Thứ sáu, 29/03/2024

Ngày 27 Tháng 04, Kính Thánh Tử Đạo Lôrenso Nguyễn Văn Hưởng, Linh Mục

Cập nhật lúc 21:35 26/04/2018

Thánh Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng
(1802-1856)
 
Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng, linh mục; sinh năm 1802 tại Kẻ Sài, Hà Nội; tử vì đạo ngày 27 tháng 4, 1856, gần Ninh Bình. Thánh Hưởng truyền giáo nhiều năm trước khi bị bắt, bị giam tù và bị xử trảm (chém đầu) dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 27/04.
Là một chủ chăn tốt lành, Cha Hưởng quan tâm nhất việc giảng giải như lời ngài nói với giáo dân: "Nếu anh chị em có nhiều việc cần phải về sớm thì ít nhất phải nghe giảng đã, vì nếu không anh chị em sẽ không biết đàng biết cách giữ đạo". Ðể dọn bài giảng, cha đọc nhiều sách, mỗi tối thức khuya để dọn, vì thế khi giảng dậy cha trình bầy rất rõ ràng, sốt sắng, có thứ tự mạch lạc giúp người nghe nhớ lâu. Nhiều người nghe cảm động chảy nước mắt. Lòng đạo đức nhiệt thành cứu vớt các linh hồn của cha đã đáng được Chúa chọn làm của lễ đổ máu mình vì đạo.
Theo chứng từ của người cháu gọi ngài là chú, tên Anna Xuân cho biết: ngài là người con trai thứ bốn. Hồi còn nhỏ cha mẹ ngài gọi tên là Bơ, khi vào nhà Ðức Chúa Trời đổi tên là Tuấn và khi học lý đoán đổi tên là Hưởng, sau làm linh mục có đổi tên khác nữa nhưng người ta cứ quen gọi là Hưởng.
Cha Hưởng sinh năm 1802 tại Kẻ Sải, xã Tụy Hiền, tổng Trinh Khiết, huyện Hoài Yên, tỉnh Hà Nội. Cha mất sớm, mẹ lại nghèo nên cậu Hưởng phải đi ở chăn trâu cho người chú tên Thang. Ông chú muốn nhận làm con vì nhà không con, song cậu Hưởng nhất mực đòi đi tu nên đã bỏ chú đến ở với Cha Duyệt lúc 12 tuổi. Sau ba năm học chữ Nho cậu được gửi về nhà tràng Kẻ Vĩnh học Latinh. Năm 1834, nhà trường phải giải tán vì vua Minh Mạng bắt đạo dữ tợn, chú Hưởng về làm thuốc bán rong và ở với ông chú. Trong thời gian ba năm ở nhà này, chú Hưởng vẫn một lòng tu trì, dù ông chú thúc ép lập gia đình và hứa cho hết cả tài sản, ông tổng Phan cũng hứa kiếm vợ cho chú và xếp việc cho làm trong xã.
Khi cơn bắt đạo tạm lắng dịu, đức cha mở chủng viện tại ba nơi là Kẻ Lường, Kẻ Doãn và Bàn Phết, chú Hưởng liền trở về trường ở Kẻ Lường học tiếp, rồi sau về Kẻ Vĩnh. Mãn tràng, chú Hưởng được lĩnh thị làm thầy giảng lần lượt giúp Cha Tuấn ở Kim Sơn, rồi giúp Cha Duyệt tại Bạch Liên. Thầy Hưởng luôn tỏ ra nết na, chăm chỉ làm việc và đơn sơ trong cách ăn mặc. Trong tám năm làm kẻ giảng, không có tiếng xì xầm chê trách thầy mà tiếng khen phục thầy đạo đức thì nhiều. Thầy được bề trên gọi về học lý đoán, mặc dù trí khôn không thông minh nhưng lại có ý chí quyết đoán và chín chắn.
Cha Hưởng thụ phong linh mục ngày nào không có sách nào kể, chỉ biết sau khi làm linh mục, Cha Hưởng tháp tùng Đức cha đi giảng ơn toàn xá năm 1851 tại Kẻ Ðầm, họ Quán Khoái và mấy họ lẻ thuộc xứ Kẻ Non. Sau đó Đức cha sai ngài về giúp Cha Tường ở xứ Giang Sơn hai năm rồi vào giảng đạo ở Lạc Thổ, một xứ người Mường, khí độc. Sau bốn tháng, cha mắc bệnh sốt rét phải về điều trị trong kinh đô ba bốn tháng cho khỏe rồi lại trở lại nhiệm sở. Trong số những người đi theo cha có một thầy giảng và một chú bị bệnh sốt rét đến thiệt mạng. Sau bốn tháng, Cha Hưởng ra thăm Đức cha, Đức cha đổi ngài đi giúp Cha Lân ở Yên Lộc hai năm, và sau đó đến giúp Cha Chất ở Bạch Bát nơi ngài đã làm kẻ giảng khi trước.
