Thứ sáu, 29/03/2024

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 10.2019

Cập nhật lúc 16:27 05/10/2019
KHÔI BÌNH HƯNG HÓA
ĐỒNG HÀNH

Tháng 10.2019
Nội bộ sinh hoạt hàng tháng
 
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Tháng mười năm nay là một tháng rất đặc biệt. Không chỉ là tháng Mân côi và cũng không chỉ có ngày thế giới truyền giáo vào Chủ nhật 20.10, nhưng theo ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là “Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo” nhân kỷ niệm 100 năm Đức Thánh Cha Bênêđictô XV công bố Tông thư Maximum Illud (Sứ Vụ Cao Cả) về hoạt động truyền giáo trên thế giới. Với việc làm này, Đức Phanxicô muốn thúc đẩy mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt hàng giáo sỹ và những người sống đời thánh hiến, “gia tăng ý thức về sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho muôn dân và hăng say tiếp tục sự biến đổi truyền giáo trong đời sống và hoạt động mục vụ của Hội Thánh.” Ngài cũng ước mong Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo này là “cơ hội mạnh mẽ và hiệu quả của ân sủng, thúc đẩy các sáng kiến, và trên hết, là việc cầu nguyện, linh hồn của mọi hoạt động truyền giáo.”
Trong tinh thần hiệp thông với Đức Thánh Cha và toàn thể Hội Thánh, Cha Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng Giáo phận Hưng Hóa, trong thông báo ngày 20.9.2019 cũng kêu gọi các Giới, Hội đoàn và mọi Giáo xứ dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện, học hỏi, suy tư chuyên sâu về sứ mạng loan báo Tin Mừng trong Hội Thánh, để có thêm kinh nghiệm cá nhân trong mối tương quan thân tình với Chúa Giêsu, đồng thời thêm lòng yêu mến để can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Vì thế, thay mặt cho Ban Quản Gia, tôi mời gọi các thành viên Khôi Bình Hưng Hóa hãy bước vào tháng 10 này trong tình hiệp thông sâu xa với Đức Thánh Cha Phanxicô và nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của ngài. Chúng ta hãy cùng cử hành Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo này trong nỗ lực cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng và phát huy những sáng kiến nhằm khơi dậy ý thức về sứ mệnh truyền giáo của mọi tín hữu trong lòng Giáo hội, cũng như sự nhiệt tình dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng. Việc làm này không chỉ giới hạn trong tháng 10 năm nay, nhưng cần được tiếp tục trong đời sống mỗi ngày.
Cách cụ thể, để cử hành Tháng Đặc Biệt Truyền giáo này theo đề nghị của Ủy ban Loan báo Tin Mừng Giáo phận, trước hết, các Gia đình Khôi Bình hãy tích cực tham gia học hỏi Tông thư Maximum Illud (Sứ Vụ Cao Cả) do Giáo xứ tổ chức, cổ võ việc lần chuỗi mân côi, đọc kinh truyền giáo, Chầu Thánh Thể cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Kế đến, là các Gia đình Khôi Bình tích cực cộng tác với Giáo xứ để mời các anh chị em ngoài Công giáo đến giao lưu liên tôn và ra đi thăm viếng các Giáo điểm anh em người dân tộc mà Giáo xứ và Cộng đoàn Khôi Bình kết nghĩa. Xin anh chị em cũng ý thức để khuyến khích con cháu tích cực gia nhập Hội Thiếu Nhi Truyền Giáo do Ủy ban Thiếu nhi Giáo phận phát động.
Ngoài ra, vì tinh thần hiệp thông trong đức ái mà Giáo phận đang nỗ lực sống trong năm nay, xin các Gia đình Khôi Bình cũng hãy tích cực quan tâm nâng đỡ những gia đình đang gặp khó khăn, không phân biệt lương giáo, đang sống chung quanh mình. Chắc chắn những chia sẻ bác ái cách chân thành và thiết thực sẽ đem lại những hiệu quả tích cực và hữu hiệu trong công cuộc loan báo Tin Mừng.
