Thứ tư, 18/09/2024

Gợi ý mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót - Đề tài 10

Cập nhật lúc 15:55 05/09/2016
Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót với việc Tân Phúc-Âm-hoá Đời sống xã hội
Đề tài 10. Lòng thương xót tha thứ và “món nợ sinh thái” không thể được dung tha
 
1. “Món nợ môi sinh”
 
Câu hỏi tâm điểm của Thông điệp Laudato Si’ của Đức giáo hoàng Phanxicô về Chăm sóc Ngôi nhà chung Trái Đất, là: “loại thế giới nào chúng ta muốn để lại cho những người đến sau chúng ta, cho con cháu chúng ta là những người hiện đang lớn lên?” (160). Thế nhưng, điều gì đang xảy ra trong Ngôi Nhà Chung của chúng ta?
 
Trái đất của chúng ta đang bị ô nhiễm nặng nề bởi một nền văn hoá rác thải đang lan rộng thiếu ý thức chung: ô nhiễm không khí, nguồn nước, ô nhiễm do rác thải (và cả về văn hoá, tinh thần). Từ đó, ngôi nhà chung phải gánh chịu:
 
– Những biến đổi khí hậu: “Những biến đổi khí hậu là một vấn đề hoàn cầu với những hệ lụy trầm trọng về môi trường, xã hội, kinh tế, phân phối và chính trị, và chúng là một trong những thách đố chính hiện nay đối với nhân loại” (25). Nếu ”khí hậu là một thiện ích chung của tất cả và cho tất cả mọi người” (23), thì ảnh hưởng nặng nề nhất của sự biến đổi khí hậu đè nặng trên những người nghèo nhất, nhưng “nhiều người có nhiều tài nguyên và quyền lực kinh tế hoặc chính trị hơn, dường như chỉ chú tâm tới việc che đậy vấn đề hoặc giấu nhẹm những triệu chứng của sự biến đổi khí hậu” (26), “sự thiếu phản ứng đứng trước những thảm trạng ấy của anh chị em chúng ta là một dấu hiệu cho thấy có sự mất ý thức trách nhiệm đối với những người đồng loại của chúng ta, trách nhiệm này vốn là nền tảng của mọi xã hội dân sự” (25).
 
– Vấn đề nước uống: Đức giáo hoàng khẳng định rõ ràng rằng “có được nước uống an toàn là một nhân quyền thiết yếu, cơ bản và của tất cả mọi người, vì nó ảnh hưởng tới sự sống còn của con người và vì thế, đây là điều kiện để thực thi các nhân quyền khác”. Tước bỏ quyền của người nghèo được nước uống có nghĩa là “phủ nhận quyền sống vốn bắt nguồn từ chính phẩm giá bất khả nhượng của họ” (30).
 
– Sự đa dạng sinh học biến mất dần: “Mỗi năm có hàng ngàn loại thực vật và động vật biến mất mà chúng ta không có thể biết chúng nữa, các con cháu chúng ta không thể thấy chúng nữa, chúng biến mất vĩnh viễn” (33). Không những chúng là những “tài nguyên” có thể khai thác được, nhưng còn có giá trị tự mình.
 
– Món nợ môi sinh: trong khuôn khổ một nền luân lý đạo đức về các quan hệ quốc tế, Thông điệp của Đức giáo hoàng cho thấy có “một thứ nợ về môi sinh” (51), nhất là nợ của các nước giàu đối với những nước nghèo trên thế giới. Đứng trước những biến đổi khí hậu, có “những trách nhiệm khác nhau” (52), và trách nhiệm của các nước phát triển thì lớn hơn.
 
Món nợ môi sinh ngày càng chồng chất.
 
2. Căn nguyên của sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra
 
Chúng ta biết ơn những đóng góp của khoa học kỹ thuật để cải tiến điều kiện sống của con người, nhưng ngày nay những người nắm giữ kiến thức kỹ thuật và nhất là quyền lực kinh tế để khai thác nó dùng kỹ thuật đển thống trị thế giới và nhân loại. Chủ trương thống trị bằng kỹ thuật đưa tới phá hủy thiên nhiên và khai thác bóc lột con người và các dân tộc yếu thế hơn, hướng tới thống trị kinh tế và chính trị.
 
