Thứ năm, 09/05/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B

Cập nhật lúc 15:09 14/03/2024
Suy niệm 1
HẠT LÚA VÙI CHÔN
Ga 12, 20-33
Sống và chết là qui luật tự nhiên của muôn loài muôn vật. Chết là một cách để phát sinh sự sống mới, như Chúa Giêsu đã nói:“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Như vậy, chết là một sự thay đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ phong phú hơn nhiều. Đức Giêsu gọi giờ chết trên thập giá của Ngài là “giờ Con Người được tôn vinh”. Cũng từ đó, Ngài đưa ra một nguyên tắc sống:“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.
Ai mà chẳng yêu quí mạng sống mình; chẳng ai muốn đau thương hay chết chóc. Nhưng sống mà chỉ lo chiếm hữu và hưởng thụ, ta sẽ trở nên trơ trọi như hạt lúa giống không chịu vùi chôn. Cũng vậy, chẳng ai lại coi thường mạng sống mình, nhưng nếu coi trọng nó đến nỗi thành nô lệ cho chính mình, thì khác nào ta nuôi dưỡng một cái xác không hồn. Người ta nghĩ có được danh lợi quyền hành là vẻ vang, nhưng Đức Giêsu coi thập giá là vinh quang. Ngài dạy chúng ta, từ sự chết mới có sự sống, chỉ bằng cách hy sinh mạng sống, chúng ta mới giữ được sự sống; chỉ nhờ phục vụ, chúng ta mới trở nên cao cả. Qua những kinh nghiệm đau thương và buông bỏ, ta mới thấy mình được khi chấp nhận mất, thấy mình nhận lãnh khi chấp nhận cho đi. Như con ốc sên chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ, ta chỉ sống dồi dào khi ra khỏi những bận tâm và so đo tính toán cho mình để sống tình yêu.
Lời kinh Hòa Bình mà ta vẫn hát phải trở thành nguyên lý sống cho cuộc đời ta: “chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân...”. Từ đó ta mới hiểu rằng, sống và chết là hai hành vi trao đổi cho nhau trong từng giây phút và từng biến cố của đời mình. Sống là chấp nhận chết đi để triển nở: mỗi một hành vi khiêm tốn là chết đi một phần tính kiêu ngạo; mỗi một hành vi can đảm là chết đi một phần tính hèn nhát; mỗi một hành vi dịu dàng là chết đi một phần tính hung bạo; mỗi một hành vi yêu thương là chết đi một phần tính ích kỷ. Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới hình thành.
Tuy nhiên, quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, dù trong tinh thần hay thân xác cũng đều là hành vi của đau thương, tổn hại, mất mát, không dễ dàng chấp nhận, dù biết rằng đó là một cách tiếp nhận sự sống mới. Chính Chúa Giêsu cũng phải nao núng và dao động trước cái chết: “Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì?”. Chúa Giêsu không ngần ngại thố lộ với chúng ta nỗi xao xuyến và sợ hãi của Ngài. Ngài không làm ra vẻ anh hùng trước một sự hy sinh cao cả, nhưng Ngài đã bám níu vào Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này... Nhưng chính giờ này mà con đã đến”.
Như Chúa Giêsu, nếu ta biết tỉnh thức và cầu nguyện, ta sẽ thắng được nỗi sợ bị thua thiệt, mất mát. Cầu nguyện không phải là liều thuốc giảm đau, không hẳn ngăn chặn được nao núng sợ hãi, cũng không mong Chúa đổi ý để cứu ta khỏi đau khổ hay sự chết, nhưng cầu nguyện là sự tin yêu và phó thác trước nỗi xao xuyến và giằng co của phận người. Nhờ vậy mà ta thanh thản trong sự hiến dâng trọn vẹn, để đi vào sự phục sinh vinh hiển với Chúa Giêsu, như Lời Ngài đã hứa:Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.
Với niềm hy vọng lớn lao này, chúng ta hân hoan đón nhận cái chết như vị ân nhân đưa ta vào ngưỡng cửa vĩnh hằng. Phải chăng trong tâm tình đó mà R. Tagore đã dâng lời nguyện: “Ôi! Thần chết, ngươi làm cuộc đời tràn đầy lần cuối... Những gì ta là, những gì ta có, những gì ta hoài mong, những gì ta yêu thương, tất cả vẫn sâu xa bí mật trôi chảy về ngươi…Ôi Thượng Đế, kính lạy Người lần cuối. Như đàn hạc hoài hương, ngày đêm hối hả bay về tổ ấm trên núi cao, xin cho đời tôi phiêu du tới quê hương vĩnh cửu ngàn thu”.
Tuy nhiên, niềm hy vọng vào sự sống mới không chờ đến ngày mai mà phải thực hiện ngay hôm nay, nghĩa là đời sống chúng ta phải được biến đổi trong sự gặp gỡ Chúa hằng ngày, thấy Ngài đang hiến thân cho chúng ta trong mọi lúc, và mời gọi chúng ta hiến mình cho tha nhân trong mọi nơi. Xin cho chúng ta được như “hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi” để sinh nhiều bông hạt, góp phần đem lại niềm vui ơn cứu rỗi cho đời. Hạnh phúc biết bao khi nhận ra Chúa đã làm nên cuộc sống mình và đang đưa tới sự hoàn thành trong phục sinh vinh hiển.    
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su!
Khi nhìn đồng lúa mênh mông bát ngát,
từng cây lúa nặng trĩu những bông hạt,
có mấy ai nghĩ đã qua nhiều ngày tháng,
hạt giống chịu chôn vùi mục nát rã tan.