Xin Thiên Chúa là Cha qua lời chuyển cầu của Chân phước Khôi Bình luôn đồng hành và giúp anh chị em nhiệt tình sống sứ mệnh loan báo Tin Mừng, nhất là trong tháng Đặc Biệt Truyền Giáo này.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO -
Mt 28, 16 - 20
Do những hiểu lầm và những nghi kỵ đã xảy ra trong quá khứ, người Công giáo Việt Nam đã trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn ngay trên đất nước của mình. Về mặt công dân, có một thời các sinh hoạt tôn giáo bị giới hạn chỉ còn trong nhà thờ, con em người Công giáo không được theo học một số trường. Trong cái nhìn của anh chị em lương dân, những người Công giáo bị coi như những người ngoại lai, những kẻ bất hiếu. Tuy nhiên, dường như trong hoàn cảnh khó khăn như thế, đời sống của người tín hữu có phần sốt sắng hơn, họ không chú trọng những hình thức bên ngoài, mà tập trung xây dựng đời sống nội tâm nhiều hơn. Cũng trong thời kỳ khó khăn bách hại thì dường như con số những người tin vào Chúa và gia nhập đạo nhiều hơn.
Ngày nay, đời sống đạo có phần thoải mái dễ dàng hơn, người Công giáo lại bị rơi vào lối sống đạo chuộng hình thức bên ngoài, thiếu đời sống nội tâm, thiếu nhiệt tâm sống làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng. Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống luân lý của nhiều tín hữu trở nên lỏng lẻo hơn và có xu hướng chạy theo lối sống dễ dãi, buông thả. Trước hoàn cảnh xã hội và tôn giáo thay đổi nhanh chóng như thế, hiệp ý cùng Đức Phanxicô, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ba năm nay (2016) đã kêu gọi toàn thể cộng đồng dân Chúa cần phải Tân Phúc Âm hoá hóa từ trong gia đình đến bên ngoài xã hội.
Tân Phúc Âm hoá không có nghĩa là rao truyền một Phúc Âm, một Tin Mừng nào khác, mà là làm mới lại cách sống, cách loan báo và thực thi Tin Mừng của mỗi tín hữu. Trước những dấu hiệu đáng ngại trong xã hội ngày nay: gian dối, vô cảm, bất công, ma tuý, bạo lực, phá thai, tự tử..., mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, gia đình và xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống.
Chúng ta đang chứng kiến tội ác và bạo lực ngày càng gia tăng trong gia đình và ngoài xã hội. Có những người cho đó là hệ quả của nền giáo dục thiếu lòng nhân ái và bao dung, biến con người thành cỗ máy khô cứng không có trái tim. Có người cho rằng, do sự bất lực của những người có trách nhiệm điều hành trong xã hội, do tác động từ film ảnh sách báo, từ lối sống trọng tiền bạc của cải hơn con người, đã dẫn đến tình trạng tội ác và bạo lực như thế. Ngoài những lý do trên, người tín hữu cũng cần nhận trách nhiệm của mình đối với những vấn đề này, vì chính chúng ta chưa nhiệt tâm dấn thân sống Tin Mừng trong gia đình và đem Tin Mừng ra xã hội, chưa thực sự sống tình yêu thương phục vụ và sự thứ tha của Chúa Giêsu đã dạy, chưa làm cho Tin Mừng lan toả trong đời sống.
Người tín hữu không thể thụ động đứng nhìn hoặc chỉ trích, nhưng chính mỗi người cần bắt tay làm biến đổi môi trường gia đình và xã hội hôm nay theo chiều hướng của Tin Mừng. Đức Thánh Cha và các Đức Giám mục Việt Nam mời gọi chúng ta không chỉ là người đón nhận lòng thương xót của Chúa, mà còn phải là người đem lòng thương xót của Chúa đến cho anh em qua sự chia sẻ cụ thể và lòng bao dung mỗi người dành cho nhau, vì Thiên Chúa sẽ xét xử mỗi người theo tình yêu và lòng bao dung mà chúng ta đối xử với nhau. Chúng ta còn được mời gọi không thụ động đứng bên lề xã hội, nhưng trái lại, chúng ta cần tham gia một cách tích cực vào trong các hoạt động, các lãnh vực của xã hội, từ chính trị đến kinh tế, đến văn hoá giáo dục. Để từ đây, mỗi người đem niềm vui và ánh sáng Tin Mừng vào trong các lãnh vực, môi trường mình sống và làm việc để cho Tin Mừng biến đổi lãnh vực, môi trường đó.
