĩa của Mùa vọng. Đó là ngày Ngôi Lời Thiên Chúa đi vào lịch sử con người chúng ta. Không có lời nào nếu không được lắng nghe, và nếu chúng ta lắng nghe, chúng ta nghe thấy giọng nói của Ngôi Lời trong tất cả các cuộc mời gọi. Ngôi Lời đã trở nên xác thịt tại Belem. Ngài đến với chúng ta qua nhiều thế kỷ và nhất là tại thời điểm mà chúng ta thấy biết bao điều đổ vỡ. 
Câu hỏi được đạt ra cho chúng ta: Chúa Kito đã đến, đang đến và tất nhiên Ngài sẽ đến vào ngày cuối đời của mỗi người chúng ta và vào ngày tận thế. Thế mà tại sao thế giới trải qua đời này tới đời kia và cả hôm nay vẫn còn nhiều đổ vỡ? Câu trả lời là rất đơn giản, vì thánh Gioan tông đồ đã nói: “Người đến nhà gia nhân Người, nhưng gia nhân Người đã không nhận biết Người”. Chính vì vậy mà Giáo Hội theo chu kỳ của năm Phụng vụ, khi bắt đầu vào Mùa vọng, nhắc nhở chúng ta và qua chúng ta để thế giới biết rằng Chúa đã đến và sẽ đến.
Thời đại chúng ta sống thật kỳ lạ, tưởng chừng rất gần nhau, nhưng lại rất xa nhau. Thật vậy, giữa những vết thương của nhân loại, sự mong chờ Thiên Chúa đến sẽ luôn lớn lao. Chúng ta bước vào Mùa Vọng và chúng ta cử hành khoảnh khắc này bằng việc dâng Thánh Lễ. Chúng ta tập trung nơi nhà thờ thành một cộng đoàn. Cộng đoàn này nhìn bề ngoài tách biệt với ước vọng của những người xung quanh chúng ta, đó là những người lương dân hoặc những người xa hơn trên toàn thể thế giới.  Vấn đề này tùy thuộc chúng ta, chúng ta hãy làm cho khoảng cách này gần lại nhau. Để gần lại nhau trước hết chúng ta hãy nhận ra và giúp thế giới nhận ra Chúa Kito đang sống trong các ngôi nhà của chúng ta và trên thế giới. Đó là một cuộc phiêu lưu…
Mùa vọng và một cuộc phiêu lưu có cùng một ý nghĩa. Vì thế thánh nữ Teresa Avila đã nói: “Chúng ta hãy phiêu lưu cuộc sống của chúng ta”!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
==================
Suy niệm 2
Cảnh giác trước các nguy cơ
Mt 24, 37 - 44
Vào đêm giao thừa Mậu Thân năm 1968, biết rằng hầu hết quân lực miền nam Việt Nam từ tướng đến quân lơ là trong việc canh phòng đồn trại, về nhà vui xuân chơi tết trong những ngày hưu chiến, quân đội miền bắc xông vào chiếm đóng 4 thành phố lớn, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ khác trên khắp miền nam cách dễ dàng.
Sự kiện lịch sử này cho thấy sự thiếu canh phòng, thiếu cảnh giác là yếu tố nguy cơ hàng đầu khiến người ta phải thất bại, thua thiệt và mất mát...
Trái lại, sự tỉnh thức và cảnh giác cao độ là yếu tố cần thiết để bảo toàn sinh mạng, của cải và phẩm chất cao đẹp của mình. Vì thế, qua các trang Tin mừng, Chúa Giê-su dạy chúng ta phải thường xuyên cảnh giác, Ngài nói: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.  Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình” (Mt 24, 42-43).
Cần cảnh giác trước những nguy cơ nào?
