Thứ ba, 07/05/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VI Thường niên A

Cập nhật lúc 09:19 09/02/2023
Suy niệm 1
Mt 5, 17 – 26
Luật Môsê không cho trị bệnh vào ngày Sabát, Chúa trị tưới hạt sen. Môsê cho phép ly dị, Chúa bảo “không”. Môsê cấm ăn rất nhiều thứ gọi là đồ ô uế, Chúa bảo: “mọi đồ ăn đều thanh hết”… Thế là Chúa bị các ông Pharisêu cho là phá luật. Dường như các Tông Đồ cũng nghĩ như thế. Chúa bảo là Chúa không phá, mà làm cho Luật trở nên hoàn hảo.
Ở ngoài đời cũng có trường hợp như vậy. Cụ thể là luật giao thông bắt mọi phương tiện giao thông phải dừng lại khi có đèn đỏ. Nhưng có trường hợp phải phá luật ấy, để luật trở nên hoàn hảo hơn. Đó là trường hợp xe cứu hỏa và cứu thương. Hai loại xe này không được dừng khi có đèn đỏ. Nó phải phá luật để luật trở nên tốt hơn.
Thời Công Vụ Tông Đồ, Công đồng Giêrusalem đã tuyên bố: “Từ nay, người ngoại trở lại không phải chịu cắt bì và giữ luật Môsê”. Phá luật như thế để mở đường cho Tin Mừng đến với lương dân, là làm cho luật trở nên hoàn hảo.
Sau bài học phá luật để làm cho luật hoàn hảo, Chúa lại dạy chúng ta phải sống tốt hơn các ông Pharisêu và Kinh Sư mới xứng đáng được vào Nước Trời. Các ông Pharisêu và Kinh Sư bám sát luật Môsê và chỉ giữ luật để khoe khoang, cầu danh và cầu lợi. Cái lối giữ luật vị luật mà không vị nhân sinh bị Chúa cho là xúc phạm nhân vị và nhân quyền. Ngài đã tuyên bố: “Ngày Sabát vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát”. Đạo của chúng ta có luật nhưng “luật vị nhân sinh chứ không phải luật vị luật. Nên thận trọng kẻo hôm nay chúng ta có thể giữ đạo mà không sống đạo. Thế là rơi vào sai lầm của những người Pharisêu và Kinh Sư mà Chúa đã dành cho 8 câu nguyền rủa “khốn cho các ông Pharisêu giả hình…”
Bài Tin Mừng còn cho chúng ta thêm một bài học nữa, đó là: “khi đi dâng lễ mà sực nhớ có điều bất bình với anh em, thì hãy để của lễ đó, về làm hòa đã, rồi sẽ trở lại dâng lễ. Trước hết, xin đừng hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là đi lễ, đến nhà thờ sực nhớ ra là có chuyện bất bình với anh em, thì phải về làm hòa rồi mới trở lại dự lễ. Nếu cứ theo nghĩa đen, thì thứ nhất phải đi tìm người bạn ấy, tìm mãi không thấy, hoặc nếu thấy mà làm hòa, thì khi trở lại dâng lễ, thì nhà thờ đã được ông từ đóng kín hết các cửa rồi.
Điều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là đừng bao giờ giận ghét ai. Nếu lỡ giận ghét rồi thì phải làm hòa ngay lập tức. Cái tâm không giận ghét, hoặc lỡ giận ghét thì chấm dứt ngay thì bấy nhiêu đã là bó hoa đẹp dâng lên cho Chúa như một lễ vật rồi.
Sau đây là một câu chuyện tuyệt đẹp chúng ta nên suy nghĩ và nên bắt chước. Có một gia đình kia có hai vợ chồng và hai đứa con. Đứa lớn là con gái. Đứa bé là con trai. Cả hai đều còn ở tuổi bé thơ. Gia đình này, tối nào cũng tập trung trước bàn thờ để đọc kinh. Trong chương trình có phần sám hối. Hôm ấy ông chồng đứng lên xin lỗi vợ: “Sáng nay anh nóng quá đã nặng lời với em, xin em tha lỗi”. Vợ đứng lên đáp: “thì cũng tại em, anh mới nóng như thế”. Hai vợ chồng bắt tay xin lỗi nhau. Hai đứa con vỗ tay bốp bốp. Sau đó bà mẹ giúp hai con xét mình và xin lỗi: “Hai, con là chị mà tại sao con mắng em con?” Cô chị trả lời: “Tại nó hỗn với con”. Bà mẹ hỏi cu tí: “Tại sao con là em mà lại hỗn với chị?” Cu tí trả lời: “Tại chị bắt nạt con”. Bà mẹ lên tiếng: “Chị bắt nạt em là sai. Em hỗn với chị là sai. Cả hai phải yêu nhau và tha thứ cho nhau. Chúng con xin lỗi nhau đi”. Hai chị em ôm nhau cười hí hí.
Kết thúc là tất cả gia đình cùng đọc Kinh Cáo Mình. Khi cả bốn người cùng đấm ngực đọc “lỗi tại tôi”, thì tình gia đình trở thành tuyệt vời. Họ tha thứ cho nhau thật. Mong mọi gia đình chúng ta biết kết thúc một ngày như thế.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 2
THẦN DÂN ĐÍCH THẬT CỦA NƯỚC TRỜI

