Thứ tư, 06/11/2024

Tự Sắc “Ca khúc tuyệt đỉnh - Altissimi Cantus” kỉ niệm 700 năm sinh nhật đại thi hào Dante Alighieri (1265-1321)

Cập nhật lúc 15:01 24/11/2021
(Thánh) Giáo hoàng Phaolô VI
TỰ SẮC:
CA KHÚC TUYỆT ĐỈNH - ALTISSIMI CANTUS”
ban hành ngày 07 tháng 12 năm 1965 
nhân dịp kỉ niệm 700 năm sinh nhật đại thi hào Dante Alighieri (1265-1321)
 Lm. Giuse Trần Văn Đỉnh chuyển ngữ
MỤC LỤC[1]
Lời giới thiệu. 3
Thanh tẩy và nguồn cảm hứng hướng thượng tôn giáo trong Thần Khúc  6
Dante Alighieri đội vương miện thi hào đại kết trong nhà thờ thánh Gioan  7
Mục đích chủ yếu của Thần Khúc mang tính thực tiễn và đổi mới 9
Từ vực sâu địa ngục tới thị kiến Ba Ngôi Chí Thánh, các Thánh và Nữ Vương các thánh  10
Một nhân loại biểu tượng trong cuộc tìm kiếm hòa bình. 11
Ngôi đền về sự khôn ngoan và tình yêu. 13
Chủ nghĩa nhân bản của Dante Alighieri 13
Nhãn quan chính trị 14
Thi sĩ của các thần học gia, thần học gia của các thi sĩ 16
Bậc nhiệm huấn trong đền thánh nghệ thuật 16
Bản chất của thi ca. 17
Nghệ thuật sư phạm, cảm hứng và nhịp điệu. 18
Hình thức tuyệt đẹp và tư tưởng thâm thúy của Thần Khúc. 19
Tương quan giữa thơ ca và thần học. 20
Cầu nguyện và thi ca. 21
Dante Alighieri: mẫu gương vun trồng thi ca tâm linh. 21
Vẻ đẹp: nữ tì của chân lý và sự thiện. 22
Hãy tôn kính thi hào tuyệt đỉnh. 23
Kết luận. 23
 
Lời giới thiệu
  1. Năm nay thật xứng đáng được dành để mừng bách chu niên Dante Alighieri[2] (Đantê Alighiêri), tác giả của ca khúc tuyệt đỉnh. Vâng, đã bảy thế kỷ trôi qua kể từ khi thi hào ấy chào đời ở Phirenxê[3], một thành phố trù phú từng nảy sinh bao thiên tài lẫy lừng và thông thái khác.
  2. Nhân dịp này, khắp nước Ý đã tổ chức vô số cuộc tưởng niệm và tôn vinh vị tuyệt đại thi sĩ của mình, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn học nước mình. Đây quả là điều xứng hợp và chính đáng. Bởi lẽ Dante chính là cha đẻ của tiếng Ý. Chính ông là người đã tạo nên một hình thái và một diện mạo cho cho nền văn minh Ý, đồng thời cũng chính là người gìn  giữ và bảo vệ nền văn minh ấy xuyên suốt dòng thời gian.
  3. Không ít dân tộc khác chung nền văn minh Kitô giáo cũng mong muốn tham dự vào biến cố tưởng niệm trọng đại này. Thế là danh xưng vốn đã rạng rỡ, Dante Alighieri, sẽ còn mãi rạng rỡ với một niềm vinh quang bất tử. Giờ đây, cái tên ấy như một ngọn đuốc ngự trị ở nơi cao nhất, chiếu toả những ánh hào quang rực rỡ nhất.
  4. Và hiển nhiên đây cũng là dịp để Giáo hội Công giáo góp mặt trong một cuộc tôn vinh như thế: thực vậy, Giáo hội xếp ông vào số những người trổi trang về phẩm hạnh và sự khôn ngoan, những người sáng tác thơ ca đại tài, những người yêu chuộng cái đẹp[4].
  5. Diễn đàn thi ca Công giáo có những gương mặt rạng ngời như thi sĩ Prudenziô, thánh Efrem Sirô, thánh Grêgôriô Nazianzênô, thánh Ambrôsiô – giám mục thành Milanô, thánh Phaolô thành Nola, thánh Anrê đảo Creta, Rômanô Mêlôde, Vênanziô Fortunatô, Adamô thành San Vittore, thánh Gioan Thánh giá, và số đông vô kể những thi sĩ đương đại. Trong dàn đồng ca hùng hậu ấy, trổi lên tiếng hạc cầm du dương của Dante Alighieri với ngón đàn tuyệt diệu. Dante Alighieri đóng vai trò lĩnh xướng bởi sự vĩ đại trong những chủ đề ông khai phá, bởi độ tinh khiết của nguồn cảm hứng, và bởi sức mạnh hồn thơ đã đạt tới mức cực kỳ thanh tú. 
  6. Chính vì thế, theo gương vị tiền nhiệm là Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV, người đã công bố tông thư Trên Đỉnh Hào Quang[5] (In Praeclara Summorum) dịp kỷ niệm 600 năm ngày mất của Dante Alighieri, chúng tôi cũng muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ dành cho đại thi hào này. Đây không phải là việc tôn vinh một con người với ánh hào quang trần thế, là điều vốn chẳng mấy chốc sẽ tan biến với thời gian, nhưng là một cách nào đó để ghi nhớ mãi mãi. Đây cũng không phải là việc dựng lên một tượng đài bằng đá hay bằng đồng câm lặng và lạnh lẽo, nhưng là khơi trào một suối nguồn bất diệt vừa tôn vinh thi hào đồng thời cũng vừa mang lại lợi ích cho tâm hồn các thế hệ trẻ.
  7. Chớ gì các bạn trẻ- khi lần lượt cắp sách tới trường và trở thành những trò nhỏ của một minh sư như thế- sẽ có thể minh họa ký ức và tác phẩm của ông, bởi vì hồn thơ ấy thực sự xanh ngát trong địa hạt văn chương, chớ gì lòng khôn ngoan vừa nhân bản vừa thấm đẫm Kitô giáo của ông được khẳng định với một sức mạnh mới trong truyền thống văn hóa người Ý, theo tập tục và thói quen của các bậc tiền nhân tôn kính đúng đắn danh xưng Dante Alighieri như là cha đẻ ngôn ngữ của họ.
  8. Với mục đích ấy, cùng với những cơ quan học thuật có đầy đủ thẩm quyền, chúng tôi quyết định thành lập khoa nghiên cứu về Dante Alighieri thuộc Đại Học Công Giáo Thánh Tâm thành Milanô. Đây là nơi mà vị tiền nhiệm đáng kính của chúng tôi, Đức Piô XI, đã dành nhiều ưu ái và lưu tâm. Các vị Giáo hoàng sau Ngài, và cả chúng tôi nữa, nhất là khi còn thi hành sứ vụ Tổng giám mục thành Milanô, chúng tôi cũng đã luôn dành sự trân trọng và quí mến. Vì thế, chúng tôi quyết định ban hành Tự Sắc này để đáp ứng sáng kiến về việc thành lập Khoa giảng dạy và cổ võ nghiên cứu Dante Alighieri.
