Thứ năm, 25/04/2024

Đồng hành cùng Khôi Bình - tháng 2/2014

Cập nhật lúc 08:42 26/02/2014
Lời ngỏ

Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Hàng năm Mùa Chay chuẩn bị chúng ta họp mừng Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh: Ngài đã vượt qua cõi chết để vào cõi sống vĩnh hằng. Chúa ta được mẹ Giáo hội mời gọi nỗ lực lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong bầu khí chay tịnh và chia sẻ, để cùng chết và phục sinh với Chúa Giêsu.
Các Bí tích khai tâm Kitô giáo, là các Bí tích Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh Thể, đã đưa chúng ta vào cuộc hành trình vượt qua này: chúng ta đã được thông phần vào cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Từ đó, chúng ta được kêu gọi tiếp tục đi theo Chúa Giêsu, để được Ngài tái sinh và trở nên hình ảnh trọn vẹn của Thiên Chúa.
Hành trình đổi mới này, làm cho chúng ta trở nên Con Người Mới, đồng hành đồng dạng với Chúa Giêsu, theo gương thánh Phaolô (Pl 3, 10 -13). Hành trình này không chỉ kéo dài trong Mùa Chay mà thôi, song phải liên tục suốt cuộc đời chúng ta.
Vậy làm sao chúng ta có thể sống ơn gọi hay tinh thần Vượt qua này trong suốt cuộc sống của mình? Trong suốt thời gian vừa qua, Chúa đã cho tôi hiểu được rằng: Sinh hoạt Gia đình hằng tuần hay ít nhất hàng tháng là phương thế hữu hiệu và tốt nhất giúp chúng ta ngày càng trở nên giống Chúa Phục sinh.
Tại sao vậy? Khi chúng ta ngừng tay và nghỉ chân để ngồi xuống và ngồi lại với nhau trong Chúa. Chúng ta sẽ có cơ hội để nhìn lại mình và đời sống, để nghe mình, nghe Chúa và nghe anh chị em, để nói với Chúa và nói với nhau. Khi lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau, mỗi người sẽ có dịp ngẫm nghĩ về cuộc sống, về bản thân; đồng thời, nghiệm xét trái tim của mình và nối kết với Chúa và anh chị em hơn. Và khi nối kết với Chúa và anh chị em hơn, mỗi người chúng ta sẽ nhận được ánh sáng, sức mạnh của Chúa Thánh Thần cho phép đổi mới con người và cuộc sống cũng như môi trường sống chung quanh chúng ta. Như vậy, mỗi buổi sinh hoạt Gia đình là một ngày Thứ sáu Tuần Thánh, là một Chủ nhật Phục sinh. Sinh hoạt Gia đình trở thành một “Bí tích”, giúp chúng ta thông phần vào Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu.
Khám phá lại ý nghĩa và giá trị của buổi sinh hoạt Gia đình như vậy, xin quý anh chị quan tâm học học và chia sẻ bài “Gia đình sống và cử hành Bí tích của lòng thương xót” - tài liệu học hỏi của UBMVGĐ trực thuộc HĐGMVN trong tháng 03/2014 này.
Chúng ta hãy luôn chiêm niệm tình thương bao la của Chúa và ngợi khen đường lối kỳ lạ của Ngài dùng để cứu độ chúng ta. Hãy hết sức và cẩn trọng quan sát mọi dấu lạ lớn nhỏ mà Ngài làm cho Cộng đoàn chúng ta để thêm xác tín và quyết tâm phụng sự Chúa trong linh đạo Khôi Bình. Kính chúc anh chị em một Mùa Vượt Qua đầy ân phúc.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA:  CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
St 2, 7- 9; 3,1-7 ; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11
