Chúa nhật, 19/05/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXIII Thường Niên A

Cập nhật lúc 14:46 07/09/2017
Suy niệm 1
Giáo xứ của tôi, giáo phận của tôi và Giáo Hội của tôi
------------------------
Giáo Hội của Chúa Kitô trên trần gian này có tính liên tục và kế thừa. Tính liên tục và kế thừa đó, được gọi là Giáo Hội Tông truyền. Để duy trì tính chất tông truyền này, Giáo Hội cũng phải trải qua nhiều kinh nghiệm khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là sự hiệp nhất. Hiệp nhất trong tình yêu mến cho đúng nghĩa, không phải là một sự yên bình bằng phẳng không có chuyện gì xẩy ra. Để tiến tới sự hiệp nhất này, cần phải có sự giao hòa. Giao hòa có nghĩa là nhận ra mình có lỗi cần phải xin ơn tha thứ và tha thứ cho nhau. Vì thế xây dựng nước Thiên Chúa tại trần gian này là rất vất vả!
Nhưng trước hết, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm cho nhau và bình đẳng với nhau!
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma nhấn mạnh: Các giới răn của LỀ LUẬT làm tiêu chuẩn cho chặng đường của chúng ta, nhưng bổn phận ưu tiên phải là YÊU MẾN. Tình yêu đối với Thiên Chúa được chứng tỏ bằng chính tình yêu đối với anh chị em chúng ta. Một tình huynh đệ sâu xa là nền tảng cho tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, và có khả năng cầu nguyện đích thực, cầu nguyện thầm kín!
Tất cả các giới răn của Thiên Chúa tóm lại trong một giới răn: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Tuy nhiên, tình yêu thương đúng nghĩa phải là tình yêu tha thứ. Chúa Giêsu nói nhiều về sự tha thứ và chính Ngài cũng đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài, vì Ngài biết rõ bản tính yếu đuối của con người chúng ta. Cần có những lời khiển trách lẫn nhau, nhưng phải khôn ngoan, kín đáo và vô tư, căn bản vẫn phải là yêu thương. Trong việc sửa chữa khuyết điểm người khác, nếu chúng ta cư xử họ giống như người chống đối, như thế là chúng ta đã đi quá xa, vì chúng ta dễ hung hăng khiêu khích…
Chỉ một giới răn, đó là Tình Yêu. Khi muốn đến với anh em và để khiển trách hạnh kiểm của họ, chúng ta cần phải có tâm tình bác ái. Với lòng khiêm nhường, chúng ta biết rõ nếu không có ơn Chúa, chúng ta không thể làm tốt được điều này.
Qua câu chuyện người đàn bà phạm tội ngoại tình, Thiên Chúa chỉ cho phép những người không có tội được ném đá thôi: “Ai không có tội thì hãy ném đá chị này trước đi”. Và Tin mừng viết tiếp:  tất cả những người tố cáo đều rút lui và không nói được lời nào.
Trước khi gặp một ai đó chống đối chúng ta, chúng ta phải đặt mình trong bầu khí thuận lợi của tình yêu thương và lòng khiêm nhường. Tình yêu thương này là rất cần thiết và sẽ được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, nếu chúng ta biết đơn sơ và khiêm nhường cầu xin Ngài. Lời cầu nguyện có thể giúp cho cuộc gặp gỡ dễ thực hiện hơn và đặt các con tim trong an bình. Hơn nữa, cầu nguyện có thể tìm lại được sự bình an trong tâm hồn chúng ta cũng như tâm hồn của người chống đối chúng ta.
Tin mừng hôm nay nói tiếp: “Nếu anh em không nghe ngươi, thì ngươi hãy nói điều đó với cộng đoàn”. Cộng đoàn ở đây không phải là những người về phe chúng ta để chống đối người khác với tính cách cá nhân, mà là những người anh em chúng ta trong Chúa Kitô.