Trong cuộc sống, không nhiều người trong chúng ta nghiệm ra sự quan phòng đầy khôn ngoan của Thiên Chúa. Điều này e rằng cũng dễ hiểu vì chúng ta đầy những giới hạn, yếu đuối, nặng tính xác thịt; nhưng Thiên Chúa thì toàn năng, toàn tri, vô hạn, và vĩnh cửu. Dù vô số điều chúng ta không hiểu tại sao nó lại xảy ra, và tại sao nó xảy ra với người này mà không xảy ra với người khác? Dẫu là như vậy đi chăng nữa, nhưng nếu với một lòng tín thác, cậy trông vào Thiên Chúa thì ắt hẳn tâm hồn ta sẽ được bình an, tâm trí ta sẽ được thảnh thơi, yên hàn! Với ý niệm ấy, chúng ta cùng nhau suy niệm Lời Chúa qua các bài đọc Phụng vụ hôm nay, nhằm hướng dẫn chúng ta đến chương trình hoàn hảo của Thiên Chúa được tỏ bày qua con người bất toàn như chúng ta, để rồi con người được trở nên vinh hiển trong Ngài.
Chính nhờ sự khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa như Thánh Phao-lô khẳng khái tuyên xưng “sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người” (1Cor 2, 9). Lẽ khôn ngoan này đã được tiền định trong chương trình đầy yêu thương của Thiên Chúa, được mạc khải, tỏ lộ cho tất cả những ai biết kính sợ, thi hành theo Thánh ý Ngài. Tuy nhiên, lắm lúc chúng ta quên Chúa khi ta được thành công, vinh quang, phú quý, giàu sang, khi được tán dương, chúc tụng; ngược lại, chúng ta trách cứ, than phiền Chúa sao lại gửi đến những thất bại, tủi nhục, nghèo hèn, khó khăn, khinh chê. Khi vinh quang thì nhận về mình, còn khi thất bại thì tại ‘ông trời’, khi được tán dương thì trăm phần của mình, còn lúc bị khinh chê thì ngàn phần tại ‘trời cao’…Đọc lại đoạn trích sách Huấn Ca hôm nay, chúng ta sẽ thấy rõ ước mong, ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa như thế nào! “Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào, thì được thứ ấy. Bởi chưng, Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng. Ngài luôn luôn nhìn thấy mọi loài. Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Ngài, và thấu suốt mọi hành động của con người. Ngài không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác, và không cho phép một ai phạm tội” (Hc 15, 17-20). Thiên Chúa đã ban cho con người một món quà tốt lành, vượt trên cả trí khôn của loài người, đó là tự do đích thật biết chọn sự lành, tránh điều dữ; chọn Thiên Chúa, xa lánh ma quỷ; và khi Thiên Chúa ban cho ta món quà ấy, thì chính Ngài cũng chấp nhận những gì con người dùng nó để chọn lựa hay từ chối Ngài!
Sự chọn lựa đường lối sống theo ý định của Thiên Chúa với tất cả tự do đầy khôn ngoan này phải được thể hiện cụ thể qua việc yêu mến Lời Chúa, giáo huấn của Hội Thánh, gương sáng của các Thánh, đặc biệt lời giảng dạy của Chúa Giê-su trong trình thuật Hiến Chương Nước Trời (Mt 5-7) được trưng dẫn một phần qua Tin Mừng hôm nay (Mt 5, 17-37). Nói tóm lược, bản Hiến Chương Nước Trời đề cập đến tất cả ba mối tương quan: con người với Thiên Chúa, con người với nhau, và con người với chính mình qua các vấn đề cụ thể như sau: Chúa Giê-su bãi bỏ hay kiện toàn lề luật, đức công chính của người môn đệ, đừng giận ghét, chớ ngoại tình, đừng li dị, đừng thề thốt, chớ trả thù, yêu thương kẻ thù, v.v…Nhiều lần đọc trình thuật này, tâm hồn tôi được ‘gõ cửa’ và được thúc giục mạnh mẽ bởi hai điều này “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì c con chẳng được vào Nước Trời đâu”(Mt 5, 20), và “Người xưa đã bảo như thế, còn Ta, Ta bảo thật các con thế này” (x. Mt 5, 21-22; 27-28; 31-32; 33-34). Có lẽ, ai trong chúng ta cũng tự hỏi: sự công chính của các luật sĩ và biệt phái như thế nào mà nếu chúng ta không công chính hơn họ thì sẽ không được vào Nước Trời? Cụm từ ‘người xưa’ có nghĩa gì trong đời sống đạo của chúng ta? Thần dân đích thực của Nước Thiên Chúa là những ai? và họ làm gì để được vào Nước Trời? Dừng nơi đây, chúng ta cùng nhau dành ít phút để nhìn lại bản thân và tự vấn lòng mình qua các điểm gợi ý trên, cũng như qua bài thơ ngắn ngủi này:
Tình yêu Chúa cao vời,
Hằng nhắn nhủ gọi mời:
Bước trên đường công chính,
Tháng ngày chẳng nào ngơi.

