Thứ sáu, 19/04/2024

Linh đạo Cộng đoàn Gia đình Chúa

Cập nhật lúc 16:57 16/01/2015
LINH ĐẠO CỦA CỘNG ĐOÀN GIA ĐÌNH CHÚA



CHƯƠNG I

LÝ TƯỞNG NÊN THÁNH
 
CON NGƯỜI LÀ MỘT CON VẬT CÓ LÝ TRÍ
 
Con người giống con vật ở nhiều khía cạnh căn bản, nhất là về mặt thể chất. Nhưng con người khác con vật và hơn hẳn con vật nhờ có đời sống tinh thần.
Về khía cạnh thể chất, con người có những nhu cầu y như con vật: mắt thì thích nhìn cái đẹp; mũi thích ngửi mùi thơm; tai thích nghe những âm thanh ngọt ngào, bùi tai, nhạc hay; miệng lưỡi thích ăn của ngon vật lạ; thân thể thích những cảm giác êm ấm, mịn màng, mát mẻ, những cảm giác đặc biệt của dục tính. Nếu một con người chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu giác quan mà thôi, thì không hơn gì con vật.
 
Con người hơn con vật vì có khả năng và nhu cầu tinh thần. Con người có khả năng suy nghĩ, tính toán, có đời sống văn hóa, nghệ thuật. Nhờ khả năng suy nghĩ, tính toán, con người khắc phục được thiên nhiên và làm chúa tể của thế giới.
Không chỉ có vậy, con người tự nhiên còn có khả năng và nhu cầu tâm linh, nghĩa là khả năng và nhu cầu hướng về chân, thiện, mỹ, về tuyệt đối, vô hạn.
– Thật vậy, con người luôn luôn thích những gì là chân thật, không chấp nhận giả dối, quanh quéo; rất nhiều người đã dành cả cuộc đời để đi tìm chân lý.
– Con người cũng thích những gì là hay, tốt, và tự nhiên không muốn chấp nhận những gì là xấu. Con người cảm nghiệm nơi mình có một cái gọi là lương tâm, nó đòi hỏi con người phải hành thiện tránh ác, làm lành lánh dữ. Khi không hành thiện hay khi làm ác, con người bị lương tâm khiển trách, cắn rứt. Nhiều người không thể sống với một lương tâm cắn rứt.
– Con người cũng có nhu cầu thưởng thức cái đẹp trong thiên nhiên, vạn vật, và cả trong tâm hồn con người. Từ đó phát sinh ra đủ mọi nghệ thuật tương ứng với những hình thức đẹp và các nhu cầu đẹp của con người: hội họa, điệu khắc, âm nhạc, khiêu vũ, kịch nghệ, điện ảnh, v. v…
Một con người đầy đủ cần thỏa mãn cả những nhu cầu thể chất như con vật, mà cũng phải thỏa mãn những nhu cầu tinh thần, tâm linh. Càng chú trọng đến những nhu cầu tinh thần và tâm linh, con người càng trở nên tiến hóa hơn, hoàn hảo hơn, và là «người» hơn.
 
CON NGƯỜI LÀ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA
 
Trên là nói về khả năng và nhu cầu tự nhiên của con người. Theo mạc khải Ki-tô giáo, con người không chỉ là một con vật thượng đẳng, hơn những con vật khác ở chỗ có lý trí, có khả năng suy xét, lý luận, vì có khả năng hướng về chân thiện mỹ, mà con người còn là một cái gì cao cả hơn như thế. Theo mạc khải Ki-tô giáo, con người được dựng nên theo «hình ảnh Thiên Chúa» (St 1,27; 9,6; Ep 4,24), giống như Thiên Chúa (x. St 1,26; 5,1), và «được thông phần bản tính của Thiên Chúa» (2Pr 1,4), một Thiên Chúa mà bản chất là yêu thương (x.1Ga 4,8.16). Con người đã được nâng lên hàng «con cái Thiên Chúa» (x. Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), vì thế, một cách nào đó, con người còn mang tính chất thần linh: «Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao» (Tv 82,6; Ga 10,35). Vì thế, phẩm giá của con người rất cao cả, chúng ta cần phải sống cho xứng với phẩm giá ấy.
 
Câu chuyện dụ ngôn của Ấn Độ
Là con cái Thiên Chúa, được tạo dựng nên giống như Ngài, nhưng hiện nay, chúng ta vẫn sống như thể mình không phải là như vậy, thậm chí không hề ý thức hay biết mình là như vậy. Chúng ta sống y hệt con sử nai trong dụ ngôn của Ấn Độ sau đây, cứ tưởng mình là nai, chứ không biết bản chất của mình là sư tử:
«Một con sư tử có thai sắp tới ngày sinh con. Hôm đó nó phải nhảy qua một con suối rộng. Vì quá ráng sức, nên khi nhảy qua được dòng suối, nó liền sinh ra một con sư tử con rồi chết. Sư tử con được một bầy nai đem về nuôi. Sư tử con lớn lên giữa bầy nai và sinh hoạt y như những con nai khác: cũng ăn cỏ, cũng kêu be be. Sư tử con càng ngày càng lớn, nhưng không hề biết bản chất đích thực của mình. Một hôm, một con sư tử khác trông thấy con sư tử nai cũng to như mình, nhưng lại hiền lành ăn cỏ giữa bầy nai, nó bèn chạy tới xem sao. Sư tử nai thấy sư tử thực tới thì cũng sợ hãi chạy bán sống bán chết như những con nai khác. Con sư tử thực bèn bắt cho bằng được con sư tử nai, và chỉ cho nó thấy rằng nó là sư tử chứ không phải nai. Con sư tử nai mới đầu hết sức ngạc nhiên, không thể tin được. Nhưng khi con sư tử thật cho nó nhìn thấy bóng mình dưới mặt hồ, tập cho nó ăn thịt uống máu những con thú khác, và tập cho nó gầm lên, bấy giờ nó mới hoàn toàn thấy nó là sư tử. Từ lúc biết chắc chắn mình là sư tử, con sư tử nai bỗng nhiên cảm thấy như sức mạnh, sự oai vệ hùng hổ của một con sư tử đến với mình. Thế là từ đó, nó là sư tử, nó không còn sống cái kiếp nai như trước nữa».
 
Qua câu chuyện trên, ta thấy: Một con nai thuần túy sẽ mãi mãi là nai, không bao giờ trở thành sư tử được. Con sư tử nai có thể trở thành sư tử thật, vì bản chất của nó vốn là sư tử. Nhưng nếu con sư tử nai cứ tưởng mình là nai, không hề biết bản chất thật của mình là sư tử, nó sẽ mãi mãi là sư tử nai, không thể trở thành sư tử thật được. Nó chỉ trở thành sư tử thật sau khi biết mình là sư tử, đồng thời biết tập luyện để hành xử đúng như một con sư tử thật.
 
Tương tự, chúng ta không phải là một phàm nhân thuần túy: một phàm nhân thuần túy không bao giờ trở nên thánh hay nên con cái Thiên Chúa được. Tuy nhiên, chúng ta được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài, theo hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính của Ngài, nghĩa là tự bản chất chúng ta đã là thần, là thánh. Nhưng chúng ta mới chỉ là thánh hay thần linh trong tiềm năng, nghĩa là có thể trở nên thánh, chứ chưa phải là thánh trong hiện thực. Nói cách khác, chúng ta chưa sống cho ra thần ra thánh, đúng với bản chất của mình.
 