Đã bao người sống âm thầm lặng lẽ,
vui cho đi chia sẻ cuộc đời mình,
vẫn tận tình trong lao nhọc hy sinh,
để đem đến an bình cho nhân thế.

Nhìn vào cuộc đời con mới nhận ra,
cứ đâu phải tuổi trẻ là tươi đẹp,
mà phải là tuổi trẻ biết cho đi,
biết quên mình và sống vì người khác.

Từ ý nghĩa ấy con nay mới thấy,
nét suy tư của nếp nhăn trên trán,
nét đảm đang của những tấm lưng còng,
nét thong dong của những làn tóc bạc,
là nét đẹp từng trải qua năm tháng,
của một đời đã gieo hạt nẩy mầm,
là hạt lúa đã gieo vào lòng đất,
chấp nhận chết vì phúc lợi tha nhân.

Xin cho con biết xây dựng Nước Trời,
sống thực tâm theo lời mời của Chúa,
dám chết đi cho tội lỗi của mình,
để trổ sinh những hoa thơm trái đẹp.

Xin cho con luôn chia sẻ hiến trao,
biết làm cho cuộc sống thêm dồi dào.
chỉ mong sao đến một ngày mùa mới,
Chúa ban cho hạnh phúc đến muôn đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên
================

Suy niệm 2
DẪU LÀ CON THIÊN CHÚA

Đối với xã hội con người, đặc biệt trong Nho giáo, vai trò và thứ bậc quan hệ: quân - sư - phụ (vua - thầy - cha [ba, bố]) được nhấn mạnh, thậm chí được truyền tụng đến tận ngày nay. Một điều theo lẽ thường tình, rằng: vua, con vua (hoàng tử) và hoàng tộc chẳng phải làm những gì thường dân làm, nhất là: vua chẳng đời nào cúi xuống ‘rửa chân’ cho người dân, và chưa bao giờ gọi dân thường là ‘bạn hữu’!
Thế nhưng, chuyện ấy lại xảy ra đối với Đức Giê-su Ki-tô đầy lòng thương xót của chúng ta. Tuy Ngài là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng “đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (x. Pl 2, 7). Chưa hết, Ngài “lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x. Pl 2, 8). Nếu theo quan điểm cấp bậc trong xã hội, hoặc tư tưởng con người, Ngài đã làm những chuyện đáng lẽ không nên làm! Đúng vậy, nhưng nếu chúng ta nhớ lại lời Ngài phán dạy: “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45); hơn nữa, “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (x. Is 55, 8), thì ắt hẳn chúng ta hiểu phần nào hành động của Đức Giê-su. Chính vì vậy, Ngài vâng theo thánh ý, chương trình, tư tưởng của Chúa Cha, và thực hiện chúng, hơn là bước theo lối riêng mình hoặc cách thức, quan điểm, quan niệm, tư tưởng của con người. Mặc khác, Ngài sống đúng mực, nhất quán với những gì Ngài giảng dạy. Ngài không hề thương thuyết, hay thương thảo, hoặc tìm con đường trung lập dễ giải, hầu làm hài lòng mọi người. Đúng hơn, Ngài dành toàn tâm toàn ý sống đẹp lòng Thiên Chúa Cha, “dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục…” (Dt 5, 8; x. Pl 2, 8). Noi gương Ngài, chúng ta biết vui tươi hoàn thành trách vụ, phận vụ của mình, dù mức độ đòi hỏi, yêu cầu khác nhau, nhưng ở bậc sống nào đi chăng nữa, chúng ta cũng được mời gọi bước theo Thầy Chí Thánh Giê-su, Đấng mà chúng ta tín thác, tôn thờ, và cậy trông.