Gần đây, các nhà lãnh đạo chính quyền đánh giá cao và công nhận sự đóng góp tích cực của giới Công giáo vào trong đời sống xã hội, đặc biệt trong lãnh vực bác ái và xây dựng đời sống dân cư. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những con số, những lời khen đó thì chưa đủ, chúng ta cần đem niềm vui và hy vọng của Tin Mừng vào trong môi trường xã hội, giúp cho mọi người khi tiếp xúc với người Công giáo, họ cảm nhận được niềm vui và hy vọng trong cuộc sống.
Chúng ta sống đạo không phải ở trên mây, nhưng là đem niềm vui và giáo huấn của Tin Mừng vào trong môi trường cụ thể của Việt nam hôm nay. Trong các Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong những năm gần đây đã chỉ cho chúng ta một số việc, trong đó nhấn mạnh đến việc tôn trọng và chăm sóc môi trường sống. Hãy tìm mọi cách để làm cho trái đất và mọi loài trong đó thêm tốt đẹp, đứng huỷ hoại chúng, đứng tàn sát chúng. Với người Công giáo, Đức Giáo Hoàng trong Tông huấn “Ngôi Nhà Chung” đã kêu gọi phải hoán cải, nghĩa là thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách sống trong tương quan với môi trường thiên nhiên. Chính Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm trông coi trái đất (x. St 1, 28). Do đó, chúng ta không được tàn phá hoặc sử dụng để trục lợi, nhưng phải chăm sóc và gìn giữ cho thế hệ hiện nay và cả tương lai. Từ đó, chúng ta được thúc đẩy thay đổi cách sống, biết tôn trọng thiên nhiên, chăm sóc môi trường sống. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày như tiết kiệm nước và năng lượng, giữ vệ sinh chung trong khu xóm. Các Giáo xứ sẽ phải trở thành những mẫu gương trong việc giữ gìn và bảo vệ môi sinh.
Cùng với việc tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên là việc tôn trọng mạng sống của mình và của người khác khi tham gia giao thông. Vấn đề tai nạn giao thông đang là vấn đề gây lo lắng bất an cho nhiều người mỗi khi tham gia giao thông. Mỗi Kitô hữu được mời gọi ý thức và hết sức tôn trọng luật giao thông, cư xử bác ái, nhường nhịn nhau khi lái xe và nhất là cần tôn trọng mạng sống mình và người khác, vì chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, là món quà Chúa gửi cho mỗi gia đình. Đừng để vì sự cẩu thả của mình mà gây tổn thương đau khổ cho bản thân, gia đình và cho người khác.
Một việc làm không thể thiếu trong việc đem niền vui và giáo huấn của Tin Mừng đến cho người khác là việc cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Thông thường trong cầu nguyện, chúng ta chỉ xin cho những nhu cầu trước mắt, xin cho bản thân giống như hai anh em ông Giacôbê và Gioan hôm nay: Xin cho hai anh em con được một người ngồi bên phải, một người ngồi bên trái Thầy trong ngày Thầy được vinh quang. Hai ông theo Chúa trong hành trình truyền giáo, các ông không cầu xin cho sứ mạng truyền giáo, trái lại, các ông xin nhữg điều hết sức trần tục - được một chỗ ngồi để hưởng thụ. Chúa Giêsu đã không chấp nhận lời cầu xin của hai ông, nhưng Ngài hướng các ông đến sứ mạng của Ngài, đó là sứ mạng cứu độ muôn dân. Chúa muốn tất cả chúng ta phải là những người cùng với Chúa thực thi đến cùng sứ mạng này: Cùng uống một chén, cùng chịu một phép rửa với Chúa.
Việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo có nghĩa là cầu nguyện để mỗi người có được cùng một kháo khát với Chúa Giêsu, Đấng đem lửa vào thế gian và ước mong lửa ấy bừng cháy lên. Cầu nguyện để mỗi người được biến đổi từ trong tâm hồn đến đời sống, để không còn tìm kiếm vinh quang chức quyền theo kiểu thế gian, trái lại, tìm và thực thi ý Chúa. Cầu nguyện để mỗi người có thể học theo gương Chúa Giêsu, dám trở nên người tôi tớ phục vụ anh chị em. Nhiều anh chị em ngoài Công giáo không bị đánh động bởi những bài giảng hùng hồn, cũng không được biến đổi bởi những con số thành tích hoặc đền đài, nhưng họ được đánh động và tin theo Chúa nhờ gương sống hiền lành, khiêm nhường và phục vụ của các Kitô hữu.