  9. Chúng tôi rất vui mừng vì việc thành lập này công khai minh chứng niềm ngưỡng mộ của chúng tôi dành cho thi hào của Thần Khúc. Chúng tôi muốn thắp lên niềm tôn kính bất diệt trong giới sinh viên, những con người ưu tú được đào tạo trong các bộ môn khoa học và nghệ thuật của học viện ấy. Chúng tôi ước mong có nhiều sinh viên xuất sắc về trí tuệ và đạo đức, để họ tiếp nối truyền bá các công trình nghiên cứu vốn bắt nguồn từ “mỏ vàng” hết sức phong phú của Dante Alighieri. Và chớ gì những hoa trái phong phú ấy đều đến được với tất cả những ai yêu mến đức khôn ngoan, và làm cho nền văn học trong các thế hệ tương lai được luôn trổ sinh tươi mới.
  10. Có thể ai đó sẽ hỏi rằng đời thuở nào Giáo hội Công giáo, qua ý muốn của Đức Giáo hoàng, lại lưu tâm tổ chức kỉ niệm và tôn vinh nhà thơ của Phirenxê đến mức như thế? Câu trả lời thật dễ dàng: bởi vì, thật may mắn, Dante Alighieri là người của chúng ta: là người của chúng ta, tức là của Đạo Công giáo, bởi vì tất cả đều xoay quanh tình yêu Đức Kitô; là người của chúng ta vì ông đã tha thiết yêu mến Giáo hội và cất lời ca tụng vinh quang của Giáo hội, là người của chúng ta vì ông đã thừa nhận và tôn kính Vị Đại diện Chúa Kitô ở trần gian là Đức Giáo hoàng Roma.
  11. Giáo hội không ngại nhắc lại rằng chính Dante đã từng cất cao tiếng nói và đã khẳng khái chống lại một số vị Giáo hoàng Roma. Ông cũng đã cay đắng khiển trách các cơ chế của Giáo hội, và các thừa tác viên đại diện Giáo hội. Chúng tôi không che đậy điều này, vì đó là một khía cạnh trong tác phẩm của ông, một phần trong tâm tính khí phách của ông. Thực vậy, chúng ta biết rõ đâu là nỗi cay đắng trong tâm hồn ông và nỗi cay đắng ấy lớn chừng nào đến nỗi ông chẳng ngần ngại buông ra những lời khiển trách nặng nề nhất dành cho quê hương yêu dấu của mình là thành Phirenxê và nước Ý. Ta cần lưu ý tới niềm đam mê nghệ thuật và chính trị của ông để có thể hiểu rằng vai trò quan tòa và người sửa dạy, đặc biệt là trước những lỗi lầm đáng chê trách, buộc ông phải lên tiếng. Thế nhưng những thái độ quyết liệt ấy không hề làm suy yếu đức tin Công giáo của ông cũng như lòng yêu mến ông dành cho Giáo hội.
  12. Xin phép được nhắc lại: Dante Alighieri là của chúng ta. Chúng tôi khẳng định điều đó không phải là để tự tôn mình với lòng tham vọng hãnh tiến đua theo những danh dự ích kỷ. Đúng hơn, chúng tôi muốn nhắc nhở chính mình về bổn phận phải thừa nhận như thế, phải truy tìm trong tác phẩm của ông những kho tàng vô giá về tư tưởng và cảm nghiệm Kitô giáo. Chúng tôi tin tưởng rằng chỉ có ai biết chìm lắng thật sâu trong tâm hồn sùng đạo của thi sĩ tuyệt đỉnh này mới có thể hiểu được sâu sắc và nếm hưởng được kho tàng tâm linh tuyệt diệu ẩn giấu trong thi phẩm.
  1. Thanh tẩy và hướng thượng tôn giáo là điều đòi hỏi thuộc về bản chất thơ của Dante Alighieri. Thực vậy, mỗi bài thơ của Dante đều xứng với danh xưng này, bởi lẽ sự thanh tẩy vốn là điều thuộc về nghệ thuật chân chính và thơ ca chân chính. Nó mời gọi và nâng các tâm hồn hướng lên những tư tưởng và tình cảm vừa tươi mới vừa mạnh mẽ. Trong tác phẩm Thần Khúc, việc nâng tâm hồn lên, dù ở bất cứ cấp độ nào, đều bắt nguồn từ cảm thức tôn giáo, đặc biệt là từ nguồn mạch đức tin Công giáo.
  2. Đức tin, vốn “như ngôi sao trên bầu trời lấp lánh[6] và là điều đã định hình nên kho tàng quí giá và dấu yêu nhất trong trái tim thi hào Dante Alighieri“…là niềm vui cao quý/ làm nền tảng cho mọi nhân đức khác[7]. Ngôi đền thi ca này chính là một ngôi đền đức tin. Từ đáy nền móng sâu thẳm đến đỉnh cao chót vót, cũng như trong mọi ngóc ngách của ngôi đền này đều được phủ đầy ánh sáng và năng lượng. Chính vì thế mà tác phẩm được gọi là Thần Khúc:
“Ta ước mơ một ngày kia Thần Khúc
Một công trình được trời-đất chung tay
Đẫm mồ hôi, huyết lệ những tháng ngày
Thanh tẩy hết những đắng cay độc ác.
 
Những bất công khiến thân ta ly biệt
Xa quê hương nhớ da diết mỏi mòn 
Xa vành nôi ru ta giấc ngủ ngon
Như chiên nhỏ bị sói rừng truy đuổi.
 
Ta sẽ về trong tiếng lòng đổi mới
Ta sẽ về bên Giếng Rửa Tội xưa
Mái đầu xanh cho nguyệt quế ươm thơ
Diễm phúc thay ơn gọi làm thi sĩ” [8].
Dante Alighieri đội vương miện thi hào đại kết trong nhà thờ thánh Gioan
  1. Về điểm này, chúng tôi xin phép bày tỏ chân tình sự mãn nguyện sâu xa về việc chúng tôi đã thực hiện như thể hoàn thành lời khấn nguyện và ước vọng của Dante. Với sự tham dự của hầu hết các nghị phụ của Công đồng Đại kết Vatican II, chúng tôi đã gửi tới giếng rửa tội của nhà thờ“Thánh Gioan đẹp[9], nơi ông đã được lãnh phép thánh tẩy và trở thành Kitô hữu, với tên gọi Dante Alighieri, một vòng nguyệt quế nạm kim cương in chữ nổi thánh danh Đức Kitô bằng vàng để chứng thực lòng biết ơn lớn lao của thế giới Kitô giáo đối với người đã hát lên rằng “chân lý thăng hoa huyền diệu”[10]
  2. Vòng nguyệt quế đó được đội lên đầu Dante Alighieri chính là niềm vinh dự của đất nước Italia và của cả nhân loại, nó không bao giờ khô cằn, cũng không bao giờ tàn lụi. Dẫu vậy, vòng nguyệt quế ấy luôn cần được làm mới lại bởi những nhành lá mới. Bởi lẽ với tài năng vĩ đại và với những kiệt tác của mình, Dante xứng đáng với danh hiệu là thi hào của mọi dân tộc, một thi hào có tầm vóc đại kết, hết sức đặc sắc, rất xứng đáng được nghiên cứu và được chăm chú lắng nghe.