 
CON NGƯỜI ĐƯỢC MỜI GỌI NÊN THÁNH NHƯ THIÊN CHÚA
 
1.   Ơn gọi lớn nhất của con người: nên thánh
Thông thường, khi nói về ơn gọi, người ta nghĩ ngay tới ơn gọi làm linh mục, ơn gọi làm tu sĩ. Và tới thế kỷ 20, giáo dân cũng bắt đầu được coi là một ơn gọi: ơn gọi giáo dân. Nhưng cho tới nay, một chủng sinh hay tu sĩ mà bỏ tu ra làm giáo dân, thì nhiều người – kể cả linh mục, giám mục, hay những nhà trí thức trong Giáo Hội – nói rằng người đó «mất ơn gọi». Người ta làm như thể chỉ có linh mục, giám mục, tu sĩ là có ơn gọi, và họ coi ơn gọi của những vị ấy hết sức cao cả. Còn giáo dân thì chẳng sợ bị mất ơn gọi, vì giáo dân có ơn gọi đâu mà mất! Thật ra người ta quên rằng bất cứ Ki-tô hữu nào cũng có một ơn gọi rất cao cả là nên thánh.
Sau Công Đồng Vatican II, quan niệm trên đã trở nên lỗi thời. Hiện nay Giáo Hội quan niệm rằng ơn gọi lớn nhấtcao cả nhất của mọi Ki-tô hữu là nên thánh, như Đức Giê-su từng mời gọi: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Công Đồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: «Mọi Ki-tô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người» (GH 11§3).
 
2. Không hẳn cứ phải làm linh mục / tu sĩ mới nên thánh được
Rất nhiều Kitô hữu coi việc nên thánh là một việc hết sức cao xa, vượt quá sức mình, và chỉ dành cho các tu sĩ, linh mục hay giám mục mà thôi. Thực ra, nên thánh là ơn gọichung cho tất cả mọi người, dù là giáo dân, linh mục, giám mục, hay giáo hoàng, và là ơn gọi cao cả nhất. Tất cả mọi người – chứ không phải chỉ các linh mục và tu sĩ – đều được kêu gọi nên thánh. Cũng không phải tất cả mọi người đều được kêu gọi làm tu sĩ, linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng. Đó chỉ là những con đường nên thánh cá biệt, chứ không phổ quát. Làm tu sĩ, linh mục, giám mục… thiết tưởng là việc tương đối dễ và không hẳn là cần thiết hay quan trọng lắm, làm thánh mới là khó và cần thiết hay quan trọng hơn rất nhiều.
 
Đối với mỗi cá nhân Ki-tô hữu, ơn gọi nên thánh quan trọng hơn rất nhiều so với ơn gọi làm các chức vụ trong Giáo Hội, cho dù cao đến đâu! Vì thử hỏi: làm linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng, dù có hiển hách lẫy lừng đến đâu, nếu bản thân không nên thánh thì có ích lợi gì? Tương tự như «được cả trần gian mà mất linh hồn thì được ích gì?» (Mt 16,26). Tóm lại, để làm thánh thì không nhất thiết là phải làm linh mục hay tu sĩ.
 
Trong Giáo Hội hiện nay, vẫn còn có những quan niệm sai lầm, nhưng rất phổ biến, nhất là tại Việt Nam, là làm như ơn gọi làm linh mục, giám mục… thì cao trọng hoặc quí trọng hơn ơn gọi nên thánh phổ quát của mọi Ki-tô hữu! Thiết tưởng, dưới con mắt của Thiên Chúa, một vị thánh – cho dù là giáo dân, dù là một người có địa vị thật thấp kém trong xã hội – vẫn luôn luôn cao cả và giá trị hơn một linh mục, giám mục, hay giáo hoàng mà không thánh, thậm chí giá trị hơn rất nhiều lần! Nhưng người ta vẫn thích nhìn bằng con mắt của người đời hơn bằng con mắt của Thiên Chúa! Để quan niệm cho đúng, cần tự hỏi và xác định: Thiên Chúa muốn ta nên thánh hay muốn ta làm tu sĩ, linh mục, giám mục…? Nên thánh, và nên linh mục, giám mục… cái nào cần thiết cho chúng ta hơn? Cần phải quan niệm cho đúng: quan niệm có đúng thì hành xử mới đúng được!
 
 
CHƯƠNG II
 
LINH ĐẠO KITÔ HỮU
 
LÝ TƯỞNG NÊN THÁNH
 
Mọi người Kitô hữu đều có chung một lý tưởng: nên thánh. Nếu không có lý tưởng này thì ta chưa phải là một Kitô hữu đích thực, mà chỉ là Kitô hữu «hữu danh vô thực». Lý tưởng này đòi hỏi ta sống thánh thiện, tốt lành, trọn hảo «như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48), mà cụ thể hơn là theo mẫu gương Chúa Kitô, Ngài là hiện thân của Chúa Cha (x. Ga 12,45; Ga 14,9).
 
Làm bất kỳ việc gì, muốn thành công, chúng ta đều phải có quyết tâm. Người ta vẫn nói: «Quyết tâm là mẹ thành công». Không quyết tâm, không làm nên việc gì to tát cả. Công việc nên thánh là một công việc quan trọng và lớn lao nhất trên đời, nếu không quyết tâm thì không thể thành tựu được. Vậy, muốn nên thánh, phải quyết tâm, phải xác định rõ ràng và dứt khoát lý tưởng nên thánh và ước muốn nên thánh của mình. Nhưng quyết tâm không chưa đủ, còn phải có phương pháp hay đường lối nữa. Bất cứ việc gì, nếu làm có phương pháp, cũng dễ thành công, và thành công nhanh chóng. Việc nên thánh cũng vậy, muốn có kết quả, cần phải nên thánh một cách có phương pháp, đường lối. Đường lối hay phương pháp nên thánh thường được các nhà tu đức gọi là linh đạo.
 
LINH ĐẠO
 
Linh đạo [1] là đường hướng sống đạo, lề lối tu đức, là phương cách nên thánh của người Kitô hữu trong Thánh Linh, Đấng luôn luôn hiện diện và tác động trong đời sống Kitô hữu. Sống linh đạo là sống theo Thánh Linh, nhờ Thánh Linh dẫn dắt mình «đến với Chúa Cha, qua Đức Kitô».
Mọi Kitô hữu có chung một linh đạo gốc là linh đạo Kitô hữu. Linh đạo này hệ tại việc thi hành ba chức vụ quan trọng của Đức Kitô mà mình đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội là:
 
