Chúa nhật, 05/05/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 30 Thường Niên A

Cập nhật lúc 20:48 27/10/2017
“Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22, 37 – 39)
Suy niệm 1
Mến Chúa yêu người
----------
Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân không thể tách biệt nhau. Mặc khải kitô giáo khẳng định rằng: Mối tương quan đích thực đối với Thiên Chúa là Cha, giải phóng chúng ta khỏi tất cả mọi ghét ghen, làm cho chúng ta có khả năng mở ra đối với mọi người như là anh em. Vì thế hai giới răn của Luật Moise làm nền tảng Luật Kitô giáo không thể tách rời nhau được.
Luật Moise có mục đích diễn tả những đòi hỏi bên trong con người. Đòi hỏi được giải thoát khỏi nô lệ, có nghĩa là khỏi mọi ghét ghen. Ghét ghen đóng con người lại trong chính mình. Tuy nhiên phải có ơn Thiên Chúa mới có thể làm được việc này.
Bài đọc I cho chúng ta thấy điều đó: Thiên Chúa mạnh mẽ giải thoát vua dân Dothai khỏi mọi nguy hiểm đang đe dọa. Vì thế vua muốn tạ ơn Thiên Chúa bằng cách để cho sự công chính bao trùm thế giới. Như vậy, mọi dân tộc có thể khám phá ra Thiên Chúa tình yêu.
Thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Thesalonica đã cụ thể hóa tình yêu Thiên Chúa qua thái độ của ngài đối với những ai mà ngài gặp gỡ. Đến lượt tín hữu của ngài, họ cũng bắt chước ngài như vậy. Ước gì tất cả chúng ta cũng có những mẫu gương đức tin và đức mến như vậy đối với những người sống chung quanh chúng ta. Khi được giải phóng khỏi những thần tượng gò bó và quay trở về với Thiên Chúa đích thực, chúng ta sẽ làm việc cho nước Trời nơi mà chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời.
Bài Tin mừng hôm nay mô tả có một tiến sỹ luật đến hỏi Chúa Giêsu về giới răn yêu thương. Tiến sỹ Luật Cựu Ước là một người có kiến thức luật và có bổn phận xem xét điều mà người ta có tuân giữ hay không và dạy dỗ người khác. Chúa Giêsu đang sống những ngày cuối cùng cuộc đời công khai tại quê hương Ngài. Ngài cũng là người giữ Luật, nhưng Ngài muốn người ta giữ luật vì tình yêu chứ không phải giữ luật vì luật. Vì thế, Ngài gặp nhiều chống đối từ phía những người giữ luật chỉ vì luật. Và một trong những người đó đã hỏi Ngài: giới răn nào trọng nhất?...
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI là lời kinh chứa đựng trong sách Đệ Nhị Luật, kinh mà những người Do-thái đạo đức phải dạy con cái mình. Không có gì là mới đối với vị tiến sỹ luật này và nhất là tiến sỹ này cũng không thể tố cáo Chúa Giêsu là người đến để phá hủy lề luật.
Có một điều mới là Chúa Giêsu làm cho giới răn thứ hai gần lại với giới răn thứ nhất, Ngài nói rằng: cả hai giới răn bổ xung cho nhau. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Bạn có thể nói bạn yêu mến Thiên Chúa thế nào được, Đấng mà bạn không trong thấy, khi bạn không yêu mến người thân cận, người mà bạn trong thấy? ”.
Chúng ta thường có khuynh hướng không rõ ràng trước lề luật của Thiên Chúa và lề luật của Giáo Hội: khi thì thỏa mãn chỉ thị của lề luật, khi thì mông lung trống rỗng Tình Yêu. Mức độ của tình yêu, đó là yêu không biên giới. YÊU không phải là một quan niệm hoặc nghĩ về TÌNH YÊU, nhưng là muốn và khát khao nồng cháy YÊU.
Tên của Thiên Chúa là TÌNH YÊU. Ngài có sáng kiến yêu chúng ta. THIÊN CHÚA đích thực là TÌNH YÊU. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta biết dùng sức mạnh tình yêu để biết đáp trả giới răn cao cả của Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta biết rằng YÊU còn hơn cả một ý thức, một cảm tình. YÊU là một quyết định của thiện chí. Xin Chúa đến giúp chúng ta, hãy đến củng cố quyết định YÊU của chúng ta!
