Chúa nhật, 12/05/2024

Phần 2: Tổng hợp chuyến mục vụ Mùa Chay tại Lai Châu (15.3.2015 – 20.3.2015)

Cập nhật lúc 21:26 02/04/2015
WGPHH: Cuộc tiếp xúc với chính quyền huyện diễn ra tốt đẹp, tuy có lúc hơi căng thẳng. Chính quyền đánh giá cao số giáo dân ở đây về việc chấp hành pháp luật, nên tôn trọng tín ngưỡng của bà con, song mong bà con đừng tập trung đông, chỉ nên sinh hoạt tôn giáo tại gia. Chúng tôi giải thích đạo công giáo có đặc điểm là họp nhau mỗi Chúa nhật để thờ phượng Chúa. Hiện tại, do chưa được công nhận, nên bà con vẫn phải mượn tạm nhà tư để đọc kinh. Mong chính quyền sớm công nhận để xây dựng nhà nguyện cho giáo dân. Liên quan đến việc tổ chức lễ, chính quyền yêu cầu làm văn bản, kể cả khi làm từ thiện cho đồng bào dân tộc thì cũng có văn bản để chính quyền biết và bảo vệ, cũng như phân bổ cách công bằng hợp lý.
UBND xã Pha Mu (tạm)
Sau đó, chúng tôi gặp gỡ bà con đang tập trung tại nhà anh Vũ Văn Lợi. Chúng tôi ngồi tòa giải tội, trong khi cha Bình rửa tội cho một em bé. Thánh lễ diễn ra trang nghiêm sốt sắng. Bữa cơm tối thắm thiết tình huynh đệ, có cả giao lưu thánh ca làm bầu khí thêm vui. Chúng tôi ra về trong hy vọng rồi đây Bình Lư sẽ có thêm chiên lạc trở về đàn và sớm có nhà nguyện, như Tin Lành đã có hai nhà tại đây.
Thứ ba 17.3.2015, chúng tôi lên đường đi Sìn Hồ rất sớm, vì đường xa 60 cây số, vừa khó đi, vừa lên cao. Huyện Sìn Hồ có diện tích 1.796 km2, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung quốc, dân số 80.000 người, đa số là Thái, Dao, H’Mông trong số 14 dân tộc chung sống tại đây. Huyện chia thành hai vùng khác biệt là Sìn Hồ Cao (1.500m) và Sìn Hồ Thấp (800m), nhiệt độ cũng chênh lệch. Thật vậy, khi đến Ủy ban Huyện ở Sìn Hồ Cao ban sáng, chúng tôi tỉnh cả người với không khí mát lạnh, nhưng khi xuống Sìn Hồ Thấp ban chiều, ai nấy vã mồ hôi vì nóng.
Đức cha thăm cộng đoàn Sìn Hồ thấp

Đến thăm Ủy ban Xã, chúng tôi được biết thêm về bà con. Đời sống dân ở đây khá ổn định, nhờ thổ nhưỡng thích hợp với cây cao su. Số có đạo khoảng 100 người, sống rải rác trong vài xã, lương giáo đoàn kết trong tình làng nghĩa xóm. Sau đó, chúng tôi đến với giáo dân đang tụ họp ở ngôi nhà mượn làm nhà nguyện. Tại đây, chúng tôi giải tội, rửa tội và dâng lễ với bà con. Có những anh em từ Tủa Chùa (Điện Biên), cách xa gần 100 cây số, cũng đến dự. Họ phải đi xe máy, đi thuyền, đi bộ để tới đây. Sau lễ, chúng tôi thăm 5 gia đình có đạo ở gần, cuộc sống của họ khá ổn định, nhà to cửa rộng nhờ buôn bán. Đoạn đường trở về thành phố thật cam go, phần trời tối, phần đường đang làm, ngổn ngang đất đá, nên dù chỉ có 30km mà phải mất gần 2 tiếng.
Thứ tư 18.3.2015, theo chương trình, chúng tôi sẽ thăm Công An tỉnh Lai Châu, nhưng vào giờ chót, ban giám đốc bận đột xuất, nên chúng tôi được rảnh để thăm một số gia đình ở Xéo Sin Chải, xã San Thàng, trong đó có một gia đình mới chịu tang tuần trước. Chúng tôi được nghe kể về những khó khăn bà con phải trải qua trong mấy chục năm qua, để nghiệm ra rằng một khi hạt giống đức tin được gieo vãi, thì dù gặp khó khăn, vẫn tồn tại và mọc lên.
Đầu giờ chiều, chúng tôi đi Than Uyên, xa 90km, là một huyện rộng lớn của Lai Châu. Năm 2008, Than Uyên được tách một phần để lập huyện mới Tân Uyên. Tại Tân Uyên, cũng có khoảng 100 giáo dân từ đồng bằng lên lập nghiệp thời gian gần đây. Chúng tôi tiếc là lần này không được dừng chân thăm anh chị em, xin hẹn lần sau.