Bài Tin Mừng hôm nay còn chỉ cho chúng ta thấy rõ sức mạnh của tình anh em cũng như sức mạnh của lời cầu nguyện. Nếu chúng ta biết kết hợp hai sức mạnh này với nhau mà cầu xin bất cứ điều gì, chắc chắn Chúa sẽ nhận lời vì không bao giờ Thiên Chúa chống lại tình huynh đệ. Thiên Chúa cũng không thể từ chối lời cầu xin của Chúa Kitô, con Yêu Dấu của Ngài, vì Chúa Kitô ở giữa những ai cùng nhau cầu nguyện.
Khi anh chị em cộng đoàn chúng ta họp nhau cầu nguyện, chúng ta hãy cố gắng tham dự vì lời kinh như vậy sẽ càng có tính cộng đoàn hơn và càng tăng thêm sức mạnh.
Sau kinh Lạy Cha trong Thánh lễ, linh mục chủ tế đọc thay cho cộng đoàn và cũng là thay cho toàn thể Giáo Hội: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa; xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo Thánh Ý Chúa”. Chúng ta có thể nương tựa vào Đức Tin của Giáo Hội, vì tất cả chúng ta là chi thể của THÂN THỂ NHIỆM MẦU mà Chúa Kitô là đầu.
Khi dâng lễ, Chúa Kitô tự hiến mình cho Chúa Cha, đồng thời Người cũng dâng tất cả thân thể của Người. Vì thế cầu nguyện khi tham dự Thánh lễ, chính là cùng cầu nguyện với Chúa Kitô.
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì Chúa khuyên chúng con nhẫn nại giữa người này với người khác, Chúa dạy chúng con phải tế nhị khi sống chung với nhau.
Chúng con thường dễ phẫn nộ xét đoán anh chị em, tố giác anh chị em. Chúng con thường dễ vui mừng khi nhìn thấy kẻ dữ bị trừng phạt. Đó là sự xét đoán hoàn toàn nhân loại của chúng con.
Phần Chúa, Chúa nói với chúng con: “Khi 2 hoặc 3 người họp lại nhau vì danh Thầy, Thầy sẽ ở giữa họ.” Chúa đã thết lập trong chúng con một tình bác ái mới. Nếu chúng con tha thứ cho nhau, thì Chúa cũng tha thứ cho chúng con và giải phóng chúng con khỏi tội.
Lạy Chúa, khi Chúa trao gửi Giáo Hội Chúa cho chúng con, Chúa mời gọi chúng con hiệp nhất. Ước muốn của Chúa là chúng con chỉ có một con tim và một tâm hồn chúc tụng Chúa mà thôi. Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
  ==============================
Suy niệm 2
SỬA LỖI CHO ANH EM THEO TINH THẦN CỦA CHÚA
(Ed 33, 7 - 9; Rm 13, 8 - 10; Mt 18, 15 - 20)
Khi đảm nhận vai trò sửa lỗi cho anh chị em, hẳn chúng ta đều cảm thấy quá khó! Khó là vì không ai muốn nhận lỗi về mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình thì cũng khó lòng chấp nhận sửa sai vì cái “tôi” quá lớn.
Tại sao vậy? Thưa! Đơn giản là vì tâm lý chung của mọi người đa phần là bảo thủ nên dễ nhận thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của ta hơn là lỗi của họ.
Hôm nay, Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ của mình hãy sửa lỗi cho anh em. Tuy nhiên, theo lẽ thường, muốn thành công, người môn đệ phải có được tâm tình như: yêu thương chân thành, tôn trọng, tế nhị, kiên trì và cầu nguyện. Bỏ một trong các bước trên, thành công là điều khó có thể xảy ra!
1. Sửa lỗi nhau trong yêu thương chân tình: 
Trước tiên, khi muốn sửa lỗi cho người khác, chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: “Nhân vô thập toàn” và lỗi của người anh em đôi khi cũng là lỗi của mình. Chính thánh Gioan đã quả quyết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8).  Khiêm tốn nhận ra mình tội lỗi, yếu đuối và bất toàn sẽ mang lại cho ta bài học về sự thông cảm, nhẹ nhàng và bao dung. Ngược lại, nếu không khiêm tốn, ta dễ rơi vào tình trạng vô cảm, dửng dưng với người tội lỗi. Và như một lẽ tất yếu, hẳn chúng ta không những không được Thiên Chúa tha thứ cho chính mình, nhưng Người sẽ đòi nợ ta theo lẽ công bằng. Lúc ấy, chúng ta cũng là những người sẽ bị kết án vì sự bất nhân của mình với anh chị em đồng loại.
