Thứ năm, 28/03/2024
Số giáo họ:10
Số giáo dân:1.050
Bổn mạng: Thánh Giuse - ngày kính 19/03
Linh mục xứ: Quản xứ Giuse Maria Nguyễn Đức Huy,CRM
Địa chỉ: Nhà thờ Lương Sơn, thôn Ấp Giáo, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ
Lược sử Giáo xứ Lương Sơn
Giáo xứ Lương Sơn nằm sát bên bờ Sông Đà, sát tỉnh lộ 317, Thanh Sơn đi Thanh Thủy và đường 316 Thanh Sơn đi Hòa Bình. Giáo xứ Lương Sơn nằm trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, gồm 6 xã: Tinh Nhuệ, Lương Nha, Yên Sơn, Hương Cần, Tân Lập và Tân Minh. Sau đây, chúng ta cùng nhau nhìn lại đôi dòng lịch sử hình thành cũng như quá trình phát triển của giáo xứ Lương Sơn.
1. Hạt giống Tin mừng đầu tiên:
Năm 1906: Hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo vào mảnh đất Lương Sơn, gồm 2 gia đình là ông bà Dụ, quê Đoan Hạ và ông bà Thuận, quê Bích Chu lên lập nghiệp bằng nghề kiếm cá trên Sông Đà và định cư tại đây.
Thời gian này, nơi đây gọi là làng Lương Sơn Tổng Tinh Đề, gồm 3 xã như: Tinh Nhuệ, Yên Sơn và Lương Nha.
2. Hạt giống Tin mừng phát triển:
Từ hai gia đình đầu tiên, số người tăng dần, bà con tại Lương Sơn sống theo Đạo, sống ổn định, Đức cha Lộc bổ nhiệm cha Hiển và ông già Mục đến giảng dạy Giáo lý, rửa tội cho những người theo Đạo. Họ đạo lấy tên là Lương Sơn, thuộc xứ Hoàng Xá.
Năm 1907: nhà nguyện đầu tiên được dựng lên với 3 gian nhà bằng gỗ rừng, lợp tranh cỏ, cửa đan bằng phên nứa, chọn thánh Giuse làm quan thầy, mừng vào ngày 19 tháng 03.
Năm 1910: Cha cố Lượng chính xứ Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ nghe biết tình trạng giáo dân Lương Sơn có hiện tượng: ban ngày thì đọc kinh, tối đến lại khua chuông, gõ mõ, cúng bái nên ngài đã mời toàn bộ người dân làng Lương Sơn lại và ra nghị quyết: Ai theo Đạo Công giáo thì đứng sang một bên, ai không theo thì đứng sang một bên. Họ tự động đứng thành 2 bên. Người theo Đạo Công giáo thì ở xóm dưới (Xóm Giáo), người không theo thì ở xóm trên (Lương Sơn), danh giới tính theo bản đồ xanh thời đó: Thượng Cây Đa Cố – Hạ Ngòi Tôm – Núi Chẹ 1. Khúc sông có bãi nổi, cha Cố Lượng chiêu dân lập ấp cho mọi người sinh sống. Họ đạo lúc đầu có tên là Ấp Giáo, bãi giữa sông có tên là Bãi Đạo.
Năm 1911: Cố Quế người Tây, cha cố Lượng chiêu dân lập ấp từ các nơi đến: gia đình bà Quyền, ông Vĩnh, bà Viễn quê Yên Tập; gia đình ông Hậu quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phú lên nhập cư, giáo họ ổn định và phát triển.
Năm 1939: khởi công xây dựng nhà thờ. Nhà thờ gồm 8 gian, bao gồm cả tháp chuông và gian mặc áo, khuôn viên rộng 15 sào bắc bộ. Trên diện tích này, có nhà phòng, nhà bếp, nhà tràng.
Năm 1942: Đức Cha Kim lên khánh thành, làm phép nhà thờ, treo chuông, ban Bí tích Thêm Sức và rửa tội cho một số người theo Đạo. Đây là giai đoạn hưng thịnh của giáo họ Lương Sơn.
3. Hạt giống Tin mừng bị vùi lấp từ năm 1945 đến 1954
Sau 45 năm giáo họ Lương Sơn nảy mầm và phát triển (1900 –1945) hạt giống đức tin đầu tiên được nở rộ từ hai hộ gia đình: ông bà Dụ, quê Đoan Hạ và ông bà Thuận, quê Bích Chu rồi trở thành Xóm Giáo, với số bà con giáo dân rất đông. Nhưng tới năm 1945, cuộc chiến tranh với Pháp bắt đầu, cũng là lúc bà con giáo dân phải lao đao thử thách về đức tin.
