Chúa nhật, 08/09/2024

Thông điệp Fratelli Tutti - Chương II: NGƯỜI XA LẠ DỌC ĐƯỜNG

Cập nhật lúc 11:05 29/10/2020
CHƯƠNG II
NGƯỜI XA LẠ DỌC ĐƯỜNG
 
  1. Chúng ta không nên đọc chương trước như các vấn đề ngày nay được mô tả theo kiểu lạnh lùng và vô tư, vì “vui mừng và hy vọng, sầu khổ và đớn đau của con người thời đại này, đặc biệt của những người nghèo hay ưu phiền, cũng là vui mừng và hy vọng, âu sầu và đau đớn của các môn đệ Đức Ki-tô. Hơn nữa, chẳng gì thật sự của con người mà lại không gieo âm hưởng nơi lòng họ” [53]. Trong nỗ lực tìm kiếm một tia sáng giữa những gì chúng ta đang trải qua, và trước khi đề xuất hướng hành động, ngay lúc này đây, tôi muốn dành một chương nói về dụ ngôn mà Đức Giê-su Ki-tô đã kể cách đây hai ngàn năm. Mặc dù Thông điệp này được gửi đến toàn thể những ai có thiện chí, bất luận niềm tin tôn giáo của họ, nhưng đây là một dụ ngôn mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể liên tưởng và nhận thấy đầy thách đố.
 
“Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: ‘Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?’ Người đáp: ‘Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?’ Ông ấy thưa: ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình’. Đức Giê-su bảo ông ta: ‘Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống’. Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: ‘Nhưng ai là người thân cận của tôi?’ Đức Giê-su đáp: ‘Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri-a kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?’ Người thông luật trả lời: ‘Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy’. Đức Giê-su bảo ông ta: ‘Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy’” (Lc 10, 25-37).

Bối cảnh

57. Dụ ngôn này liên quan đến một vấn đề xa xưa. Ngay sau trình thuật sáng tạo muôn loài và con người, Kinh Thánh đề cập đến mối liên hệ giữa con người với nhau. Ca-in giết em mình A-bel, rồi nghe Thiên Chúa luận hỏi: "A-bel em ngươi đâu?" (St 4, 9). Lời đáp của Ca-in cũng là câu trả lời mà tất cả chúng ta thường đưa ra: “Con là người giữ em con hay sao?” (nt). Do chính nghi vấn Thiên Chúa đặt ra, nên Người không dành chỗ để nại tới thuyết tiền định hay thuyết định mệnh, hòng biện minh cho sự thờ ơ của chúng ta. Thay vào đó, Người khích lệ chúng ta kiến tạo một nền văn hóa khác, mà trong đó chúng ta giải quyết các xung đột của mình và quan tâm đến nhau.

58. Sách Gióp xem nguồn gốc của chúng ta từ Đấng Tạo Hóa duy nhất là nền tảng của một số quyền lợi chung: “Đấng đã tạo ra tôi trong dạ mẹ không phải là Đấng tạo ra nó hay sao? Và chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã tạo ra hết thảy chúng ta trong dạ mẹ đó sao?” (G 31, 15). Nhiều thế kỷ sau, Thánh I-rê-nê đã dùng hình ảnh giai điệu du dương để diễn tả tương tự: “Người kiếm tìm chân lý không nên tập trung vào các dị biệt giữa nốt nhạc này và nốt nhạc kia, cứ ngẫm nghĩ như thể mỗi nốt nhạc được tạo riêng biệt và tách rời nhau; nhưng thay vào đó, nên nhận ra rằng cũng một người và cùng người đó đã sáng tác ra toàn bộ giai điệu” [54].

59. Trong các truyền thống Do Thái trước đây, mệnh lệnh yêu thương và chăm sóc người khác dường như chỉ giới hạn vào những mối liên hệ giữa các thành viên của cùng một quốc gia. Giới răn cổ xưa dạy phải “yêu người lân cận như chính mình” (Lv 19, 18) thường được hiểu như nói đến đồng bào của họ; tuy nhiên, ranh giới dần dần được mở rộng, nhất là trong Do Thái giáo phát triển bên ngoài đất nước Is-ra-el. Chúng ta cũng bắt gặp mệnh lệnh đừng làm cho người khác điều bạn không muốn họ làm cho bạn (x. Tb 4, 15). Vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, Giáo sĩ Do Thái (Rabbi) Hil-lel đã từng tuyên bố: “Đây là toàn bộ Kinh Tô-rah, còn mọi điều khác đều là bình chú” [55]. Khao khát bắt chước cách hành động riêng của Thiên Chúa dần dần thay thế xu hướng chỉ biết nghĩ đến những ai thân cận chúng ta nhất: “Con người thương xót cận thân, còn Thiên Chúa xót thương mọi xác phàm” (Hc 18, 13).

