Thứ bảy, 04/05/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XIII TN A

Cập nhật lúc 09:10 30/06/2017
Suy niệm 1
Hãy ưu tiên cho Chúa Kitô
---------------------------------
Thánh Phaolô nói: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi”. Thật vậy, Lời Chúa không hơn không kém là một Tin Mừng. Tin Mừng không có nghĩa là ru ngủ, nhưng là lời thôi thúc. Chúa Giêsu đến trần gian không phải là để tạo nên những con người yếu ớt, nhưng là những người con Thiên Chúa.
Sự không nhân nhượng của Tin Mừng không có nghĩa là Thiên Chúa Toàn Năng bắt buộc mọi người  tốt xấu phải bằng lòng với tất cả sự đòi hỏi của Ngài, nhưng là một Tình Yêu dẫn tới một tình yêu triển nở hơn. Thánh Bênadô nói “Thiên Chúa đòi hỏi được yêu, vì Ngài biết rằng tất cả những ai yêu Ngài sẽ hạnh phúc bằng chính tình yêu đó”. Chúa Giêsu muốn Ngài được ưu tiên hoàn toàn và tuyệt đối, cũng là để mở cho chúng ta một con đường hạnh phúc đích thực
Người Dothái đạo đức rất dễ hiểu sự đòi hỏi căn bản này, vì ngày nào họ cũng đọc kinh nguyện: “Hỡi Israel, hãy nghe đây, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như lúc thức dậy”.
Lẽ đương nhiên, Chúa Giêsu cũng là người Dothái đạo đức và Ngài còn nhắc chúng ta phải giành quyền ưu tiên đó cho một mình Thiên Chúa. Phải chăng Ngài cũng là một Thiên Chúa ghen tương?
Phải chăng người đàn ông đã có vợ lại đi bỏ vợ mình, hoặc người cha phải bỏ con mình, hay là người con gái phải ghét cha mẹ để theo Chúa Kitô?
Yêu Chúa Kitô không có nghĩa là phải ngất xỉu chỉ vì lời mời gọi của Ngài. Một người con gái trẻ có thể xúc động trước bạn trai của mình hơn là khi tham dự Bí tích Thánh Thể và rước Mình Thánh Chúa. Chúng ta có thể nói được rằng người con gái đó yêu bạn trai mình hơn Chúa Kitô không? Yêu Chúa Kitô, trước hết không phải là một việc làm cảm tình, nhưng là thực thi thánh ý Ngài. Ưu tiên cho Ngài, chính là làm điều Ngài muốn trước hết, và ý Ngài muốn cũng là chúng ta phải yêu người mình yêu, yêu mến cha mẹ, con cái… Thánh nữ Teresa Lisieux nói: “Lạy Chúa, Chúa biết đó, con đã không bao giờ ước ao mến Chúa mà lại không khát khao hạnh phúc nào khác”.
“Ưu tiên cho Chúa Kitô” sẽ làm triển nở và biến đổi đời sống nhân bản của chúng ta hơn. Càng ưu tiên cho Chúa Kitô tất cả, chúng ta càng tràn đầy hơn. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Bạn muốn cứu lấy mạng sống của bạn ư?  Đúng, bạn rất có lý! Nhưng để làm điều này, bạn phải cho đi mạng sống bạn trước đã ”.
Khi giành ưu tiên tất cả cho Chúa Kitô, Chúa Kitô sẽ không tạo nên trong chúng ta những thần tượng. Vấn đề ở đây, không phải là để chúng ta ghét những người chung quanh, nhưng là để chúng ta đừng coi họ như những thần tượng, và đừng tỏ tình yêu mến họ một cách tuyệt đối. Nhiều bạn trẻ hôm nay yêu nhau đến nỗi lý tưởng hoá người mình yêu, coi người mình yêu như là lẽ sống duy nhất cho mình: “Anh là tất cả của em, anh chỉ sống cho em mà thôi”.  Với não trạng như vậy, liệu khi người mình yêu chết đi, lúc đó họ sẽ trở nên cái gì cho nhau, có phải là tất cả cho nhau nữa không?