Tất cả LỜI CHÚA chứa đựng trong Kinh Thánh có thể tóm lại trong TÌNH YÊU đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với người anh em. Trong bất cứ giới răn nào của Chúa, chúng ta hãy đặt tình yêu của mình vào đó làm nền tảng!
Mỗi người chúng ta được sinh ra đều là kết quả của hành động Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng đã chọn chúng ta để ban cho chúng ta sự sống, dù chúng ta không đáng được như vậy. Thiên Chúa là TÌNH YÊU. Ngài dựng nên chúng ta giống hình ảnh Người, nên chúng ta không bao giờ được phép chán yêu và chán được yêu. Hạnh phúc của chúng ta hoặc khốn khổ của chúng ta đều phụ thuộc vào đó.
Dù chúng ta có của cải vật chất dư thừa, nhưng chỉ có tình yêu mới có thể lấp đầy con tim chúng ta. Tuy nhiên, có một mối nguy hiểm lớn làm tình yêu này đi chệch hướng là chúng ta làm cho tình yêu quay về chính mình. Lúc đó cuộc đời chúng ta trở nên địa ngục. Vì địa ngục là không yêu, là từ chối tất cả tình yêu.
Những người sống chung quanh chúng ta có thể tin Thiên Chúa là tình Yêu thế nào được khi họ nhận thấy chúng ta lãnh đạm và ích kỷ? Nếu chúng ta là kitô hữu đích thực, môn đệ Chúa Giêsu, thì tình yêu của chúng ta phải hướng tới tha nhân và tình yêu tha nhân đó bắt nguồn mạch trong Thiên Chúa là Tình yêu.
Lạy Chúa của con, con yêu Chúa! Chúa Tình Yêu của con, Giêsu dịu hiền của con, người yêu nhất của tâm hồn con. Con yêu Chúa vì Chúa đã yêu con trước. Chúa đã ban cho chúng con bí quyết hạnh phúc. Chúa đến hoàn thiện giới răn yêu thương vào tâm hồn con.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, khi ban Con Chúa cho chúng con, Chúa mặc khải cho chúng con khuôn mặt Chúa và Chúa trở nên gần gũi, thân mật với chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa truyền dạy chúng con yêu như Chúa yêu, nhưng chúng con vẫn còn nhiều lỗi lầm. Chúng con không biết cứ để cho Chúa yêu vì chúng con còn sợ tình yêu của Chúa. Xin ban cho chúng con cái nhìn hy vọng của Chúa đối với chúng con và anh chị em chúng con để chúng con yêu thương nhau trong chân lý. Amen!

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

======================= 
Suy niệm 2
CỐT LÕI CỦA LUẬT LÀ LÒNG MẾN
(Xh 22, 21 - 27; 1Tx 1, 5c - 10; Mt 22, 34 - 40)
Khi nói về tình yêu, hẳn đã có quá nhiều người biết và định nghĩa về chúng. Tuy nhiên, khi sống căn tính về tình yêu, thì có lẽ không mấy người đạt được! Đôi khi còn hiểu sai hay hành động lệch lạc hoặc phiến diện. Vì thế, sự cao quý của nó đôi khi bị mất ý nghĩa...!
Tin Mừng hôm nay được Đức Giêsu nói đến một thứ tình yêu hoàn hảo và phong phú. Hoàn hảo là vì khi yêu mến Chúa trên hết mọi sự, thì chúng ta sẽ được kín múc nguồn lực để yêu mến tất cả mọi người không trừ ai. Phong phú vì: “Giới hạn của tình yêu là không có giới hạn nào” (thánh Augustinô). Thật thế, mến Chúa và yêu người là hai mặt nhưng chỉ có một tình yêu. Vì thế, nó không thể tách rời nhau, mà là hòa quyện lại với nhau để làm nên điều thiện hảo.
1. Mến Chúa gắn liền với yêu người
Những người Biệt Phái vốn đã có sẵn sự hiềm khích với Đức Giêsu. Có lẽ, với người Biệt Phái, họ không mong muốn gì hơn là việc loại bỏ Đức Giêsu càng sớm càng tốt cho đỡ ngang tai trái mắt, bởi vì Đức Giêsu chẳng khác gì cái đó ngáng chỗ của họ. Vì Ngài, mà những người này đã phải mất ăn mất ngủ để tìm ra những mưu kế nhằm gài bẫy Đức Giêsu.