Cha Phêrô Vũ Văn Ngọc, nghĩa tử của ngài, làm chứng rằng: "Cha Hưởng rất mực thước và sốt sắng làm việc bổn phận. Mỗi sáng ngài nguyện ngắm và dọn mình làm lễ lâu cả giờ. Khi làm lễ thì nghiêm trang sốt sắng. Sau lễ ngài còn quì gối cám ơn lâu. Cha rất siêng năng giải tội, ai đến lúc nào thì giúp họ lãnh nhận bí tích lúc ấy, có khi giải tội cho đến nửa đêm cho tới khi không còn người nào nữa mới thôi. Có ai mời đi kẻ liệt là ngài bỏ giở việc đang làm để đi ngay không kể nắng mưa hay giữa đêm". Khi coi sóc các chị dòng Mến Thánh Giá ở Bạch Bát, cha hay khuyên bảo họ: "Chị em đã dâng mình cho Ðức Chúa Trời trong nhà dòng thì đừng để lòng trí nghĩ đến những sự thế gian, phải siêng năng kêu cầu với Ðức Mẹ cho được lòng khiêm nhường nhịn nhục, hòa thuận yêu thương nhau và được ơn trung thành ở trong nhà dòng cho đến trọn đời". Ngoài ra, Cha Hưởng có lòng ước ao được chịu tử đạo, trong phòng treo hình Ðức Cha Borie Cao chịu tử đạo.
Tháng 11-1855 vào mùa Vọng, Cha Chất và Cha Hưởng đi cấm phòng. Về sau này khi Cha Hưởng bị bắt, Cha Chất nói rằng: "Khi người ở họ Ðai Vương xuống rước đi kẻ liệt thì chúng tôi mới cấm phòng được năm ngàỵ Tôi thấy ngài cấm phòng và xưng tội sốt sắng lạ thường, cho nên khi được tin ngài bị bắt tôi nghĩ ngay rằng Ðức Chúa Trời muốn cho ngài dọn mình chịu chết vì đạo, mới mở lòng cho ngài cấm phòng sốt sắng như vậy". Cha Hưởng đang cấm phòng nhưng có người mời đi kẻ liệt, tức tốc đi ngay không có thầy hay chú nào đi theo. Cha đi bộ qua Quảng Nạp rồi tới Cầu Mễ để xuống thuyền đi Ðại Vương. Cha và giáo dân chèo thuyền ngang làng Vân Ru, Trà Tu thì gặp phó tổng Thùy đang đốc công xây cống. Một người nhà thấy thuyền có mui thì nói ngay là thuyền của cụ đạo. Ông phó tổng Thùy liền cho lính rượt theo để bắt hầu mong kiếm tiền chuộc. Bị rượt theo gấp quá, Cha Hưởng bảo giáo dân ghé vào bờ bên kia để trốn, nhưng vì sông cạn, lính lội xuống đuổi theo và bắt trói cha với ba giáo dân. Chính phó tổng muốn ăn tiền nên nhắn người báo tin cho giáo dân Bạch Bát biết cụ Hưởng bị bắt. Phó tổng đòi 500 quan tiền, nhưng cha già mới liệu được có 300 cho người gánh lên trước, nhưng chẳng may tiếng đồn bắt được đạo trưởng đã lên tới huyện nên phó tổng chẳng dám ăn tiền nữa. Ðêm ấy Cha Hưởng phải đeo gông bằng gỗ lim rất nặng, rồi ba ngày sau bị giải lên huyện Yên Mô. Quan huyện cũng chẳng dám ăn tiền hối lộ nói rằng việc này là việc của triều đình không liên quan đến mình rồi lại giải ngài lên tỉnh Ninh Bình. Cha Hưởng đã nhắn tin đừng chạy tiền làm gì vì Chúa đã định rồi và ngài sẵn lòng chịu chết vì đạo.
Theo lời tường thuật của chính ngài viết cho Ðức Cha Retord, thì ở trên tỉnh ngài bị tra khảo cả thảy ba lần. Lần thứ nhất quan án hỏi cha: "Ông là thầy hay đạo trưởng, quê quán ở đâu?"
- "Tôi là đạo trưởng vào tu trong nhà Ðức Chúa Trời ngay từ tấm bé, không còn nhớ tên làng sinh ra nữa, cũng chẳng biết thuộc tỉnh nào".
- "Ngươi phải đạp ảnh chuộc tội để hưởng án nhẹ hơn".
- "Thưa quan lớn, tôi làm đạo trưởng, đi giảng đạo cho người khác, làm sao tôi quá khóa được? Có khi nào con cái dám đạp lên đầu cha mẹ? Tôi thờ phượng Thiên Chúa từ lâu rồi, tôi không thể quá khóa, quan muốn chém hay làm gì thì làm".
Quan thấy không ép ngài quá khóa được thì bắt lính cầm đầu gông mà khiêng qua. Thấy cha co chân lên, quan bắt thêm lính đến kéo ghì chân xuống cho đụng vào ảnh. Cha Hưởng phân phô: "Thưa quan, đạo tôi là đạo tại tâm, dù quan lớn có ép tôi đạp tượng Chúa mà tôi không thuận theo thì cũng chẳng có tội gì".
Quan án thôi không ép nữa nhưng bắt cha khai tên các nơi đã đi và tên các cha trong tỉnh. Cha cúi đầu lặng thinh. Quan tức giận la lối mắng nhiếc thậm tệ rồi truyền giam vào tù.