Xin Chúa cho mỗi người luôn ý thức mình là cộng tác viên của Chúa, đem Tin Mừng tình yêu và hy vọng đến cho mọi người qua chính đời sống phục vụ của mỗi chúng ta. Amen.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Theo ý anh chị, tại sao ít người Việt Nam gia nhập Đạo Công giáo? Có gì cần sửa đổi để người khác dễ chấp nhận Đạo chúng ta hơn không?
2. Gia đình Khôi Bình giáo xứ của anh chị đã thi hành sứ vụ truyền giáo như thế nào? Hãy liệt kê những công việc đã làm, đang làm và sẽ làm trong tương lai?
3. Bản thân anh chị đã thúc đẩy các thành viên trong gia đình của mình thi hành sứ vụ truyền giáo như thế nào?
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Căn nhà
Người Philipines có kể câu chuyện ngụ ngôn để nói lên sự quan trọng của tinh thần hiệp nhất trong một tập thể như sau.
Một ngày nọ, các bộ phận của căn nhà đã tranh cãi nhau xem thử thành phần nào là quan trọng nhất trong một căn nhà. Những chiếc cột thì cho rằng, chúng quan trọng nhất vì chúng là những cột trụ giúp căn nhà đứng vững. Bốn bức tường cũng cho rằng, chúng mới quan trọng nhất vì chính chúng giúp che gió và giúp cho các cây cột đứng vững được. Mái nhà cũng không chịu thua khi tranh cãi rằng, mái nhà là quan trọng nhất vì không có mái nhà thì không ai ở trong đó. Nếu không có mái nhà thì căn nhà sẽ chịu mưa nắng và không phải là nơi trú ẩn an toàn cho con người. Những chiếc đinh dù rất nhỏ bé nhưng cũng lý luận rằng, chúng mới là quan trọng vì chúng biết liên kết những cây cột với các bức tường, chúng giúp cho mái nhà vững chắc.
Cuộc tranh cãi kéo dài ngày này qua ngày khác cho đến một hôm chúng quyết định không ở chung với nhau nữa. Nghĩa là mỗi thành phần trong căn nhà tự tách mình ra đứng riêng. Chúng quyết định nhờ chị gió, chị mưa và động đất giúp chúng tách mình ra khỏi căn nhà. Chỉ sau một vài giây đồng hồ, căn nhà sập đổ hoàn toàn. Những chiếc cột không còn đứng vững; những vách tường không có sức mạnh để cản gió; mái nhà không còn che mưa nắng được; và những chiếc đinh bị lăn lóc và không còn dùng vào được việc gì. [1]
Quý bạn thân mến, một căn nhà được xây dựng bằng nhiều thành phần khác nhau. Những cây cột, những bức tường, những mái tranh, và những chiếc đinh. Dù xem chừng như cái này quan trọng hơn cái kia, nhưng thực ra, chúng chỉ thực sự quan trọng khi chúng biết đứng chung với nhau. Sự đứng chung với nhau giúp cho vai trò và giá trị của chúng thêm quan trọng, chứ không phải khi đứng riêng một mình làm chúng quan trọng. Nói cách khác, khi biết đứng chung với nhau thì làm cho vai trò của mỗi thành viên thêm giá trị, nhưng khi đứng riêng, thì những giá trị cá nhân sẽ chẳng là gì cả.
Chiếc cột, bức tường, mái nhà, cây đinh chỉ chu toàn bổn phận và sứ mạng của chúng khi chúng chấp nhận chia sẻ trách nhiệm cho nhau; khi chúng biết đứng chung với nhau; và chấp nhận sự quan trọng khác nhau nơi những thành phần xung quanh mình. Nếu chỉ nhận ra sự quan trọng của mình mà không nhận ra sự quan trọng của người khác thì sẽ dẫn đến cãi vã, tranh dành hơn thua, được mất. Và ngược lại, nếu chỉ nhận ra sự quan trọng của người khác mà không thấy vai trò quan trọng của mình trong tập thể, thì mình cũng làm hỏng đi căn nhà đại cuộc.