  3. Chắc chắn thi phẩm của Dante Alighieri có giá trị phổ quát: với sự dàn trải mênh mông, thơ của ông ôm trọn cả cả trời và đất, cả vĩnh cửu và thời gian, cả những mầu nhiệm của Thiên Chúa và những sự kiện của con người, cả những giáo lý thánh thiêng và những quy luật thế tục, cả khoa học khơi nguồn trong Mạc Khải thánh và khoa học kín múc từ ánh sáng lí trí, cả bao nhiêu kinh nghiệm mà ông đã trực tiếp kinh qua cộng với những ký ức về lịch sử, những thời đại mà ông sống, và cả nền văn minh Hilạp Lamã cổ đại. Có thể nói rằng ông là tượng đài vĩ đại nhất đại diện cho thời Trung Cổ.
  4. Thơ ông là tinh hoa hội tụ từ sự thông thái của Phương Đông, Logos-Trí tuệ của người Hilạp, văn minh của người Lamã, và tổng hợp nguồn tín lý cùng những khoảng lề luật của Kitô giáo từ công trình của nhiều vị giáo phụ và tiến sĩ Hội thánh. Thực vậy, Dante Alighieri bước theo Aristốt về triết học, bước theo Platông trong thiên hướng của linh tượng giới, bước theo thánh Augustinô trong các khái niệm về lịch sử, và là học trò trung kiên của Thánh Tôma Aquinô về thần học, đến nỗi tác phẩm Thần Khúc của ông gần như là một tấm gương phản chiếu bộ Tổng luận Thần học của vị thánh Tiến sĩ Thiên thần này. Nếu điều này đúng cách chung chung, thì cũng đúng ở hướng ngược lại:  Chính Dante Alighieri là người nhân rộng tầm ảnh hưởng sâu xa của thánh Augustinô, của thánh Bênađô, của trường phái Victoriô, của thánh Bônaventura. Dante cũng không hề xa lạ với những ảnh hưởng của viện phụ Gioachino ở Fiore. Bởi lẽ các tác phẩm này cưu mang những dòng tư tưởng chỉ mới bắt đầu ló rạng, chưa thành hình, hãy còn chờ đợi được khai mở trong tương lai.
  1. Mục đích của Thần Khúc trước tiên là thực tiễn, nhằm đổi mới và hoán cải. Thực vậy, tác phẩm ấy không chỉ đề xuất những giá trị hết sức thi vị và tốt lành về mặt đạo đức, mà quan trọng hơn là nhằm biến đổi con người từ tận gốc rễ. Thần Khúc dẫn đưa con người đi từ cảnh hỗn loạn đến đức khôn ngoan, từ tình trạng tội lỗi đến sự thánh thiện, từ đau khổ tới hạnh phúc, từ việc suy xét những cảnh rợn rùng trong Địa Ngục tới chiêm ngắm các Mối phúc thật trên Thiên Đàng. Và vị minh sư tuyệt vời đã khẳng định điều đó cách minh nhiên trong thư gửi cho Cangrande: “Mục đích của tất cả và của từng phần có thể nhiều, có mục đích gần và có mục đích xa. Nhưng bỏ qua việc xem xét tỉ mỉ, có thể nói ngắn gọn rằng, mục đích của tất cả và của từng phần là kéo con người ra khỏi tình trạng thống khổ và dẫn đưa họ tới niềm hạnh phúc”.[11] 
  2. Như thế, Thần Khúc có thể được gọi là một hành trình dẫn đưa tâm trí về cùng Thiên Chúa, từ bóng tối của cảnh trừng phạt đời đời tới những giọt nước mắt của chuộc tội và thanh tẩy. Ấy là hành trình mỗi ngày một trở nên sáng rõ hơn, hành trình của tình yêu càng ngày càng nồng cháy hơn, cho tới khi đạt tới chính ngọn nguồn của ánh sáng, của tình yêu, và của sự ngọt ngào vĩnh cửu:
“Ta vừa ra khỏi thiên cầu lớn nhất
Bay bay lên tới Thiên Quốc huyền siêu:
Đầy ánh sáng trí tuệ đầy Tình Yêu
Tình chân thiện, vượt muôn điều hoan hỉ”[12].
  1. Thực vậy, những chủ đề của thi phẩm được trình bày như là những lời giáo huấn và thức tỉnh để giúp chúng ta vươn đến Thiên Chúa. Những điều thuộc thế giới tự nhiên và siêu nhiên, chân lý và những điều sai lầm, tội lỗi và ân sủng, sự thiện và sự ác, những hành động của con người và những hậu quả của chúng… tất cả đều được suy xét, được phân định, được đánh giá trước mặt Thiên Chúa, được nhìn từ viễn tượng vĩnh cửu. Thế là hành trình vươn đến Thiên Chúa, vốn xoáy vào những gì là bí ẩn và cao thượng, bổng trở thành một bản hùng ca về đời sống nội tâm, bản hùng ca về thiên ân, bản hùng ca về kinh nghiệm thần bí, về sự thánh thiện theo những cách thế đa dạng nhất. Hành trình ấy trở nên một nền thần học tu đức và thần học của con tim. 
  1. Có vô số nẻo đường nên thánh khác nhau. Khởi từ những vực thẳm của tội lỗi bị trừng phạt, băng qua những vương quốc thanh bình nơi các linh hồn được thanh tẩy mọi vết nhơ, hướng đến những đỉnh núi đầy khó khăn của sự hoàn thiện… tất cả đan dệt nên ánh vinh quang và những mẫu gương thánh thiện của các thánh Phanxicô, thánh Đa Minh, thánh Phêrô Đa-Miên, thánh Biển Đức Norcia, thánh Rômunđô, thánh Bênađô. Mọi hành trình đều vươn lên hướng về cùng một chóp. Với những ai hiểu được  ý nghĩa cứu độ, 100 ca khúc ấy lập thành 100 bậc của một chiếc thang, như chiếc thang mà Giacóp thấy trong giấc mộng, để trèo từ những nơi đáy cùng lên tới ngọn nguồn ánh sáng của Ba Ngôi Chí Thánh. Và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, ở trước thềm bậc thang cao nhất, được thánh Bênađô dâng lời cầu khẩn như trạng sư cứu giúp cho những kẻ lữ hành mới mẻ và non nớt đạt được ước nguyện cuối cùng.