Sống Hiến Chương Nước Trời,
Công chính như Ngài mời,
Xa lìa nếp sống cũ,
Đẹp lòng Ngài muôn nơi.

‘Người xưa, thói quen đời,
Gạn đục trong sáng ngời,
Vâng nghe Lời Chúa dạy,
Lòng này quyết chẳng ngơi!
Nguyện xin mỗi người chúng ta trở nên ‘thần dân đích thật’ của Nước Trời. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

==================
Suy niệm 3
SỐNG VƯƠN LÊN

Mt 5,17-37

Thiên Chúa đã tặng ban cho con người một món quà thật quý giá là sự tự do. Nhưng tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, muốn sống sao thì sống. Người ta chỉ có tự do khi làm lành lánh dữ, khi làm điều tốt tránh điều xấu, khi sống cho sự thật, sự thiện. Nếu chúng ta biết sử dụng tự do theo ý Chúa, đời sống ta sẽ vươn tới trời cao, nếu không, tự do sẽ đưa ta xuống địa ngục. Bởi vậy, bài đọc thứ nhất cho dân thấy:“Việc trung thành giữa các giới răn là tùy ở ngươi. Trước mặt ngươi là sự sống và sự chết, ngươi có thể tuỳ nghi lựa chọn” (Hc16, 15-21).
Chính vìtôn trọng tự do mà chúng ta bước vào lãnh vực lề luật. Xã hội muốn có an ninh, trật tự, công bình, phải có cả một hệ thống luật pháp. Tôn giáo muốn có sự hiệpnhất tinh thần, đòi phải có khuôn khổ, luật lệ, giới răn.Mọi thứ lề luật không chỉ nhằm tránh những điều tai ác mà còn giúp cho đời sống con người được an lành và tự do phát triển, nhất là giúp mỗi người trưởng thành trong đời sống nhân linh. Thế nhưng luật lệ đó phải như thế nào? Có được hoàn chỉnh một cách tốt nhất chưa? Có khả năng nâng cao đời sống tinh thần của con người không?
Như chúng ta biết, Thiên Chúa đã ban lề luật cho Dân Do Thái qua Môsê và các ngôn sứ. Nhưng có lẽ lập trường, chủ trương và giáo huấn của Đức Giêsu đã khiến các môn đệ ngờ vực lề luật của cha ông không còn nguyên vẹn, không còn chính thống. Chính vì vậy mà Đức Giêsu phảilên tiếng để đánh tan nghi ngờ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Kiện toàn là vìcó những điều luật xưa mang tính giai đoạn, chưa đủ, chưa sâu, chưa sát, cần phải được chỉnh sửa và bổ túc để nó trở nên hoàn mỹ. Đó là chưa nói tới một số luật lệ xã hội mang tính cách thống trị chứ không phục vụ con người.
Luật Môsê đã là một tiến bộ lớn trong nền luân lý, nhưng vẫn là một sự tiệm tiến chưa hoàn bị,bộ luật đó cũng chỉ là bước chuẩn bị cho luậttrọn hảo của Đức Giêsu.Vì thế, Ngài đã phân biệt rõ: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”.Chúng ta hãy xem Đức Giêsu kiện toàn như thế nào.
Chẳng hạn như luật cũ dạy:“Chớ giết người”, còn Đức Giêsu dạy: “Ai giận anh em mình”là đã phạm tội giết người. Vì thù oán anh em là đã diệt trừ họ ngay trong lòng, tuy chưa giết họ bên ngoài, nhưng đã giết họ trong trái tim. Thánh Gioan cũng viết:“Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân (1Ga 3,15).Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa khi đòi buộc chúng ta phải yêu mến kẻ thù, và còn phải làm ơn cho những kẻ ghét bỏ mình, vì thật ra tất cả đều là anh em con một Cha trên trời.