Có nhiều nguy cơ nghiêm trọng đe dọa con người cũng như xã hội chúng ta hôm nay. Ở đây, xin đề cập đến hai nguy cơ lớn:
1. Sự dối trá tràn lan trong xã hội
“Kết quả của cuộc khảo sát do Giáo sư tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, giám đốc trung tâm văn hóa học lý luận và ứng dụng khiến xã hội bàng hoàng: Tỷ lệ nói dối ở học sinh bậc tiểu học là 22%; ở bậc Trung học cơ sở là 50%; ở bậc Trung học phổ thông là 64% và ở bậc đại học là 80%. (…)
Tóm lại, là sự dối trá đã len vào tận hang cùng ngõ hẻm của xã hội, ngự trị từ tầng thấp đến tầng cao. Chưa bao giờ người Việt Nam lại mất lòng tin, lại phải đề phòng, cảnh giác đối với người xung quanh mình, với xã hội đến thế. Sống trong một môi  trường như vậy, thì các cháu, các em không nói dối, mới là chuyện lạ[1].”
Sự dối trá lan tràn như bệnh dịch nguy hiểm, tác hại nặng nề đến xã hội chúng ta. Đây là một nguy cơ lớn lao mà mọi người dân Việt phải hết sức cảnh giác, đề phòng.
2. Lòng tham
Trong xã hội chúng ta, lòng tham đang lan nhanh, tỏa rộng như một đám cháy rừng vô phương cứu chữa và có thể xâm chiếm tâm hồn chúng ta lúc nào không hay. Lòng tham xui khiến, xô đẩy người ta thực hiện đủ mọi hình thức tham ô, chiếm đoạt, sản xuất thực phẩm độc hại, làm hàng giả, lường gạt, giết người cướp của, kể cả buôn người xuyên quốc gia… để thu lợi về cho mình, bất chấp thiệt thòi, mất mát, đau thương, khốn cùng… của bao nhiêu người khác.
Điều đáng sợ là ngày nay, lòng tham ngày càng thắng thế. Lòng tham từng bước truất phế lương tri, lý trí, lòng đạo đức nơi rất nhiều người để chiếm lấy quyền thống trị tâm hồn và đời sống của họ; và điều đáng sợ hơn nữa là hầu như không có một quyền lực trần gian nào có thể lật đổ, truất phế lòng tham để cho đạo đức và lương tri được lên ngôi. 
Hai nguy cơ này là những địch thù vô hình nhưng rất đáng sợ, đang âm thầm lặng lẽ xâm chiếm và liên lỉ gặm nhấm, đục khoét tâm hồn ta …  như những loài sâu mọt bất trị, vì thế, mỗi người chúng ta phải hết sức đề phòng, cảnh giác.
Giờ đây chúng ta hãy nhìn lại cõi lòng mình và suy xét xem dối trá và tham lam đã len lỏi vào đời ta, đã chi phối cuộc sống ta chưa?
Trong tuần vừa rồi hoặc trong tháng qua, tôi đã nói dối mấy lần? Nếu có, thì thói dối trá đã tiêm nhiễm vào đời tôi, tôi cần phải cảnh giác để ngăn ngừa.
Lâu nay Chúa đã cho tôi no đủ rồi, tôi có còn ước ao khao khát có nhiều hơn không? Nếu có, thì lòng tham lam đang chi phối cuộc đời tôi, tôi cần phải tỉnh táo để tự giải thoát mình.
Lạy Chúa Giê-su,
Sống trong một xã hội đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi tham lam và dối trá thì việc duy trì một tâm hồn trong sạch không hám lợi, giữ cho lòng trí luôn chân thật ngay thẳng là điều rất khó.
Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con không bị tiền bạc chỉ huy và lôi cuốn, không để cho dối trá chi phối tâm hồn và nhất là đừng bao giờ hóa thân thành người tham lam và dối trá.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