Nơi cội rễ ta nhận thấy trong thời đại ngày nay có một chủ trương quy hướng vào con người thái quá (116): con người không còn nhìn nhận vị thế đúng đắn của mình so với thế giới và tự tham chiếu, chỉ quy hướng mọi sự về mình và quyền lực của mình. Từ đó nảy sinh chủ trương “sử dụng rồi vứt bỏ” biện minh cho mọi thứ gạt bỏ, dù là môi trường hay con người, đối xử với tha nhân và thiên nhiên như những đồ vật và dẫn tới vô số những hình thức thống trị. Đó là thứ chủ trương dẫn tới sự khai thác trẻ em, bỏ rơi người già, biến những người khác thành nô lệ, đánh giá quá cao khả năng của thị trường tự điều khiển, buôn người… (123).
 
3. Lòng thương xót thúc đẩy chúng ta “hoán cải về môi sinh”
 
“Các sa mạc bên ngoài gia tăng, chỉ vì sa mạc nội tâm lớn dần”[1]. Khủng hoảng môi sinh kêu gọi ta sám hối nội tâm sâu thẳm. Việc sám hối này đòi hỏi một ý thức tràn đầy yêu thương, không tách rời những tạo vật khác, nhưng tạo thành một cộng đồng bao trùm tất cả mọi sự vật hiện hữu trong vũ trụ. Ý thức thế giới này là ân huệ lãnh nhận từ Tình yêu và Lòng Thương xót của Thiên Chúa, thái độ đầu tiên là chiêm ngưỡng trong thán phục và biết ơn. Phẩm chất cuộc sống hệ tại ở một niềm vui sâu xa không do hưởng thụ, nhưng do biết sống thanh đạm: phát triển nhờ điều độ, biết vui với cái ít ỏi, trở về với sự đơn sơ, điều đó giúp ta dừng lại để quý trọng điều thật nhỏ bé, để cám ơn các khả năng cuộc sống ban cho, mà không bị trói buộc vào những gì chúng ta sở hữu, không buồn vì điều chúng ta không có (222). Niềm vui và sự bình an nội tâm phản chiếu trong một lối sống quân bình, biết ngạc nhiên trước sự sống quanh ta và trong ta. Thiên nhiên chất chứa đầy lời của tình yêu. Nhưng làm sao chúng ta có thể lắng nghe giữa tiếng ồn ã không ngơi bên ngoài, và bị phân tán bởi bao lo âu, đam mê trần tục bên trong tâm hồn.
 
Ý thức cùng chung sống với thiên nhiên và với mọi người, trở thành cộng đoàn, dẫn đến một tình huynh đệ đại đồng: chúng ta cần đến nhau, phải có trách nhiệm đối với nhau và với thế giới. Tình yêu bắt đầu từ những cử chỉ nhỏ bé dành cho nhau, cho ích lợi chung, cũng đã mang tính xã hội và chính trị.
 
“Lạy Thiên Chúa toàn năng,
 
Chúa luôn hiện diện trong vũ trụ và ngay trong những thụ tạo nhỏ bé nhất của Chúa. […] Xin gieo vào lòng chúng con sức mạnh của tình yêu Chúa, để chúng con bảo vệ cuộc sống và vẻ đẹp muôn loài” (246).
 
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
 
1. Tại sao người Kitô hữu phải quan tâm đến môi trường sinh thái? Việc đạo đức của người Kitô hữu có liên hệ gì đến lời kêu gọi của Giáo hội về “hoán cải về môi sinh” không?
 
2. Anh chị đã và đang làm gì để gây ý thức bảo vệ môi sinh trong gia đình, giáo xứ, xã hội, trong lãnh vực chính trị, nghề nghiệp, kinh tế?
 
3. Cộng đồng dân cư hoặc Hội Thánh địa phương nơi anh chị sinh sống có chương trình gì phục vụ cho việc chăm sóc và bảo vệ Ngôi Nhà Chung của chúng ta?
 
––––––––––––––––––––––
 
[1] Bênêđictô XVI, Khai mạc sứ vụ Phêrô (24.4.2005).
 
 
 Văn phòng HĐGMVN
hdgmvietnam.org
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Cha Giuse Đỗ Văn Kiêm - Phó Giám đốc Caritas Hưng Hóa: Cầu nối thông tin hỗ trợ vùng thiên tai tại các tỉnh Tây Bắc
Cha Giuse Đỗ Văn Kiêm - Phó Giám đốc Caritas Hưng Hóa: Cầu nối thông tin hỗ trợ vùng thiên tai tại các tỉnh Tây Bắc
Xin quý vị tiếp tục đồng hành với chúng con trong lời cầu nguyện và trợ giúp chúng con về vật chất cũng như tinh thần để không chỉ hỗ trợ cho bà con vùng thiên tai trong những ngày bão lũ mà còn tiếp tục nâng đỡ họ để có thể ổn định lại cuộc sống.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log