Chẳng hạn nhưluật cũ dạy: “Chớ ngoại tình”. Còn Đức Giêsu dạy:“Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Ham muốn trong lòng mới là cái gốc của tội, hành vi bên ngoài chỉ là cái ngọn. Tội lỗi thì phải diệt tận gốc, chỉ diệt ngọn thì vẫn còn y nguyên. Chúa không chỉ đòi ta phải giữ gìn sự trong sạch cho thân xác, mà còn đòi ta phải giữ gìn sự trong sạch cho tâm hồn.
Chẳng hạnluật cũ cho phép thề, nhưng “chớ bội thề”. Còn Đức Giêsu dạy: "Đừng thề chi cả… Nhưng hễ có thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ".Lề luật là tiếng nói của sự thật, mà sự thật thì thường không dễ chấp nhận, nên người ta hay có thái độ đối phó, tìm cách luồn lách hoặc tránh né. Đức Giêsu đòi phải có sự phân minh, thì cuộc sống mới được an bình. 
Sự kiện toàn lề luật của Đức Giêsu cho ta thấy Ngài muốn dẫn đưa con người đến mức độ trưởng thành trong việc tuân giữ lề luật, nhắm đến tinh thần của lề luật chứ không phải những từ ngữ chết cứng. Ngài muốn người ta sống vì tình yêu chứ không giữ luật vì luật. Thái độ nệ luật chỉ làm cho đời sống con người thêm nặng nề và khổ sở. Dù ta có thi hành luật lệ nào đi nữa thì cũng để thể hiện tình yêu. Chúng ta muốn sống và làm việc ra sao thì tùy ý mình, nhưng nếu đời sống và việc làm của chúng ta không nói lên được tình yêu đối với Chúa và đối với mọi người, thì bản thân chúng ta đánh mất ý nghĩa và giá trị của chính mình.
Sự kiện toàn lề luật của Đức Giêsu không chỉ mở lối thoát cho đời sống chúng ta, mà còn làm cho tâm hồn chúng ta vươn cao tỏa sáng trong sự thiện hảo, và đạt tớiniềm vui ơn cứu độ muôn đời. Ước chi chúng ta nắm lấy ý nghĩa sâu xa của từng giới luật và sốt sắng tuân giữ, vì ai “giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy… Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21).
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Trong thế giới nghiêng chiều về tính dục,
khiến người trẻ dễ chạy theo cảm xúc,
lầm lạc giữa đam mê và hạnh phúc,
giữa tình yêu và thỏa mãn dục tình,
giữa cao thượng và hèn kém bất trung,
làm mất đi nhân phẩm của con người.
Người trẻ không thể nào không thú nhận,
nhiều vấp phạm và lỡ bước sa chân,
nhiều tổn thương và hư hại tinh thần,
bị ảnh hưởng bởi lối sống vô luân,
dễ nổi loạn trước những điều cấm đoán,
khiến đời mình vướng mắc những đa đoan.
Nhưng chúng con tin Chúa vẫn đỡ nâng,
vẫnyêu thương và chăm sóc chữa lành,
để con lại bắt đầu trong ơn thánh,
tẩy rửa tâm hồn mình nên thanh sạch.
Xin cho chúng con biết sống vươn lên:
dám vượt trên những tình cảm tầm thường,
dám yêu thương với tinh thần cao thượng,
dám tránh xa dịp tội gây nghiệp chướng.
Cho con biết chuyên cần trong cầu nguyện,
đến bên Chúa với tấm lòng sốt sắng,
say mê học hành phát triển tài năng,
biết tiết chế và làm chủ bản thân,
luôn hăng say làm việcđể cống hiến,
luôn vui tiến trên con đường hoàn thiện.
Xin cho con giữ luật vì yêu Chúa,
để kiện toàn đời sống của chính mình,
biết giữ gìn một tâm hồn thanh tịnh,
biết hy sinh và phục vụ tận tình,
góp phần cho thế giới nên công chính,
tạoan bình cho cuộc sống nhân sinh. Amen.