60. Trong Tân Ước, giới luật của Hil-lel đã được diễn tả với lối tích cực hơn: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12). Mệnh lệnh này mang tính phổ quát về phạm vi, không loại một ai dựa trên cơ sở nhân loại chung quy của chúng ta, bởi lẽ Cha trên trời “làm cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5, 45). Vậy, Người mời gọi chúng ta “hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36).

61. Qua các bản văn Kinh Thánh lâu đời nhất, chúng ta tìm thấy lý do tại sao nên mở rộng tâm hồn đón nhận người ngoại kiều. Vì nó bắt nguồn từ ký ức lâu dài của người Do Thái cho rằng chính họ đã từng sống như những người ngoại kiều tại Ai Cập:

“Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập” (Xh 22, 21).

“Người ngoại kiều, các ngươi không được áp bức; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập” (Xh 23, 9).

“Khi có ngoại kiều cư ngụ với (các) ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. (Các) ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; (các) ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai-cập. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19, 33-34).

“Khi hái nho, thì anh (em) không được mót lại; những trái còn sót dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ. Anh em hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên đất Ai-cập” (Đnl 24, 21-22).

Còn lời kêu mời bước vào tình mến huynh đệ vang vọng suốt bộ Tân Ước:

“Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi” (Gl 5, 14).

“Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1Ga 2, 10-11).

“Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết” (1Ga 3, 14).

“Ai không yêu anh hay chị em mà mình nhìn thấy, thì không thể yêu Thiên Chúa mà mình chưa thấy” (1Ga 4, 20).

62. Tuy nhiên, lời gọi mời yêu thương này có thể bị hiểu nhầm. Thánh Phao-lô nhận thấy các cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi bị cám dỗ thành lập những nhóm khép kín và cô lập, đã thúc giục môn đệ ngài sống trổi vượt hơn trong tình mến “với nhau và với mọi người” (1Tx 3, 12). Trong cộng đoàn theo Thánh Gio-an, các Ki-tô hữu đồng đạo phải được chào đón, “dù họ là những người xa lạ đối với anh (chị) em” (3Ga 5). Ở bối cảnh này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của dụ ngôn người Sa-ma-ri-a Nhân hậu: lòng yêu thương không quan tâm đến nơi xuất phát, nhưng cân cần chăm sóc anh chị em, nếu họ đang gặp khó khăn. Bởi lẽ “tình yêu phá tan xiềng xích mà nó vốn kiềm hãm chúng ta trong cô lập và cách biệt; ở nơi ấy, nó xây chiếc cầu kết nối. Lòng bác ái giúp chúng ta kiến tạo một gia đình vĩ đại, mà trong đó, tất cả chúng ta cảm thấy thoải mái như ở nhà…Bác ái tuôn trào niềm xót thương và phẩm giá” [56].

Bị bỏ rơi bên vệ đường

63. Đức Giê-su kể chuyện về một người đàn ông bị tên trộm hành hung và đầy thương tích nằm bên vệ đường. Một số người đi qua thấy, nhưng chẳng buồn dừng lại. Họ là những bậc nắm giữ các vị trí quan trọng trong xã hội, nhưng thiếu quan tâm thực sự đến thiện ích chung. Chắc họ chẳng lãng phí một vài phút nào để chăm sóc người đàn ông bị thương, hoặc thậm chí kêu gọi giúp đỡ đâu. Duy chỉ một người dừng lại, tiến gần đến và đích thân chăm sóc ông ấy, ngay cả chi tiền riêng để cung cấp những gì cần kíp. Người này cũng cho ông ấy một thứ mà chúng ta thường khư khư giữ lấy trong thế giới điên đảo của mình, đó là: thời gian ông dành cho người mắc nạn. Chắc chắn, ông đã có lịch trình cho ngày hôm ấy, cũng như nhu cầu, hẹn ước và mong muốn riêng. Song, ông đã đặt tất cả những điều đó sang một bên khi đối diện với người đang cần đến mình. Dù chẳng hề biết đến người bị thương, nhưng ông vẫn thấy người ấy xứng đáng với thời giờ và sự quan tâm của mình.