Hôm sau cả ba quan lớn, quan đầu tỉnh, quan án và quan lãnh binh ngồi nghị án. Lần này quan tuần hỏi cha các hoạt động từ trước, cha lần lượt kể sơ qua khi còn nhỏ, tới lúc làm đạo trưởng thì ngài chỉ nói rằng có lệnh vua cấm đạo nên đi lang thang nơi này nơi nọ làm thuốc cứu người cho tới khi bị bắt ở Trà Tu. Quan truyền nọc ra đánh một trăm roi và bắt quá khóa. Thấy cha một mực xưng đạo, quan dụ dỗ: "Ông hãy quá khóa đi, tôi cho về coi chùa Non Nước trong tỉnh".
- "Bẩm quan lớn, tôi không biết Ðức Phật thì coi chùa làm sao được?"
- "Tại sao khi người ta ốm đau, các đạo trưởng đến khoét mắt đem về làm thuốc cho người ta mến và theo đạo?"
- "Bẩm quan, điều ấy không đúng, bên Phật họ ghét đạo nên bỏ vạ cho chúng tôi như vậy. Những người kẻ liệt thì cũng một nửa còn sống, nếu khoét mắt thì họ mù làm sao còn xem được nữa. Vì khi còn khỏe người ta hay dùng ngũ quan mà phạm tội nên khi ốm đau chúng tôi đến xức dầu thánh nơi con mắt và chân tay để trừ tội và ma quỉ chứ không làm sự gì khác".
Sau đó quan tuần bắt cha đọc kinh. Sau khi nghe đọc kinh mười điều răn, quan tuần khen là đạo dậy những điều thậm phải, nhưng bên đạo bất kính tổ tiên, đó là một tội rất nặng, gông đang đeo có nặng cũng chưa tương xứng với tội bất kính tổ tiên.
- "Thưa quan, bên đạo chúng tôi không kính cha mẹ cũng là một điều bỏ vạ. Người lương lấy cơm, cá thịt mà cúng ông bà cha mẹ đã qua đời, còn chúng tôi không dùng những thức ăn mà cúng vì đã biết ông bà cha mẹ chết rồi không ăn được nữa, không được hưởng nhờ gì các thức ăn đó, nhưng chúng tôi nhớ đến cha mẹ ông bà sáng tối hàng ngày cầu xin cho các ngài được hạnh phúc trên thiên đàng, hơn nữa chúng tôi tuân giữ các lời cha mẹ đã răn dậy để giữ tiếng tốt cho các ngài".
Quan tuần nghe vậy thì im lặng không bắt bẻ được nữa, truyền mang ngài về trại giam.
Cha Hưởng còn bị tra khảo lần thứ ba với những câu hỏi như lần thứ nhất và bắt ép quá khóa. Cha Hưởng nhất mực không chịu làm theo và cương quyết thà chịu chết hơn chối đạo. Lần này các quan giận truyền nọc ra đánh bốn chục roi, cứ sau mười roi quan lại hỏi xem có chối đạo không. Trong khi đó thợ lại đốt lò rèn như sắp sửa tra khảo bằng kìm nung đỏ. Cha Hưởng hết lòng cầu xin Chúa Giêsu và Ðức Mẹ giúp sức. Nhưng khi đánh đủ 40 roi rồi, các quan truyền tháo cọc và viết án gửi về kinh. Các quan đã ăn tiền đút để làm án nhẹ là đạo mục bất khẳng quá khóa, luận phải phát lưu. Khi đưa cho Cha Hưởng ký, ngài đọc thấy các quan khép án là đạo mục thì không chịu: "Tôi là đạo trưởng và có khép án đúng như vậy tôi mới ký".
Quan còn viết đi viết lại ba lần với án đạo mục, nhưng Cha Hưởng nói: "Thưa quan lớn, quan thương muốn chữa cho tôi khỏi chết thì tôi đội ơn nhưng cho dù quan có cứu tôi khỏi chết thì cũng không cứu tôi khỏi đi đầy, cho nên tôi thà chết còn hơn phải sống khốn nạn ở chốn lưu đầy. Vậy xin quan thương mà khép án đạo trưởng bất khẳng xuất giáo cho".
Thế là các quan buộc lòng khép tội Cha Hưởng là "đạo trưởng bất tường quán chỉ, bất khẳng quá khóa, luận trảm quyết".