Nói tóm lại, không ai quan trọng hơn ai, và cũng không ai kém quan trọng hơn ai. Chúng ta có sự khác biệt trong vai trò, nhưng chúng ta không có sự khác biệt trong trách nhiệm. Chúng ta có sự khác biệt trong vị trí của mỗi tập thể, nhưng chúng ta không có sự khác biệt trong sứ mạng. Tất cả đều cần nhau, và tất cả đều lệ thuộc vào nhau. Nếu không cần nhau, không hợp tác với nhau, thì dù thiếu đi một cây đinh, căn nhà cũng có thể bị phá sập bất cứ lúc nào.
Bạn thân mến, mời bạn nhận ra vai trò của mình và của người khác, cũng như trách nhiệm của mình và cũng như của họ. Chúng ta nên nhìn vào trách nhiệm và sứ mạng của họ hơn là vị trí tước hiệu bên ngoài. Dù vai trò của họ quan trọng đến bao nhiêu đi chăng nữa, họ vẫn phải cần bạn. Và vai trò của bạn có nhỏ bé đến đâu đi chăng nữa, trách nhiệm của bạn cũng lớn như họ vậy.
Thưa bạn, tiếng vỗ tay của khán thính giả cũng quan trọng như khả năng trình diễn của người nghệ sĩ. Nếu có khác nhau chẳng qua cũng chỉ là khác ở vị trí: kẻ đứng người ngồi. Còn thực ra cả hai cũng chỉ phục vụ cho nghệ thuật và đem niềm vui đến cho nhau, phải không bạn?
Nguồn: Sống Sao Cho Đẹp - Br. Huynhquảng

[1] Biên tập lại từ The Parts of the House Argue trong Wisdom Tales (Atlanta: August House, Inc., 1996), 101.
  
III. TÓM TẮT & HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
“Được Rửa Tội và Được Sai Đi:
Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”
TÓM TẮT SỨ ĐIỆP   I. DẪN NHẬP (số 1) Lời mời gọi làm sống lại ý thức và dấn thân truyền giáo: “Hướng đến Tháng Mười 2019, tôi xin toàn thể Hội Thánh làm sống lại sự ý thức và dấn thân truyền giáo của Hội Thánh khi chúng ta kỷ niệm một trăm năm Tông Thư Maxium Illud (Sứ Vụ Cao cả) của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV.”
Đức Thánh Cha đánh giá Tông Thư này đã có một tầm nhìn rất xa mang tính tiên tri về nhiệm vụ đổi mới dấn thân truyền giáo của Hội Thánh, tạo sức đẩy mới cho Tin Mừng và đem ơn cứu độ của Chúa Kitô, Đấng đã chết và Phục Sinh cho thế giới hôm nay.
B. NỘI DUNG (số 2-11)
Nội dung chính Sứ điệp Truyền Giáo năm nay có thể được chi làm ba phần:
- Phần một: Khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô qua Phép Rửa (số 2-7);
- Phần hai: Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt về các Giáo Hội vùng Amazon (số 8-9);
- Phần ba: Truyền Giáo trong Giáo Hội với Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội (số 10-11);
I. PHẦN MỘT: Khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô qua Phép Rửa (số 2-7)
Đức tin là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa, khiến cho người lãnh nhận tiếp tục trao ban cho người khác. Nó cũng khiến cho tín hữu trở thành con người truyền giáo. Tuy nhiên, mọi nhà truyền giáo cần tránh những nguy cơ sai lạc và cần có phương pháp đúng đắn.
1. Truyền Giáo là Tin và Trao Ban Niềm Tin vào Chúa Giêsu Kitô
Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường 10/2019 giúp chúng ta khám phá truyền giáo là đón nhận Niền Tin vào Đức Kitô qua Bí tích Rửa Tội và loan truyền Niềm Tin ấy cùng với Đức Cậy và Đức Mến.
a. Chiều kích truyền giáo của lòng tin (số 2):
“Cử hành Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường này sẽ giúp chúng ta trước hết tái khám phá chiều kích truyền giáo của lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, một lòng tin đã được Thiên Chúa thương ban cho chúng ta trong Phép Rửa… Chúng ta được cho không món quà này và chúng ta cũng đem nó cho không người khác (x. Mt 10:8), không loại trừ một ai.”
b. Động lực truyền giáo được thúc đẩy bởi đức Tin, đức Cậy, đức Mến (số 3):
“Lòng tin vào Đức Giêsu Kitô giúp chúng ta nhìn mọi sự trong viễn cảnh đúng của chúng, khi chúng ta nhìn thế giới bằng con mắt và trái tim của Thiên Chúa. Đức cậy mở lòng chúng ta ra những chân trời vĩnh cửu của sự sống thần linh mà chúng ta được thông phần vào. Đức ái mà chúng ta được nếm cảm trước trong các bí tích và tình yêu thương huynh đệ, thúc đẩy chúng ta đi đến mọi chân trời góc biển (x. Mk 5, 4; Mt 28, 19; Cv 1, 8; Rm 10, 18).”
