Thứ sáu, 26/04/2024

Buổi nói chuyện kỳ thú của Đức Phanxicô với trẻ em ở giáo xứ Maria Josefa

Cập nhật lúc 18:05 23/02/2017
“Đây là một tiến trình với rất nhiều lời cầu nguyện. Người ta không được trả tiền, người ta không có bạn bè quyền lực thúc đẩy và người quan trọng nhất trong tiến trình này là Chúa, là Thần Khí. Người được chọn không phải là người thông minh nhất nhưng là người Chúa muốn cho Giáo hội vào thời điểm đó”, đó là lời Đức Phanxicô giải thích cho các em trong chuyến đi thăm giáo xứ  Maria Josefa ngày chúa nhật 19 tháng 2 của ngài vừa qua.
Ngài cũng tâm sự với các em: “Theo cha, cuộc đời không dễ. Lúc nào cũng có các khó khăn trong cuộc sống, nhưng các con đừng sợ. Các khó khăn thì mình vượt lên, mình đi tới đàng trước, với đức tin, với sức mạnh và với lòng can đảm!”.
Đức Phanxicô nói chuyện với các bạn nhỏ với những câu trả lời làm các em bật cười về Chúa Ba ngôi: “Có bao nhiêu người? (“Ba”) Có bao nhiêu Chúa?” (“Một” ). Mẹ Maria là Chúa phải không? (“Không”) Mẹ Maria là…? Là Mẹ Thiên Chúa. Rõ ràng rồi ha. Các con đừng bao giờ quên chuyện này.
Buổi gặp của Đức Phanxicô ở giáo xứ Maria Josepha
Cha xứ: Alessandro là một bé trai rất thông minh. Cách đây vài chúa nhật, khi giảng về lời kêu gọi của các tông đồ, tôi đã nói: “Nếu bây giờ Chúa Giêsu đến và gọi con, con có đi theo Ngài không?”, nhiều em giơ tay lên, trong số đó có em Alessandro, và đây là Đức Thánh Cha Phanxicô, vị đại diện của Chúa Kitô, con có thể hỏi ngài tất cả những gì con muốn hỏi.
Alessandro: Vì sao cha thành giáo hoàng?
Đức Phanxicô: “Bởi vì có những người phạm tội. Một trong những người phạm tội này là người đó” (ngài chỉ hồng y Agostino Vallini, Tổng đại diện giáo phận Rôma, và trẻ con bật cười). Đức Phanxicô nói tiếp: “Con có biết vì sao người ta thành Giáo hoàng không?. Cha sẽ giải thích cho con. Con có biết người ta thành Giáo hoàng như thế nào không?” (“Không!”, các em trả lời). “Người ta có trả tiền để làm Giáo hoàng không?” (“Không!”). Nhưng nếu có một ai trả nhiều, nhiều, rất nhiều, cuối cùng người đó có làm Giáo hoàng được không?” (“Không!”) “Không. Người ta cũng không rút thăm. Vậy phải làm như thế nào? Ai bầu Giáo hoàng? Các con suy nghĩ kỹ nghe: Ai bầu Giáo hoàng?” (“Các hồng y?”) “Các hồng y. và cha Agostino Vallini là hồng y, cha là cha tổng đại diện giáo phận Rôma. Cha ở trong số 115 hồng y đã họp nhau lại để bầu Giáo hoàng”.
“Và các hồng y họp nhau lại, họ nói chuyện với nhau, họ suy nghĩ, họ lập luận, nhưng quan trọng nhất là họ cầu nguyện. Họ ở trong phòng kín, có nghĩa là họ không thể nói chuyện với người ở bên ngoài, họ bị cô lập và họ vào Nhà Nguyện Sixtine để bầu Giáo hoàng. Họ nói chuyện với nhau về những gì mà Giáo hội cần bây giờ, vì thế họ phải chọn giữa những người khác nhau, người này hay người kia. Và Chúa đã gởi Thần Khí đến để giúp họ bầu Giáo hoàng. Rồi mỗi người bầu và đếm phiếu. Ai có được hai phần ba số phiếu thì người đó là Giáo hoàng”.