Điều này được quảng diễn qua dụ ngôn người mắc nợ không biết thương xót, ông chủ đã lên án con người “cạn tàu ráo máng” này khi nói: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông" (Mt 18,32-34).
Như vậy, khi sửa lỗi cho nhau dựa trên tình yêu nhờ động lực của đức ái, chúng ta mới có thể đi vào tình yêu của Thiên Chúa để đón nhận sự tha thứ cho chính mình và diễn tả tình yêu đó cho người khác trong khi sửa lỗi cho họ.
2. Sửa lỗi trong tâm sự nhẹ nhàng, kín đáo, tế nhị và tôn trọng:
Thứ đến, là sửa lỗi cho anh chị em mình trong tâm sự nhẹ nhàng, kín đáo, tế nhị và tôn trọng: Đức Giêsu đã nói rất rõ: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình” (Mt 18, 15).
Thường thì con người dễ nghe những lời tâm sự, kín đáo, tế nhị, chân tình hơn là những sự nạt nộ, kết tội... hơn nữa, một mình ta với người được sửa lỗi nói lên tính riêng tư và mang lại cảm giác an toàn, kính trọng vì họ đang được yêu thương.
Thật vậy, nếu không có sự tôn trọng, nhẹ nhàng, tế nhị và kín đáo, chúng ta không thể hiểu được tâm trạng của người tội lỗi!!! Bởi vì, thường những người phạm tội luôn mang hai trạng thái, một là tự ái, hai là mặc cảm, xấu hổ. Mặt khác, người sai lỗi thường rơi vào tình trạng bất ổn về lương tâm, nên tinh thần, thái độ của họ rất mỏng dòn, yếu đuối và dễ buông xuôi. Chỉ cần một lời nói thiếu tế nhị là có thể đổ bể mọi vấn đề... và vô tình, chúng ta lại đào thêm hố ngăn cách cho anh chị em, làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Thiếu đi sự tôn trọng thì chỉ còn những lời chỉ trích, nguyền rủa. Có được sự tôn trọng, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn khi sửa lỗi.
Như vậy, cần phải có thái độ trân trọng với người mà tôi đang muốn giúp đỡ họ. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em, là bạn, và trên hết là hình ảnh Thiên Chúa. Trân trọng nữa là vì nơi họ vẫn còn đó những suy tưởng tích cực và lương tâm chân chính thủa ban đầu mà Thiên Chúa đã phú bẩm nơi tâm hồn họ, vì thế, tận sâu thẳm của tâm hồn, họ vẫn được tiếng nói lương tâm thúc đẩy để “làm lành lánh dữ” và cách nào đó họ vẫn khao khát tìm về Chân, Thiện, Mỹ.
Mặt khác, khi chúng ta nhẹ nhàng để chỉ cho người anh chị em của mình thấy được lỗi của họ mà sửa, ấy là lúc biểu hiện của tâm hồn một người thánh thiện, chân thành chứ không phải nhân cơ hội này, mình hạ thấp nhân phẩm và nhấn chìm họ xuống để mình được vươn lên trong sự huênh hoang, tự mãn... Hãy mặc lấy tâm tình của một người bạn hơn là người chỉ giáo; có tâm tình của một người cha hơn là một quan tòa...
Làm được điều đó, chúng ta sẽ loại bỏ điều oán ghét, giận hờn... để chỉ vì một động lực duy nhất là tình yêu, một mục đích nguyên tuyền là muốn cho người anh chị em chúng ta được trở nên tốt hơn mà thôi.
3. Sửa lỗi trong kiên trì và cầu nguyện:
Cuối cùng, khi thi hành việc sửa lỗi là cả một quá trình. Chuyện liên quan đến toàn thể con người, nó đụng đến tận gốc rễ của cái “tôi”, vì thế, không phải là chuyện làm một lần là xong. Cần phải có nhiều phương án. Đức Giêsu đã vạch ra cho chúng ta những phương án như sau: gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn (x. Mt 18,15-17). Hãy nhớ lại sự kiên trì của thánh nữ Mônica với thánh Âu tinh!