Vào Chủ nhật I Mùa Chay, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu trong cuộc chiến đấu với Satan. Năm này chúng ta nghe bản văn của thánh Matthêu. Để thấu hiểu ngụ ý của Matthêu, chúng ta đừng quên là ông viết quyển Tin mừng này cho những người Do thái. Đối với những người Do thái thì sự kiện cơ bản là ông Môsê ngày xưa đã đưa Dân qua sa mạc để tiến về Đất hứa. Thánh Matthêu muốn chứng minh cho những người đồng hương và đồng đạo của mình thấy: Đức Giêsu là người Israel mới thực hiện trọn vẹn dự định của Thiên Chúa; là Môsê mới dẫn đưa Dân trong cuộc hành trình về Nước Trời. Ý hướng đó của tác giả được biểu lộ ra trong suốt cả quyển Tin mừng, đặc biệt là trong bài trình thuật về cuộc chiến đấu của Đức Giêsu với Satan trong sa mạc.  Ngày xưa trong sa mạc dân Israel đã sa ngã thảm thương và không làm đẹp lòng Thiên Chúa. Bây giờ Đức Giêsu, với tư cách là người Israel mới, đã trải qua những thử thách như Israel xưa, nhưng đã chiến thắng. Ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu chính là ba cơn thử thách lớn mà Israel xưa đã trải qua.
Cơn cám dỗ thứ nhất, phát xuất từ cái đói của Đức Giêsu. Ma quỷ gợi ý cho Đức Giêsu: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi.” Ngày xưa trong sa mạc, dân Israel cũng đã cảm thấy đói. Nhưng thay vì tin tưởng vào Thiên Chúa, họ đã phàn nàn và kêu trách hai ông Môsê và Aharon. Họ nói: "Phải chi chúng tôi chết đi bởi tay Giavê trong đất Ai cập, khi còn ngồi bên siêu thịt và được ăn bánh thỏa thuê. Thật các ông đã đem chúng tôi vào sa mạc này để làm cả lũ chết đói ở đây" (Xh 16, 2-3). Còn Đức Giêsu, mặc dầu đói, nhưng đã trả lời cho Satan: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Đnl 8, 3). Trong câu trả lời này, trước hết Đức Giêsu khẳng định là Người không muốn tự động dùng quyền năng mà Thiên Chúa đã ban cho mình để tự lo cho mình mà không cần đến Thiên Chúa; Người muốn sống trong sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Đàng khác người đặt lương thực tinh thần trên lương thực vật chất. Lương thực tinh thần là Lời của Thiên Chúa, là thánh ý của Người. Sau này có lần các môn đệ hỏi Đức Giêsu là đã có ai đem cho Người thức ăn chưa, thì Người trả lời : "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy" (Ga 4, 33).
Trong cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ đưa Đức Giêsu lên thượng đỉnh Đền thờ và nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống coi ! Bởi đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Thấy Đức Giêsu trông cậy vào Thiên Chúa, lại thông biết Kinh thánh, nên ma quỷ dùng Kinh thánh để tấn công. Nó dùng Thánh vịnh 91,11 nói về việc Thiên Chúa phù hộ các tín hữu, để gợi ý cho Đức Giêsu nhảy từ nóc Đền thờ xuống, xem Thiên Chúa có biểu lộ quyền năng của Người hay không. Ngày xưa trong sa mạc, tại vùng Mat-xa và Mê-ri-ba dân Israel đã khát nước và đã đòi Thiên Chúa phải biểu lộ quyền năng để mà tin. Sách Xuất hành kể: "Họ đã thử thách Giavê mà rằng: Có Giavê ở giữa chúng ta hay không ?" (Xh 17,1-7). Nếu Đức Giêsu nghe theo lời ma quỷ, tức là thách đố Thiên Chúa biểu lộ quyền năng, để tìm vinh quang cá nhân, vì nếu từ trên nóc Đền thờ nhảy xuống mà không can hề gì, thì chắc chắn dân chúng sẽ tung hô. Một lần nữa Đức Giêsu đã dùng Kinh thánh để trả lời : "Nhưng cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi" (Đnl 6,16).
Trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đem Đức Giêsu lên một ngọn núi cao, và chỉ cho Người thấy các nước thiên hạ và các thứ phú quý, rồi nói: "Tôi sẽ cho ông tất cả những cái ấy, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi.” Một cơn cám dỗ đã hằng theo đuổi dân Israel, chẳng những trong thời gian hành trình trong sa mạc, mà cả khi đã định cư trên đất Palestina: đó là thờ lạy các tà thần mong được giàu sang, quyền thế, có khả năng thống trị các quốc gia khác. Trong sa mạc họ đã thờ lạy con bò vàng (Xh 32), và khi đã vào Đất hứa, nhiều lần họ đã chạy theo thần Baal hoặc nữ thần Astarté mà các dân ngoại thờ lạy. Còn Đức Giêsu đã gạt ngay chước cám dỗ và đáp: "Quỷ Satan kia, xéo đi! vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” Câu trả lời này của Đức Giêsu cũng dựa trên một câu Kinh thánh, trích từ sách Đệ nhị luật (6,13).
Đó là ba chước cám dỗ lớn nhất mà dân Israel đã trải qua và đã sa ngã. Đức Giêsu đã vào sa mạc, đã sống lại kinh nghiệm của dân Israel xưa, nhưng Người đã chiến thắng. Như vậy Đức Giêsu là khởi điểm của một Israel mới. Người hoàn tất nơi chính bản thân mình điều mà Thiên Chúa đã chờ đợi nơi dân Israel xưa.
Chúng ta lưu ý thêm là trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ "đưa Đức Giêsu lên một ngọn núi rất cao và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy.” Câu nói của thánh Matthêu gợi lại cho chúng ta ngọn núi Nêbô mà ông Môsê đã được Thiên Chúa bảo lên trước khi qua đời. Sách Đệ nhị luật viết: "Môsê lên núi Nêbô … và Giavê tỏ cho ông thất tất cả xứ … Và Giavê phán: Đó là đất Ta đã thề với Abraham, Isaac, và Giacóp rằng: Ta sẽ ban cho dòng giống ngươi ! Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không qua đó" (Đnl 34,1-2). Ma quỷ tỏ ra đại lượng hơn Thiên Chúa khi hứa cho Đức Giêsu không chỉ là đất Palestina, mà là "tất cả các nước thế gian.” Và để chỉ cho Đức Giêsu thấy, Satan cũng đã "đưa Đức Giêsu lên một ngọn núi rất cao." Qua gợi ý trên, thánh Matthêu muốn nói: Ông Môsê đã trông thấy Đất hứa, nhưng không đưa dân Israel vào đó. Còn Đức Giêsu, sau khi sống lại, đã hiện ra với các môn đệ trên một ngọn núi, rồi nói với các môn đệ: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ …" (Mt 28,16-19). Như vậy Đức Giêsu đích thực là Môsê mới, là vị lãnh đạo mới của Dân Thiên Chúa, Người sẽ dẫn đưa Dân Chúa vào Nước Trời.
Như vậy, theo thánh Matthêu, với tư cách là người Israel mới, Đức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ và đã hoàn tất chương trình của Thiên Chúa. Người trở thành mẫu mực cho chúng ta noi theo: Người đã biểu lộ mình là Con Thiên Chúa không phải bằng các phép lạ, bằng các việc vẻ vang, bằng vinh quang và quyền lực, nhưng bằng thái độ khiêm hạ, tuân phục Chúa Cha trong mọi sự. Với tư cách là Môsê mới, Người là vị lãnh đạo của Dân Thiên Chúa trong cuộc hành trình về thiên quốc.
 