1. Làm chủ (vương giả):
Chức năng «làm chủ» hay chức vụ «vương giả» hệ tại làm chủ bản thân, làm chủ tập thể (gia đình, xã hội, Giáo Hội), làm chủ ngoại cảnh (thiên nhiên, môi trường).
Chức vụ này Thiên Chúa đã trao cho con người ngay từ khi Ngài tạo dựng nên họ: «Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đấtHãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất» (St 1,28). Và cũng ngay từ đầu, con người đã thực hiện quyền làm chủ ấy qua việc «đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú» (St 2,20). Thánh Phaolô cũng nói đến quyền làm chủ ấy: «Thiên Chúa đã đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người. Khi bắt muôn loài muôn sự phải phục quyền con người, Thiên Chúa không để cho một sự gì không phục quyền con người» (Dt 2,8).
Khi lãnh bí tích rửa tội, con người được tham dự và chia sẻ quyền làm chủ và thủ lãnh của Đức Giêsu (x. Ep 1,10). Tuy nhiên, để thực hiện được quyền làm chủ ấy, người Kitô hữu phải bắt đầu bằng việc làm chủ chính bản thân mình. Khi làm chủ được chính bản thân mình, con người sẽ tự nhiên làm chủ được tập thể và ngoại cảnh. Làm chủ là một yếu tố quan trọng cấu thành sự thánh thiện của con người.
Khổng Tử cũng nói tới việc tu thân để trở nên người hoàn hảo trong câu: «Tiên tu kỳ thân, hậu tề kỳ gia, nhi trị kỳ quốc, nhi bình thiên hạ» (trước tiên là phải tu thân, kế đến là quản trị gia đình, rồi mới có thể giúp ích cho đất nước, và sau mới phục vụ nhân loại). Một người thánh thiện theo Kitô giáo không thể chỉ nghĩ đến bản thân mình, mà phải trải rộng lòng mình đến với tất cả mọi người trên thế giới.
 
2.   Làm lễ (tư tế):
Chức năng «làm lễ» hay chức vụ «tư tế» hệ tại việc dâng bản thân, dâng ý riêng, dâng mọi công việc của đời thường lên Thiên Chúa như một lễ vật, cùng với Chúa Giêsu, để thờ phượng Thiên Chúa và để thánh hóa bản thân và mọi công việc của mình. Chức năng làm lễ, tế lễ hay chức vụ tư tế đã có từ thời Cựu Ước, nhưng Đức Giêsu chính là vị tư tế đúng nghĩa nhất, cao cả nhất và mang tính đời đời (x. Dt 4,14; 5,6.10; 6,24; 7,17.24). Chức tư tế cộng đồng [2] của mọi Kitô hữu là tiếp nối chức tư tế của Đức Giêsu (x. 1Pr 2,5.9; Kh 1,6; 5,10).
 
Ngày xưa, thời Cựu Ước, dân Chúa phải dâng lên Chúa các con vật, sát tế chúng để làm của lễ thờ phượng Thiên Chúa. Ngày nay, với trình độ tâm linh cao hơn, người Kitô hữu phải sát tế một cách thiêng liêng chính bản thân mình làm lễ vật thờ phượng Ngài. Sát tế một cách thiêng liêng chính bản thân mình là sát tế «cái tôi» mà ta thường coi là «cái rốn của vũ trụ», để ta không còn sống cho chính mình, sống vị kỷ, mà sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Đó là «coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su» (Rm 6,11; 2Cr 5,15). Ta làm điều này theo mẫu gương của Đức Giêsu, Ngài đã sát tế chính bản thân mình, không chỉ một cách thiêng liêng, mà một cách rất cụ thể là chết trên thập giá: «Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2,6-8). Một cách cụ thể, sát tế một cách thiêng liêng chính bản thân mình là sát tế mọi ý riêng của mình, để ta không còn sống theo ý riêng mình nữa, mà hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa như Đức Giêsu đã sống: «Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi» (Ga 6,38; x. Ga 5,30; Mt 26,39; Lc 22,42; 1Pr 4,2).
 
Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất mà ta có thể thực hiện được chính là hiệp với lễ vật của Đức Giêsu trong hy tế đồi Can-vê xưa, và trong hy tế Thánh Thể ngày nay, để sát tế thiêng liêng chính «cái tôi» của mình, cùng với ý riêng của mình, để hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Sống theo thánh ý Thiên Chúa là một điểm cốt yếu của sự thánh thiện Kitô hữu.
 
Mà thánh ý của Thiên Chúa thời Cựu Ước là luật Môsê được tóm gọn trong hai điều: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Và phải yêu người thân cận như chính mình» (Mt 22,37-40; x. Mc 12,30-31; Lc 10,27). Đến thời Tân Ước, Đức Giêsu đưa ra một luật mới tóm gọn hơn, chỉ còn một điều duy nhất: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nà: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,34-35; x.15,12.17). Thánh Phaolô cũng tóm lại toàn bộ luật mới của Đức Giêsu vào một điều duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2). Như vậy, trong Tân Ước, điều răn thứ nhất của Cựu Ước được hàm ẩn trong điều răn thứ hai: yêu tha nhân chính là yêu Thiên Chúa, không yêu tha nhân chính là không yêu Thiên Chúa: «Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20).
 
Ngoài ra thánh ý Thiên Chúa còn được biểu lộ ra trong luật Giáo Hội, trong các bổn phận thường ngày của đời sống ta, đặc biệt trong những biến cố xảy ra trong cuộc đời ta, dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh, và qua các dấu chỉ của thời đại (signum temporum).
 
3.   Làm chứng (ngôn sứ):
Chức năng «làm chứng» hay chức vụ «ngôn sứ» của người Kitô hữu tiếp nối chức vụ ngôn sứ của Đức Giêsu, Ngài chính là ngôn sứ đúng nghĩa nhất của Thiên Chúa (x. Mt 21,11; Lc 24,29; Ga 6,14). Chức năng này hệ tại việc làm chứng cho Thiên Chúa, cho Chúa Giêsu-Kitô, cho chân lý (luôn luôn thành thật, nói sự thật), cho công lý (sống công bình và đòi hỏi công bình trong xã hội, chống bất công áp bức), giúp mọi người nên tốt lành thánh thiện hơn, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
 
·       · Làm chứng cho Thiên Chúa, cho Đức Giêsu: Mọi người Kitô hữu đều lãnh nhận đức tin Kitô giáo qua bí tích rửa tội, và lãnh nhận sức mạnh của Thánh Thần qua bí tích thêm sức để làm chiến sĩ cho Thiên Chúa và cho Đức Giêsu. Vì thế, họ có nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu và các tông đồ là loan báo Tin Mừng đến với mọi người chung quanh. Đức Giêsu đã truyền lệnh này cho các tông đồ và các Kitô hữu: «Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em» (Mt 28,19-20). Mục đích của việc loan báo Tin Mừng là để mọi người đều tin vào Đức Giêsu và sống tinh thần yêu thương của Ngài, hầu biến thế giới này thành Nước Trời. Chúng ta thường biểu lộ niềm mong ước này trong kinh Lạy Cha: «Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến» (Mt 6,9-10).
Nhiệm vụ xây dựng Nước TrờiMọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ xây dựng Nước Trời, là một xã hội hay thế giới lý tưởng, trong đó Thiên Chúa là Tình Thương ngự trị, và mọi người đều đối xử với nhau bằng tình thương, nhờ đó mọi người đều hạnh phúc. Nước Trời trước hết phải được các Kitô hữu cố gắng thể hiện
– ngay tại trần gian này trước khi họ có thể hưởng Nước Trời trên thiên quốc ở đời sau.
– ngay trong bản thân trước khi thể hiện trong gia đình mình, và ngay trong gia đình mình trước khi thể hiện ra ngoài xã hội, đất nước và thế giới.
Không nỗ lực xây dựng Nước Trời ở đời này, người ta khó có thể hưởng được Nước Trời ở đời sau.
- Làm chứng bằng lời nói và nhất là bằng đời sống thực tế: Việc làm chứng cho Thiên Chúa và Đức Giêsu không chỉ được thực hiện bằng lời nói qua việc rao giảng, mà chủ yếu phải bằng chính đời sống thực tế của mình. Chính khi ta sống đức tin, đức cậy và nhất là đức ái trong môi trường ta sống và làm việc (gia đình, xã hội, làng xóm, xưởng thợ, trường học…) là ta đã làm chứng cách tốt đẹp nhất cho Thiên Chúa và Đức Giêsu. Thời nay, thời của khoa học thực nghiệm, làm chứng bằng lời nói không quan trọng bằng làm chứng bằng chính thái độ sống, bằng việc làm, bằng những hành động cụ thể, vì «lời nói (chỉ) lung lay, gương bày (mới) lôi cuốn».
 