64. Trong số những người này, anh chị em nhận ra mình giống ai? Câu hỏi này trông có vẻ hết sức thẳng thừng, nhưng đầy tính trực diện và sắc bén. Anh chị em giống ai trong các nhân vật này? Chúng ta cần thừa nhận rằng mình thường xuyên bị cám dỗ phớt lờ người khác, nhất là những ai yếu thế. Chúng ta cùng thú nhận rằng, dù cho mọi tiến bộ đã đạt được đi chăng nữa, chúng ta vẫn còn “mù chữ” khi bước tới đồng hành, chăm sóc và hỗ trợ các thành viên yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội phát triển thời nay. Chúng ta quá quen với việc nhìn hướng đi khác, làm ngơ, phớt lờ những tình cảnh thế này, cho đến khi nó trực tiếp ảnh hưởng tới mình.

65. Ai đó bị tấn công trên lộ trình chúng ta, nhưng nhiều người lại vội vàng bước qua như không hề thấy. Người ta tông xe vào ai khác, rồi bỏ chạy khỏi hiện trường. Mong muốn duy nhất của họ là tránh lôi thôi; nhưng đó không quan trọng vì người khác có thể mất mạng do lỗi họ. Mọi việc này đều là dấu hiệu của một lối tiếp cận cuộc sống đang lan tràn trong nhiều cách thức tinh vi khác nhau. Hơn thế nữa, do phải bắt kịp với các nhu cầu của chính mình, nên chúng ta cảm thấy phiền phức trước cảnh tượng một người đang đau khổ. Nó khiến chúng ta bực bội, vì lẽ chúng ta không có thời giờ để lãng phí cho các vấn đề của tha nhân. Đây là những triệu chứng của một xã hội bệnh hoạn/ốm đau, một xã hội tìm kiếm sự thịnh vượng nhưng lại quay lưng với khổ đau.

66. Chớ gì chúng ta đừng đắm chìm vào những vực sâu ấy, mà hãy noi gương người Sa-ma-ri-a Nhân hậu! Dụ ngôn của Đức Giê-su kêu mời chúng ta tái khám phá ơn gọi bản thân như những công dân của các quốc gia tương ứng và của toàn thế giới, cũng như những người dựng xây tình liên đới xã hội mới. Lời gọi mời này luôn mới mẻ, nhưng nó dựa trên một quy luật căn bản nơi hữu thể con người: chúng ta được kêu mời điều hướng xã hội theo đuổi công ích và ghi nhớ mục đích này mà kiên trì củng cố trật tự chính trị-xã hội, kết cấu liên hệ cũng như các mục tiêu nhân bản của nó. Người Sa-ma-ri-a Nhân hậu đã chứng tỏ qua các hành động của mình rằng “Hiện hữu của mỗi cá nhân và mọi cá thể đều gắn kết sâu đậm với hiện hữu của tha nhân: cuộc sống không đơn giản chỉ là thời gian trôi qua; mà cuộc sống chính là thời gian dành cho những tương tác” [57].

67. Dụ ngôn trình bày một cách hùng hồn quyết định căn bản mà chúng ta cần thực hiện để xây dựng lại thế giới đang thương tổn của mình. Đối diện với quá nhiều đau đớn và khổ sầu, nên noi gương người Sa-ma-ri-a Nhân hậu là con đường duy nhất của chúng ta. Bất cứ quyết định nào khác đều khiến chúng ta trở thành một kẻ trong bọn trộm cướp hoặc một trong những người băng qua mà không chút thương cảm trước đau khổ của người bị nạn bên vệ đường. Dụ ngôn cho chúng ta thấy một cộng đồng có thể được tái thiết ra sao nhờ mọi người, đàn ông hay phụ nữ, biết hoà mình vào niềm đau, dễ bị tổn thương của tha nhân, biết gạt bỏ sự việc tạo ra một xã hội loại trừ, nhưng thay vào đó, hành động như người lân cận, nâng đỡ và trợ giúp những ai sa ngã hồi phục vì công ích. Đồng thời, chúng ta được cảnh báo về thái độ của người chỉ biết nghĩ đến bản thân và không chung vai gánh vác những trách nhiệm quen thuộc trong cuộc sống đang diễn ra.

68. Câu chuyện dụ ngôn rõ ràng không nghiêng theo giáo thuyết luân lý trừu tượng, và thông điệp của nó cũng không chỉ mang tính xã hội-đạo đức. Nó nói với chúng ta về một khía cạnh thiết yếu, nhưng thường bị lãng quên của tính nhân loại chung: chúng ta được tạo dựng cho sự viên mãn, mà điều này chỉ có thể tìm thấy nơi tình yêu. Chúng ta chẳng thể nào dửng dưng với khổ đau; cũng không thể để bất cứ ai đi ngang qua cuộc đời mình như một kẻ bị ruồng bỏ. Thay vào đó, chúng ta nên cảm thấy phẫn nộ, tự thách thức bản thân ngõ hầu thoát khỏi tình trạng cô lập tiện nghi và biến đổi mình nhờ liên đới với những đau khổ con người. Đây chính là ý nghĩa của phẩm giá.