[1] Trích bài viết của  Vũ Hữu Sự, website Nông nghiệp Việt Nam
=================
Suy niệm 3
NỀN HOÀ BÌNH TUYỆT ĐẸP
1. Hòa bình xây dựng trên nền tảng “sự tin tưởng lẫn nhau”.
Trọng tâm chuyến tông du thứ 32 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Thái Lan và Nhật Bản, chính là bài diễn văn được đợi chờ nhiều nhất trong sáng Chúa Nhật 24/11/2019 ở Nagasaki, tại “Công Viên Trung Tâm Trái Bom Nguyên Tử” (Atomic Bom Hypocenter Park), đài tưởng niệm vụ thả bom nguyên tử ngày 9/8/1945…Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố tại Nagasaki, phải dấn thân xây dựng niềm tin: “Sự tin tưởng lẫn nhau, bẻ gãy động thái của nghi kỵ đang thắng thế hiện nay”. Ngài đã viện dẫn sứ điệp của Giáo Hoàng Gioan XXIII “Pacem in Terris” để nhắc nhở rằng hòa bình chỉ được xây dựng độc nhất trên “sự tin tưởng lẫn nhau”. (x.“Một thế giới không vũ khí hạt nhân là có thể và cần thiết”-Lời khẩn thiết kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô; baigiangdtc.dk).
Bài đọc 1 trích sách Ngôn sứ Isaia: “Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. Hãy đến đây, nhà Gicop hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường” (Is 2,1-5).
Ngôn sứ Isaia ước mơ về một tương lai thế giới hoà bình, không còn đánh nhau, không còn chinh chiến nữa, gươm đao giáo mác trở nên liềm hái làm dụng cụ lao động. Bức tranh về một nền hoà bình tuyệt đẹp: sói với chiên con sẽ cùng nhau ăn cỏ, sư tử cũng ăn rơm như bò (Is 65,25), trẻ con thọc tay vào hang rắn lục
Isaia hướng nhân loại về niềm hy vọng: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan (Is 65,17-18).
Khát vọng của Ngôn sứ Isaia cũng như của nhân loại ngàn đời là một nền hoà bình vĩnh cữu. Chính trong niềm khát vọng ấy mà Tu sĩ Hermann Schaluck, Ofm đã ước mơ đến:Trình Thuật Mới Về Công Việc Sáng Tạo:
- Và Thiên Chúa nhìn thấy cách thức loài người khắp cõi trần, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, không phân biệt nòi giống, nam nữ, đang khởi công liên hệ cùng nhau cách chân tình. Các dân tộc tự chọn giữa họ những người nam nữ tốt lành nhất và gởi họ tới lâu đài trứ danh bằng kính trên hòn đảo Manhattan (Trụ sở Liên Hiệp Quốc), nơi mở cửa đón tiếp tất cả các quốc gia hoàn cầu. Tại đây, họ lắng nghe đối thoại thân mật, thông cảm lẫn nhau và khai triển những dự án cộng đồng.
Và Thiên Chúa phán: “Như thế là tốt”. Và đây là ngày đầu tiên của kỷ nguyên mới.
- Và Thiên Chúa nhìn thấy cách các chiến sĩ hoà bình tách biệt các đạo quân đang lâm chiến với nhau, các tranh chấp được dàn xếp bằng lẽ phải và điều đình, chứ không phải bằng khí giới. Các nhà lãnh đạo quốc gia biết lắng nghe tiếng nói của các dân tộc, biết cùng nhau khởi sự coi trọng lợi ích toàn cầu và hoà bình thế giới kết hợp với lợi ích riêng biệt.
Và Thiên Chúa phán: “Như thế là tốt”. Và đó là ngày thứ hai của hành tinh mới.
- Và Thiên Chúa nhìn thấy cách loài người bắt đầu yêu chuộng và bảo vệ thay vì khai thác tạo vật: bầu khí quyển với lớp ozon, nước sông, nước biển, trái đất và nguyên liệu cũng như tất cả những gì sinh sống và phát triển tại đó. Và Thiên Chúa cũng thấy rằng bắt đầu loài người không còn thống trị và khai thác lẫn nhau, nhưng tự coi là con một Cha duy nhất và đối xử đồng đều với nhau.
Và Thiên Chúa phán: “Như thế là tốt”. Và đó là ngày thứ ba của kỷ nguyên tư tưởng mới.
- Và Thiên Chúa thấy cách loài người khắp hoàn cầu khởi công khám phá và loại trừ các nguyên nhân gây nên đói khát, bệnh tật, dốt nát và nghèo đói bất công. Họ khởi sự san sẻ cùng nhau những gì thuộc về tất cả và vì lợi ích chung và sự sống còn của toàn cầu, họ khởi sự xem xét các khía cạnh tích cực và quan điểm chung của các dân tộc và tôn giáo.
