Thứ hai, 02/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Vọng năm C

Cập nhật lúc 13:48 24/11/2022
Suy niệm 1
HÃY SẴN SÀNG
Mt 24, 37- 44
Mở đầu Mùa Vọng cho năm phụng vụ mới, trước tiên chúng ta nghe bài đọc của ngôn sứ Isaia: loan báo cho dân Ítraen về một viễn tượng huy hoàng ở cuối chân trời lịch sử: là Thiên Chúa sẽ qui tụ muôn dân để cho họ được hưởng hòa bình vĩnh cửu trong Nước Người (Is 2, 1-5). Và 700 năm sau lời tiên tri đó đã ứng nghiệm: Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Ngài là Hoàng Tử Bình An; Ngài đến để qui tụ và hợp nhất muôn dân, khởi đầu một Vương Quốc vĩnh hằng.
Để hướng tới ngày cuối cùng đó, Chúa Giêsu cũng đã nói về ngày quang lâm. Ngài cho biết:“Thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”, nghĩa là Chúasẽ đến bất thình lình, vào ngày ta không ngờ, vào giờ ta không biết. Gia đình ông Nôê đã nghe Lời Chúa, đã chuẩn bị sẵn sàng cho trận đại hồng thủy, nên đã được cứu thoát. Đang khi đó, những người khác chẳng quan tâm gì, họ cứ “ăn uống, cưới vợ lấy chồng”. Những bận tâm đó đã chiếm hết tâm trí họ. Dù ông Nôê có kể lại cho họ nghe lời cảnh báo của Chúa, thì họ cũng cho là chuyện viễn vông, nên cuối cùng đã tiêu vong. Thật ra, vẫn có những dấu chỉ Chúa cho biết trước (Mt 24,32-33), nhưng con người lại không muốn biết, hoặc nghĩ những gì xảy ra vẫn còn xa xăm. 
Đức Giêsu còn đưa ra hai ví dụ: hai người cùng đang làm việc, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.Như vậy, trong ngày Chúa tái lâm sẽ có sự phân rẽ, số phận loài người được phân thành hai hạng khác nhau: hạng người “được đem đi”, nghĩa là được tiếp nhận vào nơi hằng sống, và hạng người sẽ “bị bỏ lại”. Thật éo le! Một hoàn cảnh, hai số phận, vì một người có sự chuẩn bị, còn một người thì sống lơ là; một người tin, còn một người không tin; một người làm chỉ nhằm để kiếm tiền và sống thỏa thích cho riêng mình; một người làm với tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ và cho đi; tiền của không làm hoa mắt họ; lạc thú không làm xao động tâm hồn họ.
Đức Giêsu kết thúc bằng việc cho biết Ngài sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm đột nhập vào nhà. Vì thế, Ngài mời gọi chúng ta hãy luôn sẵn sàng luôn trong từng giây phút sống. Thái độ sẵn sàng là “Hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa”như ngôn sứ Isaia đã khuyên nhủ trong bài đọc 1 (Is 2,5). Thánh Phaolô trong bài đọc 2 cũng mời gọi chúng ta hãy sống tỉnh thức vì“đêm sắp tàn, ngày gần đến, chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng…”  (Rm 13,11-14).
Phải luôn tỉnh thức vì ta dễ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế, tâm tim ta dễ bị trì vì những lo lắng trần gian. Cả những lo lắng chính đáng cũng có thể kéo ta đi xa, khiến ta mất khả năng dừng lại và quên đi lẽ sống đích thực. Thế giới hôm nay có nhiều thứ gây ngủ, gây nghiện, gây mê. Vì thế, tỉnh thức hay sẵn sàng là thái độ hiện sinh của người Kitô hữu để sống như Chúa muốn mình sống. Đó là một tâm thái rất bình an giữa cuộc đời đầy xáo trộn và lôi cuốn. Tập qui hướng về Chúa hay đặt mình trước mặt Chúa trong mọi lúc, giúp ta dễ dàng sống tỉnh thức, là một cách để Chúa làm chủ mình trong mọi hành động.
Mùa Vọng không chỉ là thời gian chờ mừng lễ Giáng sinh, để cử hành biến cố Chúa đã đến, mà nhất là chờ đợi Chúa sẽ đến. Ngày đó xem ra là một ngày đáng sợ,không vì những hiện tượng kinh khủng sẽ xảy ra,nhưng còn là ngày Chúa đến phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tuy nhiên, đối với người Kitô hữu, ngày đó là ngày toàn thắng và vinh quang của Đức Giêsu, cũng là ngày vui mừng của những người được cứu chuộc; là ngày hoan hỉ của cả vũ trụ vật chất được giải phóng (Rm 8, 19). Nói cách khác, ngày quang lâm hay tận thế chính là ngày hoàn tất công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, ngày mà cánh cửa thiên quốc mở ra, ngày của trời mới đất mới, nên lòng chúng ta đầy hy vọng.
Càng hy vọng, ta càng an vui để sống đẹp từng giây phút hiện tại, là sống toàn tâm toàn ý trong từng công việc, từng bổn phận, từng mối liên hệ, với tâm hồn đầy yêu mến.Thánh Phaolô đã lưu ý chúng ta: “Lúc này là lúc thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6, 2). Hôm nay là của Chúa, giây phút hiện tại này là vĩnh cửu. Trong các bí tích, Thiên Chúa tự hiến cho ta một cách đặc biệt, nhưng mọi khoảnh khắc hiện tại đều trao ban Thiên Chúa cho ta. Hiện tại cũng là bí tích thường hằng, là dấu chỉ sự hiện diện sống động của Thiên Chúa, nên mọi lãng phí thời gian đều là phạm thánh.Tận dụng mọi giây phút để sống thuộc về Chúa, chính là cuộc hiện sinh, sẽ làm thành cuộc sống trường sinh.