Dẫu là Con Thiên Chúa, nhưng khi còn sống kiếp phàm nhân, với bản tính con người, Ngài “đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết…” (x. Dt 5, 7). Là con người, ai mà không sợ hãi khi đối diện với cái chết, với bức tường vô hình sau cùng của đời dương thế! Đức Giê-su cũng vậy, Ngài lo sợ, đến nỗi lớn tiếng kêu van khóc lóc, khẩn nguyện với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu trước khi chịu cuộc thương khó, tử nạn (x. Mt 26, 37-45). Tuy nhiên, Ngài vẫn một lòng vâng phục, không hề quên thực thi thánh ý Chúa Cha “…xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (x. Mt 26, 39). Chúng ta cùng nhớ lại lời tiên tri Giê-rê-mi-a tuyên sấm trong bài đọc I hôm nay: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31, 33; 24, 7; 32, 39-40; x. 2Cr 3, 3; Dt 10, 16). Như thế, với bản tính con người, Đức Giê-su đã sống trọn vẹn giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Is-ra-el và với chúng ta. Ngài thực hiện cách hoàn mỹ ý định, chương trình của Thiên Chúa Cha nơi dương gian. Từ đó, soi chiếu bản thân mình, chúng ta nhận ra vô số thiếu sót, vì biết bao lần, chúng ta không thực hiện hoặc chưa sống giao ước, giới răn mà Thiên Chúa đã ghi tạc vào tâm khảm, vào lương tâm chúng ta, cũng như qua lời giảng dạy của Giáo hội, qua lời nhắn nhủ, nhắc nhở của thừa tác viên có chức Thánh!
Ngoài ra, tuy là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su Ki-tô đã trở nên hạt lúa miến, chịu gieo vào lòng đất, chịu thối đi, hầu trổ bông, sinh hoa, kết trái, mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, cho chúng ta, cho những ai “hy sinh mạng sống mình ở đời này để được sự sống đời đời” (x. Ga 12, 25), và cho tất cả mọi người phụng sự Ngài (x. Ga 12, 26) như lời tác giả thư gửi cho tín hữu Do Thái đã xác tín: “…và khi hoàn tất, Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Ngài” (x. Dt 5, 9). Quả vậy, là những người mang danh Ki-tô hữu, những người thuộc về Đức Ki-tô, chúng ta cũng được mời gọi trở nên ‘hạt lúa miến gieo vào lòng đất, chịu mục nát’, chết đi với biết bao tội lỗi, thói hư tật xấu, bỏ đàng ngỗ nghịch, vô luân, bất tuân phục Thiên Chúa, v.v…, để rồi được trổ sinh kết trái là những ơn lành, sự sống mới, ân thiêng, sức mạnh, nhiệt thành thực hiện sứ mệnh loan truyền tình Chúa, và làm chứng tá cho Ngài trong cuộc sống thường nhật.
Giờ đây, chúng ta cùng hướng nhìn lên Thánh giá Chúa chịu treo, và thầm thì nguyện cầu:
Dẫu là Thiên Chúa cao sang
Nhưng Ngài mặc lấy xác phàm thế nhân.
Chịu cuộc thương khó, hiến thân
Hy sinh tử nạn, thánh ân tuôn tràn.
Xin cho con bước hiên ngang
Một đời theo Chúa, bình an cõi lòng.
Vai mang thập tự, cậy trông
Trung thành, tín thác, khát mong tâm hồn.
Chúa phục sinh, Đấng chí tôn
Ân ban trìu mến, thiên môn mở đường. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 3
Đức Giêsu, Đấng kiện toàn g
iao ước