Trong tù, Cha Hưởng viết thơ thăm Ðức Cha Retord, thuật lại các chi tiết các lần tra khảo và xin đức cha đừng chạy tiền chuộc, chỉ xin đức cha cầu nguyện cho được chịu khó đến cùng và được thắng trận toàn công. Trên tỉnh, cha được đổi gông khác nhẹ hơn và chỉ bị giam ở trại lá chứ không bị giam trong ngục với các tù nhân. Thường xuyên có Thầy Bá, Thầy Hiền thăm nuôi. Ông đội canh là người vốn hiền lành nên cũng đã nói với lính không làm khổ cha và để giáo dân ra vào dễ dàng. Thầy Thuần có hỏi xem án cha chịu như thế nào mà cha vui mừng hớn hở. Cha cho biết là sẽ phải chết nhưng không biết cách nào và khi nào, rồi khuyên các thầy chịu khó bền lòng giữ đạo và giúp đỡ ngài, sau khi chết được lên thiên đàng ngài sẽ cầu nguyện với Chúa trả công cho. Dân chúng đến thăm thấy ngài mang gông thì khóc lóc, ngài khuyên họ: "Cha mang gông và phải tù vì đạo thánh là phúc trọng phải vui mừng, chúng con ra sức giữ đạo theo chân Chúa Giêsu để về sau cha con lại được gặp nhau trên thiên đàng". Hoặc cha nói: "Gông cha mang đây thật là hoa thơm tho Ðức Chúa Trời đã ban, các con phải cầu xin cho cha được chịu khó cho đến cùng".
Cha bắt các thầy và các chị dòng mỗi lần mang nhiều đồ ăn để ngài chia sẻ cho lính hay các bạn tù và những người nghèo đến xin ăn. Có một lần cha còn bắt may quần áo để phát cho các bạn tù, và xin tiền riêng để làm phúc cho kẻ khó. Ngoài ra cha sốt sắng đọc kinh sáng tối và mỗi khi có giờ rảnh. Cha được Cha Khoan đến giải tội và mang Mình Thánh Chúa. Vui mừng được gặp linh mục nhưng cha sợ xảy ra chuyện khó khăn nên giục Cha Khoan về ngay sau khi đã được rước Mình Thánh. Như vậy tất cả là ba lần.
Ngày 25-4, án triều đình về tới Ninh Bình. Bản án viết: "Nguyễn Văn Hưởng, 54 tuổi, người tỉnh Hà Nội, nhưng không rõ quê quán, đã theo tà đạo Giêsu và xưng nhận là đạo trưởng. Bị tra khảo vẫn còn cố chấp không chịu bỏ đạo và đạp ảnh vì thế phải trảm quyết tức khắc". Ông đội canh liền báo cho cha và các người thăm nuôi. Cha Hưởng ăn chay suốt ngày để chuẩn bị. Tới ngày xử, Cha Khoan còn đến đưa Mình Thánh và giải tội lần sau hết. Sáng hôm ấy ông đội canh dẫn vợ con vào tù chào Cha Hưởng và nói những lời rất cảm động: "Mặc dù tôi không theo đạo nhưng tôi biết rõ các linh mục vô tội, ở Nghệ An tôi cũng đã phải canh một linh mục. Tôi không dám làm khổ nhưng bây giờ phép triều đình đem cụ đi xử thì xin khi về thiên đàng nhớ đến chúng tôi với".
Cha Hưởng từ giã ông cai đội như sau: "Tôi rất biết ơn lòng tốt của ông, phần tôi, tôi đi về với Chúa, ông và gia đình ở lại bằng an".
Quay sang các bạn tù cha nói tiếp: "Giã biệt các anh em, chúng ta đã có dịp chia sẻ và hàn huyên trong nhiều ngày, bây giờ theo lệnh vua, tôi đến nơi hành quyết nhưng anh em nhớ cho kỹ tôi bị chém chỉ vì tôi đã giảng đạo Chúa Giêsu mà thôi".
Im lặng một lúc, ngài nói tiếp: "Dù anh em phải hành hạ thế nào, anh em hãy cầu nguyện cho chính quyền và bây giờ xin anh em ở thinh lặng để tôi có thể cầu nguyện dọn mình".
Ðến trưa quan giám sát dẫn năm chục lính đến trại lá nơi giam cha để đem đi xử, quan cho phép giáo dân thuê người khiêng võng đưa cha ra tới nơi xử ở cánh đồng gần núi Cánh Riều. Theo sau có đông người thì thầm với nhau: "Tại sao người tốt lành, không can tội gì lại bị vua quan kết án tử hình như vậy?"
Tới nơi cha quì trên chiếu do ông Phu, sãi nhà thờ Bạch Bát, trải xuống. Khi ngài cầu nguyện xong, quan truyền lệnh lý hình nghe chiêng thì chém. Hôm ấy là ngày 27-4-1856. Sau khi chém rồi, dân chúng lương giáo ùa vào thấm máu nhưng bị lính đánh đập rất ngặt. Thầy Bá được quan cho phép nhận xác để mang về an táng tại Kẻ Vĩnh theo lệnh của đức cha. Tới đêm, thuyền chở xác mới dám vào Vĩnh Trị. Tại đây Cha Tịnh và các thầy nhà trường mặc áo rước xác ngài đưa vào nhà thờ Thánh Phêrô rồi đóng cửa không cho giáo dân vào, vì sợ gây xôn xao. Sáng hôm sau Cha Tịnh mở quan tài cho người nhà xem mặt rồi làm lễ an táng trong gian thứ ba, dưới mộ của cố Hương ở gian thứ hai.
(vncatholic.org)
 