Cầu nguyện 
Lạy Chúa Giêsu!
Con không biết ngày nào Chúa quang lâm,
nhưng Chúa kêu mời con hãy sẵn sàng,
đừng để đời sống mình bị ngổn ngang,
đừng chạy theo những lo toan tính toán,
khiến cuộc đời vướng mắc những đa đoan,
kẻo ngày mai Chúa đến phải bàng hoàng.

Xin cho con chú tâm trong mọi lúc,
để nhận ra Chúa trong từng giây phút,
là Đấng vẫn thường đến với chúng con,
trong từng biến cố trongtừng sự việc.

Mùa vọng là thời gian rất đặc biệt,
đểcho con tập sống trong đợi chờ,
vì rằng Chúa sẽ đến thật bất ngờ,
con tỉnh thức sẽ khôngphải lo sợ.

Con tin ngày Chúa đến thật huy hoàng,
vì là ngày Chúa chiến thắng vinh quang,
ngày con người và vũ trụ được giải thoát,
ngày mà trời mới đất mới sẽ mở ra,
để chúng con được vào nơi vĩnh cửu,
hưởng an bình và hạnh phúc thiên thu.

Nghĩ đến cái chết giúp con biết sống,
biết cùng nhau xây dựng thế giới này,
sống công bình và bác ái yêu thương,
là hành trình con bước tới Thiên Đường.

Xin cho con gạt bỏ những vấn vương,
đừng đa mang vướng mắc chốn tình trường,
đừng bị ru ngủ bởi vui thú phù du,
không dại dột theo đường xưa lối cũ.

Xin cho tâm hồn con luôn thanh thoát,
luôn sống trong một tâm thế sẵn sàng,
để rồi ngày Chúa đến thật hân hoan,
con vui sướng ngập tràn trong ánh sáng. Amen.
Lm. Thái Nguyên
===============
Suy niệm 2
Is 2,1-5 ; Rm 13,11-14 ; Mt 24,37-44
HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 24,37-44
(37) Quả thế, thời ông Nô-e thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. (38) Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-e vào tàu. (39) Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. (40) Bấy giờ hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. (41) Hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. (42) Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. (43) Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. (44) Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
2. Ý CHÍNH:
Ngày tận thế sẽ đến vào lúc bất ngờ, nên đòi người ta phải luôn tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa. Như trong nạn lụt hồng thủy thời No-e: chỉ có gia đình No-e vì đã tỉnh thức và đóng tàu mới được cứu thoát. Tỉnh thức như chủ nhà thức canh đề phòng kẻ trộm khoét vách nhà mình trong đêm tối. Tóm lại, các môn đệ cần luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa đến bất ngờ.
3. CHÚ THÍCH:
- C 37-39:+ Thời ông Nô-e thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy: “Con Người” ám chỉ Đấng Thiên Sai. Đức Giê-su đối chiếu nạn hồng thủy thời Nô-e với cuộc trở lại trong vinh quang vào ngày tận thế của Người để phán xét chung nhân loại hay phán xét riêng mỗi người vào giờ chết. + Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy…: Cuộc quang lâm của Con Người vào ngày tận thế cũng giống như nạn hồng thủy. Cũng như thời Nô-e thiên hạ cứ sinh hoạt vui chơi mà không quan tâm đến những dấu báo hiệu đại họa sắp đến, nên đã chết thê thảm, thì cuộc quang lâm của Vua Thẩm Phán Giê-suvào ngày tận thế cũng sẽ đến bất ngờ như vậy.           
- C 40-41:+ Hai người đàn ông… Hai người đàn bà…: để diễn tả số phận con người khác nhau tùy theo thái độ tỉnh thức và tùy lối sống của họ, Đức Giê-su đã dùng hai hình ảnh cụ thể minh họa: hai người đàn ông đang làm việc ngoài đồng, hai người đàn bà đang xay chung một cối bột. + Thì một được đem đi, một bị bỏ lại: Người ta có thể cùng làm chung một ngành nghề, nhưng tùy theo cách sống mà số phận đời đời của họ sẽ khác nhau: người này được tiếp nhận, kẻ kia bị bỏ rơi.
- C 42-44:+ Hãy canh thức, vì không biết giờ nào…: Để khỏi bị bất ngờ như những dân chúng thời Nô-e, các môn đệ phải luôn tỉnh thức sẵn sàng. Tỉnh thức không phải là thụ động chong đèn ngồi chờ, nhưng là tích cực làm việc như người quản gia chu toàn nhiệm vụ cấp phát lương thực cho gia nhân (x. Mt 24,45); Như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang dầu theo cây đèn để đi đón chàng rể (x. Mt 25,4); Như người đầy tớ biết làm lợi gấp đôi số nén bạc được chủ trao phó (x. Mt 25,20). Tỉnh thức bằng việc luôn sống theo tám mối phúc thật (x. Mt 5,3-12), biết quan tâm chia sẻ và phục vụ tha nhân, nhất là đối với những người nghèo đói (x.Mt 25,34-40). + Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng…: Các môn đệ phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến bất ngờ, như chủ nhà tỉnh thức đề phòng kẻ trộm đến khoét vách nhà mình.
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao phải tỉnh thức để đón chờ Chúa đến? 2) Đức Giê-su đã dạy môn đệ bài học gì về sự tỉnh thức qua câu chuyện lụt đại hồng thủy thời No-e? 3) Đức Giê-su đã dùng hai hình ảnh nào để minh họa cho lối sống tỉnh thức của người môn đệ hầu chuẩn bị cho ngày tận thế sẽ đến? 4) Người môn đệ Chúa phải có thái độ tỉnh thức thế nào?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42).
