Thứ sáu, 29/03/2024

Để xứng danh con cháu các ngài

Cập nhật lúc 12:15 18/11/2019



Trải qua dòng lịch sử với bao nhiêu cuộc bách hại, số người chết vì đức tin rất nhiều. Những vị được Giáo Hội tuyên thánh hay chân phước chỉ là một số nhỏ. Xuất thân của họ rất phong phú: tu sĩ, linh mục, giáo dân, nông dân, học sinh… Có cả đàn ông lẫn đàn bà, thanh niên thiếu nữ. Họ sinh ra và tử đạo ở những khoảng thời gian khác nhau. Có người bị giết oan, có người phải chết bất đắc dĩ, có người không muốn chết nhưng bị giết vô cớ… Nhưng kính nể nhất là những người hiên ngang tự nguyện đón nhận cái chết cách vui vẻ mà không hề phản kháng, bất chấp bao lời khuyên can, dụ dỗ của người khác. Đọc lại những trang sử kể về cuộc hành hình của các Thánh Tử Đạo nói chung và các Thánh Tử Đạo Việt Nam nói riêng, tất cả chúng ta đều không khỏi rùng mình, vừa cảm phục, vừa đặt câu hỏi: động lực nào đã cho họ sức mạnh để đối diện và đón nhận cái chết kinh khủng đến rợn người với một sự bình thản như thế? Cuộc đời vẫn còn biết bao thú vui để thụ hưởng, sao lại muốn chết? Sao lại đánh đổi sự sống của mình để bảo vệ và minh chứng cho một niềm tin gì đó quá đỗi mơ hồ? Hay nói theo ngôn từ hiện đại, thần kinh của họ có vấn đề gì chăng?

Đức tin Công Giáo đến Việt Nam chỉ mới vài trăm năm, theo chân các nhà thừa sai Tây Phương đi ké những đoàn tàu buôn bán. Chúng ta có thể mường tượng ra sự vất vả của các vị truyền giáo khi phải cố gắng truyền đạt chân lý Kitô cho một dân tộc xa lạ, khác mình hoàn toàn về cách nghĩ, văn hoá và ngôn ngữ. Nhưng những nỗ lực của họ đã được đền đáp khi có rất nhiều người nghiệm ra được chân lý đời mình nơi niềm tin ấy. Có lẽ ông bà chúng ta chỉ đón nhận niềm tin ấy với một sự chân thành và đơn sơ, chứ không bằng một sự hiểu biết trừu tượng mang tính triết thần nào đấy. Họ không đòi phải hiểu rồi mới tin, nhưng là tin rồi được hiểu, một cái hiểu của kinh nghiệm, chứ không phải đầu óc. Có vậy thôi mà niềm xác tín vào vị Thiên Chúa Tối Cao đã xuống thế làm người, chịu chết và phục sinh ăn sâu vào lòng họ, làm biến đổi cuộc đời họ, làm cho họ say mê và muốn gắn kết với Ngài đến nỗi không màng chi cái chết đau đớn.

Dân tộc Việt Nam chúng ta được Trời ban cho tính kiên cường mạnh mẽ, chưa bao giờ khuất phục kẻ thù. Đặc tính ấy đã được chứng thực qua những trận chiến lịch sử chống giặc ngoại xâm mà tên tuổi của các vị anh hùng lãnh đạo vẫn còn lưu danh. Sự kiên cường can đảm ấy cũng được thể hiện nơi thái độ của các vị tử đạo trước quan quyền, những người tưởng là với gươm đao và cái chết, họ có thể hạ bệ bất cứ ai, khiến người ta phải phục tùng quỵ luỵ mình. Cái chết là kẻ thù lớn nhất của con người. Nó là nỗi ám ảnh của bất cứ ai. Nó có thể khiến cho những người ngạo mạn nhất phải khiếp sợ. Nhưng nó biết là có một cái mạnh hơn nó rất nhiều: tình yêu. Tình yêu dành cho Tổ Quốc làm cho các chiến sĩ không còn sợ chết. Tình yêu dành cho Đức Kitô làm cho người ta chẳng những không rụt rè trước cái chết mà trái lại, còn làm họ thích thú khi đón nhận nó nữa. Cái chết biết rằng nó không có tác dụng gì trước một người đang yêu. Người Việt chúng ta, ngoài sự trung kiên bất khuất, còn có một trái tim yêu vô cùng nồng nàn, một khát khao chân lý cháy bỏng trong lòng, để khi bắt gặp rồi, họ thà chết, chứ không bao giờ chịu đánh mất.