Và Thiên Chúa phán: “Sự việc phải như vậy”. Và đó là ngày thứ tư của cuộc sáng tạo mới.
- Và Thiên Chúa thấy cách loài người, với một ý thức hoàn hảo, có trách nhiệm chứ không vì ham muốn quyền lực, khởi sự sử dụng tài nguyên thiên nhiên được giao phó cho mình, đặc biệt là chất đốt rút ra từ lòng đất và năng lượng nguyên tử. Thiên Chúa thấy cách lương tâm họ luôn thức tỉnh thúc đẩy họ tự vấn xem lại các dự án mới mà họ định nghiên cứu có thích hợp với việc phục vụ Thiên Chúa và nhân loại không. Họ từ bỏ ương ngạnh để chủ trương tế nhị, từ bỏ tham lam để chủ trương không vụ lợi, ích kỷ cá nhân và quốc gia để chủ trương tinh thần liên đới.
Và Thiên Chúa phán: “Như thế là tốt”. Đó là ngày thứ năm của một thế giới nhân đạo hơn.
- Và Thiên Chúa thấy cách loài người năm châu khởi sự tháo gỡ và phá bỏ các dàn phóng hoả tiễn, các kho bom đạn, vũ khí hoá học, vi trùng cũng như các vệ tinh do thám và hệ thống truy tầm, giải phóng quân đội và vì thế phổ biến trong học đường và chương trình giáo dục những mô hình sư phạm về hoà bình minh bạch và hữu hiệu đến nỗi các cuộc tranh chấp có thể được giải quyết bằng đường lối hoà bình.
Và Thiên Chúa phán: “Tất cả như thế là tốt”. Đó là ngày thứ sáu của một bầu trời mới.
- Và Thiên Chúa nhận thấy cách loài người bắt đầu tái nhận biết Ngài nơi mọi sự, Ngài, Thiên Chúa hằng yêu quý sự sống. Họ coi cuộc tranh đấu cho sự sống, cho phẩm giá và cho việc nhìn nhận quyền lợi mỗi cá nhân là một việc phụng vụ Thiên Chúa. Và mỗi lần một trong những ý thức hệ họ sụp đổ, lúc thảo lại một hiến pháp mới, họ ghi vào đó rằng: Ta đừng bao giờ quên lãng Thiên Chúa là nguồn gốc và tận cùng một thế giới công bình và nhân đạo. Và họ nhìn nhận con người được sống và được giải phóng là dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử.
Và Thiên Chúa phán: “Bây giờ, tất cả đều trở nên tốt lành”. Đó là ngày thứ bảy của việc sáng tạo hoàn cầu. Từ đây hoàn cầu đồng thuộc về nhân loại mới và Thiên Chúa.
Một nền hoà bình đích thực dẫn đưa con người đến “trời mới, đất mới” (Kh 21,1) hiệp thông với Đấng là sự Thật và là Sự Sống. Loại bỏ những việc làm đen tối (Rm 13,13), mặc lấy Chúa Giêsu Kitô (Rm 13,14), nhân loại sẽ xây dựng được nền hoà bình vĩnh cửu. Niềm hy vọng một nền hòa bình vĩnh cửu gắn liền với lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại bởi lẽ: Kitô giáo là tôn giáo của hy vọng vì dựa trên lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa và Ngài sẽ thành tín thực hiện lời hứa. Thiên Chúa thực hiện từng giai đoạn và ngày càng trọn vẹn hơn. Vì thế người Kitô hữu luôn hướng về tương lai chờ đợi lời hứa cứu độ đã được thực hiện trong lịch sử và sẽ hoàn tất sau lịch sử. Chờ đợi hướng về tương lai tức là hy vọng. Hy vọng luôn gắn liền với lòng tin. Không có đức tin hy vọng chỉ là ảo tưởng. Không có hy vọng đức tin sẽ chết khô. Nhờ đức tin chúng ta chọn đúng hướng. Nhưng chỉ có hy vọng mới làm cho ta đi tới cùng đường.Thiên Chúa hy vọng vào con người là để cho con người được hy vọng vào Thiên Chúa, và bởi Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người qua những đường đến bất ngờ, nên con người chỉ có cách là hy vọng vào Thiên Chúa qua niềm tỉnh thức không mỏi mệt của mình.