2. CÂU CHUYỆN:
1) KẾ SÁCH CÁM DỖ HOÀN HẢO NHẤT CỦA MA QUỶ:
Một câu chuyện ngụ ngôn về sự cám dỗ của ma quỷ như sau: Có ba tên quỷ con đang thời kỳ huấn luyện đi cám dỗ loài người. Một hôm tên quỷ già thầy giáo yêu cầu lũ quỷ học trò đề ra kế sách hòan hảo để cám dỗ loài người. Tên quỷ thứ nhất thưa rằng: “Tôi sẽ nói với loài người rằng: trên đời này làm gì có Thiên Chúa, nên các ngươi cứ việc ăn chơi thỏa thích theo lòng đam mê của mình”. Nhưng tên quỷ già bảo: “Kế sách đó khó thành công lắm, vì dù không thấy Thiên Chúa vô hình, nhưng hầu như mọi người đều cảm thấy sự hiệu hữu của ông ta”. Tên quỷ con thứ hai trình bày: “Phần tôi sẽ rỉ tai cho loài người biết: chết đi là hết. Thiên đàng hay hỏa ngục chỉ là sự tưởng tượng để hù dọa họ phải ăn ngay ở lành mà thôi chứ không có thực! Do đó, các ngươi cứ việc vui chơi thỏa thích, kẻo giờ chết đến thì khi ấy có muốn cũng không thể vui chơi được nữa!”. Tên quỷ già gật gù nói: “Kế đó cũng hay đấy. Nhưng có lẽ loài người vẫn biết có quả báo, có thiên đàng để thưởng kẻ lành và hỏa ngục để phạt kẻ dữ”. Tên quỷ con thứ ba thì nêu ý kiến này: “Phần tôi, tôi sẽ làm cho con cái loài người tin rằng còn lâu chúng mới chết. Do đó chúng cứ việc thỏa mãn những đam mê lạc thú ở đời. Khi nào phải nằm liệt giường sắp chết, sẽ ăn năn sám hối cũng chưa muộn!”. Nghe xong, tên quỷ già khoái chí cười hô hố. Nó vừa xoa đầu tên quỷ học trò vừa khen lấy khen để: “Trò giỏi lắm. Quả đó là kế sách rất hạp ý ta. Với phương kế này, chắc chắn nước hỏa ngục của chúng ta sẽ ngày càng bành trướng vì sẽ có thêm rất nhiều kẻ gia nhập đó!”.
2) CẦN TỈNH THỨC ĐỀ PHÒNG TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN:
Sách “Cổ Học Tinh Hoa” có kể lại một câu chuyện như sau:
Bấy giờ vua nước Ngô định đem quân đánh nước Tề, nhiều người lên tiếng can ngăn, nhưng vua chẳng chịu nghe, lại còn ra lệnh nếu ai nói tới việc đình chiến thì sẽ bị chém đầu.Một vị quan trẻ tuổi nhưng nổi tiếng khôn ngoan, luôn ba ngày liền cứ sáng sớm mang cung đến khu vườn trong hoàng cung. Không đếm xỉa gì tới sương rơi và nắng gội. Ngày thứ ba, vua gặp và hỏi:
- Khanh làm gì đó?
- Thưa trên ngọn cây cổ thụ này có con ve sầu hút gió, uống sương và kêu ve ve suốt ngày. Con ve nghĩ mình yên thân, nhưng đằng sau phía xa lại có một con bọ ngựa đang rình chờ nhảy tới vồ nó. Trong lúc bọ ngựa định tóm cổ con ve sầu, thì ở gần đó lại có một con chim sẻ đang dòm ngó, tìm cách bắt con bọ ngựa. Nhưng chính con chim sẻ này lại không dè dưới gốc cây có người lại đang nhắm bắn nó. Chính hạ thần đây là người đang rình bắn con chim sẻ. Nhưng hạ thần lại quên rằng sương rơi và nắng chiếulại có thể làm cho mình bị cảm và chết. Cũng như nhiều người, hạ thần chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ nhen trước mắt mà quên mất cái hại tày đình đang rình chờ ở sau lưng.
Hiểu vị quan này có ý thức tỉnh mình, sau đó nhà vua nước Ngô đã nghĩ lạivà quyết định thôi không đem quân đi xâm lấn nước Tề.
3) TỈNH THỨC ĐÓN CHÚA LÀ CHĂM CHỈ LÀM VIỆC THAY VÌ NGỒI CHỜ:
Một người thuộc bộ lạc miền núi cả đời như chưa từng thấy ánh sáng văn minh. Một hôm ông được đưa xuống thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên, ông giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Sau khi được người chung quanh cho biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hỏa hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Người dân miền núi nhìn ngọn lủa đang bốc cháy tại một góc trời, rồi ông trở lại giường ngủ tiếp.
Trở về làng, ông báo cáo với các chức sắc trong làng như sau: Người dân thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu. Khi có hỏa hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe nói thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ các loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hòa hoạn xảy đến trong làng, tất cả dân làng đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa cứ vô tình thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng và thất vọng của mọi người.
Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại diễn tiến cơn hỏa hoạn, một người dân thành thị mới giải thích cho dân làng như sau: Các người thật ngây ngô, các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt được ngọn lửa ư? Không phải thế đâu. Tại thành phố, người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy, chứ không ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu.
4) KHÔNG CẢM THÔNG GIÚP ĐỠ THA NHÂN CHÍNH LÀ THIẾU TỈNH THỨC:
Xưa kia ở New York, có một bà mẹ sống với một người con trai. Chẳng may đứa con trai bị bệnh nặng. Bà mẹ không còn mong muốn gì hơn là tìm ra thầy thuốc giỏi để nhờ chữa bệnh cho con bà. Bà nghe người ta nói về một ông bác sĩ rất giỏi sắp từ thành Vienna Áo quốc ghé thăm thành phố New York, và bà hy vọng sẽ mang đứa con trai của bà đến nhờ ông chữa bệnh.