  2. Với vị thi sĩ Phirenxê, Đức Maria, “Danh thánh hoa thiêng mà tôi hằng cầu khấn[13], “Sao vinh thắng cả dưới đất trên trời”[14], là người ban phát ơn thiêng, là cửa Thiên Đàng sáng láng, là người nối liền khoảng cách giữa Đấng Tạo Hoá và các loài thụ tạo, là Đấng đưa mọi người đến với Đức Kitô và trong mối phúc của Chân Lý Vĩnh Cửu:
“Phàm nhân này vừa thoát khỏi hang Ma Quỷ
Mắt thấy tai nghe thực thể mỗi linh hồn
Giờ khấn xin Mẹ ban xuống đặc ân
Được chiêm ngưỡng tột cùng Nguồn Bất Tử.
 
Phần con đây, chưa bao giờ nóng lòng như thế
Khẩn xin Mẹ, con mong mỏi hơn cả chính mình
Mẹ đoái thương nhậm lời chúng con khấn xin
Xóa tan u ám cho mắt phàm chiêm diễm phúc.
 
Con lại xin Mẹ, ôi Nữ Vương lân tuất
Sau cung chiêm, xin che chở hết mưu ma
Vâng Mẹ ơi, Thiện Bích[15] với bao vị sum hòa
Cùng chắp tay hiệp nguyện lòng vươn tới”[16].
  • nhân loại biểu tượng trong cuộc tìm kiếm hòa bình
  1. Nhân vật chính của Thần Khúc là vị thi sĩ. Dẫu vậy, hình ảnh thi sĩ chính là biểu tượng của cả nhân loại. Ẩn dưới bức màn phúng dụ, nhân vật ấy dẫn đưa ta tới chỗ nhận ra những lỗi lầm của mình, bắt đầu lại con đường nhân đức, hướng đến việc được soi sáng và thanh tẩy, để cuối cùng được kết hiệp với Chân Lý tối cao và Sự Thiện tối thượng.
  2. Luật Trời được ban cho loài người, để khi tuân giữ luật, con người đạt tới niềm hạnh phúc đời này cũng như hạnh phúc vĩnh cửu mai sau mà con người hằng khao khát. Nhờ theo đuổi sự thiện chân thực, con người có thể hướng đến tình yêu chân chính, và lánh xa sự dữ vốn là mầm mống của tình yêu lệch lạc, là những tham sân si và những sự ác.
  3. “Rõ ràng là trong niềm bình an, tức là trong sự tĩnh lặng an nhiên, con người có được những điều kiện tốt nhất để kiện toàn viên mãn công trình đời mình, một công trình gần như là thần thiêng, theo đoạn thơ nổi tiếng này: “Ngài đã dựng nên con người kém thiên thần một chút” (Tv 8,6)[17].
  4. Đây là sự bình an của từng cá nhân, của các gia đình, của các quốc gia, của các cộng đoàn nhân loại, bình an nội tâm cũng như bình an bên ngoài, bình an của từng cá nhân cũng như bình an của cả cộng đồng. Trật tự hòa bình này bị xáo trộn và lung lay bởi vì lòng đạo đức và công lý bị coi thường. Để tái lập trật tự này cũng như thực hiện ơn cứu độ, thì lương tâm thức tỉnh về tình trạng sống của nhân loại trên trần gian cần được soi dẫn trong sự tương tác hài hòa giữa đức tin và lý trí, giữa Thiện Bích và Vinh Dự Lưu[18], giữa Thập Giá và Đại Bàng, giữa Giáo Hội và Đế Quốc. Đồng thời, cần phải loan truyền lời cảnh báo phổ quát, u ám nhưng xác thực, về thế kỷ tiếp theo. Cả trời và đất đều dội lại Tin Mừng hòa bình này.
  5. Thần Khúc là thi phẩm của hòa bình: là bi khúc sầu thảm về bình an đã bị đánh mất vĩnh viễn trong Địa Ngục; là vọng khúc ngọt ngào về bình an mà con người khao khát hướng tới trong Luyện Ngục; là ca khúc khải hoàn về bình an của Thiên Đàng,  bình an đạt được cách trọn vẹn và vĩnh viễn.
  1. Không chỉ là ca khúc bình an, Thần Khúc còn là ngôi đền đầy khôn ngoan và tình yêu, một nguồn khôn ngoan thấm đượm tình yêu và một nguồn tình yêu tròn đầy sự khôn ngoan. Ai có thể bảo rằng những câu thơ của thi hào thần thánh này không thắp lên một ngọn lửa tình yêu trong lòng người? Ấy là một tình yêu làm phát sinh lời mời gọi đầy nồng nhiệt và hữu hiệu, thúc đẩy con người trở nên tốt hơn trong mọi hoàn cảnh, hướng tới những mục đích mà Thiên Chúa quan phòng đã ban cho họ.
  2. Chính vì thế, đây là thi phẩm hướng đến một xã hội tốt hơn, nhờ thủ đắc được một nền tự do và giải phóng khỏi ách nô lệ của sự dữ. Thi phẩm này thúc đẩy tâm hồn tìm kiếm và mến yêu Thiên Chúa trong việc biết trân trọng mọi ân huệ của Ngài, dù là những ân huệ trải dài trong dòng lịch sử hay trong cuộc sống. Mọi ân huệ ấy hiển lộ trong nền nhân bản của Dante. Chúng tôi muốn nêu bật một vài phẩm chất của nền nhân bản ấy.
  1. Chủ nghĩa nhân bản của Dante kiện toàn chủ nghĩa nhân bản trong học thuyết của thánh Tôma Aquinô. Đây là một nền nhân bản được đánh dấu bởi đặc tính lạc quan, được đặt trên những nền tảng vững chắc, tức là ân sủng không phá hủy nhưng giúp hoàn thiện bản tính tự nhiên, và rằng “con người có phẩm giá cao quý”[19]. Nó đối lập hoàn toàn với một số luận đề mang tính khắc khổ và thần bí theo kiểu tất cả đều phải hướng tới việc coi khinh thế tục (contemptus mundi) như là dạng thức duy nhất của đời sống trọn lành.
  2. Dante Alighieri không những thừa nhận mà còn tôn vinh tất cả những giá trị nhân bản từ trí tuệ, đạo đức, tình cảm, đến văn hóa, văn minh. Điều đáng lưu ý ở đây là những điều thiện hảo này đều được đánh giá và được quý mến khi ông trầm mình trong Thần Linh, nơi mà việc chiêm ngắm những ơn ích thiêng liêng có thể làm cho những của cải trần gian trở nên trống rỗng và vô ích. Thậm chí, nhân tính của ông còn được phác họa ở đó cách tròn đầy hơn và được nên hoàn thiện trong vòng xoáy của tình yêu Thần Linh. Cũng trong chính trung tâm tràn ngập ánh sáng các tầng trời, thi sĩ đã cảm thấy bị choáng ngơp bởi nỗi niềm lo lắng, bởi việc phải loan đi thông điệp chân lý và sự thiện, và bởi tất cả những gì vị thi hào đang chờ đợi từ mảnh đất bất hạnh của chúng ta, “Mỏm đất ấy chứa bao điều tàn khốc[20].
