Thứ sáu, 26/04/2024

Bài giảng của Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến trong Thánh lễ Làm Phép Dầu 2022

Cập nhật lúc 17:29 12/04/2022
Trong hơn 3 năm đi học tại Mỹ, tôi được tham dự Lễ Truyền Dầu tại Tổng Giáo phậnPhiladelphia. Thánh lễ thường quy tụ khoảng 600 linh mục trong giáo phận. Thánh lễ là phụng vụ chung của Giáo hội thì ở đâu cũng cử hành giống nhau. Nhưng ai đến đây tham dự thánh lễ Dầu cũng cảm nhận được một niềm vui và chia sẻ đối với các linh mục. Đó là khi kết thúc thánh lễ, đoàn đồng tế di chuyển về phía cuối nhà thờ không đi vào giữa nhà thờ, mà lại đi vào lối đi giữa 2 hàng ghế có khá đông giáo dân tham dự. Bài hát kết lễ được thay thế bằng những tràng pháo tay giòn giã của giáo dân và các linh mục. Suốt đoạn đường di chuyển như thế, tôi thấy nhiều linh mục dừng lại bắt tay hoặc ôm hôn, vẫy tay chào tùy theo văn hóa giao tiếp của họ đối với những người thân, có thể là bà con anh em họ hàng ruột thịt, hoặc giáo dân quen biết. Vì là một giáo phận đa sắc tộc, nên người tham dự cũng như linh mục đoàn là người da trắng, người da màu, người Hispanic (nói tiếng Tây Ban Nha), người gốc Á châu như Philipines, Việt nam… Nhưng tất cả đều được người giáo dân trao tặng cho những nụ cười rạng rỡ biểu lộ trên từng nét mặt. Một tình cảm rất đặc biệt của những người giáo dân rất gần gũi, mà ta chưa một lần gặp mặt. Thật là cảm động!
Tuy nhiên, bước ra khỏi nhà thờ Chính Tòa, phía bên kia đường có quảng trường công cộng. Có một vài nhóm người giơ cao biểu ngữ chống đối linh mục. Có khi là các nhóm thuộc phong trào nữ quyền, đòi giáo hội phải công bằng với phụ nữ, phong chức linh mục cho phụ nữ; Có khi là nhóm chống đối đòi giáo hội mạnh tay kỷ luật các linh mục có những sai phạm, tội lỗi đối với những thành phần yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội… Hai hình ảnh trái ngược bên trong và bên ngoài nhà thờ khiến tôi nhiều suy nghĩ và tự hỏi:
1/ Tại sao linh mục được rất nhiều người yêu mến và luôn thể hiện tình chia sẻ hiệp thông?
2/ Tại sao linh mục cũng đang bị nhiều người chống đối lên án và loại trừ?
1/ Câu hỏi thứ nhất ta có thể trả lời qua hình ảnh Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Đức Giêsu bước vào cuộc đời công khai thực thi sứ vụ rao giảng Tin mừng. Ngài đi rao giảng nhiều nơi, làm nhiều phép lạ, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ… nay trở về Nazaret. Ngài vẫn thể hiện hình ảnh của một người Do Thái đạo đức. Đến Hội đường vào ngày Sabat như một công việc quen thuộc. Đây là một hành vi đạo đức theo luật định mà Đức Giêsu vẫn làm trong suốt những năm tháng sống ẩn dật tại Nazaret. Ngài đã từng đến đây vào ngày Sabat để nghe đọc Lời Chúa. Được các kinh sư giảng giải Lời Chúa. Cầu nguyện với Lời Chúa. Chia sẻ về sự hiểu biết và sống Lời Chúa với người khác. Nay trở lại Hội đường Nazaret với một tư cách khác. Đức Giêsu được trao cho nhiệm vụ đọc sách Thánh, đoạn trích từ sách Ngôn sứ Isaia. Mọi người chăm chú lắng nghe đoạn sách Thánh: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Lời giải thích của Đức Giêsu rất ngắn gọn. Ngài là Đấng mà Isaia đã loan báo. “Hôm nay ứng nghiệm lời ngôn sứ tai các ngươi vừa được nghe”. Đức Giêsu đã luôn ý thức được sứ mạng và ơn gọi của mình. Là người được tuyển chọn. Là Đấng được xức dầu. Được hiến thánh, tràn đầy Thánh Thần. Là người phải thực thi sứ mạng của Thiên Chúa trao phó: rao giảng Tin mừng cho người nghèo, an ủi kẻ ưu phiền, chữa lành người bệnh tật, đem tình thương tha thứ của Thiên Chúa đến cho người tội lỗi.
Thật vậy, Đức Giêsu là hình ảnh một linh mục mẫu mực: thực hành những việc đạo đức như bao người khác, giữ gìn luật Chúa, chu toàn bổn phận, hiện diện giữa cộng đoàn dân Chúa, cách riêng vào các ngày Sabat. Ngài là thừa tác viên Lời Chúa, công bố Lời Chúa, giải thích Lời Chúa cho mọi người. Đọc được dấu chỉ và thánh ý Thiên Chúa thực hiện ngang qua cuộc đời của Ngài. Chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa trong cuộc đời và sứ mạng được trao phó. Chu toàn bổn phận và dấn thân phục vụ mọi người. Nếu linh mục chúng ta biết sống theo khuôn mẫu là Đức Giêsu, chắc chắn sẽ được nhiều người yêu mến. Những người yêu mến linh mục, là vì linh mục biết noi gương Chúa Giêsu, sống như Chúa Giêsu, thực hiện sứ mạng của Chúa Giêsu và là hình ảnh của Chúa Giêsu nơi trần gian này. Vì thế, anh em linh mục chúng ta dễ dàng đón nhận được tình yêu thương, sự trợ giúp và chia sẻ tình hiệp thông từ phía những người Công giáo cũng như nhiều người ngoài Công giáo.