Một câu chuyện được kể lại không ngừng

69. Dụ ngôn trên rõ ràng và trực diện, nhưng nó cũng gợi lên cuộc tranh đấu nội tâm mà mỗi người đều cảm nghiệm được, khi chúng ta dần dần hiểu chính bản thân qua các mối tương quan với anh chị em mình. Không sớm thì muộn, hết thảy chúng ta đều sẽ gặp một người khổ đau, mà ngày nay, càng ngày họ càng nhiều thêm. Quyết định đón nhận hoặc loại trừ ai bị thương nằm bên vệ đường có thể dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá mọi đề án kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo. Mỗi ngày, chúng ta phải quyết định trở thành người Sa-ma-ri-a Nhân hậu hay kẻ bàng quan hửng hờ. Và nếu chúng ta mở rộng tầm nhìn vào lịch sử của đời mình và của cả thế giới, thì tất cả chúng ta đều đồng dạng, hoặc từng tương đồng, hay giống các nhân vật trong dụ ngôn này. Hết thảy chúng ta đều mang dáng dấp trong mình một điều gì đó của người bị thương, một điều gì đó của kẻ cướp, một điều gì đó của những ai qua đường, và một điều gì đó của người Sa-ma-ri-a Nhân hậu.

70. Đáng chú ý là các nhân vật khác nhau trong câu chuyện thay đổi rao sao, khi đã từng đối diện với cảnh tượng đau đớn của người đàn ông khốn khổ bên vệ đường. Những phân biệt giữa người Giu-đê-a và người Sa-ma-ri-a, giữa thầy tư tế và nhà lái buôn, mờ nhạt dần về mặt ý nghĩa. Hiện giờ chỉ còn hai loại người: người chăm sóc một ai đó đang bị thương tích và những người đi ngang qua; những người cúi xuống giúp đỡ và những người nhìn hướng khác mà vội vàng bỏ đi. Lúc này, mọi phân biệt, mọi nhãn mác và mặt nạ của chúng ta đều biến mất: khoảnh khắc sự thật là đây. Liệu chúng ta có cúi xuống để chạm vào và chữa lành vết thương của người khác không? Liệu chúng ta có cúi xuống và giúp người khác trỗi dậy chăng? Đây là thách đố hôm nay, nhưng chúng ta đừng nên lo sợ khi đối diện với nó. Trong những thời điểm khủng hoảng, các quyết định trở nên cấp thiết. Có thể nói ở đây và ngay lúc này rằng bất cứ ai chẳng phải kẻ cướp hay khách bộ hành, đều là người bị thương hoặc đang mang người bị thương trên vai.

71. Câu chuyện về người Sa-ma-ri-a Nhân hậu được nhắc đi nhắc lại không ngừng. Chúng ta có thể thấy điều này rõ rệt khi tính trì trệ chính trị và xã hội đang biến nhiều nơi trên thế giới thành một đường phụ hoang vắng, ngay cả những lúc tranh chấp quốc gia và quốc tế, cũng như việc cướp mất cơ hội đang khiến quá nhiều người bị bỏ rơi vất vưởng bên lề đường. Trong dụ ngôn, Đức Giê-su không đưa ra những lựa chọn thay thế; Người không hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu người đàn ông bị thương hoặc người đã giúp ông ta quay sang tức giận hoặc mong muốn trả thù. Đức Giê-su tin tưởng vào sự thiện hảo cao quý nơi tinh thần của con người; qua dụ ngôn này, Người khích lệ chúng ta nhẫn nại trong yêu thương, khôi phục phẩm giá cho những ai đau khổ và dựng xây một xã hội xứng danh hơn.
 
Các nhân vật trong câu chuyện

72. Dụ ngôn khởi đầu với bọn trộm cướp. Đức Giê-su chọn cách bắt đầu câu chuyện khi vụ cướp đã xảy ra, kẻo chúng ta cứ chăm chăm vào chính tội ác hoặc những trên trộm phạm tội. Tuy nhiên, chúng ta biết rõ các tình tiết này. Khi bước vào thế giới của mình, chúng ta nhìn thấy những bóng đen của sự bỏ rơi và bạo lực nhằm phục vụ cho các quyền lợi nhỏ mọn của thế lực, lợi lộc và chia rẽ. Câu hỏi thực sự là: liệu chúng ta sẽ bỏ rơi người bị thương để chạy tìm nơi trú thân thoát khỏi bạo lực, hay sẽ truy đuổi bọn trộm cướp? Liệu kết cuộc người đàn ông bị thương trở thành luận chứng biện minh cho các chia rẽ chẳng thể nào hàn gắn, sự thờ ơ tàn nhẫn và xung đột nội bộ của chúng ta chăng?