Đến Than Uyên, chúng tôi thăm chính quyền huyện. Ông Trần Quang Chiến, phó chủ tịch huyện, cho biết về tình hình bà con có đạo, theo đó, đa số là người H’Mông từ Mù Căng Chải và Sapa di dời lập nghiệp, gồm 99 hộ, 614 người. Ông cũng xác định chính quyền tôn trọng quyền tự do tôn giáo của bà con, và nhìn nhận bà con H’Mông sống tốt đời đẹp đạo, không gây chia rẽ, không làm mất trật tự xã hội… Chúng tôi phản ánh với chính quyền về việc một số cán bộ đến nhà dân mượn Kinh Thánh bằng tiếng H’Mông rồi không trả lại, khiến mọi người hoang mang. Chính quyền giải thích rằng có thể họ quên, hoặc có ý trả rồi đánh mất, và yêu cầu Tòa giám mục đóng dấu vào các cuốn Kinh Thánh.
Thăm UBND huyện Than Uyên
Rời Ủy ban huyện, chúng tôi gặp gỡ một số anh chị em và dùng bữa tối với họ trong một quán ăn của một gia đình công giáo. Chúng tôi muốn làm một điều gì cho giáo dân, nhưng theo lịch trình sắp xếp, chính quyền chưa thống nhất. Đành để lần sau vậy, xin bà con thông cảm! Vả lại, ngày mai, bà con sẽ cùng dâng lễ với chúng tôi tại Huổi Bắc. Chúng tôi được mời nghỉ đêm tại ngôi nhà của anh chị Nguyện Phương mới hoàn thành. Đức cha phụ tá làm phép nhà mới, có một ít bà con tham dự, thôi thế cũng ấm lòng.
Sáng thứ năm, 19.3.2015, lễ trọng kính thánh cả Giuse, bổn mạng Giáo Hội Việt Nam, bổn mạng thứ hai của giáo phận Hưng Hóa, chúng tôi hăm hở lên đường, vượt 50 cây số để đến bản Huổi Bắc. Đường đi đẹp mê hồn, lúc lên lúc xuống, uốn lượn triền núi, quanh hồ thủy điện Bản Chát.
Chúng tôi thăm ủy ban xã Pha Mu. Chính quyền cho biết đây là nơi tái định cư dân trong lòng hồ thủy điện, tỷ lệ hộ nghèo còn 30%, chắc là cao nhất nước. Đời sống bà con cũng cơ cực như các nơi khác, có khi tệ hơn, vì đất đai chìm trong lòng hồ hết rồi. Chính quyền có nhiều chương trình hỗ trợ cho cuộc sống bà con, nhất là về giáo dục phổ cập. Các em thiếu nhi được nhà nước bảo trợ ăn, ở, học hành, nhưng than rằng các em dễ bỏ học, âu cũng vì bản chất du canh du cư. Hôm nay cũng thế, các thầy cô cho biết các học sinh có đạo đã tự động nghỉ học để đi lễ. Chúng tôi đành phải xin lỗi dùm các em, và thật tình không muốn chuyện này xảy ra. Biết làm sao, khi các em, dù còn bé, mà đã cho thấy có “nhu cầu tôn giáo”, khao khát vì mấy năm trời không được dự lễ !
Ban bí tích Thánh Tẩy
Tại nhà ông Vàng A Thào, nơi mượn tạm dùng làm điểm cầu nguyện, bà con đã chờ sẵn từ lâu. Nhiều người đi bộ cả 10 cây số để đến họp mặt. Trong khi chúng tôi giải tội thì cha Quyền rửa tội cho 10 em bé sơ sinh, và cử hành các bí tích Khai Tâm Kitô Giáo cho 15 người lớn. Ngoài ra còn có 17 đôi vợ chồng xin được hợp thức hóa hôn phối. Người H’Mông lấy vợ lấy chồng rất sớm, có khi 15, 16 tuổi đã kết hôn. Thấy họ chưa được chuẩn bị chu đáo nên cha Bình hẹn đến lễ Phục Sinh tới, tại Sapa. Một cảnh tượng ngẫu hứng, khi đức cha giải tội cho giáo dân, vì họ chen lấn để được xưng tội, nên đức cha cứ phải lui dần, đến mép hiên, ngoài nắng lúc nào không hay. Một người thấy vậy, cầm cái dù đến đứng bên cạnh để che, thế là có nguy cơ lộ bí mật tòa giải tội. Đức cha đành phải một tay cầm dù, một tay ban phép xá giải. Bác phó nhòm thấy cảnh “ngộ” quá, bèn chụp một “pô” trình làng!