  3. Ông tin rằng văn minh của thế giới cổ đại là bước dọn đường để đón nhận Kitô giáo, theo kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Nền văn minh ấy cho ông rất nhiều hình ảnh tiên trưng và ẩn dụ, khác hẳn với những gì xảy ra ở cái thời gọi là Phục Hưng, hay chí ít khác với rất nhiều người thời đó, vốn đánh giá những giá trị của con người tách lìa khỏi Thiên Chúa; rồi cũng trong thời ấy, chủ nghĩa nhân văn lại hướng tới những định chế và các tập tục dân ngoại, để trở nên vô hiệu bởi sai lầm của lạc thuyết Pêlagiô[21].
  1. Tiếp theo, xin phép được phác họa đôi nét về học thuyết chính trị của Dante Alighieri. Theo đó, hai thứ quyền bính tối thượng, Giáo Hội và Đế Quốc, đều do Thiên Chúa thiết lập để hướng dẫn nhân loại tới hạnh phúc. Quyền bính thứ nhất hướng về niềm hạnh phúc trên Trời, và quyền bính thứ hai hướng đến niềm hạnh phúc trần gian. Hai đích nhắm ấy được phân biệt khác nhau, dẫu rằng niềm hạnh phúc sau phụ thuộc vào niềm hạnh phúc trước. Như thế, hai thứ quyền bính này- trong phạm vi và lãnh vực chuyên biệt của mình- đều độc lập với nhau, không loại trừ cũng không lẫn lộn giữa những gì là thiêng thánh và những gì là phàm tục. Tuy nhiên, theo ông, cần khẳng định rằng trong vấn đề đức tin và luân lý, Nhà Nước cần phục quyền Đức Giáo hoàng. Cả hai thứ quyền bính này đều phải nhắm đến việc phục vụ lợi ích Kitô giáo chung của cả cộng đồng (Res publica Christiana).  
  2. Không vướng mắc vào gánh nặng phù hoa, không bận tâm kiếm tìm những gì là thế tục, Giáo Hội được tự do hăng say hiến dâng cho sứ mạng công bố Sự thật và làm cho Sự thật sinh hoa trái:
“Chàng có hay phải trả bao xương máu
Để truyền rao Kinh Thánh khắp thế gian
Và lòng ai biết khiêm nhường đón nhận
Làm Chúa vui thỏa thích đến vô ngần”[22]
  • nói ở đây không thể được đánh đồng với chủ nghĩa ly khai triệt để do Marsiliô Padôva đề xướng [theo đó thành thị trần thế phải tách lìa tận gốc rễ khỏi Giáo hội].
  1. Luân lý là một trong những đặc tính quan trọng nhất trong bổn phận được trao cho nhà nước: đó là làm cho công lý được hiển trị, diệt trừ thói tham lam, vốn là nguyên nhân gây ra bất ổn và chiến tranh. Cần phải có một sự lãnh đạo phổ quát. Theo các thuật ngữ thời trung cổ, thể chế ấy đòi hỏi một thứ quyền bính vượt trên biên giới quốc gia, để bảo đảm cho một luật lệ duy nhất có hiệu lực gìn giữ hòa bình và hòa hợp giữa các dân tộc. Trực giác của nhà thơ thần thánh này không hoàn toàn không tưởng như một số người nghĩ, kể từ khi nó được hiện thể ở mức độ nhất định trong thời đại chúng ta đây qua Tổ Chức Liên Hợp Quốc, với lợi ích mở rộng hướng tới mọi dân tộc trên toàn thế giới.
  1. Chúng tôi không thể không phác họa thêm đôi nét, dù là vắn gọn, về mối liên hệ tương tác giữa thơ ca và cầu nguyện, giữa chân lý của tôn giáo và chân lý của thơ ca, để làm sáng tỏ thêm những tương quan sẵn có trong Thần Khúc và cũng để làm sáng tỏ thêm về bản chất của nghệ thuật thi ca, cách riêng là của Dante Alighieri. Trong tình cảnh hiện nay, thi ca tự nó đang rất cần được đổi mới để thêm đơm hoa kết trái, cách riêng trong thơ ca tôn giáo.
  2. Giovanni Virgilio đã chuẩn bị cho lăng mộ Dante Alighieri một văn bia trong đó tôn vinh: “Thần học gia Dante Alighieri am tường mọi thuyết cho nên minh triết sưởi ấm cõi lòng ông”. 
  3. Điều đó cho thấy, ông đã được tôn kính nhất là với tước hiệu thần học gia. Tất nhiên, tước hiệu thi hào tuyệt đỉnh chẳng bao lâu đã chiếm ưu thế qua các thế kỷ tôn vinh ông; và tác phẩm Commedia (Kịch) của ông được gọi là Thần Khúc.
  4. Vinh dự của cả hai tước hiệu dành cho ông như thế là hoàn toàn đúng đắn. Và tất nhiên, thi hào ấy không chỉ được coi là thần học gia, mà còn hơn thế nữa, được tuyên bố là vị lãnh chúa của ca khúc tuyệt đỉnh, bởi lẽ ông tỏ ra là nhà thần học với tư tưởng bậc thầy.
  5. Nét cao quý, vẻ vĩ đại, những giá trị hết sức cao cả trong hồn thơ ấy hiển nhiên đạt đến mức như thế, không cần phải chứng minh chi tiết, với những luận điểm phức tạp. Đỉnh núi thi ca cao ngút vượt thời gian, trải qua bao nhiêu dòng nước xói mòn như thế, thiết tưởng chẳng cần những bài diễn văn dài dòng mới nhận ra vẻ vĩ đại của nó: chỉ cần một cái ngước nhìn lên là đủ.
  1. Như Vinh Dự Lưu (Virgilio) đã dẫn đường cho Dante Alighieri, chính Dante Alighieri cũng có thể trở thành  một Vinh Dự Lưu khác, một bậc nhiệm huấn dẫn đường cho vô số người khác bước vào đền thánh nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thi ca. Điều này càng đáng mong ước hơn cho thời đại của chúng ta, vì sự suy thoái về đời sống tâm linh thường đi đôi với sự tiến bộ về kinh tế và khoa học kĩ thuật. Nghệ thuật chịu cảnh bần cùng: rất hay bị dẫn đến những kiểu diễn tả thiếu nền tảng và đơn phương, bị giản lược vào chủ nghĩa chủ quan duy ngộ đạo của Manicheo, có thể nói như thế, khinh bỉ tự nhiên, nó biến thái thành thứ lương thực khuyển nho yếm thế, mô tả và tung hô các thói hư tật xấu. Đối với những gì liên quan tới thơ ca, nó chỉ thừa nhận hay trên hết chỉ ưa thích thể thơ trữ tình, bởi vì nó đặt ra những giới hạn và những giản lược không cần thiết và khô cằn.
  1. Một số người suy luận từ các nguyên lý triết học do họ phát minh và ôm ấp. Họ cho rằng không có sự khác biệt giữa thơ ca và văn xuôi. Có người phân biệt giữa thơ ca và văn xuôi bằng cách gán cho thơ ca tính chất trữ tình, cảm tính, đòi hỏi một thứ ngôn ngữ tình cảm và trực giác; trong khi đó, họ gán cho văn xuôi đặc tính lý luận, khoa học, khách quan.