73. Kế đến, dụ ngôn yêu cầu chúng ta xem xét kỹ hơn những người qua đường. Sự bồn chồn dửng dưng khiến họ băng qua bên kia đường – dù vô tội hay không, do khinh bỉ hay chỉ vì lơ đễnh – đều biến vị tư tế và thầy Lê-vi thành một hình tượng phản ảnh đáng buồn của hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa chúng ta với thế giới xung quanh. Vô số cách thức bước qua vẫn giữ khoảng cách an toàn: chúng ta có thể thu mình lại, phớt lờ tha nhân, hoặc dửng dưng trước cảnh ngộ của họ. Hoặc chỉ đơn giản ngó lơ, như tại một số quốc gia hay bộ phận nào đó lộ rõ sự khinh miệt đối với người nghèo và văn hóa họ, hơn nữa, người ta nhìn đi chỗ khác như thể một kế hoạch phát triển được du nhập từ bên ngoài sẽ đẩy họ ra. Đây là lối biện minh của một số người về sự thờ ơ bản thân: dù những lời nài xin giúp đỡ của người nghèo có chạm đến trái tim họ chăng nữa, đơn giản, người nghèo không hề tồn tại. Người nghèo nằm ngoài phạm vi lợi ích của họ.
 
74. Về những người qua đường, ta thấy một chi tiết nổi bật và không nên bỏ qua: họ đạo đức, tận tâm thờ phượng Chúa như vị tư tế và thầy Lê-vi. Điều này cho thấy niềm tin vào Thiên Chúa và việc thờ phượng Người không đủ để bảo đảm rằng chúng ta đang thực sự sống đẹp lòng Chúa. Một tín hữu có thể không chân thật với mọi điều mà đức tin đòi hỏi nơi mình, nhưng vẫn nghĩ tưởng rằng họ đang gần gũi với Thiên Chúa và tốt lành hơn tha nhân. Mặt khác, thật sự mở rộng tâm hồn với Chúa đảm bảo cho đời sống đức tin, mà nó còn giúp chúng ta cởi mở với anh chị em nữa. Về điều này, Thánh Gio-an Kim Khẩu diễn tả một cách sắc, khi thách thức các Kitô hữu lắng nghe ngài dạy: “anh chị em muốn tôn vinh thân thể của Đấng Cứu Độ không? Nếu vậy, đừng khinh chê khi nó trần truồng. Đừng tôn vinh nó trong nhà thờ với lễ phục tơ lụa, trong khi bên ngoài, nó trần truồng và tê cóng vì lạnh” [58]. Nghịch lý thay, ai tự cho mình là người không tin, thì đôi khi thực hành ý Chúa tốt hơn các tín hữu.
 
75. “Bọn trộm cướp” thường tìm đồng minh bí mật trong số người “qua đường và nhìn hướng đi khác”. Có tương tác nào đó tồn tại giữa những kẻ thao túng và lừa đảo xã hội, cũng như ai tự cho mình là người chỉ trích khách quan, vô tư, nhưng thực chất đang sống nhờ dựa vào hệ thống đó và các lợi ích của nó. Một đạo đức giả đáng buồn khi quyền đặc miễn tội phạm, lợi dụng các định chế cho lợi lộc cá nhân hoặc tập đoàn, và những tệ nạn khác dường như không thể diệt trừ được, thường lại đi kèm với việc chỉ trích mọi chuyện tàn nhẫn, không ngừng gieo rắc nghi ngờ dẫn đến sự bất tín và rối ren. Khiếu nại cho rằng “mọi thứ đều hư hỏng” được trả lời bằng chủ trương: “không thể sửa chữa” hoặc “tôi có thể làm gì được?” Điều này càng làm gia tăng sự vỡ mộng và tuyệt vọng, đồng thời khó mà khích lệ tinh thần liên đới và quảng đại. Đẩy con người xuống tận tuyệt vọng, đóng sập lại vòng xoay ngoan cố bạo tàn: đây là nghị trình của nền chuyên chính độc tài vô hình chất chứa quyền lợi ẩn tàn, khi giành được quyền làm chủ cả các nguồn tài nguyên lẫn khả thể suy nghĩ và bày tỏ ý kiến.