Lm. Thái Nguyên

==================
Suy niệm 4

LUẬT DẠY NGƯỜI XƯA RẰNG...THẦY BẢO CHO ANH EM BIẾT

Phụng vụ Chúa Nhật VI Thường Niên hôm nay khá dài và rất nhiều bài học đáng giá cho đời sống đức tin cũng như đời sống luân lý của chúng ta. Như quý ông bà, anh chị đã biết, bất cứ quốc gia nào cũng phải có Hiến pháp; tất cả các hội dòng, tu viện đều có Hiến Chương và các tổ chức hành chính luôn có luật lệ nhằm quản lý và giúp con người sống xứng đáng với nhân phẩm của mình.
Với ý nghĩa ấy, đoạn trình thuật Phúc Âm theo thánh Mát-thêu chương 5 mà chúng ta vừa được công bố được gọi là Hiến Chương Nước Trời (x. Mt 5-7). Khi đề cập đến luật, hiến pháp, hiến chế hoặc hiến chương bất kỳ, theo thói thường, chúng ta hay rơi vào tình trạng ‘giữ luật’ hơn là ‘sống theo luật’; thái độ ‘đối phó, lách luật, vụ lợi, hình thức...’ hơn là ý thức ‘luật giúp con người được thăng tiến’, ‘luật phục vụ cho con người’ và ‘sống theo tinh thần luật’. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã khẳng định “Con người làm chủ ngày Sa-bát” (x. Mc 2, 27). Luật lệ được ban bố vì lợi ích cho cộng đồng, cho mỗi cá thể con người trong cộng đồng ấy. Thông thường, luật thường biểu đạt dưới ‘câu chữ’ và ‘tinh thần’. Nhiều người trong chúng ta quá coi trọng ‘câu chữ’ mà quên đi cốt lõi của tinh thần luật, và hậu quả là: chúng ta trở nên cứng nhắc, khắc khe, rơi vào ‘chủ nghĩa duy từ ngữ’. Mặc khác, khá nhiều trong chúng ta giải thích luật quá dễ giải, nhân nhượng, hời hợt, bỏ qua những điều nhỏ nhặt nhưng quan trọng, cốt yếu.
Đối chiếu với thực tại trên, là môn đệ của Chúa Giê-su, chúng ta cần khắc ghi trong tâm khảm của mình một điều rõ ràng là: “Thiên Chúa không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội” (x. Hc 15, 20), và “chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho biết lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Người nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1Cr 2, 10). Vì vậy, công chính không phải chỉ nhờ ‘việc sống theo luật định’ mà tiên vàn nhờ lòng tin vào Thiên Chúa, ơn huệ Chúa ban, kế đến ăn ở ngay lành dựa trên lòng tin ấy. Chúa Giê-su nói rất mạnh và đanh thét “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5, 20). Không phải chúng ta chỉ tránh sống đạo hình thức kiểu các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu, mà hơn nữa cho dù các kinh sư cũng có những người sống theo luật Mô-sê thật tình đấy chứ, nhưng từ đây sống như vậy không đủ nữa để được hạnh phúc trọn hảo, bởi Đấng Cứu Độ (Mê-si-a) đã đến làm cho luật Cựu ước được hoàn hảo, trọn vẹn (x. Mt 5, 17). Từ đây điều cần kiếp là phải tin vào Người, sống theo như Người dạy mới vào Nước Trời. Tất cả từ đây phải được Ki-tô hoá!
Thế thì, Chúa Giê-su dạy chúng ta điều gì, đặc biệt trong trình thuật Phúc Âm hôm nay? Đó là: đức công chính của người môn đệ (Mt 5, 20); đừng giận ghét (Mt 5, 21-26); thái độ với tha nhân quyết định giá trị việc thờ phượng (Mt 5, 23-26); chớ ngoại tình (Mt 5, 27-30); đừng ly dị (Mt 5, 31-32); đừng thề thốt (Mt 5, 33-37). Những điều này đều bắt đầu bằng câu: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng...còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết...” Đây