·       · Làm chứng cho chân lý và công lý: Nước Trời là nước của tình thương, nhưng tình thương phải được xây dựng trên nền tảng chân lý và công lý, tức trên sự thật và lẽ công bằng. Tình thương không được xây dựng trên nền tảng này là tình thương giả tạo, mầu mè bên ngoài. Vì thế, để xây dựng Nước Trời, người Kitô hữu phải sống chân thật, ngay thẳng, đồng thời tôn trọng và xây dựng sự công bằng trong gia đình và xã hội, không hành động thiên lệch, tây vị.
– Sống chân thật, ngay thẳng là luôn luôn nói sự thật, không giả dối, giả hình, sẵn sàng làm chứng cho sự thật, bênh vực sự thật dù phải chấp nhận thiệt thòi, đau khổ.
– Tôn trọng và xây dựng sự công bằng: Tôn trọng công bằng là không bao giờ vô cớ làm thiệt hại ai; luôn tôn trọng quyền lợi của mọi người, quyền lợi tự nhiên cũng như quyền lợi do tôn giáo hay pháp luật qui định; sẵn sàng thực hiện cho bất kỳ ai những gì mà trên nguyên tắc họ có quyền đòi hỏi ta thực hiện.[3] Xây dựng công bằng là đòi hỏi mọi người phải thực hiện sự công bằng đối với mình và đối với nhau, hoặc tranh đấu cho công bằng xã hội, [4] chống bất công xã hội.[5] Tất cả những vấn đề này đã được Giáo Hội qui định trong «Giáo huấn của Giáo Hội về những vấn đề xã hội».
Linh đạo Kitô giáo truyền thống có khuynh hướng nhấn mạnh nhiều đến chức năng làm lễ(= chức vụ tư tế), đòi hỏi người Kitô hữu phải có đức tin và tình yêu. Mà ít nhấn mạnh đến chức năng làm chủ (= vương đế) và làm chứng (= ngôn sứ), đòi hỏi người Kitô hữu phải có trí tuệ và dũng khí, hay khôn ngoan và can đảm. Thiết tưởng sự thánh thiện hay toàn hảo đòi hỏi người Kitô hữu phải thực hiện và phát triển đầy đủ cả ba chức năng ấy. Phát triển đến tột đỉnh một chức năng nào đó mà hai chức năng kia bị lãng quên và không phát triển, thì đó chỉ là một sự thánh thiện què quặt, tức chưa toàn hảo.
 
NHIỀU LINH ĐẠO KITÔ HỮU KHÁC NHAU
 
Chúng ta vừa trình bày linh đạo chung hay đường lối nên thánh chung của mọi người người Kitô hữu. Mọi Kitô hữu muốn nên thánh cần noi theo linh đạo chung ấy. Tuy nhiên, cùng thực hiện một linh đạo duy nhất ấy, nhưng mỗi người, mỗi nhóm người, mỗi dân tộc lại thực hiện linh đạo ấy một cách khác nhau, tùy theo tâm tính, khuynh hướng tự nhiên, môi trường, hay sự lựa chọn lý tưởng riêng của mỗi người, mỗi nhóm, mỗi dân tộc. Vì thế, trong lịch sử Giáo Hội, tùy thời tùy nơi, và tùy khuynh hướng tâm linh của mỗi người, Thiên Chúa Quan Phòng đã nhờ Thánh Linh làm phát sinh nhiều đường hướng sống đạo, tu đức, nên thánh khác nhau phù hợp với bậc sống, tính tình, khuynh hướng, môi trường khác nhau của người Kitô hữu. Có thể nói đó là việc hội nhập hay ứng dụng linh đạo chung vào các môi trường sống riêng biệt khác nhau. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công giáoviết:
«Trong sự hiệp thông của các thánh, nhiều linh đạo khác nhau xưa nay vẫn phát triển suốt trong lòng lịch sử của các giáo hội. Chúa ban đặc sủng riêng cho một số vị chứng nhân của tình Chúa yêu thương con người. Đặc sủng ấy đã được truyền lại cho người đời sau. Chẳng hạn, «tinh thần» (hay «thần khí») của Êlia được truyền lại cho Êlisê và Gioan Tẩy Giả, để các đồ đệ của họ có thể dự phần vào tinh thần ấy.
«M ột lối linh đạo cũng có thể khai sinh nơi chỗ hội tụ của những trào lưu phụng vụ và thần học. Linh đạo đó làm chứng cho việc đức tin hội nhập vào một môi trường nhưng lại cụ thể và vào lịch sử của môi trường đó.
«Những trường phái linh đạo khác nhau của Kitô giáo đều cùng tham dự vào truyền thống sống động của việc cầu nguyện, và là những kẻ hướng dẫn cần thiết cho các tín hữu. Những luồng linh đạo phong phú và đa dạng đó là những đường khúc xạ phản ánh cùng một nguồn sáng thuần khiết duy nhất của Chúa Thánh Thần» (Giáo Lý Giáo Hội Công giáo, số 2690).
Chỉ có một Chúa Thánh Thần nhưng có nhiều linh đạo khác nhau. Có những linh đạo dành cho linh mục, có những linh đạo dành cho tu sĩ, và cũng có những linh đạo dành cho giáo dân. Nói cách khác, việc nên thánh chỉ có một, nhưng vì mỗi người một tính tình, một hoàn cảnh, một nếp sống khác nhau, nên đường lối nên thánh của chúng ta cũng mỗi người mỗi khác. Cách nên thánh của một giáo dân sống ngoài đời – phải đầu tắt mặt tối với công ăn việc làm, với đàn con, với những quan hệ xã hội – đương nhiên không thể giống như đường lối nên thánh của một linh mục hay tu sĩ – vốn không phải bon chen ngoài xã hội, không phải nheo nhóc với đàn con, mà chỉ chủ yếu lo những chuyện tinh thần, đạo nghĩa. Cách nên thánh của các linh mục triều sống giữa giáo dân cũng khác với cách nên thánh của các tu sĩ dòng sống chung với nhau trong bốn bức tường tu viện. Mỗi cách thức hay đường lối nên thánh ấy cũng được gọi là linh đạo.
 