76. Sau hết, chúng ta cùng hướng về người bị thương. Như ông ấy, nhiều lúc chúng ta cảm thấy bị tổn thương nặng nề và bị bỏ rơi bên vệ đường. Cũng vậy, chúng ta cảm thấy bất lực vì các định chế của mình bị bỏ bê và thiếu nguồn liệu, hoặc chỉ đơn giản phục vụ lợi ích cho số ít, bên ngoài lẫn bên trong. Thật vậy, “xã hội toàn cầu hóa thường chuyển dịch lối nhìn một cách tao nhã. Dưới vỏ bọc của nền chính trị đúng đắn hay ý thức hệ hợp thời thượng, chúng ta chỉ đứng nhìn những ai đau khổ mà chẳng hề xoa dịu họ. Chúng ta truyền hình trực tiếp các hình ảnh của họ, thậm chí nói về họ bằng ngôn từ mỹ miều và đầy khoan dung biểu kiến” [59].

Bắt đầu lại

77. Mỗi ngày đều mang đến cho chúng ta một cơ hội mới, một khả thể mới. Chúng ta không nên kỳ vọng mọi thứ từ những người điều hành đất nước, vì hẳn nó quá trẻ con. Chúng ta có không gian cần thiết để cùng chịu trách nhiệm kiến tạo và áp dụng các diễn trình cũng như biến chuyển mới. Chúng ta hãy tham gia tích cực vào việc đổi mới và hỗ trợ mọi xã hội đang hỗn loạn của mình. Hôm nay, chúng ta có cơ hội quý giá để diễn đạt cảm thức bẩm sinh về tình huynh đệ, trở thành những người Sa-ma-ri-a Nhân hậu, mà họ là người gánh nỗi đau trắc trở của tha nhân, thay vì xúi giục lòng căm thù và oán hận lớn hơn. Tựa như vị khách bộ hành tình cờ trong dụ ngôn, chúng ta chỉ cần có lòng khao khát đơn sơ thuần khiết trở nên một dân tộc, một cộng đồng liên lỉ và bền bỉ nỗ lực không loại trừ, biết hòa nhập và nâng đỡ những ai vấp ngã. Có lẽ, chúng ta thường thấy mình rơi vào não trạng của kẻ bạo lực, tham vọng mù quáng, rắc gieo ngờ vực và dối trá. Người khác có thể vẫn tiếp tục nhìn chính trị hoặc kinh tế như một đấu trường cho những cuộc chơi quyền lực của họ. Còn về phần mình, chúng ta hãy cổ vũ điều gì tốt lành và hết lòng phục vụ nó.

78. Chúng ta có thể khởi sự từ bên dưới (hạ khởi) và tùy từng trường hợp mà hành động trên bình diện địa phương cụ thể nhất, rồi sau đó mở rộng đến những vùng xa xôi nhất của đất nước cũng như thế giới, bằng sự quan tâm, chăm sóc tương tự mà người Sa-ma-ri-a đã biểu lộ cho mỗi vết đau của người bị thương. Chúng ta hãy tìm kiếm tha nhân và ôm trọn thế giới như chính nó, đừng sợ đau đớn hay cảm thức bất tương xứng, vì nơi đó chúng ta sẽ khám phá ra tất cả những thiện hảo mà Thiên Chúa đã gieo trồng trong tâm hồn con người. Nguy khó tưởng chừng quá sức lại trở thành cơ hội tiến triển, chứ chẳng phải là lý do bào chữa cho nỗi cam chịu rầu rĩ mà có thể chỉ dẫn đến sự tùng phục. Tuy nhiên, chúng ta đừng làm điều này một mình với tư cách cá nhân. Người Sa-ma-ri-a đã tìm ra chủ quán trọ ân cần chăm sóc người mắc nạn; cũng vậy, chúng ta được kêu mời đoàn kết như một gia đình lớn mạnh hơn cả tổng số thành viên cá thể nhỏ bé. Vì “toàn thể to lớn hơn bộ phận, nhưng nó cũng nhiều hơn tổng số bộ phận của nó” [60]. Chúng ta hãy từ bỏ tính nhỏ nhen và nỗi phẫn uất từ cuộc nội chiến vô bổ, cũng như tình trạng đối đầu không ngừng. Chúng ta hãy ngưng việc thương hại bản thân mà hãy thừa nhận tội ác, tính lãnh đạm, dối trá của mình. Việc chuộc lỗi và hòa giải sẽ mang lại cho chúng ta cuộc sống mới và giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi.

