Thứ bảy, 20/04/2024

Nốt lặng 4.0

Cập nhật lúc 10:00 09/07/2021
Đang treo bộ quân phục vừa mới ủi vào tủ, lão gật gù hài lòng khi nghĩ đến mấy hôm nữa, lão sẽ diện nó để đi dự hội cựu chiến binh của xã được tổ chức hằng năm. Bỗng chuông điện thoại reo vang, mải nghĩ về buổi gặp mặt, lão chẳng nhìn xem ai gọi mà alo thật to, phía đầu dây bên kia tiếng đứa cháu gái liến thoắng:
Ông ơi! Mời ông ra ăn cơm ạ!
Cháu đang ở đâu mà lại gọi điện cho ông?
Dạ! Cháu đang ở bếp đây ạ!
Bước vào bếp, lão nhìn thấy đứa cháu vừa bưng bát canh nóng hổi, vừa ríu rít vào điện thoại:
Mấy chậu hoa ngoài sân bà cứ để lát nữa cháu tưới, mời bà vào ăn cơm cho nóng, hôm nay cháu nấu canh cua mồng tơi, món này mà ăn với cà pháo muối chua bà làm thì tuyệt cú mèo đấy bà ạ!
Bưng bát cơm nóng hổi thơm phức mà cô cháu gái vừa xới, lão bảo:
Cùng ở trong một nhà, tại sao cháu không trực tiếp mời ông bà cho nó gần gũi, mà lại bày đặt gọi điện như vậy hả cháu? Ông thấy nó cứ sao sao ấy!
Cô cháu gái nhí nhảnh:
Sao sao là sao Mai hay sao Hôm hả ông? Cháu thì chả thấy sao gì, chỉ thấy những tiện ích tuyệt vời của thời đại 4.0 mà thôi.
Ừ! Tiện ích thì tiện ích thật, nhưng cũng tùy vào từng công việc, từng đối tượng quan hệ cũng như từng khoảng cách địa lý chứ cháu. Mà này, chiều nay cháu đi mua cho ông bà ít trái cây ngon, ngày mai ông bà đi sang nhà bác cả thăm cụ ngoại nhé!
Trời ơi! Nắng nôi oi bức thế này, ông bà đi về khéo lại ốm thì khổ, để cháu lấy điện thoại “bắn” tiền cho anh Tùng con bác cả, anh ấy sẽ trao lại cho cụ, cầm tờ Polymer mát hơn ăn trái cây ông ạ.
Lão trừng mắt nhìn cô cháu gái:
 Cháu đừng hỗn, sao lại đặt tình cảm gia đình lên bàn cân với đồng tiền.
Cô cháu gái cúi đầu lặng đi giây lát rồi lí nhí:
Cháu xin lỗi ông ạ!
Sau bữa cơm, lão ra ngồi uống trà bên góc hiên dưới giàn thiên lý, bao ký ức xa xưa của thời bao cấp khó khăn nhưng mặn nồng tình quê chợt ùa về. Ngày ấy, đi làm đồng về là mọi người trong gia đình quây quần bên mâm cơm thanh đạm nhưng thật đầm ấm. Đĩa rau muống luộc bên tô canh tép nấu khế chua và một nồi cơm độn sắn siêu to khổng lồ, cứ vơi dần theo những câu chuyện cày cấy, tát nước bỏ phân, giăng câu thả lưới, đặt đó đơm lờ. Mỗi người một chuyện, vừa ăn vừa cười nói vui vẻ, rộn rã mái nhà tranh nép dưới lũy tre xanh xào xạc trong gió chiều. Hoàng hôn về, từng đàn trâu da đen láng bóng, bụng no tròn như những quả sim chín mọng, nối đuôi nhau thong thả về làng. Vắt vẻo trên lưng trâu là những chú bé cởi trần, da cháy nắng, tay cầm dây thừng, miệng luôn vặt diệt, không cho lũ trâu quơ trộm vạt lúa đang thì con gái, xanh mơn mởn hai bên vệ đường. Nơi cổng làng gió thổi mát rượi, lũ trẻ nhỏ đang tụ tập reo hò, trên tay mỗi đứa là một chiếc chong chóng, quê tôi gọi là “lông lốc”. Được bố mẹ hay anh chị làm cho từ lá dứa dại, có que cắm ở giữa, đứa nào đứa nấy ra đứng nơi đầu gió, thế là lông lốc quay tít trong tiếng reo cười thích thú. Mỗi khi gió ngừng thổi, chúng lại đua nhau chạy thật nhanh để làm ra những luồng gió “nhân tạo” cho thú vui dân dã. Khi màn đêm về, lũ trẻ lại rủ nhau chơi trốn tìm, chơi rồng rắn lên mây, rồi mèo đuổi chuột. Ôi! Nhắc đến những trò chơi này, lão chợt thấy thèm cái thời tuổi thơ dữ dội làm sao. Rồi trong làng xóm láng giềng có việc hiếu việc hỷ, là người này cái thớt, con dao, người kia, cái nồi, cái chậu, tự động mang đến, tự động lăn xả vào làm như là việc của nhà mình. Cảnh quê, người quê, tuy nghèo mà thật thanh bình trong tình người, tình làng nghĩa xóm.