  2. Đúng là thơ ca có thể được nuôi dưỡng từ thế giới nội tâm của chính chủ thể. Tuy nhiên, khi từ bỏ hay coi thường yếu tố trí tuệ, người ta chẳng bao giờ đạt được điều gì đó vững chắc, sáng sủa, cụ thể. Khi đó, thơ ca trở nên yếu ớt và u ám, chỉ dựa vào câu chữ và cảm xúc, và sản sinh ra những thứ cảm xúc bong bóng rỗng tuếch chẳng mấy chốc là tắt ngấm.
Ngược lại, thơ ca không hề bị giảm giá trị vì sự vĩ đại trong cấu trúc của nó. Trong thời cổ đại, các dạng thức thơ ca được đánh giá cao nhất là thể loại anh hùng ca và bi kịch. Platông nhấn mạnh thể loại đầu tiên còn Aristốt thì đặt tầm quan trọng ở thể loại sau[23], bởi lẽ ông cho rằng ở thể loại này ẩn chứa các thể loại nghệ thuật trác tuyệt nhất.

Nghệ thuật sư phạm, cảm hứng và nhịp điệu
  1. Tiêu chuẩn để xác định mức độ thẩm mĩ và độ hoàn hảo trước tiên đòi hỏi ở nghệ thuật sư phạm, hay khả năng mà tác giả dẫn đưa các tâm hồn đến nơi mà mình giới thiệu một cách hiệu quả, phù hợp và trọn vẹn. Ngay cả thi sĩ Orazio[24] cũng gán cho nghệ thuật quy tắc không thể thiếu này: “Những thành phần cấu tạo nên bài thơ mới chỉ có đẹp, dễ chịu rồi dẫn đưa tâm hồn độc giả tới bất cứ đâu họ muốn không thôi thì chưa đủ”[25].
  2. Bây giờ, tất cả những điều ấy có thể đạt tới bằng chính ngôn ngữ thi ca, và nhất là với khả năng thần bí, và có lẽ chẳng bao giờ nó được biết rõ, mà chúng tôi gọi là cảm hứng thần linh. Khả năng này không phá đổ, cũng không hoàn toàn khinh thường lí trí, nhưng đúng hơn, nó kiến tạo một cách thức nhận biết khác, một con đường khác để chiếm đoạt thực tại và khám phá những mối tương quan mà nó không nhìn thấy. Nhưng nghệ thuật cần tới lí trí trong hoạt động xáo trộn vốn xảy ra trước ánh sáng linh hứng, ánh sáng này đến soi dẫn, xoa dịu, đơn giản hóa tất cả những gì đã tiếp nhận. Thơ ca cần lí trí để đi đến thiện toàn, với sự khéo léo và tài năng, để kết nối các tâm trạng khác nhau, không chỉ gợi lên những ý tưởng, những hình ảnh, những tình cảm, mà còn tạo nên sự hòa quyện tuyệt vời giữa các thành phần khác nhau: thực vậy, “Nguyên lý và nguồn suối của lời hay ý đẹp chính là khôn ngoan”[26]
  3. Từ đó cần phải kiến tạo nên một dòng chảy, một sức mạnh cuốn hút, nhờ vào sự sắp xếp và gắn kết hài hòa giữa các câu chữ, giai điệu và nhịp điệu: “Ai có tài năng, tâm trí thần thánh và miệng lưỡi hát lên những điều trọng đại, hãy trao cho người ấy danh hiệu thi sĩ”[27].
  1. Trong Dante Alighieri, bút lực như ngọn lửa và nguồn cảm hứng mãnh liệt là những nguyên tố kích hoạt tác phẩm, kéo hồn thơ lên một tầm cao đáng thán phục, như một vòng tròn ôm trọn cả đại dương hữu thể:
“Tôi đáp rằng:  “Khi Tình Yêu linh hứng
Những tiếng thầm mách bảo trong tim
Tôi lắng nghe đọc chính tả lắng chìm
Để từng lời chảy trôi đầu ngọn bút”[28].
  1. Trong Thần Khúc có tất cả mọi thể loại văn chương: từ anh hùng ca đến trữ tình, từ huấn ca đến châm biếm rồi kịch nghệ. Kịch nghệ vừa là thể loại miêu tả tính cách vừa là thể loại hành động. Tất cả đều vừa được duy trì với sự đan xen liên tục những yếu tố đa dạng và hết sức phong phú, vừa giữ được nét hài hòa hợp nhất sáng ngời trong kiến trúc.
  2. Tất cả các cung bậc tình cảm và âm điệu đều được gọi lên sống động: dịu dàng và khí phách, buồn thảm và vui mừng, không thiếu những khinh bỉ và cũng đầy những ngưỡng mộ, nào là giận dữ, nào là hoảng hốt, nào là sợ hãi, nào là yêu thương, nào là chiêm niệm, nào là tôn thờ, nào là nụ cười hiền dịu và nào là mê ly xuất thần.
  3. Với phong cách rất riêng của mình, thi hào tuyệt đỉnh đã hát lên những thực tại huyền nhiệm và cao cả nhất của cuộc đời, những mầu nhiệm của Thiên Chúa và những tư tưởng vĩ đại nhất của nhân loại. Nguồn mạch phát sinh dòng sông hùng vĩ như thể hiện ra một cái gì đó thật vĩ đại và lạ lùng, mà bấy giờ ông chỉ dùng đến thứ tiếng Ý mới sinh còn non nớt và chưa được định hình, tức là chưa từng được nhào nặn qua biểu cảm nghệ thuật. Và chính ngôn ngữ này, “Bánh ra lò [...] [và] mặt trời mới”[29], trước Dante Alighieri có thể nói: “Tinh tú kia còn chuyển động tươi cười/Huống chi tôi lẽ nào không biến đổi ![30], đã trở thành chất liệu mềm mại để diễn tả - khi thì xứng đáng quý phái, khi thì mộc mạc chân quê, khi thì mạnh mẽ, khi thì tinh tế, - với những âm sắc và gam màu hết sức phong phú. Tất cả đều xoáy vào tâm hồn, bắt cóc tâm trí thi hào, tung ra những cú lao vào những cơn giận và những cú hích bay bổng yêu thương. Nào là những lời khiển trách và những lời tán tụng. Nào là những tiếng gào thét của những kẻ bị trừng phạt trong Địa Ngục và những lời nguyện cầu của các vị thánh trên Thiên Đàng. Nào những thị kiến, nào những giấc mộng, nào những điềm báo, nào những quyết định, nào những nét tinh túy của triết học và nào là những chóp đỉnh của thần học.