Nhiều cha mẹ quá nuông chiều yêu thương con cái, coi con cái như là thần tượng, giành cho con cái tất cả và không dám quở phạt hoặc trách móc con cái. Con cái tưởng mình như là ông vua bà chúa và cuối cùng trở thành đứa con hư đốn, để lại sự đau khổ triền miên cho cha mẹ.
Không giành ưu tiên cho Chúa Kitô, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng thần tượng hoá chính mình và thần hoá một con người nào đó. Khi thất vọng về chính mình và về người mà mình thần tượng hoá đó, cuối cùng một thảm hại ê chề sẽ ập đến.
Khi đặt Chúa Kitô là trên hết trong đời sống chúng ta, tất cả những tình cảm khác đương nhiên sẽ tìm được chỗ của nó. Tình yêu trên hết mà chúng ta giành cho Chúa  Kitô cho phép chúng ta không rơi vào chủ nghĩa thần tượng hoá bất cứ một ai hoặc lạnh lùng thờ ơ đối với tha nhân.
Càng đặt Chúa Kitô là trên hết trong đời sống, chúng ta càng trở nên Chúa Kitô hơn cho người khác. Như Chúa Kitô là hình ảnh của Chúa Cha, thì người tín hữu chúng ta cũng phải trở nên những kitô khác.
Tin Mừng có thể làm chúng ta chưng hửng vì những lời đòi hỏi của Chúa quá gắt gao, nhất là những lời nghịch lý mà chúng ta thường gặp: Ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất. Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó. Phúc cho những ai khóc lóc.
Thực ra những lời nói này của Chúa Kitô cho chúng ta ý nghĩa đích thực của Tin Mừng. Chúng ta không có thể nhốt con người vào trong những định nghĩa quá đơn giản được. Con người là vô tận vì giống hình ảnh của Thiên Chúa. Con người vô tận này chỉ có thể tới gần nhau bằng những con đường đối kháng và nghịch lý. Tin Mừng tỏ ra cho chúng ta một vị Thiên Chúa hiện hữu vừa quyền năng, lại vừa dễ bị thương tổn, vừa đòi hỏi chúng ta nhưng cũng vừa yêu say đắm chúng ta, vừa sáng láng nhưng cũng lại vừa huyền nhiệm. Ngài nói với con người về con đường thập giá để dẫn con người tới đỉnh cao hạnh phúc.

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
 ==========================
  Suy niệm 2
THIÊN CHÚA KHÔNG THUA LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA CON NGƯỜI
(2 V 4, 8-11.14-16a; Rm 6, 3-4.8-11; Mt 10, 37-42)
Tại một Tòa Giám Mục miền bắc Việt Nam, trong khuôn viên Tòa Giám mục, có một khẩu hiệu rất đặc biệt, đó là: “Mỗi vị khách là một Đức Giêsu”.  Ấn tượng hơn nữa là cung cách của vị Giám mục và nhiều nhân viên trong đó đã để lại cho người đến thăm nhiều cảm xúc qua cách đón tiếp mang đậm chất Kitô.
Khi ra về, nhiều người đã không ngớt lời khen ngợi tấm lòng hiếu khách, chân tình và đơn sơ của Đức Giám Mục và những người ở nơi đây.
Tại sao nơi đó lại có cung cách đối đãi tốt như vậy? Thưa, bởi vì nơi đó đã thấm đượm bài học của chính Đức Giêsu dạy: Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10, 40).
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay sẽ lần lượt làm sáng tỏ nhằm giúp chúng ta hiểu tâm tình trên.
1.         Lời Chúa        
Khởi đi từ bài đọc 1, tác giả sách các Vua kể về sự kiện tiên tri Êlisê được một phụ nữ người Sunam đón tiếp rất thịnh tình khi ông và tiểu đồng đi ngang qua đây.
Người phụ nữ này là người thuộc giới thượng lưu trong thành. Gia đình giàu có. Đời sống vợ chồng rất ấm êm. Tuy nhiên, có một nỗi khổ tâm quá lớn đối với vợ chồng bà, đó là ông bà đã lớn tuổi mà không có con.