Đức Phanxicô nói thêm: “Như các con thấy đó, trong tiến trình này, có rất nhiều lời cầu nguyện. Người ta không trả tiền, người ta không có các bạn bè quyền thế để làm ảnh hưởng, không. Trong nhóm người bầu Giáo hoàng, ai là người quan trọng nhất? Các con suy nghĩ kỹ nhé! Ai là người quan trọng nhất? (Một em bé trai trả lời: “Giáo hoàng!”). “Không, khi đó Giáo hoàng chưa được bầu.” (Một vài em trả lời: “Chúa”) “Chúa và đó là Thần Khí, Đấng qua các lá phiếu bầu chọn Giáo hoàng. Và rồi người được chọn không phải là người thông minh nhất, người láu lỉnh nhất hay người làm các việc nhanh nhất, nhưng là người Chúa muốn cho Giáo hội lúc đó”. (“Đúng!”, tất cả các em đều đồng thanh trả lời)”.
Khi đó đến lượt Đức Phanxicô hỏi các em: “Cha hỏi các con một câu, nhưng các con suy nghĩ kỹ nhé. Khi bầu chọn cha, các cha có 115 người: ai là người thông minh hơn tất cả? (“Cha!”, các em trả lời) “Không!” (Nhiều em khác nói: “Tất cả!”) “Không. Người thông minh nhất, người thông minh nhất…” )“Chúa”, các em trả lời). “Chính Chúa là người thứ 116… Chúng ta không biết, nhưng người được chọn không nhất thiết là người thông minh nhất. Có những người thông minh hơn người đó, nhưng Chúa đã chọn người đó. Và như trong tất cả các chuyện trong đời sống, thời gian trôi qua, Giáo hoàng phải chết cũng như tất cả mọi người, hoặc phải về hưu, như Đức Bênêđictô XVI cao cả đã về hưu vì ngài không còn sức khỏe.  Rồi sẽ có một giáo hoàng khác, cũng bầu theo cách đó: được chọn bởi một nhóm các hồng y dưới ánh sáng của Thần Khí. Alessandro, con cho cha biết, con hài lòng với câu trả lời không? Cha không lầm chứ? Cha không nói dối chứ? Cha cám ơn con”.
Cha xứ: Flavio, trong lớp thêm sức. Con đâu? Chúng ta hỏi từng người một.
Flavio: Thưa Cha, khi còn nhỏ cha muốn sau này lớn lên cha làm gì?
Đức Phanxicô: Cha sẽ trả lời cho con, nhưng con tên gì?
Flavio: Flavio.
Đức Phanxicô: Cha nói với con, nhưng con đừng cười nha! Cha không đùa đâu, cha nói thật. Cha muốn làm bác hàng thịt. Đúng vậy! Vì khi cha đi chợ với bà nội, cha thấy bác hàng thịt chặt thịt từng miếng thịt, cha nghĩ “người đàn ông này mạnh thật!” và cha rất vui. “Khi mình lớn, mình sẽ thành bác hàng thịt”.
Flavio: Và… con có được chụp một tấm hình với cha không?
Đức Phanxicô: Được chứ, còn con, con cho cha biết lớn lên con làm gì?
Flavio: Con muốn làm cầu thủ đá banh.
Đức Phanxicô: Cầu thủ đá banh! Các con có xem Flavio đá banh chưa? (“Dạ có!”) Flavio đá giỏi không? (“Flavio đá giỏi!”) Và Flavio đá ở cánh nào?
Flavio: Trung vệ.
Đức Phanxicô: Trung vệ? Rất tốt…
Cha xứ: Con giới thiệu con, con tên gì.
Cristian: Con tên là Cristian. Làm sao cha thành giáo hoàng?
Cha xứ: Lại câu hỏi này thêm một lần nữa?
Cristian: Nhưng là câu hỏi của con!
Cha xứ: Là câu hỏi của con? Nhưng Đức Giáo hoàng đã trả lời trước đó rồi… con đặt một câu hỏi khác.
Đức Phanxicô: Một câu hỏi khác. Con suy nghĩ, suy nghĩ. Từ từ suy nghĩ, con suy nghĩ một câu hỏi khác nghe…
Cha xứ: Con đặt một câu hỏi. Câu nào con muốn…
Đức Phanxicô: Con tên gì?
Agostino: Agostino.
Đức Phanxicô: Agostino, như tên của giám mục tồng đại diện giáo phận Rôma.