  1. Chính khi nghiên cứu về thần học của Dante, ta gặp vấn đề tương quan giữa thơ ca và thần học. Một số nhà phê bình đã cho rằng Thần Khúc thiếu thi vị ở những khi và những chỗ nó chìm vào thần. Ngược lại, một số người lại nhìn ra rằng chính tại những điểm ấy mà Thần Khúc tỏa sáng và rực rỡ như ánh sáng chính ngọ. Chúng tôi cũng nhìn ra điều này, vì cả những lý do chung chung hoặc đặc thù
  2. Ai có thể phủ nhận rằng ý nghĩa tôn giáo, những chân lý đức tin, những niềm khao khát từ cái hữu hạn hướng tới cái vô cùng, lại không luôn là suối nguồn làm trào vọt lên thi ca phong phú? Nguồn suối ấy lại không phải là dạng thức cao cả nhất, tinh tuyền nhất hay sao? Khi với ngôn ngữ của chính mình, thiên về hát hơn là nói, vẽ hơn là suy luận, điêu khắc hơn là hùng biện, thi ca diễn tả kinh nghiệm thần bí, những biến chuyển của ân sủng, xuất thần. Khi được nâng lên chóp đỉnh Chân-Thiện-Mỹ, thi ca vượt lên trên mọi suy tưởng, mọi khả năng biểu đạt- Càng đắm chìm càng cháy lên muôn thuở/Ánh tình yêu càng thánh khiết nhiệm màu[31]. Chính khi ấy, thơ ca trở nên một quà tặng vô cùng quý giá từ sự thiện của Thiên Chúa, một sự phản chiếu vinh quang Người, trở nên như “Thái Dương tỏa sóng bao la/Thơm lên muôn má ngân hà phiêu diêu”[32].
Cầu nguyện và thi ca
  1. Các nhà chiêm niệm, tức là những người sống tâm linh sâu sắc, là những ứng viên tốt nhất có thể được dẫn tới thơ ca, tới Hồn Thơ Vĩ Đại. Trên tất cả, gương mẫu tuyệt vời về thơ ca là những trực giác của các tiên tri và những thánh vịnh của vua Đavít.
  2. Quả vậy, có một mối liên hệ bí mật giữa các nhà thần bí và các thi sĩ đích thực, và các bậc thầy về nghệ thuật cách chung, mà thơ ca chính là bà mẹ cưu mang. Ơn thi ca được nhìn trong trật tự tự nhiên tương ứng với ơn ngôn sứ và thần bí được nhìn trong trật tự siêu nhiên. Trong tiến trình biểu đạt của cả hai, có một diễn biến tâm lý tương tự nhau. Các nhà thần bí và các thi sĩ đều tìm nơi ẩn náu trong sâu thẳm tâm hồn, tìm về đỉnh cao của tâm linh, tìm đến trọng tâm của con tim. Trong những nơi ấy, các nhà thần hiệp thì trầm mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa, trong khi các thi sĩ thì linh cảm và trực giác cách nào đó, dù không thấu hiểu hết được, sự hiện diện ân sủng đến từ “Đấng tác sinh vẻ đẹp[33].   
  1. Nhân dịp này, chúng tôi xin cổ vũ và vun trồng thơ ca tôn giáo. Dù đó là thơ ca hợp ca, có nhạc kèm theo, vốn ẩn chứa trong đó những tâm tình với vô vàn cách biểu cảm qua các giọng ca chân chính. Hay đó là thơ ca trong các buổi cử hành các lễ hội tôn giáo và các sự kiện quan trọng xảy đến dù vui hay buồn. Hay là thơ ca diễn tả những cuộc trò chuyện của linh hồn với Thiên Chúa, thì tất cả cũng mở ra dòng suối sự sống và vượt trên đó nữa.
  2. Những người tin vào Đức Kitô, nhờ ân sủng đức tin, được Ngôi Lời sự sống là Thầy dạy và Nhà sư phạm cư ngụ trong tâm hồn mình. Cách đặc biệt, họ có thể coi nghệ thuật ngôn từ là của chính mình, dẫu rằng rất giản dị và khiêm nhường. Như thế, họ vun xới nghệ thuật này, tựa như một thửa ruộng phong nhiêu, bắt chước mẫu gương Dante Alighieri, vốn đã trở thành mẫu gương khó có thể vượt qua, ngay cả với những suy luận mà chúng tôi trình bày.
  3. Nếu xem xét sự kết hợp giữa các yếu tố giáo thuyết và các nguyên lý nghệ thuật thi ca trong tác phẩm của ông, chúng ta sẽ hiển nhiên nhận thấy sự tương hợp và các giá trị của chúng hòa quyện vào nhau. Không có yếu tố nào, dù yếu tố này phụ thuộc vào yếu tố kia, lại bị sắp xếp lộn xộn. Ngược lại, cả hai đều kiến tạo nên một cơ thể sống động và hết sức hài hòa, chẳng khác nào cơ thể con người, có xương có thịt hài hòa: nếu một yếu tố bị thiếu hụt, thì yếu tố kia cũng không thể thay thế. Thực vậy, vẻ đẹp hệ tại ở trong sự tương hợp giữa chúng.
  1. Thần học và triết học đều có một tương quan mật thiết với cái đẹp, bởi vì cái đẹp trao tặng cho những học thuyết của triết học và thần học tấm áo choàng và những nét tô điểm. Bằng vẻ êm dịu của ca khúc và những hình ảnh nghệ thuật gợi hình, chính cái đẹp mở đường cho nhiều người tiếp cận những giáo huấn quý báu. Những phân tích cao siêu và những lý luận tinh vi không tới được những người hèn mọn, trong khi họ lại là số đông và luôn khao khát ăn bánh chân lý. Ngược lại, họ cảm nhận được, nếm được, đánh giá được công hiệu của cái đẹp. Chính qua con đường này mà chân lý tỏa sáng cho họ và nuôi dưỡng họ. Chính tác giả của ca khúc tuyệt đỉnh đã đảm nhận và thực hiện công việc này, vì thế, vẻ đẹp trở thành nữ tì của Sự Thiện và của Chân Lý, và Sự Thiện là chất liệu của vẻ đẹp.
  1. Nhưng đã đến lúc khép lại buổi cử hành tôn vinh Dante Alighieri, xin kết thúc với lời cổ vũ sống động: “Hãy tôn kính thi hào tuyệt đỉnh!”.
  2. Chớ gì tất cả mọi người hãy tôn kính thi hào này, bởi vì ông liên quan tới tất cả: vinh dự mang danh Công giáo, Ca sĩ của đại kết, và nhà Giáo dục nhân loại. Nhất là những ai gần gũi với ông về tôn giáo, về tình yêu tổ quốc, về nghiên cứu học hành, hãy tôn kính ông với nỗ lực chuyên chăm hơn, quyết tâm hơn nữa.
  3. Những ai có khả năng cao hơn, cả ngày đêm hãy có trong tay không chỉ một bản kiệt tác Thần Khúc, mà hãy đào sâu thêm tất cả những gì còn chưa được phát hiện và còn chưa sáng tỏ.
  4. Xin tất cả mọi người hãy đọc toàn bộ tác phẩm này. Đừng vội vã, cũng đừng chạy đua, nhưng hãy đọc với tâm hồn thẩm thấu và chăm chú suy tư. Nếu nhiều người thấy không thể thực hiện được, vì nhiều lý do khác nhau, thì chớ gì không ai để mình không hay biết tới nội dung của nó, nhất là những phần, những câu thơ trác tuyệt nhất.