Thiên Chúa là Sự Sống, là Tình Yêu. Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm Người. Đức Giêsu Kitô chính là Tin Mừng Sự Sống và Tình Yêu.Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu loan báo cho loài người là Tin Mừng Sự Sống, Tin Mừng Tình Yêu. Ngài luôn mời gọi mọi người thiện tâm chung sức kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương.
2. “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”.
Trong Sứ Điệp Hòa Bình năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: Hòa bình là một sự hoán cải tâm hồn, và thật dễ nhìn nhận ba chiều kích không thể tách rời nhau của thứ hòa bình nội tâm và cộng đoàn ấy:
- Hòa bình với chính mình, từ khước thái độ khăng khăng nhất mực, giận dữ và thiếu kiên nhẫn, và như thánh Phanxicô đệ Salê đã khuyên nhủ, hãy thực thi “một chút” dịu dàng đối với bản thân, để cống hiến “một chút” dịu dàng đối với người khác.
- Hòa bình với tha nhân: thân nhân, bạn hữu, người ngoại quốc, người nghèo, người đau khổ..; dám gặp gỡ và lắng nghe sứ điệp họ mang trong mình.
- Hòa bình với thiên nhiên, tái khám phá sự cao cả của hồng ân Thiên Chúa và phần trách nhiệm của mỗi người chúng ta, trong tư cách là người dân của thế giới, công dân và là tác nhân xây dựng tương lai.
Mùa Vọng là mùa hoán cải tâm hồn để sẵn sàng đón Chúa đến, Ngài là Hoàng Tử Hòa Bình là Vua Bình An.
Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Vọng dặn dò mỗi người Kitô hữu là “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”.
Tỉnh thức để đón chờ ngày tái ngộ với Chúa Kitô. Tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta sẽ khó mà tỉnh thức. Nên phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp. Cuộc tái ngộ có thể xảy đến bất ngờ đối với mỗi người và đối với cả nhân loại nên phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện.
Tỉnh thức không “chè chén say sưa”, là đừng quá đam mê những hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, là không quá mê say danh, lợi, thú. Luôn tỉnh thức như khi đang lái xe, luôn nhìn trước ngó sau, tay ga vững vàng, chân thắng sẵn sàng, đi đường an toàn.Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.
Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện để biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh. Cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.
Có tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời. Cầu nguyện trong tỉnh thức để luôn sẵn sàng vì không biết ngày giờ Chúa viếng thăm. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới “đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người”.
Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao khát Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa.
Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. Tỉnh thức cầu nguyện, chắc chắn ta sẽ được gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi.
Mùa vọng được khai mở với lời mời gọi của Chúa Giêsu: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.
Bước đầu là bước quyết định cho cả một cuộc đời, một chương trình kế tiếp như như sách Nho có câu: Nhất nhật chi kế tại ư thần, nhất niên chi kế tại ư xuân (Kế hoạch một ngày hệ tại giờ ban mai, kế hoạch một năm hệ tại mùa xuân).
Tỉnh thức và cầu nguyện là thái độ sống của người tín hữu suốt năm phụng vụ. Luôn tỉnh thức và cầu nguyện để trở nên người xây dựng hòa bình như lời những bài thánh ca dâng lễ: “Với bánh rượu con dâng Ngài, nầy đây tâm tình hòa bình! … Chúa không nhận chiên bò hy tế, Ngài chỉ nhận tâm hồn thanh khiết. Chúa không ưa lễ dâng cao quý, nhưng chỉ ưa trái tim hòa bình!
Lạy Chúa xin dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
================== 
Suy niệm 4
Thái độ mong chờ Chúa đến
(Mt 24, 37-44)

Kính thưa cộng đoàn, 
Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.
Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi Ngài sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do chữ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : « Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi », và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van : « Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống ».
Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mang tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.
Mùa Vọng trong Kinh Thánh
Các bài đọc Thánh lễ trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo : “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Ðức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Ðức Chúa. Lòng kính sợ Ðức Chúa làm cho Người hứng thú,Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở...” (Is 11, 1-10).
Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng cũng nhắc lại việc Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế: thiên thần Gabriel hiện ra với Đức Maria và báo cho Mẹ biết rằng : “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận (...) Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1, 26-38)
Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28)
Như thế, Mùa Vọng kêu gọi người kitô hữu cải hóa nội tâm. Những việc cử hành thánh thường xuyên nhắc nhở chúng ta canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.
Mùa Vọng 
Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi Chúa nhật với tên gọi truyền thống đặc thù của nó gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu:
- Chúa nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )
- Chúa nhật II Mùa Vọng : Populus Sion... (Này hỡi Dân Sion…)
- Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)
- Chủ nhật IV Mùa Vọng : Rorate... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)
Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng 
Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Con Chúa đến lần thứ nhất. Trong Tin Mừng hôm nay, chính Đức Giêsu nhắc bảo chúng ta hãy tỉnh thức để sẵn sàng cho lần đến cuối cùng của Ngài (Mt 24, 37-44). 
Ðức Giêsu nói về ngày Ngài đến sẽ giống như thời ông Nôe: “Thình lình đại hồng thủy đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy” (Mt 24, 37).  Những điều Chúa loan báo trên đây thật quá bất ngờ, vì bất ngờ nên “phải tỉnh thức” là thượng sách.
Chẳng nói đâu xa, năm trước người ta đang dự kiến ngày tận thế là ngày 23 tháng 12 năm 2012 tính theo lịch của dân Maya, nhiều người trên thế giới đã lo lắng vì lời đồn đoán ấy, họ đi mua nến, mua dầu, mua mì tôm... Người ta sợ phải lìa bỏ cái thế giới thân yêu này, cho dù nó vẫn còn nhiều khổ não. Trong thời đại của chúng ta không thiếu các thiên tai, chiến tranh, bạo lực. Phải chăng đó là dấu hiệu của ngày tận thế? 
Chúa Giêsu xác nhận sẽ có ngày tận thế, nhưng không phải để tan biến thành hư vô. Sẽ có những dấu hiệu làm nhiều người hoang mang sợ hãi, nhưng đối với các tín hữu, đó là dấu hiệu vui mừng vì mình sắp được cứu độ. Chúa mời gọi chúng ta : “ Các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến” (Mt 24, 44).
Chuẩn bị lễ Giáng Sinh, mỗi gia đình, mỗi người chúng ta tự hỏi: về phần tôi, tôi đang chờ đợi điều gì? Trong lúc này của đời tôi, con tim tôi đang hướng về điều gì? Lòng tôi có bị vướng vào những hành vi ám muội… ăn uống say sưa, chơi bời dâm đãng, tranh chấp ganh tị… thỏa mãn xác không? (x. Rm 13, 11-14) Trái tim tôi có bị nặng nề bởi những lo âu trần thế không? Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt sức ta, khiến ta không còn khả năng mở lòng mình ra với Chúa và tha nhân? Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim. Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất, nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao. Thánh Phaolô bảo chúng ta: “Anh em biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy” (Rm 13, 11).  
Chúa Giêsu dạy chúng ta “hãy tỉnh thức”. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “phải thức dậy” (Rm 13, 11).  Vậy mỗi người chúng ta đây hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Con Người là Đức Giêsu ngự đến trên mây trời, Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế sẵn sàng, đứng thẳng, không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê, nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi. 
Lạy Mẹ Maria, Mẹ “đầy ân sủng”, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong lòng, xin giúp chúng con cởi mở tâm hồn đón nhận Chúa Giêsu Con Mẹ.
Lạy Ðấng Cứu Thế là Vua Hòa Bình xin ngự đến. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 5

Phải Canh Thức Và Sẵn Sàng
Is 2,1-5; Rm 13,11-14a; Mt 24,37-44
“Quả thế, thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ, lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.” (Mt 24,37-41).