Trường Thi Tử Đạo
 
Linh mục Hưởng quê hương Kẻ Sải
Năm Nhâm Tuất (1802) sinh tại Thăng Long
Gia đình nghèo sống long đong
Nay đây mai đó quanh vòng chăn trâu
 
Cho ông chủ nghe đâu ngoại đạo
Tên là Thang khuyên bảo dưỡng nuôi
Ông quý mến thật êm xuôi
Như là con ruột, khôn nguôi học hành
 
Cậu Hưởng muốn tuổi xanh trọn vẹn
Quyết dâng mình, hứa hẹn Chúa trên
Vào Cha Duyệt Xứ Sơn Miêng
Ðỡ đầu giúp đỡ ơn riêng hộ phù
 
Ở nhà xứ ba thu học tập
Ðược gởi đi gia nhập chủng sinh
Nhà tràng Vĩnh Trị dâng mình
Sau bị giải tán rối tinh về làng
 
Cậu làm thuốc lang thang bán dạo
Sống qua ngày học đạo hiểu thêm
Có ông Chú nói cậu nên
Gia đình thành lập nhà bên ông nhường
 
Một cai tổng cũng thương giúp cậu
Có họ hàng hứa tậu ruộng nương
Vợ con, nhà cửa thân thương
Cậu đều từ chối, theo đường chủng sinh
 