79. Người Sa-ma-ri-a đã dừng lại dọc đường và ra đi mà chẳng mong đợi bất cứ sự công nhận hay lòng biết ơn nào. Nỗ lực giúp đỡ người khác khiến ông hài lòng khôn tả trong cuộc sống cũng như trước thiên nhan Chúa, và vì vậy nó trở thành một nghĩa vụ. Hết thảy chúng ta đều có trách nhiệm đối với những ai bị thương, đối với đồng hương của mình và mọi dân nước trên mặt đất này. Chúng ta hãy quan tâm đến nhu cầu của tất cả, nam hay nữ, trẻ tuổi hay già nua, với cùng một tinh thần huynh đệ ân cần chăm sóc và gần gũi mà chúng đã khắc hoạ nên người Sa-ma-ri-a Nhân hậu.
 
Những người thân cận không biên giới

80. Đức Giê-su kể dụ ngôn người Sa-ma-ri-a Nhân hậu nhằm trả lời cho nghi vấn: Ai là người thân cận của tôi? Trong xã hội thời Đức Giê-su, cụm từ “người thân cận” thường nói tới những ai gần kề chúng ta nhất, và cảm thấy rằng sự giúp đỡ chủ yếu dành cho người cùng nhóm và cùng sắc tộc thôi. Đối với một số người Do Thái thời ấy, người Sa-ma-ri-a bị xem thường và bị cho là ô uế/nhơ bẩn. Họ không thuộc số người phải được giúp đỡ. Bản thân là một người Do Thái, nhưng Đức Giê-su thay đổi hoàn toàn lối tiếp cận này. Người yêu cầu chúng ta không nên quyết định xem ai đủ gần gũi để trở thành người thân cận, mà đúng hơn chính chúng ta phải trở thành người thân cận với hết mọi người.

81. Đức Giê-su yêu cầu chúng ta hiện diện với những ai đang cần giúp đỡ, bất luận họ thuộc nhóm xã hội chúng ta hay không. Trong trường hợp này, người Sa-ma-ri-a trở thành hàng xóm của người Giu-đê-a bị thương. Bằng cách tiến lại gần và sẵn sàng có mặt, ông đã vượt qua mọi rào cản về văn hóa-lịch sử. Kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su nói: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10, 37). Nói cách khác, Người thách thức chúng ta gạt bỏ mọi dị biệt và dù đứng trước đau khổ thì cũng dám tiến lại gần tha nhân mà không gạn hỏi điều gì. Tôi không còn nói mình có người thân cận để giúp đỡ, nhưng chính tôi phải là người thân cận đối với người khác.

82. Tuy dụ ngôn này có chút rắc rối, bởi vì Đức Giê-su nói rằng người bị thương xuất thân từ Giu-đê-a, trong khi người dừng lại và giúp đỡ ông ấy lại là người Sa-ma-ri-a. Chi tiết này khá quan trọng đối với suy tư về một tình yêu không loại trừ ai nơi chúng ta. Người Sa-ma-ri-a sinh sống tại vùng đất thực hành các lễ nghi ngoại giáo, nên đối với người Do Thái, điều này khiến người Sa-ma-ri-a trở nên ô uế, đáng ghét và nham hiểm. Trên thực thế, một bản văn Do Thái cổ đã đề cập đến các quốc gia bị ghét bỏ, nói về vùng Sa-ma-ri-a “thậm chí không phải là một dân tộc” (Hc 50, 25), và cũng thường được nhắc tới như thể “đám dân ngu xuẩn ở vùng Si-khem” (50, 26).

83. Điều này giải thích tại sao một phụ nữ Sa-ma-ri-a, khi được Đức Giê-su xin nước uống, lại trả lời cộc lốc: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri-a, cho ông nước uống sao?” (Ga 4, 9). Lời buộc tội xúc phạm nhất mà nếu ai đó muốn tìm cách làm Đức Giê-su mất uy tín thì có thể gán ghép Người là “người Sa-ma-ri-a” và đã “bị quỷ ám” (Ga 8, 48). Vì vậy, cuộc gặp gỡ của lòng nhân từ này giữa một người Sa-ma-ri-a và một người Do Thái mang tính khiêu khích cao; nó không chừa chỗ cho sự thao túng ý thức hệ và thách thức chúng ta mở rộng ranh giới bản thân. Nó vạch ra chiều kích phổ quát cho ơn gọi yêu thương của chúng ta, một chiều kích vượt trên mọi định kiến, mọi rào cản lịch sử-văn hóa, và mọi quyền lợi nhỏ nhen.