là cách nói phản đề nhằm đưa ra những trường hợp điển hình về sự Công chính mới, sự công chính được Chúa Giê-su kiện toàn như thế nào. Điều luật cũ (Luật Mô-sê và các Tiên Tri, Luật Cựu ước) vẫn còn nhưng Chúa Giê-su đòi chúng ta phải đi sâu vào nội tâm và kiểm soát cả đến ước vọng và những động lực thầm kín nhất của con người chúng ta khi thực thi lề luật. Là con người, những gì tốt đẹp nhất hay xấu xa nhất của chúng ta đều phát xuất từ tư tưởng, ý nghĩ, tâm tư, động cơ sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta trước khi diễn đạt qua ngôn từ và hành động! Vì vậy, Chúa Giê-su muốn chúng ta sống dựa trên nền tảng: lòng tín thác, tin tưởng, tình mến, lòng bác ái, và biết làm chủ những ước vọng sâu kín nhất của bản thân để khỏi trở nên nô lệ cho đam mê chóng qua, ảo vọng trần đời, nô lệ cho thú vui mà đôi mắt thân xác phàm trần mang lại…
Thứ đến, Chúa Giê-su khẳng định: thái độ đối với tha nhân quyết định giá trị việc thờ phượng (x. Mt 5, 23-26). Chúng ta thường dễ quan tâm đến bổn phận thờ phượng, mà lơ là bổn phận tha thứ và yêu thương. “Để của lễ lại”là kiểu nói để diễn tả ý muốn giảng hoà, tha thứ, chứ không phải hành động hoãn việc thờ phượng, vịn lẽ chưa dàn xếp xong. Nếu làm như vậy, đó chính là dấu chỉ không sẵn sàng giảng hoà, hay thái độ ‘mặc kệ, chuyện gì đến sẽ đến’, hoặc ‘chuyện ta, ta làm, chuyện người, người lo’...Mặc khác, việc thờ phượng, đời sống cầu nguyện, đời sống đức tin chính là lý do thúc bách chúng ta phải sớm tha thứ cho anh em. Nếu không, chúng ta chẳng may sẽ đắm chìm trong tình trạng lương tâm bị ray rứt trước Thiên Chúa, bao lâu chưa được Người tha, bởi vì mình chưa tha cho anh chị em(x. Mt 5, 25-26). Về việc chớ ngoại tình (Mt 5, 27-30), đừng ly dị (Mt 5, 31-32), đừng thề thốt (Mt 5, 33-37), Chúa Giê-su dùng cách nói rất mạnh mẽ “móc mắt, chặt tay”, qua đó Người muốn dạy chúng ta biết mặc lấy ý chí cương quyết, dứt khoát với tội lỗi, không chần chừ, không chiều theo những thèm muốn tội lỗi, và biết kiểm soát con mắt thân xác cũng như đôi mắt tâm hồn luôn được tinh tuyền, thánh thiện. Hơn nữa, phải mặc lấy lòng đơn thành, có nói có, không nói không (x. Mt 5, 33-37). Ở đây “có có, không không” chúng ta có thể hiểu theo 3 cách, đó là: 1)Nói đúng sự thật khách quan; 2) Bụng nghĩ sao, miệng nói vậy (thành thật); 3) Nhắc lại tiếng hoặc không để quả quyết hoặc phủ nhận điều mình nói một cách trịnh trọng (theo kiểu người Do thái). Nếu là trường hợp thứ 3 thì Chúa có ý nói: chúng ta không cần thề thốt, tức là nại đến điều linh thánh, chỉ cần quả quyết một cách nghiêm chỉnh là đủ.
Đối diện với Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy quay về với lòng mình và thầm nguyện trong giây lát. Ước gì chúng ta trở nên môn đệ đích thật của Chúa trong mỗi ngày sống, làm việc, phục vụ và làm chứng cho lòng từ bi vô bờ bến của Chúa cũng như sự công chính, công minh của Ngài qua việc tuân giữ các luật Chúa truyền với cả lòng tri ân, hiểu biết và tình mến vì “ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy...và lời anh em nghe đây không phải của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (x. Ga 14, 23-24). Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