Đức Giêsu cảnh báo ngày Người đến lần thứ hai, chắc chắn sẽ xảy ra như thời ông Nôê trong Cựu Ước. Thiên hạ cứ ăn uống, dựng vợ, gả chồng cho tới ngày ông Nôê vào tàu, bỗng nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Riêng gia đình ông Nôê có sự chuẩn bị nên được cứu sống. Ngày Con Người đến cũng sẽ xảy ra cảnh tương tự, số phận mỗi người được định đoạt trong chốc lát: một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Cuộc thẩm phán sẽ phân rẽ những người vốn hiệp nhất với nhau, như hai người đàn bà đang xay bột chẳng hạn. Vậy thì tôi phải chuẩn bị thật sẵn sàng để chờ đón ngày giờ Con Người đến. Ngày Chúa đến lần thứ hai sẽ xảy ra bất ngờ nhanh chóng, con người sẽ không còn giờ để chuẩn bị, lo cứu mạng sống mình cho kịp. Dù đã được cảnh báo, nhưng như thời ông Nôê, sẽ có rất nhiều người coi thường không chịu chuẩn bị cho đến giây phút cuối. Khi người ta mải miết ngụp lặn trong những lo lắng trần tục, thì sẽ dễ dàng quên mất Thiên Chúa, quên đi chuyện hoán cải, đổi mới con người ngay từ hôm nay, lúc này, trong từng phút giây hiện tại, không cảm nghiệm được sự ngọt ngào khi gặp gỡ Chúa. Ngôn sứ Isaia mô tả viễn cảnh đẹp trong bài đọc I: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và họ sẽ thôi học nghề chinh chiến.” (Is 2, 4).
“Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44).
Trước sau gì rồi ta cũng gặp Chúa thì hãy tìm gặp Chúa ngay từ đời này cho cuộc sống vui tươi hạnh phúc. Luôn tỉnh thức đáp lại tiếng Chúa gọi khi Ngài đến: Này con đây đã sẵn sàng. Sẵn sàng chờ đợi Chúa đến không phải là thụ động ngồi đó mà chờ đợi, nhưng luôn sống trong Chúa và dấn thân phục vụ anh em. Với thái độ sẵn sàng đón chờ Chúa đến, phải loại bỏ những cản trở như danh vọng, đam mê, những thứ khác ràng buộc, khiến ta mất tự do, không hoàn toàn thuộc về Chúa, để sẵn sàng ra đón tiếp Người đến cách chung hay riêng. Người Kitô hữu phải có thái độ luôn tỉnh thức. Canh thức còn là luôn ở trong tình trạng “đang làm nhiệm vụ”. Tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết mình đang làm gì. Sự lựa chọn trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận trong cuộc đời vĩnh hằng. Tỉnh thức là dấu hiệu của người đang sống đức tin sống động, kết hợp mật thiết với Chúa, sẽ có tâm hồn bình an hạnh phúc. Thánh Phaolô cũng cảnh báo tín hữu Rôma nơi bài đọc II: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương”. (Rm 13,13).
Ai mà biết được giờ nào thì Chúa đến? Chỉ có cách tốt nhất là luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Nếu lúc nào chúng con cũng “có Chúa ở cùng”, sống mật thiết với Chúa thì dù có bất ngờ, chúng con sẽ được vui vẻ ra đón rước Người, chứ không phải giật mình sợ hãi.
Thực ra Chúa luôn có đó, bên ta, trong ta mà ta không thấy, vì bị nhiều thứ trần gian che mờ con mắt, nên chẳng nhận ra và khó mà thấy được. Sống canh thức là luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, ở trên mọi nẻo đường đời, trong sâu thẳm cõi lòng, cả khi cô đơn. Sống như vậy thì lúc Người chợt đến, có chi là bất ngờ hay phải giật mình hoảng sợ? Canh thức như vậy thì Chúa đến bất cứ giờ nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Chúa rất hài lòng và sẽ ban thưởng quá lòng ước mong.
Lạy Chúa! xin dạy chúng con biết sẵn sàng canh thức để đón Chúa qua việc tiếp xúc, cư xử tốt lành với tha nhân, để chúng con được hưởng hạnh phúc của người con tín trung, ngay từ bây giờ và cho đến muôn đời. Amen.
Én Nhỏ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log