Ông Chú giận, bực mình đã đuổi
Cậu trở về đúng buổi mở tràng
Ðời tu rộng mở thênh thang
Ðược phong Thầy Giảng lên đàng giảng rao
 
Kim Sơn, Bạch Bát bao năm tháng
Thầy khiêm nhu xứng đáng Tông đồ
Sau về thần học tiến vô
Thụ phong Linh Mục tiền hô rao truyền
 
Ði phục vụ khắp miền giáo xứ
Ðược bề trên cắt cử bài sai
Khắp nơi giáo hữu mến Ngài
Siêng năng tận tụy lâu dài bệnh nhân
 
Có lần nọ Cha cần đò chở
Thuyền Cha đang đi ở giữa sông
Tổng Tùy bệ hạ rất đông
Rượt theo đuổi bắt Cha không sợ phiền
 
Bảo người lái cập liền vô bãi
Rồi lái đi xa mãi xuôi dòng
Cha đi rảo bộ thong dong
Nép mình tự nguyện vào vòng tội nhân
 
Cha về huyện tinh thần sảng khoái
Từ Yên Mô lại giải Ninh Bình
Ông quan tỉnh rất chân tình
Nếu Cha quá khóa thì mình giúp ngay
 
Ðến trụ trì Chùa này Non Nước
Cha đáp ngay sao được thưa quan
Làm con hiếu thảo vững vàng
Ðạp đầu cha mẹ thuộc hàng bất trung
 
Thưa quan tỉnh đâu cùng đạo Phật
Sao ở Chùa thành thật cảm ơn
Quan trên chớ nghĩ giản đơn
Mười điều Chúa dạy hồng ân thế trần
 
Quan muốn biết xin cần học hỏi
Ðồn lạc sai chớ nói giỡn đùa
Tổ tiên kính nhớ người xưa
nguyện cầu xin lễ đâu ưa đốt vàng
 
Các giáo hữu lên quan lo chuộc
Nhận bạc rồi nên buộc giấu che
Cha Hưởng nhất quyết không nghe
Viết thư Giám Mục con e chuộc tiền
 
Mạng sống con ưu tiên dâng hiến
Là chứng nhân bánh miến rượu nho
Giêsu xin Chúa ban cho
Hồng ân tử đạo đầy no phúc lành
 
Cha Hưởng đợi lính canh dẫn giải
Ra pháp trường hăng hái chứng nhân
Lý hình đã tiến lại gần
Sau hồi chiêng trống tiếp phần đầu rơi
 
Giáo dân đón rước nơi an táng
Về ngay làng buổi sáng trong ngày
Quê hương Vĩnh Trị xưa nay
Chứng nhân tử đạo chốn này rất đông
 
Là linh mục quyết không lùi bước
Năm Bính Thìn (1856) cha được hồng ân
Tử vì đạo chẳng tiếc thân
Suy tôn Kỷ Dậu (1909) xa gần mến yêu
 
Lời bất hủ: Cha Hưởng trả lời quan lớn: "Bẩm quan lớn có bao giờ con cái dám đạp lên đầu cha mẹ mình chăng?". Có lần quan dỗ dành: "Nếu ông đạp lên Thánh giá, ta sẽ cho đến trụ trì ở Chùa Non Nước". Cha đáp: "Tôi không biết gì về thần Phật, làm sao ở Chùa được". Quan lại hỏi: "Tại sao các ông khoét mắt người bệnh, và không thờ kính tổ tiên?". Cha bình tĩnh giải thích cho quan: "Xin quan đừng nghe những lời đồn đãi sai lạc, chúng tôi chỉ xức dầu trên mắt mũi, tai miệng và tay chân để xin Chúa tha các tội mà bệnh nhân đã dùng để phạm tội, còn với tổ tiên, chúng tôi hằng cầu nguyện bằng các việc lành, chỉ có điều là chúng tôi không cúng quả, vì biết rằng cha mẹ chẳng trở về ăn uống thứ gì được nữa".
http://tinmung.net/CACTHANH/118ThanhTDVN/INDEX.htm
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Vào lúc 19g30, Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28.3.2024, tại giáo xứ Cát Ngòi, cha xứ Đaminh Hoàng Thế Bằng đã chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly khai mạc Tam Nhật Thánh, đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ tham dự với tâm tình sốt mến thờ phượng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log