Ngày nay, chẳng biết những làng quê khác thế nào, chứ quê lão tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy một đứa trẻ nào cưỡi trên lưng trâu nữa. Thay vào đó, chúng cưỡi xe máy… phi nước đại, dù nhiều đứa chưa đến tuổi được lái xe. Nói đến trò chơi lông lốc đứa nào cũng ngơ ngác chẳng biết là trò gì, nhưng nói đến những trò chơi điện tử thì đứa nào cũng khoe mình là game thủ trong xóm. Niềm vui duy nhất của tuổi thơ quê lão còn giữ được là thú thả diều, nhưng không phải là những con diều được làm từ những tờ báo, cuốn vở cũ. Cùng với cảnh những đứa trẻ mình trần, mồ hôi nhễ nhại, cắt cắt, dán dán, giữa trưa hè nắng nóng, sau đó còn rón rén ăn cắp cuốn chỉ khâu của mẹ đi làm dây diều. Sợi chỉ mỏng manh như vậy, nên có đứa chưa kịp… sướng khi diều lên cao, thì đã tiu nghỉu rơm rớm nước mắt vì bị đứt dây diều. Bây giờ, chỉ việc ra chợ, xòe tiền ra là có được những con diều đủ mọi hình thù, màu sắc, kích cỡ, cùng với những sợi dây siêu bền. Chiều chiều, khi nắng đã nhạt màu, trên con đê lộng gió, những cánh diều lại thi nhau chao liệng trên bầu trời xanh màu ngọc bích.
Hôm rồi, mấy lão bạn già ngồi tâm sự với nhau, có lão than thở: con cháu mỗi đứa mỗi việc, đi vắng suốt ngày, hai ông bà ở nhà tất tưởi, lọ mọ ra vào nấu cơm, đợi con đợi cháu về xum họp sau một ngày bận bịu. Thế nhưng, có hôm cậu con trai vừa về đến nhà, tắm rửa xong, bảo bận đi họp hội đồng niên, rồi lần lượt đồng nghiệp, đồng môn, rồi đồng hương đồng khói. Con dâu cũng chẳng kém cạnh, bữa đi mừng tân gia, buổi tới dự sinh nhật, rồi thăm thú bạn bè. Mấy đứa cháu, đứa đi học về, quăng vội cái cặp rồi ngồi dán mắt vào màn hình, tay chân khua loạn xạ, miệng thì chíu chíu, bùm bùm, có lúc lại hú lên sung sướng, như du kích bắn rơi pháo đài bay B-52 của Mỹ thời chiến tranh. Đứa thì suốt ngày đứng trước điện thoại lướt qua lượn lại, hỏi thì nó bảo đang “lai chim lai cò”, rồi lại “chếch in chếch eo” cái gì đó. Thôi thì hai thân già đành bảo nhau thưởng thức thành quả mà mình đã đặt hết niềm yêu thương để nấu nướng, mong cho con cháu được ngon miệng, vui lòng, thế mà chúng lại không hiểu cái điều mà chúng cứ ra rả đã quá thấu hiểu. Ngồi bưng bát cơm trắng dẻo thơm ngon, trên mâm đầy thịt cá, chả giò, mà sao ông bà thấy khó trôi hơn bữa cơm độn sắn, ăn với rau sắn luộc, được nấu bằng… củi sắn. Bây giờ, nhà ai có việc thì đã có dịch vụ từ A đến Z, anh em, họ hàng đến chỉ việc dúi cái phong bì vào nơi… đã định sẵn, rồi kéo