Agostino: Nhưng để thành giáo hoàng, ở trường cha phải học giỏi không?
Đức Phanxicô: Để thành giáo hoàng, trước hết phải là một kitô hữu tốt. Bình thường phải là linh mục trước, rồi giám mục. Nhưng trong thời đầu của Giáo hội, tất cả các giáo hoàng không nhất thiết phải là linh mục: có một vài giáo hoàng là thầy phó tế. Nhưng phải là một tín hữu kitô tốt. Vào thời đó, cộng đoàn biết ai là người tốt sẽ báo hiệu. Có nhiều tín hữu kitô biết người này, người kia và họ báo cho biết; một vài người là linh mục, một vài người là thầy phó tế. Nhưng với thời gian, người ta thiết lập một hệ thống bầu chọn và bây giờ chỉ có các hồng y mới được bầu giáo hoàng. Các hồng y này dưới 80 tuổi.
Một em bé: Đâu là điểm khó khăn nhất đời cha?
Đức Phanxicô: Đâu là…?
Em bé: … điểm khó khăn nhất đời cha?
Đức Phanxicô: Đúng, có một vài khó khăn. Về sức khỏe thì cha có một vài lúc khó khăn. Năm cha 20 tuổi, cha xém chết vì bị nhiễm trùng, bác sĩ đã phải mổ để cắt một phần lá phổi, nhưng Chúa đã gìn giữ cha. Và các khó khăn khác, thì tất cả chúng ta ai cũng có trong suốt đời mình. Các con hãy chú ý đến điểm này: sự sống là ơn của Chúa, nhưng trong cuộc sống có những lúc gay go, những lúc khó khăn, mình phải vượt lên và đi tới đàng trước. Cũng như tất cả mọi người, cha có nhiều khó khăn. Nhưng cha nhớ lại khó khăn lúc 20 tuổi cha bị bệnh, cha cũng còn các khó khăn khác. Nhưng cha sẽ nói như sau: theo cha, cuộc sống không phải dễ. Cha hỏi các con: cho tất cả mọi người, cho con người, cuộc sống chung chung có dễ không? (“Không!”) Có nhiều khó khăn trong đời sống không? (“Có!”) Luôn luôn! Có khó khăn bây giờ và sẽ có khó khăn nữa. Nhưng các con đừng sợ. Mình vượt lên các khó khăn, mình đi tới đàng trước, với đức tin, với sức mạnh và với lòng can đảm! Nhưng các con có là người can đảm… Các con có hay không?…
Em bé: Có vài lúc có…
Đức Phanxicô: Các con có can đảm hay không? (“Có!”) Các con mạnh không? (“Có và không”)Hay tất cả các con là người hãi sợ? (“Không!”) Các con là người can đảm? (“Có!”) Vậy là tốt, các con đi tới đàng trước! Cha cám ơn con!
Em bé: Con cám ơn cha. Con có thể chụp với cha một tấm hình?
Đức Phanxicô: Được con. Và bây giờ chúng ta qua kỳ hai: kỳ của các em bé gái. Chúng ta sẽ xem ai thắng nha?
Giulia: Làm thế nào mình cảm nhận mình là người đại diện của Giáo hội công giáo?
Đức Phanxicô: Mình cảm nhận với rất nhiều trách nhiệm. Con nói chữ “đại diện”, và ai “đại diện” Giáo hội thì người đó không được cho cảm tưởng xấu. Giáo hoàng có thể làm cảm tưởng xấu không? (“Không!”) Không, giáo hoàng không thể làm. Ngài phải chú ý để không gieo cảm tưởng xấu. Nhưng người ta cũng cảm nhận một chuyện khác. Giáo hoàng là giám mục… Giáo hoàng là giám mục hay không giám mục?
Giulia: Giám mục chứ.
Đức Phanxicô: Nhưng giám mục ở thành phố nào?
Giulia: Rôma
Đức Phanxicô: Rôma. Giáo hoàng là giám mục giáo phận Rôma nhưng ngài cùng với các giám mục khác, ngài lo mục vụ cho toàn Giáo hội trên thế giới. Nhưng giáo phận của giáo hoàng là giáo phận nào? (Có em trả lời: “Thánh Gioan”) Nhà thờ chính tòa Thánh Gioan. Và giáo phận là…
Giulia: Thánh Phêrô.