Tuy nhiên, kiên trì là điều cần, nhưng không thể đóng vai trò quyết định. Thật vậy, mọi chuyện sẽ không thể thành công và sẽ trở thành “công dã tràng” nếu phủ nhận ơn Chúa và cậy dựa vào khả năng thuần túy của ta.
Như thế, đời sống cầu nguyện, kết hợp với hy sinh là điều quan trọng để quyết định thành công hay thất bại. Chúng ta nên nhớ rằng sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng kết quả là việc của Chúa. Chúng ta không có khả năng để thay đổi người khác. Bởi vì: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”.
Bên cạnh đó, người sửa lỗi phải có sự can đảm chấp nhận sự thiệt thòi về mình khi dám nói lên sự thật, bởi vì đôi khi bị hiểu lầm, ghen ghét, ganh tỵ và bị trả thù ngang qua những sự thật mà ta đã nâng đỡ...
Mong sao, khi đứng trước lỗi lầm của người khác, chúng ta đừng rơi vào tình trạng: khắt khe hoặc vô cảm. Bởi vì khắt khe, chúng ta sẽ hướng chiều về sự loại trừ khi can thiệp cách thô bạo nhằm đẩy lui người anh chị em vào bóng tối. Còn thờ ơ, chúng ta lại rơi vào tình trạng lãnh cảm, tức là không cần quan tâm, bỏ rơi. Tất cả những điều đó hoàn toàn là một “tấm vải đen”, “một bầu trời u ám” cho cả người sửa lỗi và người được sửa lỗi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết ý thức mình cũng là con người bất toàn nên cần đến ơn Chúa trợ giúp. Đồng thời, xin cho chúng con biết sửa lỗi anh chị em trong tinh thần khiêm tốn và thánh thiện. Xin Chúa cũng ban cho chúng con ơn can đảm, trung thành trong sự thật khi thi hành công việc khó khăn này. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
===============================
Suy niệm 3
Rất Cần Tình Bác Ái Huynh Đệ
(Mt 18, 15 - 20) 
"Bác ái huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu" là chủ để nổi bật hơn cả của Chúa nhật tuần này. Quả thật, "hiệp nhất nhân danh Chúa Giêsu", bác ái, tha thứ cho nhau và giúp nhau thăng tiến là điều ai cũng muốn và cần làm. Đây không đơn giản chỉ là tương quan xã hội trong cuộc sống hàng ngày. Việc sửa lỗi huynh đệ đã có trong sách Lêvi: "Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó " (Lv 19, 17). Vì bác ái với dân Israel, Chúa đã làm cho Êdêkiel "trở nên người lính canh nhà Israel", và truyền ông phải nói cho "kẻ gian ác bỏ đường lối mình", để được sống, nếu không "thì chính kẻ gian ác sẽ chết" (x. Ed 33, 7-9).
Thánh Phaolô nói : "Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau" (Rm 13, 8). Thì ra chúng ta phải mắc nợ nhau về tình mến. Cùng một thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, thánh Phaolô mời gọi ta mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, sống hiền lành, khiêm nhường và liên đới với nhau. Bởi tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc, chúng ta là anh em với nhau trong Chúa, nên hãy đối xử với nhau bằng tình yêu và lòng mến, vì toàn bộ luật của Thiên Chúa được nên trọn trong tình yêu, kể cả Mười Điều Răn "và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình" (x. Rm 13, 8-10).
Lời thánh Phaolô trong bài ca đức ái: "Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác" (1Cr, 9), cho thấy Giáo hội được qui tụ làm thành Thân Thể Chúa Kitô, lãnh nhận sứ mạng bày tỏ Thân Thể này theo ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta là những chi thể của cùng một Thân Thể, tuy khác nhau, nhưng cùng qui về Giáo hội, liên đới với nhau như một bản giao hưởng tình bác ái. Nên ai phạm lỗi, người ấy thiếu tình bác ái không chỉ với một người, mà con đối với toàn thân thể.