  1. Cuối cùng chúng tôi xin mời gọi mọi người thời nay, nhờ gặp gỡ được tâm hồn cao cả của ông, sẽ đào sâu và phát huy học thuyết và giáo huấn của ông. Giữa lúc ta lạc lối trong rừng hoang, cuộc kỷ niệm 700 năm sinh nhật của ông rực sáng lên như một ngôi sao chói lọi. Ta hãy ngước nhìn lên đó để tìm về chính lộ, con đường mà vị thi sĩ đang chỉ cho chúng ta, con đường dẫn tới đỉnh núi cao hoan lạc:“Sao người còn mãi sầu thương/ Sao không lên thẳng non hương tuyệt vời?”[34]
  2. Về phần chúng tôi, trong bầu khí những cử hành trọng thể hiện nay, để vinh danh vị thi hào này bằng một lưu niệm vững bền, một sự kính nhớ mãi mãi, thì như đã nói, chúng tôi ban hành Tự Sắc này, thiết lập Phân khoa Nghiên cứu Dante Alighieri tại Đại học Công Giáo Thánh Tâm ở thành Milanô. Với thẩm quyền của mình, chúng tôi ủy thác việc thực hiện tất cả những điều nói trong Tự Sắc cho người anh em đáng kính của chúng tôi, là Đức Giám mục Carlo Colombo, hiệu tòa Vittoria, Viện trưởng Viện Giuse Toniolo ở Milanô, và qua Ngài, chúng tôi cũng ủy thác cho người con yêu dấu là Ezio Franceschini, Giám đốc Đại Học Công Giáo Thánh Tâm ở Milanô.
  3. Với Tông thư này, chúng tôi xác lập mọi điều được đề cập trong Tự Sắc luôn có giá trị và vững bền, không gì bị ngăn trở.
Ban hành tại Roma, lễ thánh Ambrôgiô, ngày 07.12.1965,
năm thứ ba trong triều đại Giáo Hoàng của chúng tôi.
Tôi tớ của các tôi tớ,
Giáo Hoàng Phaolô VI
Phát Diệm, lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2021
Lm. Giuse Trần Văn Đỉnh,
Chuyển ngữ từ bản văn tiếng Ý
https://www.vatican.va/content/paul-vi/it/motu_proprio/documents/hf_p-vi_motu-proprio_19651207_altissimi-cantus.html
(Bản dịch Thần Khúc: https://www.vanthoconggiao.net)

[1][Để tiện theo dõi, người dịch thêm phần mục lục và số thứ tự các đoạn].
[2][Để biết thêm một số thông tin căn bản, xin tham khảo bài đôi nét về thân thế và sự nghiệp Dante: https://www.vanthoconggiao.net/2021/11/oi-net-ve-than-va-su-nghiep-ai-thi-hao.html]
[3] [Firenze, Thành phố ở Ý, tiếng Anh và tiếng Pháp là Florence].
[4] Cfr. Eccli. 44, 1-5.
[5] Đức Giáo hoàng Biển Đức XV, Thông điệp Trên Đỉnh Hào Quang (In Praeclara Summorum) sẽ được giới thiệu trên https://www.vanthoconggiao.net/
[6] Thần Khúc Thiên Đàng. XXIV, 147.
[7]  Nt  89-90.
[8] Thần Khúc Thiên Đàng. XXV, 1-9, bản dịch của Đình Chẩn: https://www.vanthoconggiao.net/search/label/TH%E1%BA%A6N-KH%C3%9AC
[9] Thần Khúc Địa Ngục. XIX, 17.
[10] Thần Khúc Thiên Đàng. XXII, 42.
[11] Thư. XIII, 15
[12] Thần Khúc Thiên Đàng. XXX, 40-42.
[13] Thần Khúc Thiên Đàng. XXIII, 88-89.
[14] Như trên 93.
[15] [Thiện Bích: Beatrice-tên người yêu của Đăng Thế An. Thiện Bích cũng là biểu tượng cho ân sủng hướng dẫn thi sĩ trên hành trình thanh tẩy ở cuối Luyện Ngục và trên các tầng trời trong phần Thiên Đàng].
[16] Thần Khúc Thiên Đàng. XXXIII, 22-33.
[17] Chế Độ Quân Chủ, I, IV, 2.
[18] [Thi sĩ Virgilio (70 TCN-19TCN) là người dẫn đường, biểu tượng cho ánh sáng lí trí tự nhiên, giúp Dante vượt qua Địa Ngục và phần đầu Luyện Ngục. Đó là một nhà thơ La Mã cổ đại, nổi tiếng với sử thi Aeneid, là sử thi quốc gia La Mã cổ đại. Mô phỏng theo Iliad và Odyssey của Homer, Aeneid theo những người tị nạn Aeneas khi ông phải đấu tranh để hoàn thành sứ mệnh của mình và tới được nước Ý, nơi hậu duệ của ông Romulus và Remus đã trở thành ông tổ Roma].
[19] Cfr. Tổng Luận Thần Học, Summa Theologiae , I, q. 1, a. 8 ad 2; I-II, q. 109, a. 8; I, q.29, a. 3 ad 2.
[20] Thần Khúc Thiên Đàng, XXII, 151.
[21] [Học thuyết sai lầm về vấn đề ơn thánh do ông Pelagio (đầu thế kỷ thứ V), đối thủ của Thánh Augustino, về vấn đề ơn thánh. Pelagio chối bỏ tội nguyên tổ và các hậu quả của nó. Cho rằng con người tự do hoàn toàn và có thể đạt tới ơn cứu rỗi. Việc cứu chuộc của Chúa Kitô có tính cách như gương mẫu mà thôi. Bè rối này đã bị lên án vào thế kỷ thứ V (xc. DS 222–230. 231. 267. 238–249) và bởi Công đồng chung Triđentinô (xc. DS 1510–1514. 1521. 1551–1553). Người dịch].
[22] Thần Khúc Thiên Đàng. XXIX, 91-93.
[23] Platông, Leg. II, 658 d et ss.; Aristốt, Poetica , 1461 b 26 et ss.
[24] Thi sĩ Horace, tiếng La tinh là Quintus Horatius Flaccus ( 65 tr.CN – 8 tr. CN) – là nhà thơ của thế kỷ vàng trong văn học Lamã.
[25] Horatius, Ars poetica, 99-100; cfr. Epist. II, I, 212-214
[26] Như trên., Ars poetica, 309.
[27] Như trên., Satir. I, IV, 43-44.
[28] Thần Khúc Luyện Ngục. XXIV, 52-54.
[29] Bữa Tiệc. I, 13.
[30] Thần Khúc Thiên Đàng. V, 99.
[31] Thần Khúc  Thiên Đàng, Ca khúc V 8-9.
[32] Thần Khúc  Thiên Đàng, Ca khúc I 8-9
[33] Sap. 13, 3; cfr. H. Bremond, Prière et poésie, Paris 1926.
[34] Thần Khúc Địa Ngục. I, 77-78.

Tải file PDF tại đây
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log