Năm 1948: Dân Ấp Giáo phải đi sơ tán chạy về đồn Vũ. Khi hết việc càn quấy, họ lại trở về Ấp Giáo. Có gia đình phải di cư vào Miền Nam: gia đình ông Dậu (ông cố của nữ tu Maria Nguyễn Thị Tám, Dòng Đa Minh Thánh Tâm, Hố Nai, Đồng Nai). Giai đoạn này, nhà thờ bỏ hoang, không có người chăm nom, bảo quản. Mặt khác nhà thờ bị ảnh hưởng bom đạn, thiên tai, lũ lụt. Nhà thờ bị nứt tường, xô ngói, sập trần, tường bị siêu, rêu mốc.
4. Hạt giống Tin mừng tái sinh, phát triển từ sau 1954 đến nay
Sau năm 1954: hạt giống Tin mừng bắt đầu từ khoảng 20-30 hộ gia đình trở về sinh sống trên Xóm Ấp Giáo này. Giáo họ bầu Ban hành giáo, thu dọn nhà thờ.
Năm 1960: số nhân danh đông, mọi người tập trung tu sửa lại nhà thờ. Do thời tiết, mái dột nên toàn bộ phần mái nhà thờ đã hư hỏng. Họ đã tháo dỡ ngói xuống và lợp lại nhà thờ bằng tranh cỏ. Sinh hoạt trở lại bình thường. Nhưng không lâu sau đó, chính sách di rời toàn bộ dân làng Lương Sơn và Ấp Giáo của chính quyền xã Tinh Nhuệ với nghị quyết di rời dân vào sống trong đồi hoặc đi nơi khác giải phóng khu đất bãi lấy đất canh tác. Ban hành giáo tan rã, bà con phải di rời, nhà thờ không ai chăm sóc, mái nhà thờ trải qua thời gian sập toàn bộ chỉ còn tháp chuông và bốn bức tường.
Năm 1969 - 1971: nhà thờ bị ba lần ngập nước lưng tường do nước Sông Đà lên quá cao, phù sa bồi lấp, nhà thờ bỏ hoang, thành nơi buộc trâu bò. Số giáo dân chạy lũ còn lại khoảng 15 hộ gia đình. Đất xung quanh nhà thờ, chính quyền chia thành đất canh tác, giao khoán cho bà con xã viên trồng ngô, hoa màu.
Năm 1972: ông trùm Công đi làm trang trại trở về và có sự cộng tác của ông Quý, ông Minh dọn dẹp nhà thờ, lợp lại nhà thờ bằng tranh tre nứa, rước tượng từ nhà ông Quý ra, đóng thánh giá ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu trong Tuần Thánh, giáo họ lại phục sinh.
Năm 1976: Cha chính Phaolô Nguyễn Khắc Hy lên họ Vạn Phà Thia, Hòa Bình. Khi trở về, ngài đã vào thăm Họ Giáo, dâng 2 thánh lễ cho bà con giáo dân. Từ đó giáo họ xin cha lên làm phúc, dâng lễ mỗi năm 2 – 3 lần.
Năm 1987: Giá treo chuông rất sơ sài, chuông treo thấp, không người trông nom, chuông nhà thờ bị mất. Chuông nhà thờ hiện nay, do cha Antôn Nguyễn Gia Nhang, quản lý giáo phận mua cho. Gọi là chuông nhưng thực chất là làm bằng vỏ tên lửa.
Năm 1994 - 1996: Cha Giám quản Phaolô Đinh Tiến Cung quản nhiệm xứ Hoàng Xá, cùng giúp ngài có cha Giuse Nguyễn Trung Thoại. Quý cha đã cho sửa lại cây thánh giá trên đồi Thánh giá (Thánh giá cũ xây dựng năm 1936 nhưng do thời gian quá lâu không có người trông nom, xét đánh gãy chỉ còn lại chân thánh giá) có chiều cao 8m, nhà thờ được thay mới bằng 5 vì kèo sắt, lợp ngói mới.  
Năm 1998: Cha Giám quản giáo phận, Giuse Nguyễn Thái Hà quản nhiệm giáo xứ Hoàng Xá, thấy nhà thờ sạch sẽ, gọn gàng, nhà thờ được đặt Mình Thánh Chúa để hiện diện với mọi người.
Năm 2002: Cha xin phép chính quyền tu sửa lại nhà thờ.
Năm 2003: Cha Giuse Kiều Thống, quản nhiệm giáo xứ Hoàng Xá đã cho tu sửa toàn bộ phần áo tường nhà thờ, xây thêm hai tầng tháp, đóng mới toàn bộ cửa nhà thờ như hiện nay.