Đã gần 11 giờ trưa, chúng tôi đành phải ngưng giải tội để dâng lễ. Đức cha quyết định ban phép xá giải tập thể, để mọi người được rước lễ. Chắc chắn Chúa chẳng nỡ từ chối ngự vào lòng con cái Ngài trong dịp hiếm có này. Thánh lễ diễn ra bằng hai ngôn ngữ Việt và H’Mông, với tiếng đàn hát của nhóm ca viên từ Lai Châu đến. Thật là một đại gia đình, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, lớn bé, ngôn ngữ xa lạ, mà chỉ có một tấm lòng, một tinh thần, một niềm tin. Chúng tôi đang tân Phúc-Âm hóa giáo xứ trong giây phút này, trong khung cảnh quá ư đặc biệt. Lúc này, ở đây là cả Giáo Hội của Chúa, có giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân.
Cuối lễ, đức cha phụ tá nhắc giáo dân giữ gìn Sách Thánh tiếng H’Mông, đừng để bị “mượn” khéo. Sách Thánh là thức ăn nuôi linh hồn như Chúa đã nói “Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Nếu không đòi lại được, sẽ tặng anh em cuốn khác.
Sau thánh lễ, chúng tôi chia quà cho giáo dân, chẳng đáng gì, vài trăm ổ bánh mì, bánh ngọt (do anh em thị trấn Than Uyên tặng), khúc mía, bánh kẹo, kèm thêm tràng chuỗi Mân Côi. Thật cảm động, bánh thì họ kẹp nách, chuỗi Mân côi thì đeo ngay vào cổ. Mọi người ngồi bệt xuống đất để chia sẻ bữa cơm huynh đệ đầy thân tình cha-con, anh-chị-em, chủ-khách, xa-gần…
Chúng tôi chia tay anh em H’Mông chất phác, ra về với nhiều điều ước :
- Ước gì sẽ sớm có linh mục đến phục vụ ở đây !
- Ước gì Thánh giá Chúa sẽ phủ bóng, như Viettel đã phủ sóng nơi thâm sơn cùng cốc này.
- Ước gì Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống dẫn anh em đến với Ngài, như con đường đã vào tận nơi đây.
- Và ước gì những con người thiếu thốn vật chất này sẽ được bù đắp tâm linh tràn trề bằng nước hằng sống, như biển nước mênh mông trong hồ Bản Chát mà chúng tôi đã thấy trên đường đi.         
Chúng tôi nhận thấy Chính quyền các cấp, từ tỉnh, huyện, đến xã, thôn, đã tỏ thiện chí và dành mọi sự thuận lợi cho chúng tôi trong chuyến thăm viếng mục vụ này, nhất là hai ông Hương, phó giám đốc sở Nội Vụ, và ông Yêm, trưởng phòng Tôn Giáo tỉnh, đã cùng đi với chúng tôi suốt các chặng đường. Hy vọng rằng với sự nhận thực nhu cầu tâm linh là quan trọng thế nào đối với bà con công giáo, chính quyền sẽ sớm công nhận đạo Công giáo hoạt động tại Lai Châu, để mọi người tín hữu vui vẻ góp phần xây dựng đất nước, quê hương tốt đẹp.            
Chúng tôi kết thúc chuyến mục vụ Lai Châu chiều thứ năm 19.3 để trở về Lào Cai (190km), lòng hân hoan vì đã đem Chúa đến một nơi xa thăm thẳm của giáo phận. Chợt nhớ một đoạn trong kinh tháng thánh Giuse : “Vậy chính ngày lễ ông thánh Giuse thì đấng làm thầy giảng đạo đã được sang nước Việt Nam mà đem Tin Lành cho chúng con biết Đấng sinh nên muôn vật, cùng biết ơn Đức Chúa Giêsu chuộc tội thiên hạ”. Cũng ngày này năm xưa, ngày 19.3.1627, hai cha Alexandre de Rhodes và Pedro Marquez, trên đường từ Macao sang Việt Nam, bị bão tố đánh giạt vào Cửa Bạng (Thanh Hóa), mở đầu công cuộc loan báo Tin Mừng ở miền Bắc. Gần 400 năm sau, Tin Mừng của Chúa mới được gieo vãi trên mảnh đất Lai Châu.
Như ở mọi nơi, qua mọi thời, vẫn là định lý bất biến : “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125). Chúng tôi quên hết mệt nhọc của chuyến đi 5 ngày, dài 1.200 cây số đường núi, để chỉ thấy lòng rộn lên niềm vui và hy vọng : Lai Châu sẽ là hạt Ngọc Châu trong Tương Lai !
 
 Chúa nhật Lễ Lá, 29.3.2015
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log