Cộng đoàn «Gia Đình Chúa» là một hội đoàn Công Giáo tiến hành, gồm những Kitô hữu chủ yếu là giáo dân quyết tâm nên thánh trong môi trường gia đình của mình, và lợi dụng chính môi trường gia đình mà mình đang sống để nên thánh. Vì thế, cộng đoàn này có một linh đạo riêng để thực hiện cụ thể linh đạo chung của mọi Kitô hữu theo cách riêng của mình.
 
 
CHƯƠNG III
 
CỘNG ĐOÀN GIA ĐÌNH CHÚA
 
 
Cộng đoàn Gia Đình Chúa là một tập hợp những Kitô hữu – chủ yếu là giáo dân – có lý tưởng nên thánh trong môi trường gia đình của mình, bằng cách lợi dụng tất cả những thực tại, yếu tố, hoàn cảnh trong đời sống gia đình để nên thánh. Lý tưởng của các thành viên cộng đoàn không chỉ là nên thánh cho bản thân, mà còn là cùng nên thánh và cùng giúp nhau nên thánh với những người trong gia đình, và với những gia đình khác trong và ngoài cộng đoàn của mình. Mẫu gương cao nhất mà mọi thành viên và mọi gia đình trong cộng đoàn muốn noi gương bắt chước là Gia Đình Thiên Thượng của Ba Ngôi Thiên Chúa và gia đình tại thế của Đức Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse ở Nadarét.
Như vậy, linh đạo của cộng đoàn Gia Đình Chúa (gọi tắt là linh đạo Gia Đình Chúa) là một đường lối thánh hóa bản thân, gia đình và từ đó thánh hóa xã hội, theo một chiều hướng mới là thực hiện lý tưởng gia đình dựa trên nền tảng gia đình và theo bản chất tự nhiên của gia đình.
Để hiểu về lý tưởng gia đình, và từ đó nắm vững linh đạo Gia Đình Chúa, trước tiên, chúng ta cần phải hiểu về bản chất tự nhiên của gia đình.
 
BẢN CHẤT TỰ NHIÊN CỦA GIA ĐÌNH
 
Gia đình là một tập hợp tự nhiên gồm những người thân thiết nhất kết hợp với nhau
·       · qua hôn nhân (vợ – chồng)
·       · qua sự truyền sinh (cha mẹ – con cái)
·       · qua tình trạng có cùng cha mẹ (giữa anh chị em ruột thịt trong nhà)
để cùng sống chung hạnh phúc với nhau dưới một mái ấm.
Đặc điểm của tập hợp tự nhiên này là: sự liên kết giữa mọi phần tử trong đó đều rất tự nhiên và do tình yêu tự nhiên phát sinh. Gia đình bắt đầu phát sinh từ đôi nam nữ đến với nhau bằng tình yêu và kết hôn thành vợ chồng. Tình yêu của họ sinh hoa kết trái thành những đứa con. Sự liên kết giữa cha mẹ và con cái là một tình yêu cao cả, tự nhiên, vô điều kiện, vô vị lợi, và hết sức mãnh liệt. Con cái cảm nghiệm được tình yêu thương của cha mẹ cũng đáp lại tình yêu ấy bằng tình yêu hiếu thảo của mình. Khi cha mẹ sinh nhiều con cái, thì giữa đám con cái ấy nẩy sinh tình huynh đệ.
Như vậy, gia đình là một môi trường tự nhiên Thiên Chúa lập nên để con người cảm nghiệm tình yêu, đồng thời để họ tập tành những bài tập yêu thương từ dễ đến khó.
– bài tập đầu tiên và dễ nhất là đáp lại tình yêu vô bờ bến và rất cụ thể của cha mẹ.
– bài tập thứ hai khó hơn là yêu thương anh chị em trong nhà.
– bài tập thứ ba khó hơn nữa là yêu thương các bạn bè lối xóm hay tại trường học. Tình yêu bắt đầu vượt ra khỏi giới hạn gia đình, đối tượng yêu không còn là ruột thịt máu mủ.
– bài tập thứ tư là tình yêu nam nữ. Đây là một tình yêu mãnh liệt, nhưng có tính toán, có điều kiện (người mình yêu phải đẹp, dễ thương, có học thức, có công ăn việc làm…) và đòi hỏi có qua có lại.
– bài tập thứ năm là tình yêu đối với con cái. Đây là một tình yêu vô cùng mãnh liệt, không tính toán, không điều kiện. Cha mẹ vẫn có thể yêu những đứa con tàn tật, khó thương, tội lỗi, thậm chí đang chống lại mình, muốn làm hại mình… Con người phần nào cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa qua tình phụ tử hay mẫu tử mà mình có đối với con cái mình. Người đời vẫn nói: «Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ». Cũng vậy, có con và hết lòng thương yêu chúng, con người mới hiểu phần nào tình yêu của Thiên Chúa đối với mình.
Tất cả những bài tập trên được thực hiện trong khuôn khổ gia đình khiến con người có kinh nghiệm khá hoàn hảo về việc được yêu thương và chủ động yêu thương. Vì thế, tình yêu trong gia đình là một tình yêu gương mẫu cho tất cả mọi thứ tình yêu khác ngoài gia đình.
Thử nhìn vào đời sống chung trong một gia đình tự nhiên, ta thấy đó quả là một xã hội rất hoàn hảo được thu nhỏ lại. Trong đó, mọi người đều
– yêu thương nhau, sống thành thật với nhau, coi nhau như chính bản thân mình…
– có thể hy sinh cho nhau một cách cao độ, vô điều kiện, không vụ lợi, không so đo tính toán…
– thực hiện một cách hoàn hảo tinh thần «làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu» …
– về kinh tế, tất cả mọi của riêng đều là của chung (trừ những đồ dùng cá nhân như quần áo, giày dép…), tiền bạc mỗi người làm được… đều xung vào quỹ chung gia đình.
Như vậy, gia đình là một tập hợp trong đó con người sống với nhau bằng tình yêu một cách hoàn hảo nhất. Vì thế, gia đình là một gương mẫu về việc sống chung trong yêu thương cho bất kỳ một tập thể nào muốn sống tinh thần yêu thương của Đức Giêsu trong tập thể của mình. Chính các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã áp dụng tinh thần gia đình này trong toàn thể cộng đoàn của mình (x. Cv 2,42-47).
 
LÝ TƯỞNG GIA ĐÌNH TRONG LINH ĐẠO GIA ĐÌNH CHÚA
 
Gia đình là một mẫu gương hoàn hảo cho việc sống chung trong bất kỳ tập thể nào muốn sống tinh thần yêu thương của Đức Giêsu. Vì thế, các thành viên trong cộng đoàn Gia Đình Chúa bắt chước các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên lấy gia đình tự nhiên làm mẫu gương cho việc sống chung trong tập thể của mình. Nghĩa là cộng đoàn Gia Đình Chúa cố gắng sống với nhau như trong gia đình, đối xử với nhau như người cùng một gia đình. Nói khác đi, cộng đoàn Gia Đình Chúa lấy tinh thần gia đình làm lý tưởng cho đời sống chung trong cộng đoàn của mình.
Đương nhiên, trên trần gian, không phải gia đình nào cũng sống được như mẫu gia đình mà chúng ta vừa nói. Nói chính xác hơn, hầu như không gia đình nào sống được hoàn toàn đúng với mẫu gia đình ấy. Vì thế, chúng ta gọi mẫu gia đình ấy là gia đình nguyên mẫu, hay gia đình lý tưởng, đó là kiểu mẫu gia đình mà đúng ra mọi gia đình đều phải theo. Chắc hẳn chỉ có một gia đình của Mẹ Maria, Thánh Giuse và Chúa Giêsu là gia đình duy nhất mà chúng ta tin là sống đúng như nguyên mẫu gia đình ấy. Và cộng đoàn đã áp dụng thành công nhất lý tưởng gia đình này là cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Vì thế, nói cho cụ thể, gương mẫu gia đình mà cộng đoàn Gia Đình Chúa chúng ta muốn noi theo chính là Gia đình Thánh Gia tại Nadarét, và các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.
 