Nguyện vọng của ông bà là mong sao được Chúa thương nhận lời cho mình mụn con để nối dòng.   
Được tiếp đãi tử tế và rất thân tình, tiên tri Êlisê nghĩ đến ân nghĩa, nên trước khi rời khỏi nơi ấy, ông đã ngỏ ý muốn trả ơn vì những điều mà gia đình đã làm cho ông cũng như tiểu đồng.
Tuy nhiên, bà chủ đã hoàn toàn khước từ, bởi bà luôn nghĩ rằng: “Người đến trọ nhà mình là một vị thánh”. Vì thế, khi đón tiếp ngài là đón tiếp người của Thiên Chúa. Vì thế, không lẽ lại sòng phẳng như “hòn đất ném đi, hòn trì ném lại???” Vì thế, dù nói thế nào, bà đều từ chối không hề nhận bất cứ thứ gì mà vị tiên tri đáp lễ.
Thấy được tấm lòng chân thành ấy, Êlisê cũng áy náy! Tuy nhiên, khi được tiểu đồng mách cho biết nguyện vọng của ông bà là muốn có một người con để nối dõi tông đường cũng như tránh đi sự tủi nhục.
Thấy được sự khao khát chính đáng, Êlisê đã cầu nguyện và chúc phúc cho hai ông bà và nói tiên tri: “Vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng”. Sau đó tiên tri Êlisê lên đường. Đúng như điều đã nói, bằng rầy sang năm, ông bà đã có một người con trai.
Tuy nhiên, niềm vui chỉ được ít lâu, vì chỉ vài năm sau, thằng bé bị bệnh và qua đời.
Khi nghe tin ấy, tiên tri Êlisê đã không ngớt cầu xin Chúa cho con bà được sống lại, và Chúa đã nhận lời. Đứa trẻ đã sống lại để sống một cuộc sống mới trong ân sủng và tình thương của Thiên Chúa.
Qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy: Thiên Chúa không thua lòng quảng đại của con người. Nếu chúng ta rộng tay làm phúc cho Chúa hay những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta với lòng mến, thì chắc chắn Chúa sẽ trả ơn gấp bội.
Sang bài đọc 2, thánh Phaolô đi xa hơn để cho thấy nền tảng và nguồn gốc của sự sống mới chính là Đức Giêsu, Đấng đã sống cuộc sống như ta, đã chết và đã sống lại vì nhân loại. Ngài nói: “Nếu ta cùng chết, cùng được mai táng với Ngài, thì ta cũng có được một đời sống mới như Ngài”.  
Nếu trước kia, tâm hồn chúng ta đầy rẫy những tội lỗi, bon chen, ích kỷ, hận thù, kiêu ngạo và thiếu tinh thần bác ái, thì khi ta được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, nghĩa là ta được dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh của Đức Giêsu Kitô. Từ đó, con người của ta được biến đổi và được mặc lấy sự sống mới trong Ngài.
Thật vậy, nếu chết đi cho tội là loại bỏ những ích kỷ, tham vọng, nhục dục, thù hận, ghét ghen, vô cảm, vô tâm, dửng dưng, thì sống một đời sống mới trong Đức Giêsu Kitô là biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy; biết yêu thương, tha thứ, nhân từ, cảm thông, liên đới, quảng đại, dấn thân vì người nghèo…, bởi vì những thứ đó thuộc về phẩm chất của Thiên Chúa và chúng ta được mời gọi loan truyền tình thương của Ngài qua những hành vi đó.
Đỉnh cao của phụng vụ Lời Chúa hôm nay là bài Tin Mừng. 
Như một lời hiệu triệu, Đức Giêsu đã nói về sự liên đới giữa Ngài với ta, giữa ta với Ngài và Thiên Chúa Cha trong một đường dây bác ái. Ngài nói: “Ai đón tiếp một trẻ nhỏ…là đón tiếp Thầy…ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy…”. Mối liên hệ này cho thấy sự khăng khít và giao hảo giữa ba thành phần: Thiên Chúa - Đức Kitô và nhân loại.  Nói khác đi, ta được Thiên Chúa cứu độ nhờ Đức Kitô và cùng với anh chị em.