Năm 2004: Cha Phêrô Phùng Văn Tôn quản nhiệm xứ Hoàng Xá, phụ tá cho ngài là cha Phanxicô Đỗ Đình Đạt. Trong thời gian này, Quý cha đã mua đất của gia đình ông Nhũ để xây dựng nhà phòng, gồm 1 phòng sinh hoạt chung và 2 phòng riêng, xây tường bao nhà thờ, xây hang đá như hiện nay.
Năm 2004: Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, nguyên Giám mục giáo phận Hưng Hóa, lên thăm giáo họ, làm phép hang đá.
Năm 2010 – 2014: Cha Giuse Lê Ngọc Nghi, quản nhiệm xứ Hoàng Xá, phụ tá cho ngài là cha Phêrô Nguyễn Văn Phúc, IMF, Dòng Thừa Sai Đức Tin.
Năm 2011: Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, công bố văn thư thành lập giáo xứ Lương Sơn, tách ra từ giáo xứ Hoàng Xá.
Năm 2014: Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận lại chính thức bổ nhiệm cha Phêrô Phùng Văn Tôn chính xứ Hoàng Xá, quản nhiệm xứ Lương Sơn. Phụ tá cha ngài có cha Giuse Maria Nguyễn Đức Huy, CMC, Dòng Đồng Công, phụ trách Lương Sơn.
5. Quan thầy: Thánh Giuse (19/03).
6. Nhà thờ: Được xây dựng năm 2016 với diện tích 470m2.
7. Số giáo dân: Giáo dân trong toàn Giáo xứ là 1.050 nhân danh.
8. Các linh mục phục vụ theo dòng lịch sử: cha Giuse Đặng Tất Lượng, cha Phaolô Nguyễn Khắc Hy, cha Phaolô Đinh Tiến Cung, cha Giuse Nguyễn Trung Thoại, cha Giuse Nguyễn Thái Hà, cha Giuse Kiều Thống, cha Phêrô Phùng Văn Tôn, cha Giuse Lê Ngọc Nghi, cha Giuse Maria Nguyễn Đức Huy, CRM (2018 - đến nay).
9. Các Giáo họ trong Giáo xứ
9.1.  Giáo họ Lương Sơn
Địa chỉ: Thôn Ấp Giáo, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Thành lập năm: 21/11/2011.
Quan thầy: Thánh Giuse (19/03).
Nhà thờ được xây dựng: Năm 2016.
9.2.  Giáo họ Lương Nha
Năm thành lập: 2000.
Quan thầy: Đức Maria, Mẹ Hội Thánh (lễ mừng vào thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống).
9.3.  Giáo họ Sính
Thành lập năm: 19/11/2011.
Quan thầy: Thánh Phaolô Trở Lại (25/01).
Nhà thờ được xây dựng: Năm 2013.
9.4.  Giáo họ Gò Đa
Năm thành lập: 2012.
Quan thầy: Đức Mẹ Mân Côi (07/10).
Nhà thờ được xây dựng: Năm 2012.
9.5.  Giáo họ Bến Dầm
Năm thành lập: 2000.
Quan thầy: Mẹ Sầu Bi (15/09).
Nhà thờ xâu dựng: Năm 2016.
9.6.  Giáo họ Yên Sơn
Thành lập năm: 29/11/2011.
Quan thầy: Thánh Giuse Thợ (1/5).
9.7.  Giáo họ Tân Minh
Thành lập năm: 15/11/2010.
Quan thầy: Đức Maria Nữ Vương (22/08).
Chưa có nhà thờ.
9.8.  Giáo họ Tân Lập
Năm thành lập: 2014.
Quan thầy: Đức Mẹ Lộ Đức (11/02).
Chưa có Nhà thờ.
9.9.  Giáo họ Hương Cần
Năm thành lập: 16/06/2019.
Quan thầy:  Mẹ Núi Camêlô (16/07).
Chưa có nhà thờ.
9.10 Giáo họ Yên Lãng
Địa chỉ: Xóm Đông Thịnh, Yên Lãng, Thanh Sơn, Phú Thọ.
Năm thành lập: 23/07/2020.
Quan thầy: Mẹ Guadalupe (12/12).
Chưa có nhà thờ. Số giáo dân 56.

 




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập tổ chức Hội thi Kinh nguyện và Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh 2024
Ngày 24.03.2024 Chúa nhật Lễ Lá, giáo xứ Yên Tập đã tổ chức Hội thi Kinh nguyện, Giáo lý mừng Đại lễ Phục Sinh. Hiện diện trong chương trình có cha xứ Giuse Nguyễn Văn Cường, quý dì cộng đoàn Mến Thánh Giá Yên Tập, quý ban tổ chức, ban giám khảo và 750 quý cụ ông bà anh chị em tham gia dự thi.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log