(Gr 31,31-34; Ga 12, 20 – 33)
Lịch sử cứu độ là bản trường ca vô tận diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Chính tình yêu của Ngài, Đấng tác tạo mọi sự, đã làm nên lịch sử thánh. Toàn bộ Kinh Thánh được tóm kết trong hai chữ “Tình Yêu”, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
Giao ước tình yêu
Vì yêu thương, Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng của Chúa. Không những thế, Chúa còn ký kết với dân Ngài một Giao Ước Tình Thương được tạc vào đá qua trung gian Môsê. Trong Giao ước ấy, mỗi bên đều có nghĩa vụ và quyền lợi của mình: về phía Thiên Chúa, Chúa nhận dân là dân riêng của Chúa và hứa sẽ bảo vệ giữ gìn; về phía dân, họ nhận Chúa là Thiên Chúa duy nhất và tuân giữ Mười Điều Răn Chúa truyền.
Sở dĩ gọi là Giao Ước Tình Thương là vì dân Israel đã thường xuyên vi phạm giao ước ấy, quay lưng lại với Thiên Chúa, thờ bò vàng (x. Xh 32), dẫn đến hậu quả là nước mất, nhà tan, dân chúng lâm cảnh lưu đày. Vì yêu thương và thành tín, Chúa vẫn giữ lời giao ước. Lời Chúa trong sách Đệ Nhị Luật là bằng chứng: “Chính là vì yêu thương anh em, và để giữ trọn lời hứa với cha ông anh em, mà Chúa đã ra tay uy quyền giải thoát và đưa anh em ra khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập. Và anh em sẽ biết rằng Đức Chúa, Chúa của anh em, mới thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ trọn lời giao ước, và tỏ lòng nhân nghĩa đối với những ai yêu mến Người và tuân hành các giới luật Người ban” (Đnl 7,6.8-9”.
Giao ước mới
Thiên Chúa không đành phá vỡ giao ước, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu là lý do Chúa lại trao ban cho dân một giao ước mới. Giêrêmia là người duy nhất nói về “giao ước mới”, ông tuyên sấm: “Chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng”. Họ đã bất trung, lỗi lời giao ước, chạy theo các thần ngoại mà thờ, không tuân giữ các điều Chúa truyền dạy, sống bất công và vô luân. Chúa là Thiên Chúa tình thương, vấn vương khi tạo dựng, lòng thành tín của Chúa trải muôn ngàn đời, không hề lỗi lời giao ước. Thay vì chia tay để con người chết trong tội, Thiên Chúa chọn để thiết lập một giao ước mới khi tuyên sấm: “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng”.
Giao ước mới này sẽ được ký kết với toàn thể dân Chúa là Israel và Giu-đa, và sẽ vững bền mãi mãi. Thiên Chúa sẽ in sâu vào trái tim con người sự hiểu biết và tình yêu của Ngài mà không đòi hỏi điều kiện gì khả dĩ có thể trở nên vô hiệu lực khi điều kiện đó không tuân giữ được: “Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31, 34).
Nếu Luật của Thiên Chúa trước kia được khắc vào đá và Môisen phải đọc và truyền cho dân, dân đã lỗi phạm do vô tình hay hữu ý, khiến Chúa nổi giận. Nay Chúa trao ban Luật cho dân với một cách thức và công thức mới là ghi tạc vào lòng con cái Israel (x. Gr 31, 33). Mỗi người sẽ nhận được trực tiếp và cá nhân với Chúa (x. Gr 31, 34) không qua trung gian: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em ” (Gr 31, 34). Theo nghĩa Kinh Thánh là hiệp thông với Chúa cách sâu xa nhất. Công thức của hai bên: “Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31, 34), đây là nét đặc trưng của giao ước kể từ khi Xuất hành (x. Xh 6, 7) sẽ được áp dụng cho từng người trong dân. Một giao ước “khiến mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Chúa, vì Chúa sẽ tha thứ tội lỗi cho dân” (Gr 31, 34). Giao ước mới này sẽ được Đức Kitô thực hiện và hoàn tất trong “giai đoạn” vượt qua.
Giao ước được kiện toàn nơi Đức Giêsu 
Trong lịch sử cứu độ; các giao ước được sắp xếp theo chiều từ thấp lên cao như những mắt xích, mà đỉnh điểm tối hậu là Giao Ước Mới, giao ước được thiết lập trong máu Đức Giêsu Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa thực hiện một lần thay cho tất cả; nghĩa là nơi Con Một yêu dấu, Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh viễn với con người.
Bằng một ẩn dụ về hạt lúa mì, Chúa Giêsu dùng với hình ảnh giầu biểu cảm về mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm của sự biến đổi từ cõi chết qua cõi sống.
Ðể chứng minh giao ước này là giao ước đời đời không hề thay đổi, Đức Giêsu đã trao ban bánh và rượu trong Lễ Vượt Qua, tượng trưng cho thịt và máu của Người, làm dấu chỉ giao ước hữu hình ở lại luôn mãi với loài người chúng ta (x. Ga 6,53-56, Mt 26,17-28).
Chúng ta phải khẳng định rằng, vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu đã phải chịu chết cách đau đớn và nhục nhã trên Thánh Giá. Cũng vì tội lỗi loài người, và để tha tội cho chúng ta mà Chúa Giêsu đã lấy chính máu mình để thiết lập Giao Ước Mới như lời Chúa nói trong bữa tiệc lý: “Máu Giao Ươc Mới sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội” (x. Mt 14,24 ; Lc 20,22 ; 1Cr 11,25).
Dân chúng thời Cựu Ước được ơn tha tội nhờ máu chiên bò, nhưng đến thời Tân Ước, họ được ơn tha tội nhờ Máu Chúa Giêsu đổ ra (x.1 Cor 5,7). Trong giao ước mới này, muôn người được ơn tha tội nhờ bửu huyết châu báu Chúa Kitô.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