2. Xác định căn tính của người truyền giáo
Sứ mạng truyền giáo bắt nguồn từ Bí tích Rửa Tội. Do đó, căn tính của nhà truyền giáo được xác định vì họ là con Chúa nên họ muốn trao ban niềm tin cho người khác.
a. Sứ mạng truyền giáo khơi nguồn từ Phép Rửa (số 4):
“Sứ mạng truyền giáo này chạm tới bản thân chúng ta: Tôi là một sứ mạng, luôn luôn; bạn là một sứ mạng, luôn luôn; mỗi người nam người nữ đã chịu Phép Rửa là một sứ mạng.”
b. Sự sống thần linh (số 5):
“Từ thuở đời đời Người đã tiền định cho mỗi con cái của Người được dự phần vào sự sống thần linh vĩnh cửu của Người (x. Ep 1, 3-6). Phép Rửa tái sinh chúng ta theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, và làm chúng ta thành những chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, tức là Hội Thánh.”
c. Ơn làm con Chúa (số 6):
“Sứ vụ Chúa Giêsu Phục Sinh truyền cho các môn đệ vào ngày Phục Sinh là yếu tố nội tại trong Phép Rửa: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em, đầy tràn Thánh Thần, để thế gian được giao hoà (x. Ga 20,19-23; Mt 28,16-20). Sứ mạng này là phần thiết yếu của căn tính Kitô hữu chúng ta; nó làm chúng ta có trách nhiệm giúp mọi người thể hiện ơn gọi của họ là làm nghĩa tử của Chúa Cha, nhận ra nhân phẩm của mỗi người và quí trọng giá trị nội tại của sự sống con người, từ lúc thụ thai tới lúc chết.”
3. Những nguy cơ sai lạc và phương pháp truyền giáo
Đức Giáo Hoàng cảnh báo về những nguy cơ sai lạc như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cá nhân hay truyền giáo vì lợi ích kinh tế, đồng thời ngài cũng đưa ra phương pháp truyền giáo là đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo.
a. Tránh những nguy cơ xấu khi truyền giáo (số 7a):
“Nhắc lại lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XV kêu gọi chấm dứt mọi hình thức chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa chủng tộc, hay sự xuất hiện của việc rao giảng Tin Mừng nhằm đạt được các lợi kích kinh tế và quân sự của các cường quốc thực dân.”
b. Phương pháp truyền giáo cụ thể (số 7b):
Hôm nay cũng vậy, Hội Thánh cần những người nam người nữ, mà vì đã lãnh nhận phép rửa, họ quảng đại đáp lại tiếng gọi bỏ lại nhà cửa, gia đình, xứ sở, ngôn ngữ và giáo hội địa phương của họ, để được sai đến với các dân tộc khác, đến với một thế giới chưa được biến đổi nhờ các bí tích của Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh Người. Bằng việc rao giảng Lời Chúa, làm chứng cho Tin Mừng và cử hành sự sống của Thần Khí, họ kêu gọi người ta hoán cải, họ làm phép rửa và cống hiến ơn cứu độ của Đức Kitô, với sự tôn trọng tự do của mỗi người và đối thoại với các nền văn hoá và tôn giáo của các dân tộc mà họ được gửi đến.
II. PHẦN HAI: Truyền giáo ở vùng Amazon và châu Mỹ Latinh (số 8-9)
Sẽ mở Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt về các Giáo hội vùng Amazon vào tháng 10 năm 2019 và rút kinh nghiệm truyền giáo ở vùng vùng Châu Mỹ Latinh.
1. Vấn đề truyền giáo ở vùng Amazon (số 8)
Vùng Amazon đang bị tàn phá nặng nề về văn hoá và môi sinh. Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt về các vùng Amazon vào tháng 10 này sẽ sẽ là một “Hiện Xuống mới” để phá vỡ những chật hẹp của thế giới.