Vào một buổi tối mùa đông, thời tiết rất xấu, bên ngoài trời đang mưa tuyết, bà nghe thấy có tiếng gõ cửa gấp. Mở hé cửa ngó ra ngoài bà thấy một người đàn ông đeo mắt kính. tóc phủ bờ vai và bộ râu dài lướt thướt đang đứng trước cửa. Ông ta nói: “Thưa bà, trời đêm tuyết lạnh, tôi vừa đến thành phố. Vậy tôi có thể vào tạm trú tại nhà bà được không?”. “Rất tiếc,” người đàn bà lạnh lùng trả lời, “Nhà tôi neo đơn nên không thể tiếp ông được. Mời ông đi nơi khác!” Nói xong bà đóng sầm cửa lại quay vào nhà.
Ngày hôm sau, người đàn bà mở tờ nhật báo ra. Ngay trang nhất, bà đọc được hàng chữ lớn in đậm: “VỊ BÁC SĨ NỔI TIẾNG TỪ VIENNA ĐÃ ĐẾN THĂM NEW YORK.” Phía dưới hàng chữ là bức hình ông bác sĩ. Thái độ của bà chuyển từ vui mừng đến buồn rầu. Vì đây chính là người đàn ông đeo kính tóc dài với bộ râu lướt thướt đã đến gõ cửa nhà bà tối hôm qua!
Trái với tỉnh thức là ngủ mê. Thánh Phao-lô khuyên tín hữu thành Thê-xa-lô-ni-ca như sau: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ”.
5) TỈNH THỨC LÀ LUÔN CHU TOÀN CÔNG VIỆC BỔN PHẬN CỦA MÌNH:
Cách chuẩn bị cho ngày tận thế hay nhất vẫn là tỉnh thức theo kiểu thánh Lou-is Gon-za-ga, một vị thánh chết khi còn rất trẻ tuổi. Một hôm, vào giờ chơi, Lou-is đang chơi banh ngoài sân, cha linh hướng đến hỏi Lou-is: “Nếu một lát nữa Chúa gọi con về với Ngài, thì bây giờ con làm gì?” Câu trả lời của Lou-is làm cha linh hướng rất hài lòng: “Con sẽ tiếp tục chơi, vì bây giờ là giờ chơi, thánh ý của Thiên Chúa đối với con vào giờ này là muốn con chơi”. Điều đó cho thấy Lou-is lúc nào cũng cố gắng sống đúng thánh ý Chúa, đúng theo đòi hỏi của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, nên Lou-is có thể sẵn sàng về với Chúa bất kỳ lúc nào.
Nếu ta là Lou-is lúc đó, chắc hẳn ta sẽ trả lời: “Con sẽ đi gặp một linh mục để xưng tội, và vào nhà thờ cầu nguyện để chết trong khi cầu nguyện”. Trả lời như thế chứng tỏ ta không thường xuyên sống trong tình trạng tỉnh thức chuẩn bị Chúa đến, mà đợi “nước đến chân mới nhảy”. Như vậy, giả như Thiên Chúa gọi ta về với Ngài ngay lúc này, khiến ta không có một phút nào để kịp ăn năn hay xưng tội, thì số phận ta sẽ thế nào?
6) PHỤC VỤ THA NHÂN LÀ CÁCH CHUẨN BỊ ĐÓN CHÚA HOÀN HẢO NHẤT:
Vào buổi sáng hôm ấy, bác thợ giầy đã thức dậy sớm hơn mọi khi, để dọn dẹp cửa hàng cho gọn ghẽ, để đón vị khách qúy là Chúa Giê-su đến viếng thăm. Vì đêm vừa qua, bác nằm mơ thấy Chúa hiện ra hứa sẽ ghé thăm nhà bác trong ngày hôm nay.
Bác thợ giầy ngồi chờ Chúa đến trong tâm trạng náo nức hân hoan. Khi những tia nắng ban mai dọi qua khung cửa thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, bác thợ giầy hồi hộp chạy ra mở cửa đón Chúa. Nhưng khi cánh cửa mở ra, người khách chính là người đưa báo đến vào mỗi buổi sáng. Mặt mũi ông xám ngoách vì trời cuối đông lạnh buốt. Không nỡ để ông đi ngay, bác mời ông giao báo vào trong nhà, đun bình nước nóng pha thứ trà hảo hạng dự định dành để đón Chúa để mời ông uống. Sau khi được sưởi ấm, người đưa thư đứng dậy cám ơn rồi ra đi tiếp tục công việc.
Bác thợ giầy trở lại chỗ ngồi chờ đón Chúa. Nhìn qua khung cửa kính, bác thấy một em bé khóc xướt mướt đang đứng trước cửa nhà. Bác ra mở cửa đón em vào nhà hỏi nguyên do. Biết em đi kiếm củi bị lạc mất mẹ và giờ không tìm ra đường về nhà do tuyết phủ khắp một màu trắng xóa. Bác thợ giầy lấy giấy viết vài chữ nguệch ngoạc đặt trên bàn, báo cho người Chúa biết mình phải ra ngoài giúp đưa em bé về nhà. Nhưng khi tìm thấy nhà thì phát hiện mẹ em bị cảm lạnh nóng sốt đang nằm trên giường cần phải cấp thời chữa trị, bác đã giúp đưa bà đến bệnh viện gần nhà để chữa trị. Mãi đến nửa đêm bác mới trở về nhà và nằm lăn ra giường ngủ chẳng kịp ăn uống. Trong giấc ngủ, bác nghe thấy tiếng Chúa phán: “Cám ơn con đã nấu trà nóng cho Ta uống, đã dẫn Ta về nhà, đã săn sóc an ủi Ta đang đau bệnh. Cám ơn con đã tiếp rước Ta trong cả ngày hôm nay”.