Ông bà chúng ta cũng là những người rất thật thà, không hề biết nói dối. Họ đã cảm nghiệm rất rõ ràng và sống động sự hiện diện của Giêsu trong cuộc đời mình. Họ thấy hình ảnh của Ngài qua tạo vật thiên nhiên. Họ được đánh động rất nhiều bởi việc Ngài đã hy sinh vì họ. Bây giờ bảo họ phải nói rằng mình không biết và không tin Đấng ấy, sao họ có thể làm được? Giêsu là Đấng họ kính ngưỡng tôn thờ, là Đấng đã cho họ niềm vui thiêng liêng sâu xa, Đấng an ủi họ và đồng hành với họ qua từng chặng đường cuộc sống, lại còn hứa hẹn với họ về một hạnh phúc trên Thiên Đường. Họ xác quyết như thế, nay dùng vũ lực và những lời ngọt ngào giả tạo xui khiến họ chối bỏ những điều này, họ cảm thấy đó là một lời nói xạo kinh khủng không thể tha thứ. Là người Kitô hữu có dòng máu lạc hồng chảy trong tim, họ yêu Chúa và cũng yêu quê hương, yêu đồng bào, sống hiền hoà, dãi nắng dầm mưa trên ruộng đồng chăm lo làm việc, không hề phá hoại xóm làng, bán nước cầu vinh hay làm điều gì có hại cho đất nước. Họ chẳng có lỗi tội gì cả. Họ chỉ tuyên bố Sự Thật, và vì Sự Thật ấy mà họ bị người ta dèm pha, hãm hại, giết chết. Cái lỗi của họ phải chăng là do sống đúng với lương tâm, không thẹn với lòng?

Chúng ta nợ cha ông mình một món nợ không bao giờ trả được. Mẫu gương đời sống đức tin của họ chính là nguồn động lực cho chúng ta. Chúng ta vẫn hay nói là máu của các ngài đã thấm vào lòng đất mẹ Việt Nam, làm trổ sinh nhiều bông hạt thơm ngát, mà giờ đây chúng ta là người thụ hưởng. Giáo Hội Việt Nam sở dĩ còn được tồn tại và phát triển đến ngày nay là nhờ sự hy sinh và can trường của các Ngài. Nhưng nhìn lại bản thân, chúng ta cảm thấy thật đáng hổ thẹn. Chúng ta được học hành đầy đủ hơn các ngài rất nhiều, nhưng cảm nghiệm về Thiên Chúa và gắn kết với Ngài chẳng được bao nhiêu. Chúng ta coi đức tin chỉ là một cái gì đấy bình thường, thậm chí còn thấp hơn nhiều giá trị khác, chứ không xem nó là viên ngọc báu như các ngài. Tuyên bố mình là một Kitô hữu nơi phố xá đông người, ta còn ngượng miệng thì nói gì đến chuyện bỏ mạng để làm chứng cho Chúa. Đi lễ đọc kinh còn bê trễ, tính toán từng giây từng phút thì sao dám nghĩ đến chuyện chịu chết vì Đức Kitô. Hy sinh một chút thời gian để phục vụ giáo xứ còn đòi hỏi quyền này quyền kia thì có thể hiên ngang trước cơn bách đạo được không? Có đôi khi chúng ta lên tiếng chửi mắng những cuộc đàn áp tôn giáo, nhưng phần lớn cũng chỉ là để thể hiện xung năng gây hấn của bản thân, chứ có thật sự là vì yêu Chúa không? Các anh hùng tử đạo Việt Nam đã chịu đổ máu vì yêu, chứ không phải muốn chứng tỏ. Tình yêu dành cho tha nhân và chân lý làm cho người ta nên vĩ đại, chứ không phải sự quy hướng về bản thân mình.

Có ích gì khi chúng ta mừng kính các Thánh Tử Đạo hoành tráng nhưng chẳng có một chút quyết tâm nào để noi gương các ngài? Một lòng sùng kính thật sự phải đưa người ta đến việc bước theo con đường các ngài đã đi: con đường tin yêu và theo Chúa. Biết ơn và ngưỡng mộ các ngài phải thúc đẩy ta đến việc cố gắng tập tành để dần sống những “cái chết” nho nhỏ trong cuộc sống vì lòng mến yêu. Có như thế, việc mừng kính của chúng ta mới trở nên ý nghĩa và làm cho chúng ta xứng đáng với danh nghĩa là con cháu các ngài, là hậu duệ của một đất nước kiên cường, trung hậu, bất khuất. Hãy tập “chết” từ từ thì sẽ không còn sợ chết, hãy tập yêu dần dần thì tình yêu mới có ngày nở hoa.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Giáo xứ Cát Ngòi – Thánh lễ Tiệc ly chiều Thứ Năm tuần Thánh
Vào lúc 19g30, Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28.3.2024, tại giáo xứ Cát Ngòi, cha xứ Đaminh Hoàng Thế Bằng đã chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly khai mạc Tam Nhật Thánh, đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ tham dự với tâm tình sốt mến thờ phượng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log