================

Suy niệm 4
ĐỨC GIÊSU CHỊU KHỔ HÌNH VÌ YÊU NHÂN LOẠI

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 5 Mùa Chay, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu đã hiến thân chịu khổ hình, xin Chúa ban ơn trợ giúp, để chúng ta biết noi gương Người, mà tận tình yêu thương nhau.
Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư Hípri cho thấy: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Đức Giêsu Kitô là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Người khai mở lòng tin của chúng ta, Người khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.
Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, để trở thành Lễ Vượt Qua cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Athanaxiô đã nói: Đức Giêsu là mục tử, là thượng tế, là đường, là cửa, và Người đã trở thành tất cả cho chúng ta thế nào, thì Người đã xuất hiện như một cuộc lễ, một đại lễ như vậy. Đức Kitô chịu hiến tế chính là Lễ Vượt Qua của chúng ta. Người tiền phong mở đường cho chúng ta đã đi vào thánh điện, đó là Con Chiên vô tỳ tích. Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Người đã trở nên Vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Menkixêđê, Người tồn tại đến muôn đời muôn thuở.
Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, để thiết lập Giao Ước Mới, được ký kết bằng chính Máu của Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Giêrêmia đã tiên báo về một Giao Ước Mới, mà Thiên Chúa sẽ thiết lập: Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.
Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, để xóa bỏ tội lỗi nhân loại, vì thế, trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 50, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thư gửi tín hữu Hípri cũng đã cho thấy: Đức Kitô đã học biết thế nào là vâng phục, để trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho cho tất cả những ai tùng phục Người. Phục tùng Chúa, chính là phục vụ Người, vì thế, câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói rằng: Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Đó chính là quy luật tiêu hao của tình yêu. Do đó, vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã phải hiến thân chịu khổ hình: đã chấp nhận bị khạc nhổ, để trả lại cho nhân loại sinh khí, trước kia, họ đã lãnh nhận trong vườn địa đàng; đã chấp nhận bị vả trên má, để phục hồi gương mặt hư hỏng của họ cho giống với hình ảnh của Thiên Chúa; đã chấp nhận những đòn vọt trên lưng, để cất đi gánh tội, đè nặng trên vai họ; đã chấp nhận bị đóng đinh vào cây thập giá, vì họ đã từng đưa tay hướng về cây trái cấm mà phạm tội. Ước gì ta cảm nghiệm được tình yêu thương, mà Chúa dành cho ta, để ta cũng biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu ta. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