==================
Suy niệm 5
Tự do và trách nhiệm

Nói đến tự do là nói đến ân ban cao cả của Thiên Chúa trao tặng cho con người để con người tự do lựa chọn, làm chủ các hành động của mình và đưa ra quyết định có trách nhiệm về các hành vi ấy.
Tự do
Con người là tạo vật cao quý nhất được Thiên Chúa ban cho tự do, để con người ý thức rằng Thiên Chúa yêu thương mà đáp trả. Với tự do Chúa ban, con người có thể suy nghĩ, lựa chọn, quyết định cách sống, làm chủ đời mình và biết sống yêu thương, trong khi các loài khác phải sống theo quy luật cố định cho chúng. Chúa muốn con người là con cái Chúa chứ không phải thân nô lệ. Nhưng khi ban tự do cho con người, Thiên Chúa rất ư là liều lĩnh. Vì với tự do, con người có thể phản bội Thiên Chúa. Bài trích Sách Huấn Ca hôm nay bắt đầu bằng từ “Nếu”. "Nếu ngươi muốn tuân giữ các giới răn: việc trung thành giữ các giới răn là tùy ở ngươi" (Hc 15, 15).
Chọn gì được đấy
Hạnh phúc mà người ta tìm kiếm nằm ngay ở tầm tay con người. Giơ tay nắm lấy cái gì, hạnh phúc hay bất hạnh, thì người ta sẽ được ngay cái đó. Tác giả sách Huấn Ca tuyên bố: "Thiên Chúa ban cho con người sự sống và sự chết, con người có quyền lựa chọn thích thứ nào thì được thứ ấy" (Hc 15, 17 ). Lời trên làm chúng ta nhớ dến Cây biết biết lành biết dữ và Cây Sự Sống trong sách Sáng Thế (x. St 2 ​​, 9 ). Thiên Chúa dựng nên Adong và Evà, đặt họ vào trong "vườn địa đàng" cho ăn hết mọi trái cây trong vườn, trừ cây  "biết lành biết dữ". Nếu giơ tay lên hái trái cấm mà ăn, họ sẽ phải chết. Adong và Evà đã được đặt trong tình trạng tự do để lựa chọn tương lai cho mình và con cháu.
Trái cây hạnh phúc và bất hạnh ở ngay tầm tay. Họ có thể lựa chọn giữa sự sống và sự chết, giữa "lửa và nước" như lời sách Huấn ca hôm nay viết. Bởi vì "lửa" là hình ảnh về sức mạnh tiêu diệt, tàn phá và chết chóc, còn "nước" lại nói lên nguồn mạch sinh ra sự sống dồi dào. Con người muốn lựa chọn đàng nào cũng được.
Ađam-Evà đã lựa chọn thế nào ai trong chúng ta cũng đã biết. Thiên Chúa không truyền cho ai phạm tội; Ngài không ủy lạo kẻ dối trá. Vì là Ðấng tốt lành nên Thiên Chúa không muốn ai phải chết. Lựa chọn sự dữ hay bất hạnh, tốt hay dở là quyền do của con người. Nếu muốn sống thì con người chọn giữ lệnh Chúa truyền. Bằng không họ sẽ tra tay vào lửa và lựa chọn sự chết.
Chúng ta không "quyết định" chọn cái ác, tội lỗi là điều không thể tránh khỏi, nhưng dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được mời phân biệt sự lành và sự dữ cách tự do nhờ sức mạnh Thiên Chúa đã trao ban.
Chọn đi theo đường lối Chúa
Người khôn là người đi theo đường lối của Thiên Chúa. Ai giữ lệnh Chúa truyền, người ấy chắc chắn đi trong đường lối khôn ngoan dẫn đến sự sống. Chân lý này, người tín hữu nào cũng biết. Khó khăn nằm ở chỗ thực hành.
Trong thực tế, không phải lúc nào cũng dễ tuân giữ lệnh Chúa truyền. Kinh nghiệm dân Israel là bằng chứng. Họ không muốn tuân giữ Luật Chúa, để ngoài tai lời các tiên tri kêu gọi trở về, họ muốn sống như mọi dân tộc khác, đường họ họ đi. Tuy nhiên, dân Israel vẫn không nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa vẫn giữ kín từ đời đời cho đến lúc sáng tỏ trong biến cố Tử nạn - Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Vì sự khôn ngoan của Thiên Chúa mang lại sự sống và hạnh phúc đời đời cho con người, chứ không phải là Luật pháp và các Tiên tri. Chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu tuyên bố: "Ðừng tưởng Ta đến để bãi bỏ Lề Luật hay các Tiên tri; Ta đến không phải để bãi bỏ mà để kiện toàn". Chúa Giêsu đã khẳng định Người là Ðấng phải đến trong thế gian, Vị Cứu Thế mà Cựu Ước loan báo phải trông đợi. Uy quyền của Người át cả Lề luật và các Tiên tri. Tuy nhiên Người không phủ nhận và bãi bỏ họ, nhưng kiện toàn.
Chẳng hạn Luật xưa bảo: " Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa" (x. Mt 5, 21). Thì nay, Ðấng đến làm trọn Lề luật truyền lệnh không được tức giận anh em mình. Người đòi hỏi một sự công chính lớn và sâu xa hơn. Người kiện toàn luật này khi cấm người ta tức tối trong tâm hồn, và khuyên người ta hễ bất hòa với ai, phải mau làm hòa trước khi đến trước bàn thờ Chúa dâng của lễ.
Chỗ khác Luật xưa dạy rằng: Chớ ngoại tình! Nay Ðấng kiện toàn Lề luật đến, Người tuyên bố: phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng. Và Người truyền: "Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục" (Mt 5, 29-30).  Chúa Giêsu muốn chúng ta phải tiêu diệt tội lỗi ngay từ trong lòng, nơi các nguyên nhân và điều kiện dẫn đến tội lỗi.
Nhưng đã nói đến ngoại tình, Người không thể bỏ qua một thắc mắc đang sôi nổi ở thời Chúa Giêsu cũng như ở thời đại chúng ta. Luật xưa nói: ai rẫy vợ thì hãy cho vợ ly thư. Và ở nhiều nơi luật đời hiện nay đã cho ly dị. Còn Chúa Giêsu tuyệt đối cấm ly dị.
Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn trợ giúp, để chúng ta dùng tự do Chúa ban có trách nhiệm để được ơn cứu độ đời đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 6
Kiện Toàn Luật Yêu Thương