Cứ sự thường ai xúc phạm đến ta, ta không can thiệp gì hết. Viện cớ : nó đã xúc phạm đến tôi ! Tôi sẽ không nói gì hết, dứt khoát là không. Vậy làm gì bây giờ ? Nó đã xúc phạm đến tôi : Mắt đền mắt, răng đền răng ư ? Đây không phải là giải pháp, làm thế sự xấu sẽ xấu hơn. Tôi sẽ đi gặp anh em và nói: Anh đã làm tổn thương tôi, không được ! Anh được Thiên Chúa tạo dựng, vì tình bác ái, tôi phải kéo anh về. Chúng ta không loại trừ vì lỗi cá nhân họ, nhưng giúp họ sửa mình để trở nên xứng đáng trong cộng đoàn mà họ là thành viên.
Sửa lỗi, cụ thể hơn là phê bình hiệu quả hay góp ý xây dựng là những cụm từ đã từ lâu trở nên quen thuộc trong nghệ thuật giao tiếp. Bị người khác phê bình, cho dù đó là góp ý hay chỉ trích, cũng đều cho chúng ta thấy bản thân mình có khiếm khuyết. Đã là con người thì chắng mấy ai muốn thật lòng thừa nhận điều đó. Cho dù ta thuộc tuýp người nào đi chăng nữa thì lời phê bình cũng là thứ mà không ai mong muốn được nghe. Làm được điều đó không phải là chuyện dễ bởi chúng ta cần có cả sự tự tin lẫn đức khiêm tốn để thừa nhận chúng ta đã lầm lỗi. Đồng thời, phải nhìn nhận mặt sáng trong mỗi người. Phê bình là vì chính lợi ích của chúng ta, chứng tỏ tình yêu huynh đệ chất chứa trách nhiệm hỗ tương.
Chúa Giêsu đưa ra các cấp độ hành xử với anh em trong cộng đoàn, dựa trên sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau miễn sao lợi được người anh em. Tin Mừng (Mt 18, 15-20) cho thấy nếu anh em có lỗi, tôi phải thể hiện tình yêu với họ, trước hết, nói chuyện riêng với anh về sai lầm mà anh đã nói hay làm là không tốt. Hành vi này được gọi là sửa lỗi huynh đệ: đây không phải là phản ứng đối với hành vi người phạm lỗi, nhưng là cử chỉ yêu thương dành cho người anh em.
Và nếu nó không chịu nghe ngươi? Cấp tiếp theo, hãy nói chuyện về anh ta với hai hoặc ba người để giúp anh ý thức hơn về những gì anh đã làm; nếu anh ta vẫn bỏ ngoài tai, bất chấp điều này, phải nói cho cộng đoàn; và nếu anh ta không nghe cộng đoàn, thì phải làm cho anh ta nhận ra rằng chính anh tự tách biệt khỏi cộng đoàn Hội Thánh. Đặt ra khỏi cộng đoàn thành viên không chịu hối cải, không có nghĩa là lên án. Chúng ta cần phải giữ liên hệ với nhau, vì đây là mối liên hệ do Thánh Thần thêu dệt. Chúng ta bước vào trong cộng đoàn và xây đắp bình an để mang lại sức sống cho cộng đoàn. Dù giới hạn cũng như khuyết điểm cá nhân ta, chúng ta vẫn được mời gọi đón nhận sửa lỗi nhau trong tình huynh đệ và giúp đỡ người khác qua sự tế nhị này. Đây là trách nhiệm sống của chúng ta với nhau.
Khi áp dụng hết mọi cách, vẫn không có hiệu quả, chúng ta hãy phó thác người anh em cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa: "Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật" (Rm 13, 10).
Hoa quả của đức ái trong cộng đoàn là cầu nguyện: "Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy" (Mt 18, 19-20). Chúng ta quả quyết : Ở đâu có tình yêu, ở đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự trị. Cầu nguyện cá nhân chắc chắn là quan trọng, cần thiết, nhưng Chúa bảo đảm sự hiện diện của mình trong cộng đoàn ngay cả cộng đoàn nhỏ, vì nó qui chiếu vào sự hiệp thông hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi. Origen nói rằng "chúng ta phải thực hiện bản giao hưởng này" nghĩa là sự hòa hợp trong cộng đoàn tín hữu.
Nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, xin Chúa liên kết chúng ta trong tình yêu Chúa. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy niệm 4

Giúp Nhau Sửa Chữa Lỗi Lầm
 
Đôi khi với tinh thần xây dựng, ta chỉ cho người khác biết lầm lỗi của họ; thế rồi, thay vì được người khác biết ơn, bản thân ta lại bị họ oán hờn: Họ sẽ giận hờn ta, xa lánh ta, ghét bỏ ta… Quả là “làm ơn mắc oán.”

Những lần sau, vì sợ hậu quả như thế xảy ra, ta tự nhủ lòng: “Thôi, ai lầm lỗi thì mặc người ta, hồn ai người đó giữ”; đôi khi ta cũng có chọn lựa như Ca-in khi trả lời với Thiên Chúa: “Tôi đâu phải là người canh giữ em tôi!”
Thế là vô tình, ta trở thành người dửng dưng, vô cảm, ngoảnh mặt làm ngơ trước những sai phạm của người khác.
Đây là cách hành xử tai hại, vì làm như thế sẽ tạo đà cho lầm lỗi và tội ác gia tăng. Thái độ nầy cũng đi ngược lại với lòng yêu thương bác ái và bổn phận xây dựng trần thế của người ki-tô hữu.
Khó nhận ra lầm lỗi của mình
Con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào nên việc nhận ra lầm lỗi của bản thân mình là điều rất khó. Có người ví von rằng mỗi người đều mang một gùi đầy tội sau lưng và một gùi công đức trước ngực. Vì thế, người ta chỉ thấy công đức mà không thấy được lầm lỗi của mình. 
Ông Dale Carnegie, một học giả trứ danh người Mỹ, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, quả quyết rằng: “Tôi đã bỏ ra gần 70 năm trong đời để khám phá ra sự thật nầy, là dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi thì có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội.”
Vì nhiều người không nhận ra lầm lỗi của mình nên việc giúp họ nhận biết được tội lỗi của bản thân để sửa mình là một việc làm rất cần thiết.
Sửa lỗi cho người khác là một bổn phận
Đối với các tín hữu của Chúa, thì việc sửa lỗi cho người khác không những là việc cần làm mà còn là một bổn phận bắt buộc, không được thoái thác.
Lời Chúa trong sách ngôn sứ Ê-dê-kiên đòi buộc cách quyết liệt như sau: “Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi” (Edêkien 33, 7-9). Và qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su truyền dạy: “Nếu anh em của ngươi trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó …” không phải một lần mà nhiều lần, cách nầy không được thì phải vận dụng cách khác, cố sao giúp người anh em sửa được lỗi mới thôi (Mát-thêu 18,15).
Cần sửa lỗi cách tế nhị và đầy lòng yêu thương
Nếu chúng ta thực hiện việc sửa lỗi người khác cách tế nhị và với tình yêu thương thì việc sửa lỗi sẽ không trở thành chuyện “làm ơn mắc oán” hay phát sinh nguy cơ “lời thật mất lòng”.
Khi người phạm lỗi được ta nhắc nhở bằng những lời lẽ đượm tình yêu thương thì người đó không cảm thấy bị tổn thương, không tỏ ra buồn phiền hay oán hận, nhưng sẵn sàng đón nhận với tấm lòng biết ơn và hoán cải.
Vậy thì trước khi giúp người khác sửa chữa lỗi lầm, ta hãy nguyện xin Chúa cho chúng ta thực hành việc tế nhị này với tất cả lòng trân trọng và yêu thương.
Lạy Chúa Giê-su,
Nhiều lần chúng con muốn sửa lỗi cho người khác nhưng lại ngần ngại không làm vì sợ gây tổn thương hay làm phiền lòng người khác hoặc sợ người khác oán ghét mình.
Làm như thế thì khác gì thấy nhà người khác đang bốc cháy mà không báo động, không ra tay cấp cứu.
Xin cho chúng con có đủ yêu thương để xây dựng, có đủ can đảm để cứu giúp những người anh chị em lỗi phạm, để mỗi người chúng con được trở nên tốt lành thánh thiện và sống đẹp lòng Chúa hơn.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log