Lời nài xin của người khách lạ

84. Cuối cùng, tôi xin lưu ý rằng trong một đoạn Tin Mừng khác, Đức Giê-su nói: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25, 35). Đức Giê-su có thể nói những lời đó, bởi lẽ Người luôn rộng lòng, nhạy cảm trước mọi khó khăn của tha nhân. Thánh Phao-lô thúc giục chúng ta “hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15). Một khi trái tim chúng ta làm được điều này, thì chúng có khả năng đồng nhất với người khác mà chẳng cần bận tâm lo lắng về nơi họ chào đời hoặc họ từ đâu tới. Trong tiến trình đó, chúng ta sẽ cảm nhận tha nhân như “chính cốt nhục của mình vậy” (Is 58, 7).

85. Đối với Ki-tô hữu, lời giảng dạy của Đức Giê-su mang ý nghĩa thâm thuý hơn. Lời Người buộc chúng ta nhận ra chính Đức Ki-tô nơi mỗi người anh chị em bị bỏ rơi hoặc bị loại trừ (x. Mt 25, 40. 45). Đức tin có năng lực vô hạn, ngõ hầu truyền cảm hứng và duy trì lòng tôn trọng của chúng ta đối với tha nhân, vì những người tín hữu biết rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người, nam hay nữ, bằng một tình yêu vô biên và “do đó trao ban phẩm giá vô hạn cho nhân loại” [61]. Tương tự, chúng ta tin rằng Đức Ki-tô đã đổ máu mình vì mỗi người chúng ta và không ai nằm ngoài phạm vi tình yêu phổ quát của Người. Nếu chúng ta tiến đến cội nguồn tận cùng của tình yêu vốn chính là sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi ấy, thì chúng ta sẽ diện kiến nơi cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa nguồn gốc và hình mẫu hoàn hảo của mọi cuộc sống xã hội. Như thế, thần học tiếp tục được trở nên phong phú nhờ suy tư về chân lý vĩ đại này.

86. Nhờ điều này, đôi khi tôi tự hỏi tại sao phải mất quá lâu để Giáo hội dứt khoát lên án chế độ nô lệ và các hình thức bạo lực khác. Ngày nay, với nền linh đạo và thần học phát triển, thì chẳng có lý do gì để chúng ta bào chữa cả. Tuy nhiên, vẫn có người dường như cảm thấy được khuyến khích hoặc ít nhất được đức tin của họ cho phép ủng hộ hàng loạt chủ nghĩa duy dân tộc hẹp hòi và bạo lực, bài ngoại và khinh miệt, thậm chí cả việc ngược đãi những người khác biệt. Đức tin, và chủ nghĩa nhân bản được đức tin truyền cảm hứng, phải duy trì một cảm thức phê bình khi đối diện với các khuynh hướng này, và phản ứng ngay lập tức, bất cứ lúc nào chúng xuất đầu lộ diện. Vì lý do này, thật quan trọng khi dạy giáo lý và thuyết giảng phải nói trực tiếp và rõ ràng hơn về ý nghĩa xã hội của hiện sinh, chiều kích tình mến huynh đệ trong linh đạo, xác tín bản thân về phẩm giá bất khả chuyển nhượng của mỗi con người, đồng thời trình bày về các lý do khiến chúng ta yêu thương và chấp nhận tất cả là anh chị em mình.
 
Chuyển ngữ: Lm. Xuân Hy Vọng
 
CHÚ THÍCH:
 
[53] Cộng đồng Va-ti-can II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay Gaudium et Spes, 1.
 
[54] Thánh I-rê-nê thành Ly-on, Adversus Haereses [Chống Lạc giáo], II, 25, 2; PG 7/1, 798tt.
 
[55] Talmud Bavli (Sách Talmud Ba-by-lon), Shabbat, 31a.
 
[56] Diễn văn dành cho Những ai được Tổ chức Bác ái của Giáo hội Trợ giúp, Tallinn, Es-tô-ni-a (25/9/2018): Tờ Quan sát Viên Rô-ma, 27/9/2018, tr. 8.
 
[57] Diễn văn Video dành cho Hội nghị TED tại Vancouver (26/4/2017): Tờ Quan sát Viên Rô-ma, 27/4/2017, tr. 7.
 
[58] Homiliae in Matthaeum (tạm dịch: Bài giảng về Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu), 50: 3-4: PG 58, 508.
 
[59] Sứ điệp tại Buổi gặp gỡ các Phong trào Giáo dân, Modesto, Ca-li-for-ni-a, Hoa Kỳ (10/2/2017): AAS 109 (2017), 291.
 
[60] Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 235: AAS 105 (2013), 1115.
 
[61] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Sứ điệp cho người Khuyết tật, Kinh Truyền Tin tại Osnabrück, Đức (16/11/1980): Insegnamenti (Giáo huấn) III, 2 (1980), 1232.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log