Hc 15,16-21; 1Cr 2,6-10; Mt 5, 17-37

Trong Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu lên tiếng khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5, 17). Vì họ hiểu lầm nên tố cáo Thầy vi phạm luật pháp và truyền thống của tiền nhân. Thầy không hề bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn, để cho mọi người tuân giữ luật lệ một cách hoàn hảo hơn. Thầy đặt giá trị tinh thần của luật làm trọng tâm. Thực hành luật từ tâm tình bên trong, trên nền tảng của đức ái, chứ không lệ thuộc vào mặt chữ bên ngoài một cách máy móc, cốt cho sòng phẳng. Thầy Giêsu đến không phải để cắt bớt lề luật cho nhẹ gánh, nhưng là kiện toàn cho dễ thở hơn. Thầy dạy giữ luật bằng tình thương trong mọi hoàn cảnh. Để các ông hiểu chắc chắn Thầy đến không làm cho luật bị mất đi, Thầy còn quả quyết: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.” (Mt 5,18-19). Đã là luật của Thiên Chúa, thì dù là điều nhỏ mọn cũng phải chu toàn cho trọn trong tình yêu thương. Từ những việc nhỏ mọn tầm thường nhất, mà chúng con thi hành và dạy làm vì lòng mến yêu, chứ không tại luật buộc, thì được Chúa kể là “lớn” trong vương quốc của Người. Nếu những việc cao trọng lớn lao cũng được thực hiện bằng tình yêu thương tự nguyện, thì người thi hành sẽ thấy hạnh phúc và nhẹ nhàng. Nếu không có lòng mến Chúa thật, thì con người sẽ tạo ra nhiều cách để an ủi và chuẩn chước cho mình khỏi phải tuân giữ luật Chúa. Họ sẽ tự giải thích Lời Chúa, ý Chúa theo cảm hứng, theo ý riêng của mình.
Một khi sống trong đường lối của Chúa sẽ giữ “luật yêu thương” mà Đức Giêsu đã kiện toàn: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” (Mt 5, 21-22). Giết người có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều khi không phải là giết thân xác, nhưng có thể giết chết danh dự, phẩm giá người ta bằng miệng lưỡi... Luật Môsê cấm giết người, nhưng Đức Giêsu đã kiện toàn, tiến xa hơn nữa, phải loại bỏ thái độ giận ghét anh em, mắng chửi... vì đó là những nguyên nhân sâu xa, mầm mống đưa đến tội giết người. Người xét đến tận gốc rễ vấn đề, những gốc rễ ấy cần được loại bỏ.
Chúa muốn chúng con thi hành luật yêu thương cùng với sự tha thứ để có thể yêu thương triệt để: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,20-26). Môn đệ của Chúa không chỉ dừng lại ở lệnh truyền “chớ giết người”, mà còn phải lấy tình yêu thương, sự hòa giải mà cư xử với nhau. Điều này thật cấp bách, là điều kiện để của lễ dâng lên đẹp lòng Chúa và xứng đáng.
Lạy Chúa! theo sự công chính và luật yêu thương Chúa dạy, tự sức chúng con không thi hành được. Nhưng nếu chúng con cậy dựa nơi Chúa và đón Chúa ngự vào, chính Chúa sẽ thực hiện, kiện toàn con người chúng con mỗi ngày, cho đến khi chúng con được thực sự trở nên công chính hóa. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Sứ điệp quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cườn
Sứ điệp quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cườn
Đại lễ Vesak, một thời gian thiêng liêng để kính nhớ việc đản sanh, thành đạo và nhập diệt của Đức Phật, là cơ hội thích hợp để chúng tôi gửi đến các bạn lời chào nồng nhiệt nhất và cùng với các bạn suy tư về trách nhiệm chung của chúng ta, là những Kitô hữu và Phật tử, về việc thăng tiến hòa bình, tinh thần hòa giải và lòng kiên cường,...
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log