Thánh Phaolô còn mở rộng tầm nhìn cho chúng ta: Đức Giêsu không chỉ là Môsê mới mà còn là Ađam mới, như chúng ta được nghe trong thư gửi tín hữu Rôma (bài đọc II), Người là khởi điểm mới không riêng gì cho dân Israel mà cho tất cả nhân loại. Trong lúc Ađam cũ sa ngã, thì Người đã chiến thắng, không những với tư cách là gương mẫu mà còn với tư cách là Đấng cứu độ. Vậy nếu chúng ta tin vào Người, thì cuộc chiến thắng của Người trên con rắn xưa, tức là trên ma quỷ, sẽ trở thành cuộc chiến thắng của chính chúng ta.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1.        Cuộc sống văn minh hôm nay cho chúng ta nhiều cám dỗ hấp dẫn hơn. Theo anh (chị) cám dỗ nào là đáng sợ nhất hiện nay? Ðâu là tác hại của nó?
2.        Anh (chị) hãy chia sẻ một kinh nghiệm bị cám dỗ mà anh chị đã vượt qua được.
 

II. GIA ĐÌNH SỐNG VÀ CỬ HÀNH: BÍ TÍCH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Tài liệu học hỏi của UBMVGĐ trực thuộc HĐGMVN - Tháng 03/2014
 
Lời Chúa: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37).
Ý cầu nguyện: Xin cho các thành viên trong gia đình cảm nhận được lòng Lân tuất hay Tha thứ của Thiên Chúa, và biết yêu thương chịu đựng, tha thứ lẫn nhau.

1. “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”

Chúa Giêsu kêu gọi sám hối trong khi loan báo tin mừng Nước Thiên Chúa: “Thời kì đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời kêu gọi này trước hết nhằm đến những người chưa biết Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Chính nhờ tin vào Tin Mừng và nhờ bí tích Rửa tội mà người ta từ bỏ sự dữ và đạt được ơn cứu độ, nghĩa là được ơn tha thứ mọi tội lỗi và được hưởng hồng ân sự sống mới[1]. Thế nhưng lời kêu gọi hối cải này vẫn tiếp tục vang vọng trong đời sống các Kitô hữu. “Hội Thánh có nước và nước mắt” (th. Ambrôsiô). Nước là của bí tích Rửa tội, và nước mắt là sự sám hối dành cho một bí tích khác. Cuộc hối cải thứ hai này là một nhiệm vụ liên tục của toàn thể Hội Thánh vì “mang trong lòng mình những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh luyện”[2]. “Hội Thánh tại gia”, càng cảm nghiệm và được kêu gọi sống điều này hơn ai hết, vì họ phải sống bổn phận nên thánh của gia đình Kitô hữu, vì lắm khi họ không trung thành với sự “mới mẻ” của phép Thánh Tẩy vốn đã làm cho họ được nên “thánh”, vì không phải bao giờ họ cũng sống trung thành với luật ân sủng và sự thánh thiện do bí tích Thánh Tẩy đem lại và được tái công bố trong bí tích Hôn Phối.[3]
Sự hối hận và tha thứ thường xuyên cho nhau trong đời sống hằng ngày của gia đình Kitô hữu mới dẫn đến bí tích thống hối Kitô giáo. Đức giáo hoàng Phaolô VI nhắn nhủ các gia đình: “Nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng trên họ, ước gì họ đừng nản lòng, nhưng hãy kiên nhẫn và khiêm tốn chạy đến với Lòng Thương Xót của Chúa, vốn vẫn luôn tuôn đổ dạt dào trong bí tích Thống hối”[4].

2. “Chúa đã tha thứ cho anh em” (Cl 3,13)

Việc cử hành bí tích này, còn gọi là bí tích Giải tội hay bí tích Tha Thứ, có một ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống gia đình. Thật vậy, trong khi nhờ đức tin họ thấy rằng tội lỗi không chỉ chống nghịch lại giao ước với Thiên Chúa, mà còn mâu thuẫn với giao ước giữa đôi bạn và với tình hiệp thông gia đình; đôi bạn và tất cả các thành viên gia đình còn được dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa “giàu lòng xót thương” (Ep 2,4), là Đấng tái thiết và hoàn thiện giao ước hôn nhân và sự hiệp thông gia đình khi Ngài thông ban tình yêu cho ta, một tình yêu mạnh mẽ hơn cả tội lỗi[5]. Ơn Tha thứ của bí tích Giải tội là một ơn huệ lớn cho đời ta, vì luôn có thể được bắt đầu lại khi nào ta còn sống, bí tích này quả thực làm mới lại, bỏ bớt gánh nặng tội lỗi và trở ngại đã qua, khi được ta đón nhận trong tình yêu và đầy sinh lực mới. Thiên Chúa giàu lòng thương xót ước mong tha thiết của Ngài là, ta là tội nhân khẩn nài lòng thương xót của Ngài. Ai đã xưng tội là mở cuốn sách đời mình sang một trang mới trắng tinh.[6]
Để được ơn tha tội, ta cần phải có lòng ăn năn thống hối về tội ta đã phạm đồng thời nhận thấy rằng giữa Tình yêu Chúa và tội lỗi của ta có sự mâu thuẫn trái nghịch. Ta đau lòng vì tội đã phạm. Ta quyết tâm thay đổi đời sống và trông cậy ơn Chúa giúp đỡ. Tại tòa giải tội, trước mặt Chúa qua vị linh mục, ta cần phải tự mình xưng tội ra với ngài, và có thể bao gồm cả việc đền tội sau đó, theo chỉ định của linh mục giải tội. Linh mục nhân danh Chúa mà ban ơn tha tội.
Đối với đôi bạn kitô hữu, sự sám hối trở về, phải vừa thực tế vừa thiêng liêng. Điều đó có nghĩa là họ buộc phải thực hiện những chọn lựa đạo đức phù hợp với ý muốn của Đức Kitô và hiệp thông trong Thánh Thần. Ngày nay, những mục tiêu đặc thù của đời hôn nhân (như hợp nhất, chung thủy và mở ngỏ cho sự sống) cần phải được sống đến mức làm nổi bật sự ưu việt của tính bí tích, tức là đôi bạn và gia đình của họ phải sống làm sao chiếu tỏa ánh rạng ngời thiêng liêng. Họ không chỉ là một cộng đoàn “được cứu độ” đón nhận tình yêu của Chúa Kitô, mà còn hơn thế nữa, được gọi để chuyển thông tình yêu của Chúa Kitô đến cho anh em mình nghĩa là trở thành một cộng đoàn “cứu độ”. Một gia đình truyền giáo. Sự sám hối của đôi bạn trở về với tình yêu Chúa Kitô đồng thời giả thiết đôi bạn phải cởi mở cụ thể và thường xuyên đối với mọi tác động của Chúa Thánh Thần, vì thiếu Ngài sẽ không thể có sự thánh thiện, cũng như sự hiệp thông và truyền giáo. «Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa» (Rm 8,14).