GIA ĐÌNH CỦA CỘNG ĐOÀN GIA ĐÌNH CHÚA
 
Cộng đoàn Gia Đình Chúa và tất cả mọi nhóm nhỏ trong cộng đoàn đều được thành lập và tổ chức theo khuôn mẫu gia đình. Và mọi người trong đó đều cố gắng đối xử với nhau như anh chị em ruột thịt trong gia đình. Như vậy, cộng đoàn Gia Đình Chúa là một gia đình – tân tạo hay nhân tạo – có mục đích hỗ trợ về mặt tâm linh và tinh thần cho mỗi thành viên, đồng thời qua đó gián tiếp hỗ trợ các gia đình riêng và tự nhiên của họ. Cộng đoàn Gia Đình Chúa mong muốn các thành viên đem những gì học hỏi được trong cộng đoàn về áp dụng thực tiễn trong chính gia đình mình, để:
– thánh hóa bản thân mình bằng tất cả những thực tại của đời sống gia đình (quan hệ tình cảm, công việc thường ngày, cách xử sự, sinh hoạt gia đình…)
– thánh hóa gia đình mình bằng chính gương sáng và đời sống tốt đẹp của mình trong gia đình, biến gia đình mình thành Nước Trời tại gia, trở nên ngày càng giống như gia đình lý tưởng là gia đình Nadarét.
– qua gương sáng của gia đình mình, làm chứng và rao giảng Chúa Kitô cho các gia đình khác, trong môi trường sống của mình và gia đình mình.
 
CHƯƠNG IV
 
LINH ĐẠO GIA ĐÌNH CHÚA
 
 
Linh đạo Gia Đình Chúa là một linh đạo đặc biệt dành cho giáo dân, do (…) khởi xướng năm (…).
Linh đạo này nhằm:
– giúp các thành viên sống đời Kitô hữu thánh thiện giữa đời, trong xã hội và Giáo Hội, đặc biệt trong môi trường gia đình tự nhiên của mình, đồng thời thánh hóa chính môi trường gia đình và xã hội nơi mình đang sống.
– giúp các thành viên ý thức và thực hành trong mọi phương diện của trần thế ba chức năng (làm chủlàm lễlàm chứng) hay ba chức vụ (vương giả, tư tế, ngôn sứ) của Đức Kitô mà họ đã lãnh nhận khi rửa tội.
– thúc đẩy, khuyến khích và tạo điều kiện để các thành viên nâng đỡ lẫn nhau, đồng thời cùng nhau phục vụ tha nhân, giúp ích cho Giáo Hội và xã hội.
Linh đạo Gia Đình Chúa được xây dựng trên ba nền tảng:
– Lời Chúa trong Kinh Thánh, đặc biệt 4 Tin Mừng.
– Các văn kiện của Giáo Hội về người Kitô hữu giáo dân và về gia đình.
–       Bút tích của (…)
 
NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA LINH ĐẠO GIA ĐÌNH CHÚA
 
Để hiểu rõ linh đạo Gia Đình Chúa, chúng ta cần hiểu rõ ba đặc tính của linh đạo này:
 
1. Tính tại thế:
Linh đạo Gia Đình Chúa là linh đạo đặc biệt dành cho giáo dân, nên nó mang đậm nét tại thế, như Công đồng Vatican II xác định: «tính cách riêng biệt và đặc thù nhất của giáo dân là tính cách trần thế».[6] «Tại thế» là sống giữa đời, giữa trần gian, giữa những thực tại trần tục nhất của con người: làm ăn, kiếm tiền, tranh đấu, yêu đương, tính dục… Đời sống tại thế luôn luôn phải đối diện với những khó khăn, đe dọa, âu lo, bấp bênh, bệnh tật, tai ương… Sát sườn nhất là phải chịu đựng những lôi thôi, phiền toái, những xung đột không thể tránh khỏi trong đời sống gia đình, phải đối phó với những tệ nạn luôn phát sinh trong đời sống xã hội…
Người giáo dân được kêu gọi nên thánh trong chính bối cảnh trần tục này. Giáo Hội mời gọi họ «tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm việc trần thế, và xếp đặt chúng phù hợp với thánh ý Thiên Chúa».[7] Người Kitô hữu giáo dân sống đạo giữa đời, với muôn người, trong muôn mặt, theo muôn vẻ của trần thế. Họ vừa phải thực hiện sự thánh thiện Kitô hữu, vừa phải luôn quan tâm thỏa mãn những nhu cầu thực tế của đời sống như lao động nghề nghiệp, hôn nhân gia đình, văn hóa, chính trị, kinh tế, giáo dục, vui chơi giải trí…
Do đó, linh đạo Gia Đình Chúa nhấn mạnh việc đem đạo vào đời, đem đức tin vào cuộc sống, áp dụng tinh thần Đức Kitô vào mọi tình huống của trần thế. Như vậy, giữa đạo và đời, giữa đức tin và cuộc sống phải có một quan hệ mật thiết. Đạo và đời, đức tin và cuộc sống không được tách rời nhau, chúng phải hòa lẫn với nhau thành một thực tại duy nhất là đời sống Kitô hữu. Đạo phải hướng dẫn đời, đức tin phải soi sáng cuộc sống. Trong dân gian có câu nói: «Đời không đạo, đời thành điên đảo; đạo không đời, đạo ích lợi chi?» Theo linh đạo Gia Đình Chúa, đạo hay đức tin phải thật sự thấm nhập vào đời sống, vào xã hội để biến cải đời sống cá nhân và tập thể xã hội hay trần gian nên tốt đẹp, thánh thiện hơn. Đạo hay đức tin phải được thể hiện cụ thể trong tư tưởng, lời nói, hành động của người Kitô hữu.
 
Vì thế, trong linh đạo Gia Đình Chúa, ý niệm giữa «tục» và «thánh» không luôn luôn đối nghịch nhau, mà phải đi đôi hoặc gắn liền với nhau. Bất kỳ việc làm trần tục nào – dù nhỏ bé đến đâu – nếu được làm trong tinh thần tin, cậy, mến của Kitô giáo thì đều thánh thiện, tốt đẹp, đầy ý nghĩa và có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Trái lại, bất kỳ việc làm nào được trần gian coi là đạo đức, lành thánh, tốt đẹp – dù to tát vĩ đại đến đâu – nếu được làm vì lòng kiêu căng, giả hình, ghen ghét, thiếu tinh thần tin, cậy, mến, thì đều chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa. Đúng như thánh Phaolô nói: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3).
 