Chính vì thế mà Đức Giêsu đã đặt trọng tâm của sự liên kết này qua người nghèo và mời gọi người môn đệ hãy làm cho mối liên hệ này được trở nên sống động hơn.
Như vậy, qua 3 bài đọc, chúng ta thấy có một chủ đề xuyên suốt, đó là: nếu ta rộng lòng quảng đại giúp đỡ những người khó khăn, bần cùng trong tâm tình mến yêu Chúa và anh chị em, ta sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng ở ngay đời này và cả đời sau. Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của chúng ta. Ngược lại, Người sẽ trả công hậu hĩnh đến không ngờ.
2.  Sống sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đi vào mối tương quan với Thiên Chúa cách sống động.
Hành trình này có thể được ví như một hành trình đức tin. Đức tin ấy được chứng minh bằng những việc thực thi đức ái, từ bỏ tội lỗi để sống cho Thiên Chúa.
Chúng ta không thể nói rằng: đức tin của tôi chỉ cần được ghi trong sổ Rửa Tội; đức tin của tôi cũng chỉ cần ở trong nhà thờ; hay đức tin của tôi chẳng cần phải tỏ lộ ra bên ngoài.
Không! Nói như thế là tự mâu thuẫn, không nền tảng và vu vơ, chẳng khác gì người xây nhà mình trên nền cát, bởi vì: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 26. ); hay như thánh Gioan nói: “Người anh em chúng ta nhìn thấy mà không yêu mến, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Đấng ta không thấy?” (x. 1 Ga 4, 20)
Đức tin mà chúng ta được đón nhận phải đưa chúng ta vào trong sự sống mới của Đức Kitô, mà sự sống mới của Đức Kitô chính là vâng lời Chúa Cha tuyệt đối và yêu con người đến cùng.
Như vậy, nếu ta nói mình là môn đệ, là người thuộc về Đức Kitô mà ta không lắng nghe Lời Chúa, hay lắng nghe xong rồi bỏ, hoặc nghe một đàng làm một nẻo… thì chúng ta không khác gì hạt giống gieo bên vệ đường, bụi gai, sỏi đá.
Hay nếu nói là người đi theo Chúa, mà ta không mang trong mình tâm tư của Chúa, đó là từ bi, nhân hậu, bao dung, tha thứ, liên đới, nhất là thi hành bác ái đối với người nghèo, bảo vệ người cô thế cô thân, bênh vực cho công bằng, sống sự thật…thì chúng ta có khác gì những Pharisêu giả hình thời xưa đâu?
Mong sao, Lời Đức Giêsu dạy khi xưa : "Mỗi lần các ngươi làm cho một người nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40), sẽ được chúng ta ý thức và mau mắn thi hành trong lòng mến, để sau này, chúng ta được Thiên Chúa trọng thưởng trên Thiên Đàng.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết yêu thương anh chị em chúng con bằng tình yêu chân thành và đầy lòng mến. Xin cũng ban cho chúng con biết sống xứng đáng là con cái Chúa khi chúng con biết đi theo đường lối của Thiên Chúa trong ánh sáng và chân lý. Amen.

 
Jos.Vinc. Ngọc Biển 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giao lưu thể thao và dâng hoa kính Đức Mẹ tại giáo xứ Yên Tập
Giao lưu thể thao và dâng hoa kính Đức Mẹ tại giáo xứ Yên Tập
Chiều ngày 01.05.2024, tại giáo xứ Yên Tập đã diễn ra buổi giao lưu bóng đá giữa giáo xứ Yên Tập với giáo xứ Chính tòa Sơn Lộc và dâng hoa kính Đức Mẹ. Hiện diện trong đoàn của giáo xứ Sơn Lộc có cha Tổng đại diện, cũng là cha xứ giáo xứ Chính tòa Sơn Lộc Phaolô Nguyễn Quang Đĩnh, cùng quý thầy, quý dì và các thành viên trong đội hoa giáo xứ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log