Hôm nay, vẫn nằm trong ý định đó, nên họ đã nhất trí với nhau là đề cử một người đại diện để đứng lên hỏi Đức Giêsu về điều răn nào là trọng nhất trong Sách Luật. Đây là câu hỏi khó, không dễ trả lời!
Tại sao họ lại hỏi câu nói đó? Thưa vì trong Sách Luật Môsê có tới 613 điều luật, được chia thành 248 điều phải làm và 365 điều phải tránh. Tuy nhiên, ngay trong các nhóm của họ cũng bất đồng với nhau: mỗi nhóm thích giữ một điều luật và cho điều luật ấy là quan trọng hơn cả. Như vậy, nếu Đức Giêsu nói điều này hơn điều kia, thì hẳn Ngài sẽ làm phật lòng các nhóm còn lại, và như thế, không có lợi gì cho Ngài.
Tuy nhiên, lại một lần nữa, Đức Giêsu đã làm cho mục đích của họ bại lộ và phải câm miệng như nhóm Sađốc. Ngài nói: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy". (Mt 22,37-40).
Khi nói "Điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy", Đức Giêsu muốn dạy cho họ một chân lý rằng: mến Chúa thì phải yêu thương anh chị em mình. Hai điều răn này luôn gắn liền với nhau. Kẻ nào mến Chúa mà không yêu người thì mâu thuẫn, hay yêu người mà không mến Chúa cũng chẳng khác gì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Thánh Gioan cũng nói trong thư của ngài như sau: "Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).
Qua câu trả lời của Đức Giêsu, chúng ta thấy có sự mới mẻ và phổ quát, không hàm hồ mà thực tế. Bởi lẽ, câu trả lời này đều được rút ra từ chính trong sách Luật Môsê và nó có sự liên đới với nhau mật thiết đến độ không thể bỏ một lấy một hay coi trọng điều này mà giảm khinh điều kia.
Thật vậy, tình yêu thương là quan trọng. Thiếu đi tình yêu thương, chúng ta đánh mất đi cốt lõi của luật. Vì thế, thánh Phaolô cũng quả quyết: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13, 13).
2. Mến Chúa, yêu người gắn liền với lòng bác ái và hy sinh
Như vậy, chúng ta đã nhận ra điều quan trọng trong toàn bộ Lề Luật, đó là lòng mến. Lòng mến này được thể hiện qua đức ái. Nếu không có đức ái, thì tình yêu của chúng ta sẽ chẳng khác gì một sự lừa bịp. Hay như trò “khua chiêng gõ mõ”.
Khi nói về vấn đề này, thánh Phaolô đã giải thích như sau: "Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ [...] Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm, và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được,[...] Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi" (x. 1 Cr 13,1-3). 
Như vậy, đối với chúng ta, những người Công Giáo, dấu chỉ để nhận biết chúng ta có yêu Chúa thật lòng hay không lại phụ thuộc vào tình yêu của chúng ta dành cho tha nhân. Và để nhận biết được tình yêu đó lớn hay nhỏ lại phụ thuộc vào đức ái được đặt để trong tình yêu. Thật vậy: “Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7).
Khi yêu thương anh chị em mình cách chân thành, đấy là dấu chỉ chúng ta đang thuộc về Chúa, vì: "Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy" (1 Ga 4,16), còn nếu: "Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,8).
Nói cách khác, chúng ta biết yêu và có động lực để yêu là vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương trước: "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5). 
Như vậy, ta cũng có thể hiểu tình yêu được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa, và ai có được tình yêu với tha nhân thì đã hội ngộ cùng Thiên Chúa và đã ở trong Ngài.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Cả cuộc đời của Đức Giêsu là hiện thân của một cuộc tình giữa Thiên Chúa và loài người. Cuộc tình đó, Đức Giêsu là người đi bước trước để đến với loài người. Tình yêu của Ngài là một tình yêu hướng tha.
Khi khai mở một cuộc tình như thế, Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy đi trên lộ trình của cuộc tình như Ngài đã chấp nhận hy sinh, phục vụ và hiến thân vì người mình yêu. Bởi vì: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Ngày nay, có rất nhiều người lầm tưởng và nghĩ rằng: muốn nên thánh thì phải làm được những chuyện lớn lao, vĩ đại, siêu quần bạt chúng; hay phải là một người đạo đức trổi vượt, ăn chay quanh năm suốt tháng, sáng lễ, chiều kinh, tối chầu; rồi luôn tham gia hết hội đoàn này đến hội đoàn kia; hoặc ở đâu có hành hương là đầu tư tiền bạc để đi cho kỳ được... Những việc làm này thật đáng ca ngợi, bởi vì một cách nào đó thể hiện sự anh hùng, trung thành, tin tưởng... Tuy nhiên, đây không phải là cốt lõi của Đạo, và đây cũng chưa hẳn là bản chất của sự thánh thiện...!