Do đó, người ta nên thánh không phải là do làm được những việc to tát, mà do người ta có làm trong tinh thần của Chúa Giêsu hay không. Cả cuộc đời thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đâu làm việc gì lớn lao, chỉ làm những việc lặt vặt như khâu vá, quét nhà, giặt giũ… thế mà ngài lại là một vị thánh rất lớn. Bí quyết nên thánh của ngài là: «Sống bình thường một cách phi thường», nghĩa là làm tất cả mọi việc bình thường với ý hướng phi thường là làm vì yêu Chúa và thương tha nhân.[8] Linh đạo Gia Đình Chúa nhấn mạnh đến ý hướng cao thượng của người Kitô hữu khi làm tất cả mọi công việc thường ngày, dù là việc nhỏ bé nhất. Ý hướng cao thượng đó là làm vì kính mến Chúa và yêu thương tha nhân, hay làm vì thấy đó là thánh ý Thiên Chúa. Đó chính là bí quyết nên thánh của các thành viên Gia Đình Chúa. Vì thế, các thành viên Gia Đình Chúa cố gắng biến tất cả những việc làm, những bổn phận thường ngày của mình, dù trong gia đình hay trong nghề nghiệp, thành lời cầu nguyện bằng cách làm trong tâm tình kết hiệp với Thiên Chúa và với ý muốn phục vụ tha nhân. Đó chính là cầu nguyện bằng hành động, một lối cầu nguyện rất phù hợp với đời sống giáo dân.
 
2. Tính gia đình
Bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, đúng như thánh Gioan định nghĩa: «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16). Và Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài trong nội bộ Ba Ngôi của Ngài. Có thể nói: Ba Ngôi chính là một gia đình đúng nghĩa nhất, vì trong đó Ba Ngôi liên hệ với nhau vô cùng mật thiết, và yêu thương nhau vô cùng. Vì Ba Ngôi là Gia Đình, nên khi tạo dựng con người «theo hình ảnh của mình», Ba Ngôi cũng tạo dựng con người sống với nhau thành gia đình, cũng với ba thành phần: cha, mẹ, và con cái. Gia đình đúng nghĩa của con người phải phản ảnh trung thực sự kết hợp mật thiết, sự gắn bó và yêu thương chân thật, cao độ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
 
Hơn nữa, Kitô giáo – là tôn giáo do chính Thiên Chúa sáng lập qua Đức Giêsu Kitô – cũng có bản chất là tình yêu. Sống đời Kitô hữu chung qui lại chính là sống yêu thương nhau. Giới răn duy nhất của Đức Giêsu cho những ai theo Ngài là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau (…) Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,34-35; x.15,12.17). Thánh Phaolô tóm lại toàn bộ giới luật của Kitô giáo vào một điều duy nhất là yêu thương nhau: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2).
 
Vậy, cốt tủy của mọi linh đạo trong Kitô giáo là yêu thương nhau. Mà tại trần gian này, không nơi nào mà người ta yêu thương nhau cho bằng trong gia đình. Vì thế, như đã nói ở chương 3, gia đình tự nhiên là một mô hình tốt đẹp nhất của mọi tập thể mà trong đó mọi người đều yêu thương nhau, hy sinh cho nhau một cách quảng đại, chân thành và vô vị lợi nhất. Mô hình này có thể nói gần gũi với tất cả mọi người, ai cũng có thể kinh nghiệm được, vì không mấy ai không được sinh ra và lớn lên trong một gia đình.
 
Do đó, linh đạo Gia Đình Chúa lấy chính tình yêu trong gia đình tự nhiên mà mỗi người đều cảm nghiệm được làm mẫu gương sống động cho đời sống yêu thương của mọi tập hợp, mọi nhóm trong cộng đoàn. Nghĩa là mọi thành viên trong cộng đoàn Gia Đình Chúa – tuy không cùng máu mủ, không cùng trong một gia đình tự nhiên – đều coi nhau, đối xử với nhau, yêu thương nhau như anh chị em ruột thịt của mình, hay như người cùng một nhà với mình. Vì thế, mọi thành viên trong cộng đoàn, đặc biệt trong từng nhóm nhỏ, và cả các nhóm trong cùng cộng đoàn với nhau, phải luôn tìm cách nâng đỡ, che chở, đùm bọc nhau trong mọi tình huống của đời sống hằng ngày, về tinh thần cũng như vật chất.
 
Đây là một trong những nét hấp dẫn và lôi cuốn nhất của linh đạo Gia Đình Chúa. Trong thời đại kỹ nghệ hóa, đô thị hóa như hiện nay, nền tảng của các gia đình bị lung lay tận gốc rễ. Vì thế, biết bao người không tìm được sự cảm thông, tình yêu thương chân thực nơi chính gia đình tự nhiên của mình, nơi cha mẹ hay anh chị em ruột thịt của mình. May thay, họ có thể tìm lại được bầu khí thân mật yêu thương, tình cảm gia đình, sự chăm lo săn sóc lẫn nhau trong cộng đoàn Gia Đình Chúa cũng như trong một số các cộng đoàn khác của Kitô giáo. Cộng đoàn Gia Đình Chúa chẳng những đáp ứng được nhu cầu tình gia đình của các thành viên, mà còn có khả năng giáo dục và củng cố tình gia đình, lửa yêu thương trong mái ấm của các thành viên. Rất nhiều người nhờ gia nhập cộng đoàn Gia Đình Chúa mà mái ấm của họ trở nên hạnh phúc, êm đềm và tràn đầy yêu thương hơn.
 
Có rất nhiều thành viên của cộng đoàn Gia Đình Chúa chưa hề gặp gỡ hay quen biết nhau vì ở hai nơi cách quá xa nhau, nhưng ngay khi gặp gỡ nhau lần đầu, họ đã cảm thấy có một mối tình thiêng liêng bao trùm và nối kết họ với nhau. Thế là họ coi nhau như anh chị em ruột thịt, lo lắng chăm sóc nhau như người cùng một nhà, tín nhiệm nhau như bạn bè tri kỷ.
Đó là một số những nét nổi bật của tính gia đình trong linh đạo Gia Đình Chúa.
 
3. Tính Giáo Hội
Nếu mọi Kitô hữu đều có chung một người Cha yêu thương mình ở trên trời, thì họ cũng có chung nhau một người Mẹ dịu hiền và đầy ngọt ngào ở dưới đất. Đó là Mẹ Giáo Hội, là người đã sinh ra và nuôi dưỡng mọi Kitô hữu về mặt tâm linh. Tất cả mọi Kitô hữu đều đón nhận đức tin từ lòng Mẹ Giáo Hội, được nuôi dưỡng từng ngày để lớn lên về mặt tâm linh nhờ sự chăm sóc tận tình của Mẹ Giáo Hội. Vì thế, mọi Kitô hữu đều có bổn phận yêu thương và hiếu thảo đối với Giáo Hội, người Mẹ tâm linh của mình.
 
Giáo Hội không chỉ là Mẹ tâm linh, mà còn là môi trường sống và phát triển tâm linh của mọi Kitô hữu. Vì thế, mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ xây dựng và phát triển Giáo Hội, để Giáo Hội ngày càng lớn mạnh, ngày càng có khả năng sinh sản, nuôi dưỡng và phát triển đời sống tâm linh cho mọi người trên thế giới. Phải làm sao để Giáo Hội trở nên một Giáo Hội «xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền» (Ep 5,27).
 