2/ Câu hỏi thứ 2 thật không dễ trả lời đối với chúng ta. Nhưng nếu nhìn lại đời sống cá nhân trong tư cách là linh mục của Chúa, chúng ta sẽ thấy được phần nào lý do của sự chống đối, bài giáo sĩ ngày nay.
Nếu chỉ vì nhiệt thành nhà Chúa, cố gắng sống như Chúa Giêsu, mà ta bị chống đối bài xích như Đức Giêsu đã bị giới lãnh đạo Do Thái chống đối và lên án, đó lại là một điều tốt. Nhưng trong thực tế, linh mục chúng ta đang sống xa Chúa Kitô. Người tín hữu không tìm thấy nơi linh mục khuôn mặt của Chúa Giêsu, Đấng chuyên chăm cầu nguyện, đời sống nhân bản, biết giúp đỡ và chia sẻ, hy sinh và nhiệt thành trong việc rao giảng Tin mừng. Linh mục chúng ta nhiều khi không ý thức đủ sự thánh thiện ngay trong chính những cử hành phụng vụ thánh. Linh mục là người được xức dầu thánh hiến, mà chúng ta vì một lý do nào đó đã không còn nhớ mình đã được thánh hiến, không còn thuộc trọn về Thiên Chúa. Dẫu rằng, linh mục vẫn là con người, mang một thân phận mỏng dòn yếu đuối, dễ sa ngã, phạm tội. Nhưng để làm một linh mục, chúng ta đã được huấn luyện, được giáo dục cẩn thận cho biết cách làm thế nào để có thể vượt qua những cám dỗ yếu hèn của thân phận con người. Hãy nhớ lại những khi ngồi giải tội, chúng ta nhân danh Chúa Kitô tha tội cho hối nhân. “Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Một tội nhân nhân danh Chúa tha tội cho một hối nhân. Ta còn dạy cho người khác biết cách sống tốt hơn, biết tránh xa dịp tội, hoán cải tâm hồn mỗi khi lỗi phạm và dốc lòng chừa cải lỗi lầm. Trong khi chính linh mục chúng ta nhiều khi không làm được những điều mình khuyên dạy người khác. Thậm chí còn kéo lê cuộc đời của mình trong lầm lỗi và tìm mọi cách đánh lạc ý thức, biện minh cho những sai trái, lạm dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Đó là lý do mà linh mục thường bị ngay chính những người tin vào Thiên Chúa chống đối, bài xích, chỉ vì chúng ta sống chưa đúng tư cách của một linh mục Chúa Kitô. Hơn nữa, đời sống linh mục chúng ta ngay cả sống tốt, sống khéo, làm đẹp lòng con người cũng đã là một điều khó. Thế thì sống đẹp lòng Chúa chắc chắn còn khó hơn nhiều.
Sám hối trở về với Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân hậu, giàu tình thương và rất mực khoan dung, một hành vi không bao giờ là quá muộn. Sám hối trở về sống đúng với căn tính của linh mục càng sớm càng tốt. Chúng ta vẫn tuyên xưng một Giáo hội thánh thiện, nhưng giáo hội ấy vẫn cần phải sám hối (GH số 8). Chỉ khi nào linh mục chúng ta ý thức mình hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô và giáo hội của Ngài, chúng ta sẽ sống trong chân lý và chân lý sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi nô lệ của những gì là bất chính, những quyến luyến lệch lạc, những ham hố đối với trần gian, những biếng nhác của người mục tử… những thứ đang làm cho linh mục tuy sống trong nhà Chúa nhưng lại rất xa Thiên Chúa.
Vì vậy, những gì là tốt lành thánh thiện và đầy cảm xúc mà người giáo dân hoặc lương dân dành cho một linh mục biết sống trung thành với ơn gọi và sứ mạng Chúa trao phó, chúng ta hãy trân trọng, cùng nhau tạ ơn Chúa và mỗi ngày ta cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Mặt khác, chúng ta sẽ có lúc phải đối mặt với những chỉ trích, khích bác, chống đối và sỉ nhục, ta đừng quên chính Đức Kitô cũng đã từng bị như vậy. Nhưng chúng ta cũng phải biết nhìn nhận những thiếu sót và lầm lỗi của mình có thể là nguyên nhân gây nên những phán kháng đó.
Trong một giáo hội hiệp hành, linh mục cần phải gặp gỡ, lắng nghe và phân định. Nhận ra đâu là tiếng nói của Thánh Thần soi dẫn, để chúng ta luôn trung thành với ơn gọi và sứ mạng, trở về sống đúng căn tính của người linh mục của Chúa Kitô. Amen.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
Tập đoàn công nghệ Cisco ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo
​Ngày 24/4/2024, ông Chuck Robbins, giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông kỹ thuật số đa quốc gia Cisco, một tập đoàn có trụ sở tại Mỹ và chuyên cung cấp thiết bị mạng, đã gặp Đức Thánh Cha và đã ký cam kết đạo đức về trí tuệ nhân tạo của Vatican, một tài liệu được Hàn lâm viện Tòa Thánh công bố lần đầu tiên vào tháng 2/2020.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log