Thứ sáu, 26/04/2024

Lòng khiêm tốn giúp chúng ta gánh gánh nặng của người khác

Cập nhật lúc 09:27 15/12/2018

 

Sáng nay đọc câu tweet này của Đức Phanxicô, tôi không khỏi suy nghĩ vì sao lòng khiêm tốn giúp cho chúng ta gánh gánh nặng của người khác. Vì sao lại là lòng khiêm tốn mà không phải là từ tâm, là hằng sản để gánh gánh nặng người khác? Có từ tâm mới đi giúp người khác chứ! Có hằng sản mới hằng tâm chứ!

Và tôi nghĩ mỗi người sẽ có cách giải thích riêng cho mình câu tweet này. Riêng tôi, khi đọc câu này, tôi nghĩ đến câu hỏi xưa như trái đất mà mỗi người tự đặt cho mình khi mình có được may mắn hay khi bị bất hạnh, khi nhìn người khác được may mắn hay bị bất hạnh: Tại sao là họ mà không phải là tôi? Tôi xứng đáng gì để được may mắn như thế này? Tôi đã phạm tội gì để bị bất hạnh như thế này?

Đường phân chia giữa tha nhân và tôi thật khó hiểu. Thuyết nhân quả của nhà Phật không thuyết phục được tôi khi đứng trước những thảm cảnh cùng cực, quá sức chịu đựng của một con người, bị bức tử, bị bách hại, bị đói rã… Trong quá khứ, không ai làm gì ác đức đến độ bây giờ phải chịu những cảnh kinh hoàng này, trừ một thiểu số rất ít, có thể vậy, nhưng so với đa số nhân loại chịu đau khổ thì như vậy nó thành mẫu số chung rồi!

Khi đọc câu tweet này tôi không thể không nghĩ đến một quan điểm sống của người Phật tử. Tôi rất thích đi dự các buổi quyên góp ở chùa, khi các Phật tử đóng góp, họ rất hoan hỉ, họ thường hay nói: “Cám ơn bạn đã cho tôi nhân duyên được đóng góp vào việc này, được đồng sự cùng với các bạn.” Và thế là ít nhiều gì họ cũng cho, nhất là các bác lớn tuổi, không biên lai khai thuế, không biên nhận, chỉ “tiền mặt” mà đưa. “Tôi tin bạn,” bạn liệu mà đối xử với lương tâm của bạn! Họ khiêm tốn đến thế là cùng.

Ở họ có một tấm lòng khiêm tốn, hình như ‘cái tôi’ trong họ không còn, họ không dị ứng vì những lời kêu gọi. Tôi biết nhiều người rất dị ứng khi bị kêu gọi, họ nói thẳng, “tôi biết rồi, tôi giúp ai là quyền của tôi, bạn đừng gợi ý, đừng kêu gọi, bạn đừng dạy tôi,” hoặc không thèm nói năng gì nhưng ngầm cho biết, “bạn cho hết tài sản của bạn đi rồi hẳn kêu tôi..” vv và vv.

Tôi quen một vài người bạn Phật tử, họ quan niệm: “Khi có ai xin, dù vì lý do gì, dù biết là không nên cho nhưng tôi vẫn cho. Giữa muôn triệu người trên quả đất này, vì sao người này lại đến gõ cửa nhà tôi? Có thể trong muôn vạn kiếp trước, tôi đã nợ họ một cái gì đó, bây giờ tôi phải trả, vì thế nhiều ít gì tôi cũng cho.”

Ở họ có một cái gì rất khiêm tốn để họ nhận ra mình đã mắc nợ. Dĩ nhiên sẽ có người cho suy nghĩ kiểu này là dị đoan, nhưng tôi cũng cầu cho thế giới dị đoan kiểu này, như thế sẽ không còn chiến tranh, không còn giành dựt, đi tìm nợ để trả dù mình không biết là đã nợ gì, nợ lúc nào thì làm sao mà có chiến tranh cho được!

Lòng khiêm tốn giúp chúng ta gánh gánh nặng của người khác

Đây tôi mới chỉ nói đến gánh gánh nặng ‘kinh tế’ của người khác vì gánh nặng này dù sao cũng dễ gánh… Có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, gánh xong lương tâm nhẹ nhõm thanh thản ra đi.

Nhưng người khác còn gánh nặng nào nữa? Ôi chao, quá nhiều, gánh cô đơn, gánh tủi phận, gánh tuyệt vọng, gánh bệnh tật, gánh bất công…, không thể kể hết và những gánh này không thể dựa trên chỉ lòng khiêm tốn nhưng vì sao Đức Phanxicô lại nêu lên đức khiêm tốn ở đây?

Tôi chỉ biết ‘đoán mò’ theo kinh nghiệm của tôi. Mẹ tôi có một đức ái đặc biệt, vào những năm 50 khi cả nước còn nghèo, khi mọi người còn nghĩ “người giàu có quyền trên người nghèo,” mẹ tôi không nghĩ vậy, chung quanh bà toàn người nghèo, những người ăn xin, những người phu vác gạo, lúc nào bà cũng có một cái gì để cho họ, lúc nào cũng ngồi lân la hỏi chuyện họ dù cho bà bận trăm công nghìn việc, với hơn tá đứa con, với người ăn người làm, với chợ búa giặt giũ, không lúc nào ngơi tay. Ngày xưa tôi vẫn nghĩ, a, chắc tại bà tò mò muốn biết chuyện người khác nhưng bây giờ với câu tweet này của Đức Phanxicô tôi phải mea culpa, khiêm tốn nhận tội: Mẹ tôi khiêm tốn thật, bà không nghĩ bà là ‘mệnh phụ,’ con người ta nhanh chóng quên gốc nghèo của mình lắm, bà nghĩ bà cũng là một người như trong số họ, bà chia chén cơm, chia thì giờ, chia câu chuyện là điều mà bây giờ không ai còn làm. Gánh gánh nặng cho người khác thời buổi này khỏe lắm, nhờ pay pal một chút là xong ngay! Còn gặp để hỏi chuyện thì chắc chờ… kiếp sau!

Sau năm 1975, khi miền Nam lại thành nghèo, thỉnh thoảng có các bà ở quê lên Sàigòn chờ đi thăm nuôi chồng trong trại học tập cải tạo, tình cờ họ đi ngang nhà xin nghỉ chân, xin ngụm nước chứ gia đình tôi cũng không quen họ, lần này thì còn cái đã đi xa gần hết, bà rãnh rỗi hơn, mẹ tôi lại lân la hỏi chuyện… e thiếu điều bà đi thăm nuôi theo.

Tôi nghĩ, bắt từ lòng khiêm tốn này mà đi mới có thể gánh thêm những trọng trách khác. Thế nên cổ nhân ngày xưa đã nói: “Lòng khiêm tốn là hình thức cao nhất của một đầu óc thông minh.”

Mẹ tôi chắc chắn không thông minh trong nhiều lãnh vực khác nhưng bà có trí thông minh của quả tim và trí thông minh này giúp cho bà không làm những chuyện sai quấy về mặt đạo đức và như vậy là đủ để không làm thêm gánh nặng cho xã hội.

Marta An Nguyễn

 
phanxico.vn
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
​Ngày 24/4/2024, ông Chuck Robbins, giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông kỹ thuật số đa quốc gia Cisco, một tập đoàn có trụ sở tại Mỹ và chuyên cung cấp thiết bị mạng, đã gặp Đức Thánh Cha và đã ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo của Vatican, một tài liệu được Hàn lâm viện Tòa Thánh công bố lần đầu tiên vào tháng 2/2020.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log