nhau vào cụng ly canh cách, miệng hò hét dôz dôz, sau đó khật khưỡng ra về, thế là đã làm tròn phận sự đối với họ hàng. Làng quê xưa, mỗi trưa hè kẽo kẹt võng đưa, vẳng tiếng ầu ơ dặt dìu bên làn gió thoảng từ chiếc quạt mo cau, nay chỉ còn là chuyện cổ tích. Ngày nay, con quấy khóc, hay muốn ru con ngủ, bố mẹ chỉ cần mở điện thoại thông minh ra, đưa cho nó là OK, mà chẳng biết rằng cái tiện ích ấy sẽ kéo theo bao hệ lụy sau này.
Người quê xưa tuy ít học, ăn nói bộc trực như bánh đúc bày sàng, nhưng mỗi khi có việc xích mích, mọi người đều ý thức đóng cửa bảo nhau. Trong gia đình cũng vậy, vợ chồng có say nắng cảm mưa ai, thì cũng chẳng dám vạch áo cho người xem lưng, vì xấu chàng thì hổ ai. Ngày nay, con người có học hơn, có điều kiện hơn, người người iphone, ipad, lên “facebook” vào “YouTube”, chẳng biết có phải để giải quyết khâu… Ha waii không nhỉ? Vì thật lạ đời, sống chung trong một mái nhà, cùng khúc ruột già máu mủ, vậy mà nhiều khi dửng dưng như người xa lạ, kiệm lời với nhau tới mức khó tin, việc gia đình cần góp ý, giúp đỡ, thì lại tìm mọi cách để lảng tránh, trốn trách nhiệm. Ấy nhưng, mọi chuyện hổ lốn của thiên hạ, từ ông to chính trường đến bà đại thương trường, từ ăn no phè phưỡn nứt diều, đến chém nhau sứt đầu mẻ trán, từ đánh ghen lột đồ, đến đời sống phòng the vợ chồng, từ con gái bắt mẹ ăn đồ phế thải, đến con trai đuổi cha ra khỏi nhà, lang thang cầu bơ cầu bất. Từ đại gia tới kẻ cơ bần, từ hoa hậu, người mẫu, đài các trên sàn catwalk, tới thôn nữ miệt vườn lội sình kiếm kế mưu sinh. Tất cả đều được… lên sóng và chỉ mấy giây sau, cái được gọi là cộng đồng dân mạng, đã thi nhau ào ào nhảy vào giải quyết thật nhiệt tình. Người thích thì bào chữa, bênh vực, an ủi, kẻ ghét thì luận tội, lên án, rủa xả. Lại còn có những thành phần ranh mãnh, ma lanh, ném đá giấu tay về cả hai phe, để cho bọn chúng lồng lên cấu xé nhau, rồi thích thú cười ha hả. Ôi! Lối sống ảo của thời đại 4.0 này, liệu có đưa con người trở thành một nốt lặng?
Tiếng cô cháu gái lảnh lót đầu ngõ:
Ông ơi! Cháu mua trái cây đây rồi, mai ông bà cho cháu đi thăm cụ luôn với ạ!
Ừ! Thế mới phải đạo làm con cháu chứ!
Cô cháu gái vừa nhảy chân sáo vào nhà vừa nói:
Mai bố mẹ cháu mà thu xếp được công việc để về sớm, thì đại gia đình mình cùng đi một chuyến, thế thì cụ vui lắm ông nhỉ!
Lão gật gù, đưa tay vuốt chòm râu, mắt hoen mờ trong ánh chiều tà.
Hồng Minh
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log