Chúa đến với chúng ta trong mọi hoàn cảnh và mọi lúc mọi nơi. Chúa đến với chúng ta qua mọi người ta gặp gỡ tiếp xúc hàng ngày. Điều quan trọng là ta có vui vẻ phục vụ Chúa đanghiện thân nơi họ hay không.
3. SUY NIỆM:
Trong cuộc sống, nếu muốn được thưởng hạnh phúc đời sau thì ngay từ bây giờ chúng ta phải luôn biết tỉnh thức và cầu nguyện.
1) Ý NGHĨA CỦA MÙA VỌNG:
a) Mùa Vọng là thời kỳ giúp các tín hữu chờ đợi Chúa đến:
Không giống như dân Do thái xưa mong chờ Đấng Thiên Sai đến, vì Người đã đến cách đây hơn 2000 năm rồi. Riêng đối với các tín hữu thì Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh, và cũng để chờ đón Đấng Thiên Sai tái lâm lầm thứ hai trong ngày tận thế để phán xét chung nhân loại, ban thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ.
b) Trước ngày tận thế sắp đến, loài người sẽ phản ứng khác nhau tùy đức tin như sau: 
+ Đối với kẻ bất tín thì ngày tận thế sẽ là ngày đoán phạt: khi thấy các hiện tượng lạ lùng xảy ra trên trời dưới đất, những kẻ cứng lòng tin sẽ cảm thấy sợ hãi như sau: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,25-27).
+ Còn đối với các tín hữu thì những hiện tượng xảy ra nói trên báo hiệu về ngày tận thế khiến họ sẽ cảm thấy vui mừng hy vọng sắp được Chúa đến ban ơn cứu độ như lời Chúa dạy: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).
2) SỐ PHẬN THÀNH SÔ-ĐÔM BỊ HỦY DIỆT DO TỘI LỖI: 
a) Tình trạng tội lỗi của dân thành Sô-đôm:
Ông Lót và gia đình sống tại thành Sô-đôm. Khi Sô-đôm bị các nước lân bang xâm chiếm thì Lót đã bị bắt đi. Tổ phụ Áp-ra-ham đã phải huy động gia nhân đi giải cứu. Sau khi được giải thoát, Lót đã cùng gia đình chọn đến sống tại thành Sô-đôm, tuy giàu có về của cải vật chất nhưng lại đầy những tội lỗi lớn lao. Vì tội của dân thành quá nhiều khiến Đức Chúa nổi giận và quyết định trừng phạt dân thành. Áp-ra-ham đã phải đứng ra khẩn cầu để xin Chúa tha thứ cho dân thành. Nhưng do thành Sô-đôm không tìm đủ mười người công chính, nên cuối cùng cả thành đều bị hủy diệt. Trước khi tai họa xảy ra, có hai thiên sứ đến cứu giúp đưa cả gia đình ông Lót ra khỏi thành. Lót tỏ vẻ chần chừ không muốn dời đi vì tiếc của, nhưng cuối cùng đồng ý. Rồi sau khi cả nhà đã ra khỏi thành, vợ ông Lót do tiếc của đã ngoái nhìn lại thành phố đang bốc cháy, nên bị phạt biến thành tượng muối, đúng như lệnh Chúa đã truyền (x. St 19,1-25).
b) Tình trạng tội lỗi của con người hôm nay:
Ngày nay, tình trạng sa đoạ ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của in-ter-net, sách báo, phim ảnh, băng hình đồi trụy… đến độ nhiều người đã bị mê đắm tưởng rằng hưởng các lạc thú nhục dục mới là văn minh tiến bộ. Từ đó nhiều thanh niên nam nữ đã dễ dàng quan hệ tình dục trước hôn nhân, dẫn đến có thai trước hôn nhân, rồi tội đồng tính luyến ái, ngoại tình, phá thai.... đến nỗi Đức Gio-an Phao-lo II đã phải than phiền: "Cái đáng buồn của thế giới ngày nay chính là mất đi ý thức về tội lỗi. Người ta không còn nghĩ đến tội phúc, và cũng chẳng cần nghĩ đến danh dự phẩm giá con người, mà chỉ cần thoả mãn các nhu cầu dục vọng, bất chấp lề luật mà Thiên Chúa đã an bài !".
Ngày nay chúng ta cần cấp thời hồi tâm sám hối, là loại trừ các tội lỗi đam mê và làm nhiều việc thiện để tránh chịu chung số phận bị hủy diệt như thành Sô-đôm xưa.
3) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ?:
a) Phải tỉnh thức chờ đợi ngày Chúa đến :
Chúa sẽ đếnbất ngờ, nhưng sẽ không bất ngờ đối với những ai biết luôn tỉnh thức thể hiện qua thái độ tin cậy vào Chúa, luôn sống công minh chính trựcnhư lời dạy của thánh Phao-lô: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày. Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14).
b) Tỉnh thức đợi chờ như thế nào?:
- Không đợi chờ Chúa đến trong lo lắng sợ hãinhư người vô tín, nhưng trong niềm tín thác cậy trông và hy vọngChúa đến sẽ ban ơn cứu độ ,như các tín hữu thuở ban đầu.
- Không đợi chờ Chúa đến cách thụ động, nhưng luôn chăm chỉ làm việc, như thánh Phao-lô đã khuyên dạy các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: "Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13).
- Cần đợi chờ Chúa đến bằng việccộng tác với mọi người đểxây dựng môi trường sống là gia đình, khu xóm và nơi làm việc trở thành « Trời Mới Đất Mới »,ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn. Mỗi ngày quyết tâm làm vui lòng một người thân trong gia đình, nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân và sẵn sàng tha thứ cho kẻ nói xấu làm hại mình như kinh Thương Người đã dạy.