Đức Phanxicô: Rôma. Đúng. Giáo hoàng cũng là giám mục và là người cha, và giáo hoàng phải cảm nhận mình là người cha; nếu giáo hoàng hay giám mục không cảm nhận mình là người cha thì ngài thiếu một cái gì đó.
Cha xứ: Các con, như vậy là đủ cho phần các câu hỏi.
Các em: Chưa đủ!
Đức Phanxicô: Bây giờ cha sẽ đặt câu hỏi với các con…
Cha xứ: Các con, bây giờ cha xin các con im lặng vì giáo hoàng muốn hỏi các con. Các con chú ý nghe nhé.
Đức Phanxicô: Cha đặt câu hỏi cho các con và tất cả các con trả lời nhé. Có bao nhiêu’Chúa’? (“Một”) Nhưng… cha biết có ba! (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”) Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: một, hai và ba. Có ba. Các con trả lời như thế nào? Ai có thể trả lời? (Có em trả lời: “Có ba”) Có ba chúa? Hay có một? (Có em trả lời: “Chỉ có một nhưng chia làm ba phần”) Ba mảnh? Không, Chúa là một (“Là một Chúa nhưng thể hiện nhiều chuyện”) Không đúng… Có bao nhiêu ‘Chúa’? (“Ba”) Ba “Chúa”? Hay một? (“Một”) Nhưng nếu một… Cha đặt cho các con câu hỏi này: Chúa Cha là Chúa không? (“Có!”) Chúa Con là Chúa không? (“Có… không”)A, Chúa Con không là Chúa? (“là Chúa chứ”) Chúa Thánh Thần là Chúa không? (“Có!”) Là ba, nhưng có một chuyện không dễ để hiểu: đó là ba Nhân Vị, các con hiểu không? Ba Nhân Vị nhưng ba Nhân Vị là một Chúa. Các con đồng ý chứ? (“Có!”) Các con tin chắc chứ? Vậy có ba, ba gì? Ba… (“Nhân Vị”) và một (“Chúa”) Ba… (“Nhân Vị”) và một (“Chúa”) Và Mẹ Maria là Chúa không? (“Không”) Mẹ Maria là ai? (“là Mẹ…”) Là Mẹ Thiên Chúa. Tại sao Mẹ là Mẹ Thiên Chúa? Vì Mẹ đã mang Chúa Giêsu đến cho thế giới. Các con đồng ý chứ? (“Có!”) Đúng. Và Thánh Giuse đã giúp Mẹ Maria. Chúa Cha là Chúa? Đúng. Chúa Con là Chúa? Đúng. Chúa Thánh Thần là Chúa? Đúng, Ba Nhân Vị, các con đồng ý chứ? Bao nhiêu Nhân Vị? (“Ba”) Bao nhiêu “Chúa”? (“Một” ) Mẹ Maria là Chúa không? (“Không”) Mẹ Maria là…? Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Rõ ràng rồi nha. Các con đừng bao giờ quên chuyện này nha. Rất tốt.
Cha xứ: Chúng con xin cám ơn Đức Thánh Cha. Các con, bây giờ các con đứng dậy và Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện với chúng ta, các con giữ thinh lặng như chúng ta vẫn giữ thinh lặng trong nhà thờ.
Đức Phanxicô: Thinh lặng. Chúng con nhắm mắt lại. Chúng ta nghĩ đến Đức Mẹ và cầu nguyện với Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta. Cùng nhau chúng ta đọc, Kính mừng Maria…
Xin Thiên Chúa là Cha Toàn Năng chúc lành cho tất cả các con…
Và xin các con cầu nguyện cho cha, các con đồng ý không? (“Dạ có!”) Chắc không?
(“Dạ chắc!”) Cha xin cám ơn các con!
 
Marta An Nguyễn chuyển dịch
 
Phanxico.vn
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng: Thường huấn về Phụng tự cho các Ủy viên Phụng tự
Giáo hạt Hà Tuyên Hùng: Thường huấn về Phụng tự cho các Ủy viên Phụng tự
Ủy ban Phụng tự Giáo phận tổ chức thường huấn ủy viên phụng tự của các giáo xứ để thêm ý thức vai trò của mình và có thêm niềm vui phục vụ trong các cử hành phụng vụ của giáo xứ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log