3. “Anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13)

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin: “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Lời cầu xin tha tội này của chúng ta sẽ không được nhậm lời nếu trước đó chúng ta không đáp ứng một đòi buộc của nó: biết tha thứ cho anh em[7]. Thật vậy, vì “nguồn ơn thương xót này của Thiên Chúa không thể thấm nhập vào trái tim chúng ta, một khi chúng ta không tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta”[8]. Và vì Tình yêu cũng như Thân Thể Đức Kitô, thì không thể phân chia: chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà ta không thấy, nếu chúng ta không yêu mến anh chị em mà chúng ta đang thấy được (x. 1Ga 4,20).
Gia đình là cộng đồng sự sống chung và tình yêu thương thân mật, và  vì “có chung thì có đụng” nên giữa các thành viên, vợ-chồng và cha mẹ-con cái, anh-chị-em, không thể tránh khỏi làm phiền lòng nhau và tổn thương nhau, được mời gọi trước hết biết “chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau” (x. Cl 3,13). Múc từ nguồn ơn thương xót trong bí tích Tha Thứ, mọi người được nối bằng mối dây liên kết tuyệt hảo, là bác ái, sẽ biết “thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (x. Cl 3,12). Sự Bình an của Đức Kitô ngự trị giữa gia đình.

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận:

  1. Mọi người trong gia đình tôi có nhận ra bí tích Thống hối và Giao hòa là hồng ân lớn lao của Lòng Chúa Xót Thương không?
  2. Các thành viên trong gia đình, nhất là bậc làm cha mẹ, ông bà, anh chị, có thường xuyên nhắc nhủ, thúc giục sống và tìm ơn tha thứ trong bí tích này hay không?
  3. Gia đình tôi có biết luôn tha thứ cho nhau hay thường “giận nhau lâu” vì cứ “cắn nhau đau”? Tôi có “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” đối với mọi người?
Chú thích:
[1] X. GLHTCG 1427.
[2] LG 8.
[3] X. FC 58.
[4] Phaolô VI, Tđ. Humanae Vitae 25; FC 58.
[5] Gioan-Phaolô II, Tđ. Dives in misericordia, số 13; FC 58.
[6] X. GLHTCG cho Người Trẻ: Youcat Việt Nam, 226.
[7] X. GLHTCG 2838.
[8] GLHTCG 2840.
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Chiều ngày 22.04.2024 Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, đã viếng thăm và huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế. Trong bài chia sẻ này, Đức Cha mời gọi các chủng sinh ước mơ và mong muốn trở thành một linh mục thánh thiện.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log