“Dịp kỷ niệm một trăm năm này với việc cử hành Thượng Hội Đồng Đặc Biệt về các Giáo Hội vùng Amazôn Một lễ Hiện Xuống mới đang mở rộng cửa cho Hội Thánh, để không một dân tộc nào bị đóng kín trong chính mình và không dân tộc nào bị cắt đứt khỏi sự hiệp thông phổ quát của đức tin.”
2. Bài học đức tin của Châu Mỹ Latinh (số 9)
“Việc chấp nhận đức tin Kitô giáo có nghĩa là gì đối với Châu Mỹ La-tinh? Đối với họ, nó có nghĩa là biết và đón tiếp Đức Kitô, vị Thiên Chúa vô danh mà các tổ tiên của họ từng tìm kiếm mà không biết, trong các truyền thống tôn giáo phong phú của họ. Họ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng đã đến để làm cho các nền văn hoá của họ sinh hoa kết quả, bằng cách thanh luyện các nền văn hoá ấy và phát triển nhiều hạt giống mà Lời Nhập Thể đã gieo nơi họ, nhờ đó dẫn họ đi trên những con đường của Tin Mừng.”
III. PHẦN BA: Truyền Giáo trong Giáo hội với Đức Mẹ là Mẹ Giáo hội (số 11)
Đức Thánh Cha phó dâng sứ mạng truyền giáo cho Đức Mẹ và mời gọi Hội Thánh phát triển về các Hiệp hội Giáo hoàng truyền giáo và ban phép lành cho mọi tín hữu.
“Chúng ta phó thác sứ mạng của Hội Thánh cho Đức Maria Mẹ chúng ta.”
Các Hội Giáo Hoàng Truyền giáo (số 11):
“Tôi muốn kết thúc sứ điệp này với vài lời về các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, đã từng được đề nghị trong Maximum Illud như là một nguồn tài nguyên truyền giáo. Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo phục vụ tính phổ quát của Hội Thánh như là một mạng lưới toàn cầu để hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong cam kết truyền giáo của ngài bằng cầu nguyện, linh hồn của việc truyền giáo, và bằng các việc quyên góp bác ái từ các Kitô hữu trên khắp thế giới (Hội Giáo Hoàng Truyền Bá Đức Tin), trong việc đào tạo hàng giáo sĩ địa phương (Hội Giáo Hoàng Thánh Phêrô Tông Đồ), trong việc gây ý thức truyền giáo giữa các nhi đồng (Hội Giáo Hoàng Thiếu Nhi Truyền Giáo), và trong việc khích lệ chiều kích truyền giáo của đức tin Kitô giáo (Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo).”
C. KẾT: Phép lành Tòa Thánh (số 12)
Đức Thánh Cha ban phép lành cho mọi tín hữu:
“Tôi thân ái gửi phép lành của tôi đến mọi người nam người nữ truyền giáo, và đến tất cả những ai, nhờ Phép Rửa, đang bằng cách này hay cách khác tham gia vào việc truyền giáo của Hội Thánh.”
 
HỌC HỎI SỨ ĐIỆP  
* Học hỏi Sứ điệp Truyền Giáo 2019 bằng câu hỏi dựa theo từng số.
  1. Tại sao đức tin là món quà quý giá nhất trên đời?
  2. Theo bạn có những cách thế nào để trao ban đức tin?
  3. Ai có nhiệm vụ truyền giáo?
  4. Động lực nào khiến bạn truyền giáo?
  5. Những nguy cơ sai lạc nào khi đi truyền giáo?
  6. Nêu những phương pháp truyền giáo mà bạn biết?
  7. Bạn biết gì về môi sinh và văn hoá vùng Amazon? Họ đang cần điều gì?
  8. Bạn rút ra bài học gì từ kinh nghiệm đức tin của Châu Mỹ Latinh?
  9. Bạn sống tinh thần truyền giáo với Mẹ Maria như thế nào?
  10. Trong Sứ điệp Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nêu lên các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo nào? Bạn biết gì về những Hội này?
 
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Vào lúc 19g30, Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28.3.2024, tại giáo xứ Cát Ngòi, cha xứ Đaminh Hoàng Thế Bằng đã chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly khai mạc Tam Nhật Thánh, đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ tham dự với tâm tình sốt mến thờ phượng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log