Ngoài ra Giáo Hội còn là Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô, trong đó Đức Kitô là đầu, còn mỗi người Kitô hữu là một chi thể (x.1Cr 12,12-30; Cl 1,18). Không chi thể nào có thể tách rời thân thể mà sống được, cũng vậy, không một Kitô hữu nào hay một cộng đoàn Kitô hữu nào tách rời khỏi Giáo Hội mà có thể sống, lớn lên và phát triển về tâm linh được. Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ, là nguồn mạch đời sống tâm linh, có liên kết với Đức Kitô mới được cứu độ, mới có sự sống đời đời. Nhưng cũng như chi thể không thể liên kết với đầu mà không qua thân thể, người Kitô hữu không thể liên kết với Đức Kitô mà không nhờ Giáo Hội. Tất cả mọi nguồn ơn, mọi sức mạnh, mọi sự khôn ngoan cần cho đời sống tâm linh đều xuất phát từ Đức Kitô, rồi qua Giáo Hội mà đến với mọi Kitô hữu. Do đó, muốn sống sung mãn về mặt tâm linh, người Kitô hữu phải liên kết chặt chẽ với Giáo Hội. Thánh Âu-Tinh nói: «Ai càng yêu mến Giáo Hội của Chúa Kitô thì càng có Thánh Linh».
 
Vì thế, linh đạo Gia Đình Chúa chủ trương luôn luôn hiệp nhất, gắn bó và tích cực xây dựng Giáo Hội. Giáo Hội cụ thể nhất trong đời sống của người giáo dân bình thường chính là giáo xứ hay họ đạo, mà người lãnh đạo và đại diện là cha xứ. Yêu mến và xây dựng Giáo Hội chính là yêu mến và xây dựng giáo xứ của mình, là gắn bó và giúp đỡ cha xứ của mình. Tính Giáo Hội trong linh đạo Gia Đình Chúa được thể hiện bằng ý thức dấn thân cho Giáo Hội, một cách cụ thể như :
- Xây dựng và phát triển giáo xứ theo khả năng và thì giờ của mình.
- Tích cực ủng hộ và cộng tác với cha xứ, hội đồng giáo xứ.
- Tham gia vào những công việc chung trong giáo xứ (ca đoàn, dạy giáo lý, đóng góp quĩ, đảm nhận những chức vụ trong giáo xứ …).
- Tham dự những sinh hoạt phụng vụ chung trong giáo xứ (thánh lễ, phép lành MTC, kinh chung …).
- Luôn hòa nhập với những cộng đoàn khác trong giáo xứ, yêu thương và coi tất cả những cộng đoàn khác như cộng đoàn của mình, để tất cả cùng hợp tác xây dựng và cùng trở thành một cộng đoàn duy nhất là «Gia đình của Thiên Chúa».
Để bảo đảm sự hiệp nhất giữa cộng đoàn Gia Đình Chúa với các giáo hội địa phương, cộng đoàn Gia Đình Chúa chỉ hoạt động sau khi được giám mục hay linh mục sở tại chấp thuận, đồng thời sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến chỉ đạo của các ngài.
 
***
Đó là ba đặc tính chính yếu của linh đạo Gia Đình Chúa. Mọi thành viên Gia Đình Chúa phải cố thực hiện linh đạo này hằng ngày trong đời sống của mình để nên thánh.
 
***********************************
 
[1]   Linh :  có nhiều nghĩa như thần thiêng, tinh thần, thần khí, thiêng liêng, là tính chất của thần, thánh, hồn, v.v... Linh cũng là đặc tính của Thiên Chúa, của Thánh Thần.  Trong Thánh Kinh, Đức Giêsu xác định :  «Thiên Chúa là Linh», hay «Thiên Chúa là Thần Khí» (Ga 4,24).
     Đạo :  có nghĩa là đường để đi. Ở đây có nghĩa đường lối, phương pháp.
     Như vậy, linh đạo là con đường thiêng liêng, phương pháp tâm linh, dẫn con người tới Thiên Chúa, tới sự thánh thiện.  Trước đây, khi chưa có từ linh đạo, người ta thường dùng những tữ như «đàng thiêng liêng»,«đường trọn lành»«đường lối tu đức» với ý nghĩa ấy. 
     Hiện nay, khi dùng từ «linh đạo», trong đó «linh» cũng có nghĩa là thần khí, là Thánh Thần, người ta muốn nhấn mạnh và đề cao vai trò của Chúa Thánh Linh trong việc nên thánh, trong đời sống của linh hồn hay đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu. 
[2]   Trong Giáo Hội, mọi Kitô hữu đều có chức tư tế cộng đồng, còn chức tư tế của các linh mục là tư tế thừa tác. Cả hai đều tiếp nối chức tư tế của Đức Giêsu.
[3]   Chẳng hạn: con cái có quyền đòi hỏi cha mẹ phải nuôi nấng, giáo dục chúng cho đàng hoàng, cha mẹ có quyền đòi hỏi con cái phải vâng lời mình trong những điều hợp lý, người dân có quyền đòi hỏi nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ những quyền mà luật pháp đã qui định cho họ, nhà nước có quyền đòi hỏi người dân phải tôn trọng luật pháp, v.v…
[4]   Chẳng hạn đòi hỏi người chủ phải trả công xứng đáng cho công nhân, đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng các quyền căn bản của người dân như tự do bản thân, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do đi lại… đúng như hiến pháp và luật pháp qui định.
[5]   Chẳng hạn: chống nạn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, chủ bóc lột thợ…; đòi hỏi chủ phải tôn trọng luật bảo hộ lao động (bồi thường khi công nhân làm việc cho mình mà bị tai nạn), v.v…
[6]   CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Lumen Gentium, chương 4, số 31.
[7]   Lumen Gentium, chương 4, số 31.
[8]   Một nhà tu đức học giải thích việc Đức Maria trở nên vị thánh lớn nhất trên thiên đàng, mặc dù xem ra Ngài chẳng làm việc gì được trần gian coi là vĩ đại. Ông cho rằng từng đường kim mũi chỉ của Mẹ khi Mẹ khâu vá có công nghiệp hay giá trị trước mặt Thiên Chúa còn hơn cả việc thánh Laurensô chịu thiêu trên giường sắt, hay việc các thánh chịu tù đày vì Chúa… Lý do là tình yêu mà Mẹ đặt trong đường kim mũi chỉ ấy lớn hơn tình yêu của các thánh khi làm những việc vĩ đại kia.
 
http://giadinhnazarethvietnam.com/direction/detail/linh-dao-cua-cong-doan-gia-dinh-chua-613/
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng: Thường huấn thánh nhạc cho các ca đoàn trong cụm Hà Giang
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng: Thường huấn thánh nhạc cho các ca đoàn trong cụm Hà Giang
Ngày 18.04.2024 tại cụm Hà Giang thuộc hạt Hà Tuyên Hùng, đã tổ chức ngày thường huấn thánh nhạc. Tham dự ngày thường huấn có sự hiện diện của cha quản hạt Giuse Nguyễn Viết Hiệp, cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh - Đặc trách thánh nhạc giáo phận cũng như giáo hạt Hà Tuyên Hùng, cha chánh xứ Giuse Nguyễn Hữu Tứ, quý cha, quý soeur và gần 100 ca viên thuộc các ca đoàn trong cụm Hà Giang.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log