================

Suy niệm 5
Chúa chết để con được sống

Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33
“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
Theo định luật tự nhiên, để có bông hoa đẹp tươi nở khoe sắc lung linh trên cành, thì nguồn gốc trước kia nó từng là một hạt nhỏ xấu xí, khô lóc. Nhưng khi gặp đất và nước, nó chương lên, nứt nẻ rồi bung ra, ngoi lên mầm sống mới, cây từ từ phát triển đến lúc nở hoa sinh trái. Hạt lúa được gieo vào ruộng bùn cũng phải chương lên, hư thối để mọc lên cây mạ, rồi thành cây lúa tươi tốt và cuối cùng sinh bông hạt trĩu nặng, từ một hạt chịu thối đi thành trăm triệu hạt mới. Đó là một cuộc đánh đổi tự nhiên mà vô cùng lời lãi. Bởi vì “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 42-44). Chính Đức Giêsu đã từ bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, để rồi sinh ơn cứu rỗi, cho muôn người được ơn cứu độ và bước vào sự sống mới.
Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa thật dễ hiểu để áp dụng cho cuộc đời của Người, đồng thời là qui luật chung cho những ai muốn bước theo Ngài. Người chính là hạt lúa được gieo vào lòng đất. Cuộc thương khó và cái chết của Người dẫn tới sự sống bất diệt, để quy tụ dân Do Thái và dân ngoại thành một cộng đoàn vô cùng đông đảo những người được cứu.
Trong cuộc đời người Kitô hữu, nếu tôi sẵn sàng chịu bung vẩy trày sứt vì lội ngược dòng đời, để sống theo Lời Chúa dạy, chết đi cho những tội lỗi, nết xấu, thì chính Chúa sẽ biến đổi, làm cho tôi được lại sự sống mới.
Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” (Ga 12, 25-26). Đức Giêsu quả quyết: “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” Cái được- mất trong sự bỏ mình hay giữ lấy, Người đã chứng minh bằng luật tự nhiên: “Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác”. Với ý nghĩa này, ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh, “chết” đi để được “sống”. Ai chăm lo tìm kiếm lạc thú ở đời này thì sẽ mất đời sống vĩnh cửu. Còn ai dám từ bỏ bản thân vì Chúa và vì Tin Mừng thì sẽ được hưởng sự sống đời đời mai sau. Người môn đệ - “kẻ phục vụ Thầy” cũng phải đi cùng một con đường như Đức Giêsu để đạt tới vinh quang. Như hạt lúa, chúng con cũng phải chết đi cho tội lỗi để sinh nhiều bông hạt.
Lạy Chúa! Chúa chính là hạt lúa gieo vào lòng đất, Chúa chịu chết cho chúng con được sống muôn đời, cũng như hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi để cho nhiều bông hạt. Chúa đã thí mạng vì chúng con, nên mẫu gương hy sinh cả mạng sống mình cho muôn thế hệ. Xin cho chúng con mỗi ngày biết hy sinh, đánh đổi cho những giá trị cao cả của Tin Mừng, để mỗi ngày đời con trở nên như một của lễ đẹp lòng Chúa. Amen
Én Nhỏ

Thông tin khác:
Thuở lang thang (12/03/2024)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Phi Đình khai mạc tháng hoa dâng kính Đức Mẹ
Giáo xứ Phi Đình khai mạc tháng hoa dâng kính Đức Mẹ
Hòa chung tâm tình với toàn thể Giáo hội hướng về Đức Mẹ Maria, tối thứ Bảy ngày 04.05.2024, giáo xứ Phi Đình long trọng tổ chức rước hoa và đồng tiến dâng hoa kính Đức Mẹ. Tham dự buổi khai mạc Tháng Hoa có sự hiện diện của cha Đặc trách Giuse, quý hội đồng giáo xứ, 5 đội hoa đến từ các giáo họ trong giáo xứ, quý khách tôn giáo bạn và mọi thành phần dân Chúa giáo xứ Phi Đình.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log