Thật vậy, sự thánh thiện không hệ tại ở việc tuân giữ Giới Luật của Chúa bề ngoài. Bề ngoài thực sự chỉ có giá trị khi nó được thúc đẩy bởi lòng mến mà thôi. Nếu có lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em thực sự thì những việc ta làm ở trên mới có giá trị, bằng không nó sẽ vô nghĩa nếu không muốn nói là sẽ nguy hại cho linh hồn, vì: chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng như những người Biệt Phái, Luật Sĩ sống hình thức, giả hình bên ngoài.
Thiên Chúa sẽ không căn cứ vào chuyện ta làm được nhiều hay ít; đọc nhiều kinh; cầu nguyện lâu giờ cũng như đi hết nơi này nơi kia..., nhưng, Chúa sẽ dựa trên tình yêu ta đặt vào đó nhiều hay ít mà trọng thưởng chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu được rằng: mọi sự sẽ vô nghĩa nếu không có tình yêu. Xin Chúa ban cho chúng con luôn luôn lấy tình yêu làm căn cốt, để chúng con được ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

======================
Suy niệm 3
Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự
(Mt 22, 34 - 40)
Lại một bẫy khác do con người đặt ra để thử lòng Thiên Chúa. Thay vì một nhóm người như trước, họ chọn ra một đại diện cho cả nhóm. Vì muốn thử thách Chúa, họ chọn một vị thông luật, đã là thông luật nên chắc ông này phải thuộc nằm lòng 613 điều luật ghi trong sách Luật Do thái, trong đó 365 điều luật cấm và 248 điều luật truyền làm, chưa kể các điều luật phụ nữa. Ông cũng biết các điều trên được chia thành hai vế trọng luật và khinh luật. Phạm khinh luật thì chịu phạt đền tội, nhưng phạm trọng luật như giết người, thờ tà thần, gian dâm... thì bị tử hình. Vì là viên thông luật, hiển nhiên ông biết rõ mỗi nhóm thích giữ một điều luật và cho rằng điều ấy đối với họ là quan trọng hơn cả, có thể Chúa Giêsu đưa ra điều này trọng đối với nhóm này nhưng lại thường đối với nhóm kia, đó là lý do ông đặt ra câu hỏi với Chúa Giêsu hòng nắm chắc phần thắng về mình: “Thưa Thầy, trong lề luật điều răn nào trọng nhất?”
Hai Điều răn
Thật không dễ để trả lời. Nếu Chúa trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng thì thế nào Người cũng bị quy lỗi  là về phe nhóm này, chống nhóm kia, và như vậy Người sẽ mắc bẫy của họ.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa thấu hiểu lòng người, nhưng Chúa vẫn trả lời. Chúng ta cũng cám ơn vị thông luật này đã hỏi thử Chúa để chúng ta có được chỉ dẫn rõ ràng, xác thực về thứ tự các giới răn.
Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" (Mt 22, 37). Câu luật này trích trong sách Đệ nhị luật 6,5 có đổi một chút, thay vì “hết sức” thì Chúa nói là “hết trí khôn”. Song cốt yếu không có gì đổi.
Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi" (Mt 22, 39). Luật này trích ở sách Lêvi 19,18 có khác ở chỗ thay vì yêu kẻ khác thì yêu đồng loại: "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình".  
Ba đối tượng yêu thương
Chúa Giêsu kết luận : "Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó" (Mt 22, 38). Điều răn thì có : thứ nhất mến Chúa, thứ hai yêu người, nhưng gồm ba đối tượng yêu thương: Thiên Chúa, kẻ khác và bản thân.
Đối tượng thứ nhất là Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất" (Mt 22, 37-38).
Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta nhiều điều, bởi "yêu mến là chu toàn cả Lề luật" (Rm 13, 10). Nhưng tình yêu có hai vế: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương kẻ khác... Khi dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Còn yêu thương kẻ khác, Chúa Giêsu không bảo ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ; nhưng "yêu kẻ khác như chính mình. Tại sao vậy ? Vì Thiên Chúa "là dũng lực, là Đá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh, là sơn động, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù chúng ta" (x. Tv 17, 2-3), nên chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa không những hết… mà còn trên hết mọi sự, hơn cả chính mình, vì theo lời Chúa Giêsu thì: "Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất" (Mt 22, 38).
Đối tượng thứ hai là "kẻ khác" Chúa phán: "Giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi" (Mt 22, 39).
Theo quan niệm của Người Do thái lúc bấy giờ thì "tha nhân" là những người đồng chủng, đồng hương, đồng xứ (x. Lv 19, 18).  Còn “kẻ khác” được hiểu là hết mọi người, (x. Mt 25, 40). Khi Chúa Giêsu bảo người thông luật "hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi", Người có ý dạy phải thương yêu mọi người chứ không giới hạn trong những người đồng hương với nhau (Mt 25, 40), không những thế mà lại còn phải yêu thương cả địch thù nữa (Mt 5, 43), và yêu như thế nào ? "Yêu như chính mình ngươi".
Chúa có truyền dạy chúng ta yêu chính mình không? Thưa : Thiên Chúa xét thấy không cần buộc con người phải yêu chính mình, vì không ai ghét mình bao giờ. Nhưng cũng có nhiều người tự đánh mất mình khi yêu mến sự ác. Chúa dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, Người truyền cho chúng ta giới luật phải yêu chính mình. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn yêu mình. Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng ta là kẻ có tình yêu. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một tình yêu khác với chúng ta nghĩ. Tình yêu ấy nuôi dưỡng và củng cố các mối quan hệ của tình yêu chúng ta dành cho bản thân và kẻ khác. Trong thực tế, chúng ta phải yêu bản thân mình trong tình yêu Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, và chúng ta có thể bước vào trong tình yêu. Vậy, hãy yêu mến Thiên Chúa hết mình, thì trong Thiên Chúa chúng ta sẽ tìm được chính mình, và tránh được nguy cơ tự đánh mất mình… Nên, theo nguyên tắc, ta yêu kẻ khác như chính mình, yêu Thiên Chúa hết mình và yêu chính mình.
Yêu kẻ khác như chính mình
Khi truyền dạy "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình", Chúa Giêsu như đặt một tấm gương để tự chúng ta soi xem mình có yêu "kẻ khác" hay không? Chúa Giêsu xem tình yêu "kẻ khác" như "mệnh lệnh của Người," mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. "Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em" (Ga 15, 12). Nhiều người có khi đồng hóa toàn thể Kitô giáo với luật yêu người.
Chúng ta cố gắng đi xa hơn một chút bề mặt của sự việc. Khi nói về tình yêu kẻ khác, người ta nghĩ ngay tới những "việc làm" như bác ái, hay "phải làm" cho kẻ khác như: cho họ ăn, uống, thăm viếng họ, nói tóm tắt là giúp đỡ kẻ khác. Nhưng đó là hậu quả của tình yêu, chứ chưa phải là tình yêu. Lòng từ tâm tới trước sự làm phúc. Trước khi làm phúc, người ta phải muốn làm phúc.
Thánh Phaolô nói rõ : Đức bác ái phải là "không giả vờ," tức là, phải chân thật, nghĩa đen, "không giả hình," (Rm 12, 9); người ta phải yêu "với một con tim trong sạch" (1 Pr 1, 22). Trên thực tế, người ta có thể làm việc bác ái và bố thí vì nhiều lý do không dính dáp gì với tình yêu: tô điểm chính mình, để ra vẻ là một người làm điều thiện, được lên thiên đàng, và có khi để trấn an một lương tâm xấu.
"Như chính mình" Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh người được yêu đồng hóa với người yêu, vì vậy, phải yêu thương kẻ khác bằng chính tình yêu đối với bản thân, nhưng tiên vàn phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Phú Nghĩa Thạch Thất rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ
Giáo xứ Phú Nghĩa Thạch Thất rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ
“Maria đoàn con kính chào. Mẹ cao sang Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Khắp muôn phương cùng về đây hát vang, xin noi theo Mẹ mẫu gương hiệp hành.” Trong tâm tình yêu mến và tôn kính, tối ngày 04/05/2024, giáo xứ Phú Nghĩa Thạch Thất hân hoan tổ chức cuộc rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log