Nếu ta biết chờ đợi như thế thì ngày Chúa đến vào giờ chết mỗi người hay ngày tận thế chung nhân loại, chúng ta sẽ không bị bất ngờ sợ hãi, nhưng luôn vui mừng hân hoan. Vui vì tin rằng Chúa sẽ đến nhận ta vào thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời với Người.
4. THẢO LUẬN:
Có người nói: “Đời người mau qua chóng hết, nên ta cần phải nếm mọi lạc thú ở đời, để đến giờ chết ta sẽ không còn phải hối tiếc vì cuộc sống quá ngắn ngủi mau qua”. Bạn sẽ nói gì với người ấy giúp họ hy vọng vào một cuộc sống vĩnh hằng đời sau ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU: Nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng bối rối. Bối rối vì bản thân chúng con vẫn còn nhiều tội lỗi, vì môi trường và thế giới chúng con đang sống còn đang dở dang và vẫn còn nhiều người chưa nhận biết tin yêu Thiên Chúa. Con biết Chúa được sai đến không phải để hủy diệt tội nhân, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống.Xin cho chúng con biết tích cực cộng tác với Chúa xây dựng gia đình khu xóm giáo xứ và nơi làm việc ngày một trở nên “Trời Mới Đất Mới” công bình nhân ái hơn, an vui hạnh phúc hơn.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH –HHTM
=================
Suy niệm 3
MÙA CỦA CHỜ MONG
(Mt 24, 37-44)
 
Hôm nay, ngày 27 tháng 11 năm 2022, chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Vọng, mùa của sự chờ đợi chất chứa niềm vui và hy vọng. Bởi mùa này, từ phụng vụ lễ ca cho đến khung cảnh bên ngoài gợi lên trong ta những tâm tình chứa đầy niềm hy vọng và sự chờ đợi thánh thiêng, khiến tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên với niềm vui mong chờ Chúa đến và cầu xin tha thiết: “Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi”, hơn thế nữa theo dân Do Thái kêu van: “Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống” (Is 63,19).
Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi Chúa nhật với tên gọi truyền thống đặc thù của nó gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu:
- Chúa nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )
- Chúa nhật II Mùa Vọng : Populus Sion... (Này hỡi Dân Sion…)
- Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)
- Chủ nhật IV Mùa Vọng : Rorate ... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích: một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do chữ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa Mùa Vọng, cũng như về thái độ căn bản của người tín hữu trong Mùa này là hướng lòng chúng ta về Ngày "Con Người sẽ đến". Vì thế, Mùa Vọng khơi lại niềm tin về Ngày Chúa sẽ trở lại, để tất cả cuộc đời của chúng ta là Mùa Vọng, trông đợi "Ngày Chúa lại đến".
Cả đời chúng ta phải chờ Ngày Chúa trở lại. Nhưng để nuôi dưỡng lòng chờ đợi này, chúng ta cần làm sống lại mầu nhiệm Chúa đến trong xác thịt hầu khi thấy Chúa đã nhập làm người để thêm vững tin về việc Chúa sẽ trở lại.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào” (Mc 13,33). Đúng thế, trong cuộc đời có những giây phút quyết định. Khi nào thì sự ấy xảy đến? Chúng ta không hay biết. Ngay cả Thiên Chúa cũng không muốn mạc khải thời điểm chung cuộc của thế giới cho chúng ta. Chúng ta phải luôn tỉnh thức và đợi chờ. Chính Chúa Giêsu nhắc bảo chúng ta hãy tỉnh thức để sẵn sàng cho lần đến cuối cùng của Chúa (Mt 24, 37-44). Chúa đến sẽ giống như thời ông Nôe: “Thình lình đại hồng thủy đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy” (Mt 24, 37).  Những điều Chúa loan báo trên đây thật quá bất ngờ, vì bất ngờ nên “phải tỉnh thức” là thượng sách.
Phải nói rằng, mỗi phút giây chúng ta sống là những thời khắc của ân sủng, để chờ đợi cách nghiêm túc với lòng yêu mến, chứ không phải là thời gian giải trí. Đây là lúc chuẩn bị cho sự hiệp thông với Thiên Chúa và Các Thánh trong cuộc sống mai ngày.
Cuộc sống luôn bắt đầu và lại bắt đầu. Thực tế, chúng ta phải đối mặt với những khoảnh khắc quyết định: mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây có thể là những phút giây quyết định. Trong cuộc sống nói chung, trong đời sống người Kitô hữu nói riêng, điều quan trọng chính là hoán cải, khoảnh khắc độc đáo này làm người ta nhớ đến mình, và khám phá ra điều Chúa đòi hỏi cách rõ ràng nhất, nhưng quan trọng và khó khăn hơn cả vẫn là tỉnh thức. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta : “ Các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến” (Mt 24, 44).
Bước vào Mùa Vọng năm nay, mỗi gia đình, mỗi người chúng ta tự hỏi: về phần tôi, tôi đang chờ đợi điều gì? Trong lúc này của đời tôi, con tim tôi đang hướng về điều gì? Lòng tôi có bị vướng vào những hành vi ám muội… ăn uống say sưa, chơi bời dâm đãng, tranh chấp ganh tị… thỏa mãn xác không? (x. Rm 13, 11-14) Trái tim tôi có bị nặng nề bởi những lo âu trần thế không? Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt sức ta, khiến ta không còn khả năng mở lòng mình ra với Chúa và tha nhân? Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim. Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất, nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao. Thánh Phaolô bảo chúng ta: “Anh em biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy” (Rm 13, 11).
Isaia đã khuyên nhà Giacóp, hãy đi trong ánh sáng của Chúa (x.Is 2,2). Thánh Phaolô cũng bảo, hãy từ bỏ công việc của đêm tối và mặc lấy mã giáp của sự sáng (x.Rm 13,13). Vì Chúa đã đến trong thế gian khi Ngài giáng sinh làm người
Chúa Giêsu dạy chúng ta “hãy tỉnh thức”.  Vậy mỗi người chúng ta đây hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Con Người là Đức Giêsu ngự đến trên mây trời, Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế sẵn sàng, đứng thẳng, không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê, nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ “đầy ân sủng”, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong lòng, xin giúp chúng con cởi mở tâm hồn đón nhận Chúa Giêsu Con Mẹ.
Lạy Ðấng Cứu Thế là Vua Hòa Bình xin ngự đến. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=================
  Suy niệm 4
THỨC TỈNH SỚM hầu TỈNH THỨC KỊP

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Một triết gia nọ đã từng nói: “Tôn giáo không đem lại cho ta niềm hy vọng, không phải là tôn giáo đáng để chúng ta tin theo”. Như chúng ta biết rõ, chúng ta đã được lãnh nhận đức tin, đức cậy, đức mến (thường được gọi là “nhân đức đối thần” nghĩa là nhân đức quy hướng về Thiên Chúa, và chỉ mình Ngài ban cho, không hệ tại hoặc phụ thuộc vào tài năng, thành quả, v.v…của con người). Vì vậy, niềm hy vọng, lòng cậy trông này không bao giờ mông lung, ảo tưởng, mà chính nhờ đức cậy, chúng ta sống tinh thần đợi chờ, tỉnh thức với cả lòng tín thác, và biết thức tỉnh ra khỏi những ương hèn, ‘bóng tối trong đời sống’ chúng ta, đặc biệt sống trọn tinh thần Mùa Vọng hôm nay.
Mùa Vọng chính là thời gian ngóng trông, chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Cứu Thế sinh hạ nơi tâm hồn, trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta. Mùa Vọng là thời điểm mà Mầu nhiệm Nhập Thể được hiện thực, và ơn cứu độ được thông ban cho cả nhân loại, nhất là những ai ‘có lòng thiện tâm’ đơn sơ như các trẻ mục đồng và những nhà chiêm tinh từ Đông phương xa xôi, sẵn sàng lên đường theo hướng dẫn của Thiên Chúa, mà đến bái thờ Đấng Cứu Thế sinh hạ nơi hang đá Bê-lem, trong hình hài trẻ thơ. Vì thế, để sống trọn tinh thần Mùa Vọng, chúng ta nên TỈNH THỨC và THỨC TỈNH. Cha Teilhard Chardin, một linh mục dòng Tên cũng đã chấp bút: “Ngóng đợi là nhiệm vụ hàng đầu của Ki-tô hữu, và là nét nổi bật nhất để hiển thị đức tin. Người Ki-tô hữu luôn phải sống trong sự đợi chờ với niềm tin và hy vọng”.
Thật vậy, thánh Tông đồ Phao-lô khuyên bảo giáo đoàn Rô-ma cũng như mỗi chúng ta “…phải thức dậy” (x. Rm 13, 11), và hơn nữa, Lời Chúa kêu mời “hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến” (Mt 24, 42). Nhưng, thức dậy để làm gì? Trỗi dậy để làm chi? Tỉnh thức để được gì? Câu trả lời chẳng ở đâu xa, mà nằm ngay trong đoạn Tin Mừng hôm nay: để khỏi bị hư mất như đám đông thời ông Nô-ê “…trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Nô-ê vào tàu mà người ta cũng không ngờ…” (Mt 24, 38). Hơn nữa, ‘tỉnh thức’ để khỏi bị huỷ diệt, để khỏi mất linh hồn, để khỏi mất sự sống đời đời, để được nghênh đón ‘chàng rể đến’, để thoát khỏi ‘bóng đêm của những đam mê trần thế’, để tỉnh giấc sau cơn mơ dài trong tội lỗi, trong thói hờ hững, dửng dưng trước anh chị em, để bừng tỉnh sau chuyến đi hoang đàng, lạc lối xa bến bờ yêu thương, v.v…
Ở đây, chúng ta nên nhớ lại giai thoại cổ điển về tướng quân Hy-lạp năm xưa tên là Archais. Vốn là một vị tướng giỏi, đánh đâu thắng đó; nhưng sau một trận thắng lớn, ông khao toàn bộ quân lính bữa tiệc thịnh soạn, linh đình. Tuy nhiên, đang giữa cuộc vui, một sứ giả đem đến cho ông bức thư khẩn và báo tin rằng: ông đang bị mưu sát. Thay vì mở thư ra đọc và cảnh giác đề phòng, thì ông lại bỏ thư vào túi, tiếp tục cuộc vui và tự nhủ: “Thôi để mai hẳn tính”. Ngay trong đêm đó, ông ta bị sát hại. Câu chuyện thật đáng buồn với đoạn kết đáng thương. Tuy nhiên, nó gợi nhắc chúng ta: “Anh emhãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến” (Mt 24, 42), và “các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến” (Mt 24, 44). Vậy, TỈNH THỨC ngay hôm nay, đừng để đến ngày mai. TỈNH THỨC ngay giây phút này, đừng hứa hẹn lần lựa mãi.
Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô đã viết: “Thời để sống là lúc chúng ta đi tìm kiếm Thiên Chúa. Thời để chết là lúc chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa. Thời vĩnh cửu là lúc chúng ta sẽ chiếm hữu Ngài cách trọn vẹn”. Lúc còn khoẻ, còn sức lực, còn nguồn lực, còn thời gian, v.v…, chúng ta cần TỈNH THỨC hầu tìm kiếm thánh ý Chúa và nỗ lực bước theo con đường Giê-su. Nhưng để TỈNH THỨC thật sự, chúng ta cần THỨC TỈNH nhận ra ‘bóng tối trong đời’, ‘đam mê bó chặt’, ‘thú vui xiềng xích’ con người chúng ta, hầu sẵn sàng TỈNH THỨC trong niềm tín thác, cậy trông và sống bác ái thiết thực. Muốn vậy, chúng ta cùng lắng nghe lời gọi mời của ngôn sứ I-sai-ah: “Hỡi nhà Gia-cóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa” (Is 2, 5), và lời khuyên nhủ đanh thét của Thánh Phao-lô: “…từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng…đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tịmặc lấy Chúa Giê-su Kit-ô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt” (x. Rm 13, 12-14). Rời xa bóng tối ‘tội lỗi’, mà bước đi trong ánh sáng đức tin sống động! Rời xa thú vui, đam mê đang bóp nghẹt đời sống, mà mang lấy ánh sáng đức tin-đức cậy-đức mến, đồng thời mặc lấy lối sống của Chúa Giê-su, ngõ hầu bước đi kiên định trên nẻo đường lữ thứ này.
Cảm tạ Chúa vì muôn hồng ân
Đã thương ban Mùa Vọng chờ trông
Đoái nhìn con tràn đầy hy vọng
TỈNH THỨC và THỨC TỈNH mãi liên. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===============
Suy niệm 5
Phải Canh Thức Và Sẵn Sàng
 
Is 2,1-5; Rm 13,11-14a; Mt 24,37-44
                        
“Quả thế, thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ, lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.” (Mt 24,37-41).
Đức Giêsu cảnh báo ngày Người đến lần thứ hai, chắc chắn sẽ xảy ra như thời ông Nôê trong Cựu Ước. Thiên hạ cứ ăn uống, dựng vợ, gả chồng cho tới ngày ông Nôê vào tàu, bỗng nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Riêng gia đình ông Nôê có sự chuẩn bị nên được cứu sống. Ngày Con Người đến cũng sẽ xảy ra cảnh tương tự, số phận mỗi người được định đoạt trong chốc lát: một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Cuộc thẩm phán sẽ phân rẽ những người vốn hiệp nhất với nhau, như hai người đàn bà đang xay bột chẳng hạn. Vậy thì tôi phải chuẩn bị thật sẵn sàng để chờ đón ngày giờ Con Người đến. Ngày Chúa đến lần thứ hai sẽ xảy ra bất ngờ nhanh chóng, con người sẽ không còn giờ để chuẩn bị, lo cứu mạng sống mình cho kịp. Dù đã được cảnh báo, nhưng như thời ông Nôê, sẽ có rất nhiều người coi thường không chịu chuẩn bị cho đến giây phút cuối. Khi người ta mải miết ngụp lặn trong những lo lắng trần tục, thì sẽ dễ dàng quên mất Thiên Chúa, quên đi chuyện hoán cải, đổi mới con người ngay từ hôm nay, lúc này, trong từng phút giây hiện tại, không cảm nghiệm được sự ngọt ngào khi gặp gỡ Chúa. Ngôn sứ Isaia mô tả viễn cảnh đẹp trong bài đọc I: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và họ sẽ thôi học nghề chinh chiến.” (Is 2, 4).
“Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44).
Trước sau gì rồi ta cũng gặp Chúa thì hãy tìm gặp Chúa ngay từ đời này cho cuộc sống vui tươi hạnh phúc. Luôn tỉnh thức đáp lại tiếng Chúa gọi khi Ngài đến: Này con đây đã sẵn sàng. Sẵn sàng chờ đợi Chúa đến không phải là thụ động ngồi đó mà chờ đợi, nhưng luôn sống trong Chúa và dấn thân phục vụ anh em. Với thái độ sẵn sàng đón chờ Chúa đến, phải loại bỏ những cản trở như danh vọng, đam mê, những thứ khác ràng buộc, khiến ta mất tự do, không hoàn toàn thuộc về Chúa, để sẵn sàng ra đón tiếp Người đến cách chung hay riêng. Người Kitô hữu phải có thái độ luôn tỉnh thức. Canh thức còn là luôn ở trong tình trạng “đang làm nhiệm vụ”. Tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết mình đang làm gì. Sự lựa chọn trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận trong cuộc đời vĩnh hằng. Tỉnh thức là dấu hiệu của người đang sống đức tin sống động, kết hợp mật thiết với Chúa, sẽ có tâm hồn bình an hạnh phúc. Thánh Phaolô cũng cảnh báo tín hữu Rôma nơi bài đọc II: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương”. (Rm 13,13).
Ai mà biết được giờ nào thì Chúa đến? Chỉ có cách tốt nhất là luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Nếu lúc nào chúng con cũng “có Chúa ở cùng”, sống mật thiết với Chúa thì dù có bất ngờ, chúng con sẽ được vui vẻ ra đón rước Người, chứ không phải giật mình sợ hãi.
Thực ra Chúa luôn có đó, bên ta, trong ta mà ta không thấy, vì bị nhiều thứ trần gian che mờ con mắt, nên chẳng nhận ra và khó mà thấy được. Sống canh thức là luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, ở trên mọi nẻo đường đời, trong sâu thẳm cõi lòng, cả khi cô đơn. Sống như vậy thì lúc Người chợt đến, có chi là bất ngờ hay phải giật mình hoảng sợ? Canh thức như vậy thì Chúa đến bất cứ giờ nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Chúa rất hài lòng và sẽ ban thưởng quá lòng ước mong.
Lạy Chúa! xin dạy chúng con biết sẵn sàng canh thức để đón Chúa qua việc tiếp xúc, cư xử tốt lành với tha nhân, để chúng con được hưởng hạnh phúc của người con tín trung, ngay từ bây giờ và cho đến